Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 11-02-2022] Tháng 1 năm 2022, 20 học viên Pháp Luân Công được ghi nhận là đã chết do bị bức hại vì kiên định đức tin của họ, bao gồm: 1 trường hợp trong năm 2008, 1 trường hợp trong năm 2019, 15 trường hợp trong năm 2021 và 3 trường hợp trong tháng 1 năm 2022.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Từ khi pháp môn này được giới thiệu công chúng vào năm 1992, vô số người đã bị thu hút bởi những Pháp lý thâm sâu và lợi ích sức khoẻ của môn này. Lo sợ pháp môn tiếp tục phát triển, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã phát động một chiến dịch bức hại trên toàn quốc vào tháng 7 năm 1999, nhằm xóa sổ pháp môn này.

Trong số 20 học viên đã qua đời, có 14 người là nữ giới, đến từ 9 tỉnh ở Trung Quốc. Các tỉnh Liêu Ninh và Hồ Bắc mỗi nơi 5 trường hợp, tiếp theo là Cát Lâm, Thiểm Tây và Tứ Xuyên mỗi nơi 2 trường hợp; An Huy, Hắc Long Giang, Giang Tô và Nội Mông Cổ mỗi nơi 1 trường hợp.

18/20 học viên đã xác định được độ tuổi dao động từ 50 đến 89, trung bình là 70 tuổi. Trong số họ 4 học viên ngoài 50 tuổi, 4 người ngoài 60, 5 người ngoài 70 và 5 người khác ngoài 80.

Hầu hết các học viên này đã liên tục bị bắt và giam giữ trong suốt 23 năm bức hại. Năm người đã qua đời trong khi bị giam, trong đó có một cụ ông 80 tuổi đã bị kết án 4 năm tù ngay sau khi mãn hạn án tù 3 năm và một người phụ nữ 50 tuổi đã qua đời sau ba ngày bị bắt.

Dưới đây là tóm tắt về một số trường hợp học viên đã tử vong. Danh sách 20 học viên có thể được tải tại đây.

Qua đời trong khi bị giam giữ

Người phụ nữ ngoài 50 tuổi qua đời sau ba ngày bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công

Ngày 20 tháng 1 năm 2022, bà Hoàng Tố Lan ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên đã bị cảnh sát ở thành phố Bành Châu (cách nơi ở của bà khoảng 48 km) bắt giữ ngay bên ngoài tòa chung cư của bà. Bà bị giam trong một cơ sở giam giữ bí mật ở Bành Châu.

Ngày 23 tháng 1 năm 2022, cảnh sát thông báo với gia đình bà Hoàng rằng bà đã qua đời vào đầu ngày hôm đó. Thi thể của bà đã nhanh chóng được chuyển đến Nhà tang lễ thành phố Bành Châu. Gia đình đã nhìn thấy thi thể của bà, nhưng chi tiết thêm về cái chết của bà hiện vẫn đang được điều tra.

Trước vụ bắt giữ cuối cùng này, bà Hoàng đã từng bị bắt vào ngày 10 tháng 7 năm 2019 trong khi đang tới gặp một học viên khác là bà Mao Khôn. Bà Hoàng đã được thả vào ngày 9 tháng 10, còn bà Mao sau đó bị kết án 11,5 năm tù và đã qua đời ở trong tù.

Bị kết án bốn năm khi vừa mãn hạn ba năm, ông lão 80 tuổi chết trong tù

Ngày 9 tháng 4 năm 2021, khi gia đình ông Lưu Hy Vĩnh tới nhà tù để đón ông sau khi ông mãn hạn án tù 3 năm, họ đã suy sụp khi biết rằng ông bị cảnh sát đưa đi. Ông đã bị kết án thêm 4 năm, và bốn tháng sau, ông bị tiểu đường và có chất lỏng tích tụ ở ngực. Nhà chức trách vẫn còng tay và cùm chân ông ở trên giường bệnh trong bệnh viện.

Ông Lưu, một cư dân ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, lại lâm vào tình trạng nguy kịch vào ngày 9 tháng 12. Ông ngồi trên xe lăn và bị giam trong lồng sắt ở phía sau xe khi ông được đưa đến bệnh viện. Gia đình rất ngạc nhiên khi nhìn thấy khuôn mặt, tay và chân của ông Lưu sưng phù. Dường như ông đã bị liệt và không thể nói năng rõ ràng. Khi cháu gái của ông định chỉnh lại khẩu trang cho ông, thì lính canh đe doạ cô và không cho gia đình đến gần.

Lính canh còn yêu cầu gia đình ông Lưu phải chi trả toàn bộ chi phí điều trị y tế của ông. Họ đổ lỗi cho ông đã bị bệnh trước khi bị bắt và nói rằng họ sẽ không chịu trách nhiệm. Gia đình đã liên tục xin bảo lãnh tại ngoại để điều trị y tế cho ông nhưng cũng bị từ chối.

Ông Lưu đã qua đời tại bệnh viện vào ngày 29 tháng 12. Nhà tù không cho con trai ông đưa thi thể ông về nhà. Họ đã đưa thi thể ông đến nhà tang lễ vì sợ gia đình sẽ kiện họ. Cảnh sát cũng có mặt khi thi thể ông được hoả táng vào ngày 1 tháng 1 năm 2022.

Khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, ông Lưu đã liên tục bị giam vì kiên định với đức tin và nâng cao nhận thức về cuộc bức hại. Ông bị kết án hai năm lao động cưỡng bức sau một lần bị bắt vào tháng 4 năm 2002 và bị kết án 3,5 năm sau một lần bắt giữ khác vào ngày 24 tháng 7 năm 2008. Sau lần bắt giữ cuối cùng vào ngày 9 tháng 4 năm 2018, ông đã bị kết án 3 năm tù mà không thông qua xét xử. Khi vợ ông tìm cách giải cứu ông tại đồn công an địa phương trong tuyệt vọng, một cảnh sát nói với bà: “Lần này, chúng tôi sẽ cho ông ấy chết!”.

a49f1ff58fbf009bb8448732edb178b4.jpg

Ông Lưu Hy Vĩnh

Người phụ nữ Đại Liên qua đời ở trong tù sau ba năm bị từ chối bảo lãnh chữa trị y tế

Bà Trọng Thục Quyên, 66 tuổi, ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh đã qua đời trong Nhà tù Nữ Liêu Ninh vào ngày 24 tháng 12 năm 2021, ba năm sau khi yêu cầu bảo lãnh điều trị y tế ung thư vú của bà bị từ chối. Thi thể bà đã bị hoả thiêu với sự có mặt của cảnh sát, công tố viên và thẩm phán, những người liên quan đến bản án của bà.

Trong hơn 22 năm qua, bà Trọng đã bị bắt bảy lần và bị giam tổng cộng 12 năm vì kiên định đức tin của mình. Bà bị giam trong trại tạm giam Đại Liên 18 ngày, một trung tâm cai nghiện ma tuý 28 ngày, trại cưỡng bức lao động Đại Liên 2 năm 40 ngày và trại cưỡng bức lao động Mã Tam Gia hai lần, lần đầu là 2 năm 4 tháng và lần hai là 2 năm 16 ngày. Ngoài ra, bà còn bị giam tại Trung tâm Tẩy não La Đài Sơn trong 21 ngày vào tháng 7 năm 2009, tại một bệnh viện trong 15 ngày vào tháng 3 năm 2016. Bà đã bị kết án 7,5 năm tù sau lần bắt giữ cuối cùng vào ngày 28 tháng 6 năm 2016 và bị giam ở đó đến khi qua đời.

Bà Trọng không phải là người duy nhất trong gia đình trở thành nạn nhân của cuộc bức hại. Con gái bà là cô Lý Tú Lệ đã bị rối loạn tâm thần vào năm 2007 ở tuổi 27 do bị sách nhiễu trong thời gian dài. Cô đã không thể hồi phục sau một cuộc đổ bộ của cảnh sát khi chỉ có cô một mình ở nhà. Sau một trong những lần mẹ mình bị bắt giữ, cô Lý và cha cô là ông Lý Khoan đã bị tổn thương tâm lý nặng nề, đến nỗi họ không rời khỏi nhà trong hơn 40 ngày. Họ không dám trả lời điện thoại hay mở cửa khi ai đó gõ cửa. Người ngoài nghĩ rằng hai cha con đã chết tại nhà nên phá cửa xông vào nhà và phát hiện họ vẫn còn sống.

Sau lần bắt giữ cuối cùng của bà Trọng vào năm 2016, chồng bà đã bị giam nửa tháng và sau đó bị kết án 3,5 năm quản thúc tại gia. Tinh thần của con gái của họ lại càng suy sụp hơn nữa.

Người đàn ông Tứ Xuyên qua đời sau bốn tháng bị bắt giữ vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công.Ông Dương Hưng Diệp, một cư dân thành phố Bành Châu, tỉnh Tứ Xuyên, đã qua đời vào ngày 10 tháng 12 năm 2021, chỉ bốn tháng sau khi ông bị bắt giam trở lại vì tu luyện Pháp Luân Công. Khổ nạn của ông Dương bắt nguồn sự việc xảy ra năm 2017, lúc đó ông bị bắt vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công và được bảo lãnh tại ngoại vào tháng 7 năm đó. Khi thời hạn bảo lãnh 4 năm vẫn chưa kết thúc, ông đã bị kết án 4 năm tù vào ngày 13 tháng 7 năm 2021. Phiên toà không được tổ chức ở tòa án địa phương, mà là ở trong một quán trà.

Vài tuần trước khi ông Dương bị kết án, hai cư dân trong khu phố của ông đã giả vờ là những người muốn học Pháp Luân Công để tiếp cận ông. Nhưng họ đã ngừng liên lạc với ông sau khi nhận được 50 cuốn tài liệu thông tin Pháp Luân Công từ ông. Nhìn lại có thể thấy hai cư dân này có lẽ đã bị chính quyền sử dụng để thu thập bằng chứng truy tố chống lại ông.

Ông Dương đã được thả sau khi tuyên án. Hai tuần sau, vào ngày 27 tháng 7, ba cảnh sát đã tới gõ cửa nhà ông. Khi ông từ chối cho họ vào, họ đã tìm một thợ khóa để cạy cửa nhà và bắt giam ông trở lại.

Ngày 14 tháng 8, sau hai tuần ở trong Trại giam Thành phố Bành Châu, ông Dương bị đưa đến Bệnh viện Nhân dân mới Thành phố Bành Châu, trong tình trạng bị cùm chân. Hiện vẫn chưa rõ lý do tại sao ông lại bị đưa đến đó.

Tháng 9, cảnh sát chuyển ông Dương đến một bệnh viện khác gần đó ở Thành Đô. Đến tháng 11, họ thông báo cho gia đình ông rằng họ có thể nộp đơn xin tại ngoại cho ông vì lý do sức khỏe. Vì tài khoản bảo hiểm y tế và lương hưu của ông Dương đã bị chính quyền đóng băng nên gia đình ông không thể trang trải chi phí y tế cho ông. Vì họ không nộp đơn xin tại ngoại và đưa ông về nhà, cảnh sát buộc họ phải ký vào giấy miễn trừ trách nhiệm.

Sau đó tình trạng sức khỏe của ông Dương ngày càng xấu đi. Ông qua đời vào ngày 10 tháng 12 năm 2021. Chi tiết về tình huống của ông vẫn chưa được làm rõ, tuy nhiên, những người biết ông cho hay ông rất khỏe mạnh trước khi bị bắt giữ.

Cát Lâm: Một người phụ nữ qua đời trong khi thụ án tù

Ngày 26 tháng 10 năm 2021, Nhà tù Nữ Tỉnh Cát Lâm đã thông báo cho gia đình bà Vương Khánh Văn rằng bà đã qua đời. Chính quyền đã hoả táng thi thể bà vào ngày hôm sau và gửi hài cốt của bà về quê nhà ở thành phố Liêu Nguyên, tỉnh Cát Lâm. Khi đó bà 78 tuổi.

Trước đó bà Vương đã bị kết án 3 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Dù các nhà chức trách đã cho phép bà được phép thụ án bên ngoài nhà tù, nhưng cảnh sát đã tống giam bà trong trại tạm giam Thành phố Liêu Nguyên một thời gian trong năm 2021.

Sau đó bà Vương bị chuyển đến Nhà tù Nữ Tỉnh Cát Lâm và xuất hiện các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bà được đưa đến bệnh viện công an vào cuối tháng 10 năm 2021 và nhanh chóng qua đời ở trong đó. Nhà tù từ chối cung cấp thêm thông tin về cái chết của bà với gia đình. Một số quan chức nói rằng bà qua đời do bị ung thư trực tràng, cũng có những người nói bà qua đời do ung thư phổi.

Qua đời do bị bức hại thời gian dài

Tin muộn: Một người đàn ông Thiểm Tây qua đời sau ba năm mãn hạn tù lần thứ hai.Ông Lý Chu Văn, một kỹ sư cơ khí sống tại thành phố Bảo Kê, tỉnh Thiểm Tây, đã qua đời vào tháng 11 năm 2019 ở tuổi 75, sau ba năm bị tra tấn trong tù vì kiên định đức tin của mình vào Pháp Luân Công.

Vợ ông là bà Trương Cải Tú cũng đã bị bức hại đến chết sau khi bị kết án 4 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà qua đời ở tuổi 57 vào ngày 26 tháng 2 năm 2008.

Sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc phát động chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công trên toàn quốc vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, cảnh sát thường xuyên sách nhiễu hai vợ chồng ông Lý vì họ không từ bỏ Pháp Luân Công. Ngày 11 tháng 9 năm 2001, cảnh sát đã đột nhập vào nhà ông bà và lục soát nơi này mà không xuất trình giấy tờ chứng minh thân phận. Tiếp đó họ tịch thu toàn bộ sách và tài liệu Pháp Luân Công của vợ chồng ông Lý.

Ông Lý bị giam ở một địa điểm trong 23 tiếng trước khi bị chuyển đến Đồn Công an Trần Thôn. Ở đây ông bị bắt phải ký một số tài liệu liên quan đến tòa án. Sau khi ký tên vào những giấy tờ đó, ông bị đưa đến trại tạm giam của huyện. Ở trong trại giam, ông đã bị đánh đập nhiều lần vì đả tọa luyện bài tĩnh công của Pháp Luân Công.

Sau đó, ông Lý bị kết án 7 năm tù, bà Trương 4 năm tù. Vì bệnh cũ tái phát do bị ngược đãi trong khi bị giam giữ, bà Trương được phép thụ án ngoài nhà tù.

Từ năm 2002 đến năm 2005, ông Lý bị giam tại Nhà tù Trang Lý và sau đó là tại Nhà tù Vị Nam trước khi mãn hạn. Khi ở trong hai nhà tù này ông đều bị tra tấn và tẩy não, hơn nữa còn bị cưỡng bức viết “tam thư” từ bỏ Pháp Luân Công.

Do áp lực tinh thần từ cuộc bức hại và sự kỳ thị của xã hội, con trai của họ trở nên thù hận Pháp Luân Công và không để cho ông Lý tự do ra khỏi nhà hoặc nói chuyện với các học viên Pháp Luân Công khác sau khi ông mãn hạn tù vào tháng 12 năm 2007.

Mặc dù bà Trương thụ án tù tại nhà, song hàng tháng công an Đội An ninh Nội địa vẫn đến nhà sách nhiễu bà. Bà hoảng sợ và lo lắng đến mức rối loạn tinh thần. Ngày 26 tháng 2 năm 2008, bà qua đời ở tuổi 57.

Sau khi ông Lý mãn hạn tù vào năm 2007, cảnh sát Đội An ninh Nội địa và Phòng 610 tiếp tục sách nhiễu ông. Ngày 6 tháng 5 năm 2009, cảnh sát lại bắt ông bởi ông từ chối từ bỏ đức tin của mình. Ông bị nhốt tại một nhà khách chính phủ cho đến ngày 22 tháng 5, trước khi bị chuyển đến trại tạm giam địa phương. Sau đó ông bị kết án 4,5 tù và thụ án trong Nhà tù Vị Nam.

Hai án tù với tổng cộng 11 năm đã gây tổn hại tinh thần nặng nề đối với ông Lý. Gia đình ông bị xã hội kỳ thị và còn bị tổn thất về tài chính. (Ông Lý từng có thu nhập 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng trước khi bị cầm tù.)

Năm 2016, khi ông Lý mãn hạn tù, ông cũng bị mất khả năng lao động và cũng không thể tự chăm sóc bản thân. Ông qua đời vào tháng 11 năm 2019.

Người đàn ông Hắc Long Giang qua đời sau nhiều năm bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công

Ngày 18 tháng 6 năm 2013, khi bản án 5 năm tù giam của ông Điền Thành Quân vì tu luyện Pháp Luân Công mãn hạn, chính quyền vẫn tiếp tục giam giữ ông tại một địa điểm bí mật trong nhiều năm. Tại thời điểm được thả, ông vô cùng yếu ớt và hốc hác. Ông nhốt mình ở nhà và không dám ra ngoài gặp gỡ ai. Khi cảnh sát tiếp tục sách nhiễu ông, ông đã chuyển đến ở với chị gái của mình. Vào ngày 27 tháng 2 năm 2021, ông đã qua đời ở tuổi 53 sau một cơn đau tim.

Ông Điền, một cư dân huyện Bảo Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị bắt tại nhà vào ngày 18 tháng 6 năm 2008, chưa đầy hai tháng trước Thế vận hội Olympic Bắc Kinh. Các nhà chức trách nói rằng họ bắt giữ ông Điền vì muốn ngăn ông đi đến Bắc Kinh để kháng nghị cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Một số học viên địa phương khác cũng bị bắt tại cùng thời điểm và nhà của họ bị lục soát.

Viện Kiểm sát Huyện Bảo Thanh đã phê chuẩn việc bắt giữ ông Điền vào giữa tháng 8 năm 2008 và truy tố ông một tuần sau đó. Ông bị đưa ra xét xử tại Tòa án Huyện Bảo Khánh vào ngày 18 tháng 11 và bị kết án 5 năm tù vào ngày 4 tháng 12. Bảy học viên khác bị kết án cùng ông là: Anh Lưu Tuấn Trung (40 tuổi) và cô Vương Tuấn Hồng (30 tuổi), mỗi người bị kết án 10 năm; Ông Vu Chiêm Hồng bị kết án 9 năm; Cô Điền Tiểu Huyền bị kết án 8 năm; cô Khương Kiệt (ngoài 30 tuổi) anh Mạnh Hiến Quốc (48 tuổi) và vợ anh là cô Vương Á Vinh (40 tuổi) mỗi người bị kết án 7 năm.

Ông Điền đã bị chuyển từ trại tạm giam Bảo Thanh đến Nhà tù Liên Giang Khẩu vào ngày 7 tháng 5 năm 2009. Ông bị cưỡng bức lao động không công và tra tấn bằng nhiều hình thức.

Khi mãn hạn tù vào ngày 18 tháng 6 năm 2013, nhà tù đã chuyển ông đến một cơ sở giam giữ bí mật ở ngoài thị trấn. Không rõ sau khi két thúc án tù ông đã bị giam giữ thêm ở đó chính xác là bao lâu.

Cụ ông 89 tuổi qua đời sau lần sách nhiễu cuối cùng

Ông Lưu Vĩnh Tồn, 89 tuổi, ở thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm, đã bị báo cảnh sát vì nói với mọi người về Pháp Luân Công và phân phát lịch có thông tin về Pháp Luân Công ở thị trấn Pháp Đặc vào mùa đông năm 2020. Cảnh sát đã lục soát nhà của ông và buộc ông phải ký vào một bản cam kết bất tu luyện. Ông Lưu sợ hãi đến mức bị đột quỵ và nằm liệt giường.

Đến ngày 12 tháng 5 năm 2021, cảnh sát lại lục soát nhà của ông Lưu. Họ tịch thu tài sản cá nhân và cố gắng tống tiền ông. Cảnh sát đã cố bắt ông nhưng đã đổi ý khi thấy tình trạng sức khoẻ không tốt của ông.

Vật lộn với sức khoẻ suy giảm, ông Lưu đã qua đời vào ngày 10 tháng 9 năm 2021 ở tuổi 89.

Một cụ bà 81 tuổi đã qua đời sau nhiều lần bị bắt giữ và sách nhiễu vì kiên định đức tin

Cụ bà Viên Ngọc Trân, một cựu giáo viên ưu tú ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô đã qua đời vào ngày 19 tháng 11 năm 2021 sau hai thập kỷ bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà hưởng thọ 81 tuổi.

Sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc phát động cuộc đàn áp vào năm 1999, bà Viên đã đến Bắc Kinh ba lần để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Mỗi lần bà đều bị bắt và nhà bị lục soát. Bà cũng bị kết án 1 năm lao động cưỡng bức sau khi bị đưa trở về Nam Kinh. Các vụ bắt giữ, giam cầm và sách nhiễu thường xuyên đã khiến sức khoẻ bà suy giảm và cuối cùng đã cướp đi mạng sống của bà.

Bà Viên bị bắt lần đầu tiên vào tháng 4 năm 2000 khi bà đến Bắc Kinh để kháng nghị. Bà bị giam trong một chiếc lồng kim loại và bị xích vào ghế kim loại. Những chiếc ngạnh ở trên sợi xích cứa sâu vào da thịt bà. Sau khi được chuyển trở lại Nam Kinh, bà đã bị giam một tháng trong trại tạm giam Thành phố Nam Kinh. Nhà của bà cũng bị lục soát.

Bà Viên đã đến Bắc Kinh để kháng nghị lần thứ hai vào tháng 10 năm 2000. Cảnh sát Bắc Kinh đã đánh vào đầu bà khiến đầu bà sưng tấy. Mặt bà bầm tím và răng bị chảy máu. Cảnh sát cũng giẫm lên các ngón tay của bà, treo bà lên bằng cổ tay với cánh tay bị bẻ ngoặt ra sau lưng và sốc điện bà bằng dùi cui điện khiến bà bất tỉnh. Sau đó cảnh sát đưa bà trở lại Nam Kinh và lục soát nhà bà một lần nữa.

2987e3bdfa20988675f92cdb3d25744d.jpg

Tái hiện phương thức tra tấn: treo người và sốc điện bằng dùi cui điện

Bà Viên lại đến Bắc Kinh để kháng nghị lần thứ ba vào tháng 12 năm 2000. Bà bị bắt khi đang giơ biểu ngữ trên Quảng trường Thiên An Môn. Ban đầu bà bị giữ tại Đồn Công an Thiên An Môn, sau đó bị chuyển đến một đồn công an ở quận Hải Điến. Lính canh đã đánh đập và tra tấn bà khi bà từ chối tiết lộ danh tính và địa chỉ của mình. (Ghi chú: Bởi chính sách liên lụy của chính quyền Trung Quốc, các học viên Pháp Luân Công thường từ chối tiết lộ danh tính của họ để bảo vệ các thành viên trong gia đình, đồng nghiệp và các cộng sự khác của họ.)

Một tuần sau, cảnh sát Bắc Kinh chuyển bà Viên đến một trại tạm giam ở tỉnh Liêu Ninh gần đó. Họ cũng đã cố gắng tống bà vào bệnh viện tâm thần, nhưng bác sĩ từ chối nhận bà. Sau đó, bà bị đưa đến một nhà tù và bị giam giữ cùng với các tử tù, trước khi bị đưa trở lại trại tạm giam, nơi bà bị buộc phải khai báo danh tính và địa chỉ.

Sau khi bị đưa trở lại Nam Kinh, bà Viên bị giam một tháng trong trại tạm giam Thành phố Nam Kinh, sau đó bị giam một năm trong Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Cú Đông. Lính canh trại lao động đã đánh đập, giật tóc, đập đầu bà vào tường và tát vào mặt bà. Bà cũng bị đưa đến một trung tâm tẩy não và răng bà đã bị gãy gần hết do bị đánh đập ở đó.

Vào khoảng tháng 4 năm 2007, một nhóm cảnh sát đã đột nhập vào nhà của bà và bắt giam bà trong Trung tâm Tẩy não Quận Cổ Lâu 12 ngày.

Bà Viên lại bị bắt vào ngày 16 tháng 3 năm 2011 vì nói chuyện với những người ở bên ngoài một siêu thị. Hai cảnh sát mặc thường phục đã đẩy bà vào một chiếc xe hơi và xịt vào mặt bà một hợp chất độc hại.

Trong thời gian bị giam giữ ở Trung tâm Tẩy não Quận Cổ Lâu, cảnh sát đã gọi điện cho chồng bà là ông Lý Vạn Khôn và nhấn mạnh rằng họ cần nói chuyện với ông. Ông Lý nói rằng ông đang không có ở nhà và sẽ nói chuyện với cảnh sát vào ngày hôm sau. Tuy nhiên khi trở về nhà vào cuối ngày hôm đó, ông đã vô cùng hoảng hốt khi phát hiện cảnh sát đã đột nhập vào nhà ông và lục tung mọi thứ. Khi ông hỏi cảnh sát tại sao lại đột kích vào nhà ông khi không có ai ở nhà, cảnh sát trả lời: “Chúng tôi không thể chỉ vì ông không có ở nhà mà không chấp hành công vụ.” Ông Lý uất ức đến mức suýt ngất xỉu. Sau đó, cảnh sát tiếp tục sách nhiễu ông, khiến người đàn ông lớn tuổi này bị sang chấn tâm lý và sống trong sợ hãi.

Bà Viên lại bị sách nhiễu và đe dọa vào tháng 6 năm 2015, sau khi cảnh sát biết rằng bà đã nộp đơn kiện Giang Trạch Dân (cựu lãnh đạo chính quyền cộng sản Trung Quốc) vì đã ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công. Sau đó bà bắt đầu bị huyết áp cao, đôi khi bị khó thở và run rẩy mất kiểm soát. Bà sống trong nỗi sợ hãi tột độ, tinh thần khủng hoảng và sức khỏe giảm sút nhanh chóng. Cuối cùng bà đã qua đời vào ngày 19 tháng 11 năm 2021.

Một phụ nữ ở Nội Mông qua đời khi đang sống trôi giạt

Bà Trương Phượng Vân ở thành phố Xích Phong, Nội Mông, đã buộc phải rời khỏi nhà sau khi cảnh sát lục soát nhà bà vào ngày 25 tháng 9 năm 2018 ngay khi họ phát hiện con gái bà là cô Tống Tư Nguyên sắp bay đến New York để tham gia cuộc thi hát do NTDTV (một đài truyền hình có trụ sở ở Hoa Kỳ nổi tiếng trong việc báo cáo những tin tức không bị kiểm duyệt ở Trung Quốc, gồm cả cuộc bức hại Pháp Luân Công) tổ chức.

Khi cuộc đột kích xảy ra, bà Trương và con gái không có ở nhà nên đã thoát khỏi vụ bắt giữ. Nhưng chồng bào là ông Tống Hiến Đông đã bị bắt và sau đó bị kết án 10 tháng tù. Một lượng lớn cảnh sát đã được huy động để truy lùng tung tích của cô Tống và mẹ của cô.

Vì bị chính quyền cắt lương hưu nên bà Trương đã sống một cuộc sống cơ cực khi ở bên ngoài. Áp lực tinh thần đã ảnh hưởng đến sức khoẻ của bà. Bà đã qua đời vào khoảng ngày 25 tháng 12 năm 2021.

Người phụ nữ Liêu Ninh qua đời sau hai năm được trả tự do từ án tù thứ hai

Sau hai lần thụ án tù và một án lao động cưỡng bức vì từ chối từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công, vào ngày 16 tháng 11 năm 2021, chỉ 2 năm sau khi mãn hạn một án tù có thời hạn 3 năm, bà Ngô Nãi Anh đã qua đời ở tuổi 66.

022e51552c9a0443832d8c7b7aeca27f.jpg

Bà Ngô Nãi Anh

Kể từ sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, bà Ngô ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh đã bị bắt năm lần. Bà đã bị kết án hai năm trong trại lao động và hai lần bị kết án tù với tổng cộng bảy năm.

Bà Ngô bị bắt lần đầu vào năm 2000 và bị giam 15 ngày. Bà bị bắt lần nữa vào năm 2001 và bị giam trong Trung tâm Tẩy não Quận Thẩm Hà.

Bà bị giam hai năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Long Sơn vào tháng 8 năm 2003 sau một vụ bắt giữ khác. Tại đây bà đã bị đánh đập và có lần còn bị sốc điện bằng ba dùi cui điện một lúc.

Ngày 10 tháng 8 năm 2008, bà Ngô lại bị bắt và cảnh sát chụp lên đầu bà chiếc mũ trùm đầu màu đen và còng tay bà ra sau lưng. Tòa án Huyện Đại Đông đã kết án bà bốn năm vào ngày 29 tháng 10 năm 2008. Bà bị lăng mạ bằng lời nói, lao động cưỡng bức và các hình thức tra tấn khác sau khi bị đưa đến Nhà tù Nữ Tỉnh Liêu Ninh vào ngày 13 tháng 1 năm 2009.

Ngày 15 tháng 6 năm 2015, bà Ngô đã nộp đơn kiện hình sự Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, vì đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công. Tiếp đó bà lại bị bắt vào ngày 14 tháng 11 năm 2016, trong khi đang học các sách Pháp Luân Công tại nhà cùng với ba học viên khác. Nhiều đồ đạc cá nhân của bà đã bị tịch thu. Các nhà chức trách cũng cáo buộc bà đã dán một áp phích thông tin về Pháp Luân Công, và camera giám sát đã ghi lại cảnh đó.

Ban đầu cảnh sát giam bà trong trại tạm giam Thành phố Thẩm Dương. Bà nhanh chóng bị huyết áp cao ở mức nguy hiểm và phải nằm viện hai tuần trước khi bị đưa trở lại trại tạm giam.

Ngày 29 tháng 9 năm 2017, Tòa án Quận Thẩm Hà đã kết án bà Ngô ba năm tù và phạt 20.000 Nhân dân tệ. Bà đã bị đưa vào Nhà tù Nữ Tỉnh Liêu Ninh vào ngày 9 tháng 1 năm 2018.

Tại thời điểm được trả tự do vào tháng 11 năm 2019, bà không thể nói năng mạch lạc và mất nhiều trí nhớ. Bà từng nói rằng bà đã bị khó thở vì bị tra tấn ở trong tù. Bà còn bị đau nhức chân tay cũng như bị táo bón nặng.

Sau hai năm vật lộn với sức khỏe kém, bà đã qua đời vào khoảng 1 giờ sáng ngày 16 tháng 12 năm 2021.

Bà lão 73 tuổi bị kết án tù vì đức tin, qua đời 3 tháng sau đó

Một cư dân thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy đã bị kết án 3 năm 10 tháng ngay sau khi bị bắt vào đầu tháng 9 năm 2021 vì tu luyện Pháp Luân Công. Do sức khỏe yếu, nhà tù địa phương đã từ chối tiếp nhận bà. Sau khi phải chịu án treo tại nhà, sức khỏe của bà Lý Thúy Bình tiếp tục xấu đi. Bà qua đời vào giữa tháng 12 năm 2021, hưởng thọ 73 tuổi.

Bà Lý tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997, và bà tin rằng pháp môn này đã chữa khỏi bệnh ung thư cổ tử cung của mình. Bởi vì bà không chịu từ bỏ Pháp Luân Công khi đối mặt với cuộc bức hại, bà đã bị bắt và giam giữ nhiều lần trước khi hoàn toàn bị suy sụp do áp lực tinh thần kéo dài hàng thập kỷ.

Lần đầu tiên bà Lý bị bắt là vào năm 2003, và bà bị kết án ba năm tù tại Nhà tù Nữ tỉnh An Huy, nơi bà bị ép phải lao động không công và xem video phỉ báng Pháp Luân Công, cũng như bị các tù nhân trong cùng buồng giam đánh đập.

Bà bị bắt thêm hai lần nữa, lần lượt vào 11 giờ đêm ngày 20 tháng 7 năm 2007 và vào ngày 24 tháng 6 năm 2011 vì đã nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công.

Bà còn bị trại tạm giam địa phương từ chối tiếp nhận sau một vụ bắt giữ khác vào ngày 2 tháng 1 năm 2020. Nhà của bà đã bị lục soát, các sách Pháp Luân Công và các tài liệu liên quan của bà đã bị tịch thu. Cảnh sát quản thúc bà tại nhà và đã quay lại nhiều lần để sách nhiễu bà.

Cả bà Lý và con trai bà, anh Mã Sam, bị bắt tại nhà vào ngày 3 tháng 11 năm 2020. Nhà của họ bị lục soát và họ lại bị quản thúc tại nhà.

Lần bắt giữ cuối cùng của bà Lý là vào đầu tháng 9 năm 2021, khi bà đang rút tiền tại một ngân hàng. Bà bị giam trong một trung tâm tẩy não trong hai tuần, và được thả khi bà rất yếu. Không lâu sau, bà bị triệu tập đến Tòa án Quận Thục Sơn vào ngày 24 tháng 9. Vì bà quá yếu không thể tự đi lại, mấy nhân viên tòa án đã phải bế bà vào xe và đưa bà đến tòa án.

Sau đó, bà Lý bị kết án 3 năm 10 tháng. Nhà tù từ chối tiếp nhận bà do tình trạng sức khỏe của bà. Bà trở về nhà và qua đời ba tháng sau đó.

Một phụ nữ Liêu Ninh qua đời sau 16 năm rối loạn tâm thần do bị cưỡng chế tiêm thuốc trong tù

Bà Hồ Diễm Ba bị rối loạn tâm thần khi được thả ra khỏi Nhà tù Nữ Tỉnh Liêu Ninh vào năm 2006, sau bốn năm thụ án vì tu luyện Pháp Luân Công. Vì bà không thể tự chăm sóc cho bản thân, bố của bà đã đưa bà vào bệnh viện tâm thần. Sau 16 năm chống chọi với bệnh tật, bà qua đời vào tháng 1 năm 2022, ở tuổi 50.

Bà Hồ, ở thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh, đã bị bắt bốn lần từ năm 1999 đến năm 2002, trong đó có một lần bị bắt vào năm 2000 vì đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công.

Bà bị kết án bốn năm sau lần bắt giữ cuối cùng vào tháng 10 năm 2002. Bà bị giam tại Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia trong ba năm, sau đó bị chuyển đến Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh.

Các cai tù đã sử dụng đủ kiểu tra tấn để buộc bà từ bỏ Pháp Luân Công, bao gồm đánh đập, cấm ngủ một tháng, và trói bà vào giá kim loại trong phòng tắm trong tư thế ngồi xổm. Một học viên cũng bị giam ở đó đã kể lại rằng các lính canh đã bắt bà Hồ đứng trong phòng tắm để chuyển hóa bà. Việc này bắt đầu từ 10 giờ tối, và không ai biết nó kéo dài bao lâu mỗi đêm.

Sau đó, bà Hồ đổ bệnh. Các lính canh ra lệnh cho các tù nhân cho các loại thuốc không rõ nguồn gốc vào thức ăn của bà, khiến bà bị choáng váng đầu óc và không thể rời khỏi giường. Bà suýt chết vì bị tra tấn và cưỡng chế dùng thuốc.

Khi được thả, bà Hồ đã rơi vào tình trạng hôn mê. Bà cũng bị đuổi việc. Vì mẹ bà đã mất từ lâu nên bố bà đã đưa bà vào bệnh viện tâm thần, bởi ông vẫn phải làm việc nuôi gia đình.

Vào tuần đầu tiên của năm 2022, bố bà nhận được cuộc gọi từ bệnh viện và được thông báo rằng bà vừa qua đời. Y tá chăm sóc cho bà cho biết bà không chịu ăn thịt, mà chỉ ăn dưa chua. Người cha già xót xa khi thấy thân hình hốc hác của con.

Tỉnh Liêu Ninh: Một người phụ nữ qua đời sau hai thập kỷ bị bức hại

Bà Khúc Thái Linh ở thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh, bị tra tấn tàn bạo trong khi thụ án 1,5 năm lao động cưỡng bức và 9 năm tù giam vì kiên định đức tin của mình vào Pháp Luân Công. Do không thể chịu đựng nổi áp lực từ cuộc bức hại, chồng bà Khúc đã ly dị bà và giành được quyền nuôi cô con gái đang tuổi thiếu niên của họ. Năm 2000, cơ quan nơi bà làm việc đã đình chỉ lương hưu của bà sau khi bà bị bắt lần đầu tiên vì tu luyện Pháp Luân Công. Sau nhiều năm chịu đựng đau khổ tinh thần và khó khăn tài chính, bà qua đời vào ngày 22 tháng 1 năm 2022, hưởng thọ 70 tuổi.

Bà Khúc từng làm việc cho Phòng Kế hoạch hóa gia đình Thành phố Phủ Thuận. Trước kia bà từng mắc nhiều căn bệnh và hàng năm đều phải nằm viện. Vào tháng 2 năm 1997, bà đã xin nghỉ hưu sớm ở tuổi 45. Hai tháng sau, bà biết đến Pháp Luân Công, và sức khỏe của bà đã nhanh chóng hồi phục.

Sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc phát động cuộc đàn áp vào năm 1999, nhân viên của Phòng 610 địa phương, nhân viên đơn vị công tác cũ, nhân viên cộng đồng nơi bà sinh sống đã thường xuyên sách nhiễu bà và tìm cách cưỡng ép bà từ bỏ Pháp Luân Công. Bà bị giam tại đồn công an ba lần và gia đình bị tống tiền 1.000 nhân dân tệ. Vu Mãn Xương, trưởng Phòng 610 Quận Thuận Thành đã gây áp lực lên chồng bà và yêu cầu ông phải giám sát vợ mình. Vu Mãn Xương đe dọa sẽ đình chỉ việc giảng dạy của ông nếu ông không làm theo.

Bài liên quan:

Báo cáo năm 2021: 132 học viên Pháp Luân Công qua đời trong cuộc bức hại đức tin của họ

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/2/11/438833.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/2/14/199188.html

Đăng ngày 21-04-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

 

Share