Bài viết của phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 06-03-2024] Báo cáo tháng 2 năm 2024 ghi nhận 10 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết vì kiên định đức tin của mình.
Các trường hợp tử vong mới được xác nhận bao gồm 1 trường hợp xảy ra vào năm 2014, 1 trường hợp vào năm 2017, 3 trường hợp vào năm 2023 và 5 trường hợp vào năm 2024. Do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt của chính quyền cộng sản, việc bức hại luôn không thể được báo cáo kịp thời và số nạn nhân thiệt mạng có thể còn cao hơn nhiều.
Các học viên đã qua đời có độ tuổi từ 53 đến 86, đến từ 6 tỉnh thành. Cát Lâm báo cáo nhiều nhất là 4 trường hợp, tiếp đến là Cam Túc báo cáo 2 trường hợp, Hà Bắc, Hắc Long Giang, Giang Tô và Liêu Ninh mỗi tỉnh báo cáo 1 trường hợp.
4 học viên qua đời khi bị giam giữ, bao gồm một ông cụ 86 tuổi đang thụ án 11,5 năm tù, một bà cụ 74 tuổi đang thụ án 4 năm tù, một người phụ nữ khác (không rõ tuổi tác) đang thụ án 9 năm tù và một người đàn ông 62 tuổi đã qua đời ở trong Trại tạm giam sau 7 tháng bị bắt giam. Hầu hết các học viên qua đời sau khi phải vật lộn với sức khỏe kém trong nhiều tuần hoặc nhiều năm vì chịu sự tra tấn trong thời gian thụ án.
Dưới đây là những trường hợp tử vong được báo cáo vào tháng 2 năm 2024. Danh sách đầy đủ có thể tải xuống tại đây (PDF) (tiếng Anh và Trung).
Những trường hợp tử vong trong khi bị giam giữ
Giữa tháng 2 năm 2023, ông Hạ Chính Luân, một nhân viên bảo hiểm ở thành phố Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, đã bị bắt giữ. Trong khi bị giam ở trong trại tạm giam huyện Quán Vân, ông Hạ bị phù nề toàn thân và được đưa đến Bệnh viện Nhân dân Số 1 Liên Vân Cảng. Mọi phương pháp điều trị đều không có tác dụng và ông đã qua đời vào tháng 9 năm 2023.
Kể từ khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào đầu năm 2012 ông Hạ vẫn luôn khỏe mạnh và không rõ ông đã bị ngược đãi như thế nào ở trong trại tạm giam khiến sức khỏe của ông đột ngột giảm sút và chết bất đắc kỳ tử như vậy.
Trước khi trở thành một học viên Pháp Luân Công, ông Hạ đã từng hiểu lầm rất lớn về môn tu luyện do bị đầu độc bởi những tuyên truyền thù hận rợp trời dạy đất của chính quyền cộng sản. Sau khi đọc Chuyển Pháp Luân (cuốn sách chính của Pháp Luân Công) vào năm 2012, ông đã tìm thấy câu trả lời cho nhiều câu hỏi về nhân sinh mà ông hằng trăn trở. Ông cho biết sau khi thử luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công lần đầu tiên, ông đã cảm thấy toàn thân nhẹ nhàng và cảm giác điều đó “tuyệt vời đến mức không thể diễn tả bằng lời”.
Trong các đợt bức hại trước đây, Đồn Công an Đông Tân đã bắt ông Hạ và nhốt ông qua đêm với hai tay bị còng ra sau lưng vào đêm ngày 26 tháng 6 năm 2014. Họ đưa ông đến trại tạm giam thành phố Liên Vân Cảng vào sáng hôm sau và giam ông ở đó 15 ngày. Họ cũng đột nhập vào nhà ông và tịch thu một lượng lớn sách Pháp Luân Công và các tài liệu thông tin, cùng máy tính, máy nghe nhạc và ổ đĩa flash của ông.
Ngày 2 tháng 2 năm 2015, cũng chính cảnh sát của Đồn công an Đông Tân đã bắt giữ ông Hạ một lần nữa và lại giam giữ ông ở trong trại tạm giam thành phố Liên Vân Cảng 15 ngày.
Người phụ nữ 74 tuổi qua đời trong khi thụ án tù 4 năm
Ngày 10 tháng 6 năm 2021, bà Lý Ngọc Trân, một cư dân thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị bắt trong một vụ bắt giữ tập thể và sau đó bị kết án 4 năm tù cùng khoản tiền phạt 10.000 nhân dân tệ. Sau khi kháng cáo thất bại, bà bị chuyển đến Nhà tù Nữ tỉnh Hắc Long Giang vào ngày 7 tháng 1 năm 2022.
Trong khu 8 của nhà tù, hai chiếc giường tầng được đẩy sát vào nhau dọc theo chiều dài của bức tường và hầu hết những học viên được nhận vào đó phải nằm ngủ giữa hai người khác, mỗi người ngủ trên một chiếc giường. Những ai không có giường ngủ phải nằm ngủ ở ngoài hành lang. Bà Lý có một số bệnh về chân nhưng lại bị phân nằm ngủ ở một trong số các chiếc giường ở tầng trên. Tuy nhiên, tù nhân lại nói rằng họ đối xử với bà rất tốt.
Tù nhân Nguyên Cánh Phương (đang thụ án tù chung thân) đã được lính canh chỉ định làm tổ trưởng vì sự tham gia tích cực của cô ta trong việc bức hại các học viên Pháp Luân Công.
Đầu tháng 1 năm 2024, bà Lý được đưa đến bệnh viện và đã qua đời một tuần sau đó. Không rõ liệu bà bị mắc bệnh nan y hay qua đời do bị tra tấn ở trong tù. Lúc đó bà 74 tuổi.
Một ông cụ 86 tuổi qua đời trong khi thụ án 11,5 năm tù vì đức tin vào Pháp Luân Công
Năm 2016, ông Lưu Điện Nguyên ở thành phố Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh đã bị kết án 11,5 năm tù ở tuổi 78 vì tu luyện Pháp Luân Công. Bất chấp tình trạng thể chất đang cực kỳ kém của ông, nhà tù vẫn tiếp nhận ông. Tình trạng sức khỏe của ông tiếp tục xấu đi theo năm tháng. Cuối cùng, ông đã qua đời vào ngày 10 tháng 2 năm 2024, chính vào Tết Nguyên đán, ở tuổi 86 tuổi.
Ông Lưu Điện Nguyên
Ngày 9 tháng 11 năm 2015, ông Lưu bị bắt tại nhà của chị gái ông, sau khi mất 5 năm sống lang thang để trốn cảnh sát. Để buộc tội ông, cảnh sát đã nguỵ tạo bằng chứng để vu khống rằng ngôi nhà nơi ông Lưu bị bắt chứa đầy các sách Pháp Luân Công và tài liệu giảng chân tướng.
Năm tháng sau, vào ngày 7 tháng 4 năm 2016, ông Lưu bị đưa ra xét xử tại Tòa án Huyện Kiến Bình. Một người đàn ông từng một thời khỏe mạnh và minh mẫn nay đã gầy trơ xương và phải vật lộn với trí nhớ kém. Thẩm phán chủ tọa Lý Nham đã kết án ông rất nặng, với án tù 11,5 năm. Theo đó, ông Lưu sẽ gần 90 tuổi tại thời điểm kết thúc án tù.
Mặc dù ông Lưu không đảm bảo điều kiện để nhập ngục vì sức khỏe kém, Nhà tù Số 1 Thành phố Thẩm Dương vẫn tiếp nhận ông khi nhân viên tòa án đưa ông đến đó vào ngày 14 tháng 6 năm 2016.
Không rõ liệu gia đình ông Lưu có được phép thăm thân sau khi ông bị cầm tù hay không. Tháng 9 năm 2022, lính canh đã gọi điện cho gia đình ông để yêu cầu họ mua tã lót gửi vào cho ông. Sau này, gia đình ông phát hiện ra rằng ông Lưu (khi ấy 84 tuổi) đã mất khả năng sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, nhà tù từ chối để ông được tạm tha y tế.
Ngày 11 tháng 2 năm 2024, tức là ngày mùng 2 của Tết Nguyên đán năm 2024, gia đình ông Lưu đã nhận được một một cuộc điện thoại từ phía nhà tù và được báo tin rằng ông đã qua đời vào ngày hôm trước.
Tử vong sau khi ra tù
Tin muộn: Hai vợ chồng qua đời sau 3 năm xa cách
Năm 2017, ông Lưu Ngọc Hải, một cựu nhân viên của nhà máy ô tô ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, đã qua đời sau hơn 1 năm được trả tự do sau khi kết thúc án tù 4 năm ở trong Nhà tù tỉnh Cát Lâm. Trước đó, vợ ông là bà Trịnh Thuý Phân cũng là một học viên đã qua đời vào năm 2014, trong khi ông vẫn đang thụ án.
Vào lúc 10 giờ đêm ngày 29 tháng 5 năm 2012, có người đã gõ cửa nhà ông Lưu và hỏi chiếc xe ô tô đang đỗ ở bên ngoài có phải là của vợ chồng ông không. Ông Lưu đáp rằng đó là xe của con gái ông. Ngay khi ông vừa mở cửa, ba cảnh sát đã xông vào trong nhà, đi vào phòng con gái ông và tìm chồng của cô ấy. Con gái ông Lưu, cô Lưu Lý, đã nói với cảnh sát rằng chồng của cô đang làm việc ở địa phương khác. Cảnh sát hỏi số điện thoại của anh nhưng cô từ chối tiết lộ.
Cảnh sát lục soát toàn bộ ngôi nhà và lấy đi túi xách của cô Lý. Khi cô cố gắng lấy lại, họ đã còng tay cô và đưa cô xuống lầu. Cảnh sát cũng lục soát xe hơi của cô và quay trở lại nhà ông Lưu để tịch thu máy tính cùng nhiều tài sản khác của ông. Ông Lưu cũng bị bắt và đưa đến đồn công an cùng với con gái.
Cô Lưu đã được thả vào đêm hôm đó, còn ông Lưu đã bị chuyển đến trại tạm giam thành phố Cát Lâm vào ngày hôm sau. Cha mẹ già của ông, những người đã ngoài 80 tuổi đang phải cậy nhờ vào sự chăm sóc của ông, đã bị giáng một đòn nặng nề khi biết con trai của họ đã bị bắt giam. Hai tháng sau, vào ngày 2 tháng 8, mẹ ông đã qua đời nhưng cảnh sát vẫn từ chối để ông được tại ngoại về tham dự đám tang của bà cụ.
Sau này gia đình ông Lưu xác nhận được rằng cảnh sát đã chuyển vụ án của ông đến Viện Kiểm sát quận Cao Tân. Ngày 14 tháng 9, khi họ đến đó để yêu cầu thả ông, họ vô cùng kinh ngạc khi được nói rằng Toà án quận Cao Tân đã xét xử ông lưu từ hơn 10 ngày trước. Gia đình hỏi thẩm phán Vương (người chịu trách nhiệm cho vụ án của ông Lưu) rằng tại sao ông ta không thông báo cho họ biết về phiên toà nhưng ông ta không trả lời.
Ngày 27 tháng 11 năm 2012, gia đình ông đã gọi thẩm phán Vương một lần nữa để hỏi về vụ án của ông. Lần này, Vương nói rằng ông ta đã kết án ông Lưu 4 năm tù vào ngày 24 tháng 11. Gia đình nói rằng họ vừa mới liên lạc cho ông ta vào ngày 22 và 23 tháng 11, vậy vì sao ông ta không mảy may đề cấp gì về phán quyết ngày 24 tháng 11 sắp tới? Vương khẳng định rằng ông ta không có nghĩa vụ phải thông báo cho gia đình về phiên xét xử.
Ngày 28 tháng 3 năm 2013, khi gia đình ông Lưu đến Nhà tù Cát Lâm để thăm ông, họ đã phải đợi gần một tiếng đồng hồ trước khi ông Lưu được một lính canh hộ tống đến (người này cũng ở lại để giám sát cuộc trò chuyện của ông Lưu và người nhà). Ông Lưu trông rất hốc hác. Ông tiết lộ với gia đình rằng ông bị cưỡng chế viết cam kết từ bỏ Pháp Luân Công, nếu không sẽ bị cấm thăm thân. Khi gia đình ông nói rằng họ lấy làm tiếc khi ông đã viết một cam kết như thế, lính canh ngay lập tức ngắt máy, kết thúc cuộc thăm thân chỉ vừa mới diễn ra chưa đầy một phút. Gia đình nhận thấy ông Lưu đã khóc khi bị đưa đi. Họ nghi ngờ ông hẳn đã chịu đựng sự tra tấn khủng khiếp đến mức không thể diễn tả bằng lời và bị ép buộc viết bản cam kết trái với nguyện vọng của mình.
Giữa tháng 4 năm 2013, gia đình ông Lưu lại đến thăm ông một lần nữa. Lần này, các lính canh đứng đằng sau lưng cả ông và gia đình để giám sát cuộc trò chuyện. Vợ ông không được phép nói chuyện với ông, bởi các lính canh đã yêu cầu bà cung cấp một lá thư của cảnh sát địa phương để xác nhận rằng bà không tu luyện Pháp Luân Công. Ông Lưu chỉ nói với con gái ông rằng ông sẽ trải qua một ca phẫu thuật tuyến tuỵ và không dám nói gì khác nữa.
Ông Lưu sau đó đã tăng đường huyết và bị đột quỵ vì bị bức hại ở trong tù. Ông rơi vào tình trạng nguy kịch và được đưa đến bệnh viện để cấp cứu hồi sức. Khi con gái đến thăm ông tại bệnh viện, ông vẫn đang bị còng tay chân. Ông không được phép sử dụng nhà vệ sinh vào ban đêm và bị ép phải đại tiện ra quần.
Sự bức hại đối với ông Lưu đã giáng cho vợ ông một đòn nặng. Sức khoẻ của bà liên tục suy giảm. Bà đã qua đời vào tháng 2 năm 2014 khi mới 62 tuổi.
Ông Lưu vật lộn với sức khoẻ vô cùng yếu kém của mình sau khi được thả vào năm 2016 và đã qua đời vào một năm sau đó.
Sức khoẻ bị tàn phá sau 3 năm ngồi tù, người đàn ông Cam Túc qua đời 6 năm sau đó
Ngày 8 tháng 12 năm 2023, ông Lô Vân Phi ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc đã qua đời sau sáu năm sau kể từ khi mãn hạn án tù ba năm vì tu luyện Pháp Luân Công. Lúc đó ông 53 tuổi.
Ngày 9 tháng 3 năm 2014, ông Lô bị bắt sau khi bị một nhân viên bảo vệ của một toà nhà văn phòng trình báo vì phân phát tài liệu chân tướng Pháp Luân Công ở đó. Ngày hôm sau, cảnh sát đã lục soát căn nhà nơi ông đang cùng cha mẹ sinh sống.
Vì sự tra tấn trong trại tạm giam Số 3 thành phố Lan Châu, ông Lô rơi vào tình trạng nguy kịch vào ngày 18 tháng 4 năm 2014 do liên tục bị tích tụ dịch quá mức ở cổ và bệnh nang dạ dày. Sau khi được đưa đến bệnh viện chữa trị, ban đầu, bác sỹ không cho phép gia đình ông vào thăm, nhưng sau đó đã nhượng bộ khi họ nhất mực tuyên bố sẽ kiện ông. Gia đình ông vô cùng đau lòng khi thấy người đàn ông vốn khỏe mạnh đã trở nên suy nhược trầm trọng trong vòng chỉ hơn một tháng bị giam giữ. Môi ông khô khốc và ông đã mất khả năng nói chuyện. Ông bị mất kiểm soát tiểu tiện nhưng vẫn bị còng tay vào giường. Không muốn chịu trách nhiệm cho tình trạng của ông Lô, cảnh sát đã thả ông vào ngày 8 tháng 5.
Trước khi ông Lô hồi phục hoàn toàn, cảnh sát đã bắt giữ ông một lần nữa vào ngày 20 tháng 1 năm 2015 và giam ông ở trong trại tạm giam lần trước. Sau khi ông bị truy tố, người mẹ 78 tuổi của ông đã viết thư gửi cho thẩm phán Lưu Đông Úc của Toà án quận Thành Quan để yêu cầu ông ta tha bổng cho con trai bà, nhưng vô ích.
Ngày 20 tháng 10 năm 2015, tòa án đã xét xử ông Lô và kết án ông ba năm tù vào ngày 25 tháng 12 năm 2015. Mẹ ông đã thay ông kháng cáo bản án nhưng thẩm phán Phó Giác Phi của toà án cấp cao hơn đã thuyết phục bà từ bỏ vụ án với lý do rằng ông ta không có thẩm quyền lật lại bản án của ông Lô.
Ông Lô bị tra tấn tàn bạo ở trong Nhà tù Lan Châu. Sau khi được trả tự do vào ngày 20 tháng 11 năm 2017, ông tiếp tục phải vật lộn với sức khoẻ ngày một suy giảm. Ông qua đời vào ngày 8 tháng 12 năm 2023.
Ngoài án tù cuối cùng đó, ông Lô đã từng bị giam 15 ngày vào năm 2001 vì đi đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Năm 2003, ông lại bị bắt và giam ở trong trại tạm giam Số 2 thành phố Lan Châu. Ông bị cưỡng bức lao động nặng nhọc mà không được trả công. Vì ông không từ bỏ Pháp Luân Công, cảnh sát đã chuyển ông đến Trung tâm Tẩy não Cung Gia Loan, ở đó ông bị tù nhân theo dõi sát sao và không được phép nói chuyện với các học viên khác đang bị giam ở đó.
Nhiều tuần sau khi được thả ra tù trong tình trạng cận kề cái chết, người phụ nữ 69 tuổi ở Cam Túc đã qua đời
Bà Lý Phượng Lan, một cư dân thành phố Bạch Ngân, tỉnh Cam Túc, đã liên tiếp bị từ chối tạm tha y tế dù căn bệnh ung thư vú của bà đang di căn trong thời gian thụ án tù vì đức tin vào Pháp Luân Công. Cuối cùng, khi bà được trả tự do vào tháng 12 năm 2023, tình trạng của bà đã quá trễ để điều trị y tế. Vài tuần sau, bà đã qua đời ở độ tuổi 69 vào ngày 10 tháng 1 năm 2024.
Ngày 27 tháng 2 năm 2023, bà Lý bị đưa vào Nhà tù Nữ tỉnh Cam Túc để chấp hành bản án tù 1 năm 8 tháng, dù trước đó bà đã bị ung thư. Lính canh tù đã đưa bà đến bệnh viện để làm hoá trị nhưng bệnh ung thư của bà vẫn di căn.
Cả chồng bà Lý và nhà tù đều yêu cầu cho bà được tạm tha y tế nhưng cảnh sát phụ trách vụ án của bà từ chối, với lý do rằng bà đã được tạm tha y tế một lần vào năm 2019. Họ khăng khăng rằng sẽ không cho phép bà được tạm tha y tế thêm một lần nào nữa.
Tháng 12 năm 2023, 10 tháng sau khi bà Lý vào tù, gia đình bà đã thuê luật sư để phản đối việc từ chối tạm tha y tế cho bà. Luật sư đã cố gắng để chi hội địa phương của Ủy ban Quốc gia Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (HNHTCTNDTQ) gây áp lực để cảnh sát phê chuẩn yêu cầu tạm tha y tế. Đại diện HNHTCTNDTQ đã đón bà Lý từ nhà tù nhưng phải đưa thẳng bà đến bệnh viện vì bà đã ở bên bờ vực của cái chết và không thể ăn uống được nữa. Bệnh viện cho biết đã quá muộn để điều trị và chỉ có thể truyền dịch để duy trì sự sống cho bà. Chồng bà sau đó quyết định đưa bà về nhà. Vài ngày sau, bà qua đời vào sáng ngày 10 tháng 1 năm 2024.
Bản án của bà Lý bắt nguồn từ một vụ bắt giữ trước đó vào ngày 7 tháng 8 năm 2016. Cảnh sát cho bà tại ngoại vào ngày hôm sau khi bị phát hiện bà mắc bị huyết áp cao và trại giam địa phương từ chối tiếp nhận. Trong vài năm tiếp theo, cảnh sát địa phương và tòa án đã nhiều lần cố tống giam bà nhưng bất thành vì huyết áp của bà vẫn ở mức cao. Bà bị đưa ra xét xử vào tháng 4 năm 2018 (không có thông tin về án tù của bà) và lại được tại ngoại sau phiên tòa. Tuy nhiên, bà bị bắt giam trở lại vào ngày 19 tháng 2 năm 2019, sau khi bị lừa đến tòa án địa phương. Bà bị đưa vào Nhà tù Nữ Cửu Châu vào ngày 15 tháng 4 năm 2019.
Ở trong tù, bà Lý bị ung thư vú và được tạm tha y tế. Ngày 14 tháng 3 năm 2022, bà lại bị bắt và sớm được tại ngoại vì tình trạng sức khỏe không tốt. Ngày 6 tháng 9 năm 2022, bà lại bị bắt sau khi bị lừa đi tới tòa án. Sau đó, vào ngày 17 tháng 2 năm 2023, bà bị đưa vào Nhà tù Nữ tỉnh Cam Túc để thụ án 1 năm 8 tháng.
Không có bất kỳ báo cáo nào liên quan tới phiên tòa hay án tù (nếu có) sau vụ bắt giữ bà Lý vào năm 2022. Do sự kiểm duyệt thông tin của chính quyền cộng sản, các phóng viên Minh Huệ phải đối mặt với những thách thức to lớn trong việc thu thập thông tin chính xác và kịp thời. Dựa trên những thông tin có được cho đến nay, rất có thể bà Lý chỉ bị kết án một lần vào năm 2019 và bà bị cưỡng chế chấp hành thời hạn tù còn lại (tổng cộng là 1 năm 8 tháng) khi bà lại bị bắt vào năm 2022.
Một cư Hà Bắc qua đời sau 4 năm thụ án tù vì tu luyện Pháp Luân CôngÔng Vu Hải Long, một cư dân ở thành phố Thừa Đức, tỉnh Hà Bắc, đã phải vật lộn với tình trạng sức khỏe suy giảm sau khi ra tù vào năm 2020. Ông qua đời vào ngày 26 tháng 1 năm 2024, hưởng thọ 53 tuổi.
Ngày 8 tháng 7 năm 2016, ông Vu bị bắt cùng với ba học viên khác khi họ đang trên đường đến một thị trấn nhỏ lân cận để phân phát tài liệu giảng chân tướng Pháp Luân Công. Ông đã phải hầu toà hai lần, vào ngày 20 tháng 12 năm 2016 và ngày 5 tháng 1 năm 2017, sau đó là bị kết án bốn năm tù với mức phạt 10.000 nhân dân tệ vào ngày 15 tháng 2 năm 2017. Kháng cáo của ông đã bị toà án cấp cao hơn bác bỏ.
Ông Vu Hải Long bị lở loét khắp cơ thể sau bốn năm bị tra tấn trong Nhà tù Ký Đông. Ông liên tục sụt cân sau khi được thả vào năm 2020. Ông không thể hồi phục và qua đời vào ngày 26 tháng 1 năm 2024.
Nhà tù Ký Đông, có chín chi nhánh, nằm dưới sự quản lý của Cục Quản lý Nhà tù tỉnh Hà Bắc. Hầu hết các nam học viên Pháp Luân Công bị kết án ở tỉnh Hà Bắc đều bị giam giữ ở đây. Các cai ngục sử dụng đủ loại phương pháp tàn ác để ép buộc các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của họ. Có ít nhất 36 học viên đã chết sau khi bị tra tấn ở đây.
Bài liên quan:
Báo cáo tháng 1 năm 2024: 13 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/3/6/473951.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/3/13/216193.html
Đăng ngày 24-03-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.