Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc
[MINH HUỆ 29-06-2021] Ông Tôn Phi Tiến ở huyện Mông Âm, tỉnh Sơn Đông đã qua đời sau một ngày bị bắt giữ khi đang làm việc trên nông trại của gia đình vào ngày 17 tháng 6 năm 2021.
Ngày 18 tháng 6, cảnh sát của Đồn Công an huyện Mông Âm đã thông báo cho gia đình ông Tôn về cái chết của ông. Họ nói rằng ông Tôn từ chối xét nghiệm virus corona tại Bệnh viện Trung y huyện Mông Âm và nhảy từ trên lầu xuống và chết ngay lập tức. Cảnh sát đã phong tỏa hiện trường và không cho phép ai tới gần.
Khi gia đình ông Tôn nhìn thấy thi thể của ông tại Nhà Tang lễ huyện Mông An, họ phát hiện rằng ông đang bị rỉ dịch não, một nhãn cầu của ông bị mất và bụng ông cũng hõm vào trong.
Trước vụ bắt giữ của ông Tôn, con gái ông (tên riêng là Kiều Kiều) cũng bị bắt giữ tại nhà riêng và hiện đang bị giam giữ tại Trại tạm giam Lâm Nghi.
Sau cái chết của ông Tôn, Kiều Kiều hiện đang mồ côi cả cha lẫn mẹ vì mẹ của cô là bà Vu Tại Hoa cũng đã qua đời sáu năm trước sau 11 năm sống phiêu bạt để tránh bức hại.
Kể từ khi chính quyền Cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân vào năm 1999, gia đình ông Tôn đã bị bắt giữ, giam giữ và tra tấn rất nhiều lần.
Vào ngày 10 tháng 12 năm 1999, bà Vu cùng hai học viên địa phương tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công, nhưng bà lại bị bắt giữ và bị giam giữ một tháng.
Ngày 22 tháng 2 năm 2000, cả hai vợ chồng bà đều bị bắt giữ và bị buộc phải tham dự phiên tẩy não từ 8 giờ sáng tới giữa trưa mỗi ngày trong hai tháng liên tiếp. Hai tháng sau, khi họ vẫn từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, cảnh sát tiếp tục giam giữ họ trong trung tâm tẩy não cả ngày. Họ bị phơi dưới cái nắng thiêu đốt trong nhiều giờ, bị đánh đập tàn bạo và bị buộc phải cúi nghiêng người một góc 90 độ với hai tay trạm đất.
Cảnh sát bắt giữ bà Vu một lần nữa vào ngày 23 tháng 9 năm 2000. Trong quá trình thẩm vấn, họ đã đá bà rất mạnh khiến bà bị gãy xương đòn. Bà được trả tự do sau 19 ngày giam giữ.
Bà Vu bị kết án ba năm lao động cưỡng bức sau khi bị bắt giữ lần nữa vào ngày 16 tháng 1 năm 2001 vì tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Bởi sức khỏe của bà yếu, nên trại lao động đã từ chối tiếp nhận bà và cảnh sát đã đưa bà về.
Bà Vu và ông Tôn đã phải sống xa nhà từ tháng 2 năm 2002 sau khi họ nghe được thông tin rằng cảnh sát chuẩn bị bắt giữ bà Vu vì sản xuất biểu ngữ Pháp Luân Công.
Một năm sau, vào ngày 12 tháng 3 năm 2003, ông Tôn bị bắt giữ và bị kết án năm năm tại Nhà tù Duy Phường.
Bà Vu bị bắt giữ một lần nữa vào ngày 31 tháng 1 năm 2004. Bà bị đánh đập, bức thực và tiêm thuốc độc. Chân của bà bị teo và bà gần như đã chết, chỉ khi đó cảnh sát mới thả bà.
Bà Vu buộc phải chuyển chỗ ở khi cảnh sát nỗ lực bắt giữ bà một lần nữa vào ngày 2 tháng 7 năm 2004. Bà có cuộc sống cơ cực trong 11 năm. Vào tháng 7 năm 2015, bà bị phù nề toàn thân và đã qua đời ở tuổi 47 vào ngày 19 tháng 8 năm 2015.
Trong chiến dịch “Xóa sổ” năm ngoái (một nỗ lực phối hợp hòng buộc tất cả học viên Pháp Luân Công nằm trong danh sách đen của chính phủ từ bỏ Pháp Luân Công), một nhóm cảnh sát đã tới nhà ông Tôn và nỗ lực đưa ông tới một phiên tẩy não tại Khách sạn Vấn Hà vào ngày 25 tháng 10 năm 2020.
Bởi ông không có ở nhà, nên cảnh sát đã đe dọa rằng họ sẽ bắt ông đi. Khi con gái ông Tôn cố gắng ngăn cảnh sát chụp hình biển số xe ô tô của cha cô và sau đó cô chụp hình các cảnh sát, một cảnh sát đã túm lấy cổ cô và nói: “Tôi thách cô dám làm thế lần nữa!”
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/6/29/427541.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/30/193893.html
Đăng ngày 06-07-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.