Bài viết của các phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 07-08-2019] Ngày 20 tháng 7 năm nay đánh dấu 20 năm kể từ ngày cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc nổ ra vào năm 1999. Giống như những năm trước đây, các học viên ở khắp nơi trên toàn cầu đã tổ chức nhiều sự kiện để tưởng niệm khoảng thời gian đặc biệt này và kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp.

Các quan chức chính phủ ở nhiều quốc gia đã trực tiếp tham gia các sự kiện và gửi thư ủng hộ quyền tự do tín ngưỡng ở Trung Quốc.

Điều này cho thấy những quan chức đó đã biết được chân tướng về Pháp Luân Công trong 20 năm nỗ lực của các học viên nhằm nâng cao nhận thức về những hành vi vi phạm nhân quyền chưa từng có trong lịch sử. Dưới đây là một số ví dụ về sự ủng hộ của các quan chức cấp cao nhất Hoa Kỳ trong thời gian gần đây.

Tổng thống Hoa Kỳ nói chuyện với học viên Pháp Luân Công về cuộc bức hại

Xem thêm

Tổng thống Donald Trump đã gặp gỡ 27 người sống sót trong các cuộc bức hại tín ngưỡng tại 17 quốc gia vào ngày 17 tháng 7 năm 2019. Trong số họ có bà Trương Ngọc Hoa, một học viên Pháp Luân Công đến từ tỉnh Giang Tô. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Trump nói chuyện với một học viên Pháp Luân Công tại Phòng Bầu dục.

c2e2002dc870ea6ea16aa10f16059070.jpg

Tổng thống Donal Trump nói chuyện với học viên Pháp Luân Công Trương Ngọc Hoa tại Phòng Bầu dục vào ngày 17 tháng 7 năm 2019

Tổng thống Trump nói với những người sống sót: “Mỗi người trong các vị đã phải chịu thống khổ tột cùng chỉ vì đức tin của mình. Các vị đã bị sách nhiễu, đe dọa, tấn công, xét xử, tù đày và cả tra tấn nữa. Mỗi người trong số các vị giờ đây đã trở thành nhân chứng cho tầm quan trọng của việc thúc đẩy tự do tôn giáo, tín ngưỡng trên toàn thế giới.”

Ông tiếp tục: “Ở Hoa Kỳ, chúng tôi luôn hiểu rằng quyền của chúng tôi là do Chúa ban cho, chứ không phải do chính phủ. Trong Bản Tuyên ngôn Nhân quyền của chúng tôi, quyền tự do đầu tiên là tự do tôn giáo. Mỗi người trong chúng ta đều có quyền đi theo tiếng gọi của lương tri và nhu cầu tín ngưỡng của mình.”

“Đối với tất cả mọi người ở đây, những điều các vị đã phải trải qua vượt quá sức chịu đựng của hầu hết mọi người, và tôi muốn chúc mừng các vị. Tôi rất vinh dự khi được ở bên các vị và tôi sẽ mãi sát cánh cùng các vị,” ông phát biểu.

Phó tổng thống gặp đại diện các nhóm bị bức hại

Ngày 5 tháng 8 năm 2019, Phó Tổng thống Mike Pence đã gặp gỡ bốn đại diện của các nhóm tín ngưỡng Trung Quốc bị bức hại trong văn phòng của ông. Họ thảo luận về việc các nhóm tín ngưỡng đã bị đàn áp ra sao ở Trung Quốc và đưa ra các hành động để có thể giải quyết vấn đề này.

Những người đại diện gồm ông Trần Kiệt Phu, học viên Pháp Luân Công và cũng là người phát ngôn của Trung tâm Xuất bản Minh Huệ; ông Phó Hy Thu, người sáng lập kiêm chủ tịch của tổ chức nhân quyền Cơ Đốc giáo ChinaAid; ông Dương Kiến Lợi, người sáng lập tổ chức Giải pháp Quyền Công dân cho Trung Quốc, nhóm ủng hộ nền dân chủ tại Trung Quốc; ông Omer Kanat, giám đốc Dự án Nhân quyền cho Người Duy Ngô Nhĩ. Ông Sam Brownback, Đại sứ lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế, cũng tham dự buổi gặp mặt.

Ông Trần nói với Phó tổng thống: “Cuộc bức hại vẫn rất nghiêm trọng. 20 năm qua, chúng tôi đã xác nhận có trên 4.000 người đã thiệt mạng do bị tra tấn và các hình thức ngược đãi thân thể khác. Do thông tin bị phong tỏa, con số thực thế có thể còn lớn hơn gấp nhiều lần. Nạn thu hoạch nội tạng cũng đã diễn ra trong gần 20 năm nay. Số nạn nhân thực sự rất cao.”

Ông Pence đáp lời với vẻ nghiêm túc: “Chúng tôi sẽ không quên các bạn [Pháp Luân Công]. Tôi hứa,” ông Trần nhớ lại.

Ông Trần cho biết tất cả người dân Trung Quốc đều là nạn nhân [của đàn áp tôn giáo] chứ không riêng những người bị bức hại. Nhằm bức hại Pháp Luân Công, hệ thống pháp luật nước này đã bị bóp méo để kết án học viên Pháp Luân Công, ông giải thích. Trong khi quyền tự do tôn giáo đã được Hiến pháp Trung Quốc thừa nhận.

Ông cho biết thêm: “Trong khi đó, những quan chức Trung Quốc sẵn sàng tiến hành cuộc bức hại lại được thăng chức và tăng cường tham nhũng. Điều đó làm cho Trung Quốc ngày càng tụt dốc về mặt đạo đức.”

f0947a1f4fce554dd0f9ff1f98d55abd.jpg

Ông Mike Pence, Phó tổng thống Hoa Kỳ

Ông Pence được biết tới là người có thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc. Tại Hội nghị Cấp Bộ trưởng về Tự do Tôn giáo của Bộ Ngoại giao vào ngày 18 tháng 7 năm 2019, ông phát biểu: “Bất luận kết quả đàm phán của chúng tôi với Bắc Kinh thế nào, nhưng các bạn cũng có thể chắc rằng, người Mỹ sẽ luôn đồng cảm với những người của mọi đức tin ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”

Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết: “Hoa Kỳ đang theo dõi [những thủ phạm]”, những người này sẽ phải chịu trách nhiệm

Ngày 21 tháng 6 năm 2019, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã công bố “Báo cáo năm 2018 về Tự do Tôn giáo Quốc tế”, trong đó nêu rõ: “Dựa trên những vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng, liên tục, và có hệ thống của chính quyền Trung Quốc, một lần nữa USCIRF nhận thấy, năm 2019, Trung Quốc vẫn đáng bị liệt vào diện ‘quốc gia đặc biệt đáng quan tâm’, CPC, theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA).“

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo phát biểu trong buổi họp báo công bố báo cáo thường niên năm 2018: “Hôm nay, tôi tự hào khi được có mặt tại đây để trình bày một nhiệm vụ mà Bộ Ngoại giao đang thực thi để thúc đẩy tự do tôn giáo quốc tế.” Ông nhấn mạnh rằng chính quyền Tổng thống Trump sẽ thúc đẩy tự do tôn giáo như một “chương trình nghị sự hàng đầu trong chính sách ngoại giao” và tiếp tục tiên phong trong việc bảo vệ các quyền tôn giáo quốc tế.

Ông chỉ ra rằng: “Nhiệm vụ này không chỉ là ưu tiên của chính quyền Tổng thống Trump – mà nó còn mang tính cá nhân sâu sắc … Người dân Mỹ rõ ràng cần có trách nhiệm ủng hộ đức tin ở những quảng trường công cộng của mọi quốc gia.”

Ông còn nói: “Như những năm trước, báo cáo của chúng tôi đã phơi bày hàng loạt hành vi bạo ngược do các chính quyền áp bức, các nhóm cực đoan bạo lực và cá nhân gây ra. Đối với tất cả những ai có hành vi chà đạp tự do tôn giáo, tôi muốn nói điều này: Hoa Kỳ đang theo dõi và các vị sẽ bị truy cứu trách nhiệm.”

“Và ở Trung Quốc, việc chính quyền nước này bức hại nghiêm trọng nhiều nhóm tín ngưỡng – trong đó có các học viên Pháp Luân Công, tín đồ Cơ Đốc giáo và Phật tử Phật giáo Tây Tạng, lại được cho là bình thường,” ông giải thích: “Từ khi được thành lập, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thể hiện thái độ thù địch đến mức cực đoan đối với tất cả các tín ngưỡng tôn giáo, với yêu sách chỉ mình Đảng được tôn xưng là Đấng Tối cao.”

Từ ngày 16 đến 18 tháng 7 năm 2019, Ngoại trưởng Pompeo cũng đã phát biểu tại Hội nghị Cấp Bộ trưởng về Tự do Tôn giáo diễn ra tại Washington DC. Ông lên án các nỗ lực của chính quyền cộng sản Trung Quốc hòng ngăn chặn một số quốc gia tham dự Hội nghị Cấp Bộ trưởng này. Ông nói: “Trung Quốc là nơi diễn ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân quyền tồi tệ nhất trong thời đại của chúng ta. Nó thực sự là vết nhơ của thế kỷ.”

Ông Pompeo đã kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại tín ngưỡng tôn giáo và đưa ra hàng loạt ví dụ về việc bức hại tôn giáo, bao gồm cả các trường hợp của nhiều học viên Pháp Luân Công bị cầm tù chỉ vì kiên định đức tin. Ông đã nêu trường hợp của Trần Tuệ Hà, người bị kết án ba năm rưỡi tù vì không chịu từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.

124d298f39f433d22ec614921fc62c8b.jpg

Ngoại trưởng Mike Pompeo phát biểu tại Hội nghị cấp Bộ trưởng về Tự do Tôn giáo của Bộ Ngoại giao

Hạ nghị sỹ Chris Smith, một người ủng hộ và hỗ trợ trong một thời gian dài đối với nhân quyền ở Trung Quốc cũng phát biểu tại Hội nghị. Ông cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhắm mục tiêu đến người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ cũng như các tín đồ Cơ Đốc giáo, Phật tử Phật giáo Tây Tạng và các học viên Pháp Luân Công trong chiến dịch “Trung Quốc hóa” tàn bạo của nó, nhằm cưỡng chế đặt tôn giáo dưới sự kiểm soát của nó.

Ông Smith cho biết: “Theo chiến dịch ‘Trung Quốc hóa’, tất cả các tôn giáo và tín đồ phải phù hợp và tích cực đề cao hệ tư tưởng cộng sản, nếu không họ sẽ bị trừng phạt,“ ông Smith cho biết thêm rằng chính quyền Trung Quốc đã sách nhiễu, giám sát, giam giữ và tra tấn những người có đức tin.

Như đã được biết rõ, dù bị bức hại tàn bạo trong hai thập kỷ, các học viên Pháp Luân Công vẫn không chịu nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Việc trang web Minh Huệ ghi nhận và công bố thông tin trực tiếp về cuộc bức hại một cách kịp thời là minh chứng mạnh mẽ nhất cho cuộc chiến hiện đại vì tự do tôn giáo.

Đại sứ lưu động Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế lên án cuộc bức hại Pháp Luân Công của Trung Quốc

Xem thêm

Ngày 29 tháng 7 năm 2019, ông Sam Brownback, Đại sứ lưu động Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế đã có lời tuyên bố trên Twitter: “Ngày 20 tháng 7 đánh dấu 20 năm kể từ khi Pháp Luân Công bị cấm ở Trung Quốc. Cho đến ngày hôm nay, các học viên vẫn phải đối mặt với sự bức hại dưới bàn tay của chính quyền Trung Quốc, bao gồm bắt giữ, tra tấn và ép buộc từ bỏ đức tin của họ. Những hành vi này của Đảng Cộng sản Trung Quốc là không thể chấp nhận được.”

3bc9538f73486aa5077ef1e364ac66b1.jpg

Ông Sam Brownback, Đại sứ lưu động Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế

Vào ngày 8 tháng 3 năm 2019, tại Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài tại Hồng Kông, ông phát biểu: “Sự ngược đãi của chính quyền Trung Quốc đối với học viên Pháp Luân Công, đã được ghi chép lại rõ ràng. Các cáo buộc khẳng định rằng, chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân bị cầm tù vì tín ngưỡng của họ, gồm các học viên Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ.” Ông nói rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hối thúc chính phủ Trung Quốc chấm dứt hành vi tra tấn và ngược đãi các học viên Pháp Luân Công.

CECC hối thúc Đảng Cộng sản Trung Quốc chấm dứt bức hại Pháp Luân Công

Xem thêm

Ngày 20 tháng 7 năm 2019, Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc (CECC) đã ban hành một tuyên bố hối thúc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công đang diễn ra. Tuyên bố nêu: “Trong 20 năm qua, các học viên Pháp Luân Công đã phải trải qua những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và không thể chấp nhận được ở Trung Quốc.”

0ae5f9c18e2e76db676c0d6b1021c29e.jpg

Hạ nghị sỹ James McGovern, Chủ tịch CECC

fb31e5e1addca4fcdd7b1cde0bc3d712.jpg

Thượng nghị sỹ Marco Rubio, Đồng Chủ tịch CECC

Tuyên bố này do Hạ nghị sỹ James McGovern, Chủ tịch CECC, và Thượng nghị sỹ Marco Rubio, Đồng Chủ tịch CECC ban hành. Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, nhiều học viên Pháp Luân Công “đã bị giam giữ tùy tiện, bị tra tấn, lao động cưỡng bức và liên tục bị sách nhiễu”.

Tuyên bố viết: “Chúng tôi cũng hối thúc chính phủ Trung Quốc trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Đặng Thúy Bình, bà Tả Hồng Đào, và rất nhiều học viên Pháp Luân Công khác, đồng thời tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và quyền được thực hành đức tin của tất cả các học viên Pháp Luân Công, theo đúng tiêu chí của nhân quyền quốc tế và Hiến pháp Trung Quốc.”

Tháng 10 năm 2000, Quốc hội Hoa Kỳ đã thành lập CECC để theo dõi tình hình nhân quyền và sự phát triển của nhà nước pháp quyền ở Trung Quốc, và đệ trình báo cáo thường niên lên Tổng thống và Quốc hội. Ủy ban này gồm các Thượng nghị sỹ, Hạ nghị sỹ và các quan chức cấp cao trong chính phủ do Tổng thống bổ nhiệm.

Ủng hộ từ các Nghị sỹ Quốc hội

Trong lễ mít-tinh của các học viên Pháp Luân Công tại Washington, DC vào ngày 18 tháng 7 năm 2019, có hai Hạ nghị sỹ đã đến phát biểu là ông Steve Chabot đến từ Ohio và bà Sheila Jackson Lee đến từ Texas. Ngoài ra, sự kiện còn nhận được các bức thư từ 26 Nghị sỹ Quốc hội, trong đó tuyên dương các học viên vì những nỗ lực và sự kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp ở Trung Quốc.

Những chính khách đã gửi thư gồm: Thượng nghị sỹ Charles E. Grassley (Iowa), Thượng nghị sỹ Ted Cruz (Texas), Hạ nghị sỹ Steve King (Iowa), Hạ nghị sỹ Rodney Davis (Illinois), Thượng nghị sỹ Ron Johnson (Wisconsin), Thượng nghị sỹ Patrick J. Toomey (Pennsylvania), Hạ nghị sỹ Mike Doyle (Pennsylvania), Hạ nghị sỹ Elijah Cummings (Maryland), Hạ nghị sỹ Gwen Moore (Wisconsin), Hạ nghị sỹ Bill Foster (Illinois), Hạ nghị sỹ Jaime Herrera Beutler (Washington), Hạ nghị sỹ Mark Pocan (Wisconsin), Hạ nghị sỹ Glenn Grothman (Wisconsin), Hạ nghị sỹ Eleanor Holmes Norton (Quận Columbia), Thượng nghị sỹ John Cornyn (Texas), Thượng nghị sĩ Mike Braun (Indiana), Hạ nghị sỹ Jim Sensenbrenner (Wisconsin), Hạ nghị sỹ Carolyn B. Maloney (New York), Hạ nghị sỹ Ken Calvert (California), Hạ nghị sỹ Sam Graves (Missouri), Hạ nghị sỹ Blaine Luetkemeyer (Missouri), Hạ nghị sỹ Gerry Connolly (Virginia), Hạ nghị sỹ Paul Tonko (New York), Hạ nghị sỹ Steve Stivers (Ohio), Hạ nghị sỹ Vicky Hartzler (Missouri),và Hạ nghị sỹ Dean Phillips (Minnesota).

Để biết thêm thông tin, xin vui lòng truy cập Trung tâm Xuất bản Minh Huệ tại: https://www.mhpublishing.org


Bản tiếng Hán: https://minghui.org/mh/articles/2019/8/7/世纪正邪之战-美国各级政要支持法轮功-391178.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/8/8/178815.html

Đăng ngày 22-11-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share