Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở Nội Mông, Trung Quốc
[MINH HUỆ 29-06-2021] Ông Lưu Quý Tường, một người dân ở kỳ tự trị Đạt Ngoã Đạt Oát, Nội Mông đã qua đời vào ngày 28 tháng 3 năm 2021, sau hai thập niên bị bức hại vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Vì lên tiếng cho Pháp Luân Công và nộp đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo chế độ cộng sản Trung Quốc, người đã phát động cuộc bức hại, ông Lưu đã bị kết án lao động cưỡng bức ba lần với tổng thời gian thụ án năm năm, trong suốt thời gian này ông liên tục bị đánh đập và tra tấn.
Vợ của ông Lưu là bà Lý Phúc Vinh, con gái họ và anh trai bà Lý là Lý Phúc Đông, cùng gia đình ông cũng bị bức hại vì đức tin chung của họ vào Pháp Luân Công.
Bị bắt vì thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công
Ngày 1 tháng 1 năm 2001, ông Lưu, anh rể là Lý Phúc Đông, con trai ông Lý là Lý Xuân Hoa và con dâu là cô Niếp Liên Huy, đã đến Bắc Kinh để kháng nghị cho quyền tu luyện Pháp Luân Công.
Ông Lưu đã trưng bày một biểu ngữ về Pháp Luân Công tại Quảng trường Thiên An Môn và hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Ông và ba người thân lập tức bị bắt và bị đẩy vào một chiếc xe công an. Họ đã bị thẩm vấn và đánh đập tại Bắc Kinh trước khi bị đưa về Nội Mông và bị giam trong Trại tạm giam kỳ tự trị Đạt Ngoã Đạt Oát.
Vì ông Lưu luyện công tại trại tạm giam nên đã bị lính canh Đỗ Ngọc Lâm đánh đập. Đỗ liên tục hỏi ông: “Pháp Luân Công tốt hay xấu?” Bởi ông liên tục trả lời là “tốt”, nên Đỗ đã lôi ông ra khỏi xà lim, đá và đánh ông băng dùi cui, sau đó ông Lưu đã bị thương nặng và không thể đứng hay ngồi bình thường được.
Sau sáu tháng giam giữ, ông Lưu bị kết án hai năm lao động cưỡng bức. Ông Lý bị kết án ba năm, con trai ông bị kết án một năm và con dâu 10 tháng. Họ bị chuyển tới Trại Lao động Cưỡng bức Đồ Mục Cát vào ngày 2 tháng 6 năm 2001.
Trương Thế Bân, trưởng Phòng 610 (một cơ quan ngoài vòng pháp luật được thành lập chuyên để bức hại Pháp Luân Công), đã bắt vợ ông Lưu và giam bà hai tháng trong Bệnh viện Tâm thần huyện Phú Dụ. Bà bị ép phải thường xuyên uống những viên thuốc không rõ nguồn gốc.
Bị tra tấn trong trại lao động
Tại trại lao động, ông Lưu và người thân đã tuyệt thực từ ngày 24 tháng 8 năm 2001 để phản đối một cuộc trưng bày lăng mạ Pháp Luân Công. Ông Lưu đã bị đánh đập và bị biệt giam.
Cuối tháng 8, trại lao động bắt đầu tổ chức cho lính canh và tù nhân tra tấn và bức thực những học viên nào đang tuyệt thực. Lính canh Trương Á Quang, Vương Lập Vĩ, Chi Văn Kỳ, Mạnh Khánh Tài và Đinh Hạ Hỷ dẫn đầu trong việc đánh đập các học viên.
Lính canh Trương từng hét lên trong hành lang rằng: “Đảng Cộng sản chính là thổ phỉ, cảnh sát là lưu manh, còn ta đây chính là đầu sỏ của lưu manh!” Một lính canh khác tên Trần Cường đã nói với các học viên: “Luật ở đâu! Chân lý ở đâu!” Chi Văn Kỳ hét lên trong khi đang nắm lấy một học viên đang khóc: “Tôi là một con quỷ!”
Vì bị đánh đập nên ông Lưu đã bị bất tỉnh hai lần. Hai tay ông sưng vù và ông không thể tự ngồi dậy được.
Ngày 2 tháng 11 năm 2001, lính canh lại nhắm đến ông Lưu sau khi thấy ông luyện công. Ông đã bị treo lên trong nhà kho với các ngón chân gần như không chạm đất. Ông đổ mổ hôi đầm đìa và toàn thân ướt sũng. Lính canh đã xúi tù nhân đánh đập ông bằng gậy và ván gỗ. Để ngăn ông la hét trong lúc bị đánh đập, họ đã nhét một miếng giẻ vào miệng ông. Ông đã bất tỉnh nhiều lần. Khi ông phàn nàn với những lính canh khác về việc bị đánh, họ đã từ chối làm bất kỳ điều gì với cái cớ là họ không tận mắt chứng kiến việc đánh đập.
Một lần khác, ông Lưu bị đánh vì luyện công. Máu thịt bết và dính vào quần áo của ông khiến ông không thể tắm rửa trong vòng một tuần. Nhưng lính canh Vương Lập Vĩ vẫn quấn một chiếc khăn ướt vào bàn tay anh ta và đấm vào mặt ông Lưu. Hai mắt ông bầm tím và sưng vù lên, đến nỗi ông phải rất khó khăn mới mở mắt được.
Sau gần 1,5 năm bị tra tấn trong trại lao động, ông Lưu đã được thả vào tháng 1 năm 2003.
Lãnh án hai năm lao động cưỡng bức vì kiện Giang Trạch Dân
Không lâu sau khi được thả, ông Lưu đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân và lính canh của Trại Lao động Cưỡng bức Đồ Mục Cát vì họ tham gia vào cuộc bức hại.
Khi Trương Thế Bân, trưởng Phòng 610, biết về đơn kiện, ông ta đã ra lệnh cho cảnh sát bắt ông Lưu lần nữa. Vụ bắt giữ này xảy ra chỉ 15 ngày sau khi ông vừa trở về nhà. Trương nói với ông: “Vì đơn kiện này nên chúng tôi sẽ kết án hoặc cho ông đi lao động cưỡng bức nữa!”
Sau tám tháng bị giam tại trại tạm giam kỳ tự trị Đạt Ngoã Đạt Oát, ông Lưu đã bị kết án hai năm trong Trại Lao động Cưỡng bức Ngũ Nguyên.
Khi kết thúc bản án, Trương không cho ông về nhà mà đưa ông đến một trung tâm tẩy não để bức hại thêm nữa.
Án lao động cưỡng bức lần ba và các thành viên trong gia đình bị bức hại
Tháng 9 năm 2005, ông Lưu và vợ lại bị bắt sau khi Trương nghi ngờ họ phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công quanh thị trấn. Hai đầu DVD, một máy ghi âm và 500 Nhân dân tệ tiền mặt của họ bị tịch thu. Ông Lưu được thả còn vợ ông bị giam 15 ngày.
Con gái của họ là cô Lưu Vân Vân cũng bị bắt vào ngày 25 tháng 11 năm 2006 tại Ga Xe lửa thành phố Nột Hà (cách nhà cô khoảng 40 dặm). Cô đã bị đánh đập tàn bạo ở trong trại tạm giam kỳ tự trị Đạt Ngoã Đạt Oát. Giường của cô có nhiều vết máu và những lọn tóc. Bức tường kế bên giường cũng dính nhiều vết máu.
Sau khi cô Lưu tuyệt thực để phản đối bức hại, lính canh đã tiêm vào người cô một loại thuốc không rõ nguồn gốc, khiến hai tay và thân thể của cô run lên và mất kiểm soát. Cô bị mất trí nhớ và ở trong tình trạng mê sảng. Cô không tự chủ được việc đại tiểu tiện, đôi khi không mặc quần áo, và quỳ gối nói lảm nhảm.
Trương đã bắt ông Lưu và vợ ông rồi kết án họ mỗi người một năm lao động cưỡng bức vào đầu tháng 12 năm 2006. Trương đã giam bà Lý vào cùng xà lim với con gái trong trại tạm giam để bà chăm sóc cho con gái.
Sau ngày 7 tháng 1 năm 2007, cô Lưu bắt đầu phục hồi chức năng. Không lâu sau khi cảnh sát thả cô, họ lại theo dõi và bắt cô một lần nữa vào ngày 25 tháng 5 năm 2007, vì họ phát hiện cô tới gặp một học viên Pháp Luân Công khác. Cô đã bị kết án bảy năm trong Nhà tù Nữ Số 1 Nội Mông. Cô bị cưỡng bức lao động không công trong năm năm và được thả trước hạn hai năm.
Bà Lý cũng được thả vào tháng 1 năm 2007 để đoàn tụ cùng gia đình đón Tết Nguyên đán, nhưng sau đó bà lại bị bắt giam trở lại sau Tết và bị giam trong một trại tạm giam đến cuối năm 2007. Trong thời gian đó, ông Lưu vẫn bị giam giữ. Một tháng trước khi ông mãn hạn, chính quyền đã kéo dài thời hạn giam giữ của ông thêm một năm.
Nhiều năm sau khi ông Lưu trở về nhà, cảnh sát và Phòng 610 vẫn liên tục sách nhiễu ông và gia đình. Nhiều khoảng trợ cấp và phúc lợi hưu trí của họ cũng bị chính quyền tước đoạt.
Sau hai thập niên bị tra tấn tàn bạo, ông Lưu đã qua đời vào ngày 28 tháng 3 năm 2021, ở tuổi 70.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/6/29/427549.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/7/2/193923.html
Đăng ngày 14-07-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.