Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 10-02-2022] Tháng đầu tiên của năm 2022 đã ghi nhận 132 học viên Pháp Luân Công bị kết án tù vì kiên định đức tin, trong đó 8 trường hợp kết án trong năm 2020, 88 trường hợp năm 2021 và 36 trường hợp trong năm 2022.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Kể từ đó, vô số học viên đã bị bắt, giam giữ, kết án và tra tấn vì kiên định đức tin của họ. Tuy nhiên, do sự kiểm duyện thông tin nghiêm ngặt ở Trung Quốc, các trường hợp bức hại vẫn luôn không thể được báo cáo kịp thời hoặc đầy đủ thông tin.

132 trường hợp bị kết án mới được xác nhận trong tháng 1 năm 2022 phân bố trên 20 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Bắc Kinh (thành phố đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022) có số vụ bắt giữ cao nhất với 17 trường hợp, tiếp theo là các tỉnh Quảng Đông (16), Hắc Long Giang (14), Liêu Ninh (12), Cát Lâm (11), Hà Bắc (10) và Sơn Đông (10). Những khu vực còn lại ghi nhận từ 1 đến 8 trường hợp.

anh-1.jpg

Biểu đồ phân bố các bản án theo tỉnh

Tính đến hết tháng 1 năm 2022, trong số các học viên bị kết án, ít nhất có 31 người từ 60 tuổi trở lên, cụ thể: 13 người từ 61-70 tuổi, 12 người từ 71-80 tuổi, và 6 người trên 80 tuổi.

anh-2.jpg

Biểu đồ phân bố các bản án theo thời hạn

Giữa tháng 1 năm 2022 (chỉ vài tuần trước khi Thế vận hội Mùa đông khai mạc ở Bắc Kinh), chính quyền cộng sản đã kết án 11 cư dân địa phương từ 2 đến 8 năm tù vì chỉ họ đã gửi cho truyền thông nước ngoài những bức ảnh chụp quang cảnh vắng vẻ của thành phố trong thời gian bùng phát đại dịch.

Trong một email gửi thời báo The Epoch Times, một quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho hay, trước sự vi phạm nhân quyền trắng trợn [của chính quyền Trung Quốc], Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã hối thúc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “ngay lập tức chấm dứt hành vi bạo hành và ngược đãi học viên Pháp Luân Công, trả tự do cho những người đang bị giam giữ chỉ vì có tín ngưỡng, đồng thời điều tra rõ tung tích của các học viên bị mất tích.”

Trong email còn viết: “Từ năm 1999 đến nay, ĐCSTQ không ngừng tìm cách tiêu diệt Pháp Luân Công và những người tu luyện ôn hòa, bao gồm những người bảo vệ nhân quyền đấu tranh cho quyền thực hành tín ngưỡng của mình.”

Vị quan chức này còn viết: “Một lượng lớn bằng chứng cho thấy đến tận hôm nay, chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vẫn đang đàn áp và ngược đãi quần thể người này (học viên Pháp Luân Công)”, và “mỗi năm, hàng ngàn hàng vạn học viên Pháp Luân Công đối mặt với việc bị giam cầm, sách nhiễu và được báo cáo là đã bị tra tấn và ngược đãi chỉ vì thực hành đức tin của mình một cách hòa bình.”

Ông David Matas, một luật sư nhân quyền ở Canada, đã nhận thấy có một mối liên hệ trực tiếp giữa những bản án nặng với Thế vận hội Mùa đông đang đến gần. Việc kết án như vậy cho thấy rằng ĐCSTQ muốn đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Ông cũng nói rằng, trên thực tế, ĐCSTQ thường gia tăng bức hại trước và trong các sự kiện lớn như thế vận hội để ngăn cản những người bất đồng chính kiến phơi bày sự bạo chính của nó với người nước ngoài.

Ông Matas giải thích rằng những bản án nặng mà ĐCSTQ áp cho các học viên Pháp Luân Công hoàn toàn mang tính chính trị. Ở Trung Quốc cộng sản, việc ĐCSTQ kết án như vậy là nhằm uy hiếp với bất kỳ hành vi hoặc tín ngưỡng nào không đủ “trung thành” với Đảng. Việc định lượng mức án đối với các học viên Pháp Luân Công cũng là hành động mang tính chính trị của chế độ và thiếu tính nhất quán. Với Thế vận hội Mùa đông đang đến gần, ĐCSTQ đã đưa ra những bản án nặng hơn nhằm đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến, nhằm mang lại một hình ảnh đẹp trong mắt du khách. Tuy nhiên những thủ đoạn này càng khiến diện mạo của ĐCSTQ càng xấu xí hơn.

Bên dưới là tóm tắt về một số trường hợp bị kết á tù trong tháng 1 năm 2022.

Bị kết án trước Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh

Bắc Kinh: 11 học viên Pháp Luân Công bị kết án tù trước thềm Thế vận hội Mùa đông

Ngày 14 tháng 1 năm 2022, Toà án Quận Đông Thành ở Bắc Kinh đã kết án 11 học viên Pháp Luân Công, sau khi họ bị bắt vì gửi những tấm ảnh chụp thành phố vắng tanh trong đại dịch cho tuyền thông hải ngoại. Việc kết án diễn ra chỉ vài tuần trước Thế vận hội Mùa đông 2022 (kéo dài từ ngày 4 đến 20 tháng 2 tại Trung Quốc).

– Bà Hứa Na bị kết án 8 năm cùng 20.000 nhân dân tệ tiền phạt.
– Ông Lý Tông Trạch, ông Lý Lập Tân, bà Trịnh Ngọc Khiết và bà Trịnh Diễm Mỹ mỗi người bị kết án 5 năm cùng 10.000 nhân dân tệ tiền phạt.
– Bà Đặng Tĩnh Tĩnh, ông Trương Nhậm Phi, ông Lưu Cường và bà Mạnh Khánh Hà mỗi người bị kết án 4 năm cùng 8.000 nhân dân tệ tiền phạt.
– Bà Lý Giai Hiên và bà Tiêu Mạnh Kiều mỗi người bị kết án 2 năm cùng 4.000 nhân dân tệ tiền phạt.

Ngày 19 tháng 7 năm 2020, hơn 100 cảnh sát đã vây bắt 11 học viên nói trên. Người của Bộ An ninh Quốc Gia đã thấy những bức ảnh chụp Bắc Kinh được đăng trên website The Epoch Times vào tháng 6 năm 2020. Thông qua các video của camera giám sát, cảnh sát thấy bà Hứa cùng những học viên khác đi lại qua các khu vực đó nên đã bắt đầu theo dõi họ.

Sau khi truy tố các học viên vào ngày 2 tháng 4 năm 2021, thẩm phán của Tòa án Quận Đông Thành đã ngăn cản các luật sư xem hồ sơ vụ án. Ông ta ra quyết định rằng họ chỉ được xem hồ sơ của các vụ án khi tất cả các luật sư đại diện cho 11 học viên đến tòa cùng một lúc. Ngoài ra, các luật sư không được phép sao chép hoặc chụp ảnh các tài liệu, cũng như tòa án sẽ không cung cấp bất kỳ bản sao nào, dù dưới dạng bản giấy hoặc tệp (file) điện tử.

Các học viên này đã bị xét xử vào ngày 15 tháng 10 năm 2021 và bị kết án vào ngày 14 tháng 1 năm 2022.

Trước bản án gần nhất này, bà Hứa cũng từng bị chính quyền nhắm đến trong Thế vận hội Bắc Kinh 2008 và bị kết án 3 năm tù vào tháng 11 năm 2008. Chồng bà, ông Vu Trụ (một ca sỹ dân ca nổi tiếng) đã qua đời ở tuổi 42, sau 11 ngày bị giam giữ (sau một vụ bắt giữ xảy ra vào tháng 1 năm 2008).

Một học viên khác ở Bắc Kinh cũng bị kết án trước Thế vận hội Mùa đông

Một học viên khác ở Bắc Kinh là ông Lôi Trung Phú cũng bị kết án trước Thế vận hội Mùa đông.

Vào khoảng tháng 8 năm 2020, ông Lôi bị bắt và vẫn đang bị giam giữ. Trước đó ông bị bắt giữ trong chiến dịch “Xoá sổ” hồi tháng 3 năm 2020 (một chiến dịch sách nhiễu có sự phối hợp của nhiều cơ quan chính quyền nhắm vào các học viên có tên trong danh sách đen của chính phủ). Một học viên khác bị bắt cùng với ông là bà Triệu Xuân Anh cũng đã bị giam kể từ tháng 3 năm 2020.

Đầu năm 2022, toà án án gọi điện yêu cầu gia đình ông Lôi đến nhận bản án của ông (các chi tiết khác về bản án của ông hiện vẫn đang được điều tra).

Ông Lôi là nhân viên nghỉ hưu của Cục Xây dựng Số 2 Trung Quốc. Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, ông đã bị bắt giam nhiều lần. Ông từng bị bắt vào ngày 9 tháng 3 năm 2002 và bị kết án 3 năm tù. Giống như bà Hứa, ông cũng bị bắt giữ trước thềm Thế vận hội Bắc Kinh 2008 và bị giam hơn 3 năm trong Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia khét tiếng ở tỉnh Liêu Ninh.

Trong chiến dịch sách nhiễu xảy ra vào tháng 3 năm 2020, ông bị cưỡng chế kiểm tra sức khoẻ, lấy mẫu máu và chụp hình. Cảnh sát cũng buộc ông ký tên vào một biên bản tuyên bố rằng ông tự nguyện kiểm tra sức khoẻ trước khi cho phép ông về nhà.

Hai phụ nữ ngoài 30 tuổi ở Bắc Kinh bị kết án tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Ngày 10 tháng 12 năm 2021, Tòa án Quận Hải Điến đã tuyên án cô Lưu Tử Tuyền và Diệp Lâm Lâm. Cả hai học viên này đều đã nộp đơn kháng cáo.

Khoảng 10 giờ tối ngày 7 tháng 8 năm 2019, cô Lưu Tử Tuyền, 30 tuổi và cô Diệp Lâm Lâm, 32 tuổi bị bắt giữ tại căn hộ mà họ thuê chung với nhau tại Bắc Kinh. Cảnh sát thuộc Đồn Công an Tây Tam Kỳ đã lục soát nơi ở của họ và tịch thu sách Pháp Luân Công, máy in, máy tính và 40-50 tờ rơi thông tin về Pháp Luân Công.

Sau đó, công tố viên cho biết rằng hai cô đã bị ghi hình qua camera giám sát khi họ đi vào một khu dân cư và vì vậy mà họ bị nghi ngờ đã phát tài liệu Pháp Luân Công ở đó. Các tập sách nhỏ được cảnh sát tìm thấy trong khu phố được sử dụng làm bằng chứng để truy tố họ.

Cảnh sát đã ra lệnh cho hai cô viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Họ còn cho hai cô xem các bản tuyên bố [từ bỏ Pháp Luân Công] của hai học viên khác và bảo hai cô hãy đổ lỗi cho người khác để minh oan cho bản thân. Tuy nhiên cả hai cô đều từ chối thỏa hiệp với yêu cầu vô lý này của cảnh sát. Kể từ đó cả hai bị giam ở Trại tạm giam quận Hải Điến.

Ban đầu, Tòa án Quận Hải Điến lên lịch cho một phiên xét xử vào tháng 9 năm 2020, nhưng sau đó đã hoãn ít nhất 5 lần. Cuối cùng, đến ngày 25 tháng 2 năm 2021 phiên tòa mới được tổ chức.

Ngày 4 tháng 8 năm 2021, trong phiên xét xử thứ hai, bà của cô Lưu Tử Tuyền và mẹ của cô Diệp Lâm Lâm đã đến tham dự. Thẩm phán Đàm Dật Thành cho rằng bà của cô Lưu không phải thuộc gia đình trực hệ của cô Lưu, nên ông ta không cho phép bà vào phòng xử án, mặc dù bà là người duy nhất trong gia đình cô đến dự phiên tòa.

Khi bà của cô Lưu cố gắng giải thích với thẩm phán Đàm thì một cảnh sát đi đến quát tháo bà. Anh ta cùng với một người nữa kéo bà cụ ra khỏi phòng xử án. Mẹ của cô Diệp thì được phép vào trong tham dự phiên tòa.

Bị kết án vì lên tiếng cho đức tin của mình

Người đàn ông bị kết án bí mật sau khi bị bí thư thôn tố giác vì nói với ông ta về Pháp Luân Công

Chiều ngày 23 tháng 3 năm 2021, ông Vương Đức Phúc ở huyện Định Hưng, tỉnh Hà Bắc, đi đến thôn Tiêu Kim Trang gần đó để giảng chân tướng về cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Ông đã chạm mặt bí thư thôn tên là Tiêu Thiểm, người này không lắng nghe và đập đầu ông vào tường khiến đầu ông bê bết máu. Tiêu đã gọi cảnh sát đến bắt ông Vương về Đồn Công an thôn Liễu Trác. Sau khi xét nghiệm virus corona, ông đã bị đưa đến trại tạm giam Huyện Định Hưng.

Gia đình của ông Vương chưa từng được phép vào thăm ông hoặc gửi các vật dụng thiết yếu cho ông. Sau đó, một lính canh tiết lộ với họ rằng ông Vương đã bị kết án 3 năm tù và sẽ bị chuyển đến Nhà tù Ký Đông.

Không lâu sau, vợ của ông Vương nhận được thư từ nhà tù, trong đó nói rằng ông đã bị kết án 3 năm với tội danh “phá hoại việc thực thi pháp luật” (một cái cớ tiêu chuẩn được chính quyền được sử dụng để khép tội các học viên Pháp Luân Công) và hiện đang bị giam giữ tại Nhà tù Số 4 Ký Đông. Lá thư đề ngày 20 tháng 12, và trong đó cũng nói rằng án tù của ông được định đoạt bởi các nhà cầm quyền ở Bảo Định, và nó không liên quan gì đến huyện Định Hưng (nơi thuộc thẩm quyền quản lý của Bảo Định).

Việc ông Vương bị kết án tù đã khiến gia đình ông vô cùng suy sụp. Mẹ ông đã làm phẫu thuật lưng và mãi đến gần đây bà cụ mới có thể tự đi lại. Vợ ông vẫn đang rất đau buồn trước việc chồng mình bị cầm tù. Ngoài ra, ông còn có một người anh trai bị mù.

Người phụ nữ Hà Bắc bị kết án sau khi bị camera giám sát ghi lại cảnh bà phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công

Ngày 30 tháng 6 năm 2021, bà Lý Liên Diệp ở thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, đã bị bí thư của thị trấn Đại Xã báo cảnh sát vì phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công vào đêm hôm trước. Cảnh sát đã xác định được biển số xe của bà Lý và lần được nơi ở của bà thông qua hệ thống camera giám sát.

Vào lúc 8 giờ tối ngày 15 tháng 7 năm 2021, một nhóm cảnh sát đã bắt giữ bà Lý tại nhà và tịch thu xe hơi cá nhân và một chiếc điện thoại di động của bà. Sau khi bị thẩm vấn tại Đồn Công an thôn Thổ Sơn, bà bị đưa tới trại tạm giam Số 3 Thành phố Hàm Đan.

Ngày 17 tháng 7, cảnh sát đã trở lại nhà bà Lý và khám xét tầng hầm của nhà bà. Dựa trên thông tin từ điện thoại di động của bà, họ đã tìm thấy một nơi ở khác của bà và lục soát nơi này vào ngày 18 tháng 7.

Ngày 6 tháng 12 năm 2021, Tòa án huyện Từ đã xét xử bà Lý từ xa qua video tại trại tạm giam. Luật sư đã biện hộ vô tội cho bà. Sau đó thẩm phán tuyên án bà 3 năm tù và 3.000 Nhân dân tệ vào ngày 4 tháng 1 năm 2022.

Người đàn ông Chiết Giang bị kết án tù vì nói với học sinh chơi cờ vây của mình về Pháp Luân CôngÔng Hồng Trường ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang đã bị bắt vào ngày 24 tháng 4 năm 2021 vì nói với các học sinh học mà ông dạy chơi cờ vây về Pháp Luân Công. Trong thời gian ở trại tạm giam địa phương, lính canh đã bố trí sáu tù nhân giám sát và tra tấn ông. Họ không cho ông gặp mặt hay gọi điện cho người nhà, cũng như hạn chế ông nói chuyện với người khác hay mua nhu yếu phẩm hàng ngày.

Tòa án quận Tây Hồ đã kết án ông 5 năm tù và phạt 50.000 nhân dân tệ vào cuối tháng 12 năm 2021.

Trước bản án gần nhất này, ông Hồng từng lãnh một án lao động cải tạo, hai án tù, với tổng cộng 8 năm thụ án, cũng chỉ vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công. Ở trong trại lao động, ông bị tra tấn bằng ghế cọp, bức thực bằng nước tiêu nóng và các ngón chân bị đốt cháy bằng bật lửa.

Trong khi đang thụ án tù, lính canh và tù nhân thường không cho ông ngủ và bắt ông phải đứng 20 tiếng một ngày. Họ cũng bỏ đói và còng tay ông ra sau lưng, dùng dùi cui sốc điện vào cổ ông.

Người phụ nữ Liêu Ninh bị kết án 4,5 năm tù vì đăng thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công trên Twitter

Bà Tống Hiểu Mỹ, 51 tuổi, ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, bị bắt tại nhà vào ngày 1 tháng 6 năm 2021. Cảnh sát đã từ chối xuất trình giấy tờ chứng minh thân phận dù gia đình bà liên tục yêu cầu. Hơn 70 cuốn sách Pháp Luân Công, nhiều điện thoại di động và một máy tính của bà Tống đã bị tịch thu.

Tại Đồn Công an Phúc Đức, cảnh sát Mạnh Phồn Vũ đã đánh vào đầu bà Tống và lăng mạ bà. Ông ta cũng ra lệnh cho bà mở khóa điện thoại di động của mình nhưng bà từ chối. Huyết áp của bà tăng cao. Cảnh sát cũng cố gắng lừa gia đình bà ra làm chứng chống lại bà, bằng cách hứa sẽ để bà hưởng một mức án nhẹ hơn nếu họ đồng ý hợp tác.

Cảnh sát nói rằng trong chuyến đi tới Nhật Bản, bà Tống đã viết những dòng tweet thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công và “nhục mạ” các lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và những thông tin đó đã được một số người chuyển tiếp. Do đó, bà bị buộc tội “phá hoại việc thực thi pháp luật” và vụ bắt giữ bà đã được phê chuẩn vào ngày 17 tháng 6.

Sau đó, thông qua luật sư của bà Tống gia đình biết rằng cảnh sát Mạnh đã đánh đập bà sau khi bắt giữ bà. Khi gia đình muốn tìm kiếm công lý cho bà, một cảnh sát khác đã nói với họ: “Chúng tôi sẽ không giải quyết bất kỳ khiếu nại nào liên quan tới Pháp Luân Công. Các vị có thể nộp đơn khiếu nại với bất kỳ ai mà các vị muốn”.

Tòa án Quận Phổ Lan Điếm đã xét xử bà Tống vào ngày 29 tháng 11 năm 2021 mà không thông báo tới gia đình bà. Luật sư đã biện hộ vô tội cho bà. Gần đây gia đình biết rằng bà đã bị kết án 4,5 năm và bà đã kháng cáo.

Kỹ sư thiết bị đo đạc cao cấp bị kết án tù vì phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công

Bà Cận Thừa Vinh, 57 tuổi, một kỹ sư thiết bị đo đạc cao cấp ở Thiên Tân, đã bị kết án tù vì phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công.

Tháng 12 năm 2020, cảnh sát của Đồn Công an Thụy Cảnh đã bắt giữ bà và lục soát nhà. Bà bị giam trong trại tạm giam Quận Bắc Thần. Vào tháng 8 năm 2021, bà đã bị xét xử một cách bí mật và bị kết án 3 năm tù cùng khoản phạt 10.000 Nhân dân tệ. Kể từ khi bà bị đưa tới Nhà tù Nữ Thành phố Thiên Tân, gia đình vẫn chưa được phép vào thăm bà.

Bà Cận từng bị huyết áp thấp, tăng sản vú, ho mãn tính và ung thư tuyến giáp. Sau khi tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996, tất cả các bệnh của bà đều biến mất. Bà cảm thấy cần phải chia sẻ câu chuyện của bản thân với mọi người và giảng chân tướng về Pháp Luân Công, vì vậy bà thường phân phát tài liệu thông tin về pháp môn vào thời gian rảnh rỗi.

Trước án tù gần nhất này, bà Cận từng bị bắt vào tháng 1 năm 2007 và bị kết án 3 năm tù với 3 năm quản chế. Việc bà liên tục bị bức hại đã khiến gia đình bà sống trong sợ hãi. Nơi làm việc của bà cũng cắt giảm lương tháng của bà xuống còn 700 Nhân dân tệ, trong giai đoạn từ ngày 18 tháng 5 năm 2007 đến ngày 18 tháng 5 năm 2010.

Một người đàn ông ở tỉnh Quảng Đông bị kết án 8 năm tù vì giúp nâng cao nhận thức về Pháp Luân CôngÔng Quản Di Bác, 52 tuổi, ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông đã bị kết án 8 năm tù cùng với 5.000 nhân dân tệ tiền phạt vì đã truyền rộng thông tin về Pháp Luân Công.

Ngày 30 tháng 5 năm 2019, ông Quản đã bật thiết bị phát wifi di động trong khi đang ngồi tàu điện ngầm đến nơi làm việc. Khi hành khách kết nối wifi của ông, họ sẽ nhận được thông tin về Pháp Luân Công qua điện thoại. Một hành khách nhận được thông tin đã báo cáo ông với cảnh sát. Sáng hôm sau, cảnh sát đã chờ sẵn ở ga tàu điện và bắt ông Quản khi ông đang trên đường đi làm. Nhà của ông cũng bị lục soát.

Ngày 1 tháng 6, ông Quản bị đưa đến Trại giam Số 2 Thành phố Thâm Quyến và sau đó ông bị chuyển đến trại tạm giam Quận Nam Sơn vào ngày 16 tháng 9.

Ngày 19 tháng 3 năm 2021, Tòa án Quận Nam Sơn đã mở phiên xét xử ông Quản từ xa qua video. Thẩm phán ra phán quyết vào ngày 28 tháng 7. Ông Quản đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Thành phố Thâm Quyến, nhưng tòa án này đã ra phán quyết giữ nguyên bản án ban đầu của ông vào ngày 18 tháng 9.

Ông Quản là trụ cột duy nhất của gia đình. Việc ông bị kết án tù đã khiến cho cha mẹ già và con nhỏ của ông vô cùng suy sụp.

Học viên cao tuổi bị nhắm đến

Cụ bà 84 tuổi bị kết án tù vì kiên định đức tin sau khi bị mất chồng vì cuộc bức hại

Gần đây, cụ bà Ấn Văn Yến, 84 tuổi, một goá phụ ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đã bị kết án 1 năm tù với 1 năm quản chế vì tu luyện Pháp Luân Công. Cục tư pháp địa phương còn yêu cầu bà Ấn phải đến báo cáo với họ hai lần một tuần. Nếu có ý định đi ra khỏi địa phận Vũ Hán, bà phải nộp đơn xin phép lên cục tư pháp. Theo dự kiến, bản án của bà sẽ kết thúc vào ngày 21 tháng 10 năm 2022.

Bà Ấn là một kỹ sư y tế cao cấp đã nghỉ hưu. Bà đã bị báo cáo vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công vào ngày 2 tháng 8 năm 2019. Cảnh sát đã lần ra được nơi ở của bà thông qua các video giám sát và bắt bà ba ngày sau đó và lục soát nhà bà. Bà bị thẩm vấn tại Đồn Công an Thủy Quả Hồ đến 2 giờ sáng và sau đó được tại ngoại. Một năm sau đó, cảnh sát liệt bà vào diện giám sát tại nơi cư trú vào ngày 5 tháng 8 năm 2020.

Trong thời gian đó các nhà chức trách vẫn không ngừng sách nhiễu bà. Đó cũng là thời điểm con trai bà qua đời vì bạo bệnh. Trong khi vẫn chưa nguôi ngoai sau cái chết của con trai, bà Ấn và người chồng ốm yếu của bà đã phải sống xa nhà để tránh bị chính quyền sách nhiễu thêm. Chồng bà không chịu nổi áp lực tinh thần và đã qua đời không lâu sau đó.

Lo lắng cho bà Ấn, một người họ hàng của bà đã mời bà đến ở cùng họ, tuy nhiên cảnh sát vẫn tiếp tục sách nhiễu bà qua điện thoại. Không muốn người thân của mình bị liên lụy, bà Ấn trở về nhà vào tháng 12 năm 2020. Cảnh sát đã sớm đến gõ cửa nhà bà. Một nhân viên của Cục Tư pháp Quận Vũ Xương cũng đã gọi điện cho bà, nhưng từ chối tiết lộ danh tính với bà.

Cảnh sát nói rằng họ đã nộp hồ sơ của bà lên Viện Kiểm sát Quận Vũ Xương. Công tố viên đã truy tố bà vào ngày 4 tháng 1 năm 2021 và chuyển hồ sơ của bà sang Tòa án Quận Vũ Xương. Bà đã ra hầu tòa vào ngày 23 tháng 7 năm 2021.

Vào cuối tháng 12 năm 2021, hai viên chức Tòa án Quận Vũ Xương đã đến gặp bà Ấn và giao bản án cho bà, trong đó ghi bà đã bị kết án 1 năm tù với 1 năm quản chế và bị phạt 2.000 nhân dân tệ. Bà cũng được yêu cầu phải tham gia một “chương trình cải huấn cộng đồng” trong thời gian thụ án.

Hai cụ bà ngoài 80 tuổi bị kết án tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Ngày 22 tháng 12 năm 2021, hai cụ bà ở thành phố Song Áp Sơn, tỉnh Hắc Long Giang đã bị kết án tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Ngày 20 tháng 12, Toà án Hồng Hưng Long đã triệu tập bà Dương Văn Thục và bà Lưu Quế Thanh (cả hai đều ngoài 80 tuổi). Bởi họ từ chối đến tòa vì lý do sức khoẻ, nên hai ngày sau, quan chức toà án đã tới nhà họ để công bố bản án.

Bà Dương, 80 tuổi và bà Lưu, 83 tuổi, đều bị kết án 1 năm tù và một khoản tiền phạt. Ban đầu, bà Dương bị kết án 6 tháng, nhưng bởi bà từ chối nhận tội và hối thúc các nhân viên toà án không tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công, nên thẩm phán đã tăng án tù của bà lên thành 1 năm.

Hai học viên bị phụ huynh của một học sinh tố giác vì nói chuyện với học sinh này về Pháp Luân Công vào ngày 14 tháng 10 năm 2020. Cảnh sát đã xác định được vị trí của họ thông qua hệ thống camera giám sát và theo dõi họ trong hai ngày tiếp theo.

Ngày 16 tháng 10, bà Dương và bà Lưu bị bắt khi đang phân phát tài liệu Pháp Luân Công trong một khu dân cư. Cảnh sát đã lục soát nhà và tịch thu các sách Pháp Luân Công, ảnh chân dung của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, máy tính, máy in, giấy in và tiền giấy có in thông tin về Pháp Luân Công của họ. (Bởi sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt ở Trung Quốc, nhiều học viên đã và đang sử dụng những cách sáng tạo để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, trong đó có việc in các thông điệp ngắn gọn trên các tờ tiền giấy.)

Vào lúc 9 giờ tối cùng ngày, cả hai học viên đã được thảm, nhưng họ buộc phải đeo vòng tay theo dõi GPS và bị cấm rời khỏi khu vực do cảnh sát chỉ định. Bà Lưu bắt đầu gặp khó khăn khi đi lại. Cảnh sát đứng ở bên ngoài căn hộ của hai học viên để theo dõi họ. Bởi hai học viên là hàng xóm của nhau, nên họ bị cáo buộc tụ tập trái phép mỗi khi gặp nhau. Sau đó, viên cảnh sát mà trước đó đã trình hồ sơ vụ việc của hai học viên lên viện kiểm sát cũng sách nhiễu họ vài lần, hỏi họ một số câu hỏi, và chụp hình họ.

Tỉnh Hà Bắc: Người phụ nữ 73 tuổi bị kết án 5,5 năm tù vì kiên định đức tin

Gần đây bà Lưu Lệ Lỵ, 73 tuổi, ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc đã bị kết án 5,5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Được biết không có phiên xét xử chính thức nào được tổ chức và phán quyết được tuyên tại trại tạm giam Số 1 Thành phố Đường Sơn. Thông tin chi tiết khác về án tù của bà Lưu hiện vẫn đang được điều tra.

Bản án mới nhất này của bà Lưu bắt nguồn từ một vụ đổ độ của cảnh sát vào ngày 13 tháng 7 năm 2019, khi đó hơn 30 cảnh sát đã xông vào nhà bà Lưu và lục soát nơi này. Mặc dù sau khi người mẹ chồng nằm liệt giường của bà van xin, cảnh sát đã mủi lòng và không bắt giữ bà Lưu, nhưng họ vẫn thường xuyên quay lại sách nhiễu và chụp ảnh bà Lưu cùng gia đình.

Sự sách nhiễu đã gây thương tổn to lớn cho mẹ chồng bà Lưu (đã ngoài 90 tuổi) và chồng bà, người đang phải vật lộn với di chứng sau cơn đột quỵ và mù lòa trong hơn hai thập kỷ. Kết quả là, họ đều đã qua đời không lâu sau đó.

Bà Lưu vẫn luôn có sức khỏe tốt kể từ khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996, và có thể chăm sóc cho người chồng nằm liệt giường và mẹ chồng của mình. Tuy nhiên, sức khỏe của bà bị giảm sút nhanh chóng sau khi liên tục bị cảnh sát sách nhiễu.

Cảnh sát lục soát nhà bà Lưu một lần nữa vào tháng 8 năm 2020 và đưa bà tới trại tạm giam địa phương để thẩm vấn. Bà khẳng định rằng bà không làm gì sai khi tu luyện Pháp Luân Công. Sau khi trại tạm giam Số 1 Thành phố Đường Sơn từ chối nhận bà sau khi phát hiện bà mắc nhiều căn bệnh, cảnh sát đã ép con trai bà phải nộp 10.000 nhân dân tệ tiền bảo lãnh để trả tự do cho bà.

Trong vài tháng sau đó, cảnh sát sách nhiễu và đe dọa bà Lưu thêm vài lần. Không bao lâu sau khi bà bị đưa tới viện kiểm sát để trả lời một số câu hỏi vào tháng 2 năm 2021, cảnh sát đã cố gắng bắt giam bà vào ngày 17 tháng 3. Sau khi trại tạm giam Số 1 Thành phố Đường Sơn một lần nữa từ chối tiếp nhận bà vì lý do sức khỏe. Tuy nhiên cảnh sát đã cố gắng gây sức ép để lính canh tiếp nhận bà vào ngày 20 tháng 3.

Hai người phụ nữ Hà Nam 60 và 80 tuổi, bị kết án tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Hai cư dân thành phố Tín Dương, tỉnh Hà Nam đang kháng cáo bản án oan sai của họ chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công.

Ngày 22 tháng 6 năm 2021, bà Bạch Ngọc Trân (80 tuổi) bị bắt giữ tại nhà. Đúc lúc đó, bà Cận Ngọc Linh (60 tuổi) tình cờ tới nhà bà Bạch nên cũng bị bắt giữ và đều bị lục soát nhà cửa.

Ngày 14 tháng 12 năm 2021, Tòa án Huyện Hoàng Xuyên đã xét xử bà Cận và bà Bạch ở trong trại tạm giam Số 1 Thành phố Tín Dương. Bởi tuổi tác cao, bà Bạch đã loạng choạng khi bước vào phòng xử án tạm. Thẩm phán đã cho còng tay cả hai nữ học viên trong suốt phiên xét xử.

Công tố viên Ngô Vi Thần của Viện Kiểm sát huyện Hoàng Xuyên đã buộc tội họ “phá hoại việc thực thi pháp luật,” cái cớ tiêu chuẩn được chính quyền Trung Quốc sử dụng để hình sự hóa các học viên Pháp Luân Công. Ông ta đưa ra các sách Pháp Luân Công, tài liệu thông tin, máy nghe nhạc và tiền giấy bị tịch thu từ nhà của họ để làm bằng chứng truy tố họ.

Một bằng chứng khác là đoạn video trích từ camera giám sát có ghi lại hình ảnh hai người phụ nữ ở trong một trung tâm thương mại. Trong video, cả hai phụ nữ đều đeo khẩu trang và đội mũ, nên không thể thấy rõ họ có phải là bà Bạch và bà Cận hay không. Cũng không rõ là bà Bạch và bà Cận có thừa nhận rằng họ là người ở trong đoạn video hay không.

Luật sư của hai học viên đã biện hộ vô tội cho họ. Các học viên cũng làm chứng để bào chữa cho chính mình và kể lại họ đã được thụ ích như thế nào khi tu luyện Pháp Luân Công. Họ cho rằng cảnh sát đã lục soát nhà của họ khi không có ai ở nhà. Vì cảnh sát đã vi phạm pháp luật ngay từ đầu, nên những đồ vật được đưa ra không nên được chấp nhận làm bằng chứng truy tố chống lại họ. Thẩm phán Trương Quân Quân đã liên tục ngắt lời họ.

Ngày 11 tháng 1 năm 2022, thẩm phán đã tuyên án các học viên. Theo đó, bà Cẩm bị kết án 3,5 năm tù với số tiền phạt 8.000 nhân dân tệ, bà Bạch bị kết án 3 năm tù cùng 5.000 nhân dân tệ. Họ đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Thành phố Tín Dương.

Bi kịch của gia đình

Một kỹ sư phần mềm bị kết án tù và người vợ đang đợi bản án vì tu luyện Pháp Luân Công

Một kỹ sư phần mềm cao cấp ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, đã bị kết án 1,5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Vợ ông cũng đang đợi phán quyết vì đức tin chung của họ.

822cf491e5101040601b0d7bb0a762d8.jpg

Ông Tạ Dung Xuân

Ngày 17 tháng 4 năm 2021, người của ủy ban khu dân cư đã đến sách nhiễu ông Tạ Dung Xuân, 51 tuổi, và vợ là bà Từ Lệ Na, 40 tuổi. Họ cố gắng lừa hai vợ chồng mở cửa bằng cách mạo xưng là đến để tiêm vaccine virus corona miễn phí. Bởi hai vợ chồng ông Tạ từ chối mở cửa nên ba ngày sau cảnh sát lại kéo đến và bắt giữ hai vợ chồng. Ban đầu ông Tạ và bà Từ bị tạm giam hành chính 15 ngày trong Trại tạm giữ Vi Tử Câu, đến ngày 5 tháng 5, họ bị giam giữ hình sự. Ông Tạ bị chuyển đến trại tạm giam Số 3 Thành phố Trường Xuân và bà Từ bị đưa đến trại tạm giam Số 4 Thành phố Trường Xuân.

Cảnh sát đã chuyển hồ sơ của ông Tạ cho Lưu Dương của Viện Kiểm sát quận Triều Dương. Ông Tạ bị Toà án quận Triều Dương xét xử trực tuyến vào ngày 29 tháng 9. Sau đó thẩm phán chủ toạ là Triệu Nhã Ngu đã kết án ông 1,5 năm tù vào ngày 29 tháng 12 năm 2021. Theo dự kiến ông sẽ được mãn hạn tù vào ngày 5 tháng 11 năm 2022.

Vụ án của bà Từ đang bị truy tố riêng. Bà đã bị đưa ra xét xử và hiện đang đợi phán quyết.

Khi cha mẹ ông Tạ (đều ngoài 80 tuổi) đến trại tạm giam để thăm con trai và con dâu của mình, họ đã quá đau buồn vì các con của mình bị giam giữ, đến nỗi không thể đứng vững.

Người chồng bị kết án 5,5 năm, người vợ chật vật một mình chăm sóc đứa con mới biết đi của họ

Tháng 2 năm 2020, một số tập sách nhỏ chứa thông tin về Pháp Luân Công xuất hiện tại một khu phố ở Sán Vĩ. Bí thư khu phố là Trịnh Trạch Quần đã báo cáo cảnh sát và người này đã coi đây là một “đại án”. Sau nhiều tháng điều tra, cảnh sát đã bắt giữ ông Hoàng Thịnh Vĩ, 50 tuổi và bảy học viên khác vào ngày 9 tháng 4 và 9 tháng 6 sau khi nghi ngờ họ phân phát các tập sách nhỏ đó.

Cảnh sát lấy chìa khóa nhà ông Hoàng và lục soát nhà ông khi không có ai ở nhà. Những đồ đạc có giá trị của vợ ông, trong đó có hàng tá món trang sức bằng vàng, 7.500 Nhân dân tệ tiền mặt, máy tính và thẻ ngân hàng, đều bị mất sau cuộc đổ bộ của cảnh sát. Hai ngày sau, cảnh sát đã lục soát nhà ông Hoàng một lần nữa và vứt lại găng tay và tàn thuốc lá ở nhà anh. Gia đình ông Hoàng đã trình báo sự việc này với cảnh sát, nhưng họ phủ nhận đã lấy những tài sản đó của gia đình ông Hoàng và cũng từ chối điều tra sáng tỏ vụ cướp tài sản trắng trợn này.

Ngày 21 tháng 4 năm 2020, khi vợ ông Hoàng đến trụ sở Công an thành phố Sán Vĩ để yêu cầu trả tự do cho ông, cảnh sát Chung Vĩ Thành công khai nói rằng: “Tôi chính là đang gài tội hãm hại ông ta đấy.”

Cảnh sát Chung cũng ghi hình vợ của ông Hoàng để uy hiếp ông, ép ông phải thừa nhận các cáo buộc bịa đặt kia. Sau đó thẩm phán Hoàng Vĩ Quần của Tòa án Thành phố Sán Vĩ đã kết án ông Hoàng 5,5 năm tù.

Khi ông Hoàng ra hầu tòa vào ngày 9 tháng 4 năm 2020, vợ ông đang mang thai sáu tháng. Sau khi ông bị bỏ tù, vợ ông phải chật vật chăm sóc đứa con mới biết đi của họ (hiện cháu bé khoảng 17 tháng tuổi) và người mẹ chồng ngoài 70 tuổi.

Tỉnh Tứ Xuyên: Một cặp vợ chồng lại bị kết án tù vì kiên định đức tin của mình, người mẹ già của họ đã qua đời vì quá đau buồn

Một cặp vợ chồng ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, đã bị kết án tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Sau khi họ bị bắt giữ ba tháng, người mẹ già ngoài 80 tuổi của người chồng đã qua đời vì quá đau buồn.

Ngày 28 tháng 9 năm 2020, ông Lý Phúc Toàn và bà Lưu Khắc Quần đã bị bắt giữ sau khi họ bị camera giám sát ghi lại cảnh phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Ông Lý bị giam trong trại tạm giam Huyện Đại Ấp và bà Lưu bị giam giữ tại trại tạm giam Huyện Bì.

Bà Lưu đã bị bắt ngay tại bệnh viện khi bà đang chăm sóc người cô bị câm và không tự đi lại được. Vụ bắt giữ của hai vợ chồng ông Lý đã khiến mẹ ông Lý và cô của bà Lưu (đều ngoài 80 tuổi) lâm vào tình trạng tuyệt vọng sâu sắc.

Mẹ ông Lý đã bị mù vì khóc rất nhiều từ sau vụ bắt giữ và kết án trước đó của họ. Lần này, bà đã đổ bệnh vì quá đau buồn và đã qua đời vào ngày 16 tháng 1 năm 2021. Hai vợ chồng ông Lý đã bị kết án mỗi người 3 năm tù giam vào giữa tháng 8 năm 2021.

Trước lần bức hại gần nhất này, họ đã từng bị bắt giữ vào ngày 28 tháng 5 năm 2004. Ông Lý đã bị kết án tám năm tại Nhà tù Thị trấn Hoàng Hứa và bà Lưu bị kết án 7 năm tại Nhà tù Dưỡng Mã Hà. Bà Lý bị các tù nhân đánh đập khiến bảy chiếc xương sườn gãy khi đang ở trong tù.

Liên tục bị nhắm đến vì kiên định đức tin

Một cựu kỹ sư bị liệt từ lần bị cầm tù trước đó, nay lại bị kết án tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Một cựu kỹ sư ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, người vốn đã bị liệt sau 10 năm bị tra tấn ở trong tù, nay lại bị kết án vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công.

Ông Lữ, 57 tuổi, đã bị bắt vào ngày 20 tháng 6 năm 2021, sau khi cảnh sát thấy câu đối ở trên khung cửa nhà ông có nội dung: “Chân thành, thiện lương, nhẫn vi thượng; Trọng đức, hành thiện, phúc lâm môn.” (Tạm dịch nghĩa: Chân thành, thiện lương và nhẫn là hàng đầu; Coi trọng đức, làm việc thiện, phúc đến cửa nhà)

Ngày 20 tháng 6 năm 2021 cũng là Ngày của Cha. Vì cha mẹ đẻ của ông Lữ đã qua đời từ nhiều năm trước, nên vợ và cha mẹ vợ, những người đã ngoài 80 tuổi là gia đình duy nhất của ông ở Đại Liên. Vụ bắt giữ ông là một đòn nặng giáng xuống họ, đặc biệt là người cha vợ của ông, người vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sau phẫu thuật.

Sau năm ngày bị giam ở trong Trại tạm giữ thành phố Đại Liên, ông Lữ bị chuyển đến trại tạm giam Diêu Gia. Ban đầu các nhân viên ở đây từ chối tiếp nhận ông vì tình trạng sức khỏe kém, tuy nhiên cảnh sát đã gây sức ép buộc họ phải nhận ông. Khi gia đình cố gắng tìm cách để ông được trả tự do, một cảnh sát đã nói với họ: “Các vị nói chuyện với tôi chỉ tổ vô ích. Việc bắt ông ta là mệnh lệnh từ cấp trên.“

Trước đó ông Lữ đã bị chấn thương cột sống sau 10 năm bị tra tấn ở trong Nhà tù Bàn Cẩm. Ông vừa mới tập đi bằng một nạng không lâu thì lại bị bắt giữ. Tình trạng tàn tật khiến sinh hoạt của ông ở trong nhà tù vô cùng khổ sở. Ông đã phải đi lại mà không có nạng, ngoài ra còn mất kiểm soát việc tiểu tiện. Những cơn đau dai dẳng ở chân thường khiến ông thức trắng đêm. Khi luật sư đến gặp ông, ông đã được một tù nhân cõng ra.

Ngày 16 tháng 12 năm 2021, ông Lữ bị đưa ra hầu tòa tại Tòa án Cam Tỉnh Tử và bị kết án tám tháng tù giam và khoản phạt 5.000 nhân dân tệ. Ông đã kháng cáo bản án.

Trước lần kết án gần nhất, ông Lữ từng hai lần lĩnh án lao động cưỡng bức và một lần phải ngồi tù oan sai. Trong 23 năm qua, tổng cộng ông đã trải qua 13,5 năm ngồi sau song sắt, và bị tra tấn bằng nhiều phương thức khác nhau như giường chết, treo người bằng còng tay, sốc điện bằng dùi cui điện có điện áp cao, v.v.

Năm 2005, bởi chèn tín hiệu truyền hình để phát một đoạn video vạch trần tội ác của ĐCSTQ, ông đã bị kết án 10 năm tù. Lính canh tù thường xuyên sốc điện ông bằng dùi cui, mỗi lần kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Vào năm 2010, ông đã nhảy xuống từ trên mái của một tòa nhà, vì không thể chịu đựng được nỗi đau đớn tột cùng về thể xác. Xương cụt bị thương khiến ông bị liệt và không thể kiểm soát được việc tiểu tiện.

70a802398bf0dd2828a1727da7dc6870.jpg

Ông Lữ trước cuộc bức hại

b1abc8144ab98687b700c69719d9ef4f.jpg

Ông Lữ sau khi được thả khỏi Nhà tù Cẩm Châu

Sau hơn sáu năm bị giam, một bác sỹ lại bị kết án bốn năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Vào tối ngày 21 tháng 4 năm 2021, một bác sỹ ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, bị bắt tại nhà vì từ chối từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.

Bác sỹ Hồ Kim Triều, 54 tuổi, bị giam ở trong trại tạm giam Số 2 quận Bàn Long. Gia đình không được phép vào thăm ông. Sau khi đôn đáo khắp nơi dò hỏi, cuối cùng gia đình mới biết được rằng ông đã bị kết án 4 năm tù và phạt tiền 8.000 nhân dân tệ vào đầu tháng 12 năm 2021. Ông đã nộp đơn kháng cáo từ trong trại tạm giam.

Trước lần bắt giữ gần đây nhất, bác sỹ Hồ (từng là bác sỹ điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Tỉnh Vân Nam) đã bị bắt nhiều lần kể từ khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công xảy ra từ tháng 7 năm 1999. Ông từng trải qua 1 tháng bị tra tấn trong trại giam, 3 năm và 40 ngày trong trại lao động cưỡng bức, 1 tuần trong trung tâm tẩy não và 3 năm bị cầm tù. Dưới áp lực của cuộc đàn áp, cơ quan đã sa thải ông và cũng ngăn cản ông làm việc cho những nơi khác. Không thể chịu đựng áp lực và sự sách nhiễu liên tục từ phía chính quyền, vợ ông đã ly dị ông.

c5bae16c63b607321aa333355690d420.jpg

Bác sỹ Hồ Kim Triều

Cảnh sát vi phạm thủ tục pháp lý

Người phụ nữ Liêu Ninh bị cảnh sát đánh đập tàn bạo trong lúc bị bắt giữ đã bị kết án ba năm

Tối ngày 27 tháng 4 năm 2021, khi bà Thân Hiểu Na ở thành phố An Sơn, tỉnh Liêu Ninh và con gái vừa về đến cửa nhà thì những cảnh sát đang nấp sẵn ở nhà bà kéo bà vào trong nhà. Đầu giờ chiều ngày hôm đó, khoảng 20 cảnh sát đã xông vào nhà bà.

Cảnh sát trưởng Từ Đồng đã đánh vào đầu và đá vào lưng bà. Ông ta và các thuộc cấp đều không mặc cảnh phục. Một cảnh sát phe phẩy chiếc thẻ cảnh sát của anh ta trước mặt bà Thân rồi nhanh chóng cất đi. Họ lục soát nhà và tịch thu các sách Pháp Luân Công và đồ trang sức của bà dù không có lệnh khám xét. Sau đó cảnh sát đã trả lại đồ trang sức nhưng từ chối trả lại sách Pháp Luân Công cho bà.

Sau khi chứng kiến cảnh sát đánh đập bà Thân và lục soát nhà của họ, con của bà Thân trở nên rất sợ hãi mỗi khi nhìn thấy cảnh sát ở trên đường.

Bà Thân bị đưa đến Đồn Công an Tề Đại Sơn vào khoảng nửa đêm. Bà bị cảnh sát trói vào một cái ghế sắt, lấy mẫu máu và đánh đập.

Gia đình bà Thân đã thuê một luật sư cho bà. Luật sư đã đệ đơn kiện cảnh sát về hành vi bắt giữ tuỳ tiện và dùng bạo lực với bà, nhưng cơ quan Công an Cao Tân vẫn phê chuẩn việc bắt giữ bà vào ngày 3 tháng 6 năm 2021.

Ngày 27 tháng 12 năm 2021, Toà án Lập Sơn đã xét xử bà Thân. Công tố viên đã cáo buộc bà nói với Khương Quyên về Pháp Luân Công và sau đó tặng cho người này hai ổ đĩa có thông tin về Pháp Luân Công. Khương đã không ra toà để đối chất.

Luật sư của bà Thân chỉ ra rằng việc tu luyện Pháp Luân Công và nói với mọi người về điều đó là quyền tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận của bà. Bà không vi phạm luật nào hay làm hại bất kỳ ai. Ngày 27 tháng 12 năm 2021, thẩm phán đã kết án bà 3 năm tù mặc dù luật sư của bà đã đề nghị tha bổng.

Hai cư dân Quảng Đông bị kết án vì tu luyện Pháp Luân Công

Hai cư dân thành phố Thanh Viễn, tỉnh Quảng Đông đã bị kết án tù vào tháng 10 năm 2021 vì tu luyện Pháp Luân Công.

Tối ngày 11 tháng 4 năm 2021, cô Thiệu Diễm Phương (36 tuổi) và bà Lại Thành Muội (57 tuổi) đã bị bắt. Ba mươi hai cảnh sát trên vài chiếc xe hơi và xe buýt đã kéo đến nhà cô Thiệu trong lúc cô đang ăn tối với con gái 13 tuổi và con trai 11 tuổi của mình. Khi cô từ chối mở cửa, họ đã phá cửa và nhiều lần ngắt nguồn điện nhà cô. Hai con nhỏ của cô vô cùng khiếp sợ khi thấy đèn trong nhà liên tục nhấp nháy.

Sau khi ép cô Thiệu phải mở cửa, cảnh sát đã ập vào trong nhà. Họ định chụp một chiếc mũ đen lên đầu cô, nhưng bị con trai cô ngăn lại. Cô Thiệu liên tục hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo!” để phản đối. Sau đó, cảnh sát đã cố gắng nhét giẻ vào miệng cô Thiệu, nhưng đã phải nhượng bộ trước sự phản đối mạnh mẽ của con gái cô.

Ngay khi hay tin, chồng cô Thiệu vội vàng chạy về nhà, nhưng đã bị cảnh sát chặn lại ở bên ngoài.

Cảnh sát lục soát nhà cô Thiệu suốt bốn tiếng đồng hồ, tịch thu máy tính, máy in, máy cắt giấy, máy ép, giấy phô tô và nhiều đồ dùng văn phòng khác. Họ cáo buộc cô sử dụng những thiết bị này để sản xuất tài liệu Pháp Luân Công rồi còng tay cô và đưa đi.

Cảnh sát đi tới nhà bà Lại, còng tay bà, chụp một chiếc mũ đen lên đầu bà và đưa bà đi.

Cả cô Thiệu và bà Lại đều phải khám sức khỏe toàn diện và đọc hết một trang rưỡi chữ. Họ nghi ngờ rằng cảnh sát đang ghi âm giọng nói của họ để phục vụ cơ sở dữ liệu giám sát của họ. Hai người phụ nữ này sau đó bị đưa đến trại tạm giam Huyện Dương Sơn và chuyển đến trại tạm giam Anh Đức sau khi cảnh sát đệ trình hồ sơ của họ lên Viện kiểm sát Thành phố Anh Đức, cơ quan được giao nhiệm vụ xử lý các vụ án Pháp Luân Công ở khu vực Thanh Viễn.

Ngày 28 tháng 10 năm 2021, Tòa án Thành phố Anh Đức đã kết án cô Thiệu 5 năm tù và 30.000 nhân dân tệ. Bà Lại bị kết án 2,5 năm tù và khoản phạt 10.000 nhân dân tệ.

Cát Lâm: Người phụ nữ bị kết án tù và 200 nghìn nhân dân tệ tiền mặt của bà bị cảnh sát tịch thu

Vào ngày 9 tháng 11 năm 2020, bà Thôi ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm bị cảnh sát bắt giữ. Cảnh sát đã tịch thu máy tính xách tay, máy in của chồng bà, 200.000 nhân dân tệ tiền mặt và các tài sản khác của họ. Sau đó, khi gia đình tìm cách lấy lại số tiền bị tịch thu, cảnh sát đã từ chối và chỉ trả lại điện thoại di động của con trai bà.

Tòa án quận Triều Dương đã tổ chức hai phiên xét xử bí mật, lần lượt vào các ngày 14 tháng 5 và ngày 5 tháng 9 năm 2021 mà không thông báo cho gia đình bà Thôi. Bà đã không nhận tội và khẳng định rằng bà không vi phạm pháp luật khi tu luyện Pháp Luân Công.

Ngày 15 tháng 12 năm 2021, chủ tọa phiên tòa Trần Hiểu Tĩnh đã kết án bà Thôi 3 năm tù với khoản tiền phạt 10.000 nhân dân tệ. Bà đã kháng cáo và hiện vẫn đang bị giam tại trại tạm giam Số 4 Thành phố Trường Xuân tại thời điểm viết bài này.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/2/10/438702.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/2/14/199183.html

Đăng ngày 16-04-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share