Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 08-04-2022] Trong ba tháng đầu của năm 2022 ghi nhận thêm 44 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết vì đức tin của mình. Trong số các trường hợp trên, có 1 trường hợp trong năm 2008, 2 trường hợp trong năm 2019, 20 trường hợp trong năm 2021, 10 trường hợp trong tháng 1 năm 2022, 8 trường hợp trong tháng 2 và 3 trường hợp trong tháng 3 năm 2022.
Pháp Luân Công hay còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Từ khi pháp môn này được giới thiệu công chúng vào năm 1992, vô số người đã bị thu hút bởi những Pháp lý thâm sâu và lợi ích sức khoẻ của môn này. Lo sợ pháp môn tiếp tục phát triển, chính quyền Cộng sản Trung Quốc đã phát động một chiến dịch bức hại trên toàn quốc vào tháng 7 năm 1999, nhằm xóa sổ tận gốc pháp môn này.
Trong 44 học viên qua đời, 28 người là phụ nữ đến từ 16 tỉnh ở Trung Quốc. Liêu Ninh đứng đầu trong danh sách với 11 trường hợp, theo sau là Hà Bắc có 6 trường hợp, Hắc Long Giang và Tứ Xuyên mỗi tỉnh có 4 trường hợp. 12 khu vực còn lại có từ 1 đến 3 trường hợp qua đời.
Ngoại trừ một học viên chưa biết tuổi, 43 học viên còn lại có tuổi từ 44 đến 89 tuổi. 32 học viên (chiếm 73%) là trên 60 tuổi, gồm 8 người ngoài 60 tuổi, 15 người ngoài 70 tuổi và 9 người ngoài 80 tuổi.
11 học viên qua đời khi vẫn đang trong nhà giam với năm trường hợp diễn ra trong năm 2021. Trong số họ, một người qua đời trong bệnh viện tâm thần, một người chết ở đồn công an, ba người qua đời trong Trại tạm giam và sáu người không chịu đựng nổi sự tra tấn trong nhà tù.
Các học viên qua đời đến từ tất cả tầng lớp xã hội, gồm một số là giáo viên, một nhân viên ngân hàng về hưu, một quản lý dịch vụ khách hàng của công ty truyền thông và một cựu nhân viên nhà tù.
Một người phụ nữ là mẹ của công dân Hoa Kỳ. Bà đã qua đời vào tháng 3 năm 2022, sau 7 tuần bị bắt giữ. Theo thông tin từ gia đình, thi thể của bà đầy máu. Hai phụ nữ khác qua đời trong tháng 1 năm 2022, một người sau 3 ngày bị bắt và một người sau 8 ngày bị bắt. Một nhân viên giao hàng qua đời vào tháng 2 năm 2022 do áp lực của vụ bắt giữ từ một tháng trước, sự việc diễn ra sau một năm vợ ông không thể chịu được sự đau khổ tinh thần từ cuộc bức hại đức tin của họ.
Dưới đây là tóm tắt về một số trường hợp học viên đã tử vong. Danh sách đầy đủ học viên có thể được tải tại đây.
Qua đời trong nhà giam
“Nếu tôi chết, đó là vì tôi bị tra tấn đến chết”
Bà Quý Vân Chi, một học viên Pháp Luân Công ở thị trấn Lâm Đông, Ba Lâm Tả Kỳ, thành phố Xích Phong, Nội Mông Cổ và là mẹ của anh Simon Trương, một công dân Hoa Kỳ, đã qua đời tại bệnh viện Ba Lâm vào ngày 21 tháng 03 năm 2022, bảy tuần sau khi bà bị bắt giữ đúng vào ngày Tết cổ truyền (ngày 1 tháng Hai) hưởng thọ 66 tuổi.
Trong trại giam, bà bị lính canh và các tù nhân khác đánh đập dã man cho đến khi cận kề cái chết. Có lần, bà Quý từng nói với các bạn cùng buồng giam: “Nếu tôi chết, đó là vì tôi bị tra tấn đến chết.”
Bà Quý bị bắt giữ tại nhà riêng vào ngày 1 tháng 2 năm 2022. Bất chấp việc bà đang bị co giật và nôn, cảnh sát vẫn buộc bà ngồi trên sàn gạch lạnh suốt một thời gian dài, phỉ báng bà bằng cách nói rằng các triệu chứng của bà là giả mạo.
Bà Quý đã tuyệt thực trong trại tạm giam Ba Lâm Tả Kỳ và đã bị bức thực thông qua ống dẫn thức ăn từ mũi. Bác sỹ trại tạm giam đã tát vào mặt bà nhiều lần.
Sáng ngày 20 tháng 3 năm 2022, chồng của bà Quý nhận được cuộc gọi từ Phòng Cảnh sát Ba Lâm thông báo rằng ông phải đến bệnh viện. Khi đến nơi, ông được thông báo rằng các bác sỹ đã bắt đầu hồi sức cho bà Quý, nhưng tiên lượng không khả quan lắm. Họ có kế hoạch chuyển bà từ Bệnh viện Ba Lâm đến Bệnh viện Thành phố Xích Phong. Nhưng một chuyên gia từ bệnh viện thành phố, người đã đến Bệnh viện Ba Lâm để khám cho bà Quý, nói rằng đã quá muộn và không cần thiết phải chuyển bà đi. Chồng bà đã nhiều lần yêu cầu trả tự do cho bà, nhưng ông Từ Kiếm Phong từ chối với lý do ông ta cần sự chấp thuận của cấp trên.
Ngày hôm sau, gia đình bà Quý được thông báo về cái chết của bà. Họ yêu cầu được gặp bà lần cuối trong phòng bệnh, nhưng cảnh sát đã ngăn họ lại. Qua cửa sổ, người thân nhìn thấy thực quản của bà đã bị cắt hở. Trên mặt và vai bà cũng có vết máu. Có nhiều cảnh sát đứng ở hành lang. Họ đưa gia đình bà Quý xuống từ tầng đó của tòa nhà và đóng thang máy tầng đó để không ai có thể vào khu vực này.
Sau khi gia đình bà rời khỏi tầng đó, cảnh sát đã gọi điện cho Lò hỏa táng Ba Lâm điều động một chiếc xe đến đưa thi thể bà Quý tới kho lưu giữ. Khi gia đình bà Quý đến lò hỏa táng, nhân viên điều tra pháp y không cho phép họ vào trong. Họ cầu xin cảnh sát và cuối cùng được phép từng người một đến xem nhanh thi thể của bà. Hơn 40 cảnh sát đã được điều động để trông chừng thi thể của bà.
Trong một nỗ lực để giải quyết êm đẹp tình hình, cảnh sát đã yêu cầu chồng bà “thương lượng” với họ, nhưng tại thời điểm viết bài này, không biết liệu những cuộc thương lượng này có phải vì để giải quyết cho cái chết của bà hay là những lời đe dọa để [buộc chồng bà] giữ im lặng.
Người phụ nữ ngoài 50 tuổi qua đời sau ba ngày bị bắt giữ vì tu luyện Pháp Luân Công
Ngày 20 tháng 1 năm 2022, bà Hoàng Tố Lan ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên đã bị bắt giữ ngay bên ngoài tòa chung cư của mình và bị đưa tới một cơ sở giam giữ bí mật ở Bành Châu.
Ngày 23 tháng 1 năm 2022, cảnh sát thông báo với gia đình bà Hoàng rằng bà đã qua đời vào ngày hôm đó. Thi thể của bà đã nhanh chóng được chuyển đến Nhà tang lễ thành phố Bành Châu. Gia đình đã nhìn thấy thi thể của bà, nhưng chi tiết thêm về cái chết của bà hiện vẫn đang được điều tra.
Trước vụ bắt giữ lần này, bà Hoàng đã từng bị bắt vào ngày 10 tháng 7 năm 2019 trong khi đang tới gặp một học viên khác là bà Mao Khôn. Bà Hoàng đã được thả vào ngày 9 tháng 10, còn bà Mao sau đó đã bị kết án 11,5 năm tù và đã qua đời ở trong tù.
Người phụ nữ qua đời sau tám ngày bị bắt giữ và bị từ chối điều trị y tế
Bà Trương Tư Cầm, 69 tuổi, ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh đã qua đời ở trong Trại tạm giam Diêu Gia sau tám ngày bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công.
Bà Trương Tư Cầm
Bà Trương Tư Cầm bắt đầu xuất hiện vấn đề sức khỏe nghiêm trọng vào đêm đầu tiên ở trại tạm giam, nhưng trại giam từ chối chữa trị cho bà, ngoại việc việc cho bà dùng thuốc không rõ nguồn gốc mà không có bất kỳ chẩn đoán y tế nào.
Ngày 19 tháng 1 năm 2022, bà Trương bị đưa trở lại nhà tù để thụ án hai năm. Bà đã vô cùng hoảng sợ và có cảm giác buồn nôn. Mặc dù bác sĩ khuyên không nên giam giữ bà vì tình trạng sức khỏe của bà không tốt, nhưng cảnh sát vẫn khăng khăng rằng bà không sao và vẫn tống bà vào trại tạm giam Diêu Gia.
Vào đêm đầu tiên ở trong trại tạm giam, bà Trương không thể tự đi lại hay ngủ được. Lính canh từ chối cung cấp đồ ăn cho bà. Sáng hôm sau, bà yếu đến nỗi không thể tự mặc quần áo và phải dựa vào sự giúp đỡ của một người ở cùng phòng giam.
Vài ngày sau, bà không thể ăn được và nôn ra mọi thứ mình ăn. Thức ăn mà lính canh cung cấp chỉ có cháo và bánh bao hấp. Bà vẫn rất yếu đến nỗi không thể tự đứng dậy được.
Khi bà bị đưa vào trại tạm giam, lính canh đã lấy đi hàm răng giả của bà. Bà đã nhiều lần yêu cầu lính canh trả lại, nhưng họ từ chối, khiến việc ăn nhai của bà trở nên khó khăn hơn.
Với tình trạng sức khoẻ kém dai dẳng, lính canh không đưa bà đi khám bác sỹ mà lại tùy tiện cho bà dùng một số thuốc không rõ nguồn gốc khiến tình trạng của bà càng xấu đi.
Ngày 25 tháng 1, tức ngày thứ sáu bà Trương bị giam, cơ thể bà bắt đầu run lên mất kiểm soát và bà không thể tự ngồi dậy được. Bạn cùng phòng đã báo với lính canh nhưng họ vẫn không cho bà đi khám và tùy tiện cho bà dùng thuốc không rõ nguồn gốc. Khi bà từ chối uống thuốc, lính canh đã lệnh cho năm tù nhân giữ người bà và ép bà phải uống. Bà trở nên mất khả năng vận động và sau đó còn không đủ sức để ngồi dậy.
Vào lúc 2 giờ 20 phút sáng ngày 26 tháng 1, bà Trương bắt đầu bị run rẩy mất kiểm soát. Những tù nhân trong phòng giam bị đánh thức dậy, nhưng lính canh vẫn làm ngơ. Đến 9 giờ sáng, bà Trương bị đưa ra ngoài trên một xe lăn nhưng 10 phút sau đã bị đưa trở lại. Lính canh vẫn tiếp tục ép bà uống những thứ thuốc không rõ nguồn gốc đó.
Bà Trương bắt đầu bị sốt cao vào khoảng nửa đêm. Bà rơi vào tình trạng nguy kịch vào khoảng 2 giờ 40 phút sáng. Lính canh vẫn từ chối đưa bà đến bệnh viện, mà ra lệnh cho các tù nhân trong phòng liên tục giám sát bà.
Trời vừa sáng, bà đã không thể ngồi dậy dù được bạn cùng phòng đỡ bà. Vào lúc 7 giờ 7 phút sáng, mặc dù các tù nhân đã báo cáo tình trạng của bà nhưng bác sỹ vẫn không xuất hiện cho đến tận 7 giờ 25 phút sáng. Bạn cùng phòng liên tục gọi lính canh nhưng không ai đến.
Khi bác sỹ đến vào lúc 7 giờ 30 phút sáng, bà đã tắt thở và không có huyết áp. Bác sỹ đã tiến hành hồi sức nhưng bà không có bất kỳ phản ứng nào. Vào lúc 7 giờ 34 phút sáng, bác sỹ đã gọi cho lính canh trực ban nhưng họ không ai bắt máy, đến lần thứ ba họ mới trả lời. Bà Trương được tuyên bố là đã qua đời lúc 7 giờ 35 phút sáng, và thi thể đã được đưa ra khỏi phòng giam.
Một người đàn ông 72 tuổi đã qua đời trong tù khi đang thụ án
Ông Chung Quốc Toàn ở thành phố Mật Sơn, tỉnh Hắc Long Giang bị kết án 3,5 năm tù vào tháng 8 năm 2020, vì phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Ông bị đưa tới Nhà tù Thành phố Kê Tây vào ngày 17 tháng 11 năm 2020, cuối cùng bị chuyển đến Nhà tù Thái Lai. Tại đây ông đã bị tra tấn đến chết vào ngày 6 tháng 2 năm 2022, tức ngày mùng 6 Tết Nguyên đán, hưởng thọ 72 tuổi.
Vào đầu năm 2022, gia đình ông Chung đã yêu cầu bảo lãnh điều trị y tế cho ông nhưng nhà tù đã từ chối với lý do ông Chung là một “tội phạm chính trị”. Vào ngày 6 tháng 2, gia đình ông đã vô cũng suy sụp và đau khổ khi nhận được điện thoại từ nhà tù cho biết ông đã chết vài giờ trước đó.
Ông Chung bị bắt vào ngày 4 tháng 3 năm 2020, sau khi bị tố cáo vì phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Trong khi chờ cáo trạng, ông Chung bị đưa vào Bệnh viện Cộng đồng Khai hoang Nông nghiệp Mẫu Đơn Giang vào ngày 6 tháng 7 năm 2020. Ông bị phát hiện mắc nhiều căn bệnh, bao gồm bệnh tiểu đường loại 2, suy thận, đột quỵ nhiều lần, cao huyết áp, bệnh tim, nhiễm trùng đường tiết niệu, cholesterol cao, cục máu đông (huyết khối), suy giảm thị lực và thính lực.
Ngày 11 tháng 8 năm 2020, ông Chung bị đưa ra xét xử tại Tòa án Thành phố Mật Sơn và sau đó một tuần ông bị kết án 3,5 năm tù. Ông đã kháng án, nhưng toà án cấp cao hơn đã từ chối đơn kháng án của ông.
Ngày 17 tháng 11 năm 2020, ông Chung bị chuyển từ Trại tạm giam Thành phố Mishan đến Nhà tù Thành phố Kê Tây. Sau đó, ông bị chuyển đến Nhà tù Thái Lai và ông đã qua đời tại đây vào ngày 6 tháng 2 năm 2022. Bệnh viện Trung y Quận Thái Lai đã đưa ra thông báo về cái chết của ông Chung, trong đó lý do tử vong là vì suy hô hấp.
Chính quyền đã sử dụng Nhà tù Thái Lai làm trại tập trung để “chuyển hóa” các học viên Pháp Luân Công. Những học viên từ chối viết các tuyên bố từ bỏ đức tin của họ vào Pháp Luân Công phải chịu nhiều hình thức tra tấn, bao gồm bị treo người, bị bắt đứng hoặc ngồi xổm trong nhiều giờ, cấm ngủ nhiều ngày liên tục, bức thực bằng nước tiêu nóng, chửi rủa và nhục mạ bằng những lời lẽ ác độc.
Giáo viên tiếng Anh qua đời trong khi bị cầm tù, nghi ngờ có sự phạm tội dẫn đến cái chết của ông
Ông Thạch Kiến Vĩ đã qua đời tại Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam trong khi đang thi hành bản án sáu năm rưỡi tù giam vì đức tin vào Pháp Luân Công. Trong khi nhà tù tuyên bố rằng ông Thạch Kiến Vĩ đã chết vì bệnh ung thư gan, gia đình nghi ngờ rằng ông đã bị tra tấn đến chết, vì các vết bầm tím trên lưng và chỉ số xét nghiệm ung thư chỉ ở mức bình thường. Thi thể của ông cũng đã bị hỏa táng trái ý nguyện của gia đình ông.
Ông Thạch Kiến Vĩ
Ông Thạch là giáo viên tiếng Anh ở huyện Tân Xuyên, tỉnh Vân Nam bị bắt giữ tại nhà riêng vào ngày 7 tháng 9 năm 2015 vì đệ đơn kiện hình sự Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo chính quyền cộng sản Trung Quốc, kẻ đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công. Ông bị xét xử tại Tòa án Huyện Tường Vân vào ngày 23 tháng 6 năm 2016 và bị kết án 6,5 năm tại Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam.
Bắt đầu từ năm 2019, Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam đã từ chối yêu cầu xin thăm nuôi của gia đình ông Thạch. Hai năm sau, vào ngày 25 tháng 8 năm 2021, gia đình ông nhận được một cuộc gọi đến từ nhà tù, cho hay rằng ông Thạch bị nghi ngờ mắc bệnh ung thư gan và đã được đưa đến bệnh viện trong nhà tù.
Lính canh nói ông thạch đã sụt khoảng hơn chín cân trong mấy tháng gần đây và đang ở trong tình trạng nguy kịch, tuy nhiên nhà tù vẫn kiên quyết không cho ông ấy được tạm tha để điều trị y tế hay cho phép gia đình đến thăm ông, và không cho xem xét hồ sơ bệnh án của ông với lý do đại dịch và vì ông Thạch từ chối từ bỏ Pháp Luân Công.
Một tháng sau, vào ngày 26 tháng 9, một lính canh nhà tù đã gọi điện cho gia đình ông Thạch nói rằng ông đang nguy kịch và đang được hồi sức. Gia đình ông một lần nữa yêu cầu được thăm ông, nhưng họ vẫn bị từ chối với lý do đại dịch.
Ba tiếng sau đó, vẫn người lính canh trên thông báo với gia đình rằng ông Thạch đã qua đời và yêu cầu họ đến nhà tù để ký giấy hỏa táng cho ông.
Khi gia đình nhìn thấy thi thể của ông Thạch tại nhà tang lễ, họ nhận thấy rằng trên lưng của ông có nhiều vết bầm và bụng bị tụ dịch. Nghi ngờ ông đã bị tra tấn, gia đình từ chối ký vào thỏa thuận hỏa táng và yêu cầu được xem bệnh án của ông.
Một tuần sau, nhà tù cung cấp ba kết quả xét nghiệm máu của ông Thạch. Trong cả ba xét nghiệm, nồng độ alpha-fetoprotein (AFP), một chỉ số quan trọng của ung thư gan, đều bình thường.
Gia đình ông Thạch đã yêu cầu khám nghiệm tử thi, nhưng cai ngục trả lời rằng họ phải trả trước 100.000 Nhân dân tệ để trang trải chi phí. Họ cũng đe dọa gia đình rằng nếu gia đình không đồng ý với đánh giá của họ về nguyên nhân cái chết của ông, gia đình có thể gửi đơn khiếu nại nhà tù tới viện kiểm sát, nhưng nó sẽ không thay đổi kết quả.
Gia đình ông Thạch yêu cầu mang theo hồ sơ y tế và kết quả xét nghiệm máu của ông, nhưng bị các lính canh từ chối, và nói rằng họ chỉ được phép xem tại chỗ. Không lâu sau đó, các lính canh đã hỏa táng thi thể của ông Thạch trái với ý nguyện của gia đình ông.
Qua đời ngay sau khi được trả tự do
Một cụ ông 83 tuổi bị tiêm thuốc độc ở trong tù và đã qua đời sau 20 ngày mãn hạn
Sáu tháng trước khi mãn hạn tù, ông Bạch Hưng Quốc đã bị tiêm thuốc độc. Kể từ đó, sức khỏe ông dần dần suy giảm và ông thường rơi vào trạng thái nửa mê nửa tỉnh. Tháng 1 năm 2022, nhà tù yêu cầu gia đình đến đón ông về, lúc này ông đã hoàn toàn mất năng lực hành vi và bên bờ vực cái chết. Hai mươi ngày sau ông Bạch qua đời.
Ông Bạch Hưng Quốc, người ở thành phố Thừa Đức, tỉnh Hà Bắc, đã bị bắt giữ vào ngày 4 tháng 1 năm 2018 khi đang cùng với nhiều học viên Pháp Luân Công khác treo biểu ngữ có thông điệp “Pháp Luân Đại Pháp hảo.” Ngày 18 tháng 4 năm 2018, Tòa án huyện Phong Ninh tiến hành xét xử và tháng 6 năm 2018 ra phán quyết kết án ông 3 năm tù.
Ngày 15 tháng 12 năm 2018, ông Bạch khi đó đang được tại ngoại, đã bị đưa trở lại Trại giam Độ Thành, rồi sau đó bị chuyển đến Nhà tù Đường Sơn, nơi đây ông bị tiêm thuốc độc chết người.
Người phụ nữ 75 tuổi qua đời sau một tháng được bảo lãnh tại ngoại để điều trị y tế
Bà Quý Quế Trân, một cư dân ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô đã qua đời ở tuổi 75 vào ngày 3 tháng 2 năm 2022, sau một tháng bà được bảo lãnh tại ngoại để điều trị ý tế trong khi đang thụ án tù vì tu luyện Pháp Luân Công.
Bà Quý Quế Trân và cháu gái
Bà Quý bị bắt giữ tại nhà riêng vào ngày 23 tháng 9 năm 2019. Trong khi vài cảnh sát khống chế bà và quay video, thì những người khác đã lục soát nhà bà và tịch thu máy tính, máy in, các sách và tài liệu liên quan tới Pháp Luân Công. 500 nhân dân tệ tiền mặt trong ví của bà cũng bị lấy đi. Họ kéo bà Quý vào xe cảnh sát và đưa bà đi vì bà từ chối tự đi bộ.
Bà Quý bị thẩm vấn về việc dán thông tin Pháp Luân Công trong một khu dân cư địa phương. Bà không cung cấp bất cứ thông tin gì mà nói với cảnh sát rằng bà hy vọng họ có thể biết sự thật về Pháp Luân Công và không tham dự vào cuộc bức hại.
Cảnh sát cưỡng bức bà Quý điểm chỉ vào một số biên bản. Họ giam bà tại đồn công an cho tới 8 giờ tối và cho bà được bảo lãnh tại ngoại.
Ngày 11 tháng 8 năm 2020, bà Quý bị Toà án quận Ngô Giang đưa ra xét xử và bị kết án 3 năm 3 tháng tù vào giữa tháng 12. Thẩm phán còn phạt bà 3.000 nhân dân tệ.
Sau gần 1,5 năm tại trại tạm giam thành phố Tô Châu, ngày 3 tháng 1 năm 2022, gia đình bà Quý được lính canh thông báo tới đưa bà về nhà để điều trị y tế. Một tháng sau, bà đã qua đời vào ngày 3 tháng 2. Hiện không rõ bà bị bệnh giai đoạn cuối trong trại giam hay bị tra tấn đến chết.
Qua đời sau khi bị bức hại trong thời gian dài
Hai vợ chồng qua đời cách nhau một năm
Bà Quản Phượng Hà qua đời sau nhiều năm bị sách nhiễu vì tu luyện Pháp Luân Công. Chưa đầy một năm sau, chồng bà là ông Đại Chí Đông cũng qua đời sau một tháng bị bắt vì kiên định đức tin.
Bà Quản Phượng Hà
Ông Đại (một cựu nhân viên của công ty bơm điện thả chìm thuộc Cục Quản lý Dầu khí Đại Khánh) bị bắt giữ vào ngày 8 tháng 1 năm 2022, sau khi ông và một học viên khác bị báo cáo vì phát tặng một cuốn sách mỏng có thông tin về Pháp Luân Công tại một trạm xăng. Cảnh sát lục soát nhà ông và tống tiền ông 10.000 nhân dân tệ trước khi để ông về nhà.
Lần bức hại tài chính gần nhất này đã khiến ông Đại vô cùng áp lực vì ông vẫn đang phải lo tiền để trả nợ cho khoản vay chữa bệnh cho bà Quản trước đó. Việc cảnh sát tịch thu khoản tiền tiết kiệm duy nhất 5.000 nhân dân tệ của ông, và con trai phải nộp 10.000 nhân dân tệ để bảo lãnh cho ông, ông lo lắng không biết đến khi nào mình mới có thể trả hết các khoản nợ. Trong khi đó, cảnh sát đe dọa ông không được gửi thông tin về cuộc bức hại cho trang Minghui.org. Áp lực tinh thần to lớn đã ảnh hưởng đến sức khỏe của ông Đại và ông đã qua đời vào ngày 11 tháng 2 năm 2022, ở tuổi 60.
Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu, ông Đại và bà Quản đang nhiều lần bị bắt giữ vì lên tiếng cho Pháp Luân Công. Bà Quản bị kết án hai năm lao động cưỡng bức và ông Đại bị kết án bảy năm tù. Cả hai vợ chồng ông đều phải chịu sự đánh đập, cấm ngủ và các hình thức tra tấn khác vì không từ bỏ đức tin.
Thậm chí sau khi được trả tự do, nhà chức trách vẫn liên tục sách nhiễu hai vợ chồng ông, khiến tinh thần họ vô cùng đau khổ. Sự bức hại triền miên đã ảnh hưởng to lớn đến sức khỏe của bà. Bà đã bị u xơ tử cung và ra máu bất thường. Bà không thể ăn uống và trở nên gầy gò. Bà qua đời vào ngày 5 tháng 3 năm 2021, ở tuổi 60.
Ông Trương Quốc Vũ đã nhiều lần bị bắt, bị giam và tra tấn kể từ khi chính quyền Cộng sản Trung Quốc bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công 23 năm trước. Trong khi đang phải thi hành án lao động cưỡng bức lần thứ 2, ông đã bị kéo căng người trong tư thế cực kỳ đau đớn trong 9 ngày và bị nhiễm trùng phổi nặng.
Ông Trương lại bị hạch sách vào năm 2021, khiến cho ông phải chịu sức ép tinh thần rất nhiều và vấn đề về phổi của ông lại tái phát. Ông bị tích dịch ở trong bụng, khiến bị suy tạng. Ông đã qua đời vào ngày 18 tháng 1 năm 2022 ở tuổi 50.
Ông Trương Quốc Vũ
Ông Trương, một người quản lý dịch vụ khách hàng ở một công ty truyền thông ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh bị bắt giữ lần đầu vào năm 2001 cùng với vợ của mình vì tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Khi cả hai vợ chồng ông bị giam giữ, đứa con trai chưa đến tuổi đi học của họ ở nhà không có bố mẹ chăm sóc.
Sau đó, ông lại bị lãnh án hai năm lao động cưỡng bức. Trong trại tạm giam Diêu Gia, do ông Trương từ chối đeo thẻ tù mà bị biệt giam và xúi giục các tù nhân khác đánh ông. Họ còng tay ông vào một cái giường, chụp một cái mũ lên đầu ông và đánh đập ông. Hai chân ông bị thương nặng và sau đó ông không thể ra khỏi giường. Các lính canh còng tay ông chặt đến mức các ngón tay của ông vẫn bị tê 1 tháng sau đó.
Ông Trương đã bị bắt phải nằm trên giường hơn 20 ngày, không có đệm và chăn. Thời gian duy nhất ông được phép ra khỏi giường là khi dùng nhà vệ sinh và khi ăn, chưa đầy 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Ông không được phép tắm gội hay thay quần áo. Khi ông được ra khỏi giường, hai bàn tay và bàn chân ông đã bị sưng nặng do máu lưu thông kém.
Ông Trương lại bị bắt vào ngày 12 tháng 9 năm 2006 và lại bị án lao động cưỡng bức 2 năm tại Trại lao động cưỡng bức Bổn Khê.
Để buộc ông từ bỏ Pháp Luân Công, lính canh đã trói ông trong tư thế “kéo căng cơ thể hết cỡ” trong 9 ngày vào tháng 3 năm 2003. Với sự tra tấn này, các lính canh đặt hai cái giường đơn lại gần nhau và kéo căng tứ chi của ông Trương ra bốn góc giường. Thỉnh thoảng, các lính canh lại hoặc là thắt chặt dây thừng hoặc là kéo những chiếc giường ra xa nhau, giữ cho chúng cách nhau bằng cách chèn các viên gạch ở giữa 2 cái giường.
Dựng lại cảnh tra tấn: kéo căng cơ thể hết cỡ
Họ định trói ông trong thời gian lâu hơn, hy vọng là sẽ bắt được ông từ bỏ Pháp Luân Công và cung cấp thông tin về những học viên khác. Vào ngày thứ 9, ông Trương bắt đầu khó thở và có những triệu chứng khác. Khi các lính canh đưa ông đến bệnh viện, bác sĩ phát hiện ra phổi của ông bị viêm nhiễm nặng và nói là ông phải được chữa trị ngay lập tức. Các lính canh từ chối để ông ở lại bệnh viện mà đưa ông về trạm xá trong trại lao động.
Ông Trương bị sốt cao liên tục trong 1 tuần trước khi thân nhiệt của ông cuối cùng trở lại bình thường sau khi được truyền 3 chai dịch qua đường tĩnh mạch mỗi ngày. Không thể chịu đựng được nữa, ông đã viết bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công trái với ý muốn của mình. Sau đó, ông đã hối hận và viết bản Nghiêm chính thanh minh, phủ định bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Điều này đã khiến ông bị biệt giam 14 ngày.
Sau khi ông Trương được phóng thích vào tháng 9 năm 2008, chính quyền thỉnh thoảng vẫn tiếp tục hạch sách ông và vợ ông. Ông đã sống trong sợ hãi và áp lực rất lớn. Vấn đề về phổi của ông đã tái phát vào năm 2021 trong lần bị hạch sách mới nhất. Ông bị tích dịch trong phổi và bụng và đã chết vì suy đa tạng trong một bệnh viện vào sáng sớm ngày 18 tháng 1 năm 2022.
Cựu giáo viên trung học cơ sở qua đời sau ba lần ngồi tù
Tháng 11 năm 2020, sau khi bị kết án 4 năm vì đức tin vào Pháp Luân Công, bà Diệp Trung Thu đã được thả ra khỏi nhà tù, tuy nhiên bà không còn khả năng đi lại hay nói chuyện rõ ràng. Cựu giáo viên môn vật lý đã qua đời vào ngày 25 tháng 1 năm 2022 ở tuổi 54.
Cái chết của bà Diệp đã đánh dấu hai thập kỷ đau khổ do cuộc bức hại đối với đức tin của bà vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện truyền thống bị chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp kể từ năm 1999. Vì muốn nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, bà Diệp đã bị kết án ba lần tổng cộng 12 năm tù giam. Bà bị trường học sa thải. Chồng của bà đã ly hôn với bà do áp lực của cuộc bức hại. Con gái của bà không nhận được sự chăm sóc của mẹ khi vẫn còn học trung học sơ sở.
Bà Diệp từng dạy tại Trường Trung học Cơ sở Đô thị Số 2 thuộc huyện Liêu Trung, tỉnh Liêu Ninh. Bà bị bắt lần đầu tiên vào ngày 10 tháng 12 năm 2003, sau khi bị một giáo viên khác dạy cùng trường tố cáo vì lý do bà phát tài liệu thông tin về cuộc đàn áp cho các học sinh của bà. Bà bị trường sa thải và sau đó bị kết án 5 năm tù giam.
Việc bà bị giam cầm đã giáng một đòn nặng nề lên cô con gái nhỏ của bà, khi ấy chỉ mới đang học năm thứ hai trung học cơ sở (lớp 8), kể từ đó cô bé không còn nhận được sự chăm sóc và tình yêu thương của mẹ. Không chịu được áp lực, chồng của bà, cũng là một giáo viên trung học cơ sở đã phải ly dị với bà.
Tháng 11 năm 2008, sau khi được thả, bà Diệp đã nhận dạy kèm cho một số học sinh. Bà đối xử với các học sinh như con mình và các phụ huynh đều đánh giá rất cao về bà. Vào tháng 10 năm 2010, trong lúc bà Diệp đang chuẩn bị bữa trưa cho học sinh thì một nhóm cảnh sát đột nhập vào nhà bà. Họ nói rằng Vương Liên Hòa, hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Đô thị Số 1 Huyện Liêu Trung tố cáo bà vì đã đưa cho ông ấy một đĩa DVD thông tin về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, bà Diệp đã phải hầu tòa tại Tòa án Huyện Liêu Trung vào ngày 8 tháng 3 năm 2011, và bị kết án ba năm tù giam.
Bà Diệp tiếp tục nỗ lực của mình trong việc nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp sau khi được thả ra. Ngày 3 tháng 11 năm 2016, bà bị bắt giữ lần nữa khi cố gắng ngăn cảnh sát xịt hơi cay vào học viên khác. Bà Diệp đã ra hầu toà tại Tòa án Huyện Liêu Trung vào ngày 23 tháng 8 năm 2017, bị kết án bà bốn năm tù vào và tháng 11 năm 2017.
Tại Nhà tù Nữ Tỉnh Liêu Ninh, bà Diệp thường bị tù nhân Trương Mỹ Nghiên đánh đập và mắng chửi. Bà bị đột quỵ vào ngày 4 tháng 4 năm 2020 và mất khả năng lao động. Đầu tiên bà được điều trị tại bệnh viện liên kết với nhà tù và sau đó được chuyển đến phòng khám bên trong nhà tù. Lính canh đã lấy cớ đại dịch để ngăn không cho con gái bà đến thăm bà.
Khi được thả ra vào tháng 11 năm 2020, bà Diệp đã không còn có thể tự đi lại hay nói chuyện rõ ràng. Bà không chống chọi lại được những tổn hại về thân thể và đã qua đời 14 tháng sau đó, vào ngày 25 tháng 1 năm 2022.
Người đàn ông Hắc Long Giang qua đời sau nhiều năm bị bức hại
Ngày 18 tháng 6 năm 2013, khi bản án 5 năm tù giam của ông Điền Thành Quân vì tu luyện Pháp Luân Công mãn hạn, chính quyền vẫn tiếp tục giam giữ ông tại một địa điểm bí mật trong nhiều năm. Tại thời điểm được thả, ông vô cùng yếu ớt và hốc hác. Ông nhốt mình ở nhà và không dám ra ngoài gặp gỡ ai. Khi cảnh sát tiếp tục sách nhiễu ông, ông đã chuyển đến ở với chị gái của mình. Vào ngày 27 tháng 2 năm 2021, ông đã qua đời ở tuổi 53 sau một cơn đau tim.
Ông Điền, một cư dân huyện Bảo Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị bắt tại nhà vào ngày 18 tháng 6 năm 2008, chưa đầy hai tháng trước Thế vận hội Olympic Bắc Kinh. Các nhà chức trách nói rằng họ bắt giữ ông Điền vì muốn ngăn ông đi đến Bắc Kinh để kháng nghị cho quyền tu luyện Pháp Luân Công.
Ông bị đưa ra xét xử tại Tòa án Huyện Bảo Khánh vào ngày 18 tháng 11 và bị kết án 5 năm tù vào ngày 4 tháng 12. Trong khi thụ án tại Nhà tù Liên Giang Khẩu, ông bị cưỡng bức lao động không công và tra tấn bằng nhiều hình thức.
Khi mãn hạn tù vào ngày 18 tháng 6 năm 2013, nhà tù đã chuyển ông đến một cơ sở giam giữ bị giấu kín ở ngoài thị trấn. Không rõ chính xác ông đã bị giam giữ thêm bao lâu sau khi hết án tù đó.
Cụ ông 82 tuổi qua đời do sự đau khổ tinh thần trong cuộc bức hại
Ngày 31 tháng 1 năm 2022, ông Trần Lễ Thanh ở thành phố Bành Châu, tỉnh Tứ Xuyên đã qua đời ở tuổi 82 sau nhiều lần bị bắt giữ và vô số lần bị sách nhiễu trong hơn 23 năm qua.
Ông Trần Lễ Thanh
Ông Trần, một cựu giáo viên tiểu học, bị kết án ba năm tù giam vào tháng 9 năm 2004. Tại Nhà tù Đức Dương, lính canh đã đánh đập và đá vào vùng dưới cơ thể của ông vì ông từ chối viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Tù nhân đã cho thuốc độc vào thức ăn và nước uống của ông. Trước khi được trả tự do, ông còn bị tiêm thuốc và ngay sau đó bắt đầu bị rối loạn tâm thần.
Sau khi được trả tự do, nhà chức trách vẫn giám sát cuộc sống hàng ngày của ông Trần và thường sách nhiễu ông. Sự sách nhiễu tiếp tục leo thang vào tháng 9 năm 2021, khi nhân viên uỷ ban khu dân cư liên tục tới yêu cầu ông từ bỏ Pháp Luân Công. Không chịu đựng nổi nỗi đau tinh thần, ông Trần đã qua đời vào ngày 31 tháng 1 năm 2022.
Cái chết trẻ của người đàn ông 44 tuổi sau hai năm bị giam giữ trong trại lao động, cưỡng bức ly hôn và sách nhiễu không ngừng
Anh Quan Vân Chí, một cư dân ở thành phố Thiết Lĩnh, tỉnh Liêu Ninh đã bị bức hại vô nhân đạo trong khi thụ án hai năm lao động cưỡng bứctừ năm 2002 đến năm 2004 vì tu luyện Pháp Luân Công. Vợ anh đã buộc phải ly hôn anh vì áp lực của cuộc bức hại. Anh cũng bị nơi làm việc sa thải và bị nhà chức trách sách nhiễu không ngừng. Sự đau khổ tinh thần đã ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ của anh. Anh đã qua đời vào ngày 1 tháng 3 năm 2022, ở tuổi 44.
Anh Quan bị bắt giữ lần đầu vào ngày 24 tháng 12 năm 2001 trong khi đang làm việc tại Nhà máy Điện quận Thanh Hà. Cảnh sát đe doạ kết án tù anh, tạo tiền đề [cho việc kết án học viên Pháp Luân Công vô tội] ở quận Thanh Hà.
Bởi anh Quan từ chối từ bỏ Pháp Luân Công trong khi thẩm vấn, nên cảnh sát đã tát vào mặt anh, giẫm lên ngón chân, giật cổ, kéo tóc anh và sử dụng thuốc lá để đốt ngón tay của anh.
Cuối tháng 1 năm 2002, anh bị kết án hai năm tại Trại Lao động cưỡng bức Thiết Lĩnh. Khi anh viết về việc anh đã nhận được thụ ích như thế nào nhờ tu luyện Pháp Luân Công trong “báo cáo tư tưởng,” lính canh đã sử dụng gậy cao su có gai (lõi của gai cao su làm bằng kim loại) để đánh vào lưng anh. Bởi anh Quan vẫn kiên định đức tin của mình, nên lính canh đã sử dụng dùi cui điện để sốc điện vào đầu, ngực và toàn thân của anh.
Sau khi được trả tự do, cảnh sát tiếp tục sách nhiễu anh. Khi biết về vụ bắt giữ tiềm tàng vào tháng 3 năm 2007, anh đã rời khỏi nhà để trốn cảnh sát và bị nơi làm việc sa thải. Khi đó, vợ anh đang mang thai được vài tháng. Nghi ngờ vợ anh cũng tu luyện Pháp Luân Công, cảnh sát đã bắt giữ và đe doạ cô. Không muốn tiếp tục sống trong sợ hãi, cô buộc phải ly hôn chồng.
Ngày 30 tháng 7 năm 2014, anh Quan bị cảnh sát chặn và tra hỏi trong khi đang đi bộ trên đường. Sau khi một cảnh sát phát hiện anh tu luyện Pháp Luân Công, anh ta đã bắt giữ và thẩm vấn anh Quan qua đêm. Anh Quan đã được bảo lãnh tại ngoại sau 40 ngày giam giữ.
Cuộc bức hại không ngừng đã khiến anh Quan bắt đầu gặp các vấn đề sức khoẻ. Sức khoẻ của anh liên tục suy giảm qua từng năm và cuối cùng anh đã qua đời vào ngày 1 tháng 3 năm 2022, khi mới 44 tuổi.
Bài liên quan:
Báo cáo tháng 1 năm 2022: 20 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết
Báo cáo năm 2021: 132 học viên Pháp Luân Công qua đời trong cuộc bức hại đức tin của họ
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/4/8/441001.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/4/11/199861.html
Đăng ngày 23-05-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.