Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc
[MINH HUỆ 25-02-2022] Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu thực hiện chiến dịch “Xóa sổ” vào năm 2020 (một chiến dịch sách nhiễu leo thang nhắm vào mọi học viên Pháp Luân Công trong danh sách đen của chính quyền), Ủy ban Chính trị và Pháp luật Thành phố Bành Châu của tỉnh Tứ Xuyên đã huy động lực lượng công an địa phương và ủy ban dân cư sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công và thân nhân của họ nhằm ép các học viên từ bỏ đức tin của mình.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm dựa trên tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn.
Ủy ban Chính trị và Pháp luật là một cơ quan ngoài vòng pháp luật được trao quyền kiểm soát toàn bộ hệ thống tư pháp và công an, đã được giao nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện các chính sách bức hại cụ thể.
Theo thông tin Minghui.org thu thập, chỉ tính riêng trong năm 2021 đã có 202 học viên Pháp Luân Công ở thành phố Bành Châu bị sách nhiễu và cưỡng chế lấy dấu vân tay, 45 học viên khác đã bị bắt giữ, 25 người bị khám xét nhà cửa, 9 người bị tạm giam và 2 người bị kết án.
Nhiều học viên khác cũng bị nhắm mục tiêu trước chiến dịch xóa sổ gần đây nhất. Bi thảm nhất là trường hợp của một cậu bé bốn tuổi rưỡi đã bị bỏ nhà một mình sau khi cả cha và mẹ của cậu bị bắt và bị đưa vào trại lao động vì tu luyện Pháp Luân Công. Cậu bé đã bị ngã vào tủ đông và bị chết cóng vào tháng 5 năm 2000.
Dưới đây là một số trường hợp bị bức hại trong thời gian gần đây.
Bị kết án và tử vong
Ngày 20 tháng 1 năm 2022, Bà Hoàng Tố Lan, ngoài 50 tuổi, ở thành phố Thành Đô đã bị cảnh sát ở thành phố Bành Châu bắt giữ. Ba ngày sau, bà qua đời trong một cơ sở giam giữ bí mật đặt tại một khách sạn. Hài cốt của bà được gửi tại Nhà tang lễ Bành Châu.
Ngày 11 tháng 4 năm 2020, Ông Dương Hưng Diệp ở thị trấn Trí Hòa đã bị cảnh sát bắt giữ vì phân phát liệu Pháp Luân Công. Tháng 7 năm 2021, Tòa án Thành phố Bành Châu đã kết án ông 4 năm tù. Ông đã qua đời ở trong Trại tạm giam Bành Châu vào ngày 10 tháng 12 năm 2021.
Bà Trần Đức Xuân, 71 tuổi, là một nhân viên đã nghỉ hưu của Nhà máy Trường Khánh. Ngày 9 tháng 3 năm 2021, Tòa án Thành phố Bành Châu kết án bà 3,5 năm tù vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công và khuyên mọi người thoái ĐCSTQ.
Bắt giữ và sách nhiễu
Ngày 19 tháng 1 năm 2022, một số cảnh sát đã bắt giữ bà Diệp Phương và lục soát nhà bà. Ban đầu bà bị giam tại Lớp Tẩy não Tân Tân và sau đó là trại tạm giam Thành phố Thành Đô.
Ngày 6 tháng 1 năm 2022, ông Lưu Gia, một cư dân thành phố Thành Đô 53 tuổi, đã đi đến thành phố Bành Châu lân cận. Ông đã bị cảnh sát Bành Châu bắt giữ và giam tại trại tạm giam Thành phố Thành Đô. Một học viên Pháp Luân Công khác là Cung Mẫn ở thành phố Bành Châu đã bị bắt cùng với ông.
Ngày 6 tháng 1 năm 2022, ông Chu Tiến Bá, một sĩ quan quân đội nghỉ hưu ở thành phố Bành Châu, đã bị cảnh sát của Đồn Công an Quang Minh bắt giữ. Nhà của ông cũng bị lục soát. Hiện không rõ ông bị giam ở đâu.
Vào khoảng 2 giờ sáng ngày 1 tháng 12 năm 2021, hàng chục cảnh sát đã bắt giữ ông Niếp Tông Hoa và lục soát nhà ông. Họ tịch thu thẻ ngân hàng, thẻ an sinh xã hội, thẻ lương và hai chiếc xe hơi của ông. Ông Niếp hiện đang bị giam ở trong trại tạm giam Thành phố Bành Châu.
Ngày 30 tháng 11 năm 2021, ông Tăng Phàm Phượng, một công nhân của công ty điện lực, đã bị bắt giữ và lục soát nhà cửa. Hiện ông bị giam tại trại tạm giam Thành phố Bành Châu.
Ngày 23 tháng 11 năm 2021, bà Thái Đạo Phượng bị Tăng Vân (trưởng Phòng 610 của thị trấn Cát Tiên Sơn, một cơ quan ngoài vòng pháp luật được thành lập đặc biệt để bức hại Pháp Luân Công), và một số người khác bắt giữ tại nhà con gái. Bà bị đưa đến trụ sở Chính quyền Cát Tiên Sơn và bị đánh đập đến mức không thể đi lại được vì từ chối từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.
Ngày 15 tháng 10 năm 2021, khi ông Đặng Truyền Cửu ở thị trấn Cát Tiên Sơn mãn hạn tù sau 4 năm thụ án tù vì kiên định đức tin của mình, thay vì được trả tự do, ông đã bị các nhân viên của Phòng 610 Thành phố Bành Châu bắt đến trụ sở chính quyền thành phố. Bởi từ chối ký tên vào bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, ông đã bị Tăng Vân (trưởng Phòng 610) đánh đập và dội nước lạnh lên người. Vào ngày 22 tháng 11, Liệu Hiểu Huy (phó chủ tịch thị trấn Cát Tiên Sơn) và Tăng Vân lại bắt ông Đặng và đưa ông về văn phòng chính quyền thị trấn. Họ dội nước lạnh và dùng ống kim loại và dùi cui đánh đập ông.
Ông Đặng bị bầm tím nghiêm trọng sau khi bị đánh đập
Ngày 5 tháng 10 năm 2021, bà Ngô Tú Anh ở thị trấn Đan Cảnh Sơn bị lục soát nhà cửa. Sau đó, bà bị đưa đến Bệnh viện Tâm thần Thành phố Bành Châu. Trong 27 ngày bị giam giữ ở đây, bà thường xuyên bị tiêm loại thuốc không rõ nguồn gốc.
Các trường hợp tử vong trước đây
Bà Lý Vĩnh Tú ở thị trấn Long Phong đã nhiều lần bị bắt và giam tại Trung tâm tẩy não Bành Châu và bệnh viện tâm thần. Bà bị tiêm thuốc độc khiến cơ thể sưng vù. Bà bị tra tấn đến mức không thể tự chăm sóc bản thân. Bà đã qua đời vào ngày 21 tháng 2 năm 2016, sau một thời gian dài bị sách nhiễu và đe dọa.
Bà Liêu Thường Quỳnh khoảng 60 tuổi ở thị trấn Mông Dương đã bị bắt nhiều lần kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu. Vào cuối tháng 12 năm 2000, bà đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và bị bắt bởi Trịnh Quý Hoa, bí thư đảng của thị trấn Mông Dương. Bà đã bị đánh đập vô cùng tàn bạo. Cảnh sát mang giầy da và đá, giẫm lên người bà Liêu khiến bà bất tỉnh nhiều lần.
Sau khi gia đình đón bà Liêu về nhà bằng một chiếc xe ba bánh, họ nhận thấy bà đã bị tra tấn đến mức gần như chỉ còn da bọc xương. Bà bị cổ trướng và sa trực tràng. Bà đã phải nằm liệt giường trong 3 năm rưỡi.
Tháng 8 năm 2010, Lưu Chính Phương và một số người khác của Phòng 610 Mông Dương đã bắt bà Liêu và đưa bà đến Trung tâm Tẩy não Tam Thánh Tự ở thị trấn Quế Hoa để ép bà từ bỏ Pháp Luân Công. Có vẻ như đồ ăn của bà đã bị bỏ thuốc độc, vì cơ thể trở lên mất hết sức lực và đau nhức sau khi bà trở về nhà. Tình trạng của bà ngày càng xấu đi và bà đã sớm qua đời vào ngày 29 tháng 2 năm 2012.
Tháng 11 năm 2009, ông Hồ Định Phương ở thị trấn Long Phong đã bị bao vây bởi cảnh sát củaĐồn Công an Quan Khẩu trong khi ông đang đi mua thức ăn. Ông đã bị dẫm giẫm lên người và đánh đập. Ông nằm liệt giường và đã qua đời sau chưa đầy 6 tháng.
Tháng 6 năm 2000, bà Đàm Diên Phương ở thị trấn Mông Dương đã bị bắt và đưa đến một phòng tra tấn bí mật và bà cũng bị tra tấn ở đó. Họ đã cố gắng tống tiền bà một khoản tiền lớn. Vì bà không đủ khả năng chi trả, nên họ đã bắt bà lao động khổ sai không công vào ban ngày và đánh đập bà vào ban đêm trong suốt hai tháng. Họ đưa bà đi diễu phố để làm nhục bà. Bà bị đánh đến gãy răng cửa. Sau đó hàng ngày bà đều nôn ra máu và cơ thể vô cùng tiều tụy. Bà đã qua đời vào tháng 12 năm 2003.
Tháng 6 năm 2002, bà Diệp Văn Anh ở thị trấn Thiên Bành bị bắt giữ bởi Khương Hoài Quý và các cảnh sát của Đồn Công an phía Tây thành phố Bành Châu. Bà bị đưa đến trại tạm giam Thành phố Bành Châu. Ở đó, các nhân viên Vương Đông và La Khoa đã đánh bà bằng một thanh kim loại và đá vào ngực bà. Có lần, La Khoa đã thả bà Diệp từ độ cao một mét xuống sàn bê tông và nói: “Quá đã!” Bà Diệp bị tra tấn đến mức bị teo cơ, đại tiểu tiện mất tự chủ và các chức năng dạ dày bị tổn thương nghiêm trọng. Bà được đưa về nhà vào ngày 28 tháng 11 năm 2003 và qua đời trong ngày hôm đó, ở tuổi 61.
Cô Lưu Bang Tú ở thị trấn Mông Dương đã bị bắt và đưa đến Trung tâm tẩy não Bành Châu bởi cảnh sát Lưu Chính Phương và Kiều Lập Quân vào năm 2003. Vương Đông và La Khoa đã bức thực cô bằng bột nhão làm từ 400 gam muối ăn và một ít bột ngô. Sau đó họ đưa cô vào phòng giam và nơi này không có nguồn nước. Cô Lưu cảm thấy vô cùng khát và quằn quại trong đau đớn suốt cả đêm. Sau đó họ đã đưa cô đến bệnh viện tâm thần để tiếp tục bức hại. Không lâu sau khi được đưa về nhà vào năm 2003, cô bị đau lưng và đột ngột qua đời không lâu sau đó, khi mới 34 tuổi.
Tháng 10 năm 2002, cô Đường Phát Phân ở thị trấn Mông Dương đã bị nhân viên của Phòng 610 Thành phố Bành Châu bắt giữ cùng với chồng cô là anh Trịnh Duy Cương. Cô bị giam tai trung tâm tẩy não của thành phố trong nhiều tháng. Điều kiện sống tồi tệ khiến cơ thể cô chằng chịt những vết ghẻ lở rỉ máu. Cô bị đưa tới Trại Lao động Nam Mộc Tự vào ngày 3 tháng 3 năm 2003. Mười ngày sau, mạng sống của cô gặp nguy hiểm. Cô đã qua đời sau hai ngày được đưa về nhà, khi đó cô 32 tuổi.
Một đêm trong tháng 5 năm 2002, ông Đường Tiểu Thành ở thị trấn Long Phong đã bị bắt trong khi đang đạp xe đi dán các áp phích Pháp Luân Công. Ông bị đánh chảy máu miệng và mũi. Ông bị giam tại Bệnh viện Tâm thần Thành phố Bành Châu và qua đời một tháng sau khi được thả ở tuổi 40.
Ông Viên Thánh Thiên ở thị trấn Trúc Ngõa đã bị bắt vì đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Các nhân viên của Phòng 610 địa phương đã đánh đập ông và bắt ông đi diễu phố với đeo một tấm bảng ghi những dòng chữ nhục mạ ông. Khi ở trong Trại lao động Tân Hoa, ông đã bị tra tấn và bị nội thương nghiêm trọng. Ông qua đời vào ngày 27 tháng 4 năm 2002 ở tuổi 46.
Bài liên quan bằng tiếng Trung:
https://www.minghui.org/mh/articles/2022/1/15/436823.html
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/2/25/439342.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/3/10/199477.html
Đăng ngày 21-04-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.