Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 27-04-2021] Ngày 4 tháng 4 năm 2021, ông Lữ Quan Như, một cư dân ở thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang đã qua đời trong khi đang thụ án bảy năm vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Nhà tù Thái Lai cáo buộc rằng ông Lữ Quan Như qua đời do bị đột quỵ, nhưng gia đình ông nghi ngờ rằng có thể ông đã bị tra tấn đến chết vì Nhà tù Thái Lai có thành tích tra tấn các học viên bị giam giữ từ chối từ bỏ đức tin của mình.

2021-4-25-lv-guanru--ss.jpg

Ông Lữ Quan Như

Ngày 9 tháng 11 năm 2018, ông Lữ bị bắt giữ trong một cuộc truy bắt hơn 60 học viên Pháp Luân Công ở thành phố Đại Khánh và thành phố Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang. Trong khi ông đang bị giam giữ tại Trại tạm giam Thành phố Đại Khánh, cảnh sát đã thẩm vấn ông, buộc ông phải đeo cùm và đứng trong nhiều giờ. Vụ bắt giữ của ông được Viện kiểm sát Nhượng Hồ Lộ phê chuẩn vào ngày 15 tháng 12 năm 2018.

Khi ông Lữ tuyệt thực để phản đối sự bức hại, lính canh đã bức thực ông khiến ông nôn ra máu và bị suy tim. Ông đã ở bên bờ vực của cái chết và được hồi sức nhiều lần tại bệnh viện.

Ngày 30 tháng 3 năm 2019, ông Lữ bị Viện Kiểm sát quận Nhượng Hồ Lộ truy tố và Tòa án quận Nhượng Hồ Lộ đưa ông ra xét xử vào ngày 6 tháng 6 năm 2019. Hai luật sư đã biện hộ vô tội cho ông và ông cũng tự biện hộ cho mình. Ngày 1 tháng 7 năm 2019, thẩm phán kết án ông bảy năm tù giam cùng với 40.000 nhân dân tệ tiền phạt. Ông đã kháng án, nhưng ngày 23 tháng 7 Tòa án Trung cấp Thành phố Đại Khánh đã giữ nguyên bản án mà không mở phiên xét xử.

Bất chấp tình trạng sức khỏe của ông, ngày 30 tháng 7 năm 2019, trại tạm giam vẫn đưa ông tới Nhà tù Hô Lan để thụ án mà không thông báo cho gia đình. Lính canh nhà tù nói rằng ngay cả khi ông bị tàn tật, họ vẫn sẽ tiếp nhận ông.

Tháng 11 năm 2019, ông Lữ bị chuyển tới Nhà tù Thái Lai và ông đã qua đời ở đó vào ngày 4 tháng 4 năm 2021. Chi tiết về cái chết của ông vẫn đang được điều tra.

Bức hại trong quá khứ

Ông Lữ, một cựu giám đốc tài chính xây dựng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1994 và ông tin rằng pháp môn đã giúp trị khỏi bệnh của ông.

Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, ông bị giam giữ hai lần và thụ án hơn một năm lao động cưỡng bức. Tại trại lao động, ông bị đánh đập, tra tấn “đóng băng” và bị trói bằng những sợi dây thừng mỏng. Ông còn bị cưỡng bức lao động nặng nhọc khiến ông già đi nhanh chóng. Sau khi được thả, ông Lữ buộc phải sống xa nhà 18 năm để tránh sự bức hại.

Năm 2006, khi con gái kết hôn, ông Lữ và vợ chỉ đủ tiền mua một bộ quần áo mới cho cặp vợ chồng mới cưới. Con gái ông đã khóc trong khi họ cùng đi mua quần áo.

Ông Lữ kể lại: “Tôi biết con gái không muốn chúng tôi làm thêm bất cứ điều gì cho cháu, cháu biết chúng tôi kiếm sống khó khăn như thế nào. Nhưng [mua bộ quần áo] này là điều duy nhất mà chúng tôi có thể làm cho con bé.”

Bị bắt giữ vì thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công

Ngày 12 tháng 4 năm 2000, ông Lữ cùng vợ là bà Tôn Trung Bình cũng là học viên Pháp Luân Công tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện và đã bị bắt giữ. Cảnh sát khám người, tịch thu tất cả tiền mặt và đưa họ về thành phố Đại Khánh. Ông Lữ bị giam giữ ở trại tạm giam Long Phượng, còn bà Tôn bị giam giữ tại trại tạm giam Thành phố Đại Khánh.

Trong thời gian một tháng giam giữ ở đó, ông Lữ bị các tù nhân đánh đập dã man. Họ còn cạo trọc đầu ông và lấy đi tất cả những bộ quần áo mới mà ông mặc dành cho chuyến đi tới Bắc Kinh.

Không lâu sau khi được trả tự do, ông Lữ và vợ lại bị bắt giữ vào ngày 18 tháng 6 năm 2000 vì luyện công ở khu vực bên ngoài cùng các học viên khác.

Cảnh sát giam giữ ông Lữ trong phòng biệt giam và thẩm vấn ông. Một cảnh sát cào vào mông của ông và sử dụng giày da của anh ta đánh vào đầu ông trong bốn giờ liên tiếp. Thậm chí đôi lúc cảnh sát cũng phải nghỉ ngơi vì mệt sau khi đánh đập ông.

Đầu của ông Lữ bị sưng tấy nghiêm trọng và đôi mắt sưng húp. Mông của ông đầy những vết tím đen và ông trở nên bị tê liệt do đánh đập.

Sau đó, ông bị kết án một năm lao động cưỡng bức. Trong suốt thời gian ở trại lao động, ông phải chịu đựng nhiều hình thức tra tấn khác nhau để buộc ông từ bỏ Pháp Luân Công. Thời hạn giam giữ của ông còn bị kéo dài thêm một tháng bảy ngày.

Chi tiết về tra tấn ở Trại Lao động Cưỡng bức Đại Khánh

Trước khi hệ thống trại lao động cưỡng bức bị giải thể vào năm 2013, Trại Lao động Cưỡng bức Đại Khánh đã rất tích cực bức hại các học viên Pháp Luân Công. Trường hợp đáng chú ý nhất là kỹ sư máy tính, ông Vương Bânbị đứt động mạch, vỡ mạch máu, và gãy xương. Amidan và hạch bạch huyết của ông cũng bị vỡ. Mu bàn tay của ông bị nhiễm trùng vì bỏng thuốc lá. Họ nhét tàn thuốc lá vào mũi để làm bỏng ông. Toàn thân ông đầy những vết bầm tím. Sau khi bị đánh đập đến chết, nội tạng của ông còn bị lấy đi.

Ông Lữ thì bị trói chặt, “đóng băng” và tra tấn đứng, cụ thể như thông tin sau đây.

Trói chặt

Bởi họ phát hiện ông Lữ đang luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công trong trại lao động, lính canh đã quấn sợi dây thừng dày khoảng 1,27cm quanh cánh tay của ông và trói chặt tay ông ra sau lưng. Cứ 15 phút lại có bốn người thắt chặt dây thừng. Khi họ nới lỏng dây thừng ra, cánh tay của ông rất nhợt nhạt và có những vết hằn rất sâu. Lính canh còn bịt miệng ông lại và đá vào người ông. Ông bị ngã xuống đất, nhưng không thể kêu lên thành tiếng mặc dù vô cùng đau đớn. Ông kể lại: “Cảm giác đau đớn giống như họ đang lột da tôi vậy.”

2004-12-12-mianyang-8.jpg

Minh họa tra tấn: Trói chặt

Đóng băng

Tháng 2 là tháng lạnh nhất ở Hắc Long Giang, tỉnh cực Bắc của Trung Quốc. Nhiệt độ thường dưới 0 độ. Bởi ông Lữ luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công, nên lính canh đã cởi áo khoác và quần dài của ông, rồi trói ông vào cột bóng rổ ở ngoài trời hai giờ liên tiếp. Trời rất lạnh khiến chân tay ông mất cảm giác và đầu óc ông trở nên trống rỗng. Ngay cả lính canh đang mặc quần tuyết cũng phải đắp một chiếc chăn dày để làm ấm cơ thể sau khi họ ra ngoài.

Tra tấn đứng

Trại lao động thường yêu cầu các học viên bị giam giữ ở đó phải viết tuyên bố từ bỏ đức tin của mình. Khi ông Lữ từ chối, lính canh đã đưa ông ra ngoài trời để ông chịu đựng muỗi đốt và cái nắng như thiêu như đốt của mùa hè.

Vào buổi tối, họ buộc ông phải đứng quay mặt vào tường với đầu cúi xuống và hai tay duỗi ra sau lưng trong nhiều giờ. Mồ hôi của ông không ngừng chảy, lính canh còn sử dụng cán chổi lau nhà để đánh vào đầu ông. Họ đã đánh đập ông làm gãy nhiều chiếc gậy.

2012-6-18-cmh-kuxingtu-01--ss.jpg

Minh họa tra tấn: Đứng và duỗi hai tay ra sau lưng

Bài liên quan:

Một học viên bị bí mật đưa đến nhà tù dù đang trong tình trạng sức khỏe nghiêm trọng để thụ án tù bảy năm vì tu luyện Pháp Luân Công

Ba người dân ở tỉnh Hắc Long Giang bị xét xử vì đức tin của họ

Ông Lữ Quan Như, một trong 119 học viên bị bắt giữ cùng ngày ở tỉnh Hắc Long Giang đang đối mặt với việc bị truy tố phi pháp

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/4/27/423886.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/4/29/192084.htm

Đăng ngày 25-05-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share