Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 20-03-2021] Từ khi bùng phát virus Trung Cộng (được đặt tên theo Đảng Cộng sản Trung Quốc) vào năm 2020, các nhà tù ở tỉnh Liêu Ninh đã nhân cơ hội để đóng cửa hoàn toàn và phần lớn các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ ở đó vì đức tin của họ bị mất liên lạc với thế giới bên ngoài. Sự thăm hỏi và gọi điện cho gia đình cũng bị cấm và tình trạng này đã tiếp diễn hơn một năm.

Tước quyền thăm hỏi của gia đình không phải là tồi tệ nhất đối với các học viên. Để cưỡng chế họ từ bỏ đức tin của mình, lính canh đã sử dụng các hình thức tra tấn khác nhau đối với các học viên như sốc điện, đánh đập, treo người lên trong nhiều giờ (bằng cách treo cổ tay của nạn nhân), còng tay ra sau lưng, bỏ đói, “đóng băng”, cấm sử dụng nhà vệ sinh, cấm ngủ và tẩy não.

Rất nhiều học viên còn bị cưỡng chế lao động tăng cường không lương, chủ yếu là làm những đồ bảo hộ để đáp ứng nhu cầu gia tăng trong đại dịch. Lính canh nhà tù thường duy trì máy móc chạy 24h một ngày, tù nhân và học viên Pháp Luân Công được phân công theo các ca làm việc khác nhau để làm việc với máy móc.

Trước Tết Nguyên đán năm 2020, học viên Cát Anh Kiệtở thành phố Cẩm Châu bị biệt giam một tháng tại Nhà tù Nữ Liêu Ninh. Vào tháng 7 năm 2020, bà bị một số tù nhân được lính canh xui giục đánh đập hai lần.

Một học viên khác là bà Chu Ngọc Trinh cũng ở thành phố Cẩm Châu đã bị bức hại tới mức chỉ còn da bọc xương. Bà chỉ nặng 36kg, tình trạng sức khỏe của bà rất nghiêm trọng.

Sau 13 ngày bị đưa vào Nhà tù Nữ Tỉnh Liêu Ninh vào ngày 19 tháng 2 năm 2019, bà Lý Diễm Thu ở thành phố Cẩm Châu đã qua đời. Sau khi vào tù, bà Lý vô cùng yếu. Nhưng lính canh vẫn bức thực bà, lột quần áo của bà và cưỡng chế bà ngồi trên sàn bê tông lạnh giá. Sau vài ngày chịu sự ngược đãi đó, bà bị đi tiểu ra máu và không thể tự đứng dậy được. Vài ngày sau, bà đã qua đời.

2012-8-1-cmh-pohai-kuxing-drawing-04.jpg

Minh họa tra tấn: Đánh đập

Chỉ riêng nửa đầu năm 2020, có 10 học viên đã qua đời do bị tra tấn trong các nhà tù khác nhau ở tỉnh Liêu Ninh, bao gồm sáu học viên qua đời trong tù và bốn học viên qua đời sau khi được trả tự do không lâu.

Sau đây là chi tiết của 10 trường hợp qua đời

Sáu học viên qua đời trong tù

Bà Lý Quế Vinh, hiệu trưởng về hưu của trường tiểu học đã chết trong Nhà tù Nữ Liêu Ninh

Vào trung tuần tháng Giêng năm 2020, bà Lý Quế Vinh 78 tuổi, một hiệu trưởng đã về hưu của một trường tiểu học ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh đã bị chết trong Nhà tù Nữ Liêu Ninh, chỉ vài tuần trước khi bà mãn hạn 5 năm tù vì từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.

Ngày 7 tháng 2 năm 2015, bà Lý đã bị cảnh sát bắt cóc vì phân phát tài liệu chân tướng về Pháp Luân Công. Ngày 24 tháng 6 năm 2015, bà bị đưa ra xét xử tại tòa án khu Hỗn Nam và bị kết án 5 năm tù.

Lần bắt cóc gần đây nhất chỉ cách 15 tháng sau khi bà kết thúc một án tù 7 năm cũng chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công. Ngày 17 tháng 10 năm 2006, bà Lý đã bị cảnh sát bắt cóc vì nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công, khi ấy bà 64 tuổi. Ngày 14 tháng 5 năm 2007, bà bị tòa án khu Hòa Bình tuyên án 7 năm tù.

Trong khi bà Lý bị giam tại nhà tù nữ của tỉnh Liêu Ninh, các lính canh đã ra lệnh cho tù nhân đánh, đá bà, và dẫm lên tay bà, khiến cho khuôn mặt bà đẫm máu, hai tay sưng phồng, và toàn thân tím bầm. Rất nhiều tóc của bà cũng bị lôi cho rụng hết.

Đôi khi, lính canh còn ép bà ngồi xổm trên sàn bê tông nhiều ngày liên tục, không cho phép bà ăn, sử dụng phòng vệ sinh, hay ngủ. Tệ hơn, họ còn ép bà cởi giầy rồi dội nước lạnh vào chân bà trong khi bà đang ngồi xổm, khiến hai chân bà đau đớn không chịu nổi. Kết quả là, bà không thể đứng, cũng không thể ngồi, chỉ có thể bò dưới đất mà đi.

Ông Trương Chấn Tài được báo cáo đã chết vì “ung thư” ở trong tù

Ông Trương Chấn Tài ở huyện Hắc Sơn, tỉnh Liêu Ninh đã qua đời vào ngày 7 tháng 2 trong khi đang thụ án 23 tháng tù giam.

Ông Trương và vợ là bà Trương Liên Vinh bị bắt giữ vào ngày 14 tháng 7 năm 2019 vì phân phát tài liệu chân tướng Pháp Luân Công. Tòa án huyện Hắc Sơn đã kết án hai vợ chồng ông, ông Trương bị kết án 23 tháng, còn bà Trương bị kết án 26 tháng tù.

Ông Trương bị đưa tới một nhà tù ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Ngày 23 tháng 1 năm 2020, một lính canh tù đã gọi điện cho gia đình ông nói rằng ông bị chẩn đoán mắc ung thư tuyến tụy. Hai tuần sau, nhà tù thông báo tới gia đình ông Trương rằng ông đã qua đời.

Kỹ sư máy bay ở trong tình trạng nguy kịch bị từ chối điều trị y tế, qua đời ở trong tù

Anh Hồ Lâm, một cư dân ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã qua đời vào ngày 16 tháng 2 năm 2020 trong khi đang thụ án hai năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công.

2020-3-19-i081342_01.jpg

Anh Hồ Lâm

Anh Hồ bị bắt vào ngày 23 tháng 5 năm 2019 vì phân phát tài liệu chân tướng Pháp Luân Công. Anh bắt đầu tuyệt thực để phản bức hại sau khi bị đưa tới Trại tạm giam Huyện Pháp Khố. Anh bị trói vào giường trong tư thế ‘đại bàng sải cánh’ và bị bức thực. Lính canh đã để ống dẫn thức ăn trong dạ dày của anh để khiến anh thêm đau đớn.

Ngày 20 tháng 6 năm 2019, anh Hồ đã bị Tòa án Huyện Pháp Khố kết án hai năm tù và bị đưa tới Nhà tù Khang Gia Sơn vào ngày 30 tháng 10 năm 2019.

Bất chấp việc anh rất ốm yếu, mất cảm giác ở chân và bị suy đa tạng, nhà chức trách nhà tù vẫn từ chối cho anh được bảo lãnh tại ngoại đề điều trị y tế vì anh Hồ đã hô “Pháp Luân Đại Pháp hảo” sau khi bị đưa đến Nhà tù Khang Gia Sơn. Lính canh nói rằng họ sẽ không thả anh “ngay cả khi anh chết”.

Vào buổi tối ngày 14 tháng 2 năm 2020, nhà tù đã gọi điện cho anh trai anh Hồ là anh Hồ Song để thông báo rằng anh Hồ Lâm đã được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện. Hai ngày sau, anh đã qua đời.

Ông Trâu Lập Minh qua đời sau sáu tháng bị cầm tù

Ông Trâu Lập Minh, một cư dân ở thành phố Bàn Cẩm, tỉnh Liêu Ninh đã qua đời vào ngày 8 tháng 3 năm 2020 sau 6 tháng bị cầm tù vì tu luyện Pháp Luân Công.

Năm 2015, ông Trâu bị kết án 2,5 năm tù vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công, nhưng được tại ngoại do tình trạng sức khỏe yếu.

Tháng 9 năm 2019, các nhà chức trách đã đưa ông quay trở lại giam giữ tại Nhà tù Nam Sơn, thành phố Cẩm Châu, và sau đó chuyển ông tới Nhà tù Đại Liên vào tháng 11. Gia đình đã không được phép vào thăm ông.

Ngày 7 tháng 2 năm 2020, gia đình ông nhận được một cuộc gọi từ Nhà tù Đại Liên cho biết ông đã rơi vào tình trạng hôn mê và đã được đưa tới bệnh viện. Nhà tù không hề cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào liên quan đến nguyên nhân dẫn đến việc ông bị hôn mê.

Một tháng sau, ông Trâu đã qua đời ở tuổi 66.

Bà Lan Lập Hoa bị từ chối bảo lãnh tại ngoại để điều trị y tế, qua đời trong tù ở tuổi 49

Bà Lan Lập Hoa, một học viên ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh đã bị bắt vì phân phát lịch có thông tin về Pháp Luân Công. Bà bị kết án ba năm 10 tháng tù giam. Trong khi đang thụ án ở Nhà tù Nữ Liêu Ninh, bà Lan đã bị mắc bệnh viêm gan B. Ngày 23 tháng 4 năm 2020, bà qua đời ở tuổi 49.

Ông Vương Điện Quốc qua đời trong tù sau khi vợ ông chết trong một trại tạm giam ba năm

Ông Vương Điện Quốc, 67 tuổi, một cư dân ở thành phố An Sơn, tỉnh Liêu Ninh, đã bị kết án bốn năm tại Nhà tù Liêu Nam ở thành phố Đại Liên vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Ông đã qua đời vào lúc 4 giờ chiều ngày 16 tháng 6 năm 2020, khoảng hai năm sau khi bị cầm tù.

Ông Vương bị cầm tù sau vụ bắt giữ của ông tại nhà riêng vào tháng 7 năm 2017, cả vợ ông là bà Vu Bảo Phương và con trai ông là anh Vương Vũ cũng bị bắt giữ vì tu luyện Pháp Luân Công. 13 ngày sau, bà Vu đã qua đời tại Trại tạm giam Nữ An Sơn.

Bốn học viên qua đời sau khi được trả tự do

Bà Ngô Tú Phương bị bức hại rơi vào tình trạng thực vật, qua đời ở tuổi 64

Ngày 18 tháng 8 năm 2015, bà Ngô Tú Phương, một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh, bị bắt chỉ vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công và cuộc bức hại của chính quyền Cộng sản Trung Quốc. Bà bị kết án ba năm tù giam. Vào cuối tháng 6 năm 2016, bà bị đưa tới Nhà tù Nữ Liêu Ninh. Trong khi ở trong tù bà không thể nói và không cử động được mắt. Người bà gầy yếu chỉ còn da bọc xương và không thể tự chăm sóc bản thân.

Ngày 18 tháng 8 năm 2018, khi bà Ngô được đưa về nhà, bà đã như một bộ xương di động. Ngày 8 tháng 2 năm 2020, bà Ngô đã qua đời.

Bác sỹ quân y Triệu Thành Lâm qua đời ở tuổi 58

Ông Triệu Thành Lâm, một bác sỹ quân y ở thành phố Bàn Khê đã bị kết án chín năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công vào năm 2002. Ông bị giam giữ tại Nhà tù Ngoã Phòng Điếm ở tỉnh Liêu Ninh, lính canh nhà tù xúi giục tù nhân đánh đập ông Triệu rất tàn bạo khiến ông nôn ra máu và không thể đi lại được. Quản lý nhà tù đã liên tục không cho gia đình gặp ông với lý do ông không hợp tác với nhà tù.

Vào 26 tháng 3 năm 2014, ông Triệu lại bị bắt giữ một lần nữa vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Cảnh sát đã đánh vào đầu ông và khiến ông gục xuống. Họ lôi ông trong tình trạng bất tỉnh vào một xe công an và đưa ông đến trại tạm giam Bản Khê. Ông Triệu bi buộc phải hầu tòa vào khoảng tháng 9 năm 2014 và bị kết án bốn năm tù giam.

Trong khi đang thụ tán tại Nhà tù Khang Gia Sơn, lính canh thường kéo ông vào phòng nước và dội nước lạnh lên người ông. Bởi ông tuyệt thực để phản đối bức hại, nên họ đã bức thực và làm ông bị gãy nhiều răng.

Ông Triệu không thể hồi phục sau khi được thả vào năm 2018. Sau khi vật lộn trong hai năm với sức khoẻ yếu, ông đã qua đời vào ngày 15 tháng 2 năm 2020.

Bà Lâm Quế Chi bị tra tấn tới mức không thể tự chăm sóc bản thân, qua đời ở tuổi 58

Ngày 19 tháng 11 năm 2003, bà Lâm Quế Chi ở thành phố Triều Dương bị bắt giữ và sau đó bị kết án bảy năm tù giam. Khi bị giam giữ tại Nhà tù Nữ Liêu Ninh, bà có triệu chứng bệnh nghiêm trọng, bà lên cơn co giật và hôn mê nhiều lần mỗi ngày. Sau khi được trả tự do, bà không thể tự chăm sóc bản thân mình. Ngày 20 tháng 2 năm 2020, bà đã qua đời.

Bà Lý Quốc Tuấn qua đời sau sáu tháng được bảo lãnh tại ngoại đề điều trị y tế

Bà Lý Quốc Tuấn, một cư dân thành phố Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh đã qua đời vào ngày 5 tháng 5 năm 2020, sáu tháng sau bà được bảo lãnh tại ngoại để điều trị ung thư. Bà bị phát bệnh trong thời gian thụ án 11 năm vì kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo chính quyền Cộng sản Trung Quốc, kẻ phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công. Bà hưởng dương 53 tuổi.

Bà Lý làm việc tại phòng tuyên truyền của chính quyền huyện Triều Dương. Ngày 9 tháng 11 năm 2015, bà Lý bị bắt giữ vì đệ đơn kiện Giang Trạch Dân. Vào khoảng tháng 3 năm 2016, Tòa án Song Tháp đã kết án bà Lý 11 năm tù và phạt 1.000 nhân dân tệ. Bà cũng bị đơn vị công tác sa thải.

Trong khi bị giam giữ tại trại tạm giam Thành phố Triều Dương và sau đó là Nhà tù Nữ Liêu Ninh, bà đã phải chịu nhiều hình thức tra tấn dã man khác nhau. Sau khi bà nhập viện và phẫu thuật vào ngày 8 tháng 2 năm 2018, gia đình bà đã nộp đơn bảo lãnh tại ngoại để điều trị y tế cho bà, nhưng nhà chức trách không đồng ý cho đến tháng 11 năm 2019.

2020-7-8-li-guo-jun_01.jpg

Bà Lý Quốc Tuấn sau khi hóa trị

Bài liên quan:

1.334 học viên Pháp Luân Công lớn tuổi ở Trung Quốc bị nhắm mục tiêu vì đức tin của họ trong năm 2020

83 học viên Pháp Luân Công qua đời bởi cuộc bức hại trong năm 2020

11 học viên Pháp Luân Công qua đời vào tháng 7 và tháng 8 năm 2020 do bị bức hại vì đức tin của họ

40 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết vì đức tin của họ trong nửa đầu năm 2020

Cuộc bức hại Pháp Luân Công tiếp tục cướp đi sinh mạng của 17 học viên trong quý I năm 2020

27 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2020

Tin tức bổ sung về cuộc bức hại tại Trung Quốc – Ngày 6 tháng 4 năm 2020 (10 báo cao)

Từng bị giam giữ 5,5 năm, bà Chu Ngọc Trinh ở Liêu Ninh lại bị kết án 4 năm tù vì kiên định đức tin của mình

Bà Ngô Tú Phương bị xuất huyết não tại Nhà tù Nữ Tỉnh Liêu Ninh

(Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/3/20/422323.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/3/31/191666.html

Đăng ngày 28-04-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share