Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 25-09-2020] 11 học viên Pháp Luân Công đã qua đời vào tháng 7 và tháng 8 năm 2020 do bị bức hại vì đức tin của họ.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân cổ xưa đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.

11 học viên, bao gồm 5 phụ nữ tuổi từ 48 đến 80 sống ở 6 tỉnh. Cát Lâm báo cáo 4 trường hợp, 2 trường hợp ở Hắc Long Giang và Liêu Ninh. Sơn Đông, Hà Bắc và Cam Túc mỗi nơi 1 trường hợp.

2 học viên nữ đã bị đánh đập tới chết. Một nam học viên qua đời trong khi bị giam giữ sau khi ông bị từ chối được tại ngoại để điều trị y tế khi đang thụ án 4 năm. Những người khác đã qua đời do bị giam giữ trong thời gian dài, tra tấn, chuyển chỗ ở và sách nhiễu.

Ông Lưu Xương Khôn, cư dân thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã qua đời vào tháng 7 năm 2020. Trong khi các chi tiết xung quanh cái chết của ông Lưu vẫn đang được điều tra, dưới đây là 10 trường hợp qua đời còn lại.

Bị đánh đập tới chết

Người phụ nữ bị đánh đập tới chết sau 16 ngày bắt giữ

Bà Lý Linh, ở thôn Đại Trương Gia, thành phố Bồng Lai, tỉnh Sơn Đông, qua đời vào ngày 13 tháng 7 do bị đánh đập dã man sau khi bà bị bắt vào ngày 28 tháng 6 năm 2020. Chính quyền thôn buộc gia đình phải hỏa táng hài cốt của bà vào cùng ngày. Theo gia đình, khuôn mặt của bà đã bị biến dạng và đầy vết bầm tím.

Bí thư thôn và một số dân phòng đã đến nhà bà Lý vào ngày 28 tháng 6, sau khi bà bị tố cáo vì đã mang về nhà hàng chục tập tài liệu Pháp Luân Công.

Họ đưa bà đến một ngôi nhà trống để tra khảo. Bà Lý từ chối tiết lộ đã nhận các tập tài liệu từ ai. Hai dân phòng cố gắng đánh đập để buộc bà phải khuất phục. Do bị đánh đập dã man nên một số răng của bà bị gãy và miệng bị rách. Có một vết thương ở lồng ngực bên trái và bà bị bầm tím khắp người. Một trong số các dân phòng còn dùng gậy để chọc mạnh vào ngực bà.

Bà Lý từ chối từ bỏ đức tin của mình hay trả lời các câu hỏi của họ. Một trong những thủ phạm đã đá rất mạnh khiến bà mất thăng bằng và ngã đập hông vào một tảng đá bên ngoài cửa. Sau đó trời bắt đầu đổ mưa và hắn bắt bà đứng dưới mưa trong một khoảng thời gian dài. Bà đã tuyệt thực để phản đối sự ngược đãi.

Vào khoảng ngày 6 tháng 7 năm 2020, chồng của bà Lý đã tự tử và nhà chức trách đưa bà về nhà để lo tang lễ. Bà không nói chuyện với con trai khi hai mẹ con ôm nhau. Theo con trai bà, miệng bà đã bị rách và mất vài chiếc răng. Bà nhanh chóng bị đưa đi và nhà chức trách từ chối tiết lộ vị trí nơi bà bị đưa đến. Sau nhiều lần con trai bà yêu cầu, các nhà chức trách đã đồng ý trùm đầu của anh ta lại và đưa anh đến gặp mẹ mình tại địa điểm không được tiết lộ. Đó là lần cuối cùng họ nhìn thấy nhau.

Bà Lý được thông báo là đã qua đời vào ngày 13 tháng 7. Nhà chức trách đã đưa hài cốt của bà về gia đình ngay sau đó. Những người dân phòng đứng bên ngoài nhà và nói rằng họ sẽ không rời đi trừ khi gia đình phải hỏa táng hài cốt của bà ngay ngày hôm đó. Những người thân của bà không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải làm theo yêu cầu của họ.

Trong khi thay quần áo cho bà, người thân nhận thấy rằng nhãn cầu của bà bị lồi ra và trông to bất thường.

Vào ngày tang lễ của bà Lý, hai người dân phòng đã đánh bà trong khi thẩm vấn đã xuất hiện trong bộ thường phục để sách nhiễu bạn bè và người thân của bà, đồng thời cố gắng ngăn họ tham dự lễ tang. Khi được hỏi họ là ai, họ đã nói dối rằng họ là người thân của bà Lý.

Bác sỹ nội khoa Hắc Long Giang bị đánh đập tới chết

Bà Vương Thục Khôn, 66 tuổi, là bác sĩ nội khoa tại bệnh viện thị trấn Hạ Lâm, thành phố Hải Ninh, tỉnh Hắc Long Giang, nhận được cuộc gọi vào cuối tháng 6 năm 2020 từ Hàn Diễm, bí thư Đảng ủy của bệnh viện và được thông báo rằng giám đốc bệnh viện Trần Quảng Quần đang tìm bà.

Khi bà đến bệnh viện, hóa ra đó là các công an của Đồn Công an số 1 thành phố Hải Lâm đang tìm bà. Các công an đã cố gắng ép bà viết tuyên bố từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công và thừa nhận rằng chồng bà, ông Vu Tiểu Bằng cũng là một học viên Pháp Luân Công.

Ông Vu, một bác sĩ phẫu thuật tại cùng bệnh viện với bà Vương, đã bị sa thải 29 năm trước vì từ chối làm giả hồ sơ y tế theo chỉ đạo của giám đốc bệnh viện khi đó. Ông đã đi khiếu nại trong suốt những năm qua và bị nhà chức trách coi là mục tiêu chính, những người đã cố gắng tiếp tục bức hại ông bằng cách tuyên bố ông là một học viên Pháp Luân Công mặc dù ông chưa từng tu luyện.

Khi bà Vương từ chối ký vào các biên bản, công an đã đánh đập bà hàng giờ trong bệnh viện. Họ đe dọa rằng nếu bà Vương không viết tuyên bố, họ sẽ tìm người khác để viết thay cho bà.

Bà Vương bị đau buốt ở chân và cầu xin công an cho bà đi. Họ đồng ý, nhưng đe dọa rằng vài ngày sau họ sẽ lại tìm bà.

Bà Vương phải bò lên cầu thang để quay về căn hộ của mình. Chồng của bà thấy bà có nhiều vết bầm tím khắp toàn thân. Xương bánh chè của bà bị gãy và người bà ướt đẫm mồ hôi.

Chiều ngày 1 tháng 7, bà Vương đột nhiên bị xuất huyết não. Bà rất chóng mặt và cảm thấy buồn nôn. Bà qua đời vào khoảng 4 giờ 25 phút sáng ngày 2 tháng 7. Thi thể của bà được hỏa táng vào ngày 4 tháng 7.

Sau khi bà Vương qua đời, cảnh sát tiếp tục sách nhiễu ông Vu và yêu cầu ông không được báo cáo vụ việc của bà Vương lên website Minh Huệ.

Qua đời do bị tra tấn hoặc ngược đãi trong khi giam giữ

Hắc Long Giang: Người đàn ông bị từ chối được tại ngoại để điều trị y tế, đã qua đời 6 tháng trước khi mãn hạn tù vì đức tin của ông

Ông Vương Phượng Thần đã qua đời trong một bệnh viện vào ngày 9 tháng 8 năm 2020, chỉ một tháng sau khi ông lâm bệnh nặng nhưng đã bị từ chối được toại ngoại để điều trị y tế. Ông đã thụ án 4 năm vì đức tin của mình đối với Pháp Luân Công và ông đã qua đời 6 tháng trước khi kết thúc thời gian thụ án.

Ông Vương, một giáo viên địa lý trường trung học cơ sở ở thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị bắt vào ngày 18 tháng 1 năm 2017, cùng với vợ ông, bà Lãnh Tú Hà, và 3 học viên Pháp Luân Công khác, tất cả đều làm việc cùng trường với cặp vợ chồng.

Ông Vương sau đó bị kết án 4 năm tù tại nhà tù Hô Lan và bà Lãnh bị kết án không xác định thời hạn tại Nhà tù nữ Hắc Long Giang. Mỗi người bị phạt 30.000 nhân dân tệ.

Vào ngày 31 tháng 5 năm 2020, nhà tù Hô Lan thông báo cho gia đình ông Vương rằng ông đã bị ho trong hai tháng và liên tục bị chóng mặt. Theo yêu cầu của gia đình ông, các lính canh đã đưa ông Vương đến bệnh xá của nhà tù vào tối hôm đó. Bác sĩ cho biết ông bị viêm phổi và kê một số loại thuốc kháng sinh.

Bệnh xá nhà tù đã đề nghị chuyển ông Vương đến một bệnh viện lớn hơn dưới sự quản lý của nhà tù vào ngày 18 tháng 6 và yêu cầu gia đình ông đặt cọc 10.000 nhân dân tệ. Bị gia đình thúc ép, bác sĩ đã cho biết ông Vương bị nhiễm trùng phổi nặng.

Sau khi nhận thấy tình trạng của ông Vương vẫn không được cải thiện khi được điều trị tại bệnh viện nhà tù, gia đình ông đã yêu cầu được đưa ông đến bệnh viện bên ngoài để kiểm tra toàn diện và được điều trị tốt hơn. Phải mất một tuần nhà tù mới trả lời họ.

Trước khi chấp thuận yêu cầu của gia đình ông, quản lý nhà tù đã buộc họ ký giấy miễn trừ trách nhiệm vào ngày 26 tháng 6, tuyên bố rằng nhà tù sẽ không chịu trách nhiệm nếu ông Vương chết trong tù và ông phải trở lại nhà tù sau khi kiểm tra xong.

Gia đình ông Vương đã đưa ông đến bệnh viện ung thư, nhưng ông liên tục nôn ra máu trong khi kiểm tra, khiến ông không thể hoàn thành tất cả các cuộc kiểm tra, bao gồm cả nội soi phế quản. Do dịch virus corona, bệnh viện không nhận ông Vương mà yêu cầu ông trở lại bệnh viện vào ngày 2 tháng 7 để hoàn tất các thủ tục kiểm tra. Ông Vương bị đưa trở lại nhà tù ngay ngày hôm đó.

Tình trạng của ông Vương trở nên nguy kịch vào ngày 30 tháng 6 và ông đã được đưa đến bệnh viện ung thư để cấp cứu.

Khoảng 8 giờ tối ngày 1 tháng 7, nhà tù thông báo với gia đình rằng ông bị khó thở và đang được điều trị tại bệnh viện. Các lính canh yêu cầu gia đình ông Vương trả phí y tế cho ông. Gia đình vội vàng đến bệnh viện và thấy máu khắp mũi và miệng của ông Vương. Bác sĩ nói rằng ông có thể chết bất cứ lúc nào.

Gia đình ông Vương đã nộp đơn xin được tại ngoại để điều trị y tế cho ông vào ngày 2 tháng 7, nhưng đơn của họ đã bị nhà tù bác bỏ. Lý do đưa ra là họ chưa có chẩn đoán chắc chắn cho trường hợp của ông Vương và bệnh viện ung thư không đủ điều kiện để đưa ra một báo cáo chẩn đoán như vậy. Các lính canh nói với gia đình ông Vương rằng ông phải chấp hành xong 6 tháng còn lại của thời hạn tù, ngay cả khi ông có thể chết trong tù trước khi mãn hạn.

4 ngày sau, ông Vương lại nôn ra máu và không thở được. Bệnh viện ung thư đã đưa ra thông báo về tình trạng nguy kịch của ông.

Gia đình đã đến nhà tù để yêu cầu trả tự do cho ông một lần nữa vào ngày 8 tháng 7 nhưng lại bị từ chối.

Ông Vương đã qua đời vào khoảng 5 giờ sáng ngày 9 tháng 8 tại bệnh viện ung thư. Vợ ông vẫn đang trong thời gian thụ án tại thời điểm viết bài.

Người đàn ông 48 tuổi qua đời vì suy hô hấp, gia đình nghi ngờ bị ép sử dụng thuốc trong suốt thời gian thụ án 10 năm tù giamÔng Trương Sùng Dược bắt đầu bị khó thở vào đầu tháng 8 năm 2020. Khi ông qua đời tại nhà vào ngày 7 tháng 8 năm 2020, đầu, hai tai và môi của người đàn ông 48 tuổi này đều tái xanh. Tay trái của ông rất nhợt nhạt và lạnh.

Ông Trương qua đời 3 năm sau khi ông mãn hạn tù 9 năm rưỡi vì tu luyện Pháp Luân Công.

Ông Trương, một cư dân huyện Tuy Trung, thành phố Hồ Lô Đảo, tỉnh Liêu Ninh, đã bị tra tấn liên tục và bị từ chối việc thăm hỏi từ phía gia đình trong phần lớn thời gian bị giam giữ. Dựa trên những hành vi bất thường của ông sau khi được thả, gia đình nghi ngờ ông bị chuốc thuốc độc trong nhà tù.

Ông qua đời bỏ lại người mẹ 83 tuổi, vợ và hai cô con gái 15 và 19 tuổi.

Ông Trương bị kết án 10 năm tù vào ngày 14 tháng 5 năm 2008. Từ năm 2008 đến năm 2012, ông bị giam tại Nhà tù Bàn Cẩm. Ông bị cao huyết áp trong thời gian này và bị trói vào giường và bị bức thực bằng các loại thuốc không rõ tên.

Khi vợ ông được phép đến thăm ông vào ngày 12 tháng 6 năm 2010, ông Trương đã trở nên tiều tụy và vô cùng yếu ớt. Ông gặp khó khăn khi đi lại, nói chuyện và liên tục cảm thấy chóng mặt. Ông chán ăn và không thể ăn đủ. Lo lắng cho sức khỏe của ông, vợ ông đã làm đơn xin được tại ngoại để điều trị y tế, nhưng bị nhà tù từ chối với cái cớ là ông không chịu từ bỏ đức tin của mình.

Năm 2012, ông Trương bị chuyển đến Nhà tù số 1 Thẩm Dương. Tại đây, ông bị biệt giam trong một căn phòng tối tăm và bị bắt ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ suốt ngày dài. Bệnh cao huyết áp của ông vẫn còn và ông còn bị thêm bệnh tim. Do bị biệt giam trong thời gian dài, ông bắt đầu bị mất khả năng nói và trí nhớ.

Theo một học viên khác bị giam trong tù cùng thời điểm, ông Trương thường xuyên trải qua cảm giác nghẹt thở và thấy khó thở, tương tự như các triệu chứng mà ông đã trải qua trước khi qua đời.

Sau khi ông Trương được trả tự do vào ngày 24 tháng 8 năm 2017, trước 6 tháng so với thời hạn định sẵn, tinh thần của ông rất không ổn định và thường mất bình tĩnh và hay nổi nóng trước những việc nhỏ nhặt. Ông dường như tuân theo một kế hoạch nghiêm ngặt khi làm việc gì đó và sẽ nổi cáu nếu không thể làm mọi thứ như ý ông.

Bắt đầu từ giữa tháng 7 năm 2020, ông Trương bắt đầu bị chứng cứng lưỡi. Đầu tháng 8, ông mất bình tĩnh và cãi nhau với người hàng xóm. Sau đó ông bắt đầu khó thở và qua đời 2 ngày sau đó.

Từng bị cầm tù 11 năm, người đàn ông Cát Lâm qua đời một tháng rưỡi sau vụ bắt giữ gần nhấtÔng Khương Toàn Đức, một cư dân ở huyện Nông An, tỉnh Cát Lâm, đã qua đời vào ngày 26 tháng 8 năm 2020, khoảng một tháng rưỡi sau khi bị bắt trong một cuộc truy quét của công an vì tu luyện Pháp Luân Công. Vợ ông, người cũng bị bắt cùng với ông, vẫn bị giam giữ vào thời điểm viết bài.

Ông Khương và vợ ông, bà Tôn Tú Anh, đã bị bắt tại nhà vào ngày 15 tháng 7 năm 2020. Ông Khương đã bị bệnh và ốm yếu tại thời điểm đó, nhưng cảnh sát vẫn bắt ông.

Sau khi ông Khương được thả khoảng hai tuần sau đó, ông vẫn phải tiêm tĩnh mạch hàng ngày để duy trì sự sống. Công an từ chối thả bà Tôn để bà có thể chăm sóc ông.

Ông Khương qua đời ở tuổi 66 vào ngày 26 tháng 8 năm 2020, bốn ngày sau khi Viện kiểm sát huyện Nông An phê chuẩn việc bắt giữ bà Tôn.

Sau khi chính quyền Cộng sản Trung Quốc ra lệnh bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, ông Khương bị giam trong trại lao động cưỡng bức trong một năm rưỡi và sau đó bị kết án 11 năm tù. Ông đã phải chịu những hình thức tra tấn khủng khiếp, bao gồm ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ trong nhiều giờ, mang bao hạt đậu nặng 90kg, không được ngủ, bị sốc giật, đánh đập và bị trói trên “giường chết”.

Công an đã từng bắt ông ngồi vào một bên của một băng ghế dài với chân bị trói vào ghế. Họ trùm túi ni lông lên đầu ông và dùng que tre vót nhọn đâm vào ngón tay và núm vú của ông. Trong một lần khác, họ còng tay ông ra sau lưng và kéo hai tay qua đầu ra phía trước. Họ lặp lại điều này hơn 10 lần. Họ còn còng tay ông lại và sau đó vặn cổ tay của ông khiến cánh tay phải của ông bị gãy và tàn tật.

Người đàn ông Hà Bắc qua đời 4 ngày sau khi mãn hạn tù Ông Biên Quần Liên, 69 tuổi, rơi vào tình trạng nguy kịch khi bị cầm tù vì đức tin vào Pháp Luân Công, và qua đời vào ngày 12 tháng 8 năm 2020, 4 ngày sau khi được đưa về nhà.

Ông Biên ở thành phố Thừa Đức, tỉnh Hà Bắc, bị bắt vào ngày 8 tháng 7 năm 2016 vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Một nhân viên đã tát vào mặt ông bằng một chiếc giày và chửi mắng ông trong Trại tạm giam huyện Thừa Đức.

Tòa án huyện Thừa Đức đã kết án ông Biên 6 năm tù giam với số tiền phạt 20.000 nhân dân tệ vào ngày 15 tháng 2 năm 2017. Đây là lần thứ hai ông bị kết án vì đức tin của mình, sau lần kết án 8 năm tù vào năm 2005.

Ông Biên được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đại trực tràng vào đầu tháng 1 năm 2020, và ông được phẫu thuật vào ngày 13 tháng 4 năm 2020. Nhà tù không cho phép gia đình được chăm sóc ông trong bệnh viện và đưa ông trở lại nhà tù ngay sau khi ông ra viện .

Vào ngày 9 tháng 8, ông Biên được đưa trở lại Thừa Đức trên xe cấp cứu. Nhân viên ủy ban khu phố đã chụp ảnh ông trước khi cho phép gia đình đón ông về.

Theo lời kể của gia đình, ông Biên đã trở nên tiều tụy và một ống dẫn thức ăn đã được đưa vào dạ dày, vì ông không thể ăn được nữa sau khi bệnh ung thư di căn. Ông bị sốt cao và không nhận ra được cả anh trai của mình.

Ông Biên qua đời sau 4 ngày về với gia đình.

Qua đời do hậu quả của sự sách nhiễu trong thời gian dài

Người phụ nữ 80 tuổi thụ án tại nhà vì đức tin của mình qua đời sau khi bị sách nhiễu liên tục

Bà Quách Ngọc Liên, ở thành phố Vũ Uy, tỉnh Cam Túc, liên tục bị sách nhiễu khi đang thụ án một năm tại nhà vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công. Sức khỏe của bà tiếp tục giảm sút và bà đã qua đời vào ngày 22 tháng 8 năm 2020 khi bà 80 tuổi.

Bà Quách bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1998. Vì giữ vững đức tin của mình, bà đã nhiều lần bị bắt và bị tống giam trong hai thập kỷ qua.

Bà Quách bị bắt vào năm 2000 khi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công và bị cưỡng bức lao động một năm sau 8 tháng bị giam giữ.

Công an đã đột nhập vào nhà của bà Quách vào tháng 8 năm 2004 và cố gắng bắt giữ bà. Khi bà không có nhà, công an đã tịch thu sách và tài liệu Pháp Luân Công của bà. Bà buộc phải sống xa nhà để tránh bị bắt bớ.

Công an tìm thấy bà Quách vào tháng 12 năm 2006 và bắt giữ bà. Sau đó bà bị kết án 4 năm tù. Bà được cho tại ngoại để điều trị y tế sau khi tuyên án nhưng bị bắt trở lại vào tháng 5 năm 2007 và bị đưa đến Nhà tù Lan Châu.

Bà Quách bị bắt thêm một lần nữa khi đang dán thông tin về Pháp Luân Công trên cột điện thoại và bị lục soát nhà vào ngày 2 tháng 6 năm 2015.

Cảnh sát đã sách nhiễu bà Quách vào ngày 21 tháng 4 năm 2017 và bắt bà 3 ngày sau đó. Trong khi bà Quách được thả vào tối ngày bị bắt, công an lại tiếp tục bắt bà vào ngày 26 tháng 4. Vì trại giam từ chối tiếp nhận bà do tình trạng sức khỏe yếu, công an đã buổi phải đưa bà trở về nhà.

Vào ngày 19 tháng 9 năm 2017, 4 nhân viên từ Viện kiểm sát quận Lương Châu thông báo cho bà Quách rằng công an vừa nộp hồ sơ của bà lên văn phòng của họ.

Công tố viên đã truy tố bà vào ngày 8 tháng 2 năm 2018 và chuyển hồ sơ của bà đến Tòa án Quận Lương Châu.

Bà Quách bị đưa ra xét xử vào ngày 23 tháng 12 năm 2019 và bị kết án một năm với khoản tiền phạt 2.000 nhân dân tệ vào tháng 1 năm 2020. Bà được lệnh thụ án tại gia.

Các nhân viên từ Phòng Tư pháp địa phương liên tục đến nhà và sách nhiễu bà. Sự dày vò liên tục về mặt tinh thần cuối cùng đã gây ra cái chết đầy thương tâm của bà.

Người phụ nữ Cát Lâm qua đời sau khi thường xuyên bị sách nhiễu

Bà Bạch Á Thanh, cư dân thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, đã qua đời vào khoảng ngày 20 tháng 7 năm 2020, sau khi sức khỏe của bà giảm sút do nhiều lần bị bắt giữ và sách nhiễu vì tu luyện Pháp Luân Công. Con gái bà vẫn đang trong thời gian thụ án, cũng bởi từ chối từ bỏ đức tin đối với Pháp Luân Công.

Bà Bạch từng làm bảo vệ tại trại lao động. Bà bị bắt tại nơi làm việc vào ngày 17 tháng 11 năm 2006 và bị giam một năm tại Trại lao động cưỡng bức Hắc Chủy Tử. Vì kiên định với đức tin của mình, bà đã phải chịu sự tra tấn “giường chết”, theo đó tay chân của bà bị kéo căng hết mức có thể và bị trói vào bốn góc giường trong tư thế “đại bàng sải cánh”. Bà đã bị giữ nguyên trong tư thế này trong 10 ngày và chịu đau đớn tột độ.

Thời gian thụ án của bà sau đó bị kéo dài như một hình phạt cho việc giữ vững đức tin của bà. Vào thời điểm được thả, bà vẫn còn bị đau ở chân vì bị tra tấn trên “giường chết”.

Con gái của bà Bạch, cô Hàn Băng, 36 tuổi, bị bắt vào ngày 13 tháng 7 năm 2017 và sau đó bị kết án 3,5 năm trong Nhà tù nữ Trường Xuân. Bà Bạch đã vô cùng đau khổ khi nỗ lực giải cứu con gái của bà không thành và nhà tù cũng từ chối các cuộc viếng thăm của gia đình đối với con gái bà trong hơn một năm.

Bà Bạch lại bị bắt và bị lục soát nhà vào ngày 4 tháng 4 năm 2020, sau khi bị báo cáo vì đã truyền rộng thông tin về Pháp Luân Công. Khi bà được phát hiện có vấn đề về sức khỏe, công an đã yêu cầu bà phải trả một khoản tiền 1.000 nhân dân tệ và để bà tại ngoại điều trị y tế. Họ vẫn theo dõi sau khi bà được thả.

Sức khỏe của bà Bạch nhanh chóng xấu đi khi trở về nhà. Bàn chân của bà, nơi chịu sự tra tấn “giường chết” trong trại lao động, trở nên đen và bắt đầu chảy mủ.

Bà Bạch đã được triệu tập đến viện kiểm sát vào đầu tháng 7 để trả lời các câu hỏi. Tình trạng bàn chân của bà tiếp tục xấu đi và bà không thể đi lại được nữa sau khi trở về nhà. Vì sống một mình, bà không thể rời khỏi giường và không ăn trong 3 ngày.

Sau đó, một người bạn đến thăm và nấu ăn cho bà. Với sự chăm sóc của bạn mình, bà đã có thể ra khỏi giường và đi lại từ từ.

Công an đã bắt bà Bạch một lần nữa vào ngày 13 tháng 7. trại tạm giam địa phương đã từ chối nhận bà do tình trạng sức khỏe yếu. Vụ sách nhiễu mới nhất đã giáng một đòn mạnh vào bà Bạch và bà đã qua đời khoảng 7 ngày sau đó vào ngày 20 tháng 7 theo thông tin từ hàng xóm của bà. Bà qua đời khi ngoài 60 tuổi.

Người đàn ông Liêu Ninh qua đời sau khi chịu bức hại trong thời gian dài

Ông Đô Hưng Quý, cư dân thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh, bị bắt vào ngày 29 tháng 6 năm 2016, vì đức tin của ông đối với Pháp Luân Công. Sau đó, ông bị kết án hai năm rưỡi và bản án của ông sẽ hết hạn vào ngày 28 tháng 12 năm 2018. Nhưng vì lý do sức khỏe, ông đã được tại ngoại để điều trị y tế.

Vào tháng 5 năm 2020, công an đã sách nhiễu và cố gắng đưa ông trở lại nhà tù để thụ án. Sự sách nhiễu khiến sức khỏe của ông giảm sút nhanh chóng. Ông qua đời vào khoảng tháng 8 năm 2020 ở tuổi 69. Ngày mất chính xác của ông vẫn còn đang được điều tra.

Vì đã nói với mọi người về việc Pháp Luân Công đã chữa khỏi căn bệnh hen suyễn nghiêm trọng đã hành hạ ông trong suốt 40 năm như thế nào, ông Đô đã nhiều lần bị bắt, giam giữ, lao động cưỡng bức và tẩy não trong suốt hai thập kỷ qua.

Ông đã bị bắt 6 lần từ năm 2001 đến năm 2013, lần lượt xảy ra vào tháng 1 năm 2001, tháng 7 năm 2002, tháng 10 năm 2003, ngày 26 tháng 7 năm 2008, mùa đông năm 2010 và ngày 4 tháng 6 năm 2013.

Trong lần bắt giữ năm 2008, công an đã hối lộ các nhà chức trách của trại giam địa phương để giam giữ ông trong 15 ngày và sau đó hối lộ các nhà chức trách trại lao động để nhận ông vào trại thụ án lao động khổ sai 1,5 năm, sau khi cả hai nơi ban đầu đều từ chối nhận ông vì tình trạng sức khỏe yếu.

Sau một tháng trong trại lao động, ông bị ốm nặng và được hồi sức trong bệnh viện. Các nhà chức tránh đã buộc phải thả ông sau đó.

Ông Đô bị bắt vào ngày 28 tháng 6 năm 2016 vì nói chuyện với mọi người về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Mặc dù ông được trả tự do vì tình trạng sức khỏe yếu, công an vẫn nộp hồ sơ của ông lên Viện kiểm sát quận Thuận Thành.

Ông Đô bị Tòa án quận Thuận Thành xét xử vào ngày 10 tháng 11 năm 2016 và sau đó bị kết án 3 năm tù. Ông đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp thành phố Phủ Thuận, tòa án sau đó đã ra phán quyết giảm thời gian thụ án của ông xuống còn hai năm rưỡi. Tuy nhiên, do tình trạng sức khỏe nên ông được tại ngoại để điều trị y tế trong thời gian thụ án.

Nhân viên của Đồn công an Cát Bố đã tìm thấy ông Đô vào tháng 5 năm 2020 và yêu cầu ông khám sức khỏe. Họ đã cố gắng đưa ông trở lại trại giam để thụ án. Tòa án quận Thuận Thành cũng gửi cho ông một thông báo để ông thụ án bên ngoài nhà tù, mặc dù thời hạn thụ án đã hết hạn.

Những lần bị sách nhiễu liên tục đã khiến sức khỏe của ông Đô ngày càng giảm sút. Mới đây ông đã qua đời ở tuổi 69.

Hai anh em mồ côi mẹ vì cuộc bức hại nhắm vào đức tin của bà

Lớn lên trong nỗi sợ hãi và liên tục phải thay đổi chỗ ở vì cuộc bức hại nhắm vào đức tin của mẹ mình đối với Pháp Luân Công, các con của bà Chu Diễm đã bị giáng thêm một cú sốc khi bà qua đời ở tuổi 57 vào ngày 15 tháng 8 năm 2020.

Cái chết của bà Chu, cư dân thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, là kết quả sau nhiều lần bắt bớ, tống giam và hai thời hạn 1,5 năm trong trại lao động. Có lúc bà buộc phải sống xa nhà để trốn tránh công an. Sự đau khổ về tinh thần và thể chất từ ​​cuộc bức hại đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bà và cuối cùng bà đã qua đời.

Bà Chu không phải là nạn nhân duy nhất trong gia đình phải chịu đựng nỗi thống khổ từ cuộc bức hại Pháp Luân Công. Sau khi chồng bà không thể chịu đựng nổi áp lực và ly hôn với bà vào năm 2003, con trai và con gái tuổi vị thành niên của bà phải vật lộn để kiếm sống một mình trong khi bà bị giam giữ. Vì muốn bà được thả, hai con của bà đã bị công an đánh đập và bị thương nặng. Do bị bắt và bị tra tấn nhiều lần, con trai của bà Chu đã phải trải qua 3 lần suy sụp tinh thần.

Bài viết liên quan:

40 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết vì đức tin của họ trong nửa đầu năm 2020

27 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2020

Cuộc bức hại Pháp Luân Công tiếp tục cướp đi sinh mạng của 17 học viên trong quý I năm 2020


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/9/25/7412209.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/9/29/186985.html

Đăng ngày 09-10-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share