Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 02-06-2023] Tháng 5 năm 2023 ghi nhận báo cáo về 20 học viên Pháp Luân Công đã qua đời do cuộc bức hại của chính quyền cộng sản Trung Quốc.

Các trường hợp tử vong mới được báo cáo xảy ra trong khoảng 6 năm (2017 – 2023), với 1 trường hợp trong năm 2017, một trường hợp trong năm 2021, 3 trường hợp trong năm 2022 và 15 trường hợp trong năm 2023. Do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt ở Trung Quốc, các trường hợp học viên bị tử vong không thể luôn được báo cáo kịp thời hoặc có sẵn thông tin.

Trong 20 học viên nói trên có 9 nữ học viên đến từ 14 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và khu tự trị ở Trung Quốc; Nội Mông Cổ có 3 trường hợp; Hồ Bắc, Liêu Ninh, Giang Tô và Cát Lâm mỗi tỉnh có 2 trường hợp; 9 khu vực còn lại gồm Hồ Nam, Thanh Hải, Hắc Long Giang, Vân Nam, Bắc Kinh, Ninh Hạ, Quảng Đông, Hà Bắc và Hà Nam mỗi tỉnh có 1 trường hợp.

Trong 18 học viên chưa rõ tuổi (tại thời điểm qua đời) có độ tuổi từ 53 tới 85, gồm 4 người ngoài 50 tuổi, 5 người ngoài 60 tuổi, 4 người ngoài 70 tuổi và 5 người ngoài 80 tuổi. Họ đến từ tất cả các giai tầng trong xã hội, gồm một thủ thư, một kỹ sư đường sắt, một y tá và một chủ doanh nghiệp.

Hầu hết học viên qua đời sau khi bị sách nhiễu, giam giữ và tra tấn trong hơn 20 năm. Hai học viên đã bị mù và 3 học viên khác mất đi nửa kia (vợ/chồng) trước khi họ qua đời.

Cụ thể, một y tá ở tỉnh Liêu Ninh đã chăm sóc cho người chồng liệt nửa thân trên trong 13 năm. Bà đã bị bắt giữ sau khi chồng bà qua đời 1 tháng và bị kết án 5,5 năm tù. Sau khi được trả tự do, bởi không chống chọi nổi sự kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần do bị bức hại, bà đã qua đời ở tuổi 54.

Dưới đây là một số trường hợp tử vong chọn lọc. Danh sách và thông tin đầy đủ của 20 học viên này có thể tải xuống tại đây (PDF) (tiếng Anh và tiếng Trung).

Bi kịch gia đình

Một cựu y tá bị bắt giữ chỉ 1 tháng sau cái chết của chồng, bà cũng qua đời vào 9 năm sau đó

Chồng của bà Lưu Tân Dĩnh đã bị liệt nửa người sau khi bị tra tấn ở trong trại lao động vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông phải nằm liệt giường trong suốt 13 năm và qua đời vào ngày 19 tháng 2 năm 2014, khi mới 45 tuổi. Một tháng sau sự ra đi của chồng, bà Lưu bị chính quyền bắt giữ và kết án 5,5 năm tù, cũng vì tu luyện Pháp Luân Công.

Cuối cùng, khi bà Lưu được trở về nhà, bà vẫn không có được một cuộc sống yên ổn vì cảnh sát không ngừng theo dõi và sách nhiễu bà. Nhiều năm vất vả chăm sóc chồng và nuôi nấng con gái, cùng như áp lực tinh thần ngày càng gia tăng từ cuộc bức hại, đã khiến sức khỏe của bà Lưu bị tổn hại nghiêm trọng. Ngày 22 tháng 4 năm 2023, cư dân thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh này đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 54.

2023-6-1-quhui-01.jpg

Hai vợ chồng bà Lưu Tân Dĩnh và ông Khúc Huy

Bà Lưu từng làm y tá tại Bệnh viện Phụ sản Đại Liên. Chồng bà, ông Khúc Huy, là một nhân viên vận chuyển hàng hóa ở cảng biển. Bà Lưu và ông Khúc lần lượt tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1995 và 1996.

Tháng 1 năm 2000, hai vợ chồng họ đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công, nhưng bị bắt tại Quảng trường Thiên An Môn. Sau khi bị đưa trở lại Đại Liên, ông bị tống tiền 9.700 nhân dân tệ và bị đuổi việc. Ông và bà Lưu bị cưỡng bức lao động với thời hạn lần lượt là 1 năm và 3 năm.

Sự tra tấn tàn bạo trong tại lao động khiến ông Khúc bị gãy đốt sống cổ và liệt nửa người. Các vết thương trên bộ phận sinh dục của ông (do bị sốc điện) bị nhiễm trùng. Thân thể ông bị sưng tấy và sốt cao. Nhịp tim của ông lên tới 160 nhịp mỗi phút. Phổi của ông bị suy giảm chức năng khiến ông rất khó thở. Thận của ông cũng bị hỏng, và một ống thông tiểu được nhét vào trong. Đồng thời, ông bị tiêu chảy nặng và phải truyền dịch để duy trì sự sống. Cơ thể ông đầy những vết lở loét, vết lớn nhất ở vùng mông rộng gần 10 cm. Các đốt sống của ông lòi ra ngoài và bốc mùi hôi thối. Chỉ khi đó ông mới được thả ra.

Trước sự phản ứng quyết liệt của gia đình ông Khúc, chính quyền mới thả bà Lưu để bà có thể về chăm sóc cho ông. Mặc dù sức khỏe của ông ổn định trở lại nhờ sự chăm sóc tận tình của vợ, nhưng sự sách nhiễu liên tục của cảnh sát vẫn khiến hai vợ chồng sống trong sợ hãi.

Sau 13 năm chịu đựng những đau khổ ngoài sức tưởng tượng, ông Khúc qua đời vào ngày 19 tháng 2 năm 2014, ở tuổi 45. Trong tang lễ của ông vào ngày 21 tháng 2, cảnh sát mặc thường phục đã quay video những người đến chia buồn.

Ngày 21 tháng 3 năm 2014, chỉ 1 tháng sau khi ông Khúc qua đời, cảnh sát bắt giữ bà Lưu khi bà xuống dưới tòa nhà để đi ra ngoài. Cảnh sát cáo buộc bà lái xe chở các luật sư nhân quyền từ Bắc Kinh đến Đại Liên để bào chữa cho các học viên địa phương vào 1 năm trước.

Bà bị xét xử tại Tòa án quận Trung Sơn vào tháng 9 năm 2014. Bất chấp tình trạng sức khỏe vô cùng yếu của bà Lưu, thẩm phán vẫn kết án bà 5,5 năm tù. Bà bị giam cho đến khi mãn hạn tù vào tháng 3 năm 2020.

Cảnh sát tiếp tục sách nhiễu bà Lưu sau khi bà trở về nhà. Cảnh sát thường hỏi liệu bà có định ra nước ngoài định cư hay không. Ngay cả khi bà nói bà không có ý định này, cảnh sát vẫn theo dõi sát sao cuộc sống hàng ngày của bà. Họ luôn bám theo bà khi bà đi thăm con gái ở địa phương khác.

Áp lực tinh thần đã tàn phá sức khỏe của bà Lưu và bà đã từ trần vào ngày 22 tháng 4 năm 2023. Thậm chí 1 tháng trước khi bà qua đời, cảnh sát địa phương vẫn gọi điện yêu cầu được nói chuyện với bà.

Một kỹ sư đường sắt bị mù đã qua đời do đau tim sau 10 năm vợ ông bị bức hại đến chết

Mười năm sau khi mất vợ trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, cựu kỹ sư đường sắt 70 tuổi ở thành phố Thông Hóa, tỉnh Cát Lâm cũng qua đời sau một cơn đau tim vào giữa tháng 4 năm 2023. Người đàn ông lớn tuổi này, cũng là một học viên Pháp Luân Công, đã sống những năm cuối đời vô cùng khốn khó khi phải tự lo cho bản thân trong tình trạng mù lòa.

Ông Trương Triêu Bân và vợ ông, bà Tống Ngọc Hoa, đều tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 5 năm 1995. Ông Trương tin rằng pháp môn tu luyện này đã chữa khỏi bệnh tim, chứng mất ngủ trầm trọng và chứng viêm bao hoạt dịch ở khuỷu tay trái của ông. Bà Tống bị liệt sau một cơn đột quỵ đã có thể đi lại được. Tuy nhiên sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, họ lại bị chính quyền nhắm mục tiêu chỉ vì không từ bỏ đức tin của mình.

Cái chết của người vợ

Bà Tống bị bắt vào tháng 4 năm 2007. Cảnh sát thay phiên nhau thẩm vấn bà và cấm bà ngủ. Họ cũng bỏ đói bà và đe dọa sẽ ra lệnh để nơi làm việc sa thải bà nếu bà không từ bỏ Pháp Luân Công. Sau 4 tháng bị ngược đãi ở trong trại tạm giam, bà Tống mắc bệnh tim nặng. Bà rụng hết răng và tóc bà bạc trắng, cân nặng của bà sụt từ 72 kg xuống còn 47 kg.

Sau đó, bà Tống bị kết án 3 năm tù giam và 5 năm thử thách. Cảnh sát thường xuyên sách nhiễu bà trong thời gian thụ án treo và ra lệnh cho bà phải nộp “báo cáo tư tưởng” hàng tháng. Bà đã phải chịu áp lực tinh thần khủng khiếp và sức khỏe của bà không ngừng giảm sút trong những năm tháng cuối đời. Bà từ trần vào ngày 26 tháng 2 năm 2013.

Cái chết của người chồng

Chưa nguôi ngoai nỗi đau trước cái chết của bà Tống, ông Trương đã bị bắt trên đường đi làm vào ngày 2 tháng 9 năm 2014. Cảnh sát lột áo khoác và trói ông Trương lại trên một chiếc ghế sắt trong 10 tiếng đồng hồ. Tiếp đó, cảnh sát vừa thẩm vấn vừa còng tay ông suốt 4 tiếng. Chiếc còng siết rất chặt làm cổ tay ông sưng tấy. Vì ông được chẩn đoán mắc bệnh tim nặng nên trại tạm giam đã từ chối tiếp nhận ông. Bị trưởng đồn công an gây áp lực, trại tạm giam cuối cùng đã đồng ý tiếp nhận ông, nhưng chỉ giam giữ ông 9 ngày và sau đó để ông tại ngoại.

830c30649f5b4cea6d0a2728eec01b87.jpg

Tái hiện cảnh tra tấn: Ghế sắt

Để tránh bị bức hại thêm nữa, ông Trương buộc phải sống xa nhà. Nỗi đau đớn về tinh thần và khó khăn về thể chất đã ảnh hưởng nghiêm đến sức khỏe của ông.

Ông Trương lại bị bắt vào tháng 6 năm 2019. Ông xuất hiện tại Tòa án Liễu Hà vào ngày 30 tháng 6 năm 2019. Thẩm phán đã kết án ông 3 năm tù giam với 5 năm thử thách vào ngày 2 tháng 12 năm 2019.

Trong thời gian ông Trương thụ án treo, cảnh sát đã lệnh cho ông phải gọi điện cho họ mỗi ngày. Cảnh sát cũng liên tục kiểm tra xem ông có ở nhà hay không và đe dọa ông phải từ bỏ Pháp Luân Công.

Không thể có một cuộc sống bình thường, ông Trương buộc phải sống xa nhà một lần nữa. Chỉ 1 năm sau, ông bị mù lòa. Cuộc sống vô cùng khó khăn khi ông phải tự nấu ăn và giặt giũ. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn truy lùng và sách nhiễu ông ấy. Đến giữa tháng 4 năm 2023, ông Trương đột ngột lên cơn đau tim và qua đời.

Hai vợ chồng qua đời cách nhau chưa đầy 2 năm do bị bức hại vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công

Hai vợ chồng ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, đã nhiều lần bị bắt giam vì không từ bỏ Pháp Luân Công. Bà Tôn Trạch Vinh từng bị tra tấn đến suýt mất mạng ở trong một trung tâm tẩy não. Ông Dương Linh Phú phải ngồi tù 4 năm và bị bức hại tài chính sau khi được trả tự do. Bà Tôn và ông Dương lần lượt qua đời vào tháng 1 năm 2021 và cuối năm 2022.

Sự bức hại mà bà Tôn Trạch Vinh đã trải qua

Bà Tôn là một người ăn nói nhẹ nhàng và thiện lương. Bà bị bắt vào đầu năm 2003 và bị đưa tới Trung tâm Tẩy não Ngạch Đầu Loan. Cảnh sát liên tục đánh đập bà cho đến khi bà bất tỉnh. Sau khi được cấp cứu trong bệnh viện, cảnh sát đưa bà trở lại trung tâm tẩy não và tăng cường tra tấn. Bà được đưa trở lại bệnh viện để cấp cứu khi ở trong tình trạng nguy kịch. Thấy bà có thể tắt thở bất cứ lúc nào, cảnh sát liền bỏ mặc bà một mình ở trong bệnh viện.

Ngày 5 tháng 6 năm 2013, bà Tôn lại bị bắt vì nói với mọi người về Pháp Luân Công ở trên phố. Bà bị giam ở trong Trại tạm giữ Số 1 thành phố Vũ Hán trong 15 ngày.

Ngày 24 tháng 9 năm 2013, 8 cảnh sát đến nhà của hai vợ chồng và tuyên bố cần kiểm tra hộ khẩu để lừa họ ra mở cửa. Sau đó cảnh sát tịch thu máy tính xách tay, máy in, đĩa DVD trắng, giấy photo và điện thoại di động của hai người. Tiếp đó, cảnh sát đưa hai học viên tới Trung tâm Tẩy não Ngạch Đầu Loan. Bà Tôn được thả vào buổi tối do huyết áp cao. Cả hai vợ chồng đều bị trung tâm tẩy não tống tiền, tổng cộng 1.100 nhân dân tệ.

Bà Tôn bị bắt giữ lần cuối cùng vào ngày 23 tháng 5 năm 2016, khi người thợ sửa ống nước dẫn theo cảnh sát đến nhà. Họ tịch thu các sách và đĩa DVD Pháp Luân Công của bà, lôi bà xuống cầu thang và đưa bà đến đồn công an. Sau này, cảnh sát tiết lộ họ bắt giữ bà vì bà kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của chế độ cộng sản Trung Quốc, cũng là kẻ ra lệnh bức hại Pháp Luân Công. Do huyết áp bà cao nguy hiểm, cảnh sát thả bà vào tối cùng ngày.

Những vụ bắt giữ và sách nhiễu không ngừng trong suốt nhiều năm đã hủy hoại nghiêm trọng sức khỏe của bà Tôn. Cuối cùng, bà qua đời vào ngày 21 tháng 1 năm 2021, hưởng dương 63 tuổi.

Sự bức hại mà ông Dương Linh Phú đã trải qua

702088d9480d0ebef30ca785da2cd52d.jpg

Ông Dương Linh Phú

Ông Dương từng làm việc cho Hiệp hội Cung ứng và Tiếp thị Thực phẩm quận Đông Tây Hồ. Ngày 24 tháng 9 năm 2013, chỉ sau 3 ngày bị bắt, ông bị chuyển đến trại tạm giam Số 2 thành phố Vũ Hán. Khi ông bị trại từ chối tiếp nhận vì huyết áp cao, cảnh sát đã đưa ông đến Bệnh viện An Khang (thuộc Công an Vũ Hán). Ba tháng sau, trại tạm giam đã tiếp nhận ông vào ngày 11 tháng 12.

Sau đó, cảnh sát trình vụ án của ông Dương lên Viện Kiểm sát quận Kiều Khẩu, cáo buộc ông in sách Pháp Luân Công tại nhà.

Ông Dương bị Tòa án quận Kiều Khẩu xét xử vào ngày 11 tháng 4 năm 2014. Bốn ngày sau, thẩm phán kết án ông 4 năm tù và thụ án trong Nhà tù Phạm Gia Đài.

Tháng 10 năm 2021, Cục Bảo hiểm xã hội và Nguồn nhân lực thành phố Vũ Hán đã đình chỉ lương hưu của ông Dương. Cục tuyên bố rằng theo một chính sách mới, ông Dương không được hưởng bất kỳ khoản trợ cấp hưu trí nào trong thời gian thụ án tù 4 năm, do đó cục đình chỉ lương hưu của ông để khấu trừ khoản tiền 61.000 nhân dân tệ mà ông “nợ” họ.

Mặc dù ông Dương có hơn 40 năm cống hiến tại nơi làm việc và đóng vào tài khoản hưu trí của mình trong 34 năm, nhưng cục bảo hiểm xã hội lại nói rằng họ chỉ công nhận 17 năm đóng góp, và khi ông Dương bắt đầu được nhận lương hưu trở lại, số tiền lương hưu hàng tháng sẽ được điều chỉnh từ 2.700 nhân dân tệ xuống còn 1.200 nhân dân tệ.

Trong lúc vẫn còn chưa nguôi ngoai đau buồn vì sự ra đi đột ngột của vợ mình, ông Dương lại thêm suy sụp do sự bức hại tài chính này. Sức khỏe của ông bắt đầu suy giảm và ông qua đời một năm sau đó, năm 2022.

Người đàn ông Giang Tô qua đời sau hai thập kỷ bị sách nhiễu và tống tiền, mẹ không được phép liên lạc với ông

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, ông Lý Kiến Bình, một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, đã bị bắt giữ nhiều lần vì kiên định đức tin. Lúc không bị bắt giam, ông phải sống lưu lạc trong một khoảng thời gian để trốn tránh cảnh sát. Sau khi trở về nhà, ông phải đối mặt với sự sách nhiễu liên tục của cảnh sát và sống trong nỗi sợ thường trực rằng mình có thể bị bắt bất cứ lúc nào.

Vì quan tâm đến công ty tư nhân và số bất động sản của ông Lý, cảnh sát tìm đủ mọi lý do để tống tiền ông. Từ cuối năm 2019, cảnh sát tăng cường giám sát ông Lý. Họ cùng các nhân viên ủy ban khu dân cư thậm chí còn tổ chức chơi mạt chược (một trò cờ bạc) ngay tại nhà ông và ép ông chơi cùng hòng tống tiền ông.

Viên cảnh sát chỉ huy dọa ông: “Ông nên thông minh hơn một chút. Ông nghĩ chúng tôi rảnh rỗi chỉ để chơi trò này với ông cả ngày à? Tôi nói cho ông biết, đối với loại người cứng đầu như ông, bất cứ lúc nào chúng tôi cũng có thể giết ông để moi tim gan. Hãy bảo với vợ ông, nếu chúng tôi không đến nhà ông, bà ấy sẽ phải đến chỗ của tôi. Tôi sợ rằng ông sẽ không thể tìm thấy bà ấy nữa nếu chuyện này xảy ra. Không ai giúp ông được đâu. Ông cũng có thể nói với con cái của ông như vậy. Khi chúng tôi đến đây, ông có thể giữ được công ty và tài sản của mình, vợ chồng con cái còn có thể đoàn tụ, vui vẻ hòa thuận. Há chẳng phải là tự giải quyết ổn thỏa đó sao!“

Việc sách nhiễu và tống tiền khiến tinh thần ông vô cùng căng thẳng. Ông qua đời vào giữa tháng 4 năm 2023, ở tuổi 61.

Ông Lý không phải là nạn nhân duy nhất trong gia đình bị nhắm mục tiêu trong cuộc bức hại kéo dài 24 năm qua của ĐCSTQ. Mẹ ông (cũng là học viên Pháp Luân Công) đã bị cảnh sát đe dọa không được liên lạc với ông, bằng không, cả bà cụ và ông Lý đều phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng. Bà cụ ngoài 80 tuổi qua đời trong thống khổ vào cuối năm 2017.

Qua đời chỉ vài tháng sau vụ bắt giữ gần đây nhất

Người đàn ông Liêu Ninh qua đời sau 10 tháng kể từ lần bị bắt giữ gần nhất

Một cư dân Thành phố Bản Khê, tỉnh Liêu Ninh đã bị ép tiêm cái gọi là vắc-xin COVID-19 và bắt đầu xuất hiện tác dụng phụ nghiêm trọng hai ngày sau đó. Sau khi bị sốt và ho dai dẳng trong 10 tháng, ông Điền Hiểu Phi đã qua đời vào ngày 5 tháng 5 năm 2023. Khi đó ông 65 tuổi.

Ông Điền bị bắt tại nhà vào ngày 13 tháng 7 năm 2022. Cảnh sát đội mũ trùm màu đen lên đầu ông và đưa ông đến đồn cảnh sát để thẩm vấn. Cảnh sát nói với ông: “Chúng tôi bảo vệ kẻ xấu và bắt người tốt.”

8e1b62aabb5f65386ecb3e5fb82e97ea.jpg

Hình minh họa: Bị nhốt trong lồng kim loại

Cảnh sát nhốt ông Điền trong một chiếc lồng kim loại, trong đó ông không thể đứng dậy hoặc duỗi chân. Ông đã tuyệt thực trong hai ngày. Cảnh sát liên tục thẩm vấn và đe dọa ông, nhưng ông không thỏa hiệp.

Một viên cảnh sát tên Trần đe dọa ông: “Kể cả tôi phải bỏ tiền túi, tôi cũng sẽ hối lộ để đưa ông vào trại tạm giam địa phương và kết án ông thêm 10 năm nữa.”

Cảnh sát đưa ông Điền tới bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Họ giữ ông và ép ông tiêm một mũi tiêm mà họ tuyên bố là vắc-xin COVID-19. Khi ông Điền không qua được cuộc kiểm tra sức khỏe, cảnh sát đã cố ép buộc bác sĩ làm giả kết quả kiểm tra sức khỏe của ông. Bác sĩ từ chối làm theo, và sau đó trại tạm giam đã từ chối tiếp nhận ông.

Ông Điền được đưa về nhà vào tối ngày 15 tháng 7 năm 2022. Ông không thể ăn được gì, còn phải chịu đựng cơn sốt và ho dai dẳng. Ông cũng bị sụt cân trầm trọng. Ông đã qua đời trong vòng chưa đầy 10 tháng sau khi về nhà.

Trước vụ bắt giữ lần này, ông Điền từng bị cảnh sát Bắc Kinh bắt giữ vào ngày 26 tháng 12 năm 2000 vì tới đó để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Ông Điền lại bị bắt vào ngày 26 tháng 2 năm 2002 và bị bí mật kết án 10 năm tù.

Từng bị cầm tù 8 năm vì kiên định đức tin, cụ bà 70 tuổi đã qua đời sau vụ bắt giữ gần nhất 9 tháng

Một phụ nữ 70 tuổi ở huyện Lâm Lễ, tỉnh Hồ Nam đã qua đời vào ngày 19 tháng 4 năm 2023 sau hai thập niên bị bức hại vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Cái chết của bà Ngô Truyền Anh xảy ra 9 tháng sau vụ bắt giữ và lục soát nhà cuối cùng.

Bà Ngô làm việc tại Hợp tác xã Tiếp thị và Cung ứng huyện Lâm Lễ trước khi nghỉ hưu vào năm 2005. Bà từng bị bệnh về thần kinh nghiêm trọng, mất ngủ, đau nửa đầu, tiểu đường, viêm thận và nhiều bệnh khác. Nhiều năm điều trị y tế nhưng sức khỏe của bà vẫn không có cải thiện, nhưng mọi căn bệnh của bà đã biến mất sau khi bà tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1998.

Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công trên toàn quốc vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, bà Ngô chưa từng dao động đức tin của mình vào pháp môn. Thế nhưng chỉ vì vậy mà bà lại liên tục bị chính quyền bức hại. Dưới đây là tóm tắt về những khổ nạn chính mà bà phải chịu:

– Bà Ngô bị bắt vào tháng 2 năm 2000 vì đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và bị giam 2,5 năm.

– Bà bị bắt giữ 4 lần trong khoảng thời gian từ tháng 11 năm 2004 đến tháng 11 năm 2005 và vụ bắt giữ thứ 4 của bà xảy ra vào năm 2005 dẫn đến bản án 4 năm tù của bà. Bà đã trốn thoát vào tháng 4 năm 2006 và 5 tháng sau bị bắt trở lại và đã bị kết án 8 năm tù.

– Trong khi đi tàu hoả vào ngày 5 tháng 12 năm 2016 để thăm con gái vào dịp Năm mới, bà Ngô bị phát hiện là có mang theo tài liệu Pháp Luân Công trong túi xách khi đi qua cổng an ninh nhà ga. Bà đã bị tạm giam hành chính 5 ngày.

– Bà lại bị bắt vào ngày 12 tháng 3 năm 2020 và bị giam 15 ngày. Cảnh sát đã sách nhiễu bà vào ngày 5 tháng 9 năm 2020.

– Bà đã bị giam nhiều giờ vào ngày 21 tháng 7 năm 2022.

– Bà còn bị bức hại tài chính. Lương hưu của bà bị đình chỉ vào tháng 8 năm 2020, 6 năm sau khi bà được thả khỏi nhà tù. Phòng an sinh xã hội địa phương đã lệnh cho bà phải trả lại 130.000 nhân dân tệ tiền lương hưu mà bà đã lĩnh từ năm 2006 (thời điểm bà bắt đầu thụ án tù 8 năm). Bà đã đệ đơn kiện phòng anh sinh xã hội và toà án địa phương đã tuyên bố bà thắng kiện vào ngày 11 tháng 10 năm 2021, và lệnh cho bị đơn phải khôi phục lương hưu cho bà trong vòng 20 ngày từ thơi điểm ban hành quyết định. Tuy nhiên phòng an sinh xã hội đã từ chối làm theo lệnh của toà án và không bao giờ khôi phục lương hưu cho bà.

– Vụ bắt giữ gần đây của bà xảy ra vào ngày 21 tháng 7 năm 2022. Nhà của bà bị lục soát. Bà bị đưa vào diện quản thúc tại gia và được trả tự do vào khoảng 9 giờ tối cùng ngày.

Bị tra tấn đến mù lòa trong lúc giam giữ, cụ bà 83 tuổi qua đời sau 22 năm liên tục bị cảnh sát sách nhiễu

Bà Thái Thường Trân, một cư dân thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, đã bị mù hoàn toàn hai mắt vào năm 2001 sau 14 tháng bị giam giữ và tra tấn trong một trung tâm tẩy não vì tu luyện Pháp Luân Công. Bất chấp tình trạng của bà, cảnh sát vẫn không ngừng sách nhiễu bà, khiến bà luôn sống trong nỗi sợ hãi thường trực. Bà qua đời vào tháng 3 năm 2023, ở tuổi 83.

Bà Thái làm việc cho Công ty Nước Vũ Hán trước khi nghỉ hưu. Bà từng gặp các vấn đề nghiêm trọng ở vùng cổ và lưng, thấp khớp ở các ngón tay, cũng như bệnh dạ dày, thận và gan. Tất cả các triệu chứng bệnh đó của bà đều đã biến mất sau khi bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 3 năm 1993.

Ba tháng sau khi chính quyền cộng sản phát động cuộc đàn áp vào tháng 7 năm 1999, bà Thái đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Bà bị bắt rồi đưa trở lại Vũ Hán và bị giam giữ trong Trung tâm Tẩy não Ngạch Đầu Loan hơn 1 tháng.

Bà Thái lại bị bắt vào đầu tháng 8 năm 2000 vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Ở trong Trung tâm Tẩy não Ngạch Đầu Loan, bà bị đánh đập liên tục và bị treo lên từ cổ tay. Bà bị mù hoàn toàn vào tháng 1 năm 2001 do bị tra tấn, nhưng mãi đến tháng 9 năm 2001 lính canh mới thả bà ra.

ef361386b34acd5f19b0c4c610079e84.jpg

Tái hiện cảnh tra tấn: treo người lên từ cổ tay

Bà Thái từng kể việc bà bị mù trong khi bị giam giữ: “Một cảnh sát đã thẩm vấn tôi về nơi lấy tài liệu về Pháp Luân Công. Khi tôi từ chối trả lời mọi câu hỏi của anh ta, anh ta đã đấm mạnh vào mặt tôi khiến mắt tôi chảy máu. Sau đó anh ta đẩy tôi đến lỗ thông gió của máy điều hòa. Đồng thời lúc đó, có một chiếc quạt trần thổi phía trên tôi và một chiếc quạt khác thổi vào tôi từ phía sau. Tôi không được phép ngủ trong 3 tuần. Vài ngày sau, cảnh sát treo tôi lên sau bữa trưa và tiếp tục thẩm vấn tôi về nguồn gốc của số tài liệu. Tôi im lặng rồi ngất đi. Ban đầu, tôi mất đi thị lực ở mắt phải từ thương tích do lần đánh đập đó. Dần dần, mắt trái của tôi cũng mất đi ánh sáng và tôi bị mù hoàn toàn”.

Chỉ 1 năm sau khi bà Thái được thả, cảnh sát lại cố gắng bắt bà vào ngày 30 tháng 9 năm 2002, nhưng đã nhượng bộ khi hàng xóm của bà lên án họ vì đã bức hại một người phụ nữ mù. Để tránh bị bức hại thêm nữa, bà Thái đã rời nhà đi trốn hơn 1 tháng.

Một số cảnh sát đã gõ cửa nhà bà Thái vào ngày 7 tháng 1 năm 2003. Ngay khi bà vừa ra mở cửa, họ liền xông vào và bắt bà tới Trung tâm Tẩy não Ngạch Đầu Loan và giam bà ở đây 8 ngày.

Vài tuần trước Thế vận hội Mùa hè Bắc Kinh, cảnh sát đã bắt bà Thái (lúc đó gần 70 tuổi) vào ngày 19 tháng 7 năm 2008 và đưa bà đến Trung tâm Tẩy não Ngạch Đầu Loan một lần nữa. Trước sự phản ứng dữ dội từ con trai bà Thái, cảnh sát đã thả bà sau 3 ngày giam giữ.

Vào lúc 4 giờ chiều ngày 25 tháng 4 năm 2014, nhiều người đã tới gõ cửa nhà bà Thái và yêu cầu kiểm tra công tơ điện của nhà bà, mặc dù nó không được lắp ở trong nhà bà. Bà Thái kiên quyết không mở cửa. Cảnh sát đã dành 1 tiếng đồng hồ để cạy mở hai cánh cửa nhà bà. Cảnh sát đã cố gắng bắt giữ bà nhưng những người hàng xóm của bà đã ngăn lại. Sau một giờ giằng co, họ rời đi vào khoảng 7 giờ tối.

Ngày 16 tháng 6 năm 2016, hai cảnh sát lại đến và lừa bà Thái mở cửa bằng cách yêu cầu kiểm tra đồng hồ nước của bà. Họ tịch thu các sách Pháp Luân Công, một bức ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, một số tài liệu thông tin và một máy nghe nhạc của bà.

Sự sách nhiễu không ngừng khiến bà Thái nhiều năm sống trong sợ hãi. Đôi mắt mù lòa khiến cuộc sống neo đơn tuổi già của bà càng thêm khó khăn. Sau hàng chục năm vật lộn sống trong gian khổ, bà đã từ trần vào tháng 3 năm 2023.

Cựu nhân viên mỏ dầu qua đời sau nhiều năm bị sách nhiễu, giam giữ và tra tấn

Ông Vương Khuê, một công nhân đã nghỉ hưu của Mỏ dầu Đại Khánh ở thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, đã qua đời vào ngày 22 tháng 12 năm 2022, sau hai thập kỷ bị sách nhiễu, giam giữ và tra tấn dã man vì tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện và thiền định cổ xưa. Lúc đó ông mới 64 tuổi.

5fa46ae23264ee04e2c40fb274bc1851.jpg

Ông Vương Khuê

Mẹ của ông Vương đã mất khi ông còn nhỏ nên ông thường xuyên đối mặt với cơn đói, dẫn đến các vấn đề về dạ dày mãn tính. Sau khi lớn lên, ông ấy cũng bị thương nặng ở cổ và không thể nhấc tay lên do tai nạn lao động. Ông đã thử nhiều phương pháp điều trị khác nhau nhưng không có kết quả. Sau khi tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997 ở tuổi 39, sức khỏe của ông đã hồi phục và trở thành một người tốt hơn.

Ngay sau khi ĐCSTQ phát động cuộc bức hại vào năm 1999, ngày 22 tháng 11 năm 2000, ông Vương đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công và bị bắt tại Quảng trường Thiên An Môn và bị cảnh sát đánh đập. Ông bị còng tay và giam nhốt trong lồng kim loại ở đồn công an. Sau khi bị đưa trở lại Đại Khánh, ông bị giam 36 ngày và buộc phải trả 6.800 nhân dân tệ chi phí đi lại mà cảnh sát đã chi khi đến Bắc Kinh để áp giải ông về địa phương.

Ông Vương lại bị bắt vào tối ngày 13 tháng 11 năm 2001 khi đang đóng dòng chữ liên quan tới Pháp Luân Công. Cảnh sát giẫm lên người và đánh ông bằng một cây gậy cao su. Răng, vai, lưng và chân của ông bị thương nặng. Cảnh sát giữ ông ấy ngồi trên một chiếc ghế kim loại trong 12 giờ.

Ngày hôm sau, khi trại tạm giam Độc Lập Đồn từ chối tiếp nhận ông, cảnh sát đã đưa ông đến trại tạm giam quận Long Phượng. Lính canh đã tát vào mặt ông và làm ông bị thương. Khi ông từ chối học thuộc nội quy của trại tạm giam và kiên quyết luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công, tù nhân còn đánh ông và làm ông bị thương ở lưng.

Sau 30 ngày, ông Vương bị chuyển đến Trại tạm giữ Nhượng Hồ Lộ. Hai ngày sau, ông ấy đã trốn thoát và buộc phải sống xa nhà để trốn cảnh sát trong 3 năm tiếp theo.

Đầu năm 2005, ông Vương quyết định về nhà và quay trở lại làm việc. Vào ngày 18 tháng 5 năm 2005, cảnh sát nói dối rằng họ tới thu tiền nước để lừa ông mở cửa. Sau đó họ lục soát nhà của ông. Ông bị còng tay và buộc phải ngồi trên một chiếc ghế kim loại tại đồn công an. Sau đó ông bị đưa đến trại tạm giam Long Phượng và bị giam ở đó 14 ngày.

Ngày 10 tháng 4 năm 2011, các đặc vụ Phòng 610 đã đưa ông đến Trung tâm Tẩy não thành phố Vũ Xương. Một nhóm công an đã đè ông xuống đất và còng tay ông. Da trên tay ông bị bong ra. Sau đó, ông bị đưa đến một căn phòng tối tăm, bị treo lên bằng cổ tay vào một chiếc ống kim loại với những ngón chân chỉ hơi chạm xuống mặt đất. Cơn đau dữ dội khiến ông đổ mồ hôi đầm đìa. Cảnh sát cũng không cho ông nhắm mắt.

Giám đốc trung tâm tẩy não Phó Ngạn Xuân đã lăng mạ ông Vương và Pháp Luân Công. Thỉnh thoảng, ông ta còn đến giật tóc, tát vào mặt và giẫm vào bụng, cẳng chân và bàn chân của ông Vương.

Ông Vương đã bị treo hơn 60 tiếng. Bàn tay và bàn chân của ông bị sưng lên nghiêm trọng. Chiếc còng cứa vào da thịt khiến ông chảy máu. Chỉ sau khi cơ thể ông mất cảm giác và ngất đi, cảnh sát mới hạ ông xuống.

Do bị tra tấn, ông Vương bị mất khả năng vận động và không thể tự đi lại. Tuy nhiên, chính quyền đã giam giữ ông trong 118 ngày và không thả ông cho đến ngày 5 tháng 8. Khi biết rằng ông đã khôi phục việc tu luyện Pháp Luân Công, cảnh sát tiếp tục sách nhiễu ông.

Vụ bắt giữ cuối cùng của ông Vương là vào ngày 22 tháng 11 năm 2020. Nhà của ông cũng bị lục soát. Ông bị đột quỵ trong đồn công an và lại mất khả năng vận động. Ông đã được bảo lãnh tại ngoại vào buổi tối cùng ngày.

Lần này, ông Vương đã phải rất chật vật để hồi phục. Ông ấy không thể di chuyển cánh tay phải của mình hoặc cầm đồ vật. Ông cũng gặp khó khăn khi nói năng. Vào đầu tháng 11 năm 2022, ông lại bị ngã và phải nhập viện, nhưng không có nhiều tiến triển. Khi trở về nhà, ông bắt đầu bị tê liệt miệng và không thể nhai đồ ăn. Gia đình đã đưa ông đến một bệnh viện phục hồi chức năng, nhưng tình trạng của ông vẫn tiếp tục xấu đi. Ông đã hoàn toàn mất khả năng nói và mất dần ý thức. Cuối cùng ông đã qua đời vào ngày 22 tháng 12 năm 2022.

Người phụ nữ Cát Lâm mắc bệnh ung thư vú trong thời gian thụ án, 1 năm sau bà qua đời

Một cư dân 53 tuổi ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã qua đời vào ngày 8 tháng 5 năm 2023. Bà Vương Quế Cầm bị bắt giữ tại nhà trọ vào ngày 18 tháng 6 năm 2020. Bà bị giam trong trại tạm giam Số 4 thành phố Trường Xuân hơn 2 năm, sau đó bị Tòa án quận Triều Dương kết án 2 năm 2 tháng tù vào tháng 6 năm 2022.

Trong khi đang bị giam giữ, sức khỏe của bà bắt đầu suy giảm và có một khối u xuất hiện ở ngực phải của bà và nhanh chóng chảy mủ và máu. Ngày 19 tháng 6 năm 2022, bà được đưa tới bệnh viện kiểm tra và được xác nhận bị mắc ung thư vú giai đoạn cuối. Bà gặp khó khăn khi nhấc cánh tay phải lên và thường thức trắng đêm vì cơn đau dữ dội.

Gia đình bà Vương thường tới đồn công an và tòa án yêu cầu trả tự do cho bà ngay lập tức, nhưng vô ích. Bà được trả tự do vào ngày 18 tháng 10 năm 2022, sau khi mãn hạn án tù.

Sau khi về nhà, tình trạng của bà Vương tiếp tục xấu đi. Ngực phải của bà bị chảy mủ, bà càng tiều tụy và rơi vào hôn mê. Gia đình đưa bà tới bệnh viện, nhưng bác sỹ cho biết tình trạng của bà không thể điều trị được nữa. Bảy tháng sau, bà qua đời vào ngày 8 tháng 5 năm 2023.

Bà Vương từng làm việc tại Nhà máy Máy giặt thành phố Trường Xuân. Bà cũng là một phụ đạo viên tình nguyện của một điểm luyện công Pháp Luân Công ở địa phương. Trong 24 năm của cuộc bức hại, bà nhiều lần bị bắt và giam giữ với tổng thời gian thụ án 8 năm, trong đó có 1 án lao động cưỡng bức và 1 án tù. Trong thời gian bị giam giữ, bà bị đánh đập tàn bạo, sốc điện và các hình thức tra tấn khác.

Cụ ông 78 tuổi bị mất trí nhớ qua đời sau 8 tháng được trả tự do

Tại thời điểm ông Hàn Thuận Hưng ở thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam đã được trả tự do vào tháng 9 năm 2022 sau khi mãn hạn án tù 2 năm, ông đã mất hoàn toàn trí nhớ, bị mất phương hướng và vô cùng yếu. Ông được đưa tới nhiều bệnh viện địa phương, nhưng không có phương pháp điều trị nào có tác dụng với ông. Ông đã qua đời vào ngày 13 tháng 5 năm 2023, ở tuổi 78.

Khổ nạn của ông Hàn bắt nguồn từ vụ bắt giữ vào ngày 15 tháng 12 năm 2017 cùng với một học viên khác là bà Lưu Ái Phương, sau khi hai học viên bị trình báo vì phân phát lịch có thông tin về Pháp Luân Công. Cảnh sát đã tịch thu phương tiện cá nhân của họ và giữ lại số lịch còn lại. Bà Lưu được thả vào buổi tối cùng ngày, còn ông Hàn bị đưa tới một trại tạm giam và sau đó đã được bảo lãnh tại ngoại.

Hai năm sau, cảnh sát đã chuyển hồ hơ vụ án của 2 học viên tới viện kiểm sát địa phương. Bà Lưu bị kết án 1,5 năm tù và ông Hàn bị kết án 2 năm tù cùng 6.000 nhân dân tệ tiền phạt vào ngày 14 tháng 8 năm 2020. Ông Hàn đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp thành phố Lạc Dương, nhưng cơ quan này đã ra phán quyết giữ nguyên bản án ban đầu của ông.

Sáng ngày 20 tháng 9 năm 2020, vài cảnh sát đã kéo tới nhà ông Hàn và bắt ông tới Nhà tù Tân Mật. Ông kiên trì tu luyện Pháp Luân Công và bị tra tấn tàn bạo và kết quả là ông đã bị mất đi sinh mạng.

Người đàn ông Nội Mông Cổ bị rối loại tâm thần do bị tra tấn, sách nhiễu và tống tiền, đã qua đời sau nhiều năm chật vật với sức khỏe kém

Sau khi chật vật nhiều năm với bệnh rối loạn tâm thần do cuộc bức hại Pháp Luân Công, một cư dân ở thành phố Xích Phong, Nội Mông Cổ đã qua đời vào ngày 16 tháng 11, ở tuổi 69 tuổi.

Ông Lý Vĩnh Cương là một phụ đao viên tình nguyện tại một điểm luyện công Pháp Luân Công địa phương. Ngày 20 tháng 7 năm 1999, ngày cuộc bức hại bắt đầu, cảnh sát đã bắt giữ ông và coi ông là mục tiêu chính của cuộc bức hại.

Bởi ông Lý giữ im lặng trong cuộc thẩm vấn, cảnh sát đã bẻ ngoặt các ngón tay của ông ra phía sau cho đến khi chúng chạm vào mu bàn tay. Họ còn bóp tinh hoàn của ông, khiến chúng sưng tấy nghiêm trọng. Mặt của ông cũng bị sưng phù và nhợt nhạt khiến người khác không thể nhận được ra ông. Bụng của ông cũng sưng phù và bầm tím.

Sau đó, cảnh sát cáo buộc ông Lý mua sách Pháp Luân Công cho học viên địa phương và nỗ lực tống tiền ông ít nhất 200.000 nhân dân tệ, số tiền mà họ nói rằng tương đương với tiền thuế ông nợ từ việc bán sách. Bởi ông không có khả năng trả số tiền trên, nên cảnh sát đã giảm số tiền xuống còn 50.000 nhân dân tệ. Người thân của ông đã góp tiền và giúp ông trả số tiền trên.

Do sự tra tấn, bức hại tài chính và sách nhiễu liên tục, ông Lý bị rối loạn tâm thần vào năm 2002. Nhưng cảnh sát vấn tiếp tục sách nhiễu và tống tiền ông thêm 80.000 nhân dân tệ trong suốt nhiều năm. Hễ khi nào ông phục hồi một chút, cuộc bức hại sẽ khiến tình trạng của ông tồi tệ trở lại. Không thể chịu được áp lực tinh thần, ông Lý đã qua đời vào tháng 1 năm 2023.

Bài liên quan:

25 học viên Pháp Luân Công tử vong vì cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 4 năm 2023

Báo cáo tháng 2 năm 2023: 25 học viên Pháp Luân Công qua đời do bị bức hại

Báo cáo tháng 2 năm 2023: 19 học viên Pháp Luân Công tử vong do bị bức hại

Báo cáo tháng 1 năm 2023: 117 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin

15 học viên Pháp Luân Công qua đời vì cuộc bức hại được báo cáo trong tháng 1 năm 2023

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/6/2/461542.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/6/12/209841.html

Đăng ngày 01-07-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share