[MINH HUỆ 02-08-2021] Xử phạt những kẻ vi phạm nhân quyền đã trở thành một trọng tâm ở các quốc gia dân chủ như một cách để chống lại những hành vi vi phạm nhân quyền tàn bạo trên toàn cầu. Sau khi Hoa Kỳ thông qua Luật Magnitsky vào năm 2016, Canada, Anh và 27 nước thành viên Liên minh Châu Âu đã ban hành luật tương tự. Úc và Nhật Bản cũng đang làm giống vậy.

Theo luật này, vốn để áp dụng trừng phạt với những kẻ vi phạm nhân quyền đã biết, các học viên Pháp Luân Công đã lập ra các danh sách của những thủ phạm tham gia bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Hàng năm, họ nộp nhiều danh sách lên các quốc gia dân chủ, hối thúc họ trừng phạt những thủ phạm bị nêu tên.

Bắt đầu từ ngày 14 tháng 7 năm 2021, các học viên Pháp Luân Công ở hơn 30 quốc gia đã nộp danh sách gần đây nhất của những thủ phạm tham gia bức hại Pháp Luân Công cho chính phủ của họ. Các học viên đang kêu gọi trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền này, gồm việc từ chối không cho họ được nhập cảnh và đóng băng tài sản ở nước ngoài của họ.

Một cái tên trong danh sách năm nay là Vu Thiên Mẫn.

Thông tin thủ phạm

41f8730974a7b2f3e5cbcb0345094af4.jpg

Tên đầy đủ của thủ phạm: Vu (họ) Thiên Mẫn (tên) (Tên Trung Quốc: 于天敏)
Giới tính: Nam
Quốc gia: Trung Quốc
Ngày sinh: Tháng 1 năm 1964
Nơi sinh: Thành phố Trùng Khánh, tỉnh Tứ Xuyên

Chức vụ:

1997 – 2001: Phó Chánh toà của Toà án Hình sự Số 2 của Toà án Cấp cao Trùng Khánh

2001 – 2004: Trưởng Phòng Xét xử Hình sự Số 2 của Toà án Cấp cao Trùng Khánh

2004 – 2005: Phó Chủ tịch kiêm Thành viên Nhóm Lãnh đạo Đảng của Toà án Trung cấp Số 1 Thành phố Trùng Khánh

2005 – 2021: Phó Trưởng Công tố viên kiêm Thành viên Nhóm Lãnh đạo ĐCSTQ của Viện Kiểm sát Thành phố Trùng Khánh

2010 – 2015: Trưởng Công tố viên kiêm Bí thư Nhóm Lãnh đạo ĐCSTQ của Đội 1 thuộc Viện Kiểm sát Thành phố Trùng Khánh

2015 – 2017: Phó Trưởng Công tố viên kiêm phó Bí thư Nhóm Lãnh đạo ĐCSTQ của Viện Kiểm sát Thành phố Trùng Khánh

2017 – 2019: Bí thư Nhóm Lãnh đạo ĐCSTQ kiêm phó Công tố viên Viện Kiểm sát Tỉnh Liêu Ninh

Tháng 3 năm 2019 – Tháng 4 năm 2019: Thành viên Uỷ ban Thường trực Đảng Ủy Tỉnh Liêu Ninh, Bí thư Nhóm Lãnh đạo Đảng kiêm trưởng Công tố viên Viện Kiểm sát Tỉnh Liêu Ninh

2019 – Hiện tại: Thành viên Uỷ ban Thường trực Đảng Ủy Tỉnh Liêu Ninh kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật ĐCSTQ Tỉnh Liêu Ninh

Những tội ác chính:

Từ tháng 7 năm 1999, Vu Thiên Mẫn đã làm việc trong các toà án, viện kiểm sát và các cơ quan chính phủ khác phụ trách đàn áp Pháp Luân Công. Qua nhiều năm, ông ta đã thi hành chính sách bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ và tích cực tham gia đàn áp các học viên Pháp Luân Công.

Từ tháng 1 năm 2017 đến tháng 2 năm 2019, khi Vu làm trưởng công tố viên của Viện Kiểm sát Tỉnh Liêu Ninh, ông ta đã chỉ đạo mọi cấp Viện Kiểm sát dưới quyền pháp lý của ông ta để thực thi bắt giữ, giam cầm, truy tố và kết án phi pháp các học viên Pháp Luân Công. Trong nhiều bài thuyết trình, ông ta đã chỉ đạo Viện Kiểm sát tất cả các cấp ở tỉnh Liêu Ninh “thực thi chiến dịch chống tà giáo” chống lại Pháp Luân Công.

Theo thống kê có sẵn được báo cáo trên Minghui.org, từ 2017 đến 2018, 323 học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Liêu Ninh đã bị kết án, 80 người bị xét xử tại toà, 112 người bị chấp thuận bắt giữ và 27 người bị truy tố. Trong số họ, chín học viên lớn tuổi, gồm ba người trên 80 tuổi, đã bị kết án trong năm 2018. Ông Vương Điện Quốc và bà Lý Diễm Thu đã bị tra tấn đến chết trong tù sau khi bị kết án.

Sau đây là một số trường hợp chính:

1. Ông Vương Điện Quốc và bà Vu Bảo Phương bị tra tấn đến chết

Khoảng 8 giờ tối ngày 4 tháng 7 năm 2017, một nhóm cảnh sát mặc thường phục đã dùng búa và khoan bằng kim loại phá cửa xông vào nhà ông Vương Điện Quốc, vợ là bà Vu Bảo Phương và con trai là Vương Vũ ở thành phố An Sơn. Gia đình ba người bị bắt và nhà bị lục soát. Ngày 17 tháng 7 năm 2017, chỉ sau 13 ngày, bà Vu đã bị tra tấn đến chết ở trại tạm giam Nữ An Sơn. Ông Vương Điện Quốc đã bị xét xử ở toà án vào ngày 24 tháng 4 năm 2018. Ông đã bị kết án bốn năm tù và bị đưa đến Nhà tù Thành phố Đại Liên vào tháng 6 năm 2018, tại đây ông bị tra tấn đến chết vào ngày 16 tháng 6 năm 2020.

2. Bà Lý Diễm Thu bị tra tấn đến chết trong 14 ngày cầm tù để thụ án năm năm tù

Ngày 14 tháng 12 năm 2018, bà Lý Diễm Thu bị cảnh sát bắt và đưa đến một trại tạm giam. Sáng ngày 21 tháng 1 năm 2019, không có thông báo cho gia đình, Viện Kiểm sát và toà án đã bí mật xét xử bà Lý trong trại tạm giam. Thẩm phán đã vội vã thông qua các thủ tục trong khi bà Lý rất yếu, không thể tự đi hoặc biện hộ cho bản thân. Luật sư do toà án chỉ định đã biện hộ có tội cho bà trái với ý nguyện của bà. Luật sư do gia đình thuê không được gặp mặt bà. Sau đó gia đình phát hiện bà Lý đã bị kết án năm năm tù. Ngày 4 tháng 3 năm 2019, chỉ sau 14 ngày vào tù, bà Lý đã bị tra tấn đến chết trong tù ở tuổi 52.

3. Bà Tạ Bảo Phượng bị bức hại trong tù đến khi không thể tự chăm sóc bản thân

Bà Tạ Bảo Phượng bị kết án năm năm tù vào năm 2017 và bị đưa đến Nhà tù Nữ Thẩm Dương vào ngày 5 tháng 12 năm 2017. Năm 2018, bà phát sinh những triệu chứng nghiêm trọng dù có sức khoẻ tốt trước khi bị bắt. Trong một thời gian dài, bà không thể ăn và nôn ra sau khi ăn. Vì nhà tù không điều trị cho bà nên tình trạng của bà đã xấu đi. Gia đình đã nhiều lần yêu cầu thả bà nhưng nhà tù từ chối vì bà không “chuyển hoá” (từ bỏ Pháp Luân Công). Không thể tự chăm sóc bản thân, hiện bà Tạ phải ngồi xe lăn trong Nhà tù Nữ Liêu Ninh.

4. Các học viên Pháp Luân Công bị truy tố và kết án sau hai lần bắt giữ trên diện rộng ở thành phố Đại Liên

Ngày 8 tháng 10 năm 2017, Ủy ban Chính trị và Pháp Luật của Khu Phát triển Đại Liên và Bộ Công an đã âm mưu bắt giữ các học viên Pháp Luân Công. Nhiều đồn công an đã phối hợp và bắt giữ 19 học viên. 10 người đã chính thức bị bắt. Viện Kiểm sát và toà án đã tổ chức những phiên xử từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2018. Chín học viên đã bị kết án: Chu Hải Yến bị kết án tám năm, Giả Tú Xuân hai năm, Thì Trữ Dao năm năm, Phương Phương ba năm sáu tháng, Lâm Cảnh Bình bốn năm, Hồ Chí Cầm bảy năm sáu tháng, Lai Quế Phương bảy năm, Tào Nga ba năm sáu tháng và Hác Phúc Khuê (81 tuổi) ba năm.

Ngày 12 tháng 11 năm 2018, 23 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt, sáu người trong số họ bị truy tố và bị kết án tù dài hạn. Tống Học Tồn bị kết án tám năm, Trần Dược Vinh tám năm, Trương Khắc Hâm tám năm, Từ Ngạn Hà tám năm sáu tháng, Trình Ngọc Vinh bốn năm và Tưởng Liên Hương ba năm ba tháng.

Cuộc bức hại trong thời gian nhậm chức ở Ủy ban Chính trị và Pháp luật

Tháng 4 năm 2019, Vu Thiên Mẫn được chỉ định làm Thành viên Ủy ban Thường trực của Ủy ban Đảng Tỉnh Liêu Ninh kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật ĐCSTQ. Để thăng tiến trong sự nghiệp chính trị, Vu đã chỉ đạo việc bắt giữ, truy tố và kết án nhiều học viên Pháp Luân Công. Một số đã bị tra tấn đến chết và gia đình họ tan nát. Vu phải chịu toàn bộ trách nhiệm cho những thảm kịch nhân loại này.

Theo Minghui.org, 44 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt ở tỉnh Liêu Ninh vào tháng 5 năm 2019. Tháng 7 năm 2019, Ủy ban Chính trị và Pháp luật Tỉnh Liêu Ninh, Phòng 610 và Sở Công an đã bắt giữ ít nhất 91 học viên Pháp Luân Công với lý do duy trì ổn định trong dịp “Lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh”. Riêng trong ngày 10 tháng 7 năm 2019, hơn 20 học viên ở Thẩm Dương đã bị lục soát nhà và bị bắt.

Theo thống kê có sẵn, từ 2019 đến 2020, 165 học viên Pháp Luân Công đã bị kết án ở tỉnh Liêu Ninh. Lớn nhất là 81 tuổi và bản án dài nhất là tám năm. Ít nhất 1.031 học viên đã bị bắt trong hai năm này, người lớn tuổi nhất là 83.

Từ khi Vu Thiên Mẫn trở thành Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật ĐCSTQ vào tháng 4 năm 2019, ít nhất 19 học viên Pháp Luân Công đã bị tra tấn đến chết ở tỉnh Liêu Ninh, gồm Lý Quế Vinh, Trâu Lập Minh, Hồ Lâm, Vu Vĩnh Mãn, Trương Chấn Tài, Lan Lập Hoa, Vương Điện Quốc, Phó Thụ Cần, Vu Văn Trạch, Đô Hưng Quý, Tống Thục Xuân, Bàng Chấn Lan, Lý Quốc Tuấn, Thường Học Linh, Phó Cảnh Hoa, Trịnh Đức Tài, Triệu Đức Lâm, Chu Bổn Phú và Trần Vĩnh Xuân.

Vu Thiên Mẫn, với tư cách là Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật ĐCSTQ của tỉnh Liêu Ninh, phải chịu trách nhiệm cho việc bức hại, tra tấn, tàn phế và những cái chết của học viên Pháp Luân Công trong nhiệm kỳ ở tỉnh Liêu Ninh.

Những ví dụ về một số trường hợp bị bức hại, chỉ đại diện cho phần nổi của tảng băng:

1. Kỹ sư hàng không ông Hồ Lâm chết vì tra tấn

Ông Hồ Lâm sinh ngày 19 tháng 2 năm 1972 và là một kỹ sư. Ngày 23 tháng 5 năm 2019, ông bị bắt lần thứ ba và bị đưa đến trại tạm giam Huyện Pháp Khố, tại đây ông bị đánh đập thường xuyên. Ông đã tuyệt thực để phản đối sự đối xử vô nhân đạo. Với tứ chi bị căng ra, cảnh sát đã còng tay chân ông vào một tấm ván và bức thực. Họ nhét một ống dẫn thực vào bao tử của ông và không gỡ nó ra. Ngày 20 tháng 6, ông bị kết án hai năm tù. Ngày 30 tháng 10 năm 2019, Toà án Huyện Pháp Khố đã chuyển ông đến nhà tù. Khi đó ông đã hấp hối. Ông không thể tự di chuyển vào ngày 7 tháng 11 nhưng quản lý nhà tù đã từ chối thả ông hoặc chữa trị cho ông. Họ nói vì ông không “chuyển hoá” (từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công) nên họ sẽ không thả thậm chí dù ông có chết. Ông đã chết trong tù vào ngày 16 tháng 2 năm 2020.

2. Ông Vu Vĩnh Mãn chết vì bị tra tấn trong trại tạm giam

Ông Vu Vĩnh Mãn, 65 tuổi, bị bắt vào ngày 15 tháng 11 năm 2019 và bị giam ở trại tạm giam Liêu Dương. Ông đã bị tra tấn đến chết vào ngày 23 tháng 2 năm 2020. Trại tạm giam nói ông chết vì một “căn bệnh bất ngờ”. Nhân viên điều tra phát hiện ông bị gãy một xương sườn và có một vết sẹo rách ở phổi. Gia đình nghi ngờ ông đã bị đánh đập tàn bạo trong trại tạm giam trước khi chết.

3. Thi thể của bà Lan Lập Hoa bị ép hoả táng ở Thẩm Dương

Ngày 6 tháng 11 năm 2018, bà Lan Lập Hoa bị bắt và bị đưa đến trại tạm giam Thẩm Dương, ở đây bà bị tra tấn và bức hại như bức thực và treo lên. Một khối u to bằng quả trứng xuất hiện bên ngực trái của bà và sau đó bà bị chẩn đoán ung thư ngực. Tháng 5 năm 2019, bà bị kết án ba năm mười tháng tù. Ngày 23 tháng 4 năm 2020, bà đã chết trong Nhà tù nữ Tỉnh Liêu Ninh ở tuổi 49.

4. Bà Bàng Chấn Lan chết sau nhiều lần bị bắt

Bà Bàng Chấn Lan đã bị bắt nhiều lần và nhà bị lục soát sau khi cuộc bức hại bắt đầu. Bà đã bị bắt vào ngày 24 tháng 4 năm 2020 khi đang phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Cảnh sát đã lục soát nhà bà và tịch thu các sách Pháp Luân Công của bà. Sáng ngày 27 tháng 4, bà đã đến đồn công an và đề nghị cảnh sát trả lại sách Pháp Luân Công. Cảnh sát đã ra lệnh giam bà 10 ngày. Bà đã từ chối hợp tác. Bà trở về nhà lúc 2 giờ chiều. Áp lực tinh thần từ cuộc bức hại đã ảnh hưởng đến sức khoẻ của bà. Ba tuần sau bà đã qua đời vào ngày 18 tháng 5 năm 2020.

5. Bà Trần Vĩnh Xuân chết vì bị tra tấn trong Nhà tù Nữ Thẩm Dương

Năm 2017, Toà án Thành phố Dinh Khẩu đã kết án bà Trần Vĩnh Xuân năm năm tù và chuyển bà đến Nhà tù Nữ Thẩm Dương. Sau một tháng bị tăng cường bức hại, nhà tù đã ép bà phải lao động không công. Bà thường xuyên làm việc trễ đến đêm và bị trừng phạt thể xác. Các lính canh tù đã chỉ đạo các tù nhân đánh đập bà. Ngược đãi tinh thần, án tù dài và làm việc quá sức đã khiến bà sụt cân nhanh chóng và bà thường xuyên ngất xỉu, không ăn hay uống được.

Bà Trần sinh ra các triệu chứng của bệnh tiểu đường vào năm 2019 vì bị ngược đãi vô nhân đạo. Bà trở nên ốm yếu. Sau khi bị ép phải nhập viện ba lần, sức khoẻ của bà đã không cải thiện. Ngày 18 tháng 10 năm 2020, bà được thả sau khi kết thúc án tù năm năm. Khi gia đình đón bà về từ bệnh viện, bà không thể tự đi lại nữa. Bà không thể phân biệt phương hướng và đôi mắt trũng sâu. Bà chỉ còn da bọc xương. Tại nhà, chính quyền địa phương, thông qua các thành viên cộng đồng, đã liên tục sách nhiễu bà. Trước khi có thể hồi phục, bà đã qua đời vào ngày 4 tháng 3 năm 2021.

6. Bà Lâu Diễm bị cảnh sát đánh đập và tra tấn tàn bạo

Ngày 12 tháng 2 năm 2020, khi bà Lâu Diễm, Phương Phúc Cường và Trương Húc đang lái xe đến thành phố Thẩm Dương thì bị dừng lại ở lối ra xa lộ và bị bắt. Bà Lâu Diễm bị giam 77 ngày, trong thời gian này bà phải chịu nhiều hình thức đối xử vô nhân đạo.

Ngày 14 tháng 2, bà bị tra tấn và kết quả là có nhiều triệu chứng như động kinh. Một cảnh sát đã cố tình ấn mạnh vào huyện “nhân trung” của bà (nằm ở dưới mũi, trên miệng) khiến môi bà bị sưng và phần da gần huyệt bị bầm tím. Cảnh sát cũng tát vào mặt bà mạnh đến nỗi bà mất khả năng nghe một bên tai.

Bà không được rửa tay, chân hay tắm trong lúc bị giam. Bà bị ép phải ngồi trên một cái ghế sắt với thời gian dài nhất là năm ngày với tay chân bị còng vào ghế. Kết quả là mông bà bị mưng mủ. Bà chỉ được thả khỏi ghế khi tay chân bị sưng phồng đến nỗi xích không còn vừa nữa.

Trong thời gian khoảng một tháng, các lính canh đã còng tay phải của bà vào một cái vòng trên mặt đất gần một bức tường khi bà ngủ vào ban đêm. Sau hai tháng bị tra tấn, bà trở nên tiều tuỵ. Bà ho không ngừng mỗi ngày, có lúc kéo dài bốn hay năm tiếng, khạc nhổ và nôn ra máu và mật. Bà từng tuyệt thực để phản đối bức hại. Một cảnh sát đã véo vào má của bà và ép đổ cháo kê vào miệng bà. Má của bà bắt đầu chảy máu và bà bị nôn ra máu. Cuối cùng, bà đã ngã xuống đất nhiều lần và không thể thở. Người cảnh sát phụ trách sợ bà có thể chết bất kỳ lúc nào. Cảnh sát đã lấy đi 60.000 Nhân dân tệ mà bà mang theo và không trả lại tiền.

7. Thẩm phán: “Ba năm tù nếu nhận tội và bảy năm tù nếu không nhận tội”

Ông Triệu Cát Nguyên, 65 tuổi và vợ là bà Lý Tú Kiệt, là trong số hơn 20 học viên Pháp Luân Công bị bắt vào ngày 10 tháng 7 năm 2019 ở thành phố Thẩm Dương. Ông Triệu đã bị đánh đập tàn bạo khi đang bị giam trong trại tạm giam. Trong phiên toà vào ngày 10 tháng 12 năm 2019, ông không nhận tội và từ chối ký vào các biên bản của toà án. Thẩm phán đã yêu cầu con trai ông thuyết phục cha mình nhận tội và đe doạ “ba năm tù nếu nhận tội và bảy năm tù nếu không nhận tội”. Ông Triệu đã không nhận tội và bị kết án bảy năm sáu tháng tù.

8. Bà Đổng Thục Hiền 72 tuổi bị kết án bảy năm tù tại nhà

Bà Đổng Thục Hiền, 72 tuổi, là một người dân ở thành phố Triều Dương. Ngày 14 tháng 7 năm 2020, ba nhân viên toà án cùng ba cảnh sát ở Bộ Công an Tiền Tiến đã xông vào nhà bà. Họ đưa ra một quyết định của toà án rằng bà đã bị kết án bảy năm tù. Thấy vậy, bà trở nên bối rối và hỏi thẩm phán: “Tôi đã làm gì? Tôi ở nhà và không biết gì cả. Tôi bị kết án bảy năm tù ư? Tôi đã phạm tội gì? Hãy cho tôi xem quyết định.”

9. Bà Triệu Ngọc Lan, 80 tuổi, ở thành phố Phủ Thuận, bị kết án ba năm tù

Bà Triệu Ngọc Lan, 80 tuổi, từng bị kết án hai lần với tổng cộng chín năm sáu tháng tù. Bà lại bị bắt vào ngày 5 tháng 10 năm 2019. Tháng 10 năm 2020 bà bị kết án lần thứ ba với ba năm tù và bị đưa đến Nhà tù Nữ Liêu Ninh.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/2/428975.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/8/31/194859.html

Đăng ngày 22-09-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share