Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 05-07-2021] Vợ ông Quách Kỳ đang mang thai chín tháng khi ông Quách bị bắt vào năm 2001 vì tu luyện Pháp Luân Công. Sau nhiều tháng giam cầm, người dân ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh này đã bị tra tấn đến nguy kịch. Dù đã được thả, nhưng cảnh sát vẫn tiếp tục quấy rối, buộc hai vợ chồng ông phải sống xa nhà, để lại đứa con gái mới sinh sống với cha mẹ già của họ.

Trong hai thập kỷ tiếp theo, ông Quách và vợ, bà Tôn Thải Diễm tiếp tục phải đối mặt với các vụ quấy rối và bắt giữ. Khi bà Tôn bị bắt lại vào năm 2014 và kết án tù, cha chồng bà đã bị sốc nặng và qua đời vào năm 2016. Những ngày tháng bức hại cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của ông Quách, ông qua đời vào ngày 15 tháng 6 năm 2021 ở tuổi 51. Ông ra đi để lại vợ, con trai và con gái cùng mẹ ruột và mẹ vợ của mình.

cd26a4cc0fa4598f7930af307bf1402f.jpg

Ông Quách Kỳ

Ông Quách đã tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần và thiền định cổ xưa vào cuối năm 1995. Một thời gian ngắn sau, ông đã bỏ được hút thuốc lá và uống rượu.

Vì sự phổ biến của Pháp Luân Công ở Trung Quốc vào những năm 1990 và được nhiều người theo học, chính quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà kẻ đứng đầu là Giang Trạch Dân đã ghen ghét và lo sợ nên đã ra lệnh cấm và tiến hành đàn áp toàn diện vào tháng 7 năm 1999, tuyên bố sẽ xóa bỏ môn tu luyện này khỏi Trung Quốc trong ba tháng. Vào tháng 8 năm 1999, ông Quách , vợ chưa cưới của ông, bà Tôn, và một số học viên khác đã bị bắt chỉ bởi luyện các bài công của Pháp Luân Công ở bên ngoài. Cảnh sát đã buộc cha ông Quách ký vào tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công và hứa sẽ không đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Trong khi ông Quách được trả tự do sau đó, bà Tôn bị đưa đến trại cai nghiện ma túy và bị giam đến tháng 10.

Ông Quách và bà Tôn kết hôn sau khi bà Tôn được tự do. Tháng 1 năm 2000, họ đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và bị cảnh sát bắt giữ. Tương tự như lần trước, ông Quách được thả sau khi cha mẹ ông nộp một khoản tiền phạt lớn cho cảnh sát và bà Tôn bị giam thêm vài tuần. Khi ông Quách đang ở nhà nghỉ vào ngày 19 tháng 2 năm 2001, thì quản lý của ông tại chỗ làm đã gọi điện và yêu cầu ông đến văn phòng. Khi ông Quách tới nơi thì đã bị cảnh sát đang đợi ở đó bắt giữ. Họ đưa ông đến trại lao động cưỡng bức để thụ án ba năm mà không thông qua bất kỳ một trình tự pháp lý nào. Cảnh sát đã giữ kín không thông báo cho gia đình ông về việc ông bị giam giữ. Bà Tôn đã phải gọi điện cho nhiều cơ quan mới tìm ra tung tích của ông. Khi đó, bà đã mang thai được chín tháng và dự sinh là ngày 15 tháng 3.

Tại trại lao động cưỡng bức Đại Liên, ông Quách bị thẩm vấn. Lính canh đã lột hết quần áo của ông và đánh ông bằng roi điện. Ngoài ra, ông còn bị bức thực và người ông bị nổi đầy mụn ghẻ.

Đầu năm 2002, ông bị phù nề toàn thân và đi tiểu khó. Lính canh đã đưa ông đến bệnh viện sau khi ông bị khó thở. Bác sĩ phát hiện ông bị viêm cầu thận cấp (viêm các bộ lọc cực nhỏ trong thận) và cho biết ông có thể tử vong bất cứ lúc nào. Lính canh đã gọi điện cho gia đình và ngay khi họ đến nơi, các lính canh đã bỏ đi để mặc người nhà ông phải thanh toán các hóa đơn y tế cho ông.

Sau 19 ngày điều trị, ông được xuất viện và trở về nhà. Lính canh liên tục quấy rối và âm mưu đưa ông trở lại trại lao động. Để tránh bị ngược đãi, ông Quách và bà Tôn đã tự dọn ra ngoài ở riêng và không dám trở về nhà thăm cha mẹ và đứa con gái mới sinh của họ.

Trong lúc những gì mà gia đình ông trải qua đều không có giấy tờ gì lưu giữ lại, thì bà Tôn và mẹ mình, bà Vương Ngọc Hòa đã bị bắt tại nhà riêng vào ngày 21 tháng 7 năm 2014. Các sách về Pháp Luân Công, máy tính xách tay, máy in và đồ dùng văn phòng dùng để in tài liệu ở nhà để phân phát đã bị cảnh sát tịch thu.

Tòa án quận Sa Hà Khẩu đã kết án bà Tôn ba năm ba tháng tù. Đơn kháng cáo của bà bị Tòa Trung thẩm thành phố Đại Liên bác bỏ và họ đưa bà đến Nhà tù nữ Liêu Ninh vào ngày 30 tháng 6 năm 2015.

Bởi bà từ chối viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công hoặc mặc đồng phục nhà tù, nên bà đã bị lính canh đánh đập, lăng mạ và bị xô vào gầm giường. Lính canh còn còng tay bà sau lưng và không tháo chúng ra ngay cả khi bà đi ngủ. Trong một lần khác, họ còn lấy chăn bông của bà và bật quạt khi trời mưa để khiến bà bị lạnh.

Cha của ông Quách, người không thể tự chăm sóc được bản thân và phải sống dựa vào hai vợ chồng ông đã bị sốc nặng khi bà Tôn bị giam cầm. Ông hoàn toàn nằm liệt giường và qua đời vào tháng 6 năm 2016. Khi đó, con gái của ông Quách mới 13 tuổi và con trai 5 tuổi. Còn mẹ vợ của ông thì được thả sau khi bị bắt một tháng vào năm 2014, khi người chồng tàn tật của bà đến đồn cảnh sát mỗi ngày để đòi bà được thả. Vì cảnh sát thường xuyên quấy rối sau khi bà trở về nhà, nên bà đã cùng chồng phải rời khỏi nhà để tránh cảnh sát.

Khi bà Tôn được thả vào tháng 10 năm 2017, bà đã rất yếu. Sau khi bà tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công và sức khỏe của bà đã dần hồi phục. Tuy nhiên, sau khi bà bình phục, ông Quách bắt đầu gặp các triệu chứng khác nhau và thường đổ mồ hôi nhiều, ông sống trong sợ hãi do bị cảnh sát quấy rối liên tục.

Việc quấy rối trở nên thường xuyên hơn kể từ cuối tháng 4 năm 2020, khi cả cảnh sát và người ở ủy ban dân cư liên tục gọi điện cho ông và gia đình.

Lúc 1 giờ 30 chiều ngày 19 tháng 4 năm 2021, hai cảnh sát ở Đồn cảnh sát Hạnh Phúc và một số người ở khu dân cư đã gõ cửa nhà ông Quách trong nửa giờ. Khi ông từ chối trả lời, họ đã gọi cho mẹ ông và hỏi liệu bà có phải là bà Tôn không. Sau khi mẹ ông gác máy, họ gọi thêm vài lần nữa. Mặc dù cảnh sát đã rời đi sau đó nhưng họ quay lại lúc 3 giờ 55 chiều. Tuy nhiên, ông Quách vẫn không chịu mở cửa. Cảnh sát ở lại một lúc rồi rời đi. Ông Quách bị nhiễm trùng máu và tất cả cơ quan nội tạng của ông bị hỏng. Ông qua đời tại bệnh viện vào ngày 15 tháng 6 năm 2021, để lại người vợ 49 tuổi, con trai 12 tuổi, con gái 20 tuổi, mẹ và mẹ vợ ngoài 80 tuổi.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/7/5/427751.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/7/8/194000.html

Đăng ngày 16-07-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share