Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 07-02-2024] Tháng 1 năm 2024 ghi nhận tổng cộng 122 trường hợp công dân Trung Quốc tuân thủ luật pháp bị chính quyền kết án vì kiên định đức tin.

Trong số các trường hợp mới được báo cáo này, 3 trường hợp xảy ra vào năm 2020, 2 trường hợp năm 2021, 2 trường hợp năm 2022, 77 trường hợp năm 2023 (chủ yếu vào tháng 11 và tháng 12) và 38 trường hợp xảy ra vào tháng 1 năm 2024. Bởi sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt của chính quyền cộng sản Trung Quốc nhằm che đậy cuộc bức hại để tránh sự giám sát từ quốc tế, các trường hợp bị bức hại vẫn luôn không thể được báo cáo kịp thời hoặc có đầy đủ thông tin.

Những học viên Pháp Luân Công bị kết án phân bố ở 22 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và khu tự trị ở Trung Quốc. Sơn Đông là tỉnh đứng đầu danh sách với 35 trường hợp bị kết án, trong đó có 21 học viên ở thành phố Nhật Chiếu bị kết án cùng ngày bởi cùng tòa án. Cát Lâm, Hồ Bắc và Hắc Long Giang là các tính báo cáo số trường hợp học viên bị kết án với 2 chữ số, lần lượt là 15, 13 và 10. 18 khu vực còn lại có từ 1 đến 9 trường hợp bị kết án.

bd20240317-01.jpg

Thời hạn bản án của các học viên dao động từ 5 tháng đến 11 năm (trung bình là 3 năm); 18 học viên bị kết án tù treo; 57 học viên bị phạt tiền từ 1.000 đến 40.000 nhân dân tệ và mức tiền phạt trung bình là 9.702 nhân dân tệ mỗi người.

Trong số 67 học viên đã có thông tin về tuổi tác tại thời điểm kết án, 6 người ở độ tuổi 40, 14 người ở độ tuổi 50, 20 người ở độ tuổi 60, 23 người ở độ tuổi 70 và 4 người ở độ tuổi 80. Các học viên đến từ mọi tầng lớp xã hội, bao gồm cả cựu nhân viên cục thuế, công nhân nhà máy lọc dầu và một nhân viên y tế đã nghỉ hưu. Một người đàn ông 78 tuổi bị kết án 9 năm, và một phụ nữ 84 tuổi bị chuyển đến nhà tù vào tháng 1 năm 2024 để chấp hành bản án 4 năm tù từ năm 2021.

bd20240317-02.jpg

Dưới đây là tóm tắt một số trường hợp học viên bị kết án. Danh sách đầy đủ các học viên bị kết án có thể tải xuống tại đây (PDF) (tiếng Anh).

Chính quyền kết án các học viên cao tuổi

Công chức y tế về hưu từng bị giam hơn một thập kỷ lại bị kết án chín năm tù vì đức tinÔng Hồ Bưu, một công chức y tế về hưu 78 tuổi tại huyện Cổ Lận, tỉnh Tứ Xuyên, đã bị bắt vào ngày 28 tháng 9 năm 2022. Tháng 10 năm 2023, ông bị kết án 9 năm tù và bị chuyển từ Trung tâm Tẩy não huyện Cổ Lận đến nhà tù Gia Châu vào ngày 3 tháng 11 năm 2023.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Hồ bị nhắm đến vì đức tin của mình trong 24 năm của cuộc bức hại. Trong những năm đầu của cuộc bức hại, ông đã ba lần bị kết án lao động cưỡng bức, bao gồm 1 năm 9 tháng vào năm 1999, 1 năm vào năm 2001, và 3 năm vào năm 2004. Năm 2009, ông lại bị bắt và bị kết án 4,5 năm tù. Ông được thả vào ngày 29 tháng 9 năm 2013.

Ngày 13 tháng 12 năm 2019, sáu năm sau khi ông Hồ ra tù, Phòng An sinh Xã hội huyện Cổ Lận đột nhiên gọi điện cho ông, yêu cầu ông đến tháng 3 năm 2020 phải hoàn trả lại một khoản “trả thừa” là 231.816,42 Nhân dân tệ. Khoản “trả thừa” đó là tiền lương hưu được trả cho ông trong thời gian 4,5 năm ông bị giam trong tù.

Ông Hồ từ chối trả, ông liên tục bị sách nhiễu và sau đó bị buộc phải sống xa nhà. Con trai ông Hồ, một bác sỹ, đã thay mặt ông trả tiền để tránh rắc rối thêm nữa. Anh cũng trả thêm 21.500 Nhân dân tệ tiền phạt của phòng thương mại và y tế địa phương đối với phòng khám của anh. Anh nghĩ như thế là đủ, nhưng cảnh sát vẫn yêu cầu anh phải thuyết phục cha mình từ bỏ Pháp Luân Công. Cảnh sát liên tục sách nhiễu và đe dọa đóng cửa phòng khám của anh, thậm chí còn đe dọa vợ và con trai anh. Cảm thấy tuyệt vọng và bất lực, anh đã bán phòng khám của mình.

Người phụ nữ 77 tuổi bị kết án ba năm vì phát tài liệu Pháp Luân Công

Bà Vương Tú Liên (77 tuổi) ở thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên đã bị bắt vào năm 2023 vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Tòa án địa phương cáo buộc bà là người có “tiền án”, do trước đó bà từng bị bắt giữ phi pháp bốn lần và bị tuyên án phi pháp ba năm tù chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công. Thông tin chi tiết về cáo trạng, xét xử và bản án của bà hiện không rõ.

Trước bản án mới nhất, bà Vương từng bị bắt nhiều lần, và bị kết án ba năm tù sau vụ bắt giữ vào năm 2003, sau khi bị một học sinh tiểu học tố giác việc bà phát tài liệu Pháp Luân Công. Cảnh sát địa phương và Phòng 610 vẫn tiếp tục sách nhiễu bà sau khi bà được thả.

Thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây: Ba học viên Pháp Luân Công từ 72 đến 80 tuổi bị kết án tù

Ba học viên Pháp Luân Công lớn tuổi ở thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây, gần đây đã bị kết án tù vì đức tin của họ. Bà Hồ Thủy Anh, 72 tuổi, bị kết án ba năm tù. Bà sắp bị chuyển đến Nhà tù Nữ tỉnh Giang Tây. Bà Tiêu Tân Kim, 76 tuổi, bị kết án một năm tù và bị phạt 2.000 nhân dân tệ. Bà Vương Đông Á, 80 tuổi, bị kết án bảy tháng tù với mức phạt 25.000 nhân dân tệ. Cả bà Tiêu và bà Vương đều được phép thụ án tại nhà.

Ba học viên bị bắt vào sáng ngày 2 tháng 8 năm 2022, khi đang trò chuyện với nhau tại một bến xe buýt địa phương. Cảnh sát khám xét tại chỗ và tịch thu 500 nhân dân tệ tiền mặt cùng một số tài liệu giới thiệu về Pháp Luân Công từ bà Tiêu.

Sau đó, cảnh sát đột kích vào nhà của cả ba bà cụ. Họ tịch thu sách Pháp Luân Công, đài phát thanh và các đồ vật có giá trị khác của bà Tiêu. Hiện chưa rõ cảnh sát đã tịch thu những vật dụng gì từ nhà hai cụ bà còn lại. Các học viên bị giữ tại Phòng Công an quận Tây Hồ trong khoảng 15 giờ trước khi được tại ngoại. Cảnh sát ra lệnh cho họ ký tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Không rõ liệu họ có làm theo hay không.

Cảnh sát đã sách nhiễu bà Tiêu nhiều lần trong vài tháng sau đó. Họ buộc bà phải ký một số văn bản vào tháng 4 năm 2023. Bà còn bị triệu tập đến đồn công an vào ngày 3 tháng 8, sau đó lại bị bắt giam tại Trại giam Số 1 Thành phố Nam Xương.

Đầu tháng 3 năm 2023, Phòng Công an quận Tây Hồ gọi điện cho gia đình bà Hồ, yêu cầu bà đến trình báo với họ vào ngày 14 tháng 3. Bà đến, và được lệnh ký vào một cam kết từ bỏ Pháp Luân Công. Bà từ chối tuân theo và kêu gọi cảnh sát ngừng bức hại những học viên tuân thủ pháp luật như bà. Cảnh sát buộc tội bà tái phạm (do bà từng phải chịu hai bản án tù trước đó vì tu luyện Pháp Luân Công) và đe dọa sẽ chuyển vụ việc của bà đến Viện Kiểm sát quận Tây Hồ. Họ bắt giữ bà lần nữa vào ngày 3 tháng 8 năm 2023 (cùng ngày với bà Tiêu), và giam giữ bà tại Trại tạm giam Số 1 Thành phố Nam Xương. Bà Vương hiện đã được tại ngoại.

Tòa án quận Tây Hồ ban đầu dự kiến xét xử vào ngày 21 tháng 11 năm 2023, nhưng sau đó quyết định hoãn lại sau khi luật sư của bà Hồ đệ đơn tố cáo thủ phạm bức hại bà (hiện không rõ tên).

Tòa án đã tổ chức phiên xét xử chung ba học viên vào ngày 2 tháng 12. Luật sư của bà Hồ đã đưa ra lời bào chữa vô tội cho bà. Không rõ liệu hai học viên còn lại có luật sư đại diện hay không.

Tòa án cũng thông báo tổ chức một phiên xét xử riêng vào ngày 7 tháng 12 để xét xử vụ án hình sự của bà Hồ, hiện chưa rõ phiên tòa đã tiến hành hay chưa.

Bà Hồ, bà Tiêu và bà Vương bị kết án (không xác định rõ ngày tháng) sau phiên xét xử vào ngày 2 tháng 12.

Kết án tập thể

Thành phố Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông: 21 người bị kết án tù cùng ngày trong một phiên tòa chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công Ngày 25 tháng 12 năm 2023, Tòa án huyện Ngũ Liên ở thành phố Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông, đã kết án 21 cư dân địa phương lên tới 5,5 năm tù với tội danh “lợi dụng tổ tức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, một cái cớ tiêu chuẩn mà chính quyền cộng sản sử dụng để kết án và bỏ tù các học viên Pháp Luân Công.

21 học viên này nằm trong số 50 học viên Pháp Luân Công địa phương bị bắt vào ngày 12 và 13 tháng 5 năm 2023. Theo nguồn tin nội bộ, Sở Công an Thành phố Nhật Chiếu bắt đầu theo dõi các học viên từ ngày 3 tháng 3 năm 2023, và gọi đây là “Chuyên án 303”.

Bốn học viên Pháp Luân Công ở thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh, tuổi từ 56 đến 71, đều bị kết án tù

Ngày 22 tháng 12 năm 2023, bốn học viên ở thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh, bị kết án tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà Vu Tĩnh, 56 tuổi, và ông Vương Cảnh Trung, mỗi người bị kết án 4 năm tù và bị phạt 8.000 nhân tệ. Bà Vương Anh Hoa, 71 tuổi, (không phải họ hàng với ông Vương), bị kết án 3,5 năm tù cùng 7.000 nhân dân tệ tiền phạt. Bà Đại Tú Hoa, 60 tuổi, bị kết án 1 năm tù cùng 2.000 nhân dân tệ tiền phạt. Bà Vu đã đệ đơn kháng cáo.

Do bị ngược đãi về thể chất và tinh thần, ba học viên đang bị giam giữ rơi vào tình trạng nghiêm trọng. Bà Vu được phát hiện có một khối u kích thước 172 x 100 mm trong bụng và bác sĩ khuyến cáo phải phẫu thuật ngay lập tức, thế nhưng chính quyền lại từ chối. Ông Vương đang phải vật lộn với chứng huyết áp rất cao, đo được chỉ số trên 200 mmHg, trong khi mức bình thường không quá 120 mmHg. Ông cho biết, gần như lúc nào ông cũng thấy chóng mặt. Bà Vương cũng xuất hiện triệu chứng choáng váng.

Sau khi bị cảnh sát theo dõi nhiều tháng, bốn học viên này bị bắt giữ trong khoảng thời gian giữa ngày 9 và ngày 12 tháng 3 năm 2023. Cảnh sát xuất hiện bên ngoài nhà họ, đi bộ hoặc ngồi trong xe theo dõi họ, chụp hình và thậm chí lắp đặt thiết bị theo dõi lên xe đạp điện và thiết bị nghe lén dạng nút bấm trên cửa nhà họ.

Sau đó, cảnh sát chuyển trường hợp các học viên này tới Viện Kiểm sát thành phố Lăng Hải, cơ quan đã truy tố họ và chuyển vụ việc sang Tòa án thành phố Lăng Hải. Phiên tòa đầu tiên xét xử chung các học viên diễn ra vào ngày 31 tháng 10 năm 2023, phiên xét xử thứ hai và thứ ba lần lượt được tổ chức vào ngày 8 tháng 11 và ngày 8 tháng 12. Ngoại trừ bà Đại, ba học viên còn lại đều thuê luật sư biện hộ. Trong số họ còn có một học viên được hai người nhà (không phải là luật sư) biện hộ giúp.

Các học viên bị cùm tay chân lại khi họ ra tòa vào ngày 31 tháng 10. Một trong số các luật sư là ông Sheng yêu cầu tháo cùm ra, nhưng thẩm phán Hoàng Diễm Xuân từ chối và lệnh cho phiên tòa bắt đầu.

Trước khi phiên tòa thứ hai diễn ra vào ngày 8 tháng 11, thẩm phán Hoàng cố gắng gây áp lực buộc con trai một học viên từ bỏ vai trò người bào chữa gia đình cho mẹ anh. Anh đã không tuân theo. Công ty luật mà luật sư Sheng làm việc cũng nhận được một lá thư đe dọa, nhưng ông vẫn quyết đại diện cho học viên này trước tòa.

Tòa án thông báo cho luật sư và người bào chữa gia đình của các học viên rằng phiên tòa thứ hai sẽ diễn ra vào 9 giờ sáng, nhưng sáng hôm đó, khi tới tòa họ mới biết thời gian bắt đầu phiên tòa đã chuyển sang 9 giờ 30 phút mà không được báo trước. Phiên xử tiếp tục bị trì hoãn tới 10 giờ 10 phút mới bắt đầu. Một luật sư phải rời đi trước khi phiên tòa kết thúc vì phải tham gia một phiên tòa khác cùng ngày.

Gần 30 thân nhân của bốn học viên đã tới tòa án ngày hôm đó. Sau nhiều giờ chờ đợi, ngay khi họ bước vào phòng xử án, họ bị cảnh vệ chặn lại và cho biết rằng mỗi gia đình chỉ được phép có hai người vào trong.

Kết án bí mật

Hồ Nam: Sau 17 năm ngồi tù, người đàn ông lại bị kết án thêm 5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Cuối tháng 12 năm 2023, gia đình ông Dương Thế Nghĩa ở thành phố Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam, được thông báo rằng ông đã bị kết án 5 năm tù, nhưng người gọi từ chối tiết lộ thời điểm ông bị truy tố, xét xử hoặc kết án. Người thân của ông chỉ được biết rằng ông đã bị đưa vào Nhà tù Võng Lĩnh ở huyện Du cùng tỉnh.

Án tù của ông Dương bắt nguồn từ việc ông bị một số cảnh sát của Đồn Công an Vân Đường bắt giữ vào ngày 20 tháng 2 năm 2023. Họ xông vào nhà ông và bắt ông đến trại tạm giam thành phố Tương Đàm. Vào ngày hôm sau, cảnh sát gọi cho con trai ông, cho biết: “Cha của cậu và năm người khác đã cùng nhau treo các biểu ngữ Pháp Luân Công. Năm nghi phạm còn lại đã trốn thoát, chúng tôi chỉ bắt được cha của cậu. Cậu cần gửi một số quần áo cho ông ấy.“

Ông Dương phủ nhận việc treo các biểu ngữ như cáo buộc, nhưng ông biết mình lại bị nhắm đến chỉ vì là một học viên Pháp Luân Công. Cảnh sát đang cố gắng khiến gia đình chống lại ông, như một thực tế đáng buồn là gia đình một số học viên đã làm như vậy để tránh bị liên lụy trong cuộc bức hại.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Dương trở thành mục tiêu của Đảng Cộng sản Trung Quốc sau khi đảng này bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999. Trước bản án mới nhất, ông từng phải thụ án tại trại lao động và hai án tù tổng cộng 17 năm.

Nam học viên tại Cát Lâm bị kết án 4 năm tù sau phiên xét xử bí mật

Gia đình ông Lý Diên Dân gần đây xác nhận rằng ông đã bị đưa vào Nhà tù Công Chủ Lĩnh để thụ án bản bốn năm chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công. Người đàn ông 50 tuổi ở huyện Nông An, tỉnh Cát Lâm, bị cảnh sát từ chối cho gia đình đến thăm với lý do ông không chịu từ bỏ Pháp Luân Công.

Chủ nhiệm an ninh thôn và một số cảnh sát đã đến nhà ông Lý vào ngày 28 tháng 2 năm 2023, cố lấy mẫu nước bọt và chụp ảnh chân dung của ông. Không rõ ông Lý có tuân theo hay không.

Sau khi họ rời đi, ông Lý trốn ở nhà hàng xóm nhưng vẫn bị bắt giữ vào ngày 3 tháng 3 năm 2023. Theo những người chứng kiến vụ bắt giữ, cảnh sát đã đá ông Lý ngã úp mặt xuống đất và còng tay vào sau lưng ông. Sau đó, họ túm lấy chân ông và kéo đi. Bụng ông cọ xát xuống đất và chiếc quần gần như tuột ra. Họ kéo quần ông lên và tiếp tục kéo lê ông – suốt từ sân trước nhà hàng xóm qua sân trước nhà ông Lý, đến tận con đường chính phía sau nhà ông, nơi họ đậu xe. Họ chụp ảnh ông Lý, dùng quần áo che mặt ông và đẩy ông vào trong xe tuần tra.

Cha của ông Lý cũng ở nhà vào thời điểm đó. Ông cố gắng ngăn cản cảnh sát nhưng một người hàng xóm đã giữ ông ấy lại. “Cảnh sát có súng”, người hàng xóm nói. Theo một người chứng kiến vụ việc, nhiều dân làng đã choáng váng khi thấy cảnh sát đối xử tàn bạo với ông Lý.

Cảnh sát cũng đột kích vào nhà ông Lý, tịch thu các sách Pháp Luân Công, máy tính xách tay, máy in và một biểu ngữ Pháp Luân Công mà ông sử dụng tại một điểm luyện công trước khi cuộc đàn áp bắt đầu. Hàng chục nghìn nhân dân tệ tiền mặt mà ông cất trong túi ở nhà cũng biến mất. Cha ông chỉ còn thấy một túi đựng tiền rỗng trên mặt đất.

Cảnh sát đã giấu kín tình trạng của ông Lý với gia đình ông. Gần đây gia đình mới xác nhận được rằng ông đã bị kết án và chuyển từ Trại giam Nông An đến Nhà tù Công Chủ Lĩnh. Nhưng họ vẫn không biết gì về bản cáo trạng, phiên xét xử hay tuyên án của ông.

Sau khi thụ án 2 án tù với tổng thời gian 13 năm, người đàn ông Giang Tô lại lần nữa bị kết án 4,5 năm vì tu luyện Pháp Luân Công

Lúc 10 giờ 30 phút sáng ngày 2 tháng 1 năm 2024, vợ ông Trâu Phi Vũ nhận được thông báo yêu cầu bà tới gặp ông tại trại tạm giam vào lúc 1 giờ 30 phút chiều cùng ngày. Bởi thời gian thông báo quá ngắn, bà đã không kịp thông báo cho mẹ và con trai ông Trâu vì cả hai người đều sống ở tỉnh khác cách hàng trăm dặm. Bà tới trại tạm giam một mình và biết rằng chồng mình bị kết án bốn năm rưỡi tù giam và ông sẽ bị chuyển tới nhà tù vào ngày hôm sau.

Lính canh trại giam từ chối tiết lộ thông tin về nhà tù. Trước đó, vợ ông Trâu chưa từng được thông báo về phiên tòa xét xử hay bản án. Bà chỉ biết từ một người trong cuộc rằng ông bị đưa ra xét xử vào đầu tháng 5 năm 2023.

Ông Trâu, cư dân 49 tuổi ở thành phố Côn Sơn, tỉnh Giang Tô, bị bắt vào ngày 10 tháng 7 năm 2022, chỉ sau năm tháng cưới vợ lần hai. Vợ ông, bị bắt giữ cùng ngày, được bảo lãnh tại ngoại và sau đó điều kiện bảo lãnh của bà bị hủy bỏ. Ông Trâu vẫn bị giam giữ trong nhà tù và vụ bắt giữ của ông được phê chuẩn vào ngày 18 tháng 8 năm 2022.

Mẹ của ông Trâu đã tự mình tới trại tạm giam Côn Sơn vào đầu tháng 5 năm 2023 để thăm ông và yêu cầu trả tự do cho ông. Một lính canh nói dối bà rằng con trai bà không bị giam giữ ở đó. Bà đã suy sụp và bật khóc bên ngoài trại giam. Khi bà về nhà, bà kể với con dâu (không biết về chuyến đi của bà tới trại giam) chuyện xảy ra. Con dâu bà đã sốc khi nhìn thấy bà già đi nhiều chỉ trong một ngày.

Trước bản án mới nhất, ông Trâu đã phải lãnh hai án tù tổng cộng 13 năm, trong đó có một bản án 8 năm vào năm 2001 và một bản án 5 năm khác vào năm 2010. Sau khi chứng kiến những bức hại liên tục đối với gia đình mình, con trai ông trở nên trầm cảm nặng.

Thẩm phán Trung Quốc: “Các vị không được thuê luật sư hay kháng cáo, có cũng chỉ phí tiền mà thôi”

Sau hai phiên tòa bí mật, một cư dân ở thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây đã bị kết án 3 năm 2 tháng tù giam vì tu luyện Pháp Luân Công. Gia đình bà Chu Quần Huệ không hay biết gì về quá trình bà bị truy tố. Thẩm phán không cho gia đình bà thuê luật sư. Bà Chu cũng không được nhận bản cáo trạng của mình và đã kháng cáo bản án.

Bà Chu Quần Huệ, 67 tuổi, bị bắt tại nhà vào chiều ngày 15 tháng 3 năm 2023. Cảnh sát tuyên bố có người tố cáo bà in tài liệu Pháp Luân Công tại nhà. Máy in, máy tính xách tay, sách Pháp Luân Công cùng tuyển tập các bài chia sẻ kinh nghiệm do các học viên Pháp Luân Công khác viết đều bị tịch thu.

Một cảnh sát nói trong lúc lục soát nhà bà: “Đây là lần đầu tiên tôi làm việc này. Tôi vừa học vừa làm.” Một người khác nói: “Chúng tôi biết Pháp Luân Công là tốt, nhưng bà không được tu luyện.”

Sau khi đưa bà Chu vào Trại giam Thành phố Nam Xương, cảnh sát không cập nhật cho gia đình bà bất kỳ thông tin nào về vụ việc của bà. Tháng 10 năm 2023, gia đình bà phát hiện ra bà đã bị truy tố và vụ án đã được chuyển lên Tòa án quận Tây Hồ. Họ đến tòa án để hỏi han tình hình thì được biết rằng thẩm phán Chương Ngọc Quyên đã tổ chức hai phiên xét xử vụ việc này. Họ hỏi thẩm phán Chương về bản án thì bà ta trả lời rằng: “Bản án đang nằm trong ngăn kéo. Án tù sẽ rơi vào khoảng từ 1 đến 3 năm” và nói thêm rằng: “Các vị không được thuê luật sư hay kháng cáo. Có làm cũng vô ích, phí tiền thôi.”

Gia đình bà Chu đã rất sốc khi thấy một thẩm phán lại có thể vô đạo đức đến vậy khi kết án oan sai một người chỉ vì người đó thực hành đức tin của mình. Gia đình chất vấn tại sao Chương lại không tổ chức xét xử công khai, tại sao không thông báo cho họ về phiên xét xử và tại sao không cho họ thuê luật sư. Tháng 11 năm 2023, họ đã đệ đơn kiện thẩm phán Chương nhưng không có kết quả gì.

Ngày 9 tháng 12 năm 2023, thẩm phán Chương tuyên án bà Chu 3 năm 2 tháng tù giam, nhưng gia đình bà vẫn không được thông báo về phiên tòa xét xử. Họ chỉ biết khi đến tòa án để tìm hiểu về vụ án.

Gia đình bà cũng được biết phiên tòa tuyên án được tổ chức online, mặc dù vào thời điểm đó không có hạn chế nào về đại dịch. Sau đó, bà Chu nói với họ do chất lượng âm thanh rất kém nên bà không nghe thấy thẩm phán nói gì trong phiên xét xử. Hơn nữa, cho đến giờ, bà vẫn chưa nhận được bản cáo trạng, cũng như không biết mình bị buộc tội gì, và bị tuyên án dựa trên cơ sở pháp lý nào.

Nhiều thập niên bị bức hại

Người đàn ông Sơn Đông bị kết án bảy năm tù sau khi đã chạy trốn 10 năm để tránh bức hại vì đức tin của mình

Sau khi sống xa nhà 10 năm để tránh bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công, ông Vương Hoa Dương bị bắt giữ và bị kết án 7 năm tù. Nhà chức trách nhà tù đã cấm gia đình tới thăm ông với lý do ông từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.

Sự thống khổ của ông Vương, một cư dân 60 tuổi sống ở thành phố Chiêu Viễn, tỉnh Sơn Đông, bắt đầu từ ngày 23 tháng 3 năm 2012, khi cảnh sát kéo tới lục soát nhà ông. Vợ ông, bà Trì Thụy Mỹ, và con gái ông cũng bị bắt và giam giữ trong trung tâm tẩy não. Ông Vương đã thoát khỏi vụ bắt giữ nhưng lại phải sống xa nhà để trốn khỏi bàn tay cảnh sát. Để tìm ra tung tích của ông, cảnh sát đã giám sát chặt chẽ cuộc sống hàng ngày của vợ và con gái ông. Họ còn thường xuyên sách nhiễu vợ con ông, khiến họ phải chịu áp lực tinh thần vô cùng to lớn. Con gái ông Vương bị kết án 3 năm tù vào năm 2016 vì tu luyện Pháp Luân Công.

Sau năm 2017, chính quyền cũng bắt đầu sách nhiễu cha mẹ và anh chị em của bà Trì, đôi khi còn gõ cửa nhà họ vào lúc nửa đêm. Vào tháng 10 năm 2019, chính quyền lắp đặt một camera giám sát đặc biệt và một đèn pha trên cột điện bên ngoài nhà của bà Trì, đối diện trực tiếp với cửa trước nhà bà.

Cuộc bức hại đối với gia đình ông Vương cũng khiến cha mẹ ông sống trong cảnh khốn cùng. Sức khỏe của họ suy giảm nhanh chóng. Cha ông Vương bị đột quỵ vào năm 2014 và bị mất khả năng lao động. Tình trạng của ông xấu đi vào năm 2018 và ông đã qua đời vào năm 2022.

Sau 10 năm sống trôi dạt, ông Vương bị bắt giữ vào ngày 27 tháng 7 năm 2022 tại một trại chăn nuôi ở thành phố Thê Hà, tỉnh Sơn Đông sau khi bị một người nào đó trình báo. Cả cảnh sát ở Chiêu Viễn và Thê Hà đều tham gia vào vụ bắt giữ ông.

Ngày 21 tháng 7 năm 2023, Tòa án thành phố Chiêu Viễn đã xét xử vụ án của ông Vương. Một luật sư ở Bắc Kinh bào chữa vô tội cho ông. Thẩm phán kết án ông Vương 7 năm tù mà không thông báo cho gia đình ông. Ngày 21 tháng 12 năm 2023, ông được tiếp nhận vào Nhà tù tỉnh Sơn Đông ở Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông. Gia đình ông yêu cầu thăm thân nhưng đề nghị của họ đã bị nhà tù từ chối. Một lính canh nói rằng ông Vương không có thái độ tốt và họ sẽ quyết định có cho phép ông được thăm thân hay không vào tháng kế tiếp.

Bị kết án dựa trên bằng chứng ngụy tạo

Người phụ nữ Sơn Đông 72 tuổi bị kết án tù lần thứ ba vì tu luyện Pháp Luân Công

Ngày 11 tháng 1 năm 2024, bà Ngụy Xuân Vinh, 72 tuổi, cư dân thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, bị kết án 3,5 năm tù và bị phạt 10.000 Nhân dân tệ vì tu luyện Pháp Luân Công.

Bà Ngụy, đến từ huyện Hoa Nam, tỉnh Hắc Long Giang, đã sống cùng gia đình con trai ở thành phố Thanh Đảo từ năm 2013. Án tù mới nhất của bà bắt nguồn từ việc bà bị bắt vào ngày 2 tháng 3 năm 2023, sau khi bị một nhân viên giao đồ ăn tố giác với chính quyền chỉ vì bà đã nói với anh về Pháp Luân Công. Cảnh sát từ Đồn Cảnh sát Đường Chính Dương đã đột kích vào nhà con trai bà và tịch thu của bà sáu cuốn sách Pháp Luân Công cùng năm thẻ nhớ, ba chiếc máy nghe nhạc và một máy đọc sách điện tử.

Viện Kiểm sát Quận Tức Mặc đã truy tố bà Ngụy vào ngày 5 tháng 7. Tòa án Quận Tức Mặc đã mở phiên tòa xét xử bà tại trại giam vào ngày 12 tháng 10 năm 2023, trước khi kết án bà vào ngày 11 tháng 1 năm 2024.

Phán quyết đề cập đến hai nhân chứng – nhân viên giao đồ ăn Chử Giai Giai của cửa hàng takeaway Mỹ Đoàn và quản lý cửa hàng Vu Hướng Tiền – mặc dù bà Ngụy chỉ nói chuyện với nhân viên giao đồ Chử Giai Giai. Phán quyết cũng viện dẫn chi nhánh cửa hàng Mỹ Đoàn ở quận Thành Dương nơi bà Ngụy nói với nhân viên Chử về Pháp Luân Công. Tuy nhiên, không có chi nhánh nào như vậy tại địa điểm nói trên.

Bằng chứng truy tố khác gồm 2.242 tập tin âm thanh và video liên quan đến Pháp Luân Công được tìm thấy trong năm thẻ nhớ tịch thu từ nhà bà Ngụy. Công tố viên Vương cáo buộc bà Ngụy tái phạm (trước đó bà đã hai lần bị kết án vì đức tin của mình) và cố ý lôi kéo nhân viên Chử vào “tổ chức Pháp Luân Công”. Phán quyết cũng tuyên bố rằng việc bà Ngụy nói với Chử về Pháp Luân Công được “xác thực” là tuyên truyền tà giáo mặc dù không có luật nào ở Trung Quốc nói rằng Pháp Luân Công là phạm pháp hay là tà giáo.

Bị kết án bất chấp sức khỏe suy giảm

Người đàn ông Hà Bắc 67 tuổi đang kháng cáo án tù lần ba vì tu luyện Pháp Luân Công

Người đàn ông 67 tuổi ở thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc bị kết án 4,5 năm tù sau khi phải hầu tòa vào ngày 14 tháng 12 năm 2023 vì tu luyện Pháp Luân Công.

Bản án của ông Triệu bắt nguồn từ vụ bắt giữ vào ngày 10 tháng 5 năm 2023 khi ông cùng bốn người khác tới thăm bà Chu Phượng Thuần (79 tuổi) và chồng bà là ông Trương Đức Hải (82 tuổi) để cùng nhau học các bài giảng Pháp Luân Công. Hơn 40 cảnh sát của Sở Cảnh sát Thành phố Tần Hoàng Đảo, Sở Cảnh sát Quận Sơn Hải Quan và Ủy ban khu phố Sơn Hải Quan có mặt trong vụ bắt giữ. Họ dùng thang trèo qua hàng rào và nhảy vào sân nhà bà Chu. Sau đó, họ xông vào và ghi hình bà Chu, chồng bà và những người khách của họ.

Ông Triệu cùng bốn người khách bị đưa tới các đồn công an tương ứng trong khu dân cư của họ. Nhà của họ bị lục soát và các tài sản có giá trị bị tịch thu.

Ngay sau đó, ông Triệu bị chuyển tới trại tạm giam Thành phố Tần Hoàng Đảo. Theo gia đình, ông Triệu bị chảy máu trực tràng mãn tính trong khoảng sáu tháng ở trại giam và trở nên rất yếu. Gia đình ông yêu cầu thả ông ngay lập tức, nhưng vô ích.

Tòa án Quận Phủ Ninh tổ chức phiên tòa xét xử vụ án của ông Triệu vào ngày 14 tháng 12 năm 2023. Chỉ có vợ và một con trai ông được tham dự phiên tòa xét xử trong khi các thành viên gia đình khác phải đợi ở ngoài hành lang. Chủ tọa phiên tòa, Lâm Song Toàn, tuyên bố rằng ông ta phải đưa ra quyết định bảo vệ an toàn cho phòng xét xử. Ông ta cũng lấy lý do kích thước phòng xét xử nhỏ để hạn chế người tham dự mặc dù đủ chỗ cho gia đình ông Triệu.

Hai luật sư của ông Triệu lập luận rằng thân chủ của họ không vi phạm pháp luật khi thăm các công dân tuân thủ pháp luật và cùng đọc sách Pháp Luân Công. Đó là cuộc gặp gỡ riêng, không gây tổn hại cho cá nhân và xã hội nói chung. Ngoài ra, tu luyện Pháp Luân Công thể hiện quyền tự do tín ngưỡng và ở Trung Quốc không có điều luật buộc tội Pháp Luân Công đã được ban hành.

Luật sư nói thêm rằng công tố viên Trâu Tố Mẫn cáo buộc ông Triệu “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, nhưng không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho cáo buộc trên. Ngoài ra, không có lời khai nào của nhân chứng có chữ ký, điều này khiến chúng không có giá trị làm bằng chứng truy tố.

Thẩm phán Lâm liên tục ngắt lời luật sư và rất thô lỗ với họ.

Sau khi phiên tòa xét xử kết thúc, ông Triệu nhanh chóng bị dẫn ra khỏi phòng xét xử. Vợ ông đã theo ra ngoài để hỏi ông còn máu ở trong phân không. Ông nói ông không còn triệu chứng đó nữa và bảo với bà đừng lo lắng cho ông. Tuy nhiên, bà không thể ngừng lo lắng cho ông bởi bà thấy tóc của ông đã ngả sang màu xám và ông đã sụt nhiều cân trong bảy tháng giam giữ.

Khi thẩm phán Lâm ra khỏi khòng xét xử, vợ ông Triệu nói với ông ta: “Từ khi bị giam giữ, sức khỏe của chồng tôi suy giảm nhanh chóng. Ngay từ đầu ông ấy đã không được khỏe và tôi rất lo lắng liệu ông ấy có… ” Lâm ngắt lời bà và bảo bà hãy đợi quyết định của tòa án.

Vài ngày sau, vợ ông Triệu nhận được điện thoại của tòa án nói rằng chồng bà bị kết án bốn năm rưỡi tù giam. Bà hỏi về án tù nặng bởi công tố viên Trâu đã đề nghị bản án ba năm tại thời điểm kết thúc phiên tòa. Người gọi điện nói rằng bởi ông Triệu không “cư xử” tốt trong vài năm qua vì ông vẫn kiên trì tu luyện Pháp Luân Công.

Báo cáo liên quan:

Báo cáo năm 2023: 1.190 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì tu luyện

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/2/7/472219.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/2/16/215898.html

Đăng ngày 17-03-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share