Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 04-11-2020] Theo thông tin website Minghui.org thu thập, trong tháng 10 năm 2020, có 47 học viên Pháp Luân Công được xác nhận đã bị kết án vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

47 học viên này đến từ 17 tỉnh thành, trong đó Sơn Đông là tỉnh đứng đầu với 9 trường hợp, tiếp đó là Liêu Ninh và Quảng Đông với 6 trường hợp và 5 trường hợp ở tỉnh Tứ Xuyên.

Các bản án kéo dài từ 6 tháng tới 7 năm tù, trung bình là 3,27 năm. Mười ba học viên bị phạt 2.000 tới 20.000 nhân dân tệ, trung bình 7.538 nhân dân tệ một người.

Chính quyền không chỉ nhắm vào bản thân các học viên mà họ còn kết án vợ của một học viên không tu luyện Pháp Luân Công. Bà bị kết án vào tháng 10 vì trợ giúp các học viên.

Trong số 47 học viên, có 11 người có tuổi từ 65 tuổi trở lên. Cụ thể, ông Hạ Trung Chí, 75 tuổi ở tỉnh Hà Nam bị kết án 3,5 năm tù giam vì khuyên một cảnh sát không tham gia vào cuộc bức hại. Đây là án tù thứ hai của ông.

Ngoài các trường hợp trong tháng 10, còn có 3 trường hợp khác từ tháng 9 cũng được xác nhận trong tháng 10, nâng tổng số trường hợp bị kết án trong năm tính đến thời điểm hiện tại lên 376 trường hợp.

Đáng chú ý, thông tin về các trường hợp bị kết án được thu thập từ ngày 1 tháng 1 tới ngày 4 tháng 11 năm 2020. Bởi chính quyền cộng sản kiểm duyệt thông tin nên số lượng các học viên Pháp Luân Công bị kết án thực tế vì kiên định đức tin của mình có thể còn cao hơn rất nhiều.

Tải/xem đầy đủ danh sách học viên bị kết án ở đây(PDF) [Lưu ý: Các vụ việc được sắp xếp theo tháng (thứ tự tăng dần) và sau đó theo án tù (thứ tự giảm dần)]

Sau đây là tóm tắt một số trường hợp.

Học viên cao niên bị chính quyền nhắm đến

Người đàn ông 67 tuổi bị lừa tới đồn công an, bị bắt giữ và kết án vì đức tin của mình

Ngày 7 tháng 3 năm 2019, ông Cung Chinh Lâm, một cư dân 67 tuổi ở huyện Nghi Lũng, tỉnh Tứ Xuyên đã nhận được một cuộc điện thoại của cảnh sát yêu cầu ông tới đồn công an để đăng ký chứng minh nhân dân. Nghi ngờ rằng cảnh sát đang cố bức hại ông Cung vì tu luyện Pháp Luân Công, gia đình yêu cầu ông không tới đó. Tuy nhiên, ông Cung vẫn tới đồn công an và lập tức bị bắt giữ.

Cảnh sát giật chìa khóa nhà của ông và đưa ông về nhà để lục soát. Họ tịch thu các sách Pháp Luân Công, máy tính, máy in cùng 80.000 nhân dân tệ tiền mặt của ông.

Cảnh sát thẩm vấn ông Cung nhiều lần và nói rằng họ sẽ thả ông nếu ông đồng ý cung cấp thông tin của sáu đến tám học viên Pháp Luân Công khác. Ông đã từ chối hợp tác và bị giam giữ.

Sau đó cảnh sát gửi hồ sơ vụ án của ông tới viện kiểm sát và những tài liệu liên quan tới Pháp Luân Công tịch thu của ông được sử dụng làm bằng chứng truy tố.

Lo lắng cho tình hình của ông, gia đình đã thuê một luật sư đại diện cho ông. Khi luật sư tới Viện kiểm sát huyện Nghi Lũng để xem xét hồ sơ vụ án, nhân viên ở đó nói rằng một người nào đó đã mượn hồ sơ và họ không có hồ sơ điện tử.

Khi luật sư tới văn phòng giám sát của viện kiểm sát để đệ đơn khiếu nại về việc nhân viên của viện ngăn cản ông xem xét hồ sơ vụ án, phải hơn một giờ sau đó văn phòng giám sát mới đồng ý tiếp nhận đơn khiếu nại của ông.

Ngày 20 tháng 10 năm 2020, ông Cung bị đưa ra xét xử và bị kết án bốn năm tù giam.

Môt phụ nữ 65 tuổi bị bắt giữ bí mật, bị giam giữ tại bệnh viện tâm thần và sau đó bị kết án bảy năm tù giam

Ngày 17 tháng 3 năm 2020, bà Lý Yến Quần, một cư dân ở thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông bị bắt giữ tại nhà riêng. Nhà chức trách giấu kín gia đình bà về nơi bà đang bị giam giữ. Con gái bà phải mất hai tháng tìm hiểu mới biết rằng bà đang bị giam giữ tại Bệnh viện Nhân dân Số 3 thành phố Phật Sơn, một bệnh viện tâm thần địa phương nổi tiếng.

Nhà chức trách ngăn cản luật sư của bà Lý tới thăm bà hay đại diện cho bà trong phiên xét xử chính thức diễn ra tại Tòa án quận Thiện Thành vào ngày 5 tháng 8 năm 2020. Chỉ hai thành viên gia đình được phép xem phiên xét xử từ một căn phòng biệt lập, nhưng họ nói rằng hiệu ứng âm thanh rất kém và hầu như họ không nghe được mọi người đang nói gì trong phiên tòa.

Ngày 21 tháng 10 năm 2020, thẩm phán thông báo cho luật sư của bà Lý rằng bà đã bị kết án bảy năm tù cùng 7.000 nhân dân tệ tiền phạt. Tại thời điểm viết bài, gia đình vẫn chưa biết bà đang bị giam giữ ở đâu.

Đây là lần thứ hai bà Lý bị kết án vì đức tin của mình, trước đó bà từng bị kết án ba năm tù vào năm 2007. Tay và chân của bà bị thương và biến dạng vì bị tra tấn tại Nhà tù Nữ tỉnh Quảng Đông.

Người đàn ông 75 tuổi bị kết án tù lần hai vì khuyên cảnh sát không tham gia bức hại đức tin của ông

Ông Hạ Trung Chí 75 tuổi ở huyện Hoài Dương, tỉnh Hà Nam đã bị bắt vào ngày 9 tháng 3 năm 2019 vì nói với Trình Vĩ Phong (một nhân viên của Văn phòng An ninh Nội địa) về Pháp Luân Công và hối thúc anh ta ngừng tham gia bức hại ông và các học viên Pháp Luân Công khác. Trình từ chối và bắt giữ ông Hạ. Trình cùng các nhân viên khác đã giẫm lên chân của ông Hạ và còng tay ông, sau đó họ cũng lục soát nhà ông vào ngày hôm đó và lấy đi các sách Pháp Luân Công cùng tài liệu liên quan.

Sau đó ông Hạ bị kết án 3,5 năm tù và hiện đang bị giam trong Nhà tù Tân Mật. Gia đình ông không được phép vào thăm ông.

Đây là lần thứ hai ông Hạ bị kết án vì kiên định đức tin của mình. Trước đó ông từng bị bắt vào ngày 26 tháng 6 năm 2014, cũng bởi cảnh sát Trình, lúc đó ông Hạ đang cùng các học viên khác đang đọc sách của Pháp Luân Công. Cùng ngày còn 10 học viên khác cũng bị bắt giữ.

Ông Hạ đã bị kết án ba năm tù và thụ án trong Nhà tù Tân Mật. Ông bị tra tấn cả ở trong trại tạm giam lẫn nhà tù vì từ chối từ bỏ đức tin của mình.

Trở thành mục tiêu vì tham dự buổi gặp mặt riêng tư

Bốn cư dân Sơn Đông, trong đó có một cặp vợ chồng bị kết án phi pháp

Bốn cư dân thành phố Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông đã bị bắt trong một cuộc gặp mặt riêng tư cách đây một năm, và họ đã bị kết án tù sau khi cảnh sát cáo buộc họ tụ tập bất hợp pháp.

Bà Hoàng Xuân Linh, ông Triệu Căn Pháp, và vợ ông là bà Kiều Hoa Vinh, đã bị bắt vào ngày 24 tháng 9 năm 2019, sau khi họ đến gặp một học viên khác là bà Lưu Hồng Lan. Công an đã cáo buộc bốn học viên tụ tập phi pháp. Một công an đã lục soát túi xách của ông Triệu, lấy chìa khóa nhà và sau đó lục soát nhà của vợ chồng ông khi không có ai ở nhà, lấy đi các sách Pháp Luân Công, điện thoại di động, máy tính xách tay, cùng một số USB của họ.

Ngày hôm sau, ông Triệu đã bị đưa tới Trại tạm giam thành phố Khúc Phụ, ba nữ học viên còn lại bị giam trong trại tạm giam thành phố Tế Ninh. Viện Kiểm sát thành phố Khúc Phụ đã phê chuẩn bắt giữ họ vào ngày 1 tháng 11.

Ngày 20 tháng 10 năm 2020, Tòa án quận Nhậm Thành đã xét xử bốn học viên từ xa qua video và hai ngày sau thẩm phán đã tuyên án họ. Ông Triệu bị kết án 3,5 năm tù và ông đã kháng cáo; bà Hoàng và bà Lưu mỗi người bị kết án 3 năm 3 tháng tù và bà Kiều bị kết án 3 năm tù.

Nhiều lần bị bức hại

Từng bị giam 9,5 năm trong quá khứ, một người phụ nữ 67 tuổi lại bị kết án thêm 4,5 năm và hiện đang bị bệnh urê huyết

Gần đây bà Chung Nghĩa Phương, một cư dân 67 tuổi ở thành phố Phàn Chi Hoa, tỉnh Tứ Xuyên đã bị kết án 4,5 năm tù vì đức tin vào Pháp Luân Công. Bà đã phát bệnh urê huyết nghiêm trọng trong khi bị giam tại trại tạm giam thành phố Phàn Chi Hoa. Bụng dưới của bà bị sưng lên nghiêm trọng và bà gầy hốc hác. Mỗi ngày lính canh đều tiêm thuốc cho bà, nhưng không rõ chúng là thuốc gì.

Bà Chung bị bắt lần cuối vào giữa tháng 11 năm 2019 vì nói với mọi người về Pháp Luân Công, chưa đầy ba năm sau khi bà mãn hạn án tù 8 năm vì kiên định đức tin của mình.

Bà Chung, một công nhân nhà máy về hưu, đã tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1998. Kể từ sau khi cuộc bức hại bắt đầu, bà đã liên tục bị bắt và đã thụ án 1,5 năm lao động cưỡng bức trước khi bị kết án 8 năm vào năm 2010.

Trong khi thụ án ở Nhà tù Nữ Long Tuyền Dịch, lính canh đã tiêm thuốc không rõ nguồn gốc cho bà và thường xuyên lấy máu của bà. Bà cũng bị ép phải lao động nặng nhọc không công vào ban ngày và đứng khom với thân trên song song với mặt đất trong nhiều giờ đồng hồ vào ban đêm.

Khi được thả, bà chỉ được đưa cho bộ đồ lót. Một tù nhân đã bí mật đưa cho bà bộ đồ ngủ và một chiếc áo len của cô ấy để bà có thể rời nhà tù với ít quần áo trên người.

Từng bị cầm tù 15 năm, người đàn ông 46 tuổi lại bị kết án thêm ba nữa năm vì đức tin của mình

Gần đây ông Lưu Khánh Lương 46 tuổi ở thành phố Liêu Thành, tỉnh Sơn Đông đã bị kết án ba năm tù vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công sau khi bị cầm tù 15 năm vì đức tin của mình.

Ngày 8 tháng 5 năm 2020, ông Lưu bị bắt giữ và nhà của ông bị lục soát. Ngày hôm sau cảnh sát đưa ông tới trại tạm giam Đức Châu.

Ngày 28 tháng 10 năm 2020, ông Lưu bị Tòa án Tề Hà đưa ra xét xử thông qua phiên tòa trực tuyến. Gia đình ông không được phép tham dự phiên tòa xét xử. Luật sư của ông bào chữa vô tội cho ông. Cuối phiên xét xử thẩm phán kết án ông 3 năm tù giam.

Án tù gần đây của ông xảy ra ngay sau khi ông được trả tự do sau 12 năm thụ án vì sản xuất tài liệu Pháp Luân Công. Ngày 6 tháng 7 năm 2008, ông bị bắt giữ trong khi đang ở thành phố Dư Diêu, tỉnh Chiết Giang. Cảnh sát thẩm vấn và tra tấn trong khi ông đang bị giam giữ tại trại tạm giam Dư Diêu. Ngày 2 tháng 6 năm 2009, Tòa án Thành phố Dư Diêu kết án ông 12 năm tù tại Nhà tù Số 4 tỉnh Chiết Giang.

Ngoài hai án tù, ông Lưu còn phải thụ án ba năm lao động cưỡng bức vào năm 2000. Cảnh sát dùng gậy cao su đánh đập ông và đập giày vào đầu ông. Ông bị thương nặng và không thể đi lại được.

Sau khi bị cầm tù 10 năm, người đàn ông Hồ Nam bị kết án một lần nữa vì đức tin của mình

Gần đây, ông Trương Xuân Thu, 57 tuổi ở thành phố Ích Dương, tỉnh Hồ Nam đã bị kết án ba năm bảy tháng tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Đây là lần thứ hai ông Trương bị kết án, ông từng phải ngồi tù 8năm từ ngày 19 tháng 4 năm 2001 tới ngày 19 tháng 4 năm 2009. Ông cũng từng thụ án 1 năm 9 tháng tại Trại Lao động Cưỡng bức Tân Khai Phố từ ngày 21 tháng 2 năm 2010 tới ngày 21 tháng 11 năm 2011.

Ông Trương phải chịu sự tra tấn không ngừng vì kiên định đức tin của mình trong khi ở trong các cơ sở giam giữ. Ngày 19 tháng 4 năm 2002, trại tạm giam Số 1 Thành phố Ích Dương tiếp nhận ông, họ ra lệnh cho ông phải quỳ và úp mặt vào tường. Sau đó một lính canh chạy tới từ phía sau và liên tục thúc đầu gối vào ông từ phía sau cho tới khi ông nôn ra máu. Ngày 2 tháng 10 năm 2002, trong khi ông đang bị giam giữ tại trại tạm giam Số 1 Tỉnh Hồ Nam, lính canh sử dụng sáu dùi cui điện để sốc điện vào những chỗ nhạy cảm và phần kín của ông. Ngày 17 tháng 5 năm 2003, trong khi đang ở Nhà tù Tân Thị, lính canh treo ông lên trong khi đeo một tấm ván gỗ nặng gần 74 kg quanh cổ của ông trong 13 giờ, khiến cổ của ông tổn thương nghiêm trọng. Không chỉ vậy, nhà tù còn sử dụng ông để thử nghiệm lâm sàng điều trị bệnh lao và viêm gan.

Năm 2011, sau khi ông được trả tự do khỏi trại lao động, ông chuyển tới thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông mưu sinh. Ngày 10 tháng 10 năm 2012, ông bị bắt giữ một lần nữa. Nhà trọ của ông bị lục soát. Sau đó, ông bị đưa trở lại Ích Dương và bị giam giữ tại trại tạm giam quận Đại Thông Hồ.

Sau khi ông được trả tự do vào ngày 18 tháng 11 năm 2012, phía chính quyền đã giám sát nghiêm ngặt ông Trương và theo dõi sinh hoạt thường nhật của gia đình ông.

Ngày 8 tháng 4 năm 2014, ông Trương bị bắt giữ một lần nữa trong khi đang làm việc tại thành phố Hoài Hóa, tỉnh Hồ Nam và ông bị đưa trở lại Ích Dương.

Vụ bắt giữ gần đây nhất của ông Trương diễn ra vào ngày 6 tháng 12 năm 2019 trong khi ông đang làm việc tại Lâu Để, một thành phố phía nam của Ích Dương. Ngày 11 tháng 6 năm 2020, Tòa án quận Lâu Tinh đưa ông ra xét xử và sau đó kết án tù ông. Ông đã kháng án lên Tòa án trung cấp thành phố Lâu Để.

Vừa trải qua những năm tháng tra tấn kinh hoàng trong trại lao động, người đàn ông Giang Tây bị kết án một lần nữa vì đức tin của mình

Gần đây, ông Phạm Lộ Kiệt, 65 tuổi ở thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây bị kết án hai năm tù giam vì tu luyện Pháp Luân Công. Tháng 7 năm 2019, ông bị bắt và bị giam giữ tại trại tạm giam Cửu Giang.

Ông Phạm bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ tháng 11 năm 1995. Sau khi chính quyền ra lệnh bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, ông nhiều lần bị bắt giữ và bị kết án lao động cưỡng bức ba lần vì kiên định đức tin của mình. Dưới áp lực vô cùng to lớn, mẹ của ông đã đau khổ mà qua đời, vợ của ông cũng kinh hãi đến mức phát bệnh.

Trong cả ba lần ông Phạm đều thụ án tại Trại Lao động Cưỡng bức Mã Gia Lũng (hiện đã đóng cửa). Lính canh luôn sắp xếp tù nhân giám sát ông ngay cả khi ăn, ngủ và sử dụng nhà vệ sinh. Ông không được phép nói chuyện với các học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ ở đó.

Trong lần thụ án đầu, ông Phạm bị cưỡng bức lao động tới nửa đêm. Mỗi ngày lính canh đều giao cho ông khối lượng công việc lớn khiến ông không thể hoàn thành và viện cớ đó để tra tấn ông.

Một lần họ bắt ông cúi người xuống với ngón tay chạm vào bàn chân trong khi chân vẫn phải giữ thẳng trong nhiều giờ. Một lần khác, họ buộc ông quỳ trước một bức tường, hai chân giang rộng hết mức có thể. Sau đó họ cưỡng chế ông tựa phần thân trên vào tường. Trong khi hầu hết mọi người không thể chịu được sự tra tấn như vậy trong vài giây thì ông Phạm phải giữ tư thế đó trong hai tiếng đồng hồ.

Lính canh không cho phép ông ngủ trên giường, mà buộc ông phải ngủ trên một tấm phản gỗ ở dưới đất. Vì căn phòng bị thủng nên mỗi khi trời mưa nước sẽ chảy vào bên trong. Đôi khi nước động lại trong phòng cao bằng tấm gỗ mà ông đang nằm.

Do môi trường ẩm ướt, ông Phạm bị ghẻ khắp người, khiến ông rất đau và ngứa. Mủ chảy ra ở khắp mọi nơi trên thân thể ông. Khi ông ngồi cả một ngày để lao động không công, mủ ở mông sẽ chảy ướt hết quần ông và thấm vào ghế. Khi ông đứng dậy, một lớp da sẽ bị giật ra và khiến ông vô cùng đau đớn. Lính canh làm ngơ trước tình trạng của ông và vẫn cưỡng bức ông lao động nặng nhọc.

Sau đó mắt cá chân của ông bắt đầu có mủ và có một lỗ lớn trên mỗi mắt cá chân. Những vết thương rỉ máu hôi tanh và chân của ông cũng trở nên đen đúa. Một lính canh họ Từ nói với ông: “Tôi không thể ăn một tuần sau khi nhìn thấy chân của ông.” Bác sỹ trại lao động cảnh báo rằng họ sẽ cưa chân của ông nếu việc điều trị kéo dài lâu hơn nữa.

Trong lần thụ án thứ hai, ông Phạm đã đưa ra một tuyên bố thanh minh để rút lại tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công mà ông bị cưỡng ép viết trong lần thụ án trước đó. Lính canh vô cùng rất tức giận và đã kéo dài thời gian thụ án của ông thêm ba tháng. Sau khi ông tuyệt thực để phản đối bức hại, họ liên tục bức thực ông, ngay cả trong ngày cuối cùng của lần thụ án thứ ba.

Người mẹ của hai con gái bị kết án tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Từng bị cầm tù gần bốn năm, bà Bốc Như Mai, một cư dân 48 tuổi ở thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô lại bị kết án 1,5 năm tù giam vì tu luyện Pháp Luân Công vào ngày 23 tháng 10 năm 2020.

Ngày 16 tháng 4 năm 2020, bà Bốc bị bắt giữ tại nhà riêng. Cha chồng mắc bệnh nan y ở cùng với hai vợ chồng bà đã rất kinh hãi trước cuộc đột kích của cảnh sát khiến tình trạng của ông chuyển biến xấu đi một cách nhanh chóng. Một tháng sau, ông đã qua đời.

Khoảng tháng 7, bà Bốc bị truy tố. Ngày 23 tháng 7, khi công tố viên truy hỏi chồng và hai con gái của bà, thì con gái út 12 tuổi của bà nói với công tố viên: “Mẹ cháu không làm gì sai, cũng không làm hại tới bất kỳ ai cả. Cháu không cho các ông kết án mẹ cháu.”

Ngày 23 tháng 10, Tòa án khu Vũ Tiến đưa bà Bốc ra xét xử. Hiện tại bà đang bị giam giữ tại trại tạm giam Thường Châu.

Trước lần kết án gần đây nhất, bà Bốc đã từng thụ án một năm chín tháng ở trại lao động và hai năm tù giam vì kiên định đức tin của mình.

Ngày 9 tháng 9 năm 2009, bà bị bắt giữ một lần nữa và bị giam giữ tại trại tạm giam Vũ Tiến. Bà tuyệt thực để phản đối sự giam giữ tùy tiện và bà đã bị bức thực. Bất chấp tình trạng sức khỏe nghiêm trọng của bà, cảnh sát vẫn đưa bà vào trại lao động cưỡng bức mà không làm theo các thủ tục pháp lý.

Ngày 22 tháng 7 năm 2014, bà bị bắt giữ một lần nữa và bị đưa tới trung tâm tẩy não.

Vụ bắt giữ tiếp theo của bà xảy ra vào ngày 17 tháng 6 năm 2016. Sau sáu tháng giam giữ tại trại tạm giam Tây Lâm, Tòa án quận Kinh Khai kết án bà hai năm tù giam và thụ án trong Nhà tù Thường Châu cùng 10.000 nhân dân tệ tiền phạt vào ngày 29 tháng 12.

Mẹ của bà Bốc là bà Bốc Tú Anh đã gần 80 tuổi và anh trai của bà là ông Bốc Đán Dụ cũng bị bắt và giam giữ vì tu luyện Pháp Luân Công.

Các trường hợp kết án trong tháng 9 mới được xác nhận

Một phụ nữ Trùng Khánh bị bí mật bắt giam vì đức tin của mình và không được gặp gia đình bất kể tình trạng sức khỏe của bà

Bà Bành Thế Bích ở Trùng Khánh đã bị bí mật kết án vì đức tin của mình vào Pháp Luân Công và hiện bà đang gặp vấn đề về sức khoẻ. Mặc dù vậy, quản lý nhà tù vẫn không cho phép bà được gặp gia đình.

Vào khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm 2019, bà Bành, một giáo viên mầm non 69 tuổi đã về hưu đã đến đồn công an Hoá Long Kiều địa phương để phân phát tài liệu Pháp Luân Công và khuyên các cảnh sát không tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Mặc dù lúc đó cảnh sát không bắt giữ bà nhưng họ đã lục soát nhà bà vài giờ sau đó khi bà không có ở nhà. Sau khi con trai báo cho bà Bành biết về vụ đột kích của cảnh sát, bà đã đến ở nhờ nhà của một người họ hàng để tránh việc bị bắt giữ, nhưng bà vẫn bị cảnh sát theo dõi và định vị qua điện thoại di động. Bà bị bắt vào ngày 7 tháng 9 năm 2019.

Gia đình bà Bành đã không được biết về việc bà bị bắt giữ. Vào tháng 6 năm 2020, khi biết rằng viện kiểm sát đã trả lại hồ sơ của bà hai lần do không đủ bằng chứng, họ đã đến Đồn Công an Hoá Long Kiều để yêu cầu thả bà. Lúc đầu người cảnh sát tiếp họ đã cố đuổi họ đi, nhưng sau đó anh ta đã nhượng bộ và để họ gặp cảnh sát trưởng.

Phó đồn Hạ Huỳnh nói rằng vụ án của bà Bành sẽ sớm đóng lại. Ông đe doạ sẽ bắt giữ người nhà bà Bành khi người này lên tiếng bảo vệ Pháp Luân Công.

Bà Bành sau đó đã bị bí mật tống giam và chuyển từ trại tạm giam Thái Gia đến Nhà tù Nữ Trùng Khánh vào đầu tháng 9 năm 2020. Gia đình bà không hề biết thời gian xét xử cũng như thời hạn bản án của bà.

Hiện huyết áp của bà Bành đang tăng cao ở mức nguy hiểm và bà còn gặp vấn đề về tim, mặc dù vậy quản lý nhà tù vẫn không cho phép gia đình vào thăm bà.

Trước lần tống giam này, bà Bành đã từng bị bắt vào ngày 17 tháng 9 năm 2008 và bị giam tại Trại lao động Cưỡng bức Nữ Trùng Khánh.

Bà bị bắt lần nữa vào ngày 26 tháng 1 năm 2013 vì nói với mọi người về Pháp Luân Công và bị tù giam 3 năm vào ngày 17 tháng 7 năm 2013. Đơn kháng cáo của bà đã bị Toà án trung cấp Trùng Khánh bác bỏ.

Bà Bành đã bị tra tấn dã man ở trong Nhà tù Nữ Trùng Khánh. Hạn tù của bà bị kéo dài thêm một tháng. Ngày 25 tháng 7 năm 2015, bà được trả tự do.

Trong khi bà Bành đang bị tù giam thì em trai bà là ông Bành Thế Quý, cũng là một học viên Pháp Luân Công, đã bị bắt vào ngày 6 tháng 9 năm 2013. Sau khi vợ ông là bà Diêu Hồng buộc phải sống xa nhà để tránh sự sách nhiễu của cảnh sát, người mẹ già bị tâm thần của chị em bà Bành đã phải chật vật để tự chăm sóc bản thân.

Một giáo viên tiểu học bị kết án tù, người chồng bị bắt và cô con gái bị mất việc làm vì tìm kiếm công lý cho bà

Bà Chu Tố Vinh, một giáo viên tiểu học 45 tuổi ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, đã bị kết án ba năm mười tháng với khoản tiền phạt 50.000 nhân dân tệ vào ngày 24 tháng 9 năm 2020, vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công. Bà Chu đã đệ đơn kháng cáo.

2020-10-14-i085756_01.jpg

Bà Chu Tố Vinh

Hai tháng sau đó bà Chu bị kết án. Việc này đã giáng thêm một đòn nặng lên gia đình bà. Người con gái lớn của bà vừa phải vất vả chăm sóc bé trai mới sinh vừa phải chăm sóc người em nhỏ đang tuổi ăn tuổi học và người bà già cả.

Ngày 11 tháng 10 năm 2019, khi bà Chu đang giảng dạy trên lớp, thì công an đến sách nhiễu. Bà bị bắt tại nhà vào cuối ngày hôm đó và bị đưa đến trại tạm giam thành phố Bảo Định.

Hóa ra một tên trộm trong làng đã lấy trộm xe đạp điện của bà đã báo công an sau khi tìm thấy tài liệu Pháp Luân Công trong giỏ xe đạp. Thay vì bắt tên trộm, công an đã bắt giữ bà Chu.

Vài ngày sau khi bà Chu bị bắt, hơn 300 người dân trong làng đã ký đơn thỉnh nguyện yêu cầu trả tự do cho người giáo viên rất được yêu quý này. Tuy nhiên công an vẫn tiếp tục tạm giữ bà và chuyển hồ sơ vụ án của bà đến viện kiểm sát.

Đã có lúc cảnh sát đã hứa với bà Chu rằng họ sẽ thả bà ngay lập tức nếu bà ký tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, nhưng bà đã từ chối tuân thủ.

Tòa án Cao Dương đã xét xử bà Chu vào các ngày 12 tháng 5, ngày 19 tháng 6 và ngày 6 tháng 7 năm 2020, trước khi tuyên án bà.

Ngày 1 tháng 7 năm 2020, chồng bà Chu bị bắt giữ và con gái lớn của bà bị đuổi việc vì cả hai người đều đang cố gắng tìm công lý cho bà.

Một cụ bà 80 tuổi bị liệt nửa người, bị kết án tù cho dù bà vẫn đang điều trị trong bệnh viện

Bà Trần Quế Phân 80 tuổi vốn đã có những vấn đề về sức khỏe sau khi bà bị cảnh sát bắt giữ phi pháp vì tu luyện Pháp Luân Công đã bị kết án trong bệnh viện vào ngày 17 tháng 9 năm 2020.

Bà Trần, một cư dân ở tỉnh Trùng Khánh đã bị cảnh sát của Đội An ninh Nội địa Giang Tân bắt giam phi pháp. Cảnh sát đã lục soát nhà bà và nói rằng camera giám sát đã ghi lại hình ảnh bà phân phát tài liệu Pháp Luân Công ở một khu dân cư.

Trong quá trình bị bắt giam phi pháp, bà đã bị đột quỵ và bị tắc nghẽn mạch máu não khiến cho bà bị liệt nửa người. Tòa án quận Cửu Long Ba đã xét xử bà trong khi bà vẫn đang điều trị bệnh trong bệnh viện vào ngày 17 tháng 9.

Nhân viên tòa án đã làm lấy lệ và công bố bà bị phạt 1,5 năm tù ngay trong khi bà vẫn đang nằm trong bệnh viện. Chỉ có 5 nhân chứng và họ đều là những cảnh sát tham gia bắt giữ bà. Cảnh sát cũng ghi giảm tuổi của bà xuống 5 năm để họ có thể buộc tội bà.

Một người phụ nữ ở Hắc Long Giang bị kết án vì đức tin của mình và bị thương ở mắt cá chân khi bị giam giữ

Bà Trương Thục Cầm, một người dân 69 tuổi ở thành phố Y Xuân, tỉnh Hắc Long Giang đã bị kết án 3 năm 4 tháng tù vì đức tin vào Pháp Luân Công. Tòa án quận Y Mĩ đã kết án đối với bà Trương vào ngày 28 tháng 9 năm 2020. Hiện bà đang trong quá trình kháng cáo.

Theo thông tin từ gia đình của bà Trương, những người đã tham dự phiên tòa xét xử, bà Trương cho biết bà đã bị ngược đãi nghiêm trọng trong 6 tháng bị giam giữ và trở nên tiều tụy. Bà cũng đi khập khiễng vì mắt cá chân sưng tấy nghiêm trọng.

Bà Trương cho biết bà đang rất đau ở mắt cá chân do một số chấn thương. Các lính canh tại trại tạm giam thành phố Y Xuân từ chối đưa bà đi kiểm tra sức khỏe mặc dù bà đã nhiều lần yêu cầu. Mặc dù sau đó họ đã tiến hành chụp X-quang mắt cá chân của bà, nhưng các lính canh khẳng định bà vẫn ổn, ngay cả khi bà vẫn cảm thấy đau buốt. Không rõ liệu bà Trương bị chấn thương mắt cá chân trước hay sau khi bị bắt.

Bà Trương, chủ một khách sạn tư nhân, bị bắt vào ngày 5 tháng 3 năm 2020 khi đang trên đường đi giao một số thực phẩm cho một người bạn. Trong khi bà Trương cố gắng chạy thoát ra ngoài, bà đã bị lên cơn đau tim và ngã gục xuống đất, không những vậy bà còn bị một công an viên đá và chửi rủa.

Bà bị đưa ra xét xử trực tuyến trong trại tạm giam vào ngày 19 tháng 8 năm 2020. Luật sư và con gái đã không được tham gia biện hộ cho bà.

Bài liên quan:

55 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ vào tháng 9 năm 2020

41 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ vào tháng 8 năm 2020

28 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ trong tháng 7 năm 2020

139 học viên Pháp Luân Công bị kết án tù vì đức tin của họ vào nửa đầu năm 2020

107 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ từ tháng 1 tới tháng 5 năm 2020

89 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2020

33 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin của họ trong thời gian phong tỏa vì virus corona ở Trung Quốc

Cuộc bức hại Pháp Luân Công vẫn tiếp diễn bất chấp đại dịch virus corona

Các tòa án của chính quyền cộng sản Trung Quốc kết án 193 học viên Pháp Luân Công khi đại dịch virus corona mới bùng phát


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/11/4/414617.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/11/10/188185.html

Đăng ngày 24-11-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share