Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 19-05-2024] Hiến pháp Trung Quốc quy định rằng công dân có quyền được giáo dục. Tuy nhiên, sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công xảy ra vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, công an Trung Quốc đã đe dọa ngăn cản người nhà và họ hàng của ít nhất 156 học viên Pháp Luân Công đi học, làm việc hoặc đóng cửa công việc kinh doanh của họ, nếu các học viên từ chối từ bỏ tín ngưỡng của mình.

Trong số 156 trường hợp, có 10 trường hợp xảy ra vào năm 2019, 66 trường hợp vào năm 2020, 49 trường hợp vào năm 2021, 29 trường hợp vào năm 2022, và 2 trường hợp vào năm 2023. Những sự cố này diễn ra tại 26 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Hồ Bắc được biết là nơi có nhiều trường hợp nhất với số lượng 24, tiếp theo là Hà Bắc (20), Sơn Đông (17), Hắc Long Giang (13), Liêu Ninh (12), và Tứ Xuyên (11). Còn lại là 21 khu có số trường hợp từ 1 đến 9.

Do việc kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt ở Trung Quốc, thông tin từ Vân Nam, Tây Tạng, Hải Nam, Chiết Giang, và Thượng Hải không thể thu thập được ở thời điểm báo cáo.

Dưới đây là những trường hợp được chọn lọc. Danh sách đầy đủ của các học viên bị đe dọa có thể được tải xuống tại đây (PDF).

Cố ý gây xung đột trong gia đình

Bà Tô Đức Cần ở khu phát triển thành phố Lang Phường, tỉnh Hà Bắc bị bắt tại nhà bởi người từ Đồn công an Hoàn Khu vào ngày 17 tháng 9 năm 2020. Bà được yêu cầu ký vào các tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.

Các sĩ quan dự định đưa bà đến đồn công an và đe dọa rằng nếu bà không đi, họ sẽ còng tay và đưa bà đi trước mặt hai cháu nội của bà. Họ nói rằng họ cũng sẽ cấm các cháu đi học, để các cháu sẽ ghét bà.

Chồng bà Tô sợ hãi và cầu xin công an không còng tay hay đưa bà đi. Bà Tô lo lắng rằng hai cháu nội của bà sẽ bị tổn thương, nên bà đã đi đến đồn công an.

Cháu trai bị đuổi học

Ngày 9 tháng 11 năm 2021, Tạ Văn Toàn, trưởng Đồn công an Cửu Long Cương, và các sĩ quan từ Đồn công an Đại Đồng ở thành phố Hoài Nam, tỉnh An Huy, đã đến nhà bà Lý Văn Lan (bị tàn tật) ở thôn Thảo Điền Tử. Họ lục soát nhà bà và tịch thu các sách Pháp Luân Công.

Bà Lý và gia đình bị quấy rối liên tục. Cháu trai bà bị trường trung học đuổi học vì bà tu luyện Pháp Luân Công. Dưới áp lực lớn, con trai bà Lý đã đập phá chiếc xe ba bánh của bà. Không khí trong gia đình bà trở nên căng thẳng từ đó.

Năm 2021, các trường đại học mà một trong những cháu bà Lý nộp đơn từ chối nhận vì bà Lý không từ bỏ việc tu luyện Pháp Luân Công. Con gái bà ghét bà vì điều này, gây áp lực lớn cho bà.

Bé gái 9 tuổi bị thẩm vấn và đe dọa tại Đồn công an

Ngày 26 tháng 7 năm 2022, bà Phạm Cẩm Thanh, cư dân thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, hơn 70 tuổi, bị bắt tại một trạm xe buýt vì nói với người khác về cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Công an lục soát nhà và quay trở lại lúc 11 giờ đêm. Họ đánh thức bé gái vốn đã đi ngủ và nói rằng họ sẽ đưa bé đến đồn công an để gặp bà của bé. Bé gái đi với họ. Nhưng thay vì cho bé gặp bà Phạm, công an đã chụp ảnh và ghi hình bé. Họ tra hỏi bé, hỏi là bé có tập Pháp Luân Công không và đe dọa đuổi học bé nếu bé cũng là một học viên. Công an tra hỏi bé đến tận 12 giờ đêm và sau đó bảo người thân đưa bé về nhà.

Quan chức đe doạ đóng cửa siêu thị

Ngày 25 tháng 11 năm 2020, bà Trần Quân Thanh ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc bị quấy rối tại nhà. Bí thư thôn gọi bà Trần và con trai bà đến văn phòng để yêu cầu con trai bà ký vào các tuyên bố bảo đảm thay cho bà. Họ đe dọa con trai bà sẽ không thể vào đại học hoặc nhập ngũ trong tương lai. Bà trả lời rằng nếu con bà không thể đi lính, cậu sẽ kinh doanh vì gia đình bà sở hữu một siêu thị. Các quan chức sau đó đe dọa đóng cửa siêu thị của bà.

“Nhiều thế hệ sẽ không được học đại học”

Viên chức thôn, Đường Tải Đông, đã đến nhà bà Tống Kỷ Hồng ở thành phố Nhũ Sơn, tỉnh Sơn Đông vào tháng 11 năm 2020. Với điện thoại quay video, Đường yêu cầu bà Tống ký vào một tuyên bố từ bỏ tín ngưỡng của mình.

“Bà nên ký. Nếu không, sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều thế hệ trong gia đình. Họ sẽ không được học đại học hay nhập ngũ,” ông ta nói.

Bà Tống từ chối.

Đường đã đến nhà bà Tống vào ngày 4 tháng 6 năm 2021. Thấy con gái út bà ở nhà, ông ta nói, “Chị và con của chị sẽ bị ảnh hưởng nếu mẹ chị không ký biên bản. Con chị sẽ không được đi học hay nhập ngũ. Công việc của chị cũng sẽ bị ảnh hưởng. Chị nên ký thay mẹ chị.”

Bà Tống nói với con gái, “Đừng ký. Điều đó sẽ không mang lại lợi ích gì cho con.”

Bị ép cắt đứt quan hệ với con cái

Bà Lưu Quần Hoa, 76 tuổi, ở thị trấn Thành Quan, tỉnh Hồ Bắc, bị bắt bởi các sĩ quan từ Đồn công an Trư Hà vào cuối năm 2022 vì nói với người khác về Pháp Luân Công. Bà được con rể bảo lãnh và được thả ra.

Con rể bà Lưu liên tục nhận các cuộc gọi quấy rối từ công an và bị đe dọa mất việc nếu mẹ vợ không ký vào tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Con trai và con gái bà Lưu cũng bị quấy rối và bị đe dọa mất việc vì mẹ họ. Bà Lưu bị áp lực viết một tuyên bố cắt đứt quan hệ với con cái của bà.

Cán bộ uỷ ban khu dân cư đe dọa gửi một phụ nữđến trại tập trung

Bà Lưu Trường Tú, một cư dân Trùng Khánh hơn 80 tuổi, đang ở nhà vào ngày 17 tháng 12 năm 2020 thì một người đàn ông xông vào nơi ở của bà. Bà hỏi ông ta tên và nơi làm việc.

Người đàn ông từ chối trả lời và nói: “Bà đã bị camera trên đường ghi lại việc phát tài liệu trong đại dịch. Chúng tôi không bắt bà vì bà đã già. Miễn là bà ký vào tài liệu này, sẽ không có chuyện gì xảy ra. Nếu bà không ký, chúng tôi sẽ gửi bà đến Tây Bắc Trung Quốc hoặc trại tập trung ở Tân Cương. Ở đó rất lạnh. Chúng tôi cũng sẽ cắt lương và các quyền lợi y tế của bà. Công việc của con cái bà và việc học của cháu bà sẽ bị ảnh hưởng. Miễn là bà ký, chúng tôi sẽ không đến nữa.”

Bà Lưu một lần nữa hỏi người đàn ông tên và nơi làm việc của ông ta. Cuối cùng ông ta nói với bà rằng ông ta họ Ngô và làm việc cho ủy ban khu dân cư (sau này bà biết rằng ông ta là Ngô Quân Bình, trưởng ban ủy ban khu phố). Bà nói với ông ta rằng bà sẽ không ký bất cứ gì và ông ta rời đi.

“Việc học của con cái người thân bà sẽ bị ảnh hưởng”

Các đặc vụ của Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Trường Trị và phòng công an tỉnh Sơn Tây đã đến nơi làm việc của bà Lưu Hoàn Lan vào tháng 11 năm 2020 và cố gắng ép buộc bà từ bỏ tín ngưỡng của mình, nhưng bà từ chối. Các sĩ quan đe dọa cấm con cái người thân của bà đi học, nhập ngũ và làm việc.

Họ lại đến nơi làm việc của bà vào ngày 3 tháng 12 năm 2020 và cố gắng lừa bà đi cùng họ nhưng bà đã nhận ra ý đồ của họ. Chiều hôm đó, họ đến trường của con bà và theo dõi con bà về nhà để quấy rối.

Viên chức ủy ban thôn đe dọa cấm con cái người thuê nhà đi học

Bà Nhi Tuyết Văn ở thành phố Hành Thủy, tỉnh Hà Bắc, đã bị quấy rối nhiều lần. Các viên chức thôn nói với những người thuê nhà của bà Nhi rằng họ phải ngừng thuê nhà của bà và nói rằng nếu họ tiếp tục sống ở đó, con cái của họ sẽ không được phép đi học nữa.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/5/19/476283.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/6/24/218744.html

Đăng ngày 13-07-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share