[MINH HUỆ 20-07-2021] Trừng phạt những người vi phạm nhân quyền đã trở nên phổ biến hơn ở các nước dân chủ. Sau khi Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Magnitsky vào năm 2016, Canada, Vương quốc Anh và 27 quốc gia thành viên EU đã ban hành bộ luật tương tự. Áo và Nhật Bản cũng đang làm các việc tương tự.
Dựa theo các luật này, các học viên Pháp Luân Công đã lập danh sách các thủ phạm liên quan đến cuộc bức hại Pháp Luân Công trong vài năm trở lại đây. Hàng năm, họ đệ trình một số danh sách lên chính phủ các nước dân chủ và thúc giục họ trừng phạt đối với những thủ phạm được nêu tên.
Bắt đầu từ ngày 14 tháng 7 năm 2021, các học viên Pháp Luân Công tại hơn 30 quốc gia đang đệ trình danh sách mới nhất những thủ phạm liên quan đến cuộc bức hại Pháp Luân Công lên chính phủ của họ và yêu cầu các biện pháp trừng phạt đối với những kẻ vi phạm nhân quyền này, bao gồm việc từ chối nhập cảnh và đóng băng tài sản của họ ở nước ngoài.
Một cái tên trong danh sách này là Ngô Ái Anh.
Thông tin về kẻ bức hại
Tên đầy đủ: Ngô (họ) Ái Anh (tên) (tiếng Trung: 吴爱英)
Giới tính: Nữ
Quốc tịch: Trung Quốc
Ngày tháng / Năm sinh: Tháng 12 năm 1951
Nơi sinh: Huyện Xương Lạc, Tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc
Chức vụ
Tháng 10 năm 1970: Gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc
Tháng 4/1998 – tháng 3/2002: Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn Đông
Tháng 3/2002 – tháng 11/2003: Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn Đông, Chủ tịch Ủy ban Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tỉnh Sơn Đông kiêm Bí thư Tổ Đảng
Tháng 11/2003 – tháng 6/2005: Thứ trưởng Bộ Tư pháp kiêm Phó Bí thư Tổ Đảng Bộ Tư pháp
Tháng 6/2005 – tháng 2/2017: Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiêm Bí thư Tổ Đảng Bộ Tư pháp
Tháng 10/2017, Ngô Ái Anh bị khai trừ khỏi Đảng do vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.
Tội ác chính
Ngô Ái Anh là người đóng vai trò quan trọng trong cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ. Bà ta từng giữ các chức vụ quan trọng ở tỉnh Sơn Đông trong thời gian dài, từng giữ chức Thứ trưởng và Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong hơn 13 năm. Bất cứ nơi nào bà ta phục vụ, bà ta đều tích cực thực hiện chính sách bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ, không tiếc nỗ lực bức hại Pháp Luân Công và coi cuộc bức hại như một cơ hội để thăng tiến trong sự nghiệp. Trong suốt những năm ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công, bà ta không chỉ tuân thủ và thực hiện các chính sách bức hại, mà còn là người chủ mưu trong việc hoạch định các chính sách bức hại.
I. Những tội ác bức hại Pháp Luân Công trong thời gian ở Sơn Đông
Ngô Ái Anh đã làm việc ở tỉnh Sơn Đông trong một thời gian dài. Bắt đầu từ năm 1998, Ngô Ái Anh đảm nhận chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn Đông, phụ trách công tác Chính trị và Pháp luật. Sau khi ĐCSTQ bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, Ngô Ái Anh cũng là lãnh đạo của “Nhóm lãnh đạo duy trì sự ổn định” của Tỉnh ủy Sơn Đông, phụ trách cuộc bức hại Pháp Luân Công. Trong nhiệm kỳ của Ngô Ái Anh ở Sơn Đông, bà ta đã tích cực thực hiện các chính sách bức hại của ĐCSTQ và bức hại tàn nhẫn các học viên Pháp Luân Công trong tỉnh cùng với Ngô Quan Chính và Trương Cao Lệ, hai bí thư của Tỉnh ủy Sơn Đông. Sau đây là những tội ác chính mà Ngô Ái Anh đã phạm phải trong khi bức hại các học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Sơn Đông:
1. Trong nhiều dịp công khai, với tư cách là Phó Bí thư Tỉnh ủy, bà ta đã có những bài phát biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đàn áp Pháp Luân Công
1) Vào ngày 21 tháng 1 năm 2001, vào đêm trước Tết Nguyên đán, Ngô Ái Anh đã đến thăm Trại lao động nữ ở tỉnh Sơn Đông. Bà ta nhấn mạnh rằng trại lao động nên tiếp tục đấu tranh chống Pháp Luân Công và tăng cường việc “chuyển hóa bằng cách cải tạo”.
2) Ngày 1 tháng 2 năm 2001, Ngô Ái Anh tham dự Hội nghị Công tác Chính trị và Pháp luật tỉnh và có bài phát biểu, bày tỏ sự cần thiết phải tăng cường cuộc đấu tranh chống Pháp Luân Công và đàn áp triệt để Pháp Luân Công.
3) Ngày 7 tháng 1 năm 2002, Ngô Ái Anh tham dự Hội nghị Công tác Chính trị và Pháp luật tỉnh Sơn Đông và có bài phát biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục tăng cường cuộc chiến chống Pháp Luân Công và gia tăng cường độ các cuộc tấn công đối với Pháp Luân Công.
4) Vào ngày 6 tháng 7 năm 2002, Ngô Ái Anh đã có bài phát biểu tại một hội nghị truyền hình và điện thoại về việc duy trì ổn định xã hội ở tỉnh, nhấn mạnh sự cần thiết phải đàn áp Pháp Luân Công.
5) Vào ngày 27 tháng 9 năm 2002, Ngô Ái Anh tham dự Hội nghị Công tác ổn định xã hội của tỉnh và có bài phát biểu. Trong bài phát biểu của mình, bà ta nhấn mạnh rằng Pháp Luân Công nên được liệt vào danh sách mục tiêu chính trong cuộc đàn áp của họ để đảm bảo việc tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ 16 của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra suôn sẻ.
2. Cuộc bức hại tàn khốc đối với các học viên Pháp Luân Công trong tỉnh, với số lượng học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết trong nhiệm kỳ của bà ta ở tỉnh Sơn Đông xếp vào hàng cao nhất cả nước
Cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Sơn Đông luôn là một trong những cuộc bức hại nghiêm trọng nhất trên cả nước. Trước tháng 11 năm 2003, khi Ngô Ái Anh rời Sơn Đông để làm việc tại Bộ Tư pháp, 94 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết ở tỉnh Sơn Đông, xếp hạng cao thứ ba trên cả nước. Trong số những nạn nhân đó, 30 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết chỉ riêng ở Duy Phường, đứng đầu trong số các thành phố cấp tỉnh trên cả nước.
Trong thời kỳ này, trường hợp học viên Pháp Luân Công đầu tiên của cả nước bị bức hại đến chết đã xảy ra ở tỉnh Sơn Đông. Vào ngày 27 tháng 9 năm 1999, học viên Pháp Luân Công, cô Triệu Kim Hoa ở thành phố Chiêu Viên, tỉnh Sơn Đông đã bị đồn công an địa phương bắt giữ và đánh đập tới chết vì cô không chịu từ bỏ đức tin của mình, khi đó cô 42 tuổi.
Trường hợp đầu tiên được báo cáo về một học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết trong bệnh viện tâm thần do bị cưỡng bức tiêm thuốc làm tổn thương hệ thần kinh trung ương cũng xảy ra ở tỉnh Sơn Đông. Anh Tô Cương, một học viên Pháp Luân Công từ thành phố Tri Bác, tỉnh Sơn Đông, bị cảnh sát địa phương cưỡng chế bắt giữ vào ngày 23 tháng 5 năm 2000 và đưa đến Bệnh viện tâm thần Xương Nhạc để bức hại. Trong thời gian này, anh đã bị cưỡng bức tiêm thuốc làm tổn thương hệ thống thần kinh trung ương và chỉ trong 9 ngày, anh đã bị bức hại đến mức bên bờ vực của cái chết. Anh đã qua đời mười ngày sau khi được đưa trở về nhà trong đau đớn tột cùng và mới chỉ 32 tuổi.
Trường hợp đầu tiên về một học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết được báo chí nước ngoài đưa tin cũng xảy ra ở tỉnh Sơn Đông. Vào ngày 20 tháng 4 năm 2000, phóng viên Ian Johnson của Tạp chí Phố Wall đã đăng một bài báo trên Tạp chí về việc một học viên Pháp Luân Công, bà Trần Tử Tú (58 tuổi) ở thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông, đã bị các quan chức địa phương đánh đập tới chết vào ngày 21 tháng 2 năm đó. Việc xuất bản bài báo đã trở thành trường hợp đầu tiên về việc bức hại tới chết của một học viên Pháp Luân Công được báo chí nước ngoài đưa tin.
Những trường hợp bức hại này đều xảy ra trong thời kỳ Ngô Ái Anh nắm quyền ở Sơn Đông. Ngô Ái Anh, với tư cách là Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn Đông phụ trách cuộc bức hại Pháp Luân Công và là lãnh đạo cao nhất của nhóm lãnh đạo duy trì sự ổn định của tỉnh, phải chịu trách nhiệm. Ngô Ái Anh đã có cơ hội thăng tiến xuyên suốt trong cuộc bức hại tàn bạo đối với Pháp Luân Công. Vào tháng 11 năm 2003, Ngô Ái Anh chuyển sang Bộ Tư pháp với tư cách Thứ trưởng Bộ và được thăng chức lên làm Bộ trưởng vào tháng 6 năm 2005 cho đến khi bà ta bị miễn nhiệm vào tháng 2 năm 2017.
II. Cuộc bức hại Pháp Luân Công trong nhiệm kỳ ở Bộ Tư pháp
ĐCSTQ đã sử dụng tất cả bộ máy nhà nước để tham gia vào cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công, từ việc tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông khác nhau, đến việc quản lý các cấp chính quyền, lực lượng công an, viện kiểm sát, tòa án, hệ thống tư pháp (nhà tù và trại lao động cải tạo), quân đội và các lực lượng khác. Bộ Tư pháp quản lý hệ thống nhà tù và hệ thống trại lao động cải tạo trên cả nước. Ngô Ái Anh đã quản lý Bộ Tư pháp trong gần 12 năm (tháng 6 năm 2005 đến tháng 2 năm 2017). Đây là thời kỳ việc tra tấn và tẩy não đối với các học viên Pháp Luân Công diễn ra nghiêm trọng trong các nhà tù và trại lao động trên khắp cả nước.
Theo thống kê, trong thời kỳ Ngô Ái Anh quản lý Bộ Tư pháp, có ít nhất 555 người đã bị bức hại đến chết, bao gồm 347 người trong các trại lao động và 208 người trong các nhà tù. Con số này được cho chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về số người đã bị mất mạng thực sự. Trong số những người mất mạng do cuộc bức hại, một số lượng đáng kể học viên Pháp Luân Công đã qua đời trong các nhà tù và trại lao động của ĐCSTQ do bị tra tấn.
Những trường hợp bị bức hại trong nhà tù và hệ thống trại lao động có liên quan mật thiết đến sự thông đồng và hỗ trợ từ Bộ Tư pháp của ĐCSTQ. Là người quản lý cao nhất của hệ thống tư pháp, Ngô Ái Anh phải chịu trách nhiệm về các cuộc bức hại khác nhau đối với Pháp Luân Công xảy ra trong nhiệm kỳ của mình. Bà ta có trách nhiệm không thể chối cãi, vì bà ta là thủ phạm chính và là kẻ chủ mưu trực tiếp đứng sau cuộc bức hại. Sau đây là những tội ác chính và các phương pháp bức hại các học viên Pháp Luân Công trong các trại lao động và hệ thống nhà tù.
1. Tội ác trong các trại lao động
Mặc dù hệ thống trại lao động cải tạo của ĐCSTQ đã chính thức bị bãi bỏ vào năm 2013 do áp lực từ cộng đồng quốc tế, nhưng trong cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ, hệ thống trại lao động cải tạo không yêu cầu thủ tục tố tụng của tòa án, tương đương với bức hại thông qua lao động trong tù và đã bị chính quyền ĐCSTQ lạm dụng đến cùng cực.
Theo thống kê từ Minh Huệ, từ tháng 11 năm 2003, khi Ngô Ái Anh được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Tư pháp kiêm Phó Bí thư Tổ Đảng, đến năm 2013, khi hệ thống trại lao động cải tạo bị bãi bỏ, tổng cộng có ít nhất 16.347 học viên Pháp Luân Công đã bị đưa vào trại lao động cải tạo bất hợp pháp (với một số người trong số họ đã bị đưa vào nhiều lần).
Các trại lao động này đã cố gắng buộc các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin vào “Chân, Thiện, Nhẫn” bằng cách tra tấn thể xác và “tẩy não” họ. Các trại lao động với tất cả các loại phương pháp tàn độc để buộc các học viên Pháp Luân Công “chuyển hóa”, và nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết, bị thương, bị thương tật về thể chất và tổn thương về tinh thần chỉ vì họ kiên định đức tin của mình và từ chối điều được gọi là “chuyển hóa”.
Theo thống kê từ Minh Huệ trong “Báo cáo điều tra năm 2013 về tra tấn và sát hại các học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ”, trong số 3.653 học viên Pháp Luân Công bị ĐCSTQ bức hại đến chết, có tổng cộng 714 trường hợp tử vong là kết quả trực tiếp của đợt bức hại cuối cùng trong trại lao động trước khi họ qua đời và 546 người bị tra tấn và sát hại trực tiếp trong các trại lao động, liên quan đến tổng số 127 trại lao động trên toàn quốc.
Học viên Pháp Luân Công, cô Cao Dung Dung, 37 tuổi, đã bị sốc điện liên tục tại Trung tâm Cải huấn Long Sơn ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh bắt đầu từ 3 giờ chiều vào ngày 7 tháng 5 năm 2004, gây biến dạng và thương tích nghiêm trọng trên khuôn mặt. Cô được đưa đến bệnh viện để cấp cứu, và sau đó, cô đã trốn khỏi bệnh viện với sự giúp đỡ của các học viên Pháp Luân Công địa phương. Minh Huệ đã công bố các báo cáo và hình ảnh khuôn mặt của cô Cao bị biến dạng nghiêm trọng vào ngày 7 tháng 7 và điều này đã gây chấn động toàn thế giới. Vào ngày 30 tháng 8, Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc Theo van Boven đã gửi đơn khiếu nại khẩn cấp đến các tổ chức và nhân viên của Liên Hợp Quốc liên quan đến cuộc bức hại học viên Pháp Luân Công cô Cao Dung Dung. Để che giấu sự thật của cuộc bức hại, ĐCSTQ đã xếp việc cô Cao rời bệnh viện là “Đại án số 26”. Vào tháng 3 năm 2005, cô Cao lại bị bắt và bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia ở Liêu Ninh. Vào ngày 16 tháng 6 cùng năm, cô đã bị sát hại trong trại lao động cưỡng bức.
Học viên Pháp Luân Công, ông Giang Tích Thanh, 66 tuổi, đã bị bức hại đến chết tại Trại lao động cưỡng bức Tây Sơn Bình Trùng Khánh vào ngày 28 tháng 1 năm 2009. Người nhà của ông nghi ngờ về cái chết của ông và đã chụp lại ảnh. Họ đã bị bắt bởi hơn 20 nhân viên cảnh sát (bao gồm cả những người ở trung tâm hỏa táng), và các bức ảnh của họ đã bị thu giữ và tiêu hủy. Gia đình đã cầu xin được phép tổ chức lễ truy điệu cho ông Giang nhưng nhà chức trách đã từ chối và cho rằng người nhà đang làm rắc rối thêm sự việc. Sau đó, các thành viên trong gia đình đã bị cảnh sát lôi ra khỏi nhà tang lễ, và ông Giang Tích Thanh với cơ thể vẫn còn ấm đã bị cưỡng chế đưa đi hỏa táng.
Những trường hợp qua đời vì bị bức hại mà chúng ta biết đến chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Có rất nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị tra tấn và sát hại bởi các trại lao động của ĐCSTQ, nhưng câu chuyện của họ đã được che đậy một cách nghiêm ngặt và rất khó để thế giới bên ngoài biết được tình hình thực sự của cuộc bức hại.
2. Bức hại trong tù
Kể từ năm 1999, cuộc bức hại lâu dài của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công đã biến hệ thống công an, viện kiểm sát, tòa án và nhà tù thành một dây chuyền phạm pháp có hệ thống, khiến toàn bộ hệ thống nhà tù trở thành một hệ thống phạm pháp. Theo thống kê từ Minh Huệ, từ tháng 11 năm 2003 khi Ngô Ái Anh là Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho đến khi bà ta bị miễn nhiệm vào tháng 2 năm 2017, có đến 11.708 học viên Pháp Luân Công đã bị kết án bất hợp pháp (với một số bị kết án bất hợp pháp nhiều lần) và bị bỏ tù ở Trung Quốc. Trong số đó, các tỉnh có số án bất hợp pháp cao nhất đối với các học viên Pháp Luân Công là tỉnh Liêu Ninh, tỉnh Hắc Long Giang, tỉnh Sơn Đông, tỉnh Hà Bắc, tỉnh Tứ Xuyên và tỉnh Cát Lâm. Những năm mà các học viên Pháp Luân Công bị kết án bất hợp pháp nhiều nhất là năm 2004 và 2016, khi Ngô Ái Anh đang tại vị.
Các học viên Pháp Luân Công bị kết án bất hợp pháp này thuộc mọi tầng lớp trong xã hội. Trong số đó có các chuyên gia, học giả, giáo sư, những người có bằng tiến sĩ và thạc sĩ, sinh viên đại học, giáo viên, nhà thiết kế, doanh nhân, chuyên gia CNTT, quân nhân, kỹ sư, bác sĩ, thẩm phán, cảnh sát, quan chức chính quyền, công nhân, nông dân, nhân viên văn phòng…
Ví dụ, vào năm 2016, Minh Huệ đã đăng 491 bài báo vạch trần cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công trong các nhà tù của ĐCSTQ, xác nhận rằng ít nhất 109 nhà tù đã sử dụng bạo lực và tra tấn để cưỡng bức “chuyển hóa” các học viên Pháp Luân Công. Cái gọi là “chuyển hóa” thực chất là để buộc các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của họ vào “Chân, Thiện, Nhẫn”. Các nhà tù sẵn sàng làm bất cứ điều gì vì “tỷ lệ chuyển hóa” của họ.
Theo “Báo cáo điều tra năm 2013 về tra tấn và sát hại học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ” trên Minh Huệ, trong số 3.653 học viên Pháp Luân Công bị ĐCSTQ bức hại đến chết, 404 người trong số họ đã bị giam cầm và bức hại trong nhà tù trước khi qua đời, liên quan đến tổng 122 nhà tù trên cả nước.
Giống như trong các trại lao động, do sự phong tỏa thông tin nghiêm ngặt của Đảng Cộng sản Trung Quốc, số học viên Pháp Luân Công đã mất mạng trong các nhà tù không được thế giới bên ngoài biết đến. Số người mất mạng thực tế do bị bức hại có thể cao hơn rất nhiều.
3. Các phương pháp được sử dụng trong các trại lao động và nhà tù để tra tấn và sát hại các học viên Pháp Luân Công
Để buộc các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của họ và tăng cái gọi là “tỷ lệ chuyển hóa”, các nhà tù và trại lao động không ngần ngại sử dụng các phương pháp cực đoan để tra tấn và bức hại các học viên Pháp Luân Công. Các phương pháp tra tấn này có thể được chia thành 11 loại, bao gồm đánh đập nghiêm trọng, sử dụng các công cụ tra tấn, trừng phạt thể xác, bức thực, sốc điện, lao động quá mức hoặc lao động cưỡng bức, ngược đãi, tra tấn tình dục, cưỡng bức “tẩy não”, giam giữ và ép sử dụng thuốc ảnh hưởng hệ thần kinh. Mỗi loại lại được chia thành nhiều danh mục nhỏ. Những phương pháp tra tấn này được sử dụng rộng rãi trong các nhà tù và trại lao động. Dưới đây chỉ là một số loại phương pháp tra tấn thường được sử dụng:
1) Đánh đập: Có nhiều phương pháp đánh đập các học viên Pháp Luân Công trong các nhà tù và trại lao động. Những hình thức phổ biến bao gồm sử dụng thiết bị cảnh sát, gậy gộc, bàn là, thắt lưng, roi da, gậy tre… để đánh các học viên Pháp Luân Công, đá học viên Pháp Luân Công bằng giày da, tát học viên Pháp Luân Công và túm tóc học viên Pháp Luân Công đập đầu vào tường hoặc khung cửa. Việc đánh đập có thể nhắm vào đầu, mặt, tay chân và bộ phận sinh dục.
Vào ngày 6 tháng 3 năm 2013, anh Quách Tiểu Văn bị đưa đến Nhà tù Tấn Trung. Dưới sự chỉ đạo của lính canh, Quách Tiểu Văn đã bị đánh đến chết vào ngày 12 tháng 3 chỉ trong vòng 6 ngày. Anh mất khi mới 40 tuổi.
2) Tra tấn bằng công cụ: Có hàng chục dụng cụ, công cụ tra tấn thường được sử dụng trong các nhà tù và trại lao động, chẳng hạn như còng tay, kiềng xích, dây đai nén, dây thừng, ghế cọp, giường tử thần, dao, lửa, và các công cụ khác. Các học viên Pháp Luân Công phải chịu các hình thức tra tấn thể xác như treo lên, ghế cọp, cùm, trói…điều này trực tiếp gây cho các học viên Pháp Luân Công sự đau đớn về thể xác và thậm chí tử vong ngay tại chỗ.
Vào ngày 18 tháng 7 năm 2011, ông Lý Hi Vọng ở Thiên Tân, bị bắt và bị đưa đến Nhà tù Cảng Bắc (nay là Nhà tù Tân Hải). Chỉ sau 11 ngày, vào ngày 29 tháng 7, ông Lý Hi Vọng đã bị tra tấn đến chết khi đó ông 49 tuổi. Ông đã phải chịu đựng kỹ thuật tra tấn “mỏ neo” khi bị giam trong nhà tù Cảng Bắc Thiên Tân.
3) Sốc điện: Sử dụng dùi cui điện cao thế cũng là một phương pháp phổ biến được sử dụng trong các nhà tù và trại lao động. Cảnh sát thường sử dụng một hoặc một số dùi cui điện cao thế để sốc điện các học viên Pháp Luân Công cùng lúc. Các vị trí sốc điện có thể là vào bộ phận sinh dục, mặt, chân tay, đầu và các bộ phận nhạy cảm của cơ thể như cổ, ngực, lưng, thắt lưng, xương sườn và hậu môn.
Vào ngày 3 tháng 7 năm 2010, học viên Pháp Luân Công, bà Lưu Thuật Linh đã bị tra tấn đến chết tại Trại lao động và cải tạo ma túy Cáp Nhĩ Tân ở tỉnh Hắc Long Giang. Theo các nhân chứng, bà Lưu Thuật Linh bị một cảnh sát mặc đồng phục trói vào ghế kim loại và dùng dùi cui điện sốc điện đến chết. Có một vết bầm thâm đen lớn ở phía sau tai trái của bà Lưu Thuật Linh và ở dưới cổ bà, cả hai đều do dùi cui điện gây ra.
4) Bức thực: Các nhà tù và trại lao động cũng tiến hành bức thực dã man các học viên Pháp Luân Công, những người tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại. Mục đích của việc bức thực không phải để duy trì mạng sống của các học viên Pháp Luân Công, mà là để tra tấn họ để họ phải chết trong đau đớn. Họ bức thực các học viên Pháp Luân Công bằng nước muối đậm đặc, mì ớt, mì mù tạt, dầu mù tạt, mì ngô, nước sôi, cơm nóng và súp và thậm chí cả phân.
Vào ngày 25 tháng 2 năm 2011, lính canh Giai Mộc Tư đã đưa ông Tần Nguyệt Minh vào phòng tắm ở tầng một của bệnh viện để bức thực, anh ta kẹp lưỡi ông bằng kềm rồi kéo ra và luồn vào một ống cao su và dùng một cái phễu đổ nửa túi muối và sữa bột pha loãng vào. Khi Tần Nguyệt Minh bị lôi ra khỏi phòng tắm, miệng ông đầy máu, ông bị khó thở và không ngừng la hét. Ông Tần Nguyệt Minh đã vật lộn cả đêm trong cơn đau đớn tột cùng và tắt thở vào ngày hôm sau.
5) Trừng phạt bằng nhục hình: Các trại giam và trại lao động thường dùng nhục hình để bức hại các học viên Pháp Luân Công, chẳng hạn như bắt các học viên Pháp Luân Công ngồi xổm, quỳ, leo, chạy và đứng trong một thời gian dài, buộc các học viên Pháp Luân Công ngồi trên sàn nhà hoặc trên những chiếc ghế dài nhỏ, hoặc buộc các học viên Pháp Luân Công phải thực hiện “tư thế máy bay” trong một thời gian dài. Mặc dù các phương pháp tra tấn và bức hại này không gây ra chấn thương bên ngoài rõ rệt, nhưng chúng có thể gây ra các vấn đề nội thương nghiêm trọng cho các bộ phận cơ thể và nội tạng của các học viên Pháp Luân Công.
6) Ngược đãi: Các phương pháp ngược đãi và hủy hoại mà chính quyền ĐCSTQ sử dụng đối với các học viên Pháp Luân Công bao gồm cấm ngủ kéo dài, không cung cấp thức ăn hoặc nước uống, không cho phép họ sử dụng phòng tắm, không được giao tiếp với người khác và sử dụng phân, nước tiểu, đờm, nước ớt, và nước xà phòng… để bỏ đầy miệng các học viên Pháp Luân Công. Miệng của họ cũng có thể bị bịt kín trong thời gian dài bằng tất, giẻ rách, quần áo, băng dính có mùi hôi và bị lột quần áo để làm nhục.
Học viên Pháp Luân Công, bà Trần Thụy Cần đã bị ngược đãi trong Nhà tù nữ Thiên Tân trong một thời gian dài vì bà không chịu từ bỏ đức tin của mình. Bà bị buộc phải đứng trong thời gian dài và không được phép sử dụng phòng tắm, vì vậy bà không còn cách nào khác ngoài việc phải đi vệ sinh ra quần của mình. Ngón chân của bà bị giẫm đến chảy máu và cơ thể bị đánh đến mức để lại sẹo. Một tù nhân khác tạt nước nóng vào mặt, véo núm vú của bà, sàm sỡ phần dưới của bà, thậm chí còn bắt bà phải ăn phân và uống nước tiểu. Vào ngày 10 tháng 2 năm 2017, bà Trần Thụy Cần đã bị tra tấn đến chết trong Nhà tù nữ Thiên Tân.
7) Sử dụng thuốc làm tổn thương hệ thần kinh và các chất độc: Các nhà tù và trại lao động vẫn sử dụng thuốc làm tổn thương hệ thần kinh và các chất độc để hủy hoại các học viên Pháp Luân Công về tinh thần và thể chất. Các học viên sẽ bị cưỡng bức tiêm hoặc sử dụng các loại thuốc làm tổn thương hệ thần kinh trung ương. Đôi khi, chất độc được bí mật đưa vào thức ăn của các học viên Pháp Luân Công. Trong số các học viên Pháp Luân Công bị tra tấn đến chết bằng các phương pháp dùng thuốc làm tổn thương hệ thần kinh / chất độc của ĐCSTQ, 33% bị bức hại đến chết trong các trại lao động và 18% bị bức hại đến chết trong nhà tù.
Học viên Pháp Luân Công, bà Chúc Nghệ Phương bị giam trong Nhà tù nữ Thành Đô và bị nhốt trong phòng một thời gian dài trong khi liên tục bị sỉ nhục. Bà đã được đưa đến bệnh viện hai lần. Tại đó, bốn tù nhân nam đã cưỡng chế giữ bà trên giường, trói tay chân vào bốn góc giường, bụng và đầu gối của bà bị trói vào hai bên giường bằng các dải vải, sau đó tiêm cho bà những loại thuốc không rõ nguồn gốc. Sau đó, bà đã trở nên kích động, mạch máu đau, bụng sưng lên và bà đã phải chịu đau đớn tột độ. Vào ngày 6 tháng 3 năm 2012, bà Chúc Nghệ Phương đã bị tra tấn đến chết.
Các phương pháp bức hại khác, chẳng hạn như buộc các học viên Pháp Luân Công lao động cưỡng bức cường độ cao, tấn công tình dục các học viên Pháp Luân Công và cưỡng bức “tẩy não” họ, là các phương pháp phổ biến trong các nhà tù và trại lao động.
Kể từ khi cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, Bộ Tư pháp, cơ quan quản lý cao nhất trong hệ thống nhà tù và trại lao động, đã trở thành công cụ giúp ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công. Cơ quan này đã áp dụng các chính sách dung túng và hỗ trợ việc tra tấn các học viên Pháp Luân Công ở những nơi này. Trong nhiệm kỳ của Ngô Ái Anh tại Bộ Tư pháp, các học viên Pháp Luân Công đã bị tra tấn đến chết, bị thương và tàn tật trong các nhà tù và trại lao động. Ngô Ái Anh do vậy phải chịu trách nhiệm về các tội ác của mình.
III. Đàn áp các luật sư nhân quyền và ngăn cản họ bảo vệ sự vô tội của các học viên Pháp Luân Công
Bộ Tư pháp cũng quản lý công việc của luật sư trên phạm vi toàn quốc. Trong thời kỳ cầm quyền của Ngô Ái Anh, bà ta đã tích cực hợp tác với Chu Vĩnh Khang, Mạnh Kiến Trụ, bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, và những người khác để đàn áp các luật sư nhân quyền, thao túng các sở tư pháp cấp tỉnh và các văn phòng tư pháp thành phố, ngăn cản các luật sư đại diện bào chữa vô tội cho các học viên Pháp Luân Công và thậm chí thu hồi bất hợp pháp một số giấy phép hành nghề của luật sư. Cuộc bức hại luật sư nhân quyền nổi tiếng Trung Quốc Cao Trí Thịnh và vụ truy quét luật sư nhân quyền “709” đã gây chấn động Trung Quốc và nước ngoài chỉ là một trong số các ví dụ.
Đối mặt với cuộc bức hại của ĐCSTQ, nhiều thành viên gia đình của các học viên Pháp Luân Công đã bị khuất phục bởi áp lực cự đại từ ĐCSTQ. Chỉ một số thành viên trong gia đình dám thuê luật sư, và một số thành viên trong gia đình đã tìm kiếm khắp khu vực của họ và không thể tìm thấy bất kỳ luật sư nào dám đảm nhận các vụ án liên quan đến Pháp Luân Công. Các thành viên khác trong gia đình thuê luật sư, nhưng dưới sự đe dọa từ nhà chức trách, luật sư buộc phải rút lui giữa chừng vụ án.
Vào ngày 21 tháng 3 năm 2014, bốn luật sư nhân quyền: Đường Cát Điền, Giang Thiên Dũng, Vương Thành, Trương Tuấn Kiệt đã hỗ trợ pháp lý cho một số học viên Pháp Luân Công bị giam giữ bất hợp pháp tại “Cơ sở Giáo dục Pháp luật” Kiến Long Giang ở Hắc Long Giang, nơi thực chất là một cơ sở tẩy não. Kết quả họ đã bị bắt, bị tra tấn và bị ngược đãi và ba luật sư khác và hàng chục công dân đến giúp giải cứu họ cũng đều bị bắt. Vụ việc này đã thu hút sự chú ý của quốc tế lúc bấy giờ.
Vào ngày 9 tháng 7 năm 2015, Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu khởi động chiến dịch “Vụ án 709” trên khắp cả nước. Bộ Tư pháp, với tư cách là cơ quan quản lý các luật sư, đã phối hợp với Bộ Công an Đảng Cộng sản Trung Quốc để bắt giữ và triệu tập các luật sư nhân quyền từ khắp nơi trên cả nước. Tính đến ngày 16 tháng 12 năm 2016, ít nhất 319 luật sư, nhân viên công ty luật, các nhà bảo vệ nhân quyền và thành viên gia đình của họ từ 23 tỉnh thành đã bị thẩm vấn, triệu tập, hạn chế xuất cảnh, quản thúc hoặc giám sát tại khu dân cư, bắt giữ, cưỡng chế không cho xuất hiện, buộc phải thừa nhận tội lỗi trên TV, hoặc bị kết án bất hợp pháp. Luật sư Vương Toàn Chương đã không được trả tự do cho đến tháng 4 năm 2020. Với tư cách là Bộ trưởng Tư pháp, Ngô Ái Anh là thủ phạm chính trong “Vụ án 709”.
Kết luận
Ngô Ái Anh là một thành viên chủ chốt trong cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ. Cả trong nhiệm kỳ của mình ở tỉnh Sơn Đông và Bộ Tư pháp, bà ta đều tích cực thực hiện chính sách bức hại của ĐCSTQ và không tiếc nỗ lực để “Bôi nhọ thanh danh của [các học viên Pháp Luân Công], vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể họ” thông qua hàng hoạt các phương pháp bức hại. Mặc dù bà ta đã bị cách chức và trục xuất khỏi ĐCSTQ, nhưng những vi phạm về mặt pháp luật và chính sách nghiêm trọng của chính bà ta cũng như những tội ác mà bà ta đã gây ra đối với Pháp Luân Công không thể bị xóa bỏ vì sự miễn nhiệm đó và bà ta phải chịu mọi hậu quả cho những việc này.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/7/20/428406.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/8/20/194714.html
Đăng ngày 12-09-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.