Bài viết của một phóng viên Minh Huệ ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 04-06-2020] 27 học viên Pháp Luân Công đã qua đời trong khoảng thời gian từ tháng 1 tới tháng 5 năm 2020 do bị bức hại vì kiên định đức tin của mình.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện và thiền định cổ xưa dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Môn tu luyện này đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.

10 học viên (37%) đã qua đời do bị tra tấn và ngược đãi trong khi bị giam, gồm một phụ nữ ở tỉnh Hà Nam qua đời sau khi bị bắt bốn ngày. 17 học viên còn lại qua đời sau nhiều năm bị giam giữ và tra tấn hoặc sức khoẻ kém đi do bị công an sách nhiễu.

Các học viên đã qua đời có 16 người là nữ (59%) đến từ 12 tỉnh hoặc thành phố. Riêng tỉnh Liêu Ninh có 10 trường hợp (37%). Những khu vực khác gồm Hà Nam, Hắc Long Giang, Cát Lâm, Tứ Xuyên, An Huy, Bắc Kinh, Quảng Đông, Hà Bắc, Giang Tây và Thiên Tân, mỗi nơi có từ một đến ba trường hợp.

Ngoại trừ ba học viên không rõ độ tuổi, năm người trong số họ trên 40 tuổi, 12 người từ 50 đến hơn 60 tuổi và bảy người từ 70 đến hơn 80 tuổi.

17 trường hợp đã được báo cáo chi tiết trong một bài viết trước đây. Sau đây là chi tiết về những trường hợp mới.

Chết trong khi bị giam

Ông lão 77 tuổi qua đời trong tù khi đang thụ án 4,5 năm

Ông Lý Thiếu Thần ở Thiên Tân đã bị bắt vào ngày 7 tháng 12 năm 2016 và bị Toà án Khu Hồng Kiều kết án 4,5 năm ở Nhà tù Tân Hải vào tháng 10 năm 2017.

Nhà tù Tân Hải đã thực hiện một chiến dịch từ tháng 5 năm 2019 để ép các học viên Pháp Luân Công phải từ bỏ đức tin của họ. Tất cả học viên, bao gồm cả những người bị bệnh trong độ tuổi từ 70 đến hơn 80 tuổi, cũng như những ai sắp được thả, đều bị yêu cầu phải “chuyển hoá (đức tin của họ).”

Các hình thức tra tấn khác nhau như cấm ngủ và bỏ đói được dùng để “chuyển hoá” các học viên. Việc này đã dẫn đến cái chết của ông Lý vào ngày 6 tháng 3 năm 2020 ở độ tuổi 77.

Một lính canh còn huênh hoang: “Thà có một học viên Pháp Luân Công đã chết mà ‘chuyển hoá’ rồi, còn hơn là một học viên còn sống mà không chuyển hóa.”

Tứ Xuyên: Một người đàn ông qua đời trong khi thụ án tù vì đức tin của ông, gia đình nghi ngờ là do bị tra tấn

Vào đầu tháng 4 năm 2020, ông La Học Phóng, 67 tuổi, ở huyện Lân Thuỷ, tỉnh Tứ Xuyên, đã đột ngột qua đời trong khi đang thụ án tù bảy năm vì đức tin của ông vào Pháp Luân Công.

Mặc dù nhà tù tuyên bố ông La qua đời do bị đột quỵ, song gia đình ông nghi ngờ rằng ông có thể tử vong do bị tra tấn.

Có báo cáo rộng rãi rằng các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù trên khắp Trung Quốc phải chịu nhiều hình thức tra tấn thể xác và áp lực tinh thần lớn nhằm ép họ từ bỏ đức tin. Tại Nhà tù Gia Châu, nơi ông La bị giam, các phương thức tra tấn được biết đến gồm đánh đập, sốc điện, tiếp xúc với môi trường, xịt hơi cay, cấm ngủ và những hình thức ngược đãi thể chất khác. Một cách nữa là bỏ đói các học viên bằng cách giới hạn thời gian ăn của họ trong khoảng 15 giây. Khi thời gian hết, học viên bị ép phải đứng quay mặt vào tường. Hình thức tra tấn này có thể kéo dài nhiều tuần hay nhiều tháng.

Tại Nhà tù Gia Châu, gần như hàng năm đều có các học viên bị tra tấn đến chết. Nhưng giống như trường hợp của ông La, nhà tù thường xuyên nói với gia đình rằng họ chết do bị đột quỵ hoặc những nguyên nhân tự nhiên khác mà không đưa ra lời giải thích chi tiết hơn.

Từ khi ĐCSTQ bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, ông La đã liên tục bị bắt và bị giam nhiều lần trong các trung tâm tẩy não vì kiên định đức tin của mình.

Một phụ nữ mắc bệnh ung thư bị từ chối tạm tha điều trị y tế đã chết trong khi bị cầm tù vì đức tin của mình

Dù gia đình bà Lan Lập Hoa liên tục yêu cầu thả bà để điều trị ung thư giai đoạn cuối nhưng quản lý Nhà tù Nữ Liêu Ninh vẫn tiếp tục cầm tù bà với lý do bà từ chối từ bỏ đức tin của mình.

Ngày 6 tháng 11 năm 2018, bà Lan ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh đã bị bắt vì phân phát lịch có thông tin về Pháp Luân Công.

Bà bị ung thư vú trong khi đang bị giam ở Trại tạm giam Số 1 Thành phố Thẩm Dương. Dù vậy Toà án Khu Tô Gia Đồn vẫn xét xử bà vào ngày 5 tháng 5 năm 2019 và kết án bà 3 năm 10 tháng tù vào hôm sau. Không lâu sau khi bà Lan đã bị chuyển đến Nhà tù Nữ Liêu Ninh vào ngày 26 tháng 9 năm 2019, bà đã bị nhiễm viêm gan B.

Bà Lan đã rơi vào tình trạng nguy hiểm vào ngày 13 tháng 4 và được đưa đến bệnh viện. Mặc dù nhà tù cuối cùng đã nhượng bộ và đồng ý thả bà, nhưng họ vẫn cố tình làm chậm quá trình phê duyệt.

Tối ngày 22 tháng 4 năm 2020, bà Lan rơi vào hôn mê. Lính canh chỉ cho phép ba người trong gia đình gặp bà lần cuối trong bệnh viện. Bà đã qua đời vào lúc 6 giờ sáng ngày 23 tháng 4, hưởng dương 49 tuổi.

Người phụ nữ Hà Nam qua đời sau bốn ngày bị bắt giam vì tu luyện Pháp Luân Công

Bà Trương Chí Ôn, hơn 60 tuổi, ở thành phố Vũ Châu, tỉnh Hà Nam, đã bị bắt tại nhà vào ngày 13 tháng 5 năm 2020. Cảnh sát không nói với chồng bà Trương là họ đưa bà đi đâu. Sau khi cố gắng tìm kiếm, đến ngày hôm sau, ông biết rằng bà bị giam giữ hình sự 15 ngày tại trại tạm giam Nữ Thành phố Hứa Xương và bà bị bắt bởi bị báo chính quyền về việc phân phát tài liệu Pháp Luân Công vào tháng 8 năm ngoái.

Ngày 15 tháng 5, chồng bà Trương đã tới trại tạm giam để đưa quần áo và thuốc insulin cho bà, nhưng lính canh trại giam từ chối nhận vật phẩm và nói rằng họ sẽ điều trị bệnh tiểu đường cho bà Trương.

Chiều ngày 16 tháng 5, Vương Hiểu Vĩ của Đội An ninh Nội địa Thành phố Vũ Châu, từng tham gia bắt giữ bà Trương, đã nói với chồng bà rằng tình trạng sức khỏe của bà không được tốt.

Sáng hôm sau, chồng bà Trương gọi điện cho Vương để hỏi về tình trạng của vợ mình. Vương nói rằng bà đã qua đời, và họ đã đưa thi thể của bà Trương tới Nhà Tang lễ Thành phố Hứa Xương và không cung cấp thêm bất kỳ thông tin gì khác.

Chết do bị tra tấn trong khi bị giam hoặc sách nhiễu

Liêu Ninh: Một phụ nữ qua đời sau nhiều năm bị bức hại vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công

Vì tu luyện Pháp Luân Công, bà Thường Học Linh ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh đã bị bắt ba lần và hai lần bị kết án lao động cưỡng bức, mỗi lần hai năm. Bà bị tra tấn bằng nhiều hình thức trong khi bị giam giữ. Nhiều năm tra tấn và tinh thần suy sụp đã ảnh hưởng đến sức khoẻ của bà Thường. Bà đã qua đời vào ngày 9 tháng 3 năm 2020 ở tuổi 55.

Khi thụ án tại Trại Lao động Cưỡng bức Đại Liên vào năm 2001 và 2003, bà đã bị còng tay, bỏ đói và không được dùng nhà vệ sinh. Có lần lính canh trại trói bà trên giường. Khi bà ngất đi vì đau đớn, lính canh đã đổ nước lên người bà. Sau khi bà tỉnh dậy, họ mở cửa sổ và cho gió lạnh thổi vào người bà.

Bà Thường bị kết án hai năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia vào năm 2008. Hai tù nhân giám sát bà liên tục và đánh đập và lăng mạ bà tuỳ ý. Bà bị ép phải làm đồ thủ công để xuất khẩu như hoa nhân tạo và giỏ. Khi bà từ chối ký vào một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, lính canh đã cấm gia đình bà vào thăm.

Vì bà hô “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, lính canh đã trừng phạt bà bằng cách còng một tay của bà vào giường tầng trên và tay còn lại vào giường tầng dưới. Một lính canh đã giẫm vào tay bị còng bên dưới của bà, một người khác giật tóc và đánh vào tay bà. Hai tay bà đã mất cảm giác sau hai giờ bị tra tấn kiểu này. Lính canh đã giật rụng nhiều tóc của bà.

3ae721491a5cd060760e3b98172d4de0.jpg

Minh hoạ tra tấn: Kéo căng

Bà lão hơn 70 tuổi qua đời sau khi bị sách nhiễu

Chính quyền thành phố Ưng Đàm, tỉnh Giang Tây đã sách nhiễu và bắt giữ các học viên Pháp Luân Công địa phương trên diện rộng vào giữa tháng 3 năm 2020.

Có thông tin rằng công an đã giám sát các học viên trong nhiều tháng trước khi bắt họ. Đặc biệt, chính quyền đã cài các thiết bị giám sát trên mạng 5G lên cửa nhà học viên. Ngay khi các học viên đi ra ngoài, người của uỷ ban khu phố sẽ được thông báo. Những kỹ thuật giám sát như vậy đã được sử dụng trong nhiều thành phố ở tỉnh Giang Tây, bao gồm Ưng Đàm, Nam Xương và Cửu Giang.

Bà Đường Tiểu Bảo, hơn 70 tuổi, đã qua đời vào đầu tháng 4 sau khi bị chính quyền sách nhiễu. Chi tiết về cái chết của bà vẫn đang được điều tra.

Bởi giải cứu người chồng bị cầm tù, người vợ bị kết án và đã qua đời vì bị ngược đãi trong khi bị giam giữ và bị sách nhiễu sau khi ra tù

Trong khi chồng vẫn đang thụ án 12 năm tù, bà Chu Tú Trân đã bị bắt và kết án trong khi đang tìm cách giải cứu cho ông. Gần đây bà Chu đã qua đời do bị ngược đãi trong tù và liên tục bị công an sách nhiễu sau khi được thả.

7a5447eb4e1beb163a8b836620b4309f.jpg

Bà Chu Tú Trân

Chồng bà Chu, ông Biện Lệ Triều, là một giáo viên trung học ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc. Ông Biện đã bị bắt vào ngày 25 tháng 2 năm 2012 và sau đó bị kết án 12 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Chỉ sau ba tháng thụ án ở Nhà tù Thạch Gia Trang, ông gầy hốc hác và bị huyết áp cao. Ông cũng gặp vấn đề về tim và bác sỹ nói căn bệnh tim này có thể khiến ông tử vong bất kỳ lúc nào.

Quá lo lắng cho tình trạng của ông, bà Chu và con gái là cô Biện Hiểu Huy đã thường xuyên đến đồn công an địa phương và nhiều cơ quan chính quyền để tìm kiếm công lý cho ông, nhưng họ lại bị bắt giữ và kết án lần lượt 4 và 3,5 năm tù.

Bà Chu đã sớm bị xơ gan cổ trướng do bị ngược đãi trong Nhà tù Nữ Hà Bắc. Sau khi được bảo lãnh điều trị y tế, bà Chu ở nhà chị gái ở thành phố Lang Phường (cách Đường Sơn khoảng 160 km). Công an đã theo bà đến Lang Phường và chưa từng ngừng sách nhiễu bà. Vì sống trong sợ hãi và áp lực lớn nên tình trạng của bà xấu đi và được đưa đến bệnh viện để hồi sức nhiều lần.

Sau khi bà trở về quê nhà ở Đường Sơn, công an vẫn sách nhiễu bà và không cho bà đến Bắc Kinh để điều trị tại các bệnh viện tốt hơn.

Chính quyền cũng sách nhiễu con gái bà liên tục, thậm chí sau khi cô chuyển đến thành phố Lâm Phần, tỉnh Sơn Tây (cách Đường Sơn khoảng 880 km) sau khi kết hôn. Nhưng công an đã tìm được cô ở Lâm Phần và ép chủ nhà phải chấm dứt hợp đồng thuê nhà với cô.

Gia đình bị bức hại liên tục đã khiến bà Chu rơi vào đau khổ triền miên. Bà không thể hồi phục và đã qua đời vào ngày 19 tháng 4 năm 2020.

Bắc Kinh: Người phụ nữ qua đời sau nhiều năm trốn chạy và bị sách nhiễu

Bà Cao Dương và chồng là ông Dương Ngọc Lương ở Bắc Kinh đã buộc phải rời khỏi nhà từ năm 2001 đến 2011 để tránh bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công.

Con gái của họ mới năm tuổi được ông bà ngoài 60 tuổi nuôi dưỡng. Bởi hai vợ chồng ông Dương nằm trong danh sách đen của cảnh sát và thẻ căn cước của họ đã bị đánh dấu khiến họ rất khó khăn để tìm việc hỗ trợ cho cuộc sống và thuê nhà ở. Trong một khoảng thời gian, họ buộc phải nhặt rác để kiếm sống.

af472048e00c08e2f575d235ada3c72c.jpg

Bà Cao Dương

Sau khi trốn chạy 10 năm, hai vợ chồng ông lại bị tố cáo khi trở về nhà được hai ngày vào tháng 5 năm 2011. Cảnh sát bắt giữ, thẩm vấn họ, để ngoài tai tiếng khóc của người mẹ ngoài 70 tuổi của ông Dương và đứa con gái 15 tuổi của họ. Ngay sau đó, cả bà và chồng đều bị kết án hai năm lao động cưỡng bức.

Ông Dương bị giam giữ trong Trại Lao động Cưỡng bức Tân An và bà Cao bị giam giữ trong Trại Lao động Cưỡng bức Hô Hòa Hạo Đặc ở Nội Mông Cổ. Cả hai vợ chồng đều bị tra tấn tàn bạo và tẩy não nhằm mục đích buộc họ phải từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Ông Dương bị suy đa tạng còn bà Cao bị huyết áp cao mãn tính và rối loạn nội tiết.

Sau khi được trả tự do vào năm 2013, sức khỏe của bà Cao vẫn rất yếu và chưa thể hồi phục hoàn toàn. Hàng năm, cảnh sát vẫn liên tục sách nhiễu họ. Mỗi lần cảnh sát tới, bà Cao vô cùng sợ hãi. Cả hai vợ chồng và con gái sống trong sự sợ hãi.

Khoảng 4 giờ sáng ngày 17 tháng 4 năm 2020, bà Cao bị một cơn đột quỵ và bà vẫn bị hôn mê trong khi đang được cấp cứu tại bệnh viện. Bà qua đời vào khoảng 8 giờ tối ngày 22 tháng 4 ở tuổi 49.

Chỉ hai tuần trước khi bà Cao mất, cha ông Dương cũng qua đời vào ngày 7 tháng 4.

Trong khi vẫn đang đau buồn vì cái chết của vợ và cha, ông Dương Ngọc Lương lại bị bắt giữ vào ngày 27 tháng 4 năm 2020. Con gái 24 tuổi của ông, cô Dương Đan Đan cũng bị bắt giữ, để lại người mẹ già 84 tuổi của ông ở nhà một mình.

Người đàn ông mắc bệnh ung thư đã qua đời sau hai ngày bị chính quyền sách nhiễu vì đức tin của ông

Ông Lưu Phát Đình, một nông dân ở huyện Tiêu, tỉnh An Huy đã qua đời vào ngày 2 tháng 5 năm 2020, hai ngày sau khi chính quyền địa phương sách nhiễu ông vì tu luyện Pháp Luân Công.

Ông Lưu được thả vào tháng 1 năm 2019 sau khi thụ án 3,5 năm tù. Sức khoẻ của ông đã hoàn toàn bị suy sụp và ở nhà ông thường ho ra máu và sau đó sớm phát hiện bị ung thư phổi.

Ông Lưu đã nhập viện và phải hoá trị trong vài tháng. Sau khi trở về nhà, người của Phòng 610 Huyện Tiêu, một cơ quan ngoài vòng pháp luật được thành lập chuyên để bức hại Pháp Luân Công, đã sách nhiễu ông và cố ép ông phải từ bỏ đức tin của mình. Tình trạng của ông đã tiếp tục xấu đi trong vài tháng tháng sau đó vì bị áp lực tinh thần.

Sau khi dịch bệnh virus corona bùng phát và thôn của ông bị phong toả, ông không được đến bệnh viện để chữa trị. Sau khi lệnh phong toả được gỡ bỏ vài tháng, ông quay trở lại bệnh viện thì Phòng 610 đã ra lệnh cho các cán bộ thôn đến sách nhiễu gia đình ông.

Ngày 30 tháng 4 năm 2020, Trần Chí Dân, trưởng Phòng 610 Huyện Tiêu, đã dẫn một số viên chức đến sách nhiễu ông Lưu dù ông đang nửa mê nửa tỉnh và cận kề cái chết. Họ hăm doạ gia đình và lấy điện thoại của ông để kiểm tra xem ông đã liên lạc với học viên nào gần đây.

Hai ngày sau, ngày 2 tháng 5 năm 2020, khoảng 7 giờ 40 phút tối, ông đã qua đời ở tuổi 74.

Cát Lâm: Một phụ nữ qua đời sau khi bị giam và thường xuyên bị sách nhiễu vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công

Bà Vương Quốc Trân ở thành phố Tùng Nguyên, tỉnh Cát Lâm đã bị cao huyết áp và các triệu chứng khác trong khi bị giam chín tháng vì tu luyện Pháp Luân Công. Chính quyền đã thường xuyên sách nhiễu bà sau khi bà được thả vào tháng 1 năm 2016. Sức khoẻ của bà không thể hồi phục và bà đã qua đời vào ngày 14 tháng 5 năm 2020, hưởng thọ 70 tuổi.

Bà Vương bị bắt vào tháng 4 năm 2015. Bà đã bị huyết áp cao ở mức nguy hiểm trong khi bị giam ở trại tạm giam Thành phố Tùng Nguyên. Bà được điều trị tại bệnh viện trong một tháng sau đó bị đưa trở lại trại tạm giam. Trong thời gian đó gia đình không được vào thăm bà.

Ngày 11 tháng 9 năm 2015, Toà án Thành phố Tùng Nguyên đã xét xử bà Vương và kết án bà ba năm tù với bốn năm quản chế.

Sau hơn chín tháng bị giam giữ biệt lập, bà Vương đã được thả vào tháng 1 năm 2016. Bà rất yếu và ăn uống khó khăn.

Tuy nhiên, chính quyền vẫn tiếp tục bức hại bà. Công an và nhân viên uỷ ban khu phố thường xuyên kéo đến sách nhiễu bà tại nhà. Cả gia đình bà luôn ở trong trạng thái sợ hãi và khốn khổ.

Sức khỏe của bà Vương không bao giờ hồi phục và bà thường xuyên bị hôn mê. Sau khi vật lộn với sức khoẻ kém trong bốn năm, bà đã qua đời.

Tải danh sách các học viên đã qua đời tại đây.

Bài liên quan:

Cuộc bức hại Pháp Luân Công tiếp tục cướp đi sinh mạng của 17 học viên trong quý I năm 2020


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/4/407238.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/10/185460.html

Đăng ngày 28-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share