[MINH HUỆ 16-01-2020] Pháp Luân Đại Pháp, còn gọi là Pháp Luân Công, là một môn tu luyện cổ xưa dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Kể từ khi nhà sáng lập, Ngài Lý Hồng Chí, giới thiệu pháp môn này ra công chúng vào năm 1992, Pháp Luân Công đã nhanh chóng trở nên phổ biến và các học viên đã trải nghiệm được sự cải thiện đáng kể về sức khỏe và tâm tính.
Ban đầu, chính quyền cộng sản Trung Quốc ủng hộ Pháp Luân Công, nhưng đến năm 1996 lại bắt đầu công kích môn tu luyện này và cấm xuất bản sách Pháp Luân Công. Ngày 25 tháng 6 năm 1999, ngay trước khi chính quyền Trung Quốc bắt đầu công khai bức hại Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, một nhóm tình nguyện viên tại Bắc Mỹ đã thành lập trang web Minh Huệ: Minghui.org.
Suốt 20 năm qua, ngày nào Minh Huệ cũng đưa tin từ nhân chứng trực tiếp về cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Minh Huệ cũng báo cáo về nỗ lực của các học viên trên toàn thế giới nhằm phản đối cuộc bức hại và cung cấp một cửa sổ trực tuyến để cộng đồng các học viên chia sẻ trải nghiệm và tài liệu thông tin.
Để nhiều người hơn nữa có thể tìm hiểu về Pháp Luân Công, Trung tâm Xuất bản Minh Huệ mới thành lập sẽ sớm xuất bản cuốn “Cuộc bức hại Pháp Luân Công 20 năm ở Trung Quốc.” Báo cáo mang tính dấu mốc này tổng hợp thông tin từ nhân chứng trực tiếp do Minh Huệ thu thập từ Trung Quốc và trên toàn thế giới, và tập trung nêu bật sự kiên định không gì lay chuyển được của các học viên Pháp Luân Công trong nỗ lực ôn hòa nhằm phản đối cuộc bức hại (xem mục 1).
Trang bìa của Báo cáo Minh Huệ: Cuộc bức hại Pháp Luân Công 20 năm ở Trung Quốc
Chỉ riêng trong năm 2019, đã có 96 học viên Pháp Luân Công được xác nhận là tử vong do bị bức hại, nâng tổng số trường hợp tử vong đã có xác nhận lên 4.363 người. Ngoài ra, còn có 774 học viên bị kết án lên đến 13 năm tù, và gần 10.000 học viên bị bắt giữ hoặc sách nhiễu chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công. Do sự phong tỏa thông tin của chính quyền Trung Quốc, tổng số trường hợp tử vong, kết án và giam giữ nhiều khả năng còn cao hơn nhiều.
Các học viên cả trong và ngoài Trung Quốc đã nỗ lực không ngừng để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại (xem mục 2). Họ tiếp tục kêu gọi chấm dứt sự ngược đãi của chính quyền Trung Quốc. Mỹ, Canada và châu Âu đã có những bước tiến đáng kể trong việc chấm dứt nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng (xem mục 3) từ các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Trang web Minh Huệ đã công bố danh sách cập nhật gồm 105.580 thủ phạm từng tham gia cuộc bức hại Pháp Luân Công. Việc công bố danh sách đã nâng tầm nỗ lực của các học viên trên toàn thế giới trong việc buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm. Các học viên tại Mỹ, Canada, New Zealand, Úc và Vương quốc Anh đã đệ trình một phần danh sách cho chính phủ mỗi nước, trong khi nhiều quốc gia phương Tây đã thông qua Đạo luật Magnitsky và cam kết sẽ buộc những người vi phạm nhân quyền nước ngoài phải chịu trách nhiệm về hành động của họ (xem mục 4).
Các công chức (xem mục 5) ở nhiều quốc gia đã bày tỏ quan ngại về cuộc bức hại và thể hiện sự ủng hộ đối với các học viên Pháp Luân Công. Cụ thể, Tổng thống Hoa Kỳ, Ngoại trưởng, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ, và Ủy ban Quốc hội Phụ trách các Vấn đề về Trung Quốc (CECC) đều đã hoặc gặp mặt các học viên Pháp Luân Công hoặc ban hành tuyên bố kêu gọi chấm dứt tội ác đối với Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Các học viên Pháp Luân Công tiếp tục tổ chức các hội nghị chia sẻ trải nghiệm tu luyện (Pháp hội) cả trực tuyến và trực tiếp để khích lệ nhau khi đối mặt với cuộc bức hại. Tại Pháp hội quốc tế thường niên tại New York, cũng như Pháp hội Trung Quốc trực tuyến, các học viên đã chia sẻ về những trải nghiệm của bản thân khi sống chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn và tham gia vào nỗ lực phản bức hại.
Các học viên trên toàn thế giới cũng bày tỏ lòng cảm ân sâu sắc đến Sư phụ Lý vì đã truyền xuất Pháp Luân Công cho công chúng. Năm 2019, các học viên tiếp tục giới thiệu Pháp Luân Công tại các sự kiện cộng đồng trên khắp thế giới, qua đó, giúp nhiều người mới được thụ ích từ môn tu luyện.
Shen Yun, một đoàn múa và âm nhạc cổ điển Trung Hoa với những nghệ sỹ lấy cảm hứng từ Pháp Luân Công cũng mang lại cho khán giả sự hài lòng khi diễn tại những nhà hát đẳng cấp thế giới với trình độ nghệ thuật xuất chúng, những câu chuyện thú vị, cùng trang phục và phông nền mãn nhãn.
1. Cuộc bức hại ở Trung Quốc vẫn chưa thoái trào
Năm 2019 có 96 học viên Pháp Luân Công được xác nhận đã tử vong do bị bức hại, nâng tổng số trường hợp tử vong được xác nhận lên 4.363. Ttháng 6 năm 2019, Minh Huệ đã ra mắt một trang web mới Tiếng Anh Tiếng Việt, đăng tải một danh sách đầy đủ các trường hợp tử vong đã được biết đến, và được cập nhật khi những trường hợp mới được báo cáo.
Ông Hà Lập Phương, một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, đã qua đời vào ngày 2 tháng 7 năm 2019.
Ông Hà Lập Phương, người ở tỉnh Sơn Đông, là một trong những học viên bị tử vong. Vì từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công mà ông bị giam giữ nhiều lần, bị 17 tù nhân đánh đến gần chết. Ngày 5 tháng 5 năm 2019, khi nộp đơn xin cấp chứng minh thư, ông đã bị bắt, rồi bị bức thực, cũng có thể bị tra tấn cả tinh thần.
Hơn 200 cảnh sát đã được điều động trong thời gian từ ngày 30 tháng 6 đến ngày 3 tháng 7 để chặn các học viên Pháp Luân Công địa phương và người nhà của anh tiếp cận bệnh viện. Anh Hà đã qua đời vào ngày 2 tháng 7 ở tuổi 45.
Ngoài ra, chị cả của ông Hà là bà Hà Thục Vinh cũng đã qua đời ở tuổi 50 vào tháng 4 năm 2014, sau hai lần bị cưỡng bức lao động, bị treo lên và đánh đập trong tám ngày liên tiếp. Chị gái thứ hai của ông, bà Hà Tú Hương, bị kết án ba năm tù vào tháng 6 năm 2015.
Năm 2019 có 774 học viên Pháp Luân Công bị kết án tù với thời hạn từ vài tháng đến 13 năm.
Ông Tả Hồng Đào, một cư dân thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc, đã bị kết án 13 năm tù vào tháng 1 năm 2019. Ba học viên khác là ông Ngô Văn Chương, bà Lý Quốc Ái và ông Lưu Trường Phú, đã bị bắt cùng ông Tả và bị kết án lần lượt là 11, 10 và 8 năm tù. Vợ của ông Tả, bà Thôi Thu Vinh, không tu luyện nhưng ủng hộ Pháp Luân Công, cũng bị kết án 19 tháng tù. Cảnh sát đã tịch thu 150.000 nhân dân tệ tiền mặt trong khi lục soát công ty bất động sản của hai vợ chồng họ.
Bên cạnh những trường hợp tử vong và kết án tù, trong năm 2019, có gần 10.000 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ hoặc bị sách nhiễu chỉ vì đức tin của họ. Nhiều người trong số các học viên bị nhắm đến đã bị bắt theo nhóm, thường là 20-30 người. Hầu hết các trường hợp này đều bị cảnh sát theo dõi điện thoại di động và các hoạt động hàng ngày nhiều tháng trước khi tiến hành bắt giữ.
Ở thành phố Quảng An, tỉnh Tứ Xuyên, hơn 20 học viên đã bị bắt vào ngày 23 tháng 4 năm 2019. Hơn 300 công an đã được huy động để bắt 18 học viên ở thành phố Tuân Hóa, tỉnh Hà Bắc tầm 3 giờ sáng, ngày 6 tháng 7 năm 2019. Ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, 40 học viên, trong đó có một cụ bà 89 tuổi, đã bị bắt vào ngày 23 tháng 9 năm 2019, trước ngày Quốc khánh vào ngày 1 tháng 10 và Thế Vận Hội Quân sự lần thứ 7 từ ngày 18-27 tháng 10 ở Vũ Hán.
Phòng 610, một lực lượng an ninh ngoài vòng pháp luật, được thành lập vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này giữ vai trò quan trọng trong cuộc bức hại thông qua mạng lưới Phòng 610 ở trung ương và địa phương. Một tài liệu mà Minh Huệ Net nhận được gần đây cho biết các Phòng 610 địa phương ở tỉnh Liêu Ninh vẫn đang hoạt động mặc dù Phòng 610 trung ương đã bị giải thể vào năm 2018.
2. Nỗ lực không ngừng để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại
Các học viên Pháp Luân Công cả trong và ngoài Trung Quốc đã nỗ lực không mệt mỏi để nâng cao nhận thức và kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại kể từ khi nó bắt đầu vào năm 1999. Cho đến năm 2019 vừa qua, các học viên vẫn duy trì những nỗ lực này.
Ở Trung Quốc, vì các kênh kháng nghị hợp pháp đã bị chặn đối với các học viên Pháp Luân Công, họ đã sử dụng các phương thức sáng tạo nhằm phơi bày cuộc bức hại. Ở mỗi địa phương, các học viên đều có những nỗ lực như trò chuyện trực tiếp với mọi người, phát tặng tài liệu thông tin như lịch mang thông điệp về Pháp Luân Công, treo băng-rôn và dán tờ rơi, gửi thư và tin nhắn.
Một khách hàng tại chợ nông sản nhận lịch Pháp Luân Đại Pháp
Nhờ nỗ lực của các học viên, nhiều người đã thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các tổ chức thanh thiếu niên của nó là Đoàn Thanh niên Cộng sản và Đội Thiếu niên Tiền phong. Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2019, số người công khai thoái xuất khỏi ĐCSTQ đã lên tới hơn 340 triệu người.
Bên ngoài Trung Quốc, các học viên đã tổ chức mít-tinh, diễu hành và kháng nghị ôn hòa để phổ biến thông tin ra thế giới về những khổ nạn mà các đồng tu của họ ở Trung Quốc vẫn đang phải chịu đựng.
Các học viên tại thành phố New York tổ chức lễ thắp nến trước Lãnh sự quán Trung Quốc vào tối ngày 20 tháng 4 năm 2019 để tưởng niệm những học viên bị thiệt mạng trong cuộc bức hại ở Trung Quốc. Họ đã biểu diễn các bài công pháp của Pháp Luân Công trong sự kiện trang trọng này.
Trong thời gian diễn ra lễ thắp nến tưởng niệm trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại New York vào ngày 20 tháng 4 năm 2019, bà Lý Điện Cầm đã kể lại những gì bà chứng kiến cách đây 20 năm ở Bắc Kinh, khi các học viên tham gia cuộc thỉnh nguyện ôn hòa trước khi cuộc bức hại bắt đầu vào tháng 7 năm 1999. Bấy giờ, 10.000 học viên lặng lẽ xếp hàng trên vỉa hè bên đường đối diện Văn phòng Kháng cáo Trung ương. Ai nấy đều yên lặng, trật tự. Không ai hô khẩu hiệu hay cản trở giao thông, cả trên vỉa hè hay trên đường phố. Khi họ rời đi, đường phố còn sạch hơn cả trước khi họ đến. Bà Lý cho biết bà đã nghe một cảnh sát nói: “Xem kìa, mặt đất sạch chưa kìa! Đúng là những người tốt chân chính!“
Học viên Hàn Vũ chia sẻ, cô nhớ cha, ông Hàn Tuấn Khanh, người đã qua đời ba tháng sau khi bị bắt vào ngày 4 tháng 5 năm 2004 vì tu luyện Pháp Luân Công. Cô Hàn được xem thi thể của cha dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của cảnh sát. Trên mặt ông có những vết thương, dưới mắt trái bị mất một mảng thịt. Dì và chú của cô tìm cách cởi áo của cha cô và thấy một vết mổ dài dọc trên bụng ông. Họ lén nhìn vào bên trong và thấy bụng ông chứa đầy đá viên và nội tạng của ông đã bị mất. Cô cho biết quanh họ có hơn 100 cảnh sát, không ai được phép chụp ảnh. Thi thể của cha cô đã được hỏa táng sau đó.
Các học viên và những người ủng hộ Pháp Luân Công tổ chức lễ mít-tinh vào ngày 18 tháng 7 năm 2019 đánh dấu 20 năm phản bức hại ở Trung Quốc.
Ngày 18 tháng 7 năm 2019, gần 2.000 học viên và người ủng hộ Pháp Luân Công đã tổ chức một cuộc mít-tinh trên bãi cỏ phía Tây của Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ tại Washington DC để kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại kéo dài 20 năm ở Trung Quốc. Các diễn giả tại cuộc mít-tinh nhận định rằng hành trình [phản bức hại] 20 năm này là một hành trình phi bạo lực, đầy trí tuệ, ngoan cường, và sáng tạo.
Tổ chức Ngôi nhà Tự do (Freedom House) ghi nhận nỗ lực của các học viên Pháp Luân Công vì đã “truyền lửa cho công việc mà chúng tôi làm tại Washington đây.” Nhiều tổ chức phi lợi nhuận ca ngợi Pháp Luân Công vì đã mang đến hy vọng và giúp đỡ những người khác dù họ không phải là Pháp Luân Công. 22 hạ nghị sỹ Hoa Kỳ đã gửi thư ủng hộ lễ mít-tinh.
3. Những bước tiến mới trong cuộc chiến nhằm chấm dứt nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng
Nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng là một trong những tội ác khủng khiếp nhất đối với các học viên Pháp Luân Công từ chối từ bỏ đức tin của mình. Năm 2019 đã chứng kiến những bước tiến mới trong cuộc chiến nhằm chấm dứt tội ác này.
Thượng Nghị sỹ bang Missouri Jill Schupp (thứ 5 từ trái sang) và Dân biểu bang Missouri Ron Hicks (thứ 4 từ trái sang) chụp ảnh với các học viên Pháp Luân Công làm chứng tại Phiên điều trần của Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện cho Nghị quyết SCR 6 vào ngày 9 tháng 4 năm 2019.
Tại bang Missouri, Nghị quyết Thượng viện (SCR) Số 6 đã được Hạ viện nhất trí bỏ phiếu thông qua vào ngày 15 tháng 5 năm 2019, như vậy, nghị quyết này đã chính thức được lưỡng viện của Cơ quan Lập pháp bang Missouri đồng thời thông qua.
Tối ngày 30 tháng 4 năm 2019, Hạ viện Canada nhất trí thông qua dự luật S-240 về nạn buôn bán nội tạng người. Dự luật này do Thượng viện đề xuất và được Ủy ban Thường trực về Đối ngoại và Thương mại Quốc tế (AEFA) chấp thuận trước khi bỏ phiếu tại Hạ viện.
Tại London, ngày 17 tháng 6 năm 2019, một tòa án nhân dân độc lập đã công bố các ghi nhận của tòa rằng ĐCSTQ đã thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống ở Trung Quốc trong nhiều năm qua và tội ác này đến nay vẫn tiếp diễn. Nhiều hãng thông tấn đã đưa tin về phán quyết cuối cùng của tòa án này, trong đó có tờ Reuters, The Guardian, Newsweek, Forbes, ABC Radio Australia, và The Globe and Mail.
Tại Đan Mạch, từ ngày 15 đến 18 tháng 9 năm 2019, Hội nghị của Hiệp hội Cấy ghép Nội tạng Châu Âu (ESOT) lần thứ 19 đã diễn ra tại thủ đô Copenhagen. Tại sự kiện này, nạn thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm còn sống của ĐCSTQ tiếp tục nhận được sự quan tâm rộng rãi. ESOT là tổ chức đầu ngành chuyên điều phối và chuẩn chỉnh các hoạt động cấy ghép ở Châu Âu và trên toàn thế giới.
Từ ngày 2-6 tháng 11 năm 2019, khi Hội nghị và Triển lãm thường niên lần thứ 147 của Hiệp hội Y tế Công cộng Hoa Kỳ (APHA) được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Pennsylvania ở thành phố Philadelphia, nhiều người tham dự đã biết đến hành vi giết hại tù nhân lương tâm và tín đồ tôn giáo để lấy nội tạng một cách phi pháp trên quy mô lớn của chính quyền cộng sản Trung Quốc.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, căn cứ theo luật pháp Hoa Kỳ về việc từ chối nhập cảnh thủ phạm vi phạm nhân quyền và cưỡng bức cấy ghép tạng, các học viên ở Trung Quốc đã bắt đầu thu thập thông tin về các công chức bệnh viện, bác sỹ và y tá có dính líu đến nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Thông tin này có thể được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sử dụng để thắt chặt việc xét duyệt visa và từ chối nhập cảnh cho các thủ phạm nếu thích hợp.
4. Danh sách hơn 100.000 thủ phạm đánh dấu nỗ lực buộc những kẻ bức hại phải chịu trách nhiệm
Vào tháng 11 năm 2019, trang web Minh Huệ đã công bố danh sách cập nhật gồm 105.580 thủ phạm liên quan đến cuộc bức hại Pháp Luân Công. Danh sách này bao gồm thông tin cá nhân cũng như tội ác của các thủ phạm đối với các học viên Pháp Luân Công.
Danh sách này được tổng hợp sau khi nhiều học viên đáp lại thông báo đăng trên trang web Minh Huệ vào cuối tháng 5 năm 2019, trong đó kêu gọi các học viên Pháp Luân Công trên toàn thế giới “thu thập, tổng hợp, và gửi tới trang Minghui.org của Minh Huệ thông tin về kẻ bức hại, thân nhân, và tài sản của họ, để có thể xác định và xác minh danh tính của người bức hại.”
Vào tháng 12 năm 2018, các học viên Pháp Luân Công tại Canada đã đệ trình một danh sách các thủ phạm liên quan đến cuộc bức hại Pháp Luân Công lên chính phủ Canada dựa trên Đạo luật Magnitsky của Canada, yêu cầu từ chối visa và đóng băng tài sản ở Canada đối với những người vi phạm nhân quyền.
Vào tháng 7 năm 2019, các học viên tại Hoa Kỳ đã đệ trình một danh sách thủ phạm lên chính phủ Hoa Kỳ. Hai tháng sau, các học viên ở Mỹ, Canada, Vương quốc Anh và Úc đã đệ trình cùng một danh sáchthủ phạm cho chính phủ mỗi nước, sau đó là các học viên tại New Zealand cũng có hành động tương tự vào tháng 11 năm 2019. Liên minh tình báo của năm quốc gia này (còn được gọi là “Five Eyes”) sẽ ngăn chặn một cách hiệu quả việc thủ phạm trốn thoát đến nơi trú ẩn an toàn như trước đây.
Các học viên Pháp Luân Công đã nhờ đến những chính phủ này vì nhiều quốc gia phương Tây đều có nhận thức chung rằng nhân quyền, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, cần phải được bảo vệ. Luật pháp đã được ban hành để ngăn chặn thủ phạm vi phạm nhân quyền lợi dụng các quốc gia này làm nơi trú ẩn an toàn.
Đầu năm 2019, một quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết 28 quốc gia đã thông qua hoặc dự định ban hành luật tương tự như Đạo luật Magnitsky Toàn cầu của Hoa Kỳ. Điều này cho phép một chính phủ xử phạt các quan chức chính phủ nước ngoài vì vi phạm nhân quyền, đồng thời định ra các biện pháp trừng phạt như từ chối nhập cảnh, đóng băng tài sản và giao dịch tài chính.
5. Sự ủng hộ của các quan chức chính phủ
Với những nỗ lực bền bỉ của các học viên nhằm nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, nhiều quan chức đắc cử tại Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các học viên và kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại.
Tổng thống Donal Trump nói chuyện với học viên Pháp Luân Công, bà Trương Ngọc Hoa, tại Phòng Bầu dục vào ngày 17 tháng 7 năm 2019.
Tổng thống Donald Trump đã gặp mặt 27 nạn nhân sống sót trong các cuộc bức hại tín ngưỡng tại 17 quốc gia vào ngày 17 tháng 7 năm 2019. Trong đó có bà Trương Ngọc Hoa, một học viên Pháp Luân Công đến từ tỉnh Giang Tô.
Ngày 5 tháng 8 năm 2019, Phó Tổng thống Mike Pence đã gặp mặt bốn đại diện của các nhóm tín ngưỡng bị bức hại ở Trung Quốc ngay tại văn phòng của ông. Họ trao đổi về tình trạng đàn áp các nhóm tín ngưỡng ở Trung Quốc cũng như những hành động có thể thực hiện để giải quyết vấn đề này. Trong những người đại diện có ông Trần Kiệt Phu (Jeff Chen), học viên Pháp Luân Công, cũng là người phát ngôn của Trung tâm Xuất bản Minh Huệ.
Ngày 21 tháng 6 năm 2019, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã công bố báo cáo thường niên năm 2018, tiếp tục liệt Trung Quốc vào diện quốc gia cần quan tâm đặc biệt “dựa trên những vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng, liên tục, và có hệ thống của chính quyền Trung Quốc”.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo phát biểu tại buổi họp công bố báo cáo này: “Hôm nay, tôi tự hào khi được có mặt tại đây để trình bày một nhiệm vụ mà Bộ Ngoại giao đang thực thi để thúc đẩy tự do tôn giáo quốc tế.” Ông nhấn mạnh rằng chính quyền của Tổng thống Trump sẽ coi việc thúc đẩy tự do tôn giáo là một “chương trình nghị sự hàng đầu trong chính sách ngoại giao” và tiếp tục tiên phong trong việc bảo vệ các quyền tôn giáo quốc tế.
Ngày 29 tháng 7 năm 2019, ông Sam Brownback, Đại sứ Lưu động của Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế đã tuyên bố trên Twitter: “Ngày 20 tháng 7 đánh dấu 20 năm kể từ khi Pháp Luân Công bị cấm ở Trung Quốc. Cho đến ngày hôm nay, các học viên vẫn bị bức hại dưới bàn tay của chính quyền Trung Quốc, bao gồm bắt giữ, tra tấn và cưỡng chế từ bỏ đức tin của họ. Những hành vi này của Đảng Cộng sản Trung Quốc là không thể chấp nhận được.”
Ngày 20 tháng 7 năm 2019, Ủy ban Quốc hội Phụ trách các Vấn đề về Trung Quốc (CECC) đã ban hành một tuyên bố hối thúc ĐCSTQ chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công đang tiếp diễn. Hạ Nghị sỹ James McGocate, Chủ tịch CECC, và Thượng nghị sỹ Marco Rubio, Đồng Chủ tịch CECC phát biểu: “Trong 20 năm qua, các học viên Pháp Luân Công đã phải chịu đựng những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và không thể chấp nhận được ở Trung Quốc.”
6. Hội nghị chia sẻ trải nghiệm tu luyện (Pháp hội)
Cho dù cuộc bức hại vẫn tiếp diễn, các học viên Pháp Luân Công ở cả trong và ngoài Trung Quốc vẫn giữ vững đức tin của họ.
Như những năm trước, Pháp hội Trung Quốc lần thứ 16 trên trang web Minh Huệ đã tạo ra một cửa sổ trực tuyến để các học viên ở Trung Quốc chia sẻ trải nghiệm và trao đổi tâm đắc thể hội. Một học viên ở Michigan cho biết anh đã thu hoạch được rất nhiều từ những bài chia sẻ này: “Tôi đọc từng bài một. Đây thật là một cơ hội quý giá để để cao chỉnh thể!”
Hội nghị Chia sẻ Trải nghiệm năm 2019 tại New York
Ngày 17 tháng 5 năm 2019, khoảng 10.000 học viên bên ngoài Trung Quốc đã tham gia Hội nghị Chia sẻ Trải nghiệm Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp (Pháp hội) năm 2019 tại Trung tâm Barclays ở Brooklyn. Sư phụ Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp, đã đến giảng Pháp và trả lời các câu hỏi trong khoảng hai giờ đồng hồ.
12 học viên đến từ New York, Boston, Atlanta, Vương quốc Anh, Đức, Israel, Ấn Độ, Nhật Bản và Hồng Kông đã đọc bài chia sẻ trải nghiệm của mình tại Pháp hội. Trong đó, có những học viên lâu năm đã tu luyện hơn 20 năm, cũng như những học viên trẻ đã nhanh chóng bắt kịp và tham gia các hạng mục. Các bài chia sẻ đã được dịch song song sang chín ngôn ngữ.
7. Tri ân nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp
Vì được thụ ích rất lớn từ việc tu luyện Pháp Luân Công, cứ vào các dịp đặc biệt hàng năm là các học viên lại gửi lời chúc đến Sư phụ Lý, nhà sáng lập pháp môn, để bày tỏ lòng cảm ân của họ.
Trong Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới năm 2019 (kỷ niệm ngày 13 tháng 5 – ngày Pháp Luân Đại Pháp hồng truyền, và là sinh nhật của Sư phụ Lý), trang web Minh Huệ đã nhận được lời chúc của các học viên và người ủng hộ ở hơn 50 quốc gia và khu vực trên sáu châu lục. Trong dịp Tết Trung thu, một lễ tết cổ truyền mang ý nghĩa hạnh phúc và đoàn tụ, trang web Minh Huệ đã nhận được hơn 16.000 lời chúc cảm tạ Sư phụ Lý.
Một cách nữa để các học viên thể hiện lòng cảm ân của mình là giới thiệu Pháp Luân Công cho mọi người bằng cách tổ chức các sự kiện cộng đồng.
Đoàn Nhạc Tian Guo diễu hành trên Phố 42 (42nd Street) sầm uất tại thành phố New York vào ngày 16 tháng 5 năm 2019.
Gần 10.000 học viên Pháp Luân Đại Pháp đến từ hàng chục quốc gia đã diễu hành qua Manhattan vào ngày 16 tháng 5 năm 2019 để kỷ niệm 27 năm Pháp Luân Đại Pháp hồng truyền và 20 năm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới. Hai ngày sau, khoảng 5.000 học viên Pháp Luân Đại Pháp đã tập trung trên đảo Governers, New York để xếp đồ hình Pháp Luân khổng lồ và các chữ tiếng Trung “Chân-Thiện-Nhẫn” – nguyên lý cốt lõi của Pháp Luân Đại Pháp.
Đồ hình Pháp Luân do 5.000 học viên Pháp Luân Đại Pháp xếp thành trên đảo Governors vào ngày 18 tháng 5 năm 2019. Pháp Luân là biểu tượng của pháp môn tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, còn ba ký tự tiếng Trung Quốc là Chân-Thiện-Nhẫn, nguyên lý cốt lõi của Pháp Luân Đại Pháp.
8. Học viên mới bước vào tu luyện
Những nỗ lực của các học viên để giới thiệu Pháp Luân Công cho cộng đồng đã giúp nhiều người mới được thụ ích từ môn tu luyện thiền định.
Gần 500 học sinh và giáo viên của Trường Trung học Số 38 ở Batam, Indonesia cùng học các bài công pháp của Pháp Luân Công hôm 16 tháng 2 năm 2019.
Hiệu trưởng của trường Trung học Công lập Số 38 trên Đảo Batam, Indonesia, sau khi thấy các học sinh luyện Pháp Luân Công trên một trang mạng truyền thông xã hội, đã muốn tìm hiểu thêm về pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm này của Trung Quốc. Vì thế, ông đã mời các học viên Pháp Luân Công đến giới thiệu pháp môn này cho các thầy cô giáo cùng các em học sinh vào ngày 16 tháng 2 năm 2019. Một giáo viên mỹ thuật nhận xét: “Lúc nhắm mắt lại, nghe nhạc luyện công, tôi có thể cảm nhận một luồng ánh sáng. Lúc trước, tôi bị đau tay, không thể giơ cao lên được. Vậy mà sau bốn bài công pháp, giờ tôi đã có thể giơ tay quá đầu rồi – thật là một trải nghiệm tuyệt vời!”
Khóa học Pháp Luân Công chín ngày tại nhà sách Thiên Thê ở Seoul, Hàn Quốc lần thứ 57 kết thúc vào ngày 5 tháng 6 năm 2019. Cuối mỗi khóa học được tổ chức hàng tháng, các học viên thường chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau. Hầu hết các học viên mới đều có những cải thiện sức khỏe ở mức độ khác nhau, và họ đều cho biết rằng đó là nhờ những bài giảng và các bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp.
Anh Tống Nhuận Tương là một lập trình viên tại một công ty công nghệ thông tin. Anh đã luôn hứng thú với các môn tu luyện và đã tìm thấy Pháp Luân Đại Pháp trong một lần lên mạng. Sau khi tham gia khóa học, anh rất ấn tượng và nhận định Pháp Luân Đại Pháp là công pháp tốt phi thường, có thể giúp con người đề cao nhanh chóng. Đã từng theo học rất nhiều môn khí công trước đây, anh nói: “Bốn ngày tập Pháp Luân Công có thể đạt được những điều mà các môn phái khác phải luyện đến 20 năm. Chính tôi đã trải nghiệm được Đại Pháp cao thâm huyền diệu đến thế nào.”
9. Shen Yun: Văn hóa truyền thống và năng lượng tích cực
Shen Yun, một đoàn nghệ thuật biểu diễn có trụ sở tại New York với sứ mệnh khôi phục văn hóa truyền thống Trung Hoa 5.000 năm, đã khép lại chuyến lưu diễn thường niên lần thứ 13 năm 2019 với sáu đoàn lưu diễn tại 150 thành phố trên năm châu lục với gần 670 buổi diễn cho hơn một triệu khán giả.
Đoàn Shen Yun New York tại Nhà hát David H.Koch ở Trung tâm Lincoln ở thành phố New York vào ngày 20 tháng 1 năm 2019. Đoàn đã có 14 buổi biểu diễn cháy vé ở New York từ ngày 10 đến 20 tháng 1 năm 2019.
Ông Trevor Loudon, một tác gia, nhà làm phim và diễn giả công chúng, đã xem buổi biểu diễn của Shen Yun tại St. Petersburg, Florida, vào ngày 24 tháng 2 năm 2019. Ông nhận xét: “Rất truyền cảm, thiêng liêng với một thông điệp hết sức tích cực… Quả là một tác phẩm tuyệt vời… Điều làm tôi ấn tượng hơn cả chính là màu sắc. Bạn có thể thấy cả bảng màu thật tươi sáng, đầy lạc quan.”
“Chúng ta là những sinh mệnh thần thánh… Chúng ta được đặt trên Trái đất này và mang một sứ mệnh. Dù đã quên mất sứ mệnh của mình, nhưng chúng ta đã được tha thứ. Bạn biết đấy, bạn vẫn còn cơ hội. Bạn vẫn có thể làm được điều này, nhưng chúng ta phải tìm lại những phẩm chất đó, và tìm lại linh tính thiên bẩm của mình… Buổi biểu diễn cho thấy cái thiện rồi sẽ chiến thắng cái ác, và chúng ta phải kiên định, phải nhẫn nại mà đi tiếp. Chúng ta có thể chiến thắng trong cuộc chiến này nhưng chúng ta phải tìm lại những phẩm chất đó trong chính chúng ta.”
Shen Yun đã thành lập thêm một đoàn lưu diễn mới vào năm 2020, và bảy đoàn lưu diễn của họ sẽ mang đến một chương trình hoàn toàn mới tại 150 thành phố trên 19 quốc gia với hơn 750 buổi diễn trong năm mới.
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/1/16/182204.html
Đăng ngày 24-01-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.