Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 09-10-2020] Trong tháng 9 năm 2020 có thêm 55 học viên Pháp Luân Công được xác nhận là bị kết án vì đức tin vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

55 học viên này, 10 người trong số họ hơn 65 tuổi, đến từ 13 tỉnh và thành phố. Tỉnh Liêu Ninh đứng đầu với 12 trường hợp, tiếp đó là Sơn Đông và Tứ Xuyên (mỗi nơi có 10 trường hợp). Bắc Kinh, Hắc Long Giang và Cát Lâm mỗi nơi có 4 trường hợp.

Các bản án kéo dài từ 10 tháng đến 9 năm, trung bình là 3,2 năm. 19 học viên bị phạt từ 1.000 nhân dân tệ đến 35.000 nhân dân tệ, trung bình mỗi người 13.053 nhân dân tệ.

Trong tháng 9, chính quyền không chỉ nhắm vào các học viên mà còn kết án vợ của một học viên và anh trai của một học viên khác, những người không tu luyện Pháp Luân Công, chỉ vì họ ủng hộ các học viên.

Một số học viên bị kết án đã bị chính quyền nhắm đến trong các vụ bắt giữ theo nhóm ở những năm trước, bao gồm một cặp vợ chồng 76 tuổi ở tỉnh Tứ Xuyên và ba phụ nữ ở tỉnh Hắc Long Giang. Mẹ của một phụ nữ ở Hắc Long Giang đã qua đời do đau khổ vì con gái bà bị bắt. Mẹ của một phụ nữ khác, vốn đã hơn 90 tuổi, đã kinh hãi vì bị cảnh sát đột kích.

Trong khi một người đàn ông bị kết án cùng với bốn người bị bắt khác trong một đợt càn quét của cảnh sát, con gái ông cũng bị kết án sau khi bị bắt trong một lần khác.

Một số học viên đã bị bức hại trong thời gian dài hơn 20 năm qua trước khi bị kết án lần này. Một bà lão 78 tuổi bị kết án hai năm đã từng bị bắt tám lần trước đây. Một giáo viên âm nhạc về hưu 60 tuổi trước đây đã bị giam ba năm trong một trung tâm tẩy não và bị cầm tù thêm ba năm, lần này lại bị kết án tù bốn năm. Lương hưu của bà đã bị đình chỉ và người chồng mất khả năng lao động của bà bị bỏ lại một mình, phải tự vật lộn để tự chăm sóc bản thân.

Do bị ngược đã trong lúc bị giam, một số học viên đã bị thương tật, bao gồm mất thính lực và đau mắt cá chân, nhưng bị từ chối cho điều trị y tế.

Ngoại trừ các trường hợp trong tháng 9, có thêm 26 học viên khác từ những tháng trước đây đã được xác nhận trong tháng 9, gồm có 1 người trong tháng 2, 1 người trong tháng 6, 7 người trong tháng 7 và 17 người trong tháng 8, tổng cộng đến thời điểm hiện tại là 327 người trong năm nay.

Đáng chú ý là thông tin về các bản án được thu thập từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 5 tháng 10 năm 2020. Vì sự phong toả thông tin của chính quyền, con số học viên Pháp Luân Công bị kết án thực sự vì đức tin của họ có thể cao hơn nhiều.

Tải xuống/xem danh sách đầy đủ các học viên bị kết án ở đây (PDF) [Lưu ý: các bản án sắp xếp theo tháng (thứ tự tăng dần) và sau đó là án tù (thứ tự giảm dần)].

Bên dưới làm tóm tắt của một số trường hợp

Người già cũng không tha

Một cặp vợ chồng ngoài 70 tuổi bị kết án 1,5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Ông Trần Ấp Hâm và bà Trịnh Thiên Quỳnh, một cặp vợ chồng 76 tuổi ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, đã bị công an bắt giữ tại nhà vào chiều ngày 10 tháng 7 năm 2019, trong bối cảnh một nhóm học viên Pháp Luân Công địa phương bị bắt giữ. Tài liệu Pháp Luân Công, máy in và máy tính của họ đã bị tịch thu.

Mặc dù bà Trịnh đã được cho tại ngoại 3 ngày sau đó do sức khỏe yếu, nhưng ông Trần đã bị đưa đến Trại tạm giam Số 1 Thành Đô. Sau khi Viện kiểm sát quận Tân Đô trả lại hồ sơ của ông Trần vì không đủ bằng chứng, công an vẫn từ chối trả tự do cho ông và lại nộp hồ sơ của ông lên Viện Kiểm sát nhằm cố để kết án ông.

Tòa án Tân Đô đã kết án 2 vợ chồng ông vào ngày 24 tháng 9 năm 2020.

Một cụ bà 74 tuổi bị kết án một năm tù, gia đình không được quyền thăm hỏi

Vào ngày 21 tháng 5 năm 2020, bà Phí Kế Vinh, một người phụ nữ 74 tuổi ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm đã bị bắt do có người báo bà dán những tờ áp phích về Pháp Luân Công. Cảnh sát thẩm vấn, còng tay bà khiến hai tay bà bị sưng lên.

Sau một ngày bị tạm giam, bà Phí được tại ngoại. Gia đình bà được lệnh phải trả 2.000 nhân dân tệ tiền bảo lãnh. Sau đó, bà bị Viện kiểm sát quận Thuyền Doanh truy tố và yêu cầu nộp thêm 10.000 nhân dân tệ tiền bảo lãnh.

Ngày 21 tháng 9 năm 2020 bà Phí lại bị bắt giam ở Trại giam Thành phố Cát Lâm khi bà bị tòa án quận Thuyền Doanh triệu tập lần thứ ba. Sau đó bà bị kết án một năm và trại tạm giam không cho bà vào thăm hỏi.

Một phụ nữ 78 tuổi bị bắt chín lần và bị kết án hai năm tù vì đức tin vào Pháp Luân Công

Sau 13 tháng bị giam giữ, bà Bành Thục Hoa, 78 tuổi, đã bị kết án hai năm vì đức tin vào Pháp Luân Công.

Ngày 13 tháng 8 năm 2019, bà Bành ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên đang nói với mọi người về Pháp Luân Công trên đường thì một xe cảnh sát dừng ngay bên cạnh bà. Một nhóm ảnh sát đã giật và lục soát túi xách của bà mà không được sự đồng ý của bà. Ngay khi tìm thấy các tài liệu của Pháp Luân Công trong túi, họ đã bắt giữ bà Bành và lục soát nhà bà. Bà đã bị giam ở trại tạm giam Khu Song Lưu kể từ đó.

Toà án Khu Tân Tân đã lần lượt tổ chức ba phiên toà vào ngày 5 tháng 6, 23 tháng 7 và 13 tháng 8 và kết án bà Bành hai năm tù vào ngày 10 tháng 9 với tội danh “lợi dụng một tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, một cái cớ được quy chuẩn bởi hệ thống toà án Trung Quốc nhằm vu khống và bỏ tù các học viên Pháp Luân Công.

Bà Bành từng bị nhiều chứng bệnh, bao gồm chứng loạn thần kinh, xơ cứng mạch máu não, viêm khớp dạng thấp và bệnh đau dạ dày. Bà cũng bị cứng vai nghiêm trọng và không thể nhấc tay phải lên. Bà đã tìm đến nhiều bác sỹ nhưng các triệu chứng vẫn còn đó. Năm 1997, bà được giới thiệu Pháp Luân Công. Sau một thời gian ngắn tu luyện, bà đã hồi phục sức khoẻ và cảm thấy tinh thần và thể chất thăng hoa.

Vì kiên định với đức tin của mình, bà đã bị bắt giữ tám lần trước khi bị bắt lần cuối cùng mà dẫn đến việc bị kết án này.

Gia đình ly tán

Hắc Long Giang: Một phụ nữ bị kết án 4 năm vì kiên định đức tin của mình, người mẹ qua đời trong đau buồn

Bà Uyển Phương, một người dân 49 tuổi ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang đã bị bắt vào ngày 11 tháng 9 năm 2019, trong một cuộc truy quét của công an. Công an đã tịch thu tài liệu Pháp Luân Công, máy tính và máy in của bà. Bất chấp việc sức khỏe của bà không đạt, trại tạm giam Số 2 Cáp Nhĩ Tân vẫn bắt giam bà Uyển vào tối hôm đó.

Trong thời gian bị giam giữ, công an đã cố gắng ép buộc bà Uyển viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, đổi lại bà sẽ được thả hoặc hưởng một án tù nhẹ hơn, nhưng bà đã từ chối thỏa hiệp.

Việc bắt và giam giữ bà Uyển đã giáng thêm một đòn nặng nề đối với mẹ bà, người vốn đã lo lắng cho cô con gái khác của mình, người đã bị nơi làm việc sa thải và buộc phải chuyển chỗ ở, cũng vì tu luyện Pháp Luân Công. Cụ bà ngoài 80 tuổi bị ốm và phải nhập viện vào cuối năm 2019. Bà qua đời vào tháng 3 năm 2020 mà không được gặp các cô con gái lần cuối.

Bà Uyển bị đưa ra xét xử tại Tòa án Giao thông Đường sắt Cáp Nhĩ Tân thông qua phiên tòa trực tuyến vào ngày 9 tháng 9. Luật sư bào chữa đã biện hộ vô tội cho bà. Tuy nhiên mới đây thẩm phán đã tuyên bố bản án 4 năm tù giam cho bà.

Hai học viên khác cũng bị chính quyền nhắm đến trong cùng đợt bắt giữ theo nhóm là bà Đổng Văn Tú, 59 tuổi và bà Vương Ngọc Vinh, 62 tuổi, họ đã bị kết án lần lượt hai đến ba năm tù bởi cùng toà án trên vào ngày 17 tháng 9 năm 2020. Bà Đổng đã kháng án.

Mẹ của bà Đổng, 90 tuổi, vốn sống cùng bà, đã bị hoảng sợ khi cảnh sát đột kích. Một nữ cảnh sát đã hăm doạ bắt bà trước khi đưa bà Đổng đi.

Một giáo viên dạy nhạc nghỉ hưu bị kết án tù lần thứ hai vì đức tin của mình, người chồng tàn tật phải vật lộn để tự chăm sóc bản thân

Ngày 11 tháng 9 năm 2020, bà Dư Thiệu Bình, một giáo viên dạy nhạc nghỉ hưu ngoài 60 tuổi đã bị kết án bốn năm tù giam và phạt 5.000 nhân dân tệ vì từ chối từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.

Ngày 14 tháng 5 năm 2019, bà Dư, một cư dân ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên đã bị bắt và bị giam giữ tại trại tạm giam huyện Pi. Bà bị Tòa án huyện Đại Ấp đưa ra xét xử. Luật sư của bà bào chữa vô tội cho bà. Thẩm phán đã ban hành bản án tại cuối phiên xét xử.

Chồng của bà Dư cũng tu luyện Pháp Luân Công. Trước đây ông từng bị kết án hai lần và bị giam giữ tại một trại lao động cưỡng bức vì kiên định đức tin của mình. Trong nhà giam, ông phải chịu sự tra tấn không ngừng khiến ông bị huyết áp cao. Sau khi được trả tự do, sức khỏe của ông vẫn tiếp tục suy giảm và ông bị đột quỵ vào ngày 2 tháng 7 năm 2015. Ông mất khả năng vận động ở bàn tay trái và chân trái. Vài năm qua, ông phải dựa vào sự chăm sóc của bà Dư, vụ bắt giữ gần đây của bà khiến cho cuộc sống của ông lâm vào tình cảnh khó khăn.

Đây không phải lần đầu tiên bà Dư bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công, pháp môn mà bà tin rằng đã giúp bà trị khỏi rất nhiều bệnh gồm có bệnh gan, bệnh dạ dày, chóng mặt và mất ngủ kéo dài.

Ngày 9 tháng 3 năm 2009, bà Dư lại bị bắt giữ. Sau khi bị giam giữ tại đồn công an 15 ngày, bà bị đưa tới Trung tâm Tẩy não Tân Tân khét tiếng và bị giam giữ ở đó hơn ba năm.

Ngày 26 tháng 4 năm 2013, bà bị bắt giữ một lần nữa và nhà bà bị lục soát. Ngày 3 tháng 12 năm 2013, cũng là Tòa án huyện Đại Ấp mà mới kết án bà gần đây đã kết án bà ba năm tù giam. Không lâu sau đó, bà bị chuyển tới Nhà tù Nữ Thành Đô.

Sau khi bà được trả tự do vào năm 2016, bà liên tục bị chính quyền địa phương sách nhiễu và họ yêu cầu bà phải báo cáo cho an ninh của trường nơi bà làm việc trước khi bà đi ra ngoài trong giờ nghỉ trưa hay làm công việc khác trong giờ làm việc của trường học.

Ngoài việc bị sách nhiễu và cầm tù, tiền lương hưu của bà cũng bị đình chỉ vì bà không từ bỏ Pháp Luân Công.

Tỉnh Liêu Ninh: Người đàn ông bị kết án bất chấp lời kêu gọi được thả từ con trai và cha ông hiện đã qua đời.

Ông Lưu Vạn Thắng, 65 tuổi, ở thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh, đã bị kết án sáu năm tù sau khi bị bắt chưa đầy sáu tháng vào ngày 23 tháng 4 năm 2020 vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công.

Sau khi ông Lưu bị bắt, cha ông đã đến đồn công an nhiều lần để tìm cách cứu ông nhưng vô dụng. Đau khổ bởi cuộc đàn án, ông lão hơn 80 tuổi đã sớm qua đời.

Viện Kiểm sát Lăng Hà đã chấp thuận việc bắt giữ ông Lưu vào cuối tháng 4 và truy tố ông. Ngày 4 tháng 9, Toà án Thành phố Lăng Hải đã xét xử ông thông qua cuộc họp video trực tuyến ở trại tạm giam Thành phố Cẩm Châu và kết án ông sáu năm cùng 10.000 nhân dân tệ vào ngày 30 tháng 9.

Để tìm kiếm công lý cho ông Lưu sau lần bắt giữ này, con trai ông đã viết thư gửi cho công tố viên và thẩm phán, kể chi tiết về những thay đổi tích cực của cha mình sau khi tu luyện Pháp Luân Công và những khổ nạn mà gia đình phải chịu trong hai thập niên qua. Anh đã hối thúc chính quyền thả cha mình.

Con ông viết: “Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, tôi chưa từng có một ngày sống bình yên. 20 năm qua, cha mẹ tôi lần lượt bị bắt giữ. Đó là lý do tại sao tôi quá ngán mì ăn liền, vì là tôi đã ăn chúng quá nhiều trong những năm mà cả cha mẹ đều phải thụ án tù lao động cưỡng bức. Tôi cũng bị tổn thương khi chứng kiến cảnh sát lục soát nhà tôi rất nhiều lần. Tôi phát run lên vì lạnh mỗi khi thấy các xe công an trên đường.”

Trước lần kết án cuối cùng này, ông Lưu đã liên tục bị bắt sau khi cuộc đàn áp bắt đầu và đã thụ án ba năm lao động cưỡng bức từ năm 2004 đến 2007. Ông bị tra tấn trong lúc bị giam, bao gồm hai tay bị còng ra sau lưng, bị trói vào giường với tư thế đại bàng sải cánh, bị cấm ngủ, cũng nhưng phải ngồi nhiều giờ liền trên một cái ghế đẩu nhỏ và bị bức thực.

Các lính canh cũng trói hai chân ông vào thế ngồi song bàn, còng hai tay ông ra sau lưng, cụp tai nghe vào đầu ông và mở âm thanh lớn những lời tuyên truyền lăng mạ Pháp Luân Công. Lính canh thường xuyên làm việc này trong nhiều giờ liền một lúc và có lúc họ đánh vào chân hay đầu ông.

Gia đình bị liên luỵ

Hai anh em trai bị kết án vì ngăn cảnh sát lục soát nhà của mẹ mình

Hai anh em trai ở thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông đã bị kết án bí mật sau một năm bị bắt vì ngăn công an lục soát nhà của mẹ mình vì bà tu luyện Pháp Luân Công.

Vào ngày 28 tháng 9 năm 2020, Tòa án quận Khuê Văn đã tuyên án bốn năm tù đối với ông Trương Triều, một học viên Pháp Luân Công 50 tuổi. Em của ông là Trương Bình, người không tu luyện Pháp Luân Công cũng bị kết án 6 tháng và một năm quản chế.

Tòa án đã cho ông Trương Triều mười ngày, kể cả ngày nghỉ và cuối tuần để kháng án. Với kỳ nghỉ lễ kéo dài tám ngày sắp tới (1-8 tháng 10), bao gồm Tết Trung thu và kỷ niệm ngày thành lập chính quyền Cộng sản Trung Quốc, cả hai đều rơi vào ngày 1 tháng 10, vì thế gia đình ông Trương nghi ngờ rằng tòa án cố tình tuyên án ông vào ngày 28 tháng 9 nhằm cố tình ngăn cản ông ấy kháng cáo vụ kiện.

Vào ngày 31 tháng 10 năm 2019, bà Vương Chân, mẹ của hai anh em họ Trương đã bị tố cáo với cảnh sát và bị bắt khi đang nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công. Vào khoảng 3 giờ chiều, cảnh sát đến nhà bà Vương để lục soát. Hai anh em lúc đó cũng vừa đến để thăm bà Vương. Sau khi nhìn thấy cảnh sát, hai anh em đã cố gắng ngăn cảnh sát lại và ông Trương Bình đã bị bắt. Dù ông Trương Triều trốn thoát nhưng ông đã bị bắt vào hai ngày sau đó, ngày 2 tháng 11 năm 2019.

Hai anh em bị giam tại Trại giam Thành phố Duy Phường. Vào buổi tối ngày 31 tháng 10, bà Vương đã được cho tại ngoại vì tình trạng sức khỏe.

Ngày 6 tháng 12 năm 2019, Viện kiểm sát quận Khuê Văn đã phê chuẩn lệnh bắt ông Trương Triều. Ông bị cáo buộc với tội danh “gây nguy hại cho an ninh công cộng và gây rối trật tự công cộng bằng những hành động nguy hiểm”.

Gia đình của ông Trương Triều đã thuê luật sư đại diện cho ông nhưng chính quyền vẫn kiên quyết làm cho luật sư và gia đình ông hoàn toàn không biết gì về về tình trạng vụ án của ông.

Người đàn ông tỉnh An Huy bị kết án vì đức tin của mình, người vợ ốm yếu cũng bị liên lụy

Ông Đoàn Thiên Tuấn ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy gần đây đã bị kết án 5,5 năm tù và bị phạt 5.000 nhân dân tệ vì đức tin vào Pháp Luân Công. Vợ của ông, người không tu luyện Pháp Luân Công đã bị giam 6 tháng sau khi bị bắt và bị kết án 10 tháng tù treo.

Ông Đoàn bị bắt vào ngày 16 tháng 2 năm 2019 khi đi cùng vợ, bà Phan Năng Tồn đến hiệu thuốc để mua thuốc. Bà Phan bắt đầu bị các vấn đề về thần kinh cách đây vài năm sau khi bà bị công an đánh chấn thương trong vụ bắt giữ ông Đoàn trước đó.

Công an đã theo dõi 2 vợ chồng và đột nhập vào nhà để bắt giữ họ. Nhà của họ cũng bị lục soát.

Sau đó công an đã đệ trình vụ việc của 2 vợ chồng lên Viện kiểm sát quận Thục Sơn, cơ quan đã truy tố họ và chuyển tiếp hồ sơ đến Tòa án quận Thục Sơn. Cả Viện kiểm sát và Tòa án quận Thục Sơn đều được chỉ định để thụ lý tất cả các vụ việc liên quan đến Pháp Luân Công ở vùng Hợp Phì.

Bị kết án sau khi bị chính quyền nhắm đến trong các vụ bắt giữ theo nhóm

Bốn cư dân Liêu Ninh bị kết án vì đức tin- ba người bị từ chối cho gia đình thăm viếng trong hơn một năm

Ngày 4 tháng 9 năm 2020, bốn cư dân thành phố Bản Khê, tỉnh Liêu Ninh đã bị kết án tù vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công. Ông Đặng Ngọc Lâm và cô Dương Lệ Uy mỗi người bị kết án bốn năm tù và phạt 20.000 nhân dân tệ. Cô Trương Lị Mẫn nhận bản án ba năm rưỡi và phạt 15.000 nhân dân tệ. Ông Trương Bằng Trụ nhận bản án ba năm hai tháng và phạt 10.000 nhân dân tệ.

Vào ngày 23 tháng 5 năm 2019, bốn học viên trên đã bị bắt khi đang phát tài liệu về Pháp Luân Công. Người học viên thứ năm, ông Hồ Lâm, cùng bị bắt với họ, ngày 20 tháng 6 năm 2019 đã bị kết án 2 năm tù, khi đó ông đã bị truy nã trong lần truy bắt trước đó. Ngày 16 tháng 2 năm 2020, ông Hồ đã qua đời tại Nhà tù Khương Gia Sơn do bị ngược đãi khi giam giữ.

Vào ngày 28 tháng 6 năm 2019, bốn vụ bắt giữ các học viên còn sống trên đã được phê chuẩn và vào ngày 13 tháng 8, Viện Kiểm sát quận Hoàn Nhân đã nhanh chóng truy tố họ, chỉ chưa đầy mười ngày sau khi cảnh sát nộp hồ sơ.

Do bị ngược đãi trong trại giam, cô Dương bị suy đa tạng và được tại ngoại. Ba học viên khác vẫn bị giam giữ và bị từ chối cho luật sư và gia đình họ đến thăm.

Ngày 3 tháng 7 năm 2020, Tòa án quận Hoàn Nhân đã tổ chức các phiên xét xử trực tuyến đối với cô Dương. Ba học viên khác đã bị xét xử tại các trung tâm giam giữ tương ứng của họ.

Các luật sư của ba học viên, những người có mặt tại tòa án, đã bào chữa vô tội thay họ. Các luật sư của họ lưu ý rằng không có nhân chứng nào xuất hiện tại tòa để chấp nhận thẩm tra chéo và các video clip được sử dụng làm bằng chứng truy tố và phát trong phiên điều trần rất mờ và không cho thấy rằng thân chủ của họ đang ở những nơi đã nói, đang làm những điều đã nói như cáo buộc của công tố viên.

Bất chấp yêu cầu mạnh mẽ của các thành viên trong gia đình được gặp người thân của họ, thẩm phán đã chặn gia đình ba học viên tham dự phiên điều trần, với lý do dịch virus Vũ Hán. Tuy nhiên, các luật sư nhận thấy rằng tòa án không có những hạn chế như vậy đối với các vụ án không liên quan đến Pháp Luân Công.

Vào ngày 4 tháng 9 năm 2020, thẩm phán đã công bố phán quyết đối với bốn học viên nói trên.

017ea59ebd3ecb1212b3083b962b8354.jpg

Ông Đặng Ngọc Lâm và vợ là cô Đằng Hồng Đào và con trai Đặng Trung Bác

Sơn Đông: Sáu người dân bị cầm tù vì đức tin của họ, gồm năm người trong một vụ bắt giữ nhóm và một người con gái bị bắt trong một lần khác

Tháng 9 năm 2020, bảy người dân ở huyện Khánh Vân, tỉnh Sơn Đông, trong đó có một người cha và con gái, đã bị kết án vì đức tin vào Pháp Luân Công.

Năm học viên, gồm bà Triệu Tuấn Hương, ông Đỗ Toàn Thôn, bà Vương Tố Quyên, bà Vu Bỉnh Lan và bà Trương Liên Vân đã bị chính quyền nhắm đến trong một vụ bắt giữ theo nhóm khi đang cùng nhau đọc các bài giảng của Pháp Luân Công vào ngày 18 tháng 11.

Bà Vu và bà Trương đã được bảo lãnh tại ngoại, bà Triệu và bà Vương bị đưa đến trại tạm giam Đức Châu, còn ông Đỗ bị đưa đến trại tạm giam Huyện Khánh Vân. Cả ba người bị tước quyền thăm thân.

Cảnh sát đã ngụy tạo bằng chứng chống lại bà Triệu, cáo buộc bà làm tài liệu thông tin Pháp Luân Công cho các học viên khác. Nhiều học viên bị ép ký tên vào các biên bản mà cảnh sát đã chuẩn bị sẵn.

Cảnh sát đã chuyển hồ sơ của các học viên đến Viện Kiểm sát Quận Hạ Tân vào tháng 12 năm 2018 và họ nhanh chóng bị truy tố, hồ sơ của họ đã bị chuyển đến Toà án Quận Hạ Tân.

Toà án Quận Hạ Tân đã xét xử các học viên vào ngày 15 tháng 1 năm 2020. Chỉ có hai người trong mỗi gia đình được phép tham dự phiên toà.

Ông Đỗ, ngoài 70 tuổi, loạng choạng bước vào phòng xử với hai tay và chân bị xích. Bà Vương, hơn 50 tuổi, cũng loạng choạng đi vào. Tóc của họ đều ngả bạc. Bà Triệu bị gãy nhiều cái răng và không thể nói rõ ràng.

Các luật sư của bà Triệu và bà Đỗ đã biện hộ vô tội cho họ. Luật sư lập luận rằng không có luật nào ở Trung Quốc cấm Pháp Luân Công và quyền tự do tín ngưỡng của thân chủ họ đối với Pháp Luân Công là được Hiến pháp Trung Quốc bảo vệ. Họ đề nghị tha bổng thân chủ của họ. Bà Vương tự biện hộ cho mình và phủ nhận các cáo buộc chống lại bà.

Ông Đỗ, bà Triệu và bà Vương bị đưa trở lại trại sau phiên toà. Bà Vu và bà Trương trở về nhà.

Thẩm phán đã ra phán quyết chống lại các học viên vào ngày 10 tháng 9 năm 2020: Bà Triệu bị kết án tám năm; ông Đỗ bốn năm; bà Vương ba năm; bà Vu và bà Trương mỗi người hai năm.

Trong khi ông Đỗ bị giam, con gái ông là cô Đỗ Hiểu Tĩnh đã bị bắt vào cuối tháng 9 năm 2019 vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công tại một nhà hàng nơi cô làm việc. Cô đã bị giam tại trại tạm giam Đức Châu và đã bị kết án ba năm tù vào tháng 9 năm 2020.

Ngã bệnh trong khi bị giam

Thượng Hải: Một người đàn ông bị kết án hai năm tù và mất thính lực ở trong nhà giam

Ngày 13 tháng 11 năm 2019, ông Nhiếp Quảng Phong ở Thượng Hải bị bắt giữ. Cảnh sát lục soát nhà và tịch thu hai máy tính của ông. Ông bị tạm giữ hình sự tại trại tạm giam quận Mẫn Hành.

Ngày 19 tháng 2 năm 2020, hồ sơ vụ án của ông Nhiếp được trình lên Viện Kiểm sát quận Mẫn Hành. Ngày 9 tháng 9 năm 2020, Tòa án quận Phụng Hiền, nơi được chỉ định thụ lý hầu hết các vụ án liên quan tới Pháp Luân Công ở Thượng Hải, đã xét xử và kết án ông hai năm tù giam.

Luật sư đã tới gặp ông Nhiếp trong trại tạm giam vào đầu năm 2020, ông cho hay ông Nhiếp đã suy giảm thính lực nghiêm trọng. Phản ứng của ông rất chậm và ông bước đi khập khiễng. Không rõ ông có bị tra tấn ở trong trại tạm giam hay không.

Người phụ nữ Hắc Long Giang bị kết án vì đức tin của mình và bị thương ở mắt cá chân khi bị giam giữ

Vào ngày 28 tháng 9 năm 2020, Tòa án quận Y Mĩ đã kết án bà Trương Thục Cầm ở thành phố Y Xuân, tỉnh Hắc Long Giang 3 năm 4 tháng tù. Hiện bà đang trong quá trình kháng cáo.

Theo thông tin từ gia đình của bà Trương, những người đã tham dự phiên tòa xét xử, bà Trương cho biết bà đã bị ngược đãi nghiêm trọng trong 6 tháng bị giam giữ và trở nên tiều tụy. Bà cũng đi khập khiễng vì mắt cá chân sưng tấy nghiêm trọng.

Bà Trương cho biết bà đang rất đau ở mắt cá chân do một số chấn thương. Các lính canh tại trại tạm giam Thành phố Y Xuân từ chối đưa bà đi kiểm tra sức khỏe mặc dù bà đã nhiều lần yêu cầu. Mặc dù sau đó họ đã tiến hành chụp X-quang mắt cá chân của bà, nhưng các lính canh khẳng định bà vẫn ổn, ngay cả khi bà vẫn cảm thấy đau buốt. Không rõ liệu bà Trương bị chấn thương mắt cá chân trước hay sau khi bị bắt.

Bà Trương, chủ một khách sạn tư nhân, bị bắt vào ngày 5 tháng 3 năm 2020 khi đang trên đường đi giao một số thực phẩm cho một người bạn. Trong khi bà Trương cố gắng chạy thoát ra ngoài, bà đã bị lên cơn đau tim và ngã gục xuống đất, không những vậy bà còn bị một công an viên đá và chửi mắng.

Bà bị đưa ra xét xử thông qua phiên xét xử trực tuyến trong trại tạm giam vào ngày 19 tháng 8 năm 2020. Luật sư và con gái đã không được tham gia biện hộ cho bà.

Những thập niên bị bức hại

Tứ Xuyên: Sau bảy năm bị cầm tù, người phụ nữ lại bị lãnh thêm án 3,5 năm

Ngày 17 tháng 3 năm 2020, bà Đàm Hải Yến, 58 tuổi, một kỹ thuật viên hưu trí trong một phòng nghiên cứu ở thành phố Phàn Chi Hoa, tỉnh Tứ Xuyên, đã bị bắt giữ và bị chuyển tới trại tạm giam Loan Yêu Thụ vào ngày hôm sau. Viện Kiểm sát Khu Đông đã phê chuẩn việc bắt giữ bà vào ngày 23 tháng 4. Bà đã bị Toà án Khu Đông kết án 3,5 năm sau phiên xử ngày 18 tháng 8.

Các bản án trước đây của bà Đàm là sáu năm tù và một năm lao động cưỡng bức vì kiên định vào Pháp Luân Công, môn tu luyện mà bà cho rằng đã thay đổi tính xấu của mình.

Bà đã bị tra tấn trong khi bị giam, bao gồm sốc điện bằng dùi cui điện, cấm ngủ và bức thực. Bà cũng bị hạn chế.

2b8458c5eca45af71853916b94563b65.jpg

Bà Đàm Hải Yến trong một bức ảnh không ghi ngày tháng

Bài liên quan:

41 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ vào tháng 8 năm 2020

139 học viên Pháp Luân Công bị kết án tù vì đức tin của họ vào nửa đầu năm 2020

107 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2020

89 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2020

33 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin của họ trong thời gian phong toả vì virus corona ở Trung Quốc

Cuộc bức hại Pháp Luân Công vẫn tiếp diễn bất chấp đại dịch virus corona

Các tòa án của chính quyền cộng sản Trung Quốc kết án 193 học viên Pháp Luân Công khi dịch virus corona mới bùng phát


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/10/9/413572.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/10/17/187864.html

Đăng ngày 25-10-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share