[MINH HUỆ 21-07-2021] Xử phạt những kẻ vi phạm nhân quyền đã trở thành một trọng tâm ở các quốc gia dân chủ như một cách để chống lại những hành vi vi phạm nhân quyền tàn bạo trên toàn cầu. Sau khi Hoa Kỳ thông qua Luật Magnitsky vào năm 2016, Canada, Anh và 27 nước thành viên Liên minh Châu Âu đã ban hành luật tương tự. Úc và Nhật Bản cũng đang làm giống vậy.
Theo luật này, vốn để áp dụng trừng phạt với những kẻ vi phạm nhân quyền đã biết, các học viên Pháp Luân Công đã lập ra các danh sách của những thủ phạm tham gia bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Hàng năm, họ nộp nhiều danh sách lên các quốc gia dân chủ, hối thúc họ trừng phạt những thủ phạm bị nêu tên.
Bắt đầu từ ngày 14 tháng 7 năm 2021, các học viên Pháp Luân Công ở hơn 30 quốc gia đã nộp danh sách gần đây nhất của những thủ phạm tham gia bức hại Pháp Luân Công cho chính phủ của họ. Các học viên đang kêu gọi trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền này, gồm việc từ chối không cho họ được nhập cảnh và đóng băng tài sản ở nước ngoài của họ.
Một cái tên trong danh sách này là Phương Túc Hồng.
Thông tin về thủ phạm
Tên đầy đủ của thủ phạm: Phương (họ) Túc Hồng (tên) (tiếng Trung: 方玉红)
Giới tính: Nữ
Quốc tịch: Trung Quốc
Ngày tháng / Năm sinh: Tháng 3 năm 1965
Chức vụ:
2003 – 5/2013: Phó Giám thị Nhà tù Nữ Chiết Giang (phụ trách giám sát và cải tạo); Giám đốc Công ty TNHH công nghiệp Đông Thịnh Hàng Châu (đơn vị kinh doanh bên ngoài của Nhà tù nữ Chiết Giang)
Tháng 5 năm 2013 đến nay: Bí thư Ủy ban Kỷ luật Nhà tù nữ Chiết Giang.
Những tội ác chính
Kể từ khi Phương Túc Hồng trở thành Phó Giám thị Nhà tù Nữ Chiết Giang vào năm 2003, bà ta đã nỗ lực thực hiện chính sách bức hại Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Bà ta trực tiếp lên kế hoạch và thực hiện cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù. Trong nhiệm kỳ của mình, hàng trăm nữ học viên Pháp Luân Công đã phải chịu nhiều hình thức bạo lực và tẩy não. Ít nhất một học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết trong Nhà tù nữ Chiết Giang. Nhiều học viên Pháp Luân Công khác đã bị thương nặng. Để trốn tránh trách nhiệm, nhà tù đã chuyển các học viên về nhà sớm trước khi họ qua đời.
Cuối năm 2003, Phương Túc Hồng đã thực hiện cái gọi là “Kế hoạch sấm sét mùa xuân” trong nhà tù, nhắm vào 70 đến 80 học viên Pháp Luân Công. Vào ngày 25 tháng 5 năm 2004, bà ta bắt đầu tổ chức một lớp tẩy não toàn diện, giam giữ thêm tám học viên Pháp Luân Công kiên định. Các video tẩy não được phát với âm lượng lớn suốt ngày đêm. Nếu các học viên nhắm mắt và từ chối xem các video, Phương Túc Hồng sẽ dùng tay kéo mở mí mắt của họ, véo hốc mắt của họ và buộc họ phải mở mắt ra. Các học viên Pháp Luân Công cũng bị tra tấn tinh thần và thể chất để buộc họ phải viết các bản cam kết không tu luyện Pháp Luân Công nữa. Những người từ chối tuân thủ sẽ bị cấm ngủ. Chiến dịch này kéo dài trong hơn 20 ngày.
Phương Túc Hồng thường để một số nhân viên và các nhóm tội phạm có xu hướng bạo lực tăng cường tra tấn các học viên Pháp Luân Công, những người vẫn kiên định với đức tin của họ và từ chối viết bản cam kết. Họ thiết lập một số phòng giam bí mật, tối đen như mực để biệt giam các học viên. Các bức tường bên trong được bao phủ bởi các áp phích, và các video bôi nhọ Pháp Luân Công được phát cả ngày. Họ chiếu đèn sáng vào các học viên và nhốt họ từ sáu đến mười hai tháng. Họ cấm các học viên được ngủ trong vài ngày đến vài tháng. Khi các học viên ngủ thiếp đi, họ sẽ lay các học viên và chọc vào người họ bằng kim tiêm.
Trong nhiều tháng, các học viên chỉ được cho một ít cơm và rau muối chua mỗi bữa để duy trì lượng dinh dưỡng tối thiểu. Đôi khi họ trói tay và chân của các học viên trên giường hàng tháng trời và cấm họ sử dụng nhà vệ sinh. Kết quả là, các học viên không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải đi vệ sinh ra quần của mình. Các học viên cũng không được phép tắm hoặc thay đồ trong vài tháng mặc dù cái nóng âm ỉ của mùa hè trung bình khoảng 37 độ C (99 độ F). Theo thời gian, đồ lót của họ bị mục nát do chất dịch cơ thể tích tụ lâu ngày.
Dưới sự chỉ huy của Phương Túc Hồng, những tù nhân giết người có xu hướng bạo lực bị giam trong cùng một nhà tù sẽ được thưởng vì đã bức hại các học viên. Họ sẽ ấn đầu các học viên xuống đất, đấm và đá họ, đập đầu họ vào tường. Các lính canh tra tấn các học viên đến bên bờ vực của cái chết và sỉ nhục họ: “Chúng tôi sẽ không để các người chết. Thay vào đó, chúng tôi sẽ khiến cuộc sống của các người đau khổ còn hơn chết”.
Các học viên đã lên tiếng phản đối và kháng cáo, nhưng Phương Túc Hồng đã bác bỏ tất cả các kháng cáo của họ. Các học viên cuối cùng đã phải phản đối bằng cách tuyệt thực. Nhà tù nữ Chiết Giang đã chứng kiến nhiều cuộc tuyệt thực kéo dài từ vài ngày đến vài năm.
Để trả đũa, Phương Túc Hồng và những người khác đã bức thực một cách thô bạo các học viên tuyệt thực. Họ véo mũi các học viên để ngăn họ thở, kẹp chặt miệng và dùng vật cứng cạy hàm họ để bức thực. Miệng của các học viên thường chảy rất nhiều máu. Họ cũng khuất phục các học viên Pháp Luân Công và cưỡng chế chèn ống thông mũi dạ dày để đổ nước ớt, nước muối đậm đặc và các loại nước pha chế khác vào dạ dày của họ.
Họ trói chặt tay và chân của các học viên vào giường trong thời gian dài, làm gián đoạn hệ thống tuần hoàn máu của họ và làm cho tay chân của họ sưng tấy và trở nên thâm đen. Tay và chân của các học viên nhanh chóng trở thành tàn tật. Họ cũng để các ống dẫn thức ăn trong cơ thể các học viên và cấm họ di chuyển ngay cả khi họ cần đi tiểu. Phương Túc Hồng và những người khác cũng đưa ống thông tiểu vào trong cơ thể các học viên Pháp Luân Công để tra tấn khiến họ từ bỏ đức tin. Tất cả các học viên đã cố gắng tuyệt thực thời gian dài trong nhà tù đều phải chịu đựng những nỗi đau này.
Vì đã thực hiện cuộc bức hại tàn ác của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công, Phương Túc Hồng đã được trao thưởng bởi Sở Tư pháp tỉnh Chiết Giang vào năm 2012. Giải thưởng nêu rõ: “Phương Túc Hồng đã trực tiếp tham gia vào việc chuyển hóa các tội phạm đặc biệt trong khoảng thời gian từ tháng 4 năm 2003 đến tháng 7 năm 2010 và chịu trách nhiệm giám sát và cải tạo… ” “Sự chuyển hóa của những tội phạm đặc biệt” ở đây ám chỉ cuộc bức hại tàn khốc đối với các học viên Pháp Luân Công, những người từ chối từ bỏ đức tin của họ.
Với tư cách là phó giám thị nhà tù, Phương Túc Hồng phải chịu trách nhiệm về việc bức hại các học viên Pháp Luân Công tại Nhà tù nữ Chiết Giang trong nhiệm kỳ của mình.
Sau đây tóm tắt một số trường hợp các học viên Pháp Luân Công bị bức hại trong nhiệm kỳ của Phương Túc Hồng:
Một số trường hợp các học viên bị bức hại đến chết
Trường hợp 1: Cô Trương Minh Di, một học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Cát Lâm, đã bị bắt khi đang làm việc ở Chiết Giang và bị bức hại trong Nhà tù Nữ Chiết Giang trong hơn hai năm. Do bị ngược đãi trong thời gian dài, sức khỏe của cô ngày càng giảm sút và thường xuyên lên cơn sốt. Ngay sau khi bác sĩ nhà tù tiêm cho cô một loại thuốc không rõ nguồn gốc, cơ thể cô trở nên vô cùng yếu ớt và cân nặng của cô sụt giảm nghiêm trọng. Nhà tù đã thả tự do cho cô sớm để trốn tránh trách nhiệm. Sau khi trở về nhà, cô Trương tiếp tục bị sốt và xuất hiện các nốt tím trên cơ thể. Kết quả kiểm tra tại bệnh viện cho thấy cô bị thiếu máu tán huyết, viêm gan B, viêm gan C và có các đốm đen trên tuyến tụy. Cô đã qua đời vào ngày 29 tháng 8 năm 2007 ở tuổi 34.
Trường hợp 2: Bà Vương Ngọc Chi đã bị cảnh sát giam giữ bất hợp pháp hai lần vì kháng nghị cho quyền tu luyện Pháp Luân Công ở Bắc Kinh sau khi ĐCSTQ bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999. Vào tháng 2 năm 2002, bà và em trai của bà là ông A Bình đã bị bắt tại quê nhà và bị kết án tám năm tù một cách bất hợp pháp. Bà bị giam tại Nhà tù nữ Chiết Giang, nơi bà bị tra tấn cả về thể xác và tinh thần bao gồm biệt giam, tẩy não, cưỡng bức sử dụng thuốc độc và lao động khổ sai. Để trốn tránh trách nhiệm về tình trạng sức khỏe của bà, nhà tù yêu cầu gia đình đến đón bà vào ngày 7 tháng 2 năm 2009. Bà đã gầy đi rõ rệt sau cuộc bức hại. Sau khi về nhà, bà Vương không ăn uống được, toàn thân sưng phù. Bà đã qua đời vào ngày 20 tháng 2 năm 2010 khi 64 tuổi.
Trường hợp 3: Bà Hồng Mễ Tố, sinh năm 1966, bị bắt khỏi nhà sau khi nói chuyện với mọi người về cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 11 năm 2015. Vào ngày 24 tháng 5 năm 2016, bà bị kết án ba năm chín tháng tù bất hợp pháp bởi Tòa án thành phố Thai Châu. Bà bị giam giữ và bị bức hại trong Nhà tù nữ Chiết Giang. Vào ngày 15 tháng 8 năm 2018, bà Hồng bị tra tấn đến chết trong tù ở tuổi 52.
Một số các trường hợp bị tàn tật và rối loạn tâm thần do bức hại
Trường hợp 1: Cô Tô Thục Phân bị kết án năm 2007. Cô bị bức thực bằng thuốc độc tại Nhà tù nữ Chiết Giang, khiến cô trở nên bất ổn về mặt tinh thần và không thể tự chăm sóc cho bản thân. Để trốn tránh trách nhiệm, Nhà tù nữ Chiết Giang đã để cô Tô về nhà vào tháng 10 năm 2009. Tại thời điểm đó, cô Tô không còn giữ được cử chỉ ôn hòa trước đây của mình. Cô thường bồn chồn và sợ hãi và thường lẩm bẩm một mình: “Nhà tù nữ Chiết Giang và Phòng 610 đến để hại tôi.”
Trường hợp 2: Vào năm 2006, các học viên Pháp Luân Công, bà Đường Bảo Chi và con gái của bà, cô Trần Dao, lần lượt bị kết án 5 năm và 3 năm rưỡi tù một cách bất hợp pháp. Họ bị đưa đến Nhà tù nữ Chiết Giang. Cô Trần đã bị ngược đãi và biệt giam nhiều lần. Vào nửa cuối năm 2007, cô Trần bị cưỡng chế chuyển đến bệnh viện Thanh Xuân (“Bệnh viện dành cho thanh thiếu niên”) do Cục quản lý nhà tù tỉnh Chiết Giang thành lập. Cô bị tra tấn đến mức chi dưới của cô bị teo và cô không thể đi lại được.
Vào ngày 7 tháng 1 năm 2008, cô Trần đã tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại. Bà Đường yêu cầu nhà tù cho con gái bà được đi khám bệnh, nhưng yêu cầu của bà đã bị từ chối. Bà Đường cũng tuyệt thực vào ngày 8 tháng 4 năm 2008. Họ đã bị đặt nội khí quản và bức thực, và người nhà cũng không được phép đến thăm họ.
Sau khi cô Trần tuyệt thực kéo dài 488 ngày, cô được đưa trở về nhà vào ngày 10 tháng 5 năm 2009. Trong thời gian tuyệt thực, cô Trần đã bị tra tấn gần chết nhiều lần. Cô Trần không thể nuốt nổi thức ăn khi trở về nhà. Cô không thể đứng vững, cơ thể cô rất yếu và gầy. Sức khỏe của cô đã hoàn toàn khác so với trước khi bị bức hại.
Trường hợp 3: Cô Trương Tú Liên 40 tuổi, đã bị kết án mười năm tù và đã bị giam giữ bất hợp pháp tại Nhà tù nữ tỉnh Chiết Giang trong hơn sáu năm. Vì cô từ chối từ bỏ đức tin của mình do đó đã bị nhà tù xếp vào loại bị bệnh tâm thần. Mỗi tháng, ba hoặc bốn tù nhân sẽ cưỡng chế cô Trương tiêm thuốc an thần và thuốc tâm thần. Các thành viên trong gia đình không được phép đến thăm cô. Cô không được phép mua bất cứ thứ gì, kể cả đồ lót hay giày dép. Cô cũng không được phép nói chuyện với bất kỳ ai và thường bị trừng phạt bằng cách buộc phải đứng trong thời gian dài. Cô Trương đã bị bức hại đến mức rối loạn tâm thần.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/7/21/428459.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/8/21/194726.html
Đăng ngày 14-09-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.