Bài viết của phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 10-1-2019] Pháp Luân Đại Pháp, còn gọi là Pháp Luân Công, với nguyên lý cốt lõi là Chân – Thiện – Nhẫn, tiếp tục nhận được sự mến mộ của người dân trên toàn thế giới trong năm 2018. Ngày 21 tháng 6 năm 2018, khoảng 10.000 học viên đã tham dự một hội nghị chia sẻ kinh nghiệm tại Hoa Kỳ và chia sẻ những thay đổi trong cuộc sống khi cải thiện sức khỏe và tâm tính nhờ môn tu luyện này. Ngày càng có nhiều học viên mới từ khắp nơi trên thế giới học các bài công pháp Pháp Luân Công và bắt đầu hành trình tu luyện để có được sức khỏe và hạnh phúc.
Trong khi mọi người các nước khác được tự do tu luyện Pháp Luân Công thì ở Trung Quốc lại là một câu chuyện khác. “Thư từ Mã Tam Gia”, một bộ phim tài liệu đoạt giải, đã hé lộ về tình trạng thảm khốc mà các học viên Pháp Luân Công phải đối mặt ở Trung Quốc bởi chính quyền cộng sản đã bức hại môn tu luyện này từ tháng 7 năm 1999. Năm 2018 vừa qua đã có hơn 40 học viên bị tử vong, 931 người bị bỏ tù, số người bị bắt giữ vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công còn nhiều hơn nữa.
Các học viên ở cả trong và ngoài Trung Quốc tiếp tục nỗ lực nâng cao nhận thức về cuộc bức hại. Shen Yun, một công ty nghệ thuật biểu diễn phi lợi nhuận có trụ sở tại New York với hầu hết nghệ sỹ là người tu luyện Pháp Luân Công, đã tái hiện những khổ nạn của các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc qua những buổi diễn chật kín khán giả. Các học viên cũng tổ chức một cuộc kháng nghị và diễu hành lớn tại Washington D.C nhằm kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp.
Với những nỗ lực của các học viên, Pháp Luân Công đã nhận được ngày càng nhiều sự công nhận và ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong năm 2018, gồm cả các cơ quan chính phủ lẫn tổ chức phi chính phủ. Nhiều cá nhân và tổ chức đã nói không với chủ nghĩa cộng sản sau khi nhận ra những tội ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong cuộc bức hại môn tu luyện ôn hòa này.
Bên cạnh đó, còn có những nỗ lực nhằm lên án những quan chức cao cấp của Trung Quốc cầm đầu cuộc đàn áp này.
Năm 2018 khép lại với hàng ngàn tấm thiệp chúc mừng năm mới bằng cả tấm lòng của các học viên Pháp Luân Công cùng người thân của họ gửi tới nhà sáng lập Pháp Luân Công, Sư phụ Lý Hồng Chí, đồng thời cảm tạ Ngài đã hồng truyền môn tu luyện ra toàn thế giới.
Năm 2019 đánh dấu 20 năm diễn ra cuộc bức hại Pháp Luân Công. Chúng tôi hy vọng sẽ thấy một Trung Quốc mới, nơi các học viên Pháp Luân Công được tự do tu luyện mà không bị quấy nhiễu, bắt giữ, tra tấn, hay bị giết để lấy nội tạng. Chúng tôi mong sẽ có nhiều người hơn nữa hưởng ứng nỗ lực của các học viên nhằm chấm dứt cuộc bức hại trong năm mới này.
10.000 người tham gia Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm thường niên
Vì Pháp Luân Công ngày càng phổ biến trên thế giới, mỗi năm lại có thêm nhiều người bước vào tu luyện, số người tham dự hội nghị chia sẻ kinh nghiệm tu luyện thường niên (Pháp hội) mỗi năm cũng tăng lên.
Pháp hội 2018 được tổ chức tại sân vận động Capital One Arena vào ngày 21 tháng 6 năm 2018, với sự tham dự của gần 10.000 học viên từ 56 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Sư phụ Lý Hồng Chí đã giảng Pháp trong 1 tiếng 45 phút, gồm cả phần hỏi đáp. Những người tham dự đã có những tràng pháo tay nồng nhiệt để chào đón Sư phụ tôn kính.
Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm tu luyện Pháp Luân Công 2018 tổ chức tại sân vận động Capital One Arena tại Washington D.C vào ngày 21 tháng 6 năm 2018.
Anh Benjamon Maloney, đến từ New York, một trong 16 học viên đọc bài chia sẻ kinh nghiệm tu luyện, kể về quá trình bỏ rượu và ma túy nhờ tu luyện Pháp Luân Công. Anh từng là một thiếu niên hay gây rối nhưng sau khi tu luyện, anh đã đứng đầu danh sách tốt nghiệp của lớp tại một trường đại học nghệ thuật có uy tín và được làm việc tại một công ty nằm trong danh sách của Fortune Global 500. Anh Ben biết ơn Pháp Luân Công đã đưa anh từ một thanh niên lầm lạc trở thành một người đàn ông có ích, trở thành niềm tự hào của cha mẹ cũng như chính bản thân anh.
Học các bài công pháp Pháp Luân Công
Các học viên tại Malaysia đã có buổi giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp tại một diễn đàn sức khỏe vào ngày 31 tháng 7 được tổ chức bởi PUSPANITA, một hiệp hội phụ nữ của viên chức và người nhà của các quan chức chính phủ. Khi năm học viên biểu diễn các bài công pháp của Pháp Luân Công trên bục, nhiều người tham dự cũng đứng lên và tập theo các động tác. Một số cán bộ quản lý bệnh viện đã gặp các học viên sau buổi giới thiệu để tìm hiểu thêm cũng như để tổ chức các hoạt động tương tự sau này.
Hơn 100 người tham dự diễn đàn đã học các bài công pháp Pháp Luân Công ngay tại sự kiện do Sở Y tế Bang Johor và Quỹ Ung thư Tunku Laksamana Johor tài trợ.
Bên kia đại dương, tại California, khoảng 40 người đã tham gia một hội thảo Pháp Luân Đại Pháp vào ngày 31 tháng 7 tại một thư viện công cộng ở Fremont. Vì sau hội thảo hồi đầu tháng 7, có nhiều người hỏi về cách học các bài công pháp nên hội thảo lần này được tổ chức để đáp ứng nhu cầu đó.
Hơn 40 người ở Fremont, California tham gia vào một hội thảo Pháp Luân Công vào ngày 31 tháng 7 tại một thư viện công cộng.
Một buổi giới thiệu Pháp Luân Công tổ chức tại Cagua, Venezuela vào ngày 12 tháng 8 với khoảng 50 người tham gia. Đối diện với cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng của nước này, nhiều người tham dự cho biết, họ thấy bình yên trong tâm khi luyện các bài công pháp. Họ nói sẽ tiếp tục luyện tập ở nhà và sẽ chia sẻ những gì họ biết về Pháp Luân Đại Pháp cho bạn bè và gia đình.
Từ New York cho đến Seoul, Nhà sách Thiên Thê chuyên giới thiệu các sách của Pháp Luân Đại Pháp, tiếp tục được người dân địa phương và du khách chào đón. Trong một hội thảo gần đây tại Seoul, anh Viên Chính Hy, bắt đầu tu luyện sau sự hồi phục nhanh chóng của một người bạn, chia sẻ rằng: “Tiến triển rõ rệt nhất là giấc ngủ của tôi. Thường thì tôi chỉ ngủ được tối đa hai tiếng, nhưng gần đây, thời gian ngủ của tôi đã tăng gấp đôi.”
Một học viên khác, cô Kim Bảo Thắng, cũng tán thành. Cô nói thêm: “Tôi thường thấy khó chịu vào buổi sáng và không muốn dậy. Nhưng những ngày gần đây, cảm giác này đã biến mất. Thức dậy vào buổi sáng không còn là điều khó khăn nữa. Thật đáng ngạc nhiên.”
“Thư từ Mã Tam Gia” hé mở về cuộc bức hại ở Trung Quốc
“Mở đầu là câu chuyện lạ về ‘thông điệp trong chiếc chai’, rồi mở ra câu chuyện dài có sức lan tỏa mạnh mẽ về nỗi thống khổ, thiện lương và bền bỉ của con người“, ông Kevin Crust của Thời báo Los Angeles viết về bộ phim tài liệu Thư từ Mã Tam Gia (Letter from Masanjia) trong bài bình luận bộ phim.
Dựa trên câu chuyện có thật, bức thư cầu cứu được phát hiện trong một hộp đồ trang trí Halloween “Made in China” mua tại một siêu thị Kmart ở Oregon làm nổ ra một chuỗi sự kiện dẫn đến việc đóng cửa toàn bộ hệ thống trại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc.
Tác giả của bức thư là ông Tôn Nghị, một học viên Pháp Luân Công bị bắt giam vào Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia khét tiếng chỉ vì đức tin của ông. Học được kỹ thuật quay phim từ đạo diễn của bộ phim qua Skype, ông Tôn Nghị bí mật quay lại những thước phim về cuộc sống thường nhật của mình để vạch trần những tội ác tàn bạo về nhân quyền ở Trung Quốc.
Ông Tôn Nghị với bức thư do ông viết trong Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia (hãng phim Flying Cloud)
Bộ phim đã giành được hơn chục giải thưởng vào năm 2018, trong đó có giải thưởng của Liên hoan Phim Quốc tế Calgary, Atlanta DocuFest, và Liên hoan Phim Quốc tế Milan. Bộ phim còn được đề cử giải Phim Tài liệu Đặc biệt của Giải Academy lần thứ 91.
“Chúng ta cần có những cuộc đối thoại mở với Trung Quốc về những vấn đề này. Một trong những vấn đề đã và đang tồn tại là nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Chúng ta không thể đóng lại các cuộc đối thoại mở, không thể nói rằng vấn đề này không tồn tại”, ông Tomas Zdechovsky, một nghị sỹ của Nghị viện Châu Âu đại diện cho Cộng hòa Séc, cho biết sau khi xem bộ phim tại Nghị viện Châu Âu hôm 4 tháng 12 năm 2018.
Hơn 40 học viên bị chết do bị bức hại
Cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp của ĐCSTQ đã bước sang năm thứ 19 nhưng vẫn chưa thuyên giảm ở nhiều khu vực ở Trung Quốc. Trang web Minh Huệ vẫn nhận được báo cáo hàng ngày về những trường hợp bị bức hại, gồm các vụ bắt giữ tùy tiện, tạm giam, tra tấn, kết án tù, cũng như các trường hợp tử vong.
Hơn 40 học viên Pháp Luân Đại Pháp đã bị tử vong trong năm 2018 do bị tra tấn trong thời gian bị cảnh sát giam giữ.
Bà Hứa Ngọc Bàn, cư dân thành phố Hà Nam, đã bị bắt giữ vì đức tin của bà nhưng được bảo lãnh tại ngoại để trị bệnh sau khi được chẩn đoán bị ung thư. Bà đã hồi phục nhờ luyện Pháp Luân Công tại nhà, nhưng lại bị cảnh sát thường xuyên quấy nhiễu. Sau đó, bà lại trở bệnh nặng hơn, bà qua đời ở tuổi 70, vào đúng ngày Tết Trùng Cửu, một ngày lễ truyền thống của Trung Hoa, ngày tôn vinh người cao tuổi.
Ông Vương Nhạc Lai, cư dân thành phố Hồ Nam, rơi vào tình trạng nguy kịch sau ba tháng bị tạm giam ở Nhà tù Võng Lãnh. Mặc dù gia đình ông liên tục xin bảo lãnh tại ngoại để điều trị y tế nhưng chính quyền từ chối trả tự do cho ông và còn ra lệnh cho cai tù và tù nhân kiểm soát ông cả ngày lẫn đêm. Sức khỏe của ông tiếp tục xấu đi, các bác sỹ đã đưa ra cảnh báo về tình trạng sức khỏe tới ba lần. Ông qua đời trong tù vào ngày 31 tháng 8 năm 2018, khi mới 56 tuổi.
Ông Vương Nhạc Lai, 56 tuổi, chết trong nhà tù Võng Lãnh sau khi yêu cầu bảo lãnh tại ngoại của gia đình ông bị từ chối.
Có những trường hợp tử vong như vậy liên quan đến nạn thu hoạch nội tạng. Bà Mã Quế Lan, 64 tuổi, bị bắt vào ngày 4 tháng 7 năm 2018 vì nói với mọi người về Pháp Luân Công và bị giam giữ tại Trại Tạm giam Thành phố Tần Hoàng Đảo, Tỉnh Hà Bắc. Tin tức cập nhật vào ngày 17 tháng 9 cho biết, bà đột nhiên bị ốm nặng vào khoảng 6 giờ sáng và qua đời vài tiếng sau khi được đưa đến Bệnh viện Cảnh sát Tần Hoàng Đảo tầm 8 giờ sáng.
Theo nguồn tin nội bộ, có một số viên chức chính phủ không rõ danh tính đã đến bệnh viện, mổ phanh bụng bà và lấy nội tạng để khám nghiệm gì đó. Không rõ họ đã mang nội tạng của bà đi đâu.
Một tháng trước cái chết bí ẩn của bà Mã, hai tù nhân (được xác nhận không phải là học viên Pháp Luân Công) cũng chết trong tình trạng đáng ngờ. Một số học viên Pháp Luân Công ở địa phương nghi ngờ rằng ba cái chết khả nghi này có liên quan đến nạn thu hoạch nội tạng do nhà nước hậu thuẫn, đặc biệt là trường hợp nội tạng của bà Mã đã được xác nhận là bị lấy đi.
931 người bị bắt giam vì đức tin vào năm 2018
Theo thông tin thu thập được cho đến nay, năm 2018 có 931 học viên Pháp Luân Công đã bị kết án tù chỉ vì đức tin của họ, với thời hạn tù trung bình là 3.2 năm. Trong đó, có 95 học viên từ 65 tuổi trở lên; 10 học viên ngoài 70 tuổi nhận mức án 7 năm tù, và 4 học viên ngoài 80 tuổi nhận mức án 4 năm tù.
Ông Vương Hướng Huy, một cư dân tỉnh Hà Bắc, lại bị kết án 21 tháng tù giam vào ngày 25 tháng 12 năm 2018, sau khi thụ án 11 năm tù giam từ năm 2002 đến 2013 vì chặn tín hiệu truyền hình để phát sóng thông tin về cuộc bức hại.
Ngoài ông Vương, còn có 9 học viên khác bị phạt 20 năm tù vào năm 2002 vì chèn tín hiệu truyền hình để phát sóng thông tin về cuộc bức hại đến nay vẫn đang bị tù giam.
Ông Hoàng Mẫn, 76 tuổi, một giáo sư kỹ thuật điện tử của Trường Đại học Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang, bị đột quỵ vào năm 2017 do bị tra tấn thời gian dài. Tuy nhiên, chính quyền vẫn từ chối thả ông.
Ngoài những trường hợp bị kết án tù trên đây, còn có hàng nghìn học viên bị bắt giữ và quấy rối trong năm 2018. Tại thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông, 163 học viên đã bị bắt giữ trước thềm hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tổ chức tại Thanh Đảo vào ngày 9-10 tháng 6 năm 2018.
Tại thành phố Cáp Nhĩ Tân và Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, 119 học viên đã bị bắt giữ vào ngày 9 tháng 11 năm 2018. Được biết, chính quyền đã theo dõi điện thoại và/hoặc các hoạt động trên mạng xã hội của các học viên nhiều tháng trước khi tiến hành bắt giữ. Cảnh sát đã được cung cấp danh sách tên những người cần bắt giữ.
Năm 2017, các cơ quan chức năng quấy rối các học viên trong chiến dịch “Gõ cửa” trên khắp Trung Quốc. Từ tháng 7 năm 2018, chính quyền đã nhắm vào các học viên trong một chiến dịch khác mang tên “chống tội phạm có tổ chức”; lợi dụng chiến dịch này, cảnh sát chuyển hướng sang các học viên Pháp Luân Đại Pháp để hoàn thành chỉ tiêu bắt giữ thành viên của các băng đảng tội phạm.
Trong chiến dịch chống tội phạm có tổ chức ở tỉnh Cát Lâm, ít nhất 48 học viên đã bị bắt giữ và 2 học viên bị quấy rối ở thành phố Trường Xuân vào tháng 10 năm 2018, trong đó có gần 20 học viên và người nhà bị bắt giữ trong ngày 12 tháng 10.
Lễ mít tinh và diễu hành quy mô lớn ở Washington D.C nhằm kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại
Nhân dịp Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm hàng năm, hơn 6.000 học viên Pháp Luân Công từ khắp nơi trên thế giới đã tổ chức buổi mít tinh bên ngoài Nhà Trắng ở Thủ đô Hoa Kỳ Washington D.C vào ngày 20 tháng 6 năm 2018 nhằm kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công kéo dài 19 năm ở Trung Quốc.
Mít tinh trên bãi cỏ phía Tây của Nhà Trắng ở Thủ đô Washington vào ngày 20 tháng 6 năm 2018. Các học viên giương biểu ngữ kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại và nâng cao nhận thức về mối nguy hiểm của chủ nghĩa cộng sản.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ, các nhà hoạt động nhân quyền, đại diện của các tổ chức phi chính phủ cũng tham gia lễ mít tinh và thể hiện sự ủng hộ của họ đối với cuộc phản kháng ôn hòa của Pháp Luân Đại Pháp đối với cuộc bức hại.
Các diễn giả lên án tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm của chính quyền Trung Quốc, ca ngợi giá trị phổ quát Chân – Thiện – Nhẫn, và kêu gọi công chúng nhận thức rõ bản chất tà ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Nghị sỹ Quốc hội bang California Dana Rohrabacher đã có bài phát biểu cảm động trước các học viên. Ông cho hay ông đã ủng hộ Pháp Luân Công nhiều năm nay, không phải chỉ vì quyền biểu đạt quan điểm của con người, mà vì ông đồng cảm với nguyên lý cốt lõi của Pháp Luân Đại Pháp. Ông nhấn mạnh: “Tôi rất tự hào được đứng cùng các bạn bấy lâu nay.”
Sau lễ mít-tinh là cuộc diễu hành quy mô lớn xuất phát từ Đồi Quốc hội (Capitol Hill), đi dọc theo Đại lộ Pennsylvania, Đại lộ Constitution và kết thúc tại Tượng đài Washington.
Một số học viên trong đoàn diễu hành rước chân dung của những người bị thiệt mạng trong cuộc bức hại tại Trung Quốc, một số rước biểu ngữ kêu gọi công chúng nhận thức tội ác của ĐCSTQ. Thông điệp của các học viên đã được khán giả và người qua đường hưởng ứng nồng nhiệt.
Hàng nghìn học viên Pháp Luân Đại Pháp tham dự lễ thắp nến tưởng niệm trước Tượng đài Washington vào ngày 22 tháng 6 năm 2018.
Lễ thắp nến tưởng niệm được tổ chức tại Tượng đài Washington vào tối ngày 22 tháng 6 năm 2018, ngày thứ ba trong chuỗi hoạt động quy mô lớn của các học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Thủ đô Washington D.C. Người dẫn chương trình nói: “Hãy ngồi cạnh tôi. Nhắm lại đôi mắt trong tĩnh lặng. Hãy cất lên tiếng nói vang vọng từ sâu thẳm trong tim chúng ta: hãy chấm dứt tra tấn, chấm dứt giết hại, chấm dứt mọi loại đàn áp. Sự thiện lương, kiên trung của chúng ta sẽ chiến thắng.”
Các nghệ sỹ Shen Yun khiến khán giả xúc động trước vẻ đẹp thuần khiết và câu chuyện của Pháp Luân Công
Shen Yun, một công ty nghệ thuật biểu diễn tại New York với sứ mệnh khôi phục văn hóa Trung Hoa truyền thống 5000 năm, đã khép lại chuyến lưu diễn thường niên thứ 12 trong năm 2018 với gần 600 buổi biểu diễn tại 151 thành phố của 19 quốc gia.
Buổi biểu diễn chật kín khán giả của Shen Yun tại Trung tâm Lincoln ở thành phố New York City vào ngày 11 tháng 1 năm 2018.
Các nghệ sỹ của Shen Yun, hầu hết là học viên Pháp Luân Công, sống theo truyền thống tu luyện cao quý và thiền định hàng ngày để mang đến cho khán giả vẻ đẹp tột bậc trên sân khấu.
Trong khi nhiều khán giả phải ngỡ ngàng trước trang phục rực rỡ, điệu múa thanh tao và dàn nhạc có một không hai của Shen Yun với sự phối hợp giữa nhạc cụ Trung Hoa và Tây phương, đa phần khán giả đều cảm động trước tính kỷ luật và vẻ đẹp nội tâm của các nghệ sỹ.
Ông Arthur Waldron, một giáo sư lịch sử chuyên nghiên cứu về Trung Quốc của Đại học Pennsylvania, cho biết, ông rất hài lòng khi thưởng thức Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun tại Nhà hát Merriam ở Philadelphia hôm 10 tháng 3 năm 2018.
Ông Waldron nói: “Tôi đã nghiên cứu về Trung Quốc 40 năm nay. Buổi biểu diễn này nhắc tôi nhớ đến lý do tôi chọn hướng đi đó. Đây đúng là kho báu đích thực của nền văn minh Trung Hoa. Khi xem các nghệ sỹ múa và thưởng thức âm nhạc, tôi thấy hay đến bất ngờ – đúng là đẳng cấp quốc tế, họ có thể thành công ở bất cứ phương diện nào.”
“Thành công vang dội mà Shen Yun đã giành được trên toàn thế giới cho thấy, trong cuộc chiến giữa một bên là chế độ chuyên chế, văn hóa giả tạo, đạo đức suy đồi và bên kia là tuân thủ đạo đức, học hỏi điều tốt, tu tâm dưỡng tính thì khỏi phải băn khoăn là bên nào sẽ chiến thắng.”
Giáo sư Waldron cũng ca ngợi Shen Yun đã truyền tải những thống khổ của các học viên Pháp Luân Công qua các tiết mục đặc sắc trong chương trình biểu diễn của mình.
Ông nói thêm: “Nghĩ đến tình cảnh của các học viên ở Trung Quốc – những người đang bị tra tấn, bị sử dụng theo kiểu tà ác, man rợ đến vậy để làm nguồn cho các ca cấy ghép nội tạng và các mục đích khác – bạn sẽ thấy nó đúng là loại tội ác đáng ghê tởm. Có những người chưa từng nghe nói đến loại tội ác này dù chúng ta đã có đủ loại chứng cứ – nào là băng ghi âm, ảnh, mọi thứ. Ai có thể nghĩ rằng, sau đó, đoàn diễn nghệ thuật thế này lại đưa sự thật đến khắp nơi trên thế giới. Dù thế nào, điều này đã minh chứng cho sự vẹn toàn của vũ trụ cũng như sự vẹn toàn của chân lý.”
Sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế
Phản ứng trước những hành vi vi phạm nhân quyền trắng trợn của Trung Quốc, đặc biệt là nạn giết hại các học viên Pháp Luân Công để lấy nội tạng do chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn, cộng đồng quốc tế đã mạnh mẽ lên án tình trạng ngược đãi và kêu gọi chính quyền cộng sản này chấm dứt cuộc bức hại.
Thượng viện bang Georgia, Thượng viện bang Missouri, Hạ viện bang Arizona, và Thượng viện Canada đã thông qua các nghị quyết hoặc luật nhằm lên án nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc.
Trong Báo cáo Thường niên do Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) công bố, Trung Quốc bị liệt vào danh sách những quốc gia cần quan tâm đặc biệt, bên cạnh Bắc Triều Tiên, Iran và Việt Nam.
Báo cáo nêu rõ: “Trong thời gian bị giam giữ, nhiều học viên Pháp Luân Công bị đem ra làm thí nghiệm về tâm thần và các thí nghiệm y tế khác, bị làm các loại xét nghiệm không cần thiết, bị lạm dụng tình dục, bạo lực, tra tấn, và thu hoạch nội tạng, thường là để ép họ từ bỏ đức tin.”
Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ Marco Rubio (bên phải) và Dân biểu Chris Smith (bên trái) lần lượt là Chủ tịch và đồng chủ tịch của Ủy ban Điều hành Quốc hội về Vấn đề Trung Quốc (CECC), đã trình bày báo cáo thường niên CECC 2018 vào ngày 10 tháng 10 năm 2018.
Dân biểu Chris Smith, đồng chủ tịch của Ủy ban Điều hành Quốc hội về Vấn đề Trung Quốc (CECC), cho biết chế độ cộng sản Trung Quốc đã “đàn áp trắng trợn” trong một cuộc họp báo ngày 10 tháng 10 để công bố Báo cáo Nhân quyền Thường niên CECC 2018.
Ngoài ra, năm 2018 còn đánh dấu năm thứ 26 phổ truyền Pháp Luân Công, các cơ quan chính phủ các cấp của Hoa Kỳ cũng ban hành ba nghị quyết, 44 tuyên bố và 27 thư chúc mừng để ghi nhận sự đóng góp của Pháp Luân Công và các học viên đối với xã hội.
Các tuyên bố của các quan chức bang New York biểu dương những tác động tích cực của môn tu luyện đối với xã hội, đặc biệt công nhận Chân – Thiện – Nhẫn, nguyên tắc hành xử cốt lõi của Pháp Luân Công. Các quan chức cũng lên án cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc suốt 19 năm qua.
Nói không với chủ nghĩa cộng sản
Trung tâm Phục vụ Thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc toàn cầu (Tuidang) trong lễ diễu hành mừng Tết Nguyên đán tại New York vào ngày 17 tháng 2 năm 2018.
Khi ngày càng nhiều người nhận thức được tội ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, họ đã tham gia vào phong trào Thoái ĐCSTQ để cắt đứt mối liên hệ với nó. Tính đến năm 2018, đã có khoảng 300 triệu người Trung Quốc tuyên bố thoái khỏi ĐCSTQ, cũng như Đoàn Thanh niên và Đội Thiếu niên của nó.
Tại Philadelphia, các quan chức của ĐCSTQ đã lấy danh nghĩa học giả tham dự một hội nghị quốc tế để bôi nhọ Pháp Luân Công. Tuy nhiên, họ đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng địa phương. Cuối cùng, các biểu ngữ phỉ báng của họ còn bị gỡ khỏi hội nghị, còn ban tổ chức lại mời các học viên Pháp Luân Công địa phương vào nói cho người tham dự hội nghị về môn tu luyện và cuộc bức hại.
Tương tự, một triển lãm tiêu bản người ở Sydney đã bị đóng cửa sớm vào ngày 16 tháng 9 năm 2018, sau khi dấy lên sự phản đối kịch liệt của công chúng về vấn đề đạo đức và pháp lý vì lo ngại rằng hiện vật trưng bày có thể là thi thể của những nạn nhân bị cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
Vợ chồng ông bà Grace, cư dân Úc, đã bay từ Adelaide đến Sydney vào ngày mở cửa triển lãm để phát tờ rơi cho các khu cư dân gần nơi diễn ra triển lãm.
Ông bà Grace (hai người đầu hàng bên trái) phản đối triển lãm ‘Thi thể Người thật’.
Ông Grace cho hay, triển lãm thi thể người này là một sự xúc phạm nhân quyền. Ông đã trò chuyện với nhiều khách thăm triển lãm. Một số họ không thể ngưng khóc khi ra về; họ nói, họ không biết triển lãm này lại có những thứ như thế.
Nỗ lực buộc những thủ phạm chính phải chịu trách nhiệm
Song song với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế là những tiến triển trong nỗ lực buộc những thủ phạm chính phải chịu trách nhiệm về tội ác của họ.
Một phiên tòa độc lập, gồm các luật sư, các học giả, các nhà đạo đức học, các chuyên gia y khoa, các nhà nghiên cứu, và các nhà hoạt động nhân quyền đã tổ chức ba ngày điều trần vào tháng 12 năm 2018 tại London. Hơn 30 nạn nhân của cuộc bức hại, chuyên gia y khoa, và các nhà điều tra đã cung cấp chứng cứ và lời khai.
Chủ tọa phiên tòa – ngài Geoffrey Nice, luật sư cố vấn của Nữ hoàng, cũng là người đứng đầu vụ truy tố cựu tổng thống Nam Tư cũ Slobodan Milošević tại Tòa án Hình sự Quốc tế, cho biết: “Các thành viên của tòa án chúng tôi, chắc chắn đều nhất trí – không có gì phải bàn – rằng nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc đã diễn ra trong một thời gian dài, liên quan đến một số rất lớn các nạn nhân… do các tổ chức nhà nước hoặc tổ chức do nhà nước cấp phép, hoặc cá nhân thực hiện.”
Tại Canada, Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Canada đã trình danh sách 14 quan chức ĐCSTQ đứng đầu những tội ác nhân quyền nghiêm trọng lên Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao tại một diễn đàn kỷ niệm 70 năm ngày Nhân quyền Quốc tế hôm 12 tháng 12 năm 2018.
Kèm theo danh sách này là một bức thư kêu gọi chính phủ Canada trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền này theo Đạo luật Nạn nhân của các Quan chức Tham nhũng Nước ngoài, cũng được gọi là Đạo luật Magnitksy.
Những quan chức đứng đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công cũng nhận thấy các chuyến công du của họ bị các nước chủ nhà kiểm duyệt chặt chẽ. Ông Đổng Gia Hồng, giám đốc điều hành của Bệnh viện Trường Canh thuộc Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nguyên giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đã bị tước thư mời tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư Công nghệ Cao Israel-Trung Quốc lần thứ bảy hồi tháng 11 sau khi có các cáo buộc về việc ông bị nghi ngờ tham gia thu hoạch nội tạng của tù nhân lương tâm tại Trung Quốc.
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/1/10/174580.html
Đăng ngày 16-01-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.