Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ tại Sơn Đông, Trung Quốc
[MINH HUỆ 06-12-2019] Chỉ sau hai tháng kể từ khi bị bắt vì từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, vào ngày 2 tháng 7 năm 2019, anh Hà Lập Phương, một cư dân ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông đã qua đời trong thời gian bị giam giữ.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một hệ thống thiền định dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp môn tu luyện này vào tháng 7 năm 1999, một lượng lớn các học viên đã bị giam giữ, bị tra tấn hoặc thậm chí còn bịthu hoạch nội tạng chỉ vì đức tin của họ.
Gia đình anh Hà phát hiện thấy một vết mổ đã khâu trên ngực và một vết mổ hở ở lưng. Ban đầu, cảnh sát nói rằng các vết mổ này là kết quả của việc khám nghiệm tử thi rồi sau đó lại thay đổi câu chuyện, nói rằng một giám định pháp y sẽ sớm đến. Nhưng không có bác sĩ pháp y nào xuất hiện.
Thân nhân của anh Hà nghi ngờ rằng nội tạng của anh có thể đã bị thu hoạch trong khi anh vẫn còn sống hoặc ngay sau khi anh qua đời, và đó là nguyên nhân thực sự của các vết mổ. Họ cũng nghi ngờ anh đã bị ngược đãi về tinh thần vì anh không còn nói được và không còn phản ứng chỉ trong vòng 17 ngày bị giam giữ.
Anh Hà Lập Phương, một học viên Pháp Luân Công ở quận Tức Mặc, tỉnh Sơn Đông, qua đời vào ngày 2 tháng 7 năm 2019
Kết thúc những năm tháng đau khổ lại là cái chết trẻ
Cái chết của anh Hà đã đặt dấu chấm hết cho những năm tháng phải chịu đựng thống khổ vì đức tin của mình. Người đàn ông 45 tuổi này đã liên tục bị bắt và bị tra tấn – anh đã từng bị 17 tù nhân đánh đập trong thời gian bị giam giữ. Chứng minh thư của anh bị xóa bỏ và anh đã buộc phải sống xa nhà trong 17 năm để tránh bị bắt thêm nữa.
Ngày 5 tháng 5 năm 2019, cảnh sát đã lừa anh Hà đến gặp họ dưới danh nghĩa là để cấp cho anh chứng minh thư. Anh đã bị bắt khi đến nơi và sau đó bị bức thực và có thể đã bị ngược đãi về tinh thần. Sức khỏe của anh suy giảm và đã được đưa vội đến bệnh viện vào ngày 30 tháng 6.
Hơn 200 cảnh sát đã được điều động trong khoảng thời gian từ ngày 30 tháng 6 đến ngày 3 tháng 7 để ngăn chặn các học viên Pháp Luân Công địa phương và các thành viên gia đình của anh đến gần bệnh viện.
Anh Hà đã qua đời vào ngày 2 tháng 7, nhưng mãi cho đến ngày hôm sau gia đình anh mới được thông báo. Họ bị gây áp lực phải đồng ý cho hỏa táng thi thể anh ngay trong ngày hôm đó. Hơn 30 quan chức cùng bốn chiếc xe tải của cảnh sát đã có mặt để theo dõi quá trình hỏa táng.
Buộc phải sống xa nhà suốt 17 năm
Anh Hà là cư dân ở Khu dân cư Bắc An ở quận Tức Mặc, thành phố Thanh Đảo. Chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công mà anh đã nhiều lần bị cảnh sát Bắc An sách nhiễu và giam giữ. Công việc kinh doanh của anh cũng chịu tổn thất. Anh và gia đình cũng bị phân biệt đối xử và bị chế giễu vì đức tin của mình.
Trong đơn kiện hình sự đối với cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân vì đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công, anh Hà viết: “Thời điểm cuộc bức hại bắt đầu xảy ra vào năm 1999, công việc kinh doanh của tôi đang rất thành công. Nhưng vì những tuyên truyền vu khống mà nhiều khách hàng của tôi đã bị lừa dối và coi tôi như kẻ thù. Một người hàng xóm từng rất thân thiện đã quay sang nguyền rủa tôi và gia đình tôi. Thậm chí đến cả những đứa trẻ con đôi khi cũng chửi rủa chúng tôi vì chúng cũng bị ảnh hưởng bởi những tuyên truyền vu khống.”
Một lần vào năm 2001, anh đã bị 17 tù nhân tại Trại tạm giam Tức Mặc đánh đập và rơi vào tình trạng hôn mê. Chẩn đoán cho thấy anh bị thiếu cả máu và oxy lên não. Các bác sĩ cũng phát hiện anh đã bị suy đa tạng và cho biết anh không còn có thể cứu chữa được nữa.
Tuy nhiên, nhờ tu luyện Pháp Luân Công, anh đã sống sót sau khi được thả. Anh đã trốn khỏi nhà khi biết cảnh sát có kế hoạch bắt giữ anh một lần nữa. Trong suốt 17 năm tiếp theo, anh đã phải đi hết nơi này đến nơi khác.
Các quan chức từ Ủy ban Chính trị và Pháp luật Tức Mặc (PLAC), phòng 610 Tức Mặc và Đồn Công an Bắc An đã hủy đăng ký cư trú (hộ khẩu) và đình chỉ chứng minh thư của anh, khiến anh không thể có được một công việc toàn thời gian vì ở Trung Quốc để có được công việc như vậy yêu cầu cần phải có chứng minh thư.
Rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh sau 17 ngày bị bắt giữ lần gần đây nhất
Chỉ vì anh Hà đã miêu tả chi tiết những gì bản thân đã phải chịu đựng vì tu luyện Pháp Luân Công mà Phòng 610 đã coi anh là mục tiêu chính bị bức hại.
Vì xa nhà quá lâu, anh Hà thực sự rất nhớ cha mẹ đã già của mình. Đầu năm 2019, anh thực hiện một chuyến đi trở về nhà nhưng rồi lại bị một cảnh sát giao thông chặn lại và yêu cầu được xem chứng minh thư của anh. Anh đã bị phạt 2.000 nhân dân tệ vì không mang theo chứng minh nhân dân. Khoản tiền phạt này đối với anh Hà là một khoản tiền quá lớn bởi anh đã phải lang thang khắp nơi và không thể tìm được một công việc tốt mà không có chứng minh thư. Anh đã quyết định đề nghị cấp chứng minh thư mới.
Anh đã tìm đến Đồn Công an Bắc An và một cảnh sát đã yêu cầu anh qua đó để nhận chứng minh thư.
Ngày 5 tháng 5 năm 2019, anh Hà xuất hiện tại Đồn Công an Bắc An nhưng lại bị bắt và bị đưa đến trại tạm giam Phố Đông. Lệnh bắt giữ được ban hành vào ngày 14 tháng 5 và vụ việc của anh đã bị chuyển đến Tòa án Tức Mặc vào ngày 23 tháng 5. Khi anh tuyệt thực để phản đối, lính canh của trại giam đã bức thực và đánh đập anh, khiến anh bị thương khắp người. Anh rơi vào tình trạng đi vệ sinh không kiểm soát và tính mạng gặp nguy hiểm.
Biển trên cùng ghi “Toà án Nhân dân quận Tức Mặc”
Luật sư của anh Hà không được phép vào thăm anh, mãi cho đến ngày 22 tháng 5 năm 2019. Luật sư nhận thấy anh Hà không thể đi lại và phải được khiêng ra bằng cáng. Anh đeo mặt nạ, toàn bộ cơ thể được quấn trong một chiếc chăn dày. Anh không có phản ứng gì khi luật sư nói chuyện với anh.
Tháng 5 thời tiết ấm áp và gia đình anh Hà cùng luật sư đã đến thăm anh. Họ nghi ngờ rằng anh Hà bị cuốn trong chiếc chăn dày và phải đeo mặt nạ là để che đi những vết thương trên cơ thể anh do bị tra tấn và việc anh không thể nói cũng như không còn phản ứng có thể là do hậu quả của việc bị ngược đãi về tinh thần.
trại tạm giam Phố Đông ở quận Tức Mặc, thành phố Thanh Đảo
Yêu cầu trả tự do bị từ chối
Luật sư đã trở lại trại giam vào ngày 5 tháng 6, nhưng ông đã bị từ chối cuộc gặp với thân chủ của mình trong cả buổi sáng. Ông không chịu rời đi và cuối cùng đã được phép vào gặp anh Hà vào buổi chiều.
Anh Hà lại được khiêng ra bằng cáng. Anh vẫn không có phản ứng gì.
Cha mẹ của anh, đã ngoài 80 tuổi, đã đến Văn phòng kháng cáo Tức Mặc và Đồn Công an Bắc An để yêu cầu thả anh. Họ thậm chí còn không được phép vào bên trong, chứ nói gì đến việc gặp được người phụ trách vụ việc của con trai mình.
Cặp vợ chồng già và con gái của họ đã đến Sở Cảnh sát Tức Mặc và Phòng 610 Tức Mặc vào ngày 13 tháng 6 để yêu cầu trả tự do cho anh Hà. Họ đã cố gắng đi vào bên trong, nhưng đã bị yêu cầu phải đợi ở một phòng họp.
Sở Cảnh sát Tức Mặc
Khi không có ai trong sở cảnh sát ra nói chuyện với họ, cả ba người đã đến Đồn Công an Bắc An vào buổi chiều. Chị gái của anh Hà đã khóc và cầu cứu, nói rằng em trai cô có thể chết bất cứ lúc nào. Cảnh sát đã đe dọa sẽ giam giữ cô và họ đã mủi lòng khi cha mẹ cô cũng bắt đầu khóc. Ba thành viên trong gia đình sau đó bị đuổi ra khỏi tòa nhà.
Đồn Công an Bắc An
Luật sư đã từng viết thư cho công tố viên Lý Hà ở Viện Kiểm sát Tức Mặc, đề nghị thả anh Hà tại ngoại vì sức khỏe yếu. Công tố viên Lý đã từ chối, viện cớ là do anh Hà đã tuyệt thực.
Viện Kiểm soát Tức Mặc
Khi luật sư đến trại tạm giam vào ngày 24 tháng 6 để yêu cầu một cuộc gặp thứ ba với thân chủ của mình, một người bảo vệ ban đầu đã đồng ý. Nhưng sau khi xác nhận với một phó giám đốc họ Lý, người bảo vệ đã từ chối yêu cầu, với lý do anh Hà không có khả năng nói.
Không còn phản ứng được nữa nhưng vẫn bị ép phải ra toà
Ngày 25 tháng 6, một phiên điều trần đã được tổ chức tại trại tạm giam Phố Đông mặc dù anh Hà không đủ khả năng để ra tòa. Một số chấp hành viên đã khiêng anh đến phòng xử án và đẩy anh vào một cái ghế, trong khi một người liên tục phải lau dịch nhầy chảy ra từ mũi của anh.
Trong toàn bộ phiên tòa, anh Hà đờ đẫn, không có bất cứ phản ứng nào. Mẹ già của anh đã yêu cầu điều trị y tế cho con trai nhưng đã bị lờ đi.
Bằng chứng do công tố viên Lý liệt kê bao gồm việc anh Hà đã giương biểu ngữ về Pháp Luân Công vào năm 2001, anh đã đệ đơn kiện hình sự Giang và việc anh ở xa nhà. Luật sư đã bác bỏ từng điểm một và chất vấn lời khai của các nhân chứng. Ông nhắc lại quyền tự do tín ngưỡng được Hiến pháp Trung Quốc cho phép và yêu cầu anh Hà phải được thả vô điều kiện.
Theo những người trong cuộc, Thẩm phán Cao Phỉ đã liên tục nhận chỉ đạo từ hai quan chức cấp cao xem video trực tiếp về phiên tòa từ một phòng khác. Một cảnh sát mặc thường phục đã quay phim toàn bộ gia đình anh Hà trong suốt thời gian đó, trong khi có hàng chục cảnh sát đứng gác cả bên trong và bên ngoài trại giam.
Gia đình anh Hà đã gọi điện cho thẩm phán Cao ba ngày sau đó, lo lắng rằng anh Hà đã bị cho uống thuốc gì đó và yêu cầu được tại ngoại vì tình trạng sức khoẻ của anh. Cao chỉ đơn giản yêu cầu họ chờ phán quyết.
Gia đình đau lòng khi thấy anh Hà tiếp tục phải chịu đau đớn tại bệnh viện
Anh Hà được đưa từ trại tạm giam Phố Đông ở quận Tức Mặc đến Bệnh viện số 3 Thành Dương vào ngày 30 tháng 6. Hơn 20 xe cảnh sát đã được phái đi và các nhân viên của Ủy ban khu phố Bắc An cũng đến để bảo vệ anh. Tuy nhiên, mãi cho đến sáng ngày hôm sau gia đình anh Hà mới được thông báo từ một cảnh sát họ Tôn ở trại tạm giam.
Nằm cách trại tạm giam hơn 30 km, Bệnh viện số 3 Thành Dương là một bệnh viện cấp thị trấn chất lượng thấp. Bệnh viện này từng bị báo cáo đã bán thuốc giả bị pha trộn và khiến bệnh nhân bị lây nhiễm virut viêm gan B trong quá trình thẩm phân máu. Các thành viên gia đình anh Hà đã thắc mắc không hiểu tại sao hàng chục xe tải của cảnh sát phải hộ tống anh đến nơi này trong khi lại bỏ qua các bệnh viện khác gần hơn, uy tín hơn.
Bệnh viện số 3 Thành Dương
Họ càng quan ngại nhiều hơn nữa sau khi đến bệnh viện. Anh Hà nằm trên giường với ống và dây điện khắp người và không có phản ứng gì. Một bác sĩ cho biết phổi của anh đã bị tổn thương trong quá trình bị bức thực trong trại tạm giam.
Chị gái và anh rể của anh đã chứng kiến rằng mỗi khi một bác sĩ đưa một ống vào miệng anh, toàn thân anh lại run rẩy trong đau đớn. Tình trạng này nghiêm trọng đến mức nó giống như anh đang bị sốc điện.
Chị gái của anh đã khóc nhiều đến nỗi bị mất giọng. Một cảnh sát đã đến để ngăn họ lại gần hơn. Khi anh rể của anh Hà đề nghị đưa anh Hà trở về nhà để phục hồi, các cảnh sát của Đồn Công an Bắc An đã không đồng ý.
Hơn 200 nhân viên cảnh sát đã được điều đến và các thành viên gia đình bị đuổi đi
Một bảo vệ từ trại tạm giam Phố Đông đã nói với cha mẹ của anh Hà vào tối ngày 1 tháng 7 rằng hãy trở về nhà và nộp đơn xin bảo lãnh cho con trai. Cặp vợ chồng già đành phải làm như vậy, nhưng họ sớm quay lại bệnh viện sau khi nhận ra rằng con trai đang trong tình trạng nguy hiểm. Cảnh sát đã không cho phép họ đến gần hơn.
Điện thoại di động của cha mẹ anh đã được khám xét để xem liệu họ có bất kỳ đoạn ghi âm hoặc ghi hình nào không. Sau đó họ đã bị đuổi ra khỏi bệnh viện.
Phòng 610 Tức Mặc đã điều động thêm lực lượng cảnh sát vào tối hôm đó (ngày 1 tháng 7). Gia đình anh Hà và các học viên biết về việc này đã bị theo dõi chặt chẽ. Một cảnh sát đã đe doạ: “Bất cứ ai tham gia vào việc này sẽ bị bắt giữ”. Cảnh sát đặc biệt chú ý đến anh rể của anh Hà và một cảnh sát sẽ theo anh đến bất cứ nơi nào anh đi. Các thành viên trong Đảng ủy thôn được phân công theo dõi những thành viên khác trong gia đình anh Hà.
Sáng ngày 2 tháng 7, lính canh từ trại tạm giam Phố Đông rời đi và các cảnh sát từ Đồn công an Bắc An đến thay. Khi đến nơi, cảnh sát đã đuổi tất cả các thành viên gia đình đang tập trung bên ngoài bệnh viện. Cuối ngày hôm đó, thậm chí không có một thành viên nào trong gia đình được ở gần, trong khi các nhân viên cảnh sát đứng gác khắp bệnh viện.
Ước tính có khoảng 200 cảnh sát và hơn 20 xe tải cảnh sát đã được phái đi từ ngày 30 tháng 6 đến ngày 3 tháng 7. Đến từ Sở cảnh sát quận Tức Mặc và các đồn công an cấp dưới, những cảnh sát này đã mang theo nhiều còng tay và sẵn sàng bắt giữ bất cứ lúc nào. Một cảnh sát họ Diêu từ Ủy ban khu phố Bắc An đặc biệt cảnh báo các học viên Pháp Luân Công tránh xa trường hợp này.
Những vết mổ phía trước và phía sau cơ thể
Gia đình anh Hà cho rằng anh đã qua đời trong khoảng thời gian từ trưa đến tối ngày 2 tháng 7, mặc dù họ không được thông báo cho đến 10 giờ sáng ngày 3 tháng 7. Họ không được phép nhìn thi thể của anh ở bệnh viện.
Chiều hôm đó, gia đình anh đã đến Nhà tang lễ Bắc An để xem thi thể của anh, nhưng Trưởng Đồn công an Bắc An không cho phép. Sau khi liên tục yêu cầu một cách quyết liệt, họ đã được yêu cầu chờ tại Trung tâm Kháng cáo Bắc An. Sau đó, Bí thư ở thôn cũng đưa ra yêu cầu như vậy. Hai giờ sau, gia đình được phép nhìn thi thể anh.
Thi thể của anh có những vết mổ hở ở cả phía trước và phía sau, trong đó vết mổ ở ngực đã được khâu lại. Khuôn mặt của anh hiện lên sự đau đớn, miệng há to, mũi và miệng anh có máu, và máu cũng thấm vào kẽ răng. Toàn thân anh đầy vết thương, đặc biệt là chân và tay da đã chuyển thành màu tím đen và còn có những lỗ kim. Ngoài ra, ở cổ anh còn có những vết phồng rộp.
Khi gia đình hỏi tại sao lại có những vết mổ trên cơ thể anh, một cảnh sát cho biết đó là do kết quả của việc khám nghiệm tử thi. Nhưng sau đó, ông lại nói việc khám nghiệm tử thi sẽ được tiến hành bởi một bác sĩ pháp y từ thành phố Thanh Đảo. Nhưng không có bác sĩ nào xuất hiện.
Cảnh sát Bắc An đã sắp xếp việc hỏa táng và theo dõi toàn bộ quá trình vào ngày 3 tháng 7. Hơn 30 quan chức, cộng thêm các cảnh sát vũ trang và cảnh sát mặc thường phục, đứng bảo vệ cả bên trong và bên ngoài nhà tang lễ. Bốn xe tải của cảnh sát cũng tuần tra trong làng ngay cả sau khi đã hỏa táng.
Vào ngày ngày 4 tháng 7 khi tro cốt của anh Hà được hạ táng, các cảnh sát từ Đồn Công an Bắc An đã chờ ở nơi chôn cất, mang theo còng tay và đe dọa sẽ bắt giữ các học viên Pháp Luân Công nào dám tham dự lễ chôn cất.
Gia đình anh Hà muốn trại tạm giam phải chịu trách nhiệm cho cái chết của anh nhưng các quan chức của trại giam đã trốn tránh trách nhiệm bằng cách nói rằng họ đã tiêm chất dinh dưỡng cho anh Hà sau khi anh tuyệt thực. Những người dân làng anh Hà đã bác bỏ điều này. Một người dân cho biết, “thật khó để tưởng tượng một người đàn ông khỏe mạnh, nhanh nhẹn như vậy lại có thể rời bỏ chúng tôi như thế này trong vòng chưa đầy hai tháng bị giam giữ.”
Những người chịu trách nhiệm chính:
Vương Thế Vinh, Trưởng Phòng 610 Tức Mặc
Cao Phỉ, thẩm phán Tòa án Tức Mặc: +86-532-85559880, +86-18562885256, +86-15192667561
Lý Hà: Công tố viên tại Viện Kiểm soát Tức Mặc
Lưu Kiến Sinh: Trưởng Đồn Công an Bắc An
Lý Văn Dũng: Đội trưởng Đội An ninh Nội địa của Sở Cảnh sát Tức Mặc +86-532-66583280, +86-13964276811
Ngưu Nhuận Chi: Bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Tức Mặc: +86-532-88552219, +86-532-88552373, +86-532-88551529
Lý: Phó giám đốc trại tạm giam Phố Đông: +86-532-66578916
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/12/3/396578.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/12/6/180985.html
Đăng ngày 16-12-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.