Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 10-07-2024] Nửa đầu năm 2024 ghi nhận tổng cộng 447 trường hợp công dân Trung Quốc tuân thủ pháp luật bị kết án vì kiên định đức tin.

Các trường hợp mới được báo cáo bao gồm 1 trường hợp xảy ra vào năm 2017 và 2019, 5 trường hợp năm 2020, 4 trường hợp năm 2021, 18 trường hợp năm 2022, 159 trường hợp năm 2023, 218 trường hợp năm 2024 và 41 trường hợp không rõ năm kết án. Sự chậm trễ trong việc báo cáo là do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhằm cố gắng che đậy cuộc bức hại để tránh sự giám sát của cộng đồng quốc tế.

Những trường hợp kết án trên khắp Trung Quốc

Trung Quốc có 21 tỉnh, 4 thành phố trực thuộc trung ương (Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải và Trùng Khánh) và 5 khu tự trị (Quảng Tây, Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây, Tân Cương và Ninh Hạ). Ngoại trừ Thượng Hải, Tây Tạng, Quảng Tây và Tân Cương, tất cả 26 khu vực khác đều có các trường hợp kết án. Tỉnh Sơn Đông đứng đầu danh sách với 78 trường hợp kết án, tiếp theo là Liêu Ninh với 65 trường hợp và Cát Lâm với 50 trường hợp. 9 khu vực khác báo cáo số trường hợp ở mức 2 chữ số, và 14 khu vực còn lại ghi nhận số trường hợp ở mức 1 chữ số.

Tòa án huyện Ngũ Liên ở thành phố Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông, đã kết án tù 21 học viên chỉ trong một ngày, cáo buộc họ “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, một cái cớ tiêu chuẩn được chế độ cộng sản sử dụng để truy tố và kết án các học viên Pháp Luân Công.

Một tòa án khác ở huyện Trường Đồ, tỉnh Liêu Ninh, đã kết án 9 cư dân địa phương vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công vào ngày 25 tháng 3 năm 2024. Chỉ có 3 thành viên trong gia đình của mỗi học viên được phép tham dự phiên xét xử.

Một số vụ kết án tập thể khác cũng được báo cáo, bao gồm một vụ án ở thành phố Thập Yển, tỉnh Hồ Bắc và ở thành phố Lai Châu, tỉnh Sơn Đông, mỗi nơi đều kết án tù 7 học viên.

Mức án nặng nề lên đến 11 năm

Tháng 2 năm 2024, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc công bố rằng trong những năm gần đây, 85% tội phạm bị kết án nhận mức án 3 năm tù hoặc thấp hơn, so với 55% vào năm 1999. Tuy nhiên, đối với 447 trường hợp bị kết án của các học viên Pháp Luân Công được báo cáo nửa đầu năm 2024, mức án của họ dao động từ 4 tháng đến 11 năm, với 224 học viên (50,1%) lãnh mức án 3 năm hoặc lâu hơn. Điều này cho thấy tiêu chuẩn tuyên án khắt khe hơn đối với các học viên Pháp Luân Công, bởi ngay từ đầu họ không vi phạm luật nào khi thực hiện quyền tự do tín ngưỡng theo hiến pháp.

Một số học viên từng bị cầm tù hoặc lao động cưỡng bức trước án tù gần đây nhất, cũng vì kiên định tín ngưỡng của mình. Ông Cao Khoa, một giáo viên tiểu học về hưu ở tỉnh Hắc Long Giang, bị kết án 4,5 năm tù sau lần bị bắt giữ thứ 16 vì tu luyện Pháp Luân Công. Trước đó, ông từng bị kết án lao động cưỡng bức 6 lần. Bà Hồ Ngọc Dung, một cư dân 54 tuổi ở tỉnh Tứ Xuyên, từng bị giam trong trại lao động cưỡng bức 2 lần, và bị tống giam 2 lần, với tổng thời gian 16 năm, trước khi bị kết án 7 năm tù.

Bà Khương Vĩnh Cần, cựu giảng viên đại học tại thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, bị cảnh sát tấn công tình dục bằng “bộ dụng cụ tra tấn“ sau khi bị bắt vào ngày 12 tháng 6 năm 2022. Chồng bà, phải tỵ nạn ở Úc cùng 2 con gái để tránh bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công, nỗ lực không biết mệt mỏi để tìm kiếm công lý cho bà từ nước ngoài. Ông suy sụp khi biết tin về bản án tù 5 năm của vợ mình, do Tòa án quận Xương Ấp ban hành vào ngày 24 tháng 1 năm 2024.

2017-10-28-minghui-zhejiang-jiangyongqin.jpg

Bà Khương Vĩnh Cần

Nhiều học viên bị kết án vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Một số học viên thậm chí còn bị nhắm đến chỉ vì đặt một chiếc bánh với thông điệp liên quan đến Pháp Luân Công viết trên đó, hoặc treo đồ trang trí năm mới lên cửa sổ.

Bà Lại Đông Bình, một nhân viên y tế về hưu 66 tuổi ở thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, bị kết án 4 năm tù vì đưa cho một cậu bé 7 tuổi một tấm bùa hộ mệnh có dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo”.

Bà Tống Vân Linh, một cư dân Thiên Tân, bị bắt vào ngày 13 tháng 5 năm 2022, Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới thường niên lần thứ 23. Trước đó một ngày, bà đặt một chiếc bánh và yêu cầu tiệm bánh viết dòng chữ “Kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới ngày 13 tháng 5” lên bánh. Có người tố giác bà, khiến bà bị bắt và bị kết án. Chồng bà, mẹ chồng, và anh rể bà đều lần lượt qua đời trong thời gian bà bị giam giữ, nhưng chính quyền từ chối đề nghị của họ để được gặp bà lần cuối, hay tối thiểu là để bà tham dự đám tang chồng.

Bà Trương Cúc Hồng, một cư dân 54 tuổi ở Thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu, bị bắt vào ngày 25 tháng 4 năm 2022. Bà bị buộc tội “công khai truyền bá Pháp Luân Công” vì treo chữ “Phúc” (福) lên cửa sổ nhà mình để đón Tết Cổ truyền. Tháng 2 năm 2024, bà bị kết án 7,5 năm tù.

Với các công cụ giám sát tiến bộ do chế độ cộng sản phát triển, các học viên cũng phải đối mặt với những nguy hiểm lớn hơn trong việc nâng cao nhận thức về cuộc bức hại. Khi cảnh sát lục soát nhà của bà Triệu Tú Lệ ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh vào ngày 17 tháng 10 năm 2022, họ đặc biệt tìm kiếm quần áo và giày mà bà mang khi phân phát tài liệu Pháp Luân Công, giống như cảnh quay của camera giám sát. Cảnh sát nói dối chồng bà, rằng họ sẽ thả bà sau vài ngày. Thế nhưng sau khi kết thúc việc cách ly 14 ngày vào ngày 31 tháng 10 năm 2022, bà lại bị chuyển tới một trại tạm giam địa phương. Bà Triệu, một thợ may 57 tuổi, sau đó bị kết án 4,5 năm tù.

Ông Đoạn Chí Sinh, một công nhân nhà máy ở thành phố Bạc Đầu, tỉnh Hà Bắc, bị bắt tại nơi làm việc vào ngày 3 tháng 7 năm 2023. Cảnh sát cho biết họ bắt giữ ông vì đăng thông tin về Pháp Luân Công trên WeChat bằng điện thoại di động của mình. Tòa án địa phương tổ chức một phiên xử bí mật, và kết án ông 16 tháng tù tại Nhà tù Đường Sơn mà không thông báo cho gia đình ông.

95 học viên từ 70 tuổi trở lên bị kết án

Trong số 232 học viên có thông tin về tuổi tác tại thời điểm kết án, độ tuổi dao động từ 37 đến 94, với độ tuổi trung bình là 68. Ông Hồ Bưu, một công chức y tế về hưu 78 tuổi ở huyện Cổ Lận, tỉnh Tứ Xuyên, bị kết án 9 năm tù. Ba học viên lớn tuổi ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, bị kết án: bà Vu Quế Xuân, 72 tuổi, bị kết án 8 năm; bà Lý Vịnh Mai, 79 tuổi, bị kết án 5 năm tù; và bà Trương Ngọc Cẩm, 79 tuổi, giáo sư về hưu tại Đại học Công nghệ Thẩm Dương, bị kết án 4,5 năm tù.

Ông Trần Đức Quang, một cư dân 78 tuổi ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc, bị kết án 3 năm 8 tháng tù vào đầu tháng 4 năm 2024. Đây không phải lần đầu tiên ông Trần, một nhân viên về hưu của Công ty Xây dựng Luyện kim Số 4 đã giải thể, bị nhắm đến vì đức tin. Ông cùng vợ là bà Thịnh Xuân Mai, cũng là một học viên Pháp Luân Công, liên tục bị bắt trong những năm qua. Đặc biệt, cả hai vợ chồng ông đều bị kết án 9 năm tù sau khi bị bắt vào tháng 7 năm 2011. Sức khỏe bà Thịnh ngày càng giảm sút do bị tra tấn tại Nhà tù Nữ tỉnh Cam Túc. Nhà tù chỉ thả bà khi bà cận kề cái chết. Bảy tuần sau khi được tại ngoại, bà qua đời vào ngày 12 tháng 10 năm 2017, hưởng thọ 65 tuổi.

2024-5-31-mh-chendeguang.jpg

Ông Trần Đức Quang

Ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của học viên

Khi bị giam giữ, các học viên liên tục phải đối mặt với sự ngược đãi về thể chất lẫn thống khổ tinh thần vì kiên định với đức tin.

Bà Đổng Lệ Bình ở thành phố Cái Châu, tỉnh Liêu Ninh, bị bắt vào ngày 21 tháng 7 năm 2023. Luật sư tới gặp bà 3 lần trong trại tạm giam, vào ngày 28 tháng 8, ngày 6 tháng 9 và ngày 25 tháng 9 năm 2023. Mỗi lần gặp, ông đều thấy sức khỏe của bà suy giảm. Khi bị xét xử ngày 27 tháng 12 năm 2023, bà yếu tới mức cần được trợ giúp để đi vào phòng xử án. Giọng bà thều thào và phản ứng của bà chậm chạp. Bất chấp tình trạng như vậy, bà vẫn bị còng tay và cùm chân trong suốt phiên tòa. Sau đó, thẩm phán kết án bà 1,5 năm tù.

Vì viết thư cho trưởng đồn công an địa phương kêu gọi ông ta ngừng bức hại Pháp Luân Công, và dán tài liệu Pháp Luân Công, bà Cường Tiểu Hiệp, cư dân thành phố Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây, bị bắt vào ngày 27 tháng 3 năm 2023. Do bị ngược đãi trong trại giam, bà bị liệt nửa người bên trái và không thể tự chăm sóc bản thân được nữa. Ngày 5 tháng 6 năm 2024, một thẩm phán của Tòa án quận Tần Đô kết án bà 3 năm tù và phạt 2.000 Nhân dân tệ. Ông ta đe dọa sẽ tăng mức phạt nếu bà nộp đơn kháng cáo.

Bà Lữ Á Dân, một cư dân Trùng Khánh 78 tuổi, bị kết án 16 tháng tù vào khoảng giữa tháng 4 năm 2024. Các con của bà đích thân nộp đơn xin vào thăm bà, nhưng bị cơ quan giám sát nhà tù cự tuyệt, khẳng định miễn là bà Lữ còn từ chối “chuyển hóa” (từ bỏ Pháp Luân Công), thì sẽ không có thăm thân. Hiện các con của bà Lữ vô cùng lo lắng cho bà Lữ, một cụ bà đã bị mù mắt bên phải.

Ảnh hưởng đến gia đình

Không chỉ các học viên là nạn nhân duy nhất của cuộc bức hại, mà điều này cũng mang lại nỗi sợ hãi và áp lực to lớn cho các thành viên trong gia đình họ.

Ngày 18 tháng 1 năm 2024, ông Tần Thư Hải, một cư dân 58 tuổi ở huyện Nghĩa, tỉnh Liêu Ninh, bị bắt tại nhà sau khi bị tố giác vì phát tài liệu Pháp Luân Công tại một thôn làng vài tháng trước. Người mẹ 81 tuổi của ông, sống cùng gia đình ông, run rẩy vì sợ hãi trước cuộc đột kích của cảnh sát. Vợ ông Tần, người bị liệt từ năm 2013 sau một lần đột quỵ, suy sụp vì vụ bắt giữ ông và ngày nào cũng khóc. Tình trạng của bà xấu đi nhanh chóng, và bà qua đời vào ngày 13 tháng 2 năm 2024, là ngày 4 Tết Cổ truyền, và 26 ngày sau khi chồng bà bị bắt.

Người mẹ 81 tuổi của ông Tần

Ngày 22 tháng 4 năm 2024, ông Lưu Chí Minh, một cư dân 51 tuổi ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, bị kết án 3,5 năm tù và bị phạt 10.000 Nhân dân tệ. Ông Lưu là nhân viên đưa thư và dịch vụ đi xe chung trước khi ở nhà toàn thời gian để chăm sóc chị gái mắc chứng tự kỷ và con trai 9 tuổi. Nguồn thu nhập duy nhất của gia đình ông là từ người vợ làm công việc bảo mẫu. Sau khi ông bị bắt vào ngày 16 tháng 11 năm 2023, vợ ông cũng bị bắt và thẩm vấn. Lời khai của bà được dùng để chống lại ông mà bà không hay biết. Bà cũng mất công việc trông trẻ vì việc này. Bà đang tìm việc làm, trong khi chăm sóc con trai và cố gắng đưa chị dâu về nhà sau khi bị chính quyền ép đưa vào bệnh viện tâm thần.

2024-4-28-213033-0.jpg

Ông Lưu Chí Minh và con trai

Trong số các học viên bị kết án còn bao gồm mẹ của hai cư dân Hoa Kỳ. Bà Khổng Khánh Bình, mẹ của cô Lưu Chỉ Đồng, cư dân San Francisco, bị kết án 7 năm tù, và bà Mạnh Chiêu Hồng, mẹ của cô Đinh Duyệt, một cư dân California khác, bị kết án không rõ thời hạn.

2022-11-4-sf-release-family_04.jpg

Cô Lưu Chỉ Đồng cầm ảnh của mẹ trong một sự kiện trước Lãnh sự quán Trung Quốc. Tấm ảnh viết: “Lập tức thả mẹ tôi, bà Khổng Khánh Bình”

2023-6-20-sf-rescue-03.jpg

Cô Đinh Duyệt, cùng chồng và con cầm tấm biển kêu gọi thả mẹ cô, bà Mạnh Chiêu Hồng

Vi phạm pháp luật trong mọi bước của quá trình tố tụng

Từ việc bắt giữ các học viên mà không có lệnh khám xét, tạm giữ họ quá thời hạn cho phép của pháp luật, cho đến truy tố và kết án họ bất chấp việc không đủ cơ sở pháp lý cho cuộc bức hại, cảnh sát, công tố viên và thẩm phán đã vi phạm pháp luật trong mọi bước của quá trình tố tụng khi kết án các học viên Pháp Luân Công.

Bản án tù sau 2,5 năm sống lưu lạc

Bà Lưu Đoan Huệ, một cư dân 69 tuổi ở huyện Bảo Thanh, tỉnh Hắc Long Giang, bị bắt giữ lần đầu vào ngày 2 tháng 5 năm 2020 vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Cảnh sát lục soát nhà bà Lưu và cho bà vào diện quản thúc tại gia sau khoảng thời gian chưa xác định. Ủy ban khu phố địa phương đã có nhiệm vụ khám xét nhà bà 10 ngày một lần. Khi con gái bà gọi điện cho cảnh sát để cố gắng bãi bỏ vụ án của bà, một cảnh sát đã đe dọa bà Lưu: “Hãy bảo con gái bà đừng gọi cho chúng tôi nữa! Nếu cô ấy làm vậy, chúng tôi sẽ đập cửa và lật tung ngôi nhà của bà!”

Sau khi bà Lưu bị truy tố và dự kiến ​​bị đưa ra xét xử vào ngày 24 tháng 12 năm 2020, bà quyết định rời nhà để tránh bị bức hại. Sau 2,5 năm sống lưu lạc, bà lại bị bắt vào ngày 19 tháng 8 năm 2023, bị kết án 1 năm tù cùng 5.000 Nhân dân tệ tiền phạt vào ngày 25 tháng 8 năm 2023.

Người đàn ông Cát Lâm bị kết án 4 năm tù sau vụ bắt giữ thô bạo và xét xử bí mật

Gia đình ông Lý Diên Dân gần đây xác nhận rằng ông đã bị đưa vào Nhà tù Công Chủ Lĩnh để thụ án 4 năm tù. Người đàn ông 50 tuổi ở huyện Nông An, tỉnh Cát Lâm, bị cảnh sát từ chối cho gia đình đến thăm, với lý do ông không chịu từ bỏ Pháp Luân Công.

Chủ nhiệm an ninh thôn và một số cảnh sát đã đến nhà ông Lý vào ngày 28 tháng 2 năm 2023, cố lấy mẫu nước bọt và chụp ảnh chân dung của ông. Không rõ ông Lý có tuân theo hay không. Sau khi cảnh sát rời đi, ông Lý trốn ở nhà hàng xóm, nhưng vẫn bị bắt vào ngày 3 tháng 3 năm 2023. Theo những người chứng kiến vụ bắt giữ, cảnh sát đã đá ông Lý ngã úp mặt xuống đất và còng tay vào sau lưng ông. Sau đó, họ túm lấy chân ông và kéo đi. Bụng ông cọ xát xuống đất và chiếc quần gần như tuột ra. Họ kéo quần ông lên và tiếp tục kéo lê ông – suốt từ sân trước nhà hàng xóm qua sân trước nhà ông Lý, đến tận con đường chính phía sau nhà ông, nơi họ đậu xe tuần tra. Họ chụp ảnh ông Lý, dùng quần áo che mặt ông và đẩy ông vào trong xe.

Cảnh sát đã giấu kín tình trạng của ông Lý với gia đình ông. Gần đây gia đình mới xác nhận được rằng ông đã bị kết án, và bị chuyển từ Trại tạm giam Nông An đến Nhà tù Công Chủ Lĩnh. Nhưng họ vẫn không biết gì về bản cáo trạng, phiên xét xử hay bản án của ông.

Người vợ bị bắt ký vào giấy trắng để “thú tội” cáo buộc chồng mình

Ông Lữ Khánh, 52 tuổi, nhân viên Nhà máy Dầu mỏ Số 2 của Công ty Hóa dầu Phủ Thuận tại thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh, bị kết án 4,5 năm tù giam cùng 18.000 Nhân dân tệ tiền phạt vài tuần sau khi ông bị xét xử vào ngày 16 tháng 5 năm 2024.

Khi ông Lữ bị giam trong trại tạm giam, cảnh sát triệu tập vợ ông đến đồn công an. Ban đầu, bà từ chối, nhưng phải khuất phục sau khi cảnh sát dọa đưa bà vào danh sách “tình nghi” nếu bà từ chối làm “nhân chứng bên nguyên”. Tại đồn công an, cảnh sát ra lệnh cho bà ký và điểm chỉ vào 4 tờ giấy trắng. Dưới áp lực, bà phải làm theo yêu cầu.

Trước phiên tòa ngày 16 tháng 5 năm 2024, vợ ông Lữ nộp bản khai lên viện kiểm sát và tòa án, cáo buộc cảnh sát ép bà ký vào giấy trắng, nhưng không nhận được phúc đáp. Trong phiên tòa, bà sửng sốt khi biết cảnh sát đã “ghi lại” một bản “thú tội” dài hơn hai trang mà bà “cáo buộc” chồng mình trong quá trình thẩm vấn.

Theo luật, bản án phải bao gồm bản tường trình của cả bên công tố lẫn bên bào chữa. Tuy nhiên, phán quyết chống lại ông Lữ không đề cập đến lời khai của vợ ông về cáo buộc cảnh sát ép bà ký vào giấy trắng.

Người phụ nữ bị kết án 2 năm tù vì lời khai của nhân chứng bịa đặt

Bà Lý Quế Lâm, cư dân thành phố Dương Tuyền, tỉnh Sơn Tây, bị bắt tại nhà vào ngày 19 tháng 10 năm 2023. Khi bà bị Tòa án huyện Bình Định xét xử vào ngày 27 tháng 3 năm 2024, công tố viên khiếu nại rằng điện thoại của bà Lý lưu các lần gửi video Pháp Luân Công và kinh văn của nhà sáng lập Pháp Luân Công tới 7 người, bao gồm con gái bà, một nhân viên cộng đồng, và 5 người khác không rõ danh tính. Ngoại trừ con gái bà Lý và người nhân viên cộng đồng, tất cả “nhân chứng” khác cho biết họ không nhớ ra video mà bà Lý chia sẻ cho họ. “Nếu họ không thể dám chắc bà ấy đã gửi những video này, làm sao họ có thể được coi là nhân chứng trong vụ này?” Luật sư của bà Lý hỏi công tố viên.

Thẩm phán không tuyên bố bản án vào cuối phiên xét xử, mà kết án bà Lý 2 năm tù vài tuần sau đó.

Thẩm phán Trung Quốc: “Các người không được thuê luật sư hay kháng cáo. Có làm cũng chỉ phí tiền thôi”

Sau 2 phiên tòa bí mật, một cư dân ở thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây, bị kết án 3 năm 2 tháng tù giam vì tu luyện Pháp Luân Công. Gia đình bà Chu Quần Huệ không hay biết gì về quá trình bà bị truy tố. Thẩm phán không cho gia đình bà thuê luật sư. Bà Chu cũng không được nhận bản cáo trạng, và đã kháng cáo bản án.

Bà Chu, 67 tuổi, bị bắt tại nhà vào chiều ngày 15 tháng 3 năm 2023. Cảnh sát tuyên bố có người tố cáo bà Chu in tài liệu Pháp Luân Công tại nhà. Máy in, máy tính xách tay, sách Pháp Luân Công cùng tuyển tập các bài chia sẻ kinh nghiệm do các học viên Pháp Luân Công khác viết đều bị tịch thu. Một cảnh sát nói trong lúc lục soát nhà bà: “Đây là lần đầu tiên tôi làm việc này. Tôi vừa học vừa làm.” Một người khác nói: “Chúng tôi biết Pháp Luân Công là tốt, nhưng bà không được tu luyện.”

Sau khi đưa bà Chu vào trại tạm giam Thành phố Nam Xương, cảnh sát không cập nhật cho gia đình bà bất kỳ thông tin nào về vụ việc của bà. Tháng 10 năm 2023, gia đình bà phát hiện bà đã bị truy tố, và vụ án đã được chuyển lên Tòa án quận Tây Hồ. Khi đến tòa án để hỏi tình hình thì họ được biết thẩm phán đã tổ chức 2 phiên xét xử vụ án này. Khi họ hỏi thẩm phán Chương Ngọc Quyên về bản án thì Chương trả lời: “Bản án đang nằm trong ngăn kéo. Án tù sẽ rơi vào khoảng từ 1 đến 3 năm”, và nói thêm: “Các người không được thuê luật sư hay kháng cáo. Có làm cũng vô ích, phí tiền thôi.”

Ngày 9 tháng 12 năm 2023, thẩm phán Chương tuyên án bà Chu 3 năm 2 tháng tù, nhưng gia đình bà vẫn không được thông báo về phiên tòa xét xử. Họ chỉ biết khi đến tòa án để tìm hiểu về vụ án.

Gia đình bà cũng được biết phiên tòa được tổ chức trực tuyến, mặc dù vào thời điểm đó không có hạn chế nào về đại dịch. Sau đó, bà Chu nói với họ rằng vì chất lượng âm thanh rất kém nên bà không nghe thấy thẩm phán nói gì trong phiên xét xử. Hơn nữa, bà vẫn chưa nhận được bản cáo trạng, cũng như không biết mình bị buộc tội gì, và bị tuyên án dựa trên cơ sở pháp lý nào.

Tòa sơ thẩm nói dối về thời hạn án tù và lừa dối gia đình để từ chối luật sư kháng cáo

Tháng 7 năm 2022, 4 tháng trước Đại hội Đảng lần thứ 20 được tổ chức từ ngày 16 đến 22 tháng 10, bà Đổng Tú Vinh và ít nhất 30 cư dân Bắc Kinh khác đã bị bắt. Bà Đổng và 3 học viên bị bắt khác, bao gồm bà Lưu Ngọc Hồng, bà Lưu Tinh và bà Cận Thục Anh, chính thức bị bắt giữ vào khoảng ngày 2 tháng 9 năm 2022. Khoảng tháng 4 năm 2023, Tòa án quận Đại Hưng thông báo cho gia đình các học viên này về án tù của họ: Bà Lưu Ngọc Hồng bị kết án 2 năm tù, bà Lưu Tinh bị kết án 1 năm 9 tháng tù, bà Đổng bị kết án 1 năm 4 tháng tù, và bà Cận bị kết án 1 năm tù.

Gia đình các học viên đã thuê luật sư kháng cáo, nhưng Tòa án lừa họ bỏ luật sư bằng cách tuyên bố các học viên sẽ sớm được thả do mức án “nhẹ nhàng”. Do đó, các gia đình đã bỏ luật sư.

Tháng 7 năm 2023, gia đình bà Cận nhận ra có điều không ổn khi bà không được thả như dự kiến. Sau đó, khoảng tháng 12 năm 2023, họ phát hiện tòa án đã nói dối về thời hạn tù của bà và 3 học viên khác. Bà Cận, bà Lưu Ngọc Hồng và bà Lưu Tinh đều bị kết án 4,5 năm tù và bị phạt 5.000 Nhân dân tệ, trong khi bà Đổng bị kết án 4 năm tù và bị phạt 4.000 Nhân dân tệ.

Tải xuống dữ liệu cuộc bức hại:

Danh sách PDF các học viên bị kết án trong nửa đầu năm 2024

Báo cáo liên quan:

Báo cáo tháng 5 năm 2024: 71 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin

Báo cáo tháng 4 năm 2024: 84 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin

Báo cáo tháng 3 năm 2024: 73 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin

Báo cáo tháng 2 năm 2024: 56 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin

Báo cáo tháng 1 năm 2024: 122 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/7/10/479534.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/7/18/219085.html

Đăng ngày 03-08-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share