Bài của Thiên Đức, học viên người Việt

[MINH HUỆ 6-8-2018] “Tôn giáo” là khái niệm của xã hội. Bản thân khái niệm “tôn giáo” là được hiểu khác nhau ở các địa phương khác nhau. Do đó, khi chế định ra phương thức hoạt động của một môn phái, nhất là môn phái toàn cầu, thì không dựa vào khái niệm mang tính văn hóa cục bộ như vậy. Nhưng khi môn phái đó ra hoạt động ở xã hội, thì con người ở xã hội khác nhau có thể gọi đó là “tôn giáo” hoặc “không phải tôn giáo”, ấy là do khái niệm ở xã hội mà thành ra lối gọi như thế.

Nghĩa là, có sự phân biệt giữa (i) cách thức hoạt động của nội bộ (tức là bản chất) và (ii) nhìn nhận từ bên ngoài, từ xã hội. Cái thứ nhất (i) nên là nhất quán, nó không nên phụ thuộc vào địa phương, tập tục, hay thể chế; còn cái thứ hai (ii) thì có phụ thuộc vào văn hóa các nơi khác nhau mà trở nên khác nhau.

Thời gian gần đây, cá nhân tôi tham gia nhiều lần chia sẻ về nhận thức về kinh văn 23-4-2018 ở các nhóm; nay xin viết bài chia sẻ ra nhận thức của mình.

Trước hết xin phép trích dẫn nguyên bản kinh văn của Sư phụ:

Về vấn đề định nghĩa Pháp Luân Đại Pháp ở xã hội người thường

Không có tôn giáo nào mà thời đầu sư phụ của môn ấy truyền Đạo nói rằng mình là ‘tôn giáo’, nhưng về hình thức nơi xã hội người thường thì đều chung quy thành ‘tôn giáo’. Cho nên ở xã hội nhân loại vì để phù hợp luật pháp người thường, [chúng ta] có thể dùng [danh nghĩa] tôn giáo đăng ký, có thể thừa nhận là đoàn thể tôn giáo theo định nghĩa của người thường.

Lý Hồng Chí

23 tháng Tư, 2018

Theo cách nhìn nhận (i) và (ii) ở trên, thì tôi hiểu Sư phụ tại đây không phải giảng về (i) cách thức hoạt động của nội bộmà là (ii) vấn đề phù hợp xã hội bên ngoài.

Theo tôi biết, thì cách thức hoạt động của chúng ta chưa hề thay đổi gì kể từ khi Sư phụ định ra thời truyền Pháp 1992 1994. Cách thức này đã được định ra những năm 1992 1994; và đến thời trước khi đàn áp 1999 thì đã qua triển khai thực tiễn mà hoàn toàn định hình. Có rất nhiều chỗ trong kinh văn và bài giảng là về chủ đề này, nhưng đều thuộc về: (1) làm rõ ra những gì Sư phụ yêu cầu; (2) chỉnh sửa lại hiểu sai hoặc làm sai của học viên, tức là chỉnh lại cho đúng theo an bài nguyên gốc; (3) một số bổ sung (không nhiều) theo tình hình, và ấy là bổ sung chứ không hề thay đổi cách thức đã định. Tôi chưa từng đọc kinh văn hay bài giảng Pháp nào mà thay đổi cách thức tu luyện đã định ra.

Tất cả những trường hợp (1) (2) và (3) thì Sư phụ đều có giảng giải rõ ràng, phân tích kỹ lưỡng, đảm bảo học viên thực hiện cho đúng, lưu lại ở thế gian một cách thức ổn định lâu dài.

Nhưng có những học viên sau khi đọc kinh văn ngắn «Về vấn đề định nghĩa Pháp Luân Đại Pháp ở xã hội người thường» đã hiểu lầm rằng chúng ta sẽ biến thành “tôn giáo” (tức là hiểu rằng đây là chúng ta đang cải cách phương thức vận hành nội bộ); hoặc cho rằng học viên Việt Nam chúng ta cũng đi đăng ký làm “tôn giáo” (tức là không tính đến vấn đề “người ta nhìn nhận chúng ta như thế nào”). Đó đều là hiểu lầm.

Ở Việt Nam, thì cách thức chúng ta hoạt động hiện không phải là “tôn giáo” theo khái niệm “tôn giáo” của người Việt đang hiểu. Nhưng ở một quốc gia khác, ví như Mỹ quốc, thì họ có thể gọi chúng ta là “tôn giáo”. Đây là do văn hóa khác biệt, chứ không phải do cách thức hoạt động của chúng ta không nhất quán.

Giả sử tình huống ta đến cơ quan nhà nước Mỹ và đăng ký tôn giáo. Người ta hỏi: Các vị hoạt động thế nào? Ta trả lời: Chúng tôi tin vào Chân-Thiện-Nhẫn, hoạt động thế này thế này. Người ta bèn trả lời: OK, tôi nhận đăng ký của các vị. Họ nhận đăng ký bởi vì chúng ta đúng là theo khái niệm “tôn giáo” mà họ hiểu.

Giả sử tình huống ta đến cơ quan nhà nước Việt Nam và đăng ký tôn giáo. Người ta hỏi: Các vị hoạt động thế nào? Ta trả lời: Chúng tôi hoạt động thế này thế này. Người ta từ chối và nói: Các vị không có chức sắc như “thượng tọa” “phương trượng” “trụ trì”, các vị không có những thứ như “quy y” hay “lễ rửa tội”, các vị không giống khái niệm “tôn giáo” mà chúng tôi hiểu, vì thế chúng tôi không nhận đăng ký của các vị được.

Ở trong kinh văn, Sư phụ viết rõ “vì để phù hợp luật pháp người thường”, nghĩa là tiền đề là người ở xã hội ấy nhìn nhận rằng chúng ta đúng là phù hợp theo khái niệm “tôn giáo” của họ, thì chỉ khi ấy, vấn đề “đăng ký” hay gì gì đó mới trở nên có ý nghĩa.

Bài kinh văn 23-4-2018 là giảng về vấn đề (ii) hòa nhập vào xã hội, không phải vấn đề (i) cơ chế hoạt động nội tại.

Trên đây chỉ là nhận thức cá nhân, có gì chưa phù hợp xin từ bi chỉ rõ.

Share