Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 16-01-2021] Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm cổ xưa dựa trên nguyên lý Chân, Thiện và Nhẫn. Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại pháp môn tu luyện này vào tháng 7 năm 1999, nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị bắt, giam giữ và tra tấn vì từ chối từ bỏ đức tin của họ.

Báo cáo này tập trung vào cuộc bức hại những người lớn tuổi tu luyện Pháp Luân Công và việc họ đã bị chính quyền ngược đãi về thể chất và tinh thần như thế nào bất chấp tuổi tác của họ. Một số bị bức hại đến chết do bị tra tấn và chịu áp lực khủng khiếp từ phía nhà chức trách.

Theo dữ liệu thu thập từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 31 tháng 12 năm 2020 do trang Minh Huệ.Net, có tổng cộng 1.334 học viên trên 65 tuổi bị bức hại, bao gồm 702 học viên bị bắt và 476 người bị sách nhiễu; 114 học viên khác bị kết án, với mức án dài nhất là 12 năm; 42 học viên đã bị bức hại đến chết, trong đó 13 người qua đời trong khi bị giam giữ.

Trong số 1.188 học viên bị bắt và sách nhiễu, 17 người trên 90 tuổi, với người lớn tuổi nhất đã 94 tuổi, 295 học viên ở độ tuổi 80

Sự lên án trên toàn thế giới đối với hành vi lạm dụng nhân quyền ở Trung Quốc

Trong khi cuộc bức hại Pháp Luân Công vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, ngày càng có nhiều cá nhân và chính phủ các nước lên án sự tàn bạo của ĐCSTQ đối với các học viên vô tội. Cộng đồng quốc tế đã thực hiện một loạt các hành động để buộc các thủ phạm phải chịu trách nhiệm.

Vào ngày 7 tháng 12 năm 2020, EU đã thông qua một khuôn khổ để “nhắm mục tiêu đến các cá nhân, tổ chức và cơ quan… phải chịu trách nhiệm liên quan đến các vi phạm và lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng trên toàn thế giới”. Khuôn khổ bảo vệ nhân quyền toàn cầu mới của EU được đặt tên theo “Đạo luật hành động nhân quyền Magnitsky toàn cầu”, được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua lần đầu vào năm 2016. “Đạo luật Magnitsky toàn cầu” của Hoa Kỳ cho phép chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt những người vi phạm nhân quyền trên khắp thế giới , bao gồm cả việc phong tỏa tài sản của họ ở Mỹ và cấm nhập cảnh vào nước này.

Ngay sau khi khuôn khổ bảo vệ nhân quyền toàn cầu của EU được thông qua, các học viên Pháp Luân Công ở 29 quốc gia đã đệ trình danh sách các thủ phạm nhân quyền lên chính phủ các quốc gia sở tại của họ, yêu cầu các quốc gia này trừng phạt những thủ phạm được liệt kê và các thành viên gia đình của họ bằng các hạn chế về thị thực và phong tỏa tài sản của vì sự tham gia của họ vào cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Ba ngày sau, vào ngày 10 tháng 12, Hoa Kỳ công bố thêm các biện pháp trừng phạt đối với 17 quan chức của các chính phủ nước ngoài vì vi phạm nhân quyền hoặc tham nhũng. Trong số đó có Hoàng Nguyên Hùng thuộc Công an Hạ Môn, Đồn Công an Vũ Thôn vì liên quan đến việc giam giữ và thẩm vấn các học viên Pháp Luân Công. Các biện pháp trừng phạt đối với Hoàng gây bất ngờ cho nhiều người, vì Hoàng chỉ là một viên cảnh sát cấp thấp.

Dưới đây là thông tin nhanh về các trường hợp bức hại các học viên lớn tuổi ở Trung Quốc gần đây. Do việc kiểm duyệt thông tin ở Trung Quốc, số lượng học viên Pháp Luân Công bị bức hại vì đức tin của họ không phải lúc nào cũng được báo cáo kịp thời và sẵn có.

Bị bức hại đến chết

Hắc Long Giang: Một bác sĩ nội khoa bị đánh đập đến chết vì tu luyện Pháp Luân Công (Ảnh đồ họa)

Bác sĩ Vương Thục Khôn, một bác sĩ 66 tuổi nội khoa tại Bệnh viện Thị trấn Hải Lâm ở thành phố Hải Lâm, tỉnh Hắc Long Giang, nhận được cuộc gọi vào cuối tháng 6 năm 2020 từ Hàn Diễm, Bí thư Đảng ủy của bệnh viện và được thông báo rằng giám đốc bệnh viện Trần Quảng Quần đang tìm bà.

Bà Vương đã nghĩ rằng bệnh viện đang thu xếp cho bà đi làm trở lại. Nhưng khi bà tới bệnh viện, hóa ra là các cảnh sát của Đồn Công an Số 1 Thành phố Hải Lâm đang tìm bà. Cảnh sát đã nỗ lực ép bà phải viết tuyên bố từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công và thừa nhận rằng chồng bà, ông Vu Tiểu Bằng cũng là học viên Pháp Luân Công.

Ông Vu là bác sỹ phẫu thuật tại cùng bệnh viện với bà Vương. Ông đã bị sa thải 29 năm trước vì từ chối làm hồ sơ y tế giả theo chỉ đạo của giám đốc bệnh viện khi đó. Ông đã đi khiếu nại suốt 29 năm qua và trở thành mục tiêu chính của chính quyền. Họ đã cố gắng tiếp tục bức hại ông bằng việc cáo buộc ông cũng là học viên Pháp Luân Công mặc dù ông chưa từng tu luyện.

Khi bà Vương từ chối ký các biên bản, cảnh sát đã đánh đập bà trong nhiều giờ tại bệnh viện. Họ đe dọa rằng nếu bà Vương không viết tuyên bố, họ sẽ tìm người khác viết thay cho bà.

Bà Vương bị đau nhói ở chân và xin cảnh sát hãy để cho bà về. Họ đồng ý, nhưng lại đe dọa rằng vài ngày sau họ sẽ tìm bà lần nữa.

Bà Vương đã phải bò lên cầu thang để trở về căn hộ của mình. Chồng của bà thấy bà có nhiều vết bầm tím khắp toàn thân. Xương bánh chè của bà bị gãy và bà ướt đẫm mồ hôi.

Chiều ngày 1 tháng 7, bà Vương đột nhiên bị xuất huyết não. Bà rất chóng mặt và cảm thấy buồn nôn. Bà qua đời vào khoảng 4 giờ 25 phút sáng ngày 2 tháng 7. Thi thể của bà được hỏa táng vào ngày 4 tháng 7.

Sau khi bà Vương qua đời, cảnh sát tiếp tục sách nhiễu ông Vu và yêu cầu ông không được báo cáo vụ việc của bà Vương lên website Minh Huệ.

Liêu Ninh: Một người đàn ông qua đời trong tù sau ba tháng bị bắt vì kiên định đức tin của mình

Ông Vu Vĩnh Mãn, một cư dân 65 tuổi của thành phố Liêu Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã qua đời trong trại tạm giam Liêu Dương vào ngày 23 tháng 2 năm 2020. Các viên chức cho rằng nguyên nhân cái chết của ông là do “đột ngột phát bệnh”, nhưng khám nghiệm tử thi cho thấy một xương sườn của ông bị gãy và ông cũng bị tổn thương ở phổi.

2021-1-15-i083526_03.jpg

Ông Vu Vĩnh Mãn

Người đàn ông 77 tuổi, đã qua đời trong khi thụ án 4,5 năm trong tù

Ông Lý Thiếu Thần, một cư dân ở Thiên Tân, bị bắt vào ngày 7 tháng 12 năm 2016 và bị Tòa án quận Hồng Kiều kết án 4 năm rưỡi tại Nhà tù Tân Hải vào tháng 10 năm 2017.

2021-1-15-i083526_04.jpg

Ông Lý Thiếu Thần

Từ tháng 5 năm 2019, Nhà tù nam Tân Hải ở thành phố Thiên Tân đã thực hiện một chiến dịch cưỡng ép các học viên Pháp Luân Công đang bị cầm tù ở đó từ bỏ đức tin của họ. Tất cả học viên, bao gồm những người bị bệnh, người trong độ tuổi 70 và 80, cũng như những người sắp mãn hạn tù, đều bị yêu cầu phải “chuyển hoá”.

Các hình thức tra tấn thể chất khác nhau, bao gồm cả việc cấm ngủ và bỏ đói đang được sử dụng để cố gắng “chuyển hóa” các học viên. Những ngược đãi nghiêm trọng đã dẫn đến cái chết của ông Lý Thiếu Thần vào ngày 6 tháng 3 năm 2020, ở tuổi 77.

Hiệu trưởng đã nghỉ hưu của một trường tiểu học bị bức hại đến chết trong tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Bà Lý Quế Vinh, một hiệu trưởng trường tiểu học đã nghỉ hưu ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã qua đời trong Nhà tù nữ tỉnh Liêu Ninh vào giữa tháng 1 năm 2020, chỉ vài tuần trước khi bà mãn hạn tù 5 năm vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà đã 78 tuổi.

Bà Lý bị bắt vào ngày 7 tháng 2 năm 2015, sau khi bị báo cáo vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Bà bị đưa ra xét xử tại Tòa án quận Hỗn Nam vào ngày 24 tháng 6 năm 2015, và bị kết án 5 năm.

Vụ bắt giữ gần đây nhất của bà Lý chỉ diễn ra cách 15 tháng sau khi bà kết thúc án tù 7 năm, cũng vì đức tin của bà.

Ngày 17 tháng 10 năm 2006, bà Lý đã bị cảnh sát bắt cóc vì nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công, khi ấy bà 64 tuổi. Ngày 14 tháng 5 năm 2007, bà bị tòa án khu Hòa Bình tuyên án 7 năm tù.

Trong khi bà Lý bị giam tại nhà tù nữ của tỉnh Liêu Ninh, các lính canh đã ra lệnh cho tù nhân đánh, đá bà, và dẫm lên tay bà, khiến cho khuôn mặt bà đẫm máu, hai tay sưng phồng, và toàn thân tím bầm. Rất nhiều tóc của bà cũng bị giật cho rụng hết.

Đôi khi, lính canh còn ép bà ngồi xổm trên sàn bê tông nhiều ngày liên tục, không cho phép bà ăn, sử dụng phòng vệ sinh, hay ngủ. Tệ hơn, họ còn ép bà cởi giầy rồi dội nước lạnh vào chân bà trong khi bà đang ngồi xổm, khiến hai chân bà đau đớn không chịu nổi. Kết quả là, bà không thể đứng, cũng không thể ngồi, chỉ có thể bò dưới đất mà đi.

Trước khi được thả vào ngày 17 tháng 10 năm 2013, thân thể bà chỉ còn da bọc xương, tóc biến thành hoa râm, và hai hàm răng đều bị rụng hết. Tuy nhiên, các đặc vụ của Phòng 610 địa phương, một cơ quan ngoài pháp luật được thành lập đặc biệt để bức hại Pháp Luân Công, vẫn không ngừng quấy nhiễu bà.

Người đàn ông bị bệnh nan y nhưng không được điều trị y tế và bị ép phải lao động không công đã qua đời trong tù

Khoảng 8 giờ sáng ngày 30 tháng 5 năm 2020, gia đình ông Tào Kim Hưng, 69 tuổi, tại thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc đã nhận được thông báo từ Nhà tù Ký Đông cho biết ông Tào vừa qua đời do “tim ngừng đập” trong khi đang thụ án bảy năm tù vì đức tin của ông vào Pháp Luân Công.

Ngày 2 tháng 6, khi gia đình ông Tào vội vã đến nhà tù, quản lý nhà tù đã cho họ xem một số tài liệu liên quan đến ông Tào nhưng không cho phép họ ghi chép hay chụp hình lại. Gia đình được biết ông Tào đã được chẩn đoán mắc một loại bệnh nan y không rõ tên vào đầu năm 2018 nhưng gia đình họ chưa từng được thông báo và ông Tào cũng chưa bao giờ được điều trị y tế.

Gia đình ông Tào cũng biết rằng các lính canh tù đã bắt ông phải lao động không công bất chấp tình trạng sức khỏe của ông.

Nhà tù khăng khăng rằng ông Tào đã qua đời do “các nguyên nhân tự nhiên” và nói rằng họ đang xem xét bồi thường một chút về tài chính cho gia đình ông.

Người phụ nữ Hà Bắc qua đời trong vòng vài giờ sau khi bị bắt

Bà Hàn Ngọc Cần, 68 tuổi, cư dân thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, đã qua đời vài giờ sau khi bà bị bắt trong một cuộc truy quét của cảnh sát đối với 36 học viên Pháp Luân Công địa phương.

Một nhóm cảnh sát của Đồn Công an Đoan Minh Lộ ở quận Phong Nhuận đã đột nhập vào nhà bà Hàn vào khoảng 5 giờ sáng ngày 18 tháng 6 năm 2020. Cảnh sát đã đưa bà Hàn về đồn và cưỡng chế bà ngồi trên một chiếc ghế sắt, và yêu cầu bà điền thông tin vào một văn bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công được chuẩn bị từ trước. Bà từ chối làm theo.

Vào khoảng 10 giờ sáng, con gái bà Hàn tới đồn công an để thăm mẹ, nhưng cảnh sát đã từ chối. Đến buổi trưa, chồng bà Hàn đã tới đồn công an để mang bữa trưa cho bà. Bà không có cảm giác thèm ăn và không ngừng khóc. Chồng bà để ý thấy chân bà sưng vù sau khi bà ngồi trên chiếc ghế kim loại đó vài giờ đồng hồ.

Khoảng 4 giờ chiều, bà Hàn đi vệ sinh và cảnh sát đợi bà ở bên ngoài. Một lát sau, khi không thấy bà trở ra, họ đi vào kiểm tra bên trong thì thấy bà đã ngã và ngất xỉu trên sàn.

Sau khi cơ sở cấp cứu bênh cạnh đồn công an từ chối tiếp nhận, cảnh sát đã đưa bà tới Bệnh viện Trung Y Quận Phong Nhuận để cấp cứu. Ngay sau đó bệnh viện thông báo bà đã tử vong.

Khoảng 6 giờ chiều, gia đình bà Hàn được thông báo về cái chết của bà. Họ đến xem di thể của bà ở trong bệnh viện. Tóc bà rối bù và trong mũi có vết máu.

Gia đình bà Hàn nói rằng bà luôn khỏe mạnh kể từ khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1995. Không rõ là họ có yêu cầu khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân tử vong của bà hay không.

Hồ Bắc: Một bà lão qua đời sau hơn hai năm bị giam

Ngày 15 tháng 8 năm 2020, một gia đình ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đã nhận thông báo từ trại tạm giam Nhị Chi Câu rằng người thân của họ, bà Nguy Hữu Tú, vừa mới qua đời ở tuổi 72. Các lính canh tuyên bố bà qua đời do bệnh bạch cầu nhưng gia đình nghi ngờ bà đã bị tra tấn đến chết vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công.

Ngày 2 tháng 6 năm 2018, bà Nguy bị bắt tại Công viên Trung Sơn sau khi gặp phải một cảnh sát mặc thường phục, người này đã tìm thấy các tài liệu Pháp Luân Công trên người bà. Cảnh sát đã lục soát nhà bà và tịch thu các sách Pháp Luân Công. Bà đã bị đưa đến trại tạm giam Nhị Chi Câu, nơi này đã không cho gia đình vào thăm bà với lý do rằng cảnh sát đã tìm thấy các sách Pháp Luân Công tại nhà bà.

Có thời điểm, gia đình bà Nguy nghe tin rằng có người đã thấy bà trong trại tạm giam, bà hốc hác và không thể tự đi được.

Sau hơn hai năm bị giam giữ, trại tạm giam đột nhiên thông báo với gia đình rằng bà Nguy đã qua đời. Gia đình đã tra hỏi quản lý trại rằng khi bị bắt thì bà hoàn toàn khoẻ mạnh, nhưng tại sao bà lại mắc bệnh bạch cầu và qua đời trong thời gian ngắn như vậy.

Trước lần bị bắt cuối cùng, bà Nguy từng bị bắt hai lần, lần đầu là giữa năm 2000 và 2001, sau đó là vào ngày 5 tháng 8 năm 2013. Bà đã bị đưa đến Trung tâm tẩy não Ngạch Đầu Loan sau cả hai lần bị bắt.

Người đàn ông 78 tuổi bị suy sụp tinh thần do tra tấn trong tù đã qua đời sau một thời gian dài mất đi sự chăm sóc của vợ

Ông Vương Đức Kim, ở thành phố Thương Chí, tỉnh Hắc Long Giang, bị suy sụp tinh thần sau khi bị tra tấn trong tù vì tu luyện Pháp Luân Công nhiều năm trước và vào tháng 11 năm 2020. Vì vợ ông là bà Đỗ Quế Anh, 68 tuổi vẫn đang trong thời gian ngồi tù, ông Vương đã qua đời tại nhà mà không có ai ở bên cạnh. Ông đã 78 tuổi.

Ông Vương và vợ ông, hai cư dân thành phố Thương Chí, tỉnh Hắc Long Giang, đã trở thành mục tiêu bị bức hại của chính quyền khi các học viên Pháp Luân Công địa phương viết một bức thư ngỏ gửi cảnh sát và Phòng 610 (một cơ quan ngoài vòng pháp luật được thành lập chuyên để bức hại Pháp Luân Công) vào năm 2004, và thúc giục họ ngừng tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Cảnh sát địa phương đã thành lập một tổ chuyên án để điều tra xem ai là người đã viết bức thư. Lương Hiểu Minh, trưởng Đội An ninh Nội địa lúc đó đã nói: “Chỉ cần chúng ta bắt được một người, chúng ta có thể đổ hết mọi tội lỗi cho người đó.”

Ông Vương và vợ ông đã trở thành mục tiêu hàng đầu của cảnh sát. Vào nửa đêm ngày 16 tháng 2 năm 2004, cảnh sát ập vào nhà của 2 vợ chồng và bắt họ. Các cảnh sát khám xét mọi ngóc ngách trong ngôi nhà của họ và thậm chí xé toạc chiếc chăn của họ để tìm kiếm cái gọi là bằng chứng.

Vào ngày 20 tháng 5 năm 2004, cả ông Vương và bà Đỗ đều bị kết án bí mật bốn năm mà không có người đại diện hợp pháp bào chữa cho họ.

Trải qua những tra tấn ở trong tù, ông Vương bị suy sụp tinh thần và mất khả năng tự chăm sóc bản thân. Ông mất cảm giác đói và no. Ông cũng mất kiểm soát việc đại tiểu tiện. Khi ông ra ngoài, ông không thể tìm được đường về nhà.

Bất chấp tình trạng của ông, cảnh sát lại lục soát nhà của họ vào ngày 24 tháng 7 năm 2015 trong một vụ bắt giữ tập thể các học viên địa phương. Ông và vợ bị đưa đến đồn công an để thẩm vấn.

Cảnh sát lại sách nhiễu hai vợ chồng vào cuối năm 2016, và vài năm sau, bà Đỗ lại bị bắt giữ một lần nữa vì phân phát một số tài liệu Pháp Luân Công. Bà bị Tòa án thành phố A Thành kết án bốn năm tù giam vào tháng 7 năm 2019.

Thiếu bàn tay chăm sóc của bà Đỗ, sức khỏe của ông Vương ngày càng xấu đi và ông đã qua đời một năm sau đó.

Một sĩ quan quân đội về hưu đã qua đời trong cuộc bức hại Pháp Luân Công

Ông Phó Nghĩa Xuân, một sĩ quan quân đội về hưu, đã qua đời vào ngày 1 tháng 9 năm 2020, sau hai thập kỷ bị bức hại vì đức tin của mình đối với Pháp Luân Công. Ông đã 92 tuổi.

Ông Phó Nghĩa Xuyên gia nhập quân đội vào năm 1944 khi ông chỉ mới 15 tuổi. Ông tham gia vào cuộc nội chiến và trước khi nghỉ hưu ông trở thành một sĩ quan ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô.

Ông phải vật lộn với rất nhiều chấn thương trong các cuộc chiến và thường phải lui tới bệnh viện. Năm 1995, ông được giới thiệu Pháp Luân Công và sau một thời gian tu luyện sức khỏe của ông dần dần hồi phục.

Sau khi chính quyền Cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại vào năm 1999, Phòng 610 trong quân đội, một cơ quan ngoài vòng pháp luật được thành lập để bức hại Pháp Luân Công đã ra lệnh cho ông Phó phải từ bỏ đức tin của mình và tăng cường tẩy não ông. Bởi ông từ chối hợp tác, nên quân đội đã đưa ra hình phạt kỷ luật và thường xuyên sách nhiễu ông, khiến ông không thể có được cuộc sống bình thường.

Năm 2010 thông qua hệ thống camera giám sát, cảnh sát đã phát hiện ông Phó đang phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Họ lục soát nhà, buộc ông tham gia các phiên tẩy não và ra lệnh cho ông phải viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Áp lực tinh thần quá lớn đã khiến cho ông bị ngất và phải đưa vào bệnh viện để hồi sức.

Không thể sống trong căn hộ được quân đội cấp cho, ông Phó phải chuyển tới nhà một người thân để trốn tránh cảnh sát và ông chưa thể trở về nhà cho tới tận khi qua đời.

Các trường hợp bị kết án

Hai cư dân Giang Tây, một người 88 tuổi bị kết án tù vì đức tin của mình

Cuối tháng 12 năm 2020, hai người phụ nữ ở thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây bị kết án tù vì từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.

Khoảng 7 giờ sáng ngày 1 tháng 7 năm 2020, hàng chục cảnh sát đã xông vào nhà của bà Dụ Phương Trang. Cảnh sát lục soát nhà của người phụ nữ 88 tuổi này và tịch thu hơn 20 cuốn sách Pháp Luân Công, hơn 130 tập sách nhỏ giới thiệu Pháp Luân Công, một bức ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công và một máy nghe nhạc bà sử dụng để mở các bài nhạc luyện công mà không xuất trình lệnh khám hay giấy tờ tuy thân của mình.

Bà Lưu Hạ Hương, khoảng 60 tuổi lúc đó tình cờ tới thăm bà Dụ đó cũng bị bắt giữ. Cảnh sát tiến hành lục soát nhà của bà Lưu và tịch thu sách Pháp Luân Công, ba máy in, một máy tính và các văn phòng phẩm khác của bà.

Cả hai học viên bị thẩm vấn 12 tiếng tại Đồn Công an Khoái Tử Hạng. Khoảng 8 giờ tối bà Dụ được bảo lãnh tại ngoại vì tuổi cao. Bà Lưu bị đưa tới trại tạm giam Số 1 Thành phố Nam Xương.

Ngày 21 tháng 12 năm 2020, hai học viên cùng bị Tòa án quận Tây Hồ đưa ra xét xử. Bà Lưu bị kết án ba năm tù giam cùng với 10.000 nhân dân tệ tiền phạt. Bà Dụ bị kết án sáu tháng tù giam cùng 2.000 nhân dân tệ tiền phạt.

Luật sư được tòa án chỉ định hỏi tuổi của bà Dụ và đề nghị không nên đưa bà tới nhà lao để thụ án. Thẩm phán trả lời rằng ông ấy sẽ quyết định vào ngày 18 tháng 1 năm 2021.

Hiện bà Lưu đã bị đưa tới Nhà tù Nữ Tỉnh Giang Tây. Bà Dụ vẫn đang ở nhà và đợi quyết định của thẩm phán.

Trước vụ việc gần đây nhất, bà Dụ đã bị bắt giữ một vài lần trong hơn 20 năm qua vì nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công.

Một cụ bà 80 tuổi bị liệt nửa người bị kết án tù cho dù bà vẫn đang điều trị trong bệnh viện

Bà Trần Quế Phân, 80 tuổi, người gặp nhiều vấn đề về sức khỏe sau khi bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công, đã bị kết án tại bệnh viện vào ngày 17 tháng 9 năm 2020.

Bà Trần, một cư dân ở tỉnh Trùng Khánh đã bị cảnh sát từ Phòng An ninh Nội địa Giang Tân bắt giam phi pháp. Cảnh sát đã lục soát nhà bà và nói rằng trong khi bà phân phát các tư liệu về Pháp Luân Công ở một khu dân cư đã bị một camera giám sát ghi hình lại.

Trong quá trình bị bắt giam phi pháp, bà đã bị đột quỵ và bị tắc nghẽn mạch máu não khiến cho bà bị liệt nửa người. Bà đã bị xét xử bởi Tòa án quận Cửu Long Ba vào ngày 17 tháng 9 trong khi bà vẫn đang điều trị bệnh trong bệnh viện.

Nhân viên của tòa án đã làm lấy lệ và công bố bà bị phạt một năm rưỡi tù ngay trong hoàn cảnh bà vẫn còn đang nằm trong bệnh viện. Trong quá trình kết án tù, chỉ có 5 người đã làm chứng và họ đều là những cảnh sát tham gia vào việc bắt bà. Cảnh sát cũng đã trừ tuổi của bà đi 5 năm để họ có thể buộc tội bà.

Hai cư dân Hồ Bắc bị bí mật bắt giữ và kết án nặng

Ông Thành Hiếu Bảo, 65 tuổi, ở thành phố Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, bị Tòa án quận Tương Châu kết án 12 năm tù vào tháng 5 năm 2020. Bản án được đưa ra hai năm sau khi ông bị bắt và bị giam giữ.

Ngày 18 tháng 3 năm 2018, khi gia đình ông Thành Hiếu Bảo trở về nhà, thì thấy cửa nhà của họ bị cạy và mở toang, nhưng không thấy ông Thành đâu. Hơn hai năm sau, họ mới phát hiện ông đã bị bắt giữ.

Gần đây, họ hay tin rằng ông đã bị giam trong một cơ sở giam giữ ở quận Tương Châu. Khi họ tới đó, họ mới hay ông Thành đã bị chuyển tới cơ sở giam giữ khác từ ngày 27 tháng 3 năm 2020, nhưng không được cung cấp địa chỉ nơi giam giữ mới. Tại thời điểm của bài viết này, gia đình ông Thành vẫn chưa biết nơi giam giữ ông.

Trong thời gian thụ án bốn năm tại Nhà tù Phạm Gia Đài, ông bị đánh đập, thân thể ông đầy rẫy vết cắt và bầm tím. Bởi từ chối việc làm gạch nặng nhọc, lính canh đã khiêng ông vào lò gạch để đốt ông. Sau đó kéo lê ông vòng quanh và tiếp tục đánh đập ông. Họ đã nhiều lần tra tấn ông bằng cách này.

Sau lần cuối cùng họ đốt và kéo lê ông, các lính canh đã lăn một chiếc xe đẩy chở 500kg gạch chèn qua mắt cá chân của ông Thành, gây ra một vết thương hở dài 4cm và sâu 1cm trên chân của ông.

Thành phố Tuân Hóa, tỉnh Hà Bắc: 6 học viên Pháp Luân Công lớn tuổi bị kết án từ 5 đến 8 năm

Hơn 300 cảnh sát đã được huy động để vây bắt những học viên này vào ngày 6 tháng 7 năm 2019. Một cảnh sát trưởng tiết lộ rằng họ đã theo dõi điện thoại di động của những học viên này trong 2 tháng trước khi tiến hành vây bắt. Tổng số có 19 học viên đã bị bắt hôm đó.

Trong số 19 học viên, 12 người đã bị Tòa án thành phố Tuân Hóa đưa ra xét xử vào ngày 17, 19 và 23 tháng 12 năm 2019, trước khi bị kết án bí mật vào ngày 27 tháng 11 năm 2020. Trong số những người bị kết án, sáu người từ 65 tuổi trở lên.

Bà Điền Thụ Học, 82 tuổi, bị kết án 5 năm rưỡi và bị phạt 6000 nhân dân tệ

Bà Trương Cầm, 78 tuổi, bị kết án 4 năm rưỡi và bị phạt 5000 nhân dân tệ

Ông Vương Kiện, 70 tuổi, bị kết án 7 năm và bị phạt 5000 nhân dân tệ

Bà Vương Thụy Linh, 68 tuổi, bị kết án 8 năm và bị phạt 10.000 nhân dân tệ

Ông Trương Ngọc Minh, 65 tuổi, bị kết án 7 năm và bị phạt 6000 nhân dân tệ.

Bà Vương Thụy Linh và chồng bà là ông Mã Quốc đã bị bắt tại nhà vào khoảng 3 giờ sáng. Cảnh sát đã lục soát nhà họ và tịch thu các cuốn sách Pháp Luân Công, máy tính xách tay, máy in, giấy in của họ và tất cả tiền mặt mà họ có ở nhà, bao gồm cả tiền trong két sắt.

Ông Vương Kiện cũng đã bị bắt vào khoảng 3 giờ sáng. Một nhóm cảnh sát đã trèo qua tường rào và đột nhập vào nhà. Ông Vương và vợ ông đã bị đánh thức bởi tiếng chó sủa. Cảnh sát ngay lập tức đưa ông Vương đi rồi lục soát ngôi nhà. Họ quay trở lại vào buổi chiều và lại lục soát nhà một lần nữa.

Ông Trương Ngọc Minh bị bắt vào ngày 2 tháng 7 vì nói chuyện với mọi người trong chợ về Pháp Luân Công. Tám cảnh sát đã lục soát nhà của ông và tịch thu các sách Pháp Luân Công, một bức ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, một số điện thoại di động, hai máy tính, một máy in và một số giấy in.

Giáo viên về hưu 77 tuổi bị kết án lần thứ ba vì đức tin của mình

Bà Quách Tố Ninh, một giáo viên về hưu 77 tuổi đã bị kết án ba năm với ba năm quản chế tại gia vào ngày 25 tháng 12 năm 2020, vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công.

Bà Quách Tố Ninh, ở thành phố Lâm Phần, tỉnh Sơn Tây bị bắt vào ngày 4 tháng 6 năm 2020, sau khi cảnh sát nghi ngờ bà treo các biểu ngữ Pháp Luân Công trên cây. Viện Kiểm sát Huyện Khúc Ốc đã truy tố bà và nộp hồ sơ của bà lên Tòa án Huyện Khúc Ốc. Thẩm phán đã đồng ý cho bà được bảo lãnh tại ngoại sau khi gia đình bà đóng 20.000 Nhân dân tệ tiền bảo lãnh.

Bà Quách ra hầu tòa vào ngày 29 tháng 10 và bị kết án vào ngày 25 tháng 12. Bà cũng bị phạt 5.000 Nhân dân tệ.

Trước bản án gần nhất, bà đã bị kết án hai lần cũng vì tu luyện Pháp Luân Công.

Người phụ nữ Sơn Đông bị kết án bốn năm tù

Vào ngày 30 tháng 7 năm 2020, bà Chu Ngọc Hương đã bị kết án bốn năm tù vì từ chối từ bỏ đức tin của mình đối với Pháp Luân Công.

2021-1-15-i083526_06.jpg

Bà Chu Ngọc Hương

Bản án của học viên ở thành phố Bình Độ, tỉnh Sơn Đông được ban hành sau tám ngày bà bị Tòa án khu Hoàng Đảo xét xử thông qua một hội nghị trực tuyến. Luật sư của bà Chu Ngọc Hương thay mặt bà không nhận tội và bà cũng tự bào chữa cho mình. Cảnh sát đã tuần tra bên ngoài trại tạm giam Phổ Đông, nơi diễn ra phiên tòa xét xử.

Bà Chu từng bị đau dữ dội toàn thân khiến bà không thể làm việc được. Bà tu luyện Pháp Luân Công theo lời khuyên của một người bạn và tình trạng bệnh của bà đã biến mất. Bà rất biết ơn và thường nói “Sư phụ Lý Hồng Chí (Nhà sáng lập Pháp Luân Công) đã cho tôi một cuộc đời thứ hai.” Ngoài việc cải biến sức khỏe, bà còn có thể kiềm chế được tính khí nóng nảy của mình và cuộc sống tại gia đình của bà cũng trở nên ôn hòa hơn.

Các trường hợp bị bắt giữ

Các học viên lớn tuổi bị bắt vì cùng nhau học các bài giảng Pháp Luân Công

Vào chiều ngày 11 tháng 5, một nhóm 20 cảnh sát đã đột nhập vào nhà của bà Hầu Nguyệt Lan ở huyện Lương Sơn, tỉnh Sơn Đông. Bà Hầu, ở độ tuổi 70, đang đọc các sách Pháp Luân Công với bảy học viên khác, bao gồm cả bà Phạm, ở tuổi 90; Bà Tề Quế Nga, 50 tuổi và mẹ bà đã 80 tuổi; Bà Lý Hương Sinh, 70 tuổi, bà Vương Quế Vinh, 50 tuổi và bà Trần Thu Hương, 50 tuổi. Tên của một học viên khác chưa được biết rõ.

Trong khi tất cả tám học viên được thả vào khoảng 1 giờ sáng, cảnh sát đã triệu tập họ trở lại đồn công an trong ngày, lục soát nhà của họ và giam giữ họ cho đến 8 giờ tối.

Bà lão 85 tuổi bị bắt vì đức tin vào Pháp Luân Công và bị tịch thu 250.000 nhân dân tệ

Bà Triệu Hỷ Khánh, 85 tuổi, cư dân thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. bị bắt và bị giam một ngày vì đức tin của bà đối với Pháp Luân Công

Ngày 14 tháng 7 năm 2020, hàng chục cảnh sát đã xông vào nhà bà Triệu Hỷ Khánh khi bà đang học các bài giảng của Pháp Luân Công cùng với bảy học viên khác, trong đó có ba người hơn 80 tuổi. Công an đã lục soát nhà bà và tịch thu số tiền tiết kiệm 250.000 nhân dân tệ của bà. Dù bà Triệu được thả ra vào hôm sau, nhưng công an từ chối trả lại tiền cho bà.

Trong khi cố gắng thoát khỏi vụ bắt giữ, một học viên đã nhảy ra khỏi cửa sổ nhà bà Triệu ở tầng hai và bị gãy xương bắp chân. Cô đã được điều trị tại bệnh viện và được gia đình đưa về nhà vào khoảng nửa đêm.

Bà Hùng Quế Cúc, người đi cùng gia đình học viên đó đến bệnh viện, đã bị bắt và nhà bị lục soát vào sáng ngày 15 tháng 7. trại tạm giam địa phương đã từ chối nhận bà vì bà bị huyết áp cao và bà được thả vào tối ngày 17 tháng 7.

Tất cả các học viên khác bị bắt tại nhà bà Triệu đã được thả trước ngày 20 tháng 7.

Cựu quân nhân 83 tuổi bị bắt vì đức tin của mình

Ông Trương Kính Song, 83 tuổi, một cựu quân nhân ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã bị bắt tại Trung tâm Giải trí của cán bộ hưu trí Sa Sơn vào chiều ngày 24 tháng 4 năm 2020 sau khi bị báo cáo vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công trong công viên. Ông được trả tự do cùng ngày.

Người phụ nữ 79 tuổi bị bắt vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công

Bà Lý Văn Phương, 79 tuổi, ở quận Song Lưu, thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, đã bị các sĩ quan từ Đồn Công an thị trấn Đông Thăng bắt giữ khi đang phát ấn phẩm hàng tuần (ấn bản đặc biệt về đại dịch virus corona) và nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công vào ngày 5 tháng 7 năm 2020.

Các cảnh sát đã tịch thu các ấn phẩm, một số đồ lưu niệm của Pháp Luân Công, và tiền giấy có in thông tin về Pháp Luân Công.

Bà Lý được trả tự do sau 9 giờ tối và được con trai bà đến đón.

Người phụ nữ cao tuổi ở Cát Lâm bị cảnh sát tát hai lần

Bà Vương Hướng Cúc (ở tuổi 80), bà Trương Nguyệt Anh (ở độ tuổi 50), ông Trương, bà Lưu, và các thành viên trong gia đình của họ đã bị bắt bởi các cảnh sát từ Phòng An ninh Nội địa ở thành phố Đôn Hóa, tỉnh Cát Lâm vào ngày Ngày 15 tháng 7 năm 2020.

Bà Vương bị cảnh sát tát hai lần tại đồn công an. Nhà của bà đã bị lục soát và các sách Pháp Luân Đại Pháp và tài liệu in của bà đã bị tịch thu. Bà Trương cũng bị cảnh sát đánh đập. Nhà của bà bị lục soát và các tài liệu thông tin Pháp Luân Công của bà đã bị tịch thu. Các học viên sau đó đã được thả vì đại dịch.

Các trường hợp bị sách nhiễu

Người đàn ông 91 tuổi bị cảnh sát sách nhiễu vì đức tin của mình

Ông Du Quân, một cư dân 91 tuổi của thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu, đã bị các cảnh sát sách nhiễu vào ngày 12 tháng 5 năm 2020. Cảnh sát đã tịch thu máy in của ông và có hai người ở bên ngoài tòa nhà căn hộ để theo dõi ông sau đó.

Cụ bà 81 tuổi buộc phải sống xa nhà để tránh bị bắt giữ vì kiên định đức tin

Bà Vu (không rõ tên), 81 tuổi, ở thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh đã bị bắt vào ngày 2 tháng 4 năm 2020, sau khi bị tố cáo vì nói với người dân về Pháp Luân Công. Bà đã bị đưa tới Đồn Công an Cát Bố và bị cưỡng chế điểm chỉ vào biên bản thẩm vấn.

Chiều hôm đó, cảnh sát lục soát nhà bà và tịch thu các sách và tài liệu Pháp Luân Công. Sau đó, họ đưa bà trở về đồn công an và thẩm vấn bà thêm vài tiếng đồng hồ trước khi để bà về nhà vào lúc 10 giờ đêm.

Cảnh sát yêu cầu bà phải trở lại đồn công an để báo cáo vào ngày hôm sau. Vì không muốn bị bắt giữ lần nữa, bà Vu quyết định rời xa nhà để thoát khỏi bàn tay cảnh sát.

Công an cưỡng chế lấy máu của một học viên Pháp Luân Công 70 tuổi và dọa sẽ “tiêu diệt tất cả”

Bà Thẩm Phương, một học viên Pháp Luân Công 70 tuổi ở Thượng Hải, bị cảnh sát đột nhập nhà và cưỡng chế lấy mẫu máu vào ngày 2 tháng 8 năm 2020.

Trong những năm gần đây, chính quyền đã cưỡng chế lấy mẫu máu của nhiều học viên trên khắp Trung Quốc, có khả năng là để xây dựng một ngân hàng DNA khổng lồ và một cơ sở dữ liệu để tìm tạng phù hợp.

Bốn công an đã gõ cửa nhà bà Thẩm Phương vào sáng ngày 2 tháng 8. Khi bà từ chối mở cửa, họ đã gọi một thợ khóa đến cậy cửa nhà bà.

Bốn công an này đều là những người đàn ông khỏe mạnh, đã ghì bà Thẩm xuống và giữ tay bà để lấy máu. Bà Thẩm kháng cự và hỏi tại sao họ lại làm thế với bà. Một công an đáp: “Đây là quy định của nhà nước!”

Một công an khác quát tháo bà Thẩm, còn một công an khác thì dùng tay che số hiệu cảnh sát của mình, nói: “Chúng tôi không làm theo luật pháp, mà sẽ tiêu diệt tất cả [học viên Pháp Luân Công] các bà!”

Công an đã châm rất nhiều lần vào cánh tay bà Thẩm khi cố gắng lấy máu của bà. Cuối cùng, sau khi lấy được mẫu máu của bà, họ mới rời đi.

Bài liên quan:

622 học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc bị kết án vì đức tin trong năm 2020


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/1/16/2020/418627.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/2/1/190200.html

Đăng ngày 15-02-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

 

Share