Bài của Thiên Đức, học viên người Việt

[MINH HUỆ 31-3-2017] Xin chia sẻ nhận thức cá nhân về vấn đề Đại Đạo vô hình trong cộng đồng học viên Pháp Luân Đại Pháp chúng ta; chia sẻ về phương diện hình thức vốn lưu hành trong tôn giáo.

Đại Đạo vô hình

Chúng ta tu luyện nơi xã hội, công tác và các hoạt động xã hội không phải là tu luyện, nhưng có nhân tố tu luyện ở trong đó. Các ví dụ tu luyện tâm tính trong «Chuyển Pháp Luân» đã chỉ ra cho chúng ta rất rõ điểm này. Như trường hợp người làm công ở nhà máy dệt, trường hợp gặp mâu thuẫn nơi công sở, trường hợp bà cụ bị xe hơi đâm, v.v. Hết thảy đều chỉ cho chúng ta nhân tố tu luyện ngay trong cuộc sống hàng ngày.

Như vậy, việc học viên chúng ta hòa mình vào xã hội như thế nào, biết vận dụng sống động Pháp Lý trong cuộc sống hàng ngày ra sao, ấy là rất trọng yếu.

Hình thức

Tôn giáo là có hình thức của tôn giáo. Đương nhiên không hề có ý nhận xét tôn giáo ở đây; vì dù sao đi nữa, có không ít pháp tu cũng là nương theo hình thức tôn giáo mà lưu truyền qua các thế hệ; vả lại các pháp môn khác nhau là có chủ trương khác nhau. Nhưng hình thức ấy, ngay trong tôn giáo người ta cũng hiểu rằng, cái hình thức ấy không phải là trọng tâm.

Ví như có người xuất gia đi tu, hàng ngày chăm chỉ tụng kinh tham thiền nhập định, thì người ta sẽ nói “người này là chân tu”; còn như xuất gia xong, chỉ chăm chỉ cúng sao giải hạn tế bái phúng viếng, thì người ta sẽ không cho đó là chân tu.

Nghĩa là, ngay trong tôn giáo, cũng có nhận thức, rằng trọng điểm là chân tu, không phải hình thức. Người chân tu trong tôn giáo còn hiểu như thế, huống chúng ta vốn dĩ là theo Đại Đạo vô hình, càng xem nhẹ hình thức.

Xưng hô thành hình thức

Mấy năm nay, ở Việt Nam, trong cộng đồng chúng ta xuất lối dùng từ “đồng tu” để xưng hô. Kiểu như ngoài kia có lối xưng hô “đạo hữu”, “tín hữu”, “đồng chí”, v.v. Tôi đã từng nghe một vị học viên quảng bá “lý do” cho lối xưng hô này, rằng lối xưng hô của người thường (cô dì chú bác…) là phụ thuộc vào so sánh tuổi, do đó không phù hợp cho học viên chúng ta. Người ta cũng còn nghĩ ra một số lý do khác nữa. Cho nên, ở Việt Nam, có những học viên gọi nhau là: đồng tu Hương, đồng tu Hoa,… và thậm chí: đồng tu chồng, đồng tu vợ. Những cái này vốn không có trong cộng đồng học viên quốc tế.

Có lẽ có người nghĩ: gọi nhau là “đồng tu” cũng được mà, có gì quan trọng đâu!

Hãy thử nghĩ xem, những xưng hô như “thượng tọa”, “đại đức”,… là đã xuất hiện thế nào. Những thứ hình thức đó KHÔNG HỀ tồn tại khi đức Phật Thích Ca còn tại thế. Chúng chính là được hình thành trong TÔN GIÁO nhiều năm sau khi đức Phật Thích Ca không còn tại thế. Chúng chính là được những người trong tôn giáo làm ra bằng lối lập luận kiểu như “lối xưng hô kia không phù hợp người tu cao quý chúng ta, vì thế chúng ta cần xưng hô thế này…” (Đương nhiên, như đã nói ở trên, ở đây không phải là nhận xét về tôn giáo, vì các môn khác nhau có chủ trương khác nhau; đây chỉ là đưa ra mang tính so sánh minh họa).

Nếu cộng đồng học viên ở Việt Nam chỉ mất vài năm là đủ để phổ biến lối gọi nhau bằng “đồng tu”, thì có lẽ cũng không mất nhiều thời gian nữa để tiếp tục xuất hiện xưng hô kiểu như “thượng tọa” hay “đại đức”. Dù sao đó chính là những gì đã xảy ra trong lịch sử, và lịch sử nay đang lặp lại mà thôi. Hôm nay trong họp mặt, chúng ta nghe thấy thật quen tai “Xin mời đồng tu Hương lên đọc bài chia sẻ”. Theo tốc độ này có lẽ chỉ mấy năm nữa chúng ta cũng sẽ quen tai “Kính mời thượng tọa Hoa Tịnh Liên lên phát biểu”. Tôn giáo chính là đã xảy ra như thế, và dường như cộng đồng chúng ta cũng là đang đi theo cái này.

Phát chính niệm thành hình thức

Học viên mới chưa đọc, hoặc đã đọc nhưng chưa hiểu phần kinh sách giảng về phát chính niệm; nhưng vẫn rập khuôn “làm theo tập thể”.

Một học viên mới từng đưa tôi xem một tờ giấy viết tay hướng dẫn phát chính niệm. Học viên này hoàn toàn mới, chưa hề đọc kinh văn về phát chính niệm, và tờ viết tay đó là một học viên khác viết ra để “hướng dẫn” học viên mới này phát chính niệm.

Một học viên khác từng chia sẻ, đại ý là: “Tôi không biết phát chính niệm này là thế nào, khẩu quyết thì có nhóm bảo phải đọc hai cái, có nhóm thì bảo phải đọc một cái, và tôi cũng không hiểu là khác nhau chỗ nào, nhưng mà họ bảo sao tôi làm vậy và tôi cũng vào tham gia phát chính niệm cùng mọi người cho năng lượng nó mạnh.”

Nếu một học viên chưa qua học Pháp và tu luyện để hiểu ra phát chính niệm là gì, thì tốt nhất vẫn là để học viên đó đi qua giai đoạn học Pháp và tu luyện đó. Học viên “cũ” khác có thể bằng lời của mình mà giảng thay được không? Nếu người học viên mới vì không hiểu thấu đáo mà làm lệch lạc đi thì sao bây giờ?

Khi người ta chưa hiểu rõ nhưng cứ làm theo, thì đó chính là chạy theo hình thức. Cái này có khác gì hiện tượng cả một tập thể cử hành nghi thức khai quang, nhưng mà chính họ không có hiểu khai quang?

Nghi lễ và quy chế

Đành rằng nghi lễ và quy chế là có vai trò nhất định; cẩu thả xem thường chữ “lễ”, phóng túng xem thường quy củ, cái đó đương nhiên là sai. Nhưng nếu lạm dụng thì cũng không đúng; vì như làm thế là tương đương với thay đổi hình ảnh Pháp Luân Đại Pháp trong xã hội.

Hình ảnh Pháp Luân Đại Pháp trong xã hội có một phần chính là từ nghi lễ và quy củ mà hình thành. Mà hình ảnh Pháp Luân Đại Pháp trong xã hội, Pháp Luân Đại Pháp chúng ta xuất hiện dưới hình ảnh nào, thì đó là Sư phụ quyết định. Nói nôm na là trong một môn phái thì chưởng môn quyết định việc này. Một môn sinh không được tự ý thay đổi.

Trong một hoạt động, nhất là hoạt động có học viên mới tham gia, nếu chúng ta đưa vào những nghi lễ vốn không có trong hoạt động đó, thì chẳng phải chính là vấn đề này.

Đại Đạo vô hình

Học viên sẽ càng ngày càng đông, đa dạng đủ loại ngành nghề trong xã hội. Chúng ta là hòa vào xã hội. Chúng ta không phải làm ra một tổ chức hay đoàn thể nơi xã hội này. Đại Đạo vô hình, con đường này, chính là một điểm then chốt trong việc phát triển cộng đồng.

Danh hiệu, hình thức, nghi lễ, quy chế,… những cái đó chỉ có nghĩa khi người ta chấp trước vào danh lợi, vào chính trị, và muốn làm ra những tổ chức hay đoàn thể, một cách chính thức hoặc không chính thức, vậy thôi. Nhưng một khi cộng đồng học viên đông lên, thì những hình thức nghi lễ sẽ can nhiễu trực tiếp đến tu luyện, đến chủ trương Đại Đạo vô hình này.

Khi chúng ta tự đối xử với mình khác đi, tự tạo cho mình một hình ảnh khác thường đi, ngay cả xưng hô cũng có kiểu riêng rồi, người mới nhập học đã được “hướng dẫn” nghi lễ rồi, thì còn vô hình gì nữa.

Trên đây chỉ là chia sẻ nhận thức cá nhân về tình hình hiện nay. Có gì còn chưa thích đáng, mong các đồng tu từ bi chỉ rõ.

Share