Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 11-05-2024] Tháng 4 năm 2024 ghi nhận tổng cộng 84 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin.

Các trường hợp mới được báo cáo bao gồm 1 trường hợp xảy ra vào năm 2017, 6 trường hợp năm 2022, 11 trường hợp năm 2023 và 66 trường hợp năm 2024. Các trường hợp trong năm 2024 gồm 2 trường hợp vào tháng 1, 2 trường hợp tháng 2, 27 trường hợp tháng 3 và 23 trường hợp tháng 4, và 12 trường hợp không rõ tháng. Với việc kiểm duyệt thông tin ngày càng nghiêm ngặt của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhiều chi tiết về cáo trạng, xét xử và kết án của các học viên rất khó (nếu không nói là không thể) thu thập được, gây ra sự chậm trễ hơn nữa trong việc báo cáo.

84 học viên Pháp Luân Công bị kết án phân bố ở 15 tỉnh và 2 thành phố trực thuộc trung ương. Liêu Ninh và Hà Bắc đứng đầu, với lần lượt 25 và 17 trường hợp. 15 khu vực còn lại có từ 1 đến 9 trường hợp. Án tù của các học viên dao động từ 4 tháng đến 8 năm, trong đó 12 học viên nhận mức án từ 5 năm trở lên.

Các trường hợp mới được báo cáo bao gồm 4 vụ tuyên án tập thể, 2 vụ vào tháng 3 năm 2024 và 2 vụ vào tháng 4 năm 2024. Các vụ án tháng 3 có 9 học viên ở huyện Trường Đồ, tỉnh Liêu Ninh bị kết án từ 4 tháng đến 2 năm vào ngày 25 tháng 3, và 4 phụ nữ ở thành phố Cao Mật, tỉnh Sơn Đông bị kết án oan sai 2 ngày sau đó. Hai vụ kết án tập thể vào tháng 4 năm 2024 đều ở tỉnh Hà Bắc, với 6 cư dân ở thành phố Thừa Đức, độ tuổi từ 55 đến 61, bị kết án 3 đến 4 năm tù vào khoảng đầu tháng 4, và 4 học viên ở thành phố Thương Châu bị kết án từ 2,5 đến 3 năm tù vào ngày 17 tháng 4.

Trong số 35 học viên (41,7%) có thông tin về tuổi tác tại thời điểm kết án, 1 người 37 tuổi, 2 người ở độ tuổi 40, 9 người ở độ tuổi 50, 11 người ở độ tuổi 60, 9 người ở độ tuổi 70 và 3 người ở độ tuổi 80. Ba học viên ở độ tuổi 80 lần lượt bị kết án 15 tháng, 3 năm và 4 năm tù.

Các học viên bị kết án bao gồm mẹ của một cư dân Hoa Kỳ, và một người cha nghỉ việc để chăm sóc chị gái mắc chứng tự kỷ và con trai 9 tuổi. Người vợ bại liệt của một người đàn ông Liêu Ninh ngày nào cũng khóc thương ông sau khi ông bị bắt vào tháng 1 năm 2024. Người mẹ già 81 tuổi của ông cũng bị cảnh sát thẩm vấn. Ông bị đột quỵ và mất khả năng vận động một bên cơ thể trước khi bị kết án 3 năm tù.

Trước án tù gần nhất này, một số học viên từng nhiều lần bị nhắm đến vì đức tin trong 25 năm qua. Một người đàn ông 44 tuổi từng bị bức hại từ khi còn học trung học bị kết án 3,5 năm tù, và một phụ nữ 52 tuổi từng bị giam giữ và tra tấn trong 13 năm lại bị kết án tù lần thứ tư, với mức án là 3 năm tù.

Cơ quan chức năng vi phạm pháp luật ở mọi khâu của quá trình tố tụng. Trong một số trường hợp, cảnh sát bắt giữ các học viên và lục soát nhà của họ mà không có lệnh rõ ràng. Khi vụ án của các học viên được chuyển lên viện kiểm sát, luật sư và thân nhân của họ không được biết về tình trạng vụ án hoặc không được phép xem hồ sơ. Một tòa án giả mạo chữ ký của luật sư để chứng minh ông ấy đã đọc bản cáo trạng của thân chủ mình, trong khi thực tế lần đầu tiên ông được phép xem tài liệu là trong phiên tòa. Chồng của một học viên khác được nêu tên là nhân chứng truy tố duy nhất, mặc dù ông ấy chưa bao giờ nói bất cứ điều gì để buộc tội vợ mình khi bị cảnh sát thẩm vấn.

Dưới đây là tóm tắt một số trường hợp học viên bị kết án. Danh sách đầy đủ các học viên bị kết án có thể tải xuống tại đây (PDF) (tiếng Anh và Trung).

Gia đình gặp khó khăn

Hai cư dân Liêu Ninh, trong đó có một phụ nữ 76 tuổi, bị kết án vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công

Hai cư dân ở thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh đã bị kết án vào tháng 4 năm 2024 vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông Tần Thư Hải, 58 tuổi, bị kết án 3 năm tù. Bà Lưu Ngọc Lan, 76 tuổi, bị kết án 2 năm tù.

Ông Tần và bà Lưu bị bắt vào ngày 18 tháng 1 năm 2023 vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công ở một thôn làng gần đó vài tháng trước. Hơn 10 cảnh sát, trong đó nhiều người mặc thường phục, xông vào lục soát nhà ông Tần. Họ không trình thẻ cảnh sát hay lệnh khám xét. Người mẹ già 81 tuổi của ông Tần, sống cùng gia đình ông, run rẩy vì sợ hãi. Ông Tần bị bắt sau vụ đột kích này. Cùng ngày, toán cảnh sát đó cũng lục soát nhà bà Lưu và bắt bà.

Ngày hôm sau, bốn cảnh sát quay lại nhà ông Tần, tra hỏi mẹ ông liệu bà có biết nơi con trai bà và bà Lưu lấy bốn thùng lịch đó hay không. Bà nói không biết gì. Khi cảnh sát ra lệnh bà ký vào hồ sơ thẩm vấn của họ thì bà nói không biết chữ. Sau đó, họ yêu cầu một phụ nữ lớn tuổi khác tình cờ đến thăm lúc đó, ký bằng tên của mẹ ông Tần, rồi họ bắt mẹ ông Tần điểm chỉ.

a9e8bfd5c9d5118a3f5f32a64424287c.jpg

Mẹ của ông Tần

Vợ ông Tần, người bị liệt từ năm 2013 sau một lần đột quỵ, suy sụp vì vụ bắt giữ ông và ngày nào cũng khóc. Tình trạng của bà xấu đi nhanh chóng, và bà qua đời vào ngày 13 tháng 2 năm 2024, là ngày 4 Tết Cổ truyền, và 26 ngày sau khi chồng bà bị bắt.

Ông Tần bị giam tại Trại tạm giam Huyện Nghĩa, và bà Lưu bị giam tại trại tạm giam Nữ Thành phố Cẩm Châu. Vào 3 giờ sáng ngày 3 tháng 4, ông Tần bị đột quỵ và mất khả năng vận động một bên cơ thể. Một lính canh trại tạm giam gọi điện cho con trai ông, yêu cầu anh phải chi trả phí điều trị y tế cho ông. Lính canh đưa ông Tần đến Bệnh viện Trung Y Huyện Bắc Nghĩa để quét CT não và tiêm thuốc trước khi đưa ông trở lại trại tạm giam. Không rõ ông bị tiêm thuốc gì.

Bà Lưu cũng bị huyết áp cao trong trại tạm giam, với huyết áp tâm thu lên đến 200 mmHg, trong khi mức bình thường là 120 mmHg hoặc thấp hơn.

Ngày 12 tháng 4 năm 2024, Chủ tọa phiên tòa Hoàng Diễm Xuân của Tòa án Thành phố Lăng Hải tổ chức phiên xét xử, và kết án tù hai học viên vào cuối phiên tòa.

Mẹ của cư dân San Francisco bị kết án bảy năm tù vì đức tin, nộp đơn đề nghị xem xét lại vụ án sau khi kháng cáo bị bác bỏ

Ngày 25 tháng 3 năm 2024, Tòa án Trung cấp thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, ban hành phán quyết giữ nguyên bản án oan sai đối với một cư dân địa phương vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công.

Án tù của bà Khổng Khánh Bình bắt nguồn từ vụ bắt giữ vào ngày 25 tháng 2 năm 2020. Cảnh sát thẩm vấn bà trong 24 giờ trước khi thả bà để quản thúc tại gia. Khi thời hạn bảo lãnh một năm kết thúc vào tháng 3 năm 2021, cảnh sát yêu cầu bà Khổng trình báo lại với họ. Bà đã bỏ nhà đi để tránh bị bắt, rồi lại bị bắt tại nơi tạm trú vào ngày 22 tháng 10 năm 2022. Bà Khổng bị đưa đến trại tạm giam thành phố Đại Liên, và từ đó gia đình không được phép tới thăm.

Vào năm 2023, bà Khổng đã ba lần ra hầu tòa tại Tòa án quận Cam Tỉnh Tử và sau đó bị kết án 7 năm tù và bị phạt 30.000 nhân dân tệ. Sau khi đơn kháng cáo bị bác bỏ, bà đã nộp đơn kiến nghị tới Tòa Trung cấp thành phố Đại Liên để xem xét lại vụ án của mình.

Bà Khổng vẫn bị giam tại trại tạm giam thành phố Đại Liên. Con gái của bà, cô Lưu Chỉ Đồng, sống ở San Francisco, Hoa Kỳ, đang kêu gọi trả tự do cho bà.

74edf36065363ac91a2af9ecd78a507b.jpg

Cô Lưu Chỉ Đồng cầm một bức ảnh của mẹ cô trong một cuộc mít-tinh bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco vào ngày 3 tháng 11 năm 2022. Tấm bảng ghi “Lập tức thả mẹ tôi Khổng Khánh Bình”.

Vân Nam: Người đàn ông bị kết án tù, vợ bị thẩm vấn và chị gái mắc chứng tự kỷ bị đưa vào bệnh viện tâm thần

Ông Lưu Chí Minh ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, bị kết án 3,5 năm tù và bị phạt 10.000 Nhân dân tệ vào ngày 22 tháng 4 năm 2024.

Ông Lưu, 51 tuổi, là nhân viên đưa thư và dịch vụ đi xe chung trước khi ở nhà toàn thời gian để chăm sóc chị gái mắc chứng tự kỷ và con trai 9 tuổi. Nguồn thu nhập duy nhất của gia đình ông là từ người vợ làm công việc bảo mẫu. Sau khi ông bị bắt vào ngày 16 tháng 11 năm 2023, vợ ông cũng bị bắt và thẩm vấn. Lời khai của bà được dùng để chống lại ông mà bà không hay biết. Bà cũng mất công việc trông trẻ vì vụ việc này. Bà đang tìm việc làm, trong khi chăm sóc con trai và cố gắng đưa chị dâu về nhà sau khi bị chính quyền ép đưa vào bệnh viện tâm thần.

2024-5-10-194521-0--ss.jpg

Ông Lưu Chí Minh và con trai

Cát Lâm: Người phụ nữ 45 tuổi bị kết án bí mật 3,5 năm tù, gia đình không được thông báo về bản án cho đến khi bà bị chuyển vào tù

Ngày 15 tháng 4 năm 2024, bà Triệu Quốc Khôn, một cư dân 45 tuổi ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, bị kết án 3,5 năm tù vì đức tin vào Pháp Luân Công. Tuy nhiên, gia đình bà Triệu không được thông báo về bản án oan sai của bà, cho đến khi bà bị chuyển vào Nhà tù Nữ Tỉnh Cát Lâm, nằm ở thành phố Trường Xuân. Họ vẫn không biết viện kiểm sát nào truy tố hoặc tòa án nào kết án bà, vì cảnh sát và hệ thống tư pháp không cung cấp cho họ bất kỳ thông tin cập nhật nào về vụ án của bà. Nhà tù được chỉ thị chỉ thông báo cho họ về án tù của bà.

Tuy nhiên, gia đình bà Triệu Quốc Khôn không được thông báo về bản án oan sai của bà, cho đến khi bà bị chuyển vào Nhà tù Nữ Tỉnh Cát Lâm, nằm ở thành phố Trường Xuân. Họ vẫn không biết viện kiểm sát nào truy tố hoặc tòa án nào kết án bà, vì cảnh sát và hệ thống tư pháp không cung cấp cho họ bất kỳ thông tin cập nhật nào về vụ án của bà. Nhà tù được chỉ thị chỉ thông báo cho họ về án tù của bà.

Gần đây nhất, vào ngày 4 tháng 5 năm 2023, bà Triệu và anh bị bắt cùng với cha của họ, ông Triệu Húc Đông, và sau đó được tại ngoại. Ông Triệu Húc Đông qua đời vào ngày 10 tháng 8 năm 2023, 10 ngày sau khi bị cảnh sát sách nhiễu tại nhà. Ông mất ở tuổi 77. Ngày 6 tháng 12 năm 2023, bà Triệu lại bị bắt, sau đó bị kết án tù bí mật.

Vi phạm thủ tục pháp lý

Nữ học viên Giang Tây bị bí mật kết án tù, thẩm phán phúc thẩm đưa ra phán quyết giữ nguyên bản án oan sai

Tháng 2 năm 2024, Tòa án Trung cấp Thành phố Nam Xương đã ra phán quyết giữ nguyên bản án oan sai đối với bà Chu Quần Huệ chỉ vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công.

Sau khi bà Chu, 67 tuổi, bị bắt vào ngày 15 tháng 3 năm 2023 và bị đưa đến trại tạm giam thành phố Nam Xương, cảnh sát không hề cập nhật cho gia đình bà về vụ án của bà. Tháng 10 năm 2023, gia đình bà biết được bà đã bị truy tố và Tòa án Quận Tây Hồ đang phụ trách vụ án của bà. Khi họ tới Tòa án này để hỏi thông tin về bà, họ được trả lời rằng thẩm phán Chương Ngọc Quyên đã mở hai phiên tòa xét xử bà.

Khi họ hỏi bà Chương về bản án của bà Chu, bà ta trả lời: “Bản án đang nằm trong ngăn kéo. Thời hạn tù sẽ từ một tới ba năm. Các người không được phép thuê luật sư hay kháng cáo. Điều đó thật vô ích và lãng phí tiền của.” Gia đình bà Chu vô cùng sốc khi chứng kiến bà Chương lại có thể vô lương tâm kết án oan sai một người chỉ vì thực hành đức tin của mình.

Ngày 9 tháng 12 năm 2023, thẩm phán Chương tuyên bố bà Chu bị kết án ba năm hai tháng tù. Gia đình bà không hề được thông báo về phiên tòa xét xử bà. Họ chỉ biết bản án khi tới tòa án hỏi thông tin về bà.

Gia đình bà cũng biết phiên tòa được tổ chức qua mạng, mặc dù thời điểm đó không có hạn chế về đại dịch. Sau đó, bà Chu nói với họ rằng chất lượng âm thanh rất kém và bà không thể nghe thấy bất cứ điều gì mà thẩm phán nói trong phiên tòa. Bà cũng nói rằng bà bị tòa chỉ định một luật sư. Vì không thể nghe rõ do vấn đề âm thanh, nên bà không biết liệu luật sư có tự nhận tội thay bà hay không.

Gia đình bà Chu thuê một luật sư để kháng cáo bản án oan sai. Luật sư đã xem xét hồ sư vụ án của bà tại Tòa án Trung cấp Thành phố Nam Xương và biết được Đồn Công an Nam Cương đã liệt kê chồng bà là nhân chứng truy tố duy nhất. Chồng bà nói với luật sư rằng cảnh sát đe dọa bắt ông khi ông từ chối ký biên bản thẩm vấn. Vì sợ hãi, ông đã ký, nhưng ông khẳng định bản thân không đưa ra bất cứ lời khai nào buộc tội vợ mình.

Luật sư yêu cầu thẩm phán Ân Quốc Phú của Tòa phúc thẩm lật lại bản án của bà Chu. Ông Ân cho biết bản thân không có quyền quyết định về kết quả kháng cáo và đưa ra phán quyết được xác định trước vài ngày sau đó rằng bản án có tội sẽ có hiệu lực.

Hai học viên Hồ Bắc kháng cáo bản án oan sai, luật sư bào chữa chống lại Tòa sơ thẩm vì giả mạo chữ ký của ông

Tòa án Trung cấp Hán Giang ở thành phố Tiên Đào, tỉnh Hồ Bắc đã mở phiên tòa phúc thẩm vụ án chung của hai phụ nữ địa phương vào ngày 20 tháng 3 năm 2024. Một luật sư bào chữa đã chỉ ra rằng tòa sơ thẩm đã giả mạo chữ ký của ông và vi phạm luật.

Bà Dương Đông Mai và bà Lưu Diễm Thu bị bắt vào ngày 7 tháng 5 năm 2023 khi họ bị tố cáo phát tặng tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Tòa án Thành phố Tiên Đào mở phiên tòa chung xét xử hai nữ học viên này vào ngày 19 tháng 10 năm 2023 và kết án họ vào ngày 29 tháng 11. Bà Dương bị kết án hai năm ba tháng và bị phạt 10.000 Nhân dân tệ. Bà Lưu bị kết án một năm hai tháng và bị phạt 5.000 Nhân dân tệ.

Trong phiên tòa phúc thẩm, luật sư của bà Lưu đã lên án Tòa án Thành phố Tiên Đào vì không cho ông xem bản cáo trạng của thân chủ mình trước phiên tòa mở ngày 19 tháng 10 năm 2023. Theo quy định của luật pháp Trung Quốc, luật sư phải được cung cấp trước bản cáo trạng của thân chủ để có thể chuẩn bị lời bào chữa. Để che đậy sai sót, Tòa án Thành phố Tiên Đào đã giả mạo chữ ký và tuyên bố rằng ông đã nhận bản cáo trạng và ký xác nhận trước khi phiên tòa bắt đầu.

Bà Lưu đã làm chứng chống lại cảnh sát vì đã đột kích vào nhà bà mà không có bất cứ cơ sở pháp lý nào, trong khi đó không có luật nào ở Trung Quốc hình sự hóa Pháp Luân Công. Thẩm phán phúc thẩm Đinh Ủng Quân và trợ lý thẩm phán Nhan Bằng đã cho hoãn phiên tòa mà không đưa ra phán quyết. Tại thời điểm viết báo cáo này, có khả năng bà Lưu và bà Dương vẫn đang bị giam giữ trong Trại tạm giam Thành phố Tiên Đào.

Các học viên cao tuổi bị kết án

Nữ học viên Liêu Ninh 80 tuổi bị kết án tù lần thứ hai chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công

Vào tháng 4 năm 2023, một người phụ nữ 80 tuổi ở thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh đã bị kết án một năm ba tháng tù vì tu luyện Pháp Luân Công.

Bản án của bà Vương Quế Hà khởi nguồn từ việc bà bị bắt lần đầu vào chiều ngày 25 tháng 9 năm 2022 sau khi bị tố giác vì giảng chân tướng Pháp Luân Công cho người dân tại Công viên Bắc Hồ. Cảnh sát đã đột kích vào nhà bà và tịch thu các kinh sách Pháp Luân Công của bà. Sau đó, bà được tại ngoại nhờ bảo lãnh.

Ngày 20 tháng 9 năm 2022, bà Vương gửi đơn tới Đồn Công an Thạch Kiều Tử và cơ quan cấp trên là Phân cục Công an Quận Lăng Hà, yêu cầu hủy bỏ lệnh tại ngoại, bác bỏ vụ án và trả lại các vật dụng bị tịch thu. Bà không hề nhận được hồi đáp, nên đã nộp đơn tới Phân cục Công an Quận Lăng Hà, yêu cầu công khai thông tin. Cơ quan công an này trả lời rằng trường hợp của bà không đủ điều kiện công bố thông tin công khai.

Ngày 1 tháng 2 năm 2024, bà Vương bị bắt giữ bí mật và đưa đến trại tạm giam Nữ thành phố Cẩm Châu. Ngày 19 tháng 2, cảnh sát đã chuyển trường hợp của bà tới viện kiểm sát và ngày hôm sau bà bị truy tố.

Tòa án Lăng Hải mở phiên tòa xét xử bà Vương tại trại tạm giam vào ngày 4 tháng 3 năm 2024. Hai tuần sau, bà Vương bị kết án.

Bắc Kinh: Người phụ nữ 83 tuổi bị kết án 3 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Cuối tháng 11 năm 2023, một cụ bà 83 tuổi ở Bắc Kinh đã bị kết án 3 năm tù và phạt 3.000 Nhân dân tệ vì đức tin vào Pháp Luân Công.

Án tù oan sai của bà Vương Liên Chính bắt nguồn từ vụ bắt giữ vào ngày 23 tháng 8 năm 2019. Khoảng sau 10 giờ sáng ngày hôm đó, các nhân viên ủy ban khu phố gõ cửa nhà bà, nhưng bà không cho họ vào. Sau đó, cảnh sát Trần Hoành Lợi cạy cửa. Các cảnh sát đã tịch thu các sách và tài liệu Pháp Luân Công, máy tính, máy in, hơn 6.000 Nhân dân tệ tiền mặt và các tài sản có giá trị khác của bà.

Vào chiều hôm đó, sau khi bị đưa đến Trung tâm Xử án của Công an quận Triều Dương, bà đột nhiên bị ngất và được phát hiện bị huyết áp cao. Sau đó, cảnh sát thông báo cho gia đình đến đón bà và cho phép bà bảo lãnh tại ngoại một năm.

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2020, hai cảnh sát đã đến nhà bà Vương, cho biết họ đến hỏi bà một số câu hỏi theo lệnh của Viện Kiểm sát quận Triều Dương, bao gồm: 1 ) Liệu chiếc máy in bị tịch thu tại nhà vào ngày 23 tháng 8 năm 2019 có phải của bà hay không? 2) Bà có tự in các tài liệu Pháp Luân Công bị tịch thu không? 3) Bà đã liên lạc với ai? 4) Liệu bà có còn ra ngoài phân phát tài liệu Pháp Luân Công sau khi được tại ngoại hay không. 5) Bà có tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công không?

Bà Vương trả lời tất nhiên bà vẫn tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công vì môn tu luyện giúp bà có một cuộc sống mới. Trước khi tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 1 năm 1996 ở tuổi 55, bà mắc nhiều bệnh, bao gồm nhịp tim chậm, huyết áp thấp, giảm tiểu cầu (số lượng tiểu cầu trong máu thấp), đa hồng cầu (sản xuất quá nhiều tế bào máu làm tăng độ nhớt của máu), căng cột sống cổ và hẹp ống sống (dẫn đến lượng máu cung cấp lên não không đủ khiến bà thường bị đột quỵ). Tất cả các triệu chứng của bà đều biến mất sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công. Bà cũng bỏ được chứng nghiện hút thuốc kéo dài 36 năm mà không gặp bất kỳ khó khăn nào. Cảnh sát rời đi sau khi nghe câu chuyện của bà.

Ngày 13 tháng 1 năm 2024, Viện Kiểm sát quận Triều Dương triệu tập bà Vương. Bà bắt đầu cảm thấy khó chịu trên đường đến đó. Sau khi đến viện kiểm sát, bà vẫn chưa thể nói chuyện. Con của bà trả lời các câu hỏi của các công tố viên. Bà cố gắng trả lời có khi một công tố viên hỏi liệu bà còn tu luyện Pháp Luân Công hay không. Sau đó, bà được thả và được yêu cầu đợi cuộc gọi từ Tòa án quận Triều Dương.

Cuối tháng 11 năm 2024, tòa án thông báo cho bà về án tù. Không rõ liệu có phiên tòa xét xử hay không, và khi nào bà bắt đầu bị giam để thụ án.

Người phụ nữ Bắc Kinh 70 tuổi bị kết án 1,5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Ngày 22 tháng 4 năm 2024, bà Khấu Như Mẫn, cư dân quận Triều Dương, Bắc Kinh, bị kết án 1,5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công.

Án tù của bà Khấu bắt nguồn từ vụ bắt giữ vào ngày 28 tháng 7 năm 2022. Lúc 6 giờ sáng hôm đó, cảnh sát thuộc Đội An ninh Nội địa Bắc Kinh đột nhập vào nhà bà, tịch thu các sách Pháp Luân Công, máy nghe nhạc, đầu DVD, lịch để bàn, lịch treo tường, 2.500 Nhân dân tệ tiền giấy in thông điệp Pháp Luân Công (cách mà các học viên ở Trung Quốc nâng cao nhận thức về cuộc bức hại) và các vật có giá trị khác.

Cảnh sát đưa bà Khấu đến cơ sở cấp cứu để khám sức khỏe. Bà được chẩn đoán mắc một số vấn đề về tim mạch, huyết áp, và không đảm bảo để giam giữ. Đêm hôm sau, cảnh sát bảo lãnh cho bà tại ngoại 1 năm, và gây áp lực buộc gia đình bà phải đưa bà vào bệnh viện mặc dù bà không cảm thấy khó chịu. Bà bị buộc phải nằm viện trong 8 ngày.

Ngày 21 tháng 7 năm 2023, Viện Kiểm sát quận Triều Dương triệu tập bà Khấu để gia hạn thời hạn bảo lãnh 1 năm cho bà. Ngày 16 tháng 8, họ gọi lại để thông báo sẽ đệ trình vụ việc của bà lên Tòa án quận Triều Dương. Ba ngày sau, bà bị truy tố.

Ngày 21 tháng 8 năm 2023, Tòa án quận Triều Dương ghi án vụ của bà Khấu và gửi bà một bộ hồ sơ cáo trạng và đề nghị án tù từ 1-1,5 năm của viện kiểm sát. Thư ký Chi của tòa án thông báo với gia đình bà rằng phiên tòa sẽ diễn ra trong một hoặc hai tháng nữa.

Sau đó, bà Khấu được thông báo phiên tòa của bà được ấn định vào 2 giờ chiều ngày 31 tháng 10 năm 2023. Tuy nhiên, Tòa án hủy bỏ phiên tòa một ngày trước đó. Không rõ phiên tòa diễn ra vào ngày nào.

Ngày 18 tháng 4 năm 2024, một nhân viên Tòa án gọi điện cho bà Khấu, yêu cầu bà phải báo cáo lại với họ sau 4 ngày vì họ cần xác minh một số việc. Vào buổi sáng ngày 22 tháng 4, bà tự mình đến tòa mà không báo cho gia đình biết.

Ngay sau đó, cô Vân (bí danh), con gái lớn của bà Khấu, nhận được cuộc gọi từ Tòa án, thông báo rằng bà Khấu đang được kiểm tra sức khỏe. Cô hỏi lý do của việc kiểm tra sức khỏe, thì người gọi tỏ ra ngạc nhiên: “Cô không biết chuyện gì đang xảy ra (với mẹ cô) hay sao?” Khi cô Vân trả lời “không”, anh ta cúp máy mà không giải thích sự việc hay tiết lộ tung tích của bà Khấu.

Sau đó, cô Vân gọi cho luật sư do Tòa án chỉ định, và luật sư cho biết ông chưa nhận được bất kỳ thông tin cập nhật nào từ tòa án. Cô gọi lại cho Tòa án nhiều lần nhưng không ai nghe máy.

Ngay sau 1 giờ chiều ngày hôm đó, nhân viên thi hành án của Tòa án gọi cho cô Vân, thông báo mẹ cô đã bị kết án 1,5 năm tù. Cô hỏi mẹ cô bị kết án khi nào, và nhân viên thi hành án nói: “Hôm nay (22 tháng 4 năm 2024)”. Cô yêu cầu được gặp mẹ cô, và được trả lời: “Không, đừng đến. Cô sẽ không được phép gặp mẹ mình đâu”. Cô nhắc nhở ông ta rằng mẹ cô đã già và sức khỏe yếu. Ông ta trả lời rằng họ có bệnh viện để giải quyết mọi vấn đề y tế có thể phát sinh.

Lúc đó, cô Vân nghe thấy giọng mẹ nói vọng vào: “Mẹ vẫn chưa được ăn gì cả”. Cô tức giận: “Đã quá giờ ăn trưa mà bà ấy lại lớn tuổi…” Ông ta cúp máy trước khi cô kịp nói hết câu.

Sau đó, cô Vân gọi cho luật sư, thông báo về án tù của mẹ cô. Luật sư cho biết ông vẫn chưa nhận được bản sao của bản án.

Bị bức hại nhiều lần

Bị bức hại vì đức tin từ khi còn học trung học, một cư dân ở Cam Túc phải ngồi tù ba năm rưỡi

Vào cuối tháng 4 năm 2024, một người đàn ông 44 tuổi bị đưa vào Nhà tù Vị Nam ở tỉnh Thiểm Tây để thụ án ba năm rưỡi vì tu luyện Pháp Luân Công.

Ông Lý Học Di, quê ở thành phố Lâm Hạ, tỉnh Cam Túc, làm việc tại Khu công nghiệp Du Thần ở thành phố Du Lâm, tỉnh Thiểm Tây. Ông và đồng nghiệp của mình, ông Ngụy Tuế Xuân, cũng là một học viên Pháp Luân Công, đã bị bắt vào ngày 1 tháng 4 năm 2023, sau khi có người tố giác vì phát tài liệu có thông tin Pháp Luân Công một ngày trước đó. Mặc dù đã xác nhận rằng ông Lý đã bị Tòa án Thành phố Du Lâm kết án ba năm rưỡi, nhưng tình trạng vụ án của ông Ngụy vẫn chưa rõ ràng.

Ông Lý đã bị nhắm đến vì đức tin của mình từ khi còn học trung học. Ông bị bắt tại nhà vào ngày 22 tháng 3 năm 2000. Một trưởng đồn công an đã tát vào mặt cậu học sinh trung học lúc đó rất mạnh vào ngày thứ ba khiến cậu gần như mất thính giác vĩnh viễn.

Ông Lý sau đó theo học một trường cao đẳng ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, nhưng bị buộc phải nghỉ học vào ngày 25 tháng 4 năm 2002 và rời nhà để tránh bị bức hại. Công an đã theo dõi ông khi ông trở về nhà vào ngày 10 tháng 6 năm 2002 và ông đã bị bắt giữ. Ông bị tra tấn tại Trại giam Huyện Vĩnh Tĩnh và bị kết án một năm lao động cưỡng bức.

Ông Lý trở về Tây An sau khi được thả, nhưng lại bị bắt lại vào ngày 16 tháng 1 năm 2006. Bất chấp thời tiết lạnh giá, cảnh sát đã lột quần áo của ông Lý, dội nước lạnh lên người và đánh ông bằng dùi cui gỗ.

Trong 45 ngày bị giam giữ tại Trại giam Quận Nhạp Tháp, ông Lý bị buộc lao động khổ sai không lương và cấm ngủ. Ông bị kết án thêm một năm nữa trong trại lao động. Lính canh trại lao động cũng không cho ông ngủ, biệt giam ông và bắt ông ngồi bất động trên một chiếc ghế nhỏ trong thời gian dài, lưng thẳng và mắt nhìn về phía trước.

94dfb0e3bc10f4517c72255d2c96a961.jpg

Tái hiện cảnh tra tấn: Ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ

Sau đó, ông Lý nhận được công việc là kỹ sư dự án bất động sản tại Thịnh Long Plaza ở Tây An, nhưng bị công an ở quê hương Lâm Hạ bắt giữ vào ngày 28 tháng 6 năm 2011. Sau sáu tháng bị giam giữ, ông bị kết án bốn năm tù và bị đưa đến nhà tù vào ngày 9 tháng 1 năm 2012.

Ông Lý không phải là người duy nhất trong gia đình bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công. Cha của ông, ông Lý Kiến Khôi, 73 tuổi, là một công nhân ngành địa chất hạt nhân đã nghỉ hưu, đã nhiều lần bị bắt giam. Ông bị đột quỵ do tra tấn trong khi lúc giam cầm và phải chịu những tác dụng phụ nghiêm trọng. Ông tiếp tục bị bắt vào ngày 25 tháng 11 năm 2020 và sau đó đã bị kết án tù.

Sau 13 năm bị giam giữ và tra tấn, một phụ nữ Sơn Đông bị kết án thêm ba năm tù vì đức tin

Vào tháng 3 năm 2024, một cư dân thành phố Bình Độ, tỉnh Sơn Đông đã bị kết án 3 năm tù và bị phạt 10.000 nhân dân tệ. Đây là lần thứ tư mà học viên này bị kết án tù vì đức tin vào Pháp Luân Công.

Ngày 30 tháng 8 năm 2023, bà Lý Lệ, 52 tuổi, đã bị bắt giữ tại nhà. Ngày 2 tháng 2 năm 2024, bà bị Tòa án quận Hoàng Đảo xét xử tại Trại tạm giam Phổ Đông thuộc thành phố Thanh Đảo, và bị kết án một tháng sau đó. Chính quyền thành phố Thanh Đảo giám sát thành phố Bình Độ.

be5c8253cdb5e706d93b1eb3b6eeac87.jpg

Bức ảnh không rõ thời gian của bà Lý Lệ và chồng, ông Vương Hoàn Trung

Trước bản án mới nhất, bà Lý từng phải ngồi tù hơn một thập kỷ vì đức tin của mình, bao gồm hai năm trong trại lao động, hai án tù bốn năm và một án tù 3,5 năm khác. Bà phải chịu đựng sự tra tấn không ngừng nghỉ trong khi bị giam giữ vì không từ bỏ đức tin của mình.

Bị tạm giam vì luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công tại công viên

Ngày 23 tháng 7 năm 1999, ba ngày sau khi cuộc bức hại bắt đầu, bà Lý luyện các bài công pháp Pháp Luân Công trong một công viên để phản kháng. Bà bị bắt giữ và nhà của bà bị lục soát. Bà bị tạm giam 29 ngày và bị đuổi việc. Bà bị cấm ngủ và bị tra tấn bằng cách đứng tư thế ngựa nhiều giờ trong khi tạm giam.

Bị giam tại bệnh viện tâm thần vì thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công

Tháng 10 năm 1999, bà Lý đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Bà bị bắt đến Văn phòng Liên lạc Thanh Đảo ở Bắc Kinh. Giám đốc họ Thôi đánh và tát vào mặt bà trong hơn hai giờ. Bà bị còng tay vào ống sưởi trong hai ngày, sau đó bị đưa trở lại Bình Độ, nơi bà bị giam thêm ba ngày trước khi được thả.

Tháng 11 năm 1999, bà Lý trở lại Bắc Kinh để thỉnh nguyện và lại bị bắt. Bà bị ngất hai lần do bị tra tấn. Cảnh sát còng tay và để bà nằm trên sàn cả đêm. Sau khi đưa bà trở lại Bình Độ, chính quyền giam bà tại Bệnh viện Tâm thần Đồng Hòa trong bốn tháng.

Bà Lý thuật lại rằng trong khi bị giam trong bệnh viện tâm thần, bà bị ép tiêm và uống thuốc không rõ chủng loại mỗi ngày. Khi bà chống cự, các bác sỹ ra lệnh cho những bệnh nhân nam to lớn giữ bà xuống đất và ép bà uống thuốc. Sau đó, họ trói bà trong tư thế đại bàng sải cánh hoặc trói bà vào ghế, kéo tóc bà về phía sau và bức thực bà bằng nước. Họ không dừng lại cho đến khi bà gần như ngạt thở.

Bà Lý tuyệt thực để phản đối việc bức hại, nhưng lại bị bức thực. Các bác sỹ dùng một ống thông mũi dày và cứng, nhét nó vào dạ dày của bà, di chuyển qua lại để làm bà thêm đau đớn.

Hậu quả của việc dùng thuốc là bà tăng cân nhanh chóng, buồn ngủ và chảy nước dãi không kiểm soát. Bà cũng mất kiểm soát tứ chi, và trở nên mất phương hướng. Bà không thể sử dụng nhà vệ sinh hoặc tự ăn.

Vì bà vẫn không từ bỏ Pháp Luân Công, một bác sỹ đã cắm những chiếc kim điện châm cứu vào huyệt đạo của bà, và nối với dòng điện mạnh, khiến đầu bà lắc lư và răng đập vào nhau. Sau 123 ngày bị tra tấn tại bệnh viện tâm thần, bà Lý được thả và bị tống tiền 5.000 Nhân dân tệ.

Bản án hai năm lao động cưỡng bức

Năm 2001, bà Lý lại bị bắt vì viết thông điệp “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, và bị giam trên ghế kim loại trong hai ngày tại Đồn Công an đường Thái Sơn. Sau đó, cảnh sát đưa bà đến bệnh viện để khám sức khỏe. Hai bác sỹ khám phụ khoa cho bà trước mặt các nam cảnh sát.

Trong trại tạm giam, bà Lý tuyệt thực để phản đối việc bức hại. Các lính canh còng tay và cùm bà lại. Còng tay chặt đến nỗi tay bà bị sưng tấy nghiêm trọng và bà không thể gập các ngón tay. Vì không thể đứng thẳng và đi lại bình thường do bị cùm, bà phải bò vào nhà vệ sinh. Bà bị còng liên tục trong ba tuần. Các tù nhân cũng đánh đập và lăng mạ bà trong thời gian đó.

Sau đó, bà Lý bị kết án hai năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Vương Thôn, nơi bà bị bức thực, tiêm thuốc không rõ chủng loại, treo cổ tay, cấm ngủ, bị bắt ngồi hoặc đứng bất động trong nhiều giờ và bị đánh đập dã man.

Bị kết án bốn năm tù lần thứ nhất vì treo áp phích Pháp Luân Công

Tối ngày 21 tháng 1 năm 2004, đêm trước Tết Cổ truyền, bà Lý bị bắt khi đăng thông tin về Pháp Luân Công. Sau đó, bà Lý bị kết án bốn năm tù tại Nhà tù Nữ tỉnh Sơn Đông. Khi bà không từ bỏ Pháp Luân Công, các lính canh cấm bà sử dụng nhà vệ sinh và biệt giam bà. Đôi khi họ không cho bà ăn, hoặc cho bà ăn thức ăn có tẩm thuốc độc, khiến phản ứng của bà chậm lại, và bà bị ngất xỉu nhiều lần. Bà cũng phát triển nỗi sợ hãi khôn tả, kéo dài rất lâu sau khi được thả.

Bản án tù bốn năm lần thứ hai

Bà Lý lại bị bắt sáu tháng sau đó, vào ngày 24 tháng 7 năm 2012, vì phát tán thông tin mời công chúng đến tham dự phiên tòa xét xử của một học viên khác. Giám đốc trại giam Trang Lệ Quyên ra lệnh cho một tù nhân nhét tất vào miệng bà Lý. Họ còn đánh đập, còng tay và cùm chân bà. Họ không tháo còng tay cả khi bà sử dụng nhà vệ sinh.

Không lâu sau đó, bà Lý bị kết án 4 năm tù lần thứ hai tại Nhà tù Nữ tỉnh Sơn Đông, nơi bà lại bị tra tấn dã man. Cai ngục cấm bà mua những nhu yếu phẩm hàng ngày, đặc biệt là giấy vệ sinh, bởi vì bà không chịu từ bỏ Pháp Luân Công. Trong 131 ngày liên tục, cai ngục đánh đập bà hàng ngày trong phòng tắm mà không có camera giám sát. Họ giẫm đạp lên bà, dùng giày đánh vào đầu và miệng bà, kéo hai tay bà ra sau lưng rồi giơ lên. Cơn đau thật khủng khiếp.

Khi miệng bà Lý sưng lên vì bị đánh đập, một tù nhân bịt miệng bà bằng chiếc khăn mà bà dùng để lau chân. Họ thậm chí còn bịt mũi bà, khiến bà gần như ngạt thở.

Một số tù nhân đè bà xuống đất, bắt bà duỗi thẳng chân và giẫm lên chân bà. Sau đó, họ cạy mắt trái của bà, lấy tóc chọc vào và cố khoét mắt bà. Mắt trái của bà bị chảy nhiều dịch và không thể mở ra trong một thời gian dài sau đó.

Bản án tù thứ ba 3,5 năm

Ngày 31 tháng 1 năm 2017, chỉ sáu tháng sau khi được thả, bà Lý lại bị bắt giữ một lần nữa. Vì vẫn đang trong kỳ nghỉ Tết Cổ truyền nên cảnh sát thả bà vào buổi tối. Ngày 11 tháng 4 năm 2017, bà lại bị bắt giam và bị kết án 3,5 năm tù vào ngày 11 tháng 10 năm 2017.

Trong thời gian bị giam giữ, bà Lý một lần nữa phải chịu sự tra tấn tàn bạo, bao gồm nhét bàn chải đánh giày và giẻ rách vào miệng hàng ngày, khiến toàn bộ miệng bà bị mưng mủ và chảy máu; dùng chổi vệ sinh đâm vào vùng kín; phơi lạnh; và ép xoạc chân.

Báo cáo liên quan:

Báo cáo tháng 3 năm 2024: 73 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin

Báo cáo tháng 2 năm 2024: 56 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin

Báo cáo tháng 1 năm 2024: 122 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/5/11/476640.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/5/21/218200.html

Đăng ngày 02-06-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share