Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 10-03-2022] Hai tháng đầu năm 2022 ghi nhận ​​báo cáo về 423 học viên Pháp Luân Công bị bắt vì đức tin của họ và 359 người khác bị chính quyền sách nhiễu.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Vô số học viên đã bị bắt giữ, sách nhiễu, kết án và tra tấn vì kiên định đức tin của họ. Nhưng do kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt ở Trung Quốc, các vụ việc không phải lúc nào cũng được báo cáo kịp thời và tất cả thông tin đều có sẵn.

423 vụ bắt giữ được báo cáo bao gồm 9 vụ diễn ra vào năm 2020, 143 vụ vào năm 2021, 187 vụ trong tháng 1 năm 2022 và 84 vụ trong tháng 2 năm 2022. Ba mươi học viên đã bị tịch thu tổng cộng 595.237 nhân dân tệ trong khi cảnh sát lục soát nhà của họ, trong đó có 210.000 nhân dân tệ bị tịch thu từ một học viên và 150.000 nhân dân tệ từ người khác. Ngoài ra một học viên bị tịch thu 10.100 USD.

Các vụ bắt giữ dẫn đến cái chết của ba học viên, bao gồm hai người phụ nữ và một người đàn ông, họ đã qua đời trong khoảng từ 3 đến 35 ngày sau khi bị bắt.

Vài tuần trước Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào tháng 2 năm 2022, nhà chức trách đã bắt giữ và sách nhiễu các học viên ở Bắc Kinh và thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc, hai trong ba khu vực tổ chức các môn thể thao trên tuyết, với lý do ngăn cản họ giảng chân tướng về Pháp Luân Công trong thời gian diễn ra sự kiện.

Đối với 359 vụ sách nhiễu, 1 vụ diễn ra trong năm 2020, 167 vụ trong năm 2021, 133 vụ trong tháng 1 năm 2022 và 58 vụ trong tháng 2 năm 2022.

Trong số tất cả các học viên bị nhắm mục tiêu, 261 người đã bị lục soát nhà và 174 (41%) học viên đã được thả vào thời điểm viết bài. Có tổng cộng 124 (16%) học viên ngoài 60 tuổi bị nhắm mục tiêu, bao gồm 22 học viên ngoài 60 tuổi, 69 học viên ngoài 70 tuổi, 32 học viên ngoài 80 tuổi và 1 học viên ngoài 90 tuổi.

782 học viên ở 27 tỉnh và thành phố. Hà Bắc đứng đầu danh sách với tổng số 102 trường hợp bị bức hại, tiếp theo là Sơn Đông (94) và Tứ Xuyên (82). 13 khu vực có số trường hợp từ 10 đến 70. Mười một tỉnh thành khác có các trường hợp báo cáo một con số.

Dưới đây là một số ví dụ về các trường hợp bức hại được báo cáo trong tháng 1 và tháng 2 năm 2022:

Các trường hợp tử vong

Người phụ nữ ngoài 50 tuổi qua đời sau ba ngày bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công

Vào ngày 20 tháng 1 năm 2022, bà Hoàng Tố Lan ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, bị bắt bên ngoài tòa nhà chung cư của bà, và bị đưa đến một cơ sở giam giữ bí mật ở Bành Châu.

Vào ngày 23 tháng 1 năm 2022, cảnh sát thông báo cho gia đình bà Hoàng rằng bà đã qua đời vào sớm ngày hôm đó. Thi thể của bà ngay sau đó được chuyển đến Nhà tang lễ thành phố Bành Châu. Gia đình đã được nhìn thấy thi thể của bà, nhưng chi tiết thêm về cái chết của bà vẫn đang được điều tra.

Trước lần bắt giữ cuối cùng của bà Hoàng, trước đó vào ngày 10 tháng 7 năm 2019, bà đã bị bắt, khi đang thăm một học viên khác là bà Mao Khôn. Mặc dù bà Hoàng đã được trả tự do vào ngày 9 tháng 8, bà Mao sau đó đã bị kết án 11,5 năm tù và qua đời trong khi bị giam giữ.

Người phụ nữ qua đời sau tám ngày bị bắt giữ và bị từ chối điều trị y tế

Bà Trương Tư Cầm, một phụ nữ 69 tuổi ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đã qua đời tại Trại tạm giam Diêu Gia, tám ngày sau khi bà bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công.

Bà Trương Tư Cầm bắt đầu xuất hiện vấn đề sức khỏe nghiêm trọng vào đêm đầu tiên ở trại tạm giam, nhưng trại giam từ chối chữa trị cho bà, ngoại việc việc cho bà dùng thuốc không rõ nguồn gốc mà không có bất kỳ chẩn đoán y tế nào.

Vào ngày 19 tháng 1 năm 2022, bà Trương lại bị bắt để chuẩn bị thụ án tù. Bà đã vô cùng hoảng sợ và có cảm giác buồn nôn. Mặc dù bác sĩ khuyên không nên giam giữ bà vì tình trạng sức khỏe của bà không tốt, nhưng cảnh sát vẫn khăng khăng rằng bà không sao và tống bà vào trại tạm giam Diêu Gia.

Vào đêm đầu tiên ở trong trại tạm giam, bà Trương không thể tự đi lại hay ngủ được. Lính canh từ chối cung cấp đồ ăn cho bà. Sáng hôm sau, bà yếu đến nỗi không thể tự mặc quần áo và phải dựa vào sự giúp đỡ của một người ở cùng phòng giam.

Vài ngày sau, bà không thể ăn được và nôn ra mọi thứ mình ăn. Thức ăn mà lính canh cung cấp chỉ có cháo và bánh bao hấp. Bà vẫn rất yếu đến nỗi không thể tự đứng dậy được.

Khi bà bị đưa vào trại tạm giam, lính canh đã lấy đi hàm răng giả của bà. Bà đã nhiều lần yêu cầu lính canh trả lại, nhưng họ từ chối, khiến việc ăn nhai của bà trở nên khó khăn hơn.

Với tình trạng sức khoẻ kém dai dẳng, lính canh không đưa bà đi khám bác sỹ mà lại tùy tiện cho bà dùng một số thuốc không rõ nguồn gốc khiến tình trạng của bà càng xấu đi.

Ngày 25 tháng 1, tức ngày thứ sáu bà Trương bị giam, cơ thể bà bắt đầu run lên mất kiểm soát và bà không thể tự ngồi dậy được. Bạn cùng phòng đã báo với lính canh nhưng họ vẫn không cho bà đi khám và tùy tiện cho bà dùng thuốc không rõ nguồn gốc. Khi bà từ chối uống thuốc, lính canh đã lệnh cho năm tù nhân giữ người bà và ép bà phải uống. Bà trở nên mất khả năng vận động và sau đó còn không đủ sức để ngồi dậy.

Vào lúc 2 giờ 20 phút sáng ngày 26 tháng 1, bà Trương bắt đầu bị run rẩy mất kiểm soát. Những tù nhân trong phòng giam bị đánh thức dậy, nhưng lính canh vẫn làm ngơ. Đến 9 giờ sáng, bà Trương bị đưa ra ngoài trên một xe lăn nhưng 10 phút sau đã bị đưa trở lại. Lính canh vẫn tiếp tục ép bà uống những thứ thuốc không rõ nguồn gốc đó.

Bà Trương bắt đầu bị sốt cao vào khoảng nửa đêm. Bà rơi vào tình trạng nguy kịch vào khoảng 2 giờ 40 phút sáng. Lính canh vẫn từ chối đưa bà đến bệnh viện, mà ra lệnh cho các tù nhân trong phòng liên tục giám sát bà.

Trời vừa sáng, bà đã không thể ngồi dậy dù được bạn cùng phòng đỡ bà. Vào lúc 7 giờ 7 phút sáng, mặc dù các tù nhân đã báo cáo tình trạng của bà nhưng bác sỹ vẫn không xuất hiện cho đến tận 7 giờ 25 phút sáng. Bạn cùng phòng liên tục gọi lính canh nhưng không ai đến. Khi bác sỹ đến vào lúc 7 giờ 30 phút sáng, bà đã tắt thở và không có huyết áp. Bác sỹ đã tiến hành hồi sức nhưng bà không có bất kỳ phản ứng nào. Vào lúc 7 giờ 34 phút sáng, bác sỹ đã gọi cho lính canh trực ban nhưng họ không ai bắt máy, đến lần thứ ba họ mới trả lời. Bà Trương được tuyên bố là đã qua đời lúc 7 giờ 35 phút sáng, và thi thể đã được đưa ra khỏi phòng giam.

Một nhân viên giao hàng qua đời sau 35 ngày bị bắt giữ vì phát tài liệu Pháp Luân Công

Ngày 8 tháng 1 năm 2022, ông Tôn Đức Quốc và ông Đới Chí Đông ở thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang bị bắt giữ sau khi có người tố giác họ phân phát một quyển sách nhỏ có thông tin về Pháp Luân Công tại một trạm xăng ở huyện Lâm Điện.

Sau vụ bắt giữ, hai ông bị đưa đến Công an Lâm Điền. Cảnh sát Ngụy Phương của Đội An ninh Nội địa đã giật chìa khóa nhà của hai học viên và tiến hành lục soát nhà cửa của họ mà không có lệnh khám xét. Trong lúc lục soát nhà của ông Tôn Đức Quốc, cảnh sát còn bắt giữ thêm hai học viên khác là ông Tôn Văn Trung và ông Trương Lập Quốc khi họ tình cờ ghé qua nhà ông Tôn.

Cảnh sát đã tịch thu các sách Pháp Luân Công, máy tính và hơn 20.000 nhân dân tệ tiền mặt của ông Tôn. Tuy nhiên, Ngụy Phương đã tuyên bố rằng cô ta chỉ lấy đi 10.000 nhân dân tệ.

Ông Tôn Văn Trung thừa nhận trách nhiệm trong việc sản xuất tài liệu Pháp Luân Công. Ông bị giam trong trại tạm giam Thái Khang với cáo buộc là “sử dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật“, một cái cớ được quy chuẩn để khép tội các học viên Pháp Luân Công. Ba học viên còn lại được tại ngoại sau khi mỗi người nộp 10.000 nhân dân tệ tiền bảo lãnh.

Sau đó tất cả các học viên đã nộp đơn khiếu nại hành vi vi phạm thủ tục pháp lý của cảnh sát trong khi bắt giữ và lục soát nhà cửa của họ lên Viện Kiểm sát Thành phố Đại Khánh.

Khi trở về nhà, ông Đới Chí Đông, một nhân viên giao hàng, đã phải chịu áp lực rất lớn trước lần bức hại tài chính gần nhất này. Vợ ông qua đời cách đó một năm, và ông gặp khó khăn trong việc trả nợ tiền vay mượn để chữa bệnh cho bà. Với việc cảnh sát đã tịch thu mất 5.000 nhân dân tệ tiền mặt, khoản tiền tiết kiệm duy nhất của mình, và con trai bị mất 10.000 nhân dân tệ tiền bảo lãnh tại ngoại cho ông, ông lo lắng không biết khi nào mới trả được hết nợ nần. Đồng thời, cảnh sát còn đe dọa ông không được báo cáo về cuộc bức hại với Minh Huệ Net. Áp lực tinh thần to lớn đã tàn phá sức khỏe của ông. Ông đã qua đời vào ngày 11 tháng 2 năm 2022, hưởng niên 60 tuổi.

Bắt giữ và sách nhiễu trước thềm Thế vận hội Mùa đông

Tỉnh Hà Bắc: Các học viên Pháp Luân Công bị bắt tại thành phố Trương Gia Khẩu trước thềm Thế vận hội Mùa đông

Vài tuần trước Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào tháng 2 năm 2022, chức trách ở thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc, một trong ba khu vực tổ chức các môn thể thao trên tuyết, đã bắt giữ năm học viên Pháp Luân Công địa phương nhằm ngăn họ giảng chân tướng Pháp Luân Công trong thời gian diễn ra các trận thi đấu.

Trong hai ngày 20 và 21 tháng 1 năm 2022, cảnh sát đã bắt giữ năm học viên ở quận Sùng Lễ, nơi có các khu trượt tuyết. Cảnh sát tuyên bố rằng họ sẽ giam giữ các học viên cho đến ngày 6 tháng 2, tức hai ngày sau lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông.

Vào lúc 9 giờ tối vào ngày 20 tháng 1, dưới sự chỉ đạo của Trịnh Kiến Quốc, thuộc Văn phòng An ninh Nội địa Quận Sùng Lễ, cảnh sát đã bắt giữ bà Bạch Mai tại nhà của con gái bà. Điện thoại di động và các tài sản cá nhân khác của bà đã bị tịch thu.

Cùng lúc đó, cảnh sát cũng đột nhập vào nhà của ông Bạch Đào, anh trai của bà Bạch, và tịch thu sách Pháp Luân Công, ảnh của Nhà sáng lập pháp môn, một chiếc loa và một máy tính bảng. Bởi khi cảnh sát đến, ông Bạch không có ở nhà, nên họ đã quay trở lại vào ngày hôm sau và bắt giữ ông.

Đến nửa đêm ngày 21 tháng 1, cảnh sát đã bắt giữ thêm ba học viên khác là bà Khang Thúy Thanh (trưởng Khoa Nhi của Bệnh viện Quận Sùng Lễ), bà Tần Ngọc Lan (giáo viên tại Phòng Giáo dục Quận Sùng Lễ), và bà Ngụy Kiến Sinh (giáo viên trường Trung học Cơ sở Số 1 Sùng Lễ).

Ba học viên bị giữ tại đồn công an địa phương và sau đó bị chuyển đến trại tạm giam Thành phố Trương Gia Khẩu và bị giam tại cơ sở này 15 ngày.

Ngoài các học viên Pháp Luân Công, sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương cũng bị hạn chế nghiêm ngặt, bởi các nhà chức trách đang nỗ lực để đảm bảo tổ chức sự kiện thể thao quốc tế này được thành công.

Một phụ nữ ở Bắc Kinh bị bắt trước Thế vận Hội Mùa đông, bị cáo buộc vì đã phân phát tài liệu Pháp Luân Công một năm trước

Ngày 23 tháng 2 năm 2022, cảnh sát đã xông vào nhà bà Tiêu Thục Anh ở quận Xương Bình ở Bắc Kinh và bắt giữ bà. Ngày hôm sau, bà bị đưa đến trại tạm giam Xương Bình. Bà đã bị cáo buộc vì đã phân phát tài liệu Pháp Luân Công một năm trước.

Đầu năm 2021, khu dân cư Hồng Phúc Uyển, nơi bà Tiêu sống, đã bị phong toả vì chính sách Zero-Covid. Tất cả công dân được yêu cầu gửi thông tin cá nhân của họ khi chính quyền ra lệnh kiểm tra PCR trên diện rộng đối với dân cư địa phương. Cảnh sát đã xác định được vị trí của bà thông qua thông tin mà gia đình bà đã gửi. Nhưng thay vì bắt giữ bà vào thời điểm đó, họ lại lùi lại một năm và bắt giữ bà chỉ vài tuần trước khi Thế Vận hội Mùa đông tổ chức ở Bắc Kinh.

Cảnh sát đã lục soát nhà bà Tiêu và tịch thu hai tờ lịch cùng vài chiếc đầu đọc thẻ nhớ. Trước vụ bắt giữ, một cảnh sát ở Đồn Công an Bình Tây Phủ đã đến để xác nhận bà đang ở nhà bằng cách nói dối rằng đang tiến hành điều tra dân số. Hiện người mẹ già 90 tuổi của bà đang phải ở một mình phải chật vật để tự chăm sóc bản thân.

Giám sát chặt chẽ

Ngoài các vụ bắt giữ, hầu hết các học viên Pháp Luân Công ở bảy quận trung tâm ở Bắc Kinh, bao gồm quận Hải Điến, quận Thạch Cảnh Sơn, quận Triều Dương, quận Thuận Nghĩa, quận Trường Bình, quận Phòng Sơn và quận Thông Châu, đều bị nhà chức trách giám sát chặt chẽ.

Ở Triều Dương và Hải Điến, mỗi học viên địa phương bị giám sát 24 giờ mỗi ngày bởi bốn người trong hai ca làm việc. Theo báo cáo, mỗi “người theo dõi” kiếm được tiền lương hàng ngày là 180 nhân dân tệ ở Triều Dương và 200 nhân dân tệ ở Hải Điến.

Việc giám sát tương tự cũng được báo cáo ở Thượng Hải. Vào ngày 28 tháng 1 năm 2022, ông Cù Phi chuẩn bị đáp chuyến bay để thăm anh trai của mình ở Hoa Kỳ, thì ông bị cảnh sát Hòng Giai của Văn phòng An ninh Nội địa chặn lại ở sân bay. Ông hiện đang bị giám sát 24 giờ mỗi ngày.

Người cao tuổi cũng không được bỏ qua

Người phụ nữ 66 tuổi lâm vào tình trạng nguy kịch sau khi tuyệt thực để phản đối việc bị giam giữ tùy tiện

Bà Quý Vân Chi, 66 tuổi, ở thành phố Xích Phong, Nội Mông Cổ đã bị rơi vào hôn mê sau vài tuần tuyệt thực để phản kháng vụ bắt giữ gần nhất xảy ra vào ngày 1 tháng 2 năm 2022 vì tu luyện Pháp Luân Công. Cảnh sát đã từ chối thả bà dù bà đang trong tình trạng nguy kịch.

Bà Quý bị bắt tại nhà vào khoảng 8 giờ sáng ngày 1 tháng 2 năm 2022 (tức ngày mùng 1 Tết Nguyên đán). Cảnh sát đột nhập vào nhà bà khi người nhà bà vừa ra ngoài để đổ rác. Một học viên khác là bà Tôn Chí Phương đã tình cờ ghé qua nhà bà lúc đó và cũng bị bắt. Cảnh sát đã khám xét nơi ở của bà Quý và tịch thu 40 cuốn sách Pháp Luân Công và một bức ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công.

Vì bà Quý từ chối đi cùng với cảnh sát nên họ đã cưỡng chế bà và bà Tôn vào xe cảnh sát. Cả hai phụ nữ này đã bị đưa đến trại tạm giam Ba Lâm Tả Kỳ. Bà Quý đã tuyệt thực để phản đối việc bắt và giam giữ tùy tiện.

Ngày 11 tháng 2, gia đình bà Quý nhận được thông báo của cảnh sát, nói họ hãy đến Bệnh viện Ba Lâm Tả Kỳ. Khi đến đó, họ vô cùng sốc và suy sụp khi thấy bà Quý đang trong tình trạng hôn mê. Tuy nhiên cảnh sát vẫn cùm chân bà vào giường bệnh. Bác sĩ yêu cầu họ ký tên vào thông báo về tình trạng nguy kịch của bà Quý.

Ngày hôm sau, gia đình bà Quý đã đệ đơn yêu cầu bảo lãnh điều trị y tế cho bà. Cảnh sát đưa ra ba điều kiện trước khi phê chuẩn yêu cầu bảo lãnh tại ngoại (không rõ những điều kiện đó là gì). Bà Quý vẫn đang ở trong bệnh viện tại thời điểm viết bài.

Giáo sư về hưu 87 tuổi bị thẩm vấn suốt 10 tiếng đồng hồ vì lên tiếng cho đức tin của bà

Vào ngày 24 tháng 12 năm 2021, bà Trần, 87 tuổi, là một cựu Phó Giáo sư của Đại học Trung Nam, đã bị bắt tại nhà. Một nhóm cảnh sát mặt thường phục đã xông vào nhà và lục soát mọi căn phòng của bà ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam mà không có lệnh khám xét và tịch thu các sách Pháp Luân Công, máy tính, máy in và các bức tranh vẽ có chủ đề Pháp Luân Công treo tường của bà.

Cảnh sát đã đưa bà Trần đến Đồn Công an Nhạc Lộc để thẩm vấn. Bà đã bác bỏ những lời vu khống của họ đối với Pháp Luân Công và yêu cầu họ đưa ra những tài liệu pháp lý liên quan làm cơ sở cho cuộc bức hại. Cảnh sát tuyên bố họ có tài liệu, nhưng không đưa cho bà xem bất kỳ tài liệu nào. Khi một cảnh sát hăm doạ bà: “Chúng tôi đã bắt bà một lần vào năm 2016. Bây giờ bà lại làm việc này, và nếu bà vẫn tiếp tục (lên tiếng cho Pháp Luân Công), chúng tôi sẽ tống bà vào tù.”

Trước khi cho bà Trần về nhà cùng gia đình vào lúc 1 giờ sáng, một cảnh sát khác đã hăm doạ sẽ giám sát cuộc sống hàng ngày của bà và nói với gia đình bà: “Nếu bà ta vẫn tiếp tục nói với những người khác về Pháp Luân Công, chúng tôi sẽ không thả bà ta đi dễ dàng như vậy đâu!”

Một cựu bác sỹ châm cứu 76 tuổi bị bắt và thẩm vấn

Trưa ngày 5 tháng 1 năm 2022, khi bà Niếp Ngọc Lan, một bác sĩ châm cứu 76 tuổi đã nghỉ hưu ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, trở về nhà sau khi mua vài cái bánh bao, một nhóm cảnh sát đã bao vây và xông vào nhà bà.

Một cảnh sát giữ bà Niếp ở trong phòng ngủ, những người còn lại đã lục soát và tịch thu máy tính, các sách Pháp Luân Công, ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công và các tài liệu Pháp Luân Công liên quan khác của bà. Cảnh sát cũng ép bà mở các ngăn tủ bị khoá và lấy đi 2.600 nhân dân tệ, trong đó có 2.000 nhân dân tệ có in những thông điệp ngắn về Pháp Luân Công.

Do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt tại Trung Quốc, nhiều học viên đã dùng những cách sáng tạo để nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp, trong đó có việc in thông tin lên tiền giấy.

Cảnh sát đã đưa bà Niếp đến Đồn Công an Điện Hán Lộ. Họ cho biết bà đã bị tố cáo vì cố thuê một luật sư cho bà Trương Huệ, người đã bị bắt vài ngày trước vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà Niếp đề nghị được biết danh tính của các cảnh sát, nhưng họ từ chối và nói rằng bà sẽ gửi tên họ lên trang Minghui.org nếu bà biết họ là ai.

Bà Niếp đã từ chối trả lời các câu hỏi của cảnh sát. Khi họ tiếp tục thẩm vấn bà, bà bắt đầu bị thắt ở ngực và đau bụng. Ban đầu tay chân bà bị lạnh và sau đó toàn thân cảm thấy lạnh và không ngừng run rẩy. Bà cũng bị khó thở. Cảnh sát đã gọi xe cấp cứu và bác sỹ phát hiện nhịp tim bà dưới 40 lần một phút. Sau đó bà được đưa đến bệnh viện để cấp cứu hồi sức. Bà đã trở về nhà khoảng 11 giờ tối.

Cảnh sát giả làm nhân viên y tế đến tiêm vắc-xin để bắt giữ hai vợ chồng học viên cao tuổi

Vào ngày 25 tháng 12 năm 2021, bốn người đã đến gõ cửa nhà bà Đường Bội Liễn ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, tự xưng là nhân viên cộng đồng địa phương và từng nhà để tiêm vắc-xin chống Covid-19.

Chồng bà là ông Hoàng Trí Kiệt đã ra mở cửa. Không nói một lời, bốn người này (trong đó có một phụ nữ mặc đồng phục cảnh sát) ập vào nhà và lao tới phòng ngủ của bà. Khi đó bà Đường đang in tài liệu thông tin về Pháp Luân Công, và bà ngay lập tức khóa tủ nơi bà cất máy in và máy tính, bất chấp họ ra sức ngăn cản.

Bà Đường (ngoài 80 tuổi) yêu cầu bốn người đó xuất trình giấy tờ tùy thân và lệnh khám xét. Họ từ chối xuất trình và một người đàn ông tự giới thiệu mình là nhân viên của ủy ban khu dân cư, hai người đàn ông còn lại cho biết họ đang làm việc tại Công an quận Nhạc Lộc, họ là Trương và Vương.

Theo lệnh của Vương, ba người khác đã khám xét nhà của bà Đường. Vương yêu cầu bà Vương đưa chìa khóa tủ quần áo của bà cho họ. Khi bà từ chối, Vương đã xé các bức tranh Pháp Luân Công trong phòng khách của bà và lục tung tất cả sách và tài liệu thông tin Pháp Luân Công của bà Đường.

Cảnh sát cho biết họ đã nhắm mục tiêu vào cặp vợ chồng sau khi ông Hoàng bị camera giám sát ghi lại việc phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Họ đã truy vết và tìm ra địa chỉ của ông.

Cặp vợ chồng già đã bị đưa đến Công an quận Nhạc Lộ và bị thẩm vấn trong các phòng riêng biệt và sau đó đã được thả vào khoảng 8 giờ tối. Không rõ liệu cảnh sát có đang truy tố cặp vợ chồng hay không.

Bị nhốt trong Trung tâm tẩy não và Bệnh viện Tâm thần

Sơn Đông: Người đàn ông bị đình chỉ công tác và bị giam trong trung tâm tẩy não một tháng

Kể từ nửa cuối năm 2020, các học viên Pháp Luân Công tại Nhà máy Sản xuất Dầu Cô Đảo thuộc Mỏ dầu Thắng Lợi Sinopec ở thành phố Đông Doanh, tỉnh Sơn Đông đã trở thành mục tiêu bị nhắm đến trong chiến dịch “Xóa sổ”.

Chiến dịch “Xóa sổ” nhằm mục tiêu buộc tất cả các học viên Pháp Luân Công nằm trong danh sách đen của chính phủ phải từ bỏ đức tin của họ. Để đạt được mục tiêu đó, cảnh sát, ủy ban cư dân và các đơn vị công tác của các học viên bị nhắm mục tiêu đều được huy động tham gia.

Chi bộ của các của công ty, Phòng Kiến nghị và Công đoàn cùng sắp xếp họp với các học viên, gồm cả nhân viên đang làm việc và nhân viên đã nghỉ hưu. Hầu hết các cuộc họp đều có sự hiện diện của cảnh sát. Trong cuộc họp, các học viên bị đe dọa rằng nếu họ từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, họ sẽ bị sa thải, khấu trừ lương và thưởng, công việc hay thăng tiến sự nghiệp của con cái họ sẽ bị ảnh hưởng. Một số học viên còn bị yêu cầu giao nộp thẻ căn cước công dân của mình.

Vào đầu tháng 12 năm 2020, một trong những nhân viên của công ty là anh Lý Binh, ngoài 30 tuổi, đã bị đưa đến một phiên tẩy não tại Khách sạn Kim Đảo. Một số chuyên gia tâm lý đã được chính quyền thuê để rao giảng các oai lý tà thuyết nhằm tẩy não anh Lý, khiến anh từ bỏ Pháp Luân Công.

Vài tuần sau anh Lý được thả, nhưng quản lý công ty là Lưu Thư Đình đã đình chỉ công việc của anh vào ngày 1 tháng 4 năm 2021 theo lệnh của Phòng 610 công ty. Anh Lý bị biệt giam và được lệnh chép tay lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng như viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.

Vì anh Lý từ chối nên các nhà chức trách đã khấu trừ 2.500 nhân dân tệ tiền lương tháng và chỉ để lại cho anh 500 nhân dân tệ mỗi tháng. Với giá cả tăng phi mã, sự bức hại tài chính này đã gây ra khó khăn to lớn cho gia đình anh Lý, đặc biệt là khi anh cần phải hỗ trợ chu cấp cha mẹ và con mình. Anh đã nhiều lần khiếu nại với quản lý Lưu, nhưng Lưu tuyên bố rằng quyết định đó do ban lãnh đạo của công ty ban hành, trong khi anh ta không thể cung cấp được bất kỳ tài liệu chính thức nào của quyết định này với lý do đó là tài liệu mật không thể xuất trình.

Nhiều tuần sau, Lưu đưa ra thông báo rằng mọi người sẽ bị cắt tiền thưởng hàng tháng liên quan đến “hiệu quả công việc” nếu người đó không thể tạo ra thu nhập cho công ty. Ông ta lấy đó làm lý do để đình chỉ lương của anh Lý và yêu cầu anh ký tên. Anh Lý cho biết anh không phản đối thông báo này, nhưng không phải anh không thể làm việc và tạo thu nhập cho công ty, mà chính công ty đã đình chỉ công việc của anh. Theo đó, công ty không nên để anh là người phải gánh chịu hậu quả. Anh đã từ chối ký vào thông báo.

Để tìm kiếm công lý, anh Lý đã khiếu nại với công đoàn của công ty và Cục Bảo hiểm Xã hội và Nguồn nhân lực Thành phố Đông Doanh, cáo buộc người quản lý vi phạm hợp đồng lao động của anh. Mặc dù một viên chức đã nhận đơn kháng cáo, nhưng sau đó anh ta đã trả lại và ám chỉ rằng họ đã nhận được cuộc gọi từ Ủy ban Chính trị và Pháp luật địa phương, cơ quan này đã gây áp lực buộc họ không được thụ lý đơn của anh Lý.

Trong khoảng thời gian từ ngày 16 đến ngày 17 tháng 11, nhân viên Ôn Thự Minh của Phòng 610 Nhà máy Sản xuất Dầu Thắng Lợi, đã gây áp lực lên anh Lý và cố ép buộc anh từ bỏ Pháp Luân Công.

Sau khi anh Lý vạch trần sự bức hại của Ôn trên Minh Huệ Net, các học viên Pháp Luân Công ở ngoài Trung Quốc đã gọi điện cho Ôn và kêu gọi ông ta ngừng tham gia vào cuộc bức hại. Vào ngày 2 tháng 12, Ôn đã tìm gặp anh Lý và nói rằng ông ta rất tức giận khi nhận được những cuộc gọi đó. Ông ta đã báo cáo anh Lý với cảnh sát, và người này đã sách nhiễu anh Lý vào ngày hôm sau, đồng thời yêu cầu anh viết “bản kiểm điểm”.

Vào ngày 6 tháng 12, các cảnh sát Nhâm An Viễn và Mã Ngọc Cường lại sách nhiễu anh Lý và hỏi rằng anh đã làm cách nào để gửi thông tin cho trang web Minh Huệ.

Vài tuần sau, vào cuối tháng 12, anh Lý bị bắt và đưa đến Trung tâm tẩy não Tập Thâu. Công ty của anh đã sắp xếp bốn nhân viên thay phiên nhau giám sát anh. Anh bị giam ở đó một tháng và được thả vào khoảng ngày 22 tháng 1 năm 2022.

2022-1-12-i103545_02.jpg

Cổng Trường Đào tạo Kỹ thuật Công ty Sản xuất Dầu Tập Thâu, nơi đặt trung tâm tẩy não.

2022-1-12-i103545_01.jpg

Trung tâm tẩy não Tập Thâu

Tỉnh Tứ Xuyên: Một người phụ nữ khoẻ mạnh bị nhốt trong bệnh viện tâm thần 27 ngày

Bà Ngô Tú Anh ở thành phố Bành Châu, tỉnh Tứ Xuyên bị nhốt trong một bệnh viện tâm thần 27 ngày, chỉ đơn giản vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Bà Ngô bị các cán bộ của uỷ ban thôn, chính quyền thị trấn và cảnh sát bắt giữ tại nhà riêng vào ngày 5 tháng 10 năm 2021. Họ tịch thu sách Pháp Luân Công và cưỡng chế bà điểm chỉ vào giấy tờ liên quan đến vụ việc của bà.

Sau đó, họ giữ bà Ngô vào Bệnh viện Tâm thần thành phố Bành Châu trong 27 ngày. Trong thời gian ở đây bà bị ép uống thuốc dành cho bệnh nhân tâm thần ba lần và bị đánh đập nếu kháng cự. Nhân viên chính quyền vẫn tiếp tục sách nhiễu bà sau khi bà được trả tự do.

Người phụ nữ Quảng Tây bị giam trong trung tâm tẩy não vì tu luyện Pháp Luân Công

Bà Mông Liễu Lệ quê gốc ở thành phố Bách Sắc, tỉnh Quảng Tây hiện đang cư trú tại thành phố Nam Ninh cùng tỉnh. Vào gần nửa đêm ngày 15 tháng 12 năm 2021, bà bị một nhóm cảnh sát xông vào nhà bắt giữ. Ngày hôm sau, gia đình bà được thông báo rằng bà đã bị đưa tới Trung tâm Giáo dục Pháp luật Bách Sắc (bản chất là một trung tâm tẩy não) để “giáo dục thêm.”

Gần đây, một số học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Quảng Tây đã bị người của Phòng 610 sách nhiễu vì từ chối từ bỏ đức tin của mình. Khi các học viên từ chối, một số đã bị bắt giữ tại chỗ và bị đưa tới trung tâm tẩy não, nơi thường được người bên ngoài biết đến với cái tên là “Trung tâm Giáo dục Pháp luật.”

Trung tâm Giáo dục Pháp luật Bách Sắc được đặt tại Khách sạn Phái Bách Vân, được Phòng 610 thuê nhiều năm nay để bức hại các học viên Pháp Luân Công. Nhiều học viên từ 12 huyện và quận ở Bách Sắc đã bị giam giữ, tẩy não và tra tấn tại đây. Cô Vương Trân, một nhân viên y tế học đường, đã qua đời ở tuổi 47 vào ngày 22 tháng 9 năm 2016 sau 10 ngày giam giữ tại trung tâm tẩy não này vào hai tháng trước.

Nhiều lần trở thành mục tiêu

Người phụ nữ Cát Lâm bị bắt giữ sau 5 tháng thụ án 1,5 năm

Bà Tôn Á Trân, một học viên Pháp Luân Công 62 tuổi ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm đã bị bắt giữ vào ngày 14 tháng 2 năm 2022, một ngày trước Tết Nguyên tiêu và cũng là ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của Trung Quốc.

Bà Tôn Á Trân từng thụ án 1,5 năm tù vì đức tin của mình vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại kể từ năm 1999. Chỉ 5 tháng sau khi mãn hạn tù, bà lại bị bắt giữ. Gia đình đang vô cùng lo lắng bởi họ không có bất kỳ thông tin gì về tình trạng hiện tại của bà.

2022-2-18-i095415_01.jpg

Bà Tôn Á Trân

Bốn năm trước, vào ngày 3 tháng 2 năm 2018, cũng gần đến Tết Nguyên tiêu, bà Tôn đã bị bắt giữ vì nói với người dân về Pháp Luân Công tại một trung tâm mua sắm. Sau đó, bà bị kết án 1,5 tù giam và 3 năm quản chế.

Mặc dù đã được thả sau 7 tháng giam giữ, song bà vẫn bị giám sát chặt chẽ và bị buộc phải đến báo cáo định kỳ theo tháng với ủy ban dân cư. Bà tận dụng những cơ hội này để nói với các nhân viên ở đó về Pháp Luân Công. Sau vài lần, bà được yêu cầu đến đó mỗi tuần.

Tháng 3 năm 2019, tám người từ Phòng 610 địa phương và ủy ban dân cư xuất hiện trước nhà bà. Họ ghi hình nhà của bà và tìm kiếm tài liệu Pháp Luân Công để làm “bằng chứng“ truy tố bà. Để tránh bị sách nhiễu thêm nữa, bà Tôn đã rời khỏi nhà và đến ở nhà chị gái và lại bị bắt vào ngày 17 tháng 11 năm 2022.

Chính quyền đã ngừng án quản chế của bà Tôn Á Trân, thay vào đó họ đã đưa bà đến Nhà tù Nữ tỉnh Cát Lâm để thụ án. Một năm sau, bà Tôn mãn hạn tù vào tháng 11 năm 2021. Nhân viên ủy ban dân cư tiếp tục gọi điện cho gia đình bà để hỏi về tình trạng của bà.

Ngày 14 tháng 2 năm 2022, bà Tôn lại bị bắt khi đang ghé qua nhà ông Nhạc Ái Lượng (cũng là học viên Pháp Luân Công). Ông Nhạc cũng bị bắt cùng ngày vì đã dán hình trang trí chúc mừng năm mới có thông điệp về Pháp Luân Công trên cửa nhà của mẹ ông. Em trai của ông Nhạc Ái Lượng là ông Nhạc Ái Minh vẫn đang thụ án 3 năm tù, cũng vì đức tin của ông vào Pháp Luân Công. Người mẹ già 83 tuổi của họ đã chịu một cú sốc nặng nề khi ông Nhạc Ái Lượng bị bắt giữ.

Bị bắt giữ khi đang tìm việc làm, cựu giáo viên phải đối mặt với việc bị bức hại thêm lần nữa vì đức tin

Đã từng thụ án 5,5 năm vì tu luyện Pháp Luân Công, bà Lưu Ngọc Vinh, cư dân thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh, lại phải đối mặt với án tù lần nữa vì đức tin của mình.

Bà Lưu, 60 tuổi, cựu giáo viên của Trường Trung học Cơ sở Thị trấn Thúy Nham, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 9 năm 1997. Bà cho biết môn tu luyện này đã chữa khỏi các bệnh về thận, dạ dày và gan của mình.

Trước đó, bà Lưu đã bị bắt giữ vào năm 2008 và bị kết án sáu năm vì kiên định đức tin. Bà từng bị đột quỵ do bị tra tấn trong thời gian bị giam giữ. Năm 2013, bà được trả tự do trước thời hạn một năm. Sau khi trở về nhà, bà suy sụp khi biết mình đã bị Sở Giáo dục Thành phố Lăng Hải sa thải và 14 năm cống hiến của bà đã bị xóa khỏi chế độ lương hưu, khiến bà không được nhận trợ cấp hưu trí. Bà đã làm công việc bán thời gian là chăm sóc người cao tuổi để sinh sống.

Ngày 27 tháng 11 năm 2021, khi đến thăm một học viên khác là bà Khang, trạc ngoài 70 tuổi, để nhờ bà Khang giúp tìm việc làm, bà Lưu đã bị cảnh sát theo dõi và bắt giữ. Tối hôm đó, bà bị bắt giữ hình sự và bị đưa đến trại tạm giam Nữ Thành phố Cẩm Châu.

Gia đình bà thường xuyên lui tới Đồn Cảnh sát Bắc Giao để tìm kiếm tự do cho bà, nhưng đều vô ích. Các nhân viên của Đội An ninh Nội địa Huyện Thái Hòa đã nhanh chóng nộp hồ sơ của bà lên Viện Kiểm sát Thành phố Lăng Hải, và cơ quan này đã phê chuẩn việc bắt giữ bà ngay sau đó.

Để định tội bà Lưu, Lưu Trưởng Kiệt và Lý Lôi của Đội An ninh Nội địa đã cố gắng ép bà phải nhận tội và thừa nhận rằng bà đã đến nhà bà Khang để giao tài liệu Pháp Luân Công, thay vì tìm việc làm. Bà Lưu đã từ chối hợp tác.

Sau đó, khi luật sư xem xét hồ sơ vụ án của bà Lưu, ông phát hiện rằng do không có đủ bằng chứng, công tố viên đã cáo buộc bà tội “cố gắng phạm tội”.

Vì bà Lưu vẫn đang trong quá trình hồi phục sau những thiệt hại về thể chất do bị tra tấn trong thời hạn tù trước đó, gia đình bà rất lo lắng liệu các triệu chứng của bà có tái phát do điều kiện sống tồi tệ và khả năng bị ngược đãi mà bà có thể phải đối mặt sau vụ bắt giữ gần đây nhất hay không.

Số lượng lớn tiền mặt bị tịch thu trong cuộc lục soát của cảnh sát

Sơn Đông: người phụ nữ bị tịch thu hơn 10.000 USD và đồ trang sức đắt tiền

Vào ngày 30 tháng 12 năm 2021, bà Lưu Binh Hoan, ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, bị bắt ngay sau khi bà rời khỏi tòa nhà chung cư của mình. Cảnh sát nói rằng họ đã theo dõi bà hơn sáu tháng và họ biết bà thường ra ngoài để chia sẻ tài liệu Pháp Luân Công và nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Họ nghe lén điện thoại di động và quay video về bà. Một cảnh sát nói rằng anh ta thường ở bên ngoài căn hộ của bà và theo dõi bà khi bà đi ra ngoài bằng xe đạp điện.

Cảnh sát đã giật chìa khóa của bà Lưu và tịch thu sách Pháp Luân Công, ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, đồ hình Pháp Luân, 10.100 nhân dân tệ USD của em trai bà, 4 điện thoại di động, 3 iPad, cũng như hộ chiếu và đồ trang sức của bà.

Tại đồn công an, một cảnh sát đã đánh bà Lưu. Bà đã hỏi tên anh ta, nhưng anh ta từ chối trả lời. Anh ta kéo tai bà thật mạnh đến nỗi lớp da sau tai bà bị xây xát. Anh ta cũng tát vào mặt và bóp cổ bà. Anh ta không buông cho đến khi bà gần như nghẹt thở.

Cảnh sát cũng còng tay bà Lưu ra sau lưng trong một thời gian dài và trùm lên đầu bà túi ni-lông màu đen. Chỉ sau sự phản kháng mạnh mẽ của bà, cảnh sát mới gỡ bỏ chiếc túi.

Trong ba vòng thẩm vấn, bà Lưu không được phép ngủ cả ngày. Ngoài việc thẩm vấn những học viên nào mà bà tiếp xúc, cảnh sát cũng hỏi có bao nhiêu người trong gia đình bà và số dư trong tài khoản ngân hàng của bà là bao nhiêu. Anh trai của bà, ông Liu Binglei, cũng bị bắt, bị đánh đập và thẩm vấn.

Bà Lưu đã được thả vào tối hôm sau sau khi phát hiện bà bị huyết áp cao và tình trạng tim đập nhanh. Bà yêu cầu cảnh sát trả lại tài sản cá nhân của mình, nhưng họ chỉ trả lại cho bà 500 nhân dân tệ. Bà đã phải sống xa nhà kể từ đó để tránh bị bức hại.

Ngoài lần bị bắt gần đây nhất, bà Lưu đã từng phải ngồi tù một năm từ năm 2008 đến năm 2009. Mẹ bà, bà Li Sufang, người cũng tu luyện Pháp Luân Công, đã bị kết án 5 năm vào năm 2017 vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công . Bà bị cao huyết áp do áp lực tinh thần và tra tấn thể chất và đã qua đời vào cuối năm 2019.

Thẻ ghi nợ 200.000 nhân dân tệ bị lấy mất

Vào ngày 20 tháng 11 năm 2021, một ngày sau khi bà Lý Bình, ở thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây, bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công, cảnh sát đã ập vào nhà bà, lấy chìa khóa và lục soát nơi này khi không có ai ở nhà.

Cảnh sát đã tịch thu máy tính của bà Lý, hơn 10.000 nhân dân tệ tiền mặt và thẻ ghi nợ với số tiền 200.000 nhân dân tệ mà không cung cấp danh sách tịch thu. Họ cũng đe dọa gia đình bà không được báo cáo vụ lục soát, nếu không bà Lý sẽ phải đối mặt với án tù nặng hơn.

Tại đồn công an, bà Lý bị buộc phải đeo còng tay và cùm chân. Bà không được phép sử dụng nhà vệ sinh và bị cấm ngủ. Bị cảnh sát gây áp lực và lo lắng về việc con trai vẫn còn đang học tiểu học, bà đã buộc phải ký vào bản “nhận tội” do cảnh sát soạn thảo trái với ý muốn của mình. Các cảnh sát đã xử lý vụ việc của bà từ chối tiết lộ tên của họ.

Mẹ của bà Lý sau đó đã thuê luật sư đại diện cho bà. Sau khi cảnh sát phát hiện, họ đã uy hiếp em trai và chồng của bà. Cảnh sát cũng thẩm vấn chồng bà về các học viên Pháp Luân Công khác mà bà tiếp xúc, tuyên bố rằng chỉ cần ông báo cáo về các học viên khác, bà sẽ được thả.

150.000 nhân dân tệ tiền mặt bị tịch thu khi lục soát tại nhà

Vào ngày 13 tháng 2 năm 2022, bà Lưu Ngọc Hoa, 69 tuổi và bà Yu Guilan, 73 tuổi ở thành phố Thông Hoa, tỉnh Cát Lâm, bị bắt khi đang nói chuyện với những người trên đường phố về Pháp Luân Công. Cảnh sát đã giật chìa khóa và lục soát nhà của họ. Tổng cộng 150.000 nhân dân tệ tiền mặt đã bị lấy đi khỏi nhà bà Lưu, cũng như vài nghìn nhân dân tệ được cất ở một nơi riêng. Máy tính, máy in và các tài sản cá nhân khác của bà cũng bị tịch thu.

Một nhóm cảnh sát khác lục soát nhà của bà Yu cũng lấy đi hàng chục nghìn nhân dân tệ tiền mặt.

Vào tối ngày 14 tháng 2 năm 2022, cả hai người phụ nữ đều được thả sau khi họ bị trại tạm giam Thông Hóa từ chối tiếp nhận vì tình trạng sức khỏe của họ.

Các trường hợp sách nhiễu khác

Bốn thành viên của một đại gia đình bị sách nhiễu vì đức tin chung của họ

Bốn thành viên trong một đại gia đình ở thành phố Bành Châu, tỉnh Tứ Xuyên đã bị sách nhiễu nhiều lần trong năm 2021 vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công. Cảnh sát đã ép họ điểm chỉ lên những tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công trong lần sách nhiễu gần đây nhất vào ngày 7 tháng 12 năm 2021.

Rạng sáng ngày 7 tháng 12 năm 2021, hàng chục cảnh sát và các bí thư thôn đã kéo đến nhà bà Lý Vĩnh Hiền ở thôn Tây Kinh.

Sau khi bà Lý mở cửa, cảnh sát đã lục soát toàn bộ căn nhà của bà. Họ lục và lật tung từ đôi giày, các lớp chăn ga gối đệm ở trên giường, lục lọi bên trong tủ quần áo. Khi bà Lý bị đẩy vào xe cảnh sát, bà ngạc nhiên khi thấy em trai mình là ông Lý Vĩnh Cương cùng vợ ông là bà Vương Tiểu Bình cũng đang ở trong xe.

Nhà của em bà Lý, cô Hồ Quốc Phân, ở sát vách nhà bà Lý. Cô Hồ đã bị đánh thức bởi tiếng chó sủa của nhà mình và nhà kế bên. Khi cô mở cửa để xem việc gì đang xảy ra thì thấy cảnh sát đang đứng bên ngoài nhà mình.

Cảnh sát Lưu Dũng bước đến và ra lệnh cho cô Hồ giao nộp các tài liệu Pháp Luân Công. Anh ta đe doạ sẽ lục soát nhà cô nếu cô không làm theo. Cô Hồ đã từ chối hợp tác và cảnh sát đã xông vào nhà cô. Khi họ đang lục soát, đèn trong phòng cô đột nhiên bị tắt và cảnh sát quyết định dừng lại.

Khi cảnh sát cố bắt cô Hồ, con gái bà đã khóc và van xin họ đừng đưa cô đi. Nhưng họ vẫn nhất quyết bắt cô.

Cô Hồ, hai anh chị em và chị dâu của cô sau đó bị đưa đến văn phòng thôn. Họ bị giam trong những căn phòng riêng biệt và bị thẩm vấn. Khi tất cả họ từ chối ký tên vào những biên bản từ bỏ Pháp Luân Công đã chuẩn bị sẵn, cảnh sát buộc họ phải điểm chỉ lên các giấy tờ đó. Không cảnh sát nào xuất trình giấy tờ chứng minh thân phận trong toàn bộ quá trình này.

Cô Hồ nói cô đã cố giảng chân tướng Pháp Luân Công cho cảnh sát. Cảnh sát đã lắng nghe và không tranh luận với cô. Một cảnh sát vẫn ra lệnh cho cô ký vào ba giấy tờ nhưng chỉ cho cô nhìn thoáng qua tiêu đề một chút. Cô thấy tờ thứ nhất là một tuyên bố hứa không bao giờ tu luyện Pháp Luân Công nữa. Tờ thứ hai là tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công và thừa nhận có lỗi khi tu luyện pháp môn này. Trước khi cô có thể đọc tiêu đề của tờ giấy thứ ba, cảnh sát đã lấy chúng đi. Cô Hồ đã từ chối ký vào các tờ giấy này, nhưng Lưu lệnh cho các cảnh sát cưỡng chế cô điểm chỉ vào đó.

Cảnh sát Trung Quốc tìm mọi cách ép người phụ nữ cao tuổi từ bỏ đức tin

Vào tháng 11 năm 2018, sau khi bà Tín Xuân Đình chuyển đến quận Long Đình ở thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam, bà đã liên tục bị Triệu Bằng Huy, Phó trưởng Đồn Công an thị trấn Bắc Giao sách nhiễu.

Sau khi bị bắt vào ngày 16 tháng 12 năm 2020, cảnh sát đã đánh cắp chìa khóa của bà và bí mật cài đặt thiết bị nghe lén trên xe điện và xe ba bánh của bà. Kể từ đó, bà thường cảm thấy có điều gì đó không ổn sau khi về nhà; đó là một cái gì đó không hoạt động hoặc mọi thứ đã được đặt sai vị trí.

Lo sợ cho sự an toàn của mình, bà đã chi hàng trăm nhân dân tệ để chuyển sang khóa vân tay, đề phòng cảnh sát ập vào lần nữa.

Khi bà Tín trở về nhà lúc 4 giờ chiều ngày 27 tháng 12 năm 2021, bà thấy cửa nhà mình bị mở và ổ khóa bị hỏng. Một túi bị mất và bảng điện mới đã bị hỏng. Một số sách Pháp Luân Công của bà đã biến mất nhưng vài ngày sau chúng xuất hiện trở lại.

Bà đã yêu cầu người quản lý tài sản cho bà xem lại video giám sát của ngày hôm đó, nhưng được cho biết video đã dừng vào khoảng 3:10 chiều. Bà nghi ngờ rằng Triệu đã ra lệnh cho người quản lý tài sản xóa đoạn video quay cảnh ông ta vào nhà bà. Sau đó, bà phát hiện ra rằng, để theo dõi bà, Triệu đã nghe lén phòng của bà và truyền video giám sát đến thiết bị của ông ta.

Bà đã viết thư cho công an địa phương, văn phòng kháng cáo, viện kiểm sát và tòa án, giải thích lý do tại sao tu luyện Pháp Luân Công là hợp pháp. Vào ngày 12 tháng 1 năm 2022, Triệu gọi cho bà và buộc tội bà tuyên truyền tự do tín ngưỡng. Bà nói với ông ta rằng điều duy nhất bất hợp pháp ở đây là ông nghe lén và đột nhập vào nhà bà.

Sáu ngày sau, Triệu và ba người đàn ông từ viện kiểm sát địa phương đến thẩm vấn bà vào sáng ngày 18 tháng 1. Họ đến nhà con gái bà để đe dọa gia đình cô và ông bà thông gia nhằm gây áp lực buộc bà từ bỏ đức tin của mình. Gia đình cô ấy đã rất lo lắng và không thể trải qua kỳ nghỉ Tết Nguyên đán yên bình.

Tỉnh Sơn Đông: Cảnh sát tiếp tục sách nhiễu nữ học viên Pháp Luân Công cao tuổi dù công tố viên hủy bỏ vụ án của bà

Một công tố viên ở huyện Cử, tỉnh Sơn Đông đã hủy bỏ vụ án chống lại cư dân địa phương bà Tôn Sỹ Phân vì tu luyện Pháp Luân Công, nhưng cảnh sát vẫn tiếp tục sách nhiễu người phụ nữ ngoài 70 tuổi này.

Khổ nạn của bà Tôn bắt đầu vào tháng 6 năm 2019, sau khi bà bị cảnh sát phát hiện vì dán hai nhãn dán có nội dung “Pháp Luân Đại Pháp hảo” và “Chân Thiện Nhẫn hảo” trên các cây cột điện. Một nhóm cảnh sát đến sách nhiễu bà tại nhà vào sáng ngày 18 tháng 6 năm 2019. Sau khi cảnh sát rời đi, bà đến nhà con rể ở thôn lân cận để lánh nạn, nhưng đã bị cảnh sát bám theo.

Sáng hôm sau, ba cảnh sát đã kéo đến lục soát nhà bà Tôn và lấy đi các tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công, trong đó có tạp chí, lịch và các tấm áp phích của bà. Bà Tôn bị đưa tới Đồn Công an Quả Trang, cưỡng chế lăn dấu vân tay lên một số tài liệu vụ án và bị phạt tạm giam hành chính mười ngày. Tuy nhiên bởi tuổi tác đã cao, bà không phải chấp hành tạm giam.

Ngày 4 tháng 11 năm 2020, cảnh sát lại lục soát nhà bà Tôn và tịch thu các sách Pháp Luân Đại Pháp, một thẻ nhớ máy tính có ghi các bài giảng của Pháp Luân Công và tám tấm áp phích của bà. Một ngày sau, cảnh sát quay lại và cưỡng chế lấy dấu vân tay của bà vào các tài liệu khác.

Ngày 10 tháng 11 họ lại đến và hỏi bà về nơi bà lấy những tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Cùng ngày, con gái lớn của bà đã bị đưa đến Đồn Công an Quả Trang và bị đe dọa phạt tiền. Vào ngày 11 tháng 11, cảnh sát đã ra thông báo để bà Tôn tại ngoại chờ xét xử.

Ngày 7 tháng 1 năm 2021, Viện Kiểm sát huyện Ngũ Liên đã trả lại hồ sơ của bà Tôn cho cảnh sát vì thiếu bằng chứng. Đến tháng 6 năm 2021, công tố viên đã quyết định không khởi tố vụ án của bà và cũng hủy bỏ điều kiện tại ngoại của bà.

Tuy nhiên cảnh sát vẫn không từ bỏ việc bức hại bà Tôn. Vào ngày 27 tháng 9, họ lại đến nhà sách nhiễu bà và gỡ bỏ tranh thư pháp trang trí tại nhà của bà với nội dung “Pháp Luân Đại Pháp hảo; Chân Thiện Nhẫn hảo.” Họ cũng cố lấy đi chiếc máy nghe nhạc mà bà dùng để bật nhạc luyện các bài công pháp Pháp Luân Công.

Ngày 13 tháng 10 năm 2021, một nhóm cảnh sát khác đã tới sách nhiễu bà Tôn một lần nữa và cố ép bà viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/3/10/439714.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/3/15/199537.html

Đăng ngày 18-05-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share