Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 17-04-2020] Thêm 17 học viên Pháp Luân Công đã bị mất đi sinh mạng trong khoảng thời gian từ tháng 1 tới đầu tháng 4 năm 2020 do bị bức hại vì kiên định đức tin của mình.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện và thiền định cổ xưa dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Môn tu luyện này đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.

Sáu học viên đã qua đời do bị tra tấn và ngược đãi trong thời gian bị giam giữ, 11 học viên còn lại qua đời sau khi được thả hoặc do phải chịu sách nhiễu tàn khốc của cảnh sát.

Các trường hợp qua đời xảy ra ở bảy tỉnh thành, gồm có tám trường hợp ở tỉnh Liêu Ninh; các tỉnh Hắc Long Giang, Hồ Nam và Hà Nam mỗi tỉnh hai trường hợp; các tỉnh Cát Lâm, Tứ Xuyên và Quảng Đông mỗi tỉnh một trường hợp.

Trong những học viên đã qua đời có chín học viên nữ thuộc các giai tầng khác nhau trong xã hội, gồm một giáo viên âm nhạc, một cựu bác sỹ quân đội, một hiệu trưởng đã nghỉ hưu, và một kỹ sư hàng không. Ba học viên ở độ tuổi ngoài 40, mười học viên ở độ tuổi ngoài 50 và 60, ba học viên ở độ tuổi ngoài 70 và 80; một học viên hiện chưa rõ tuổi.

Tính đến ngày 17 tháng 4 năm 2020, có 4.408 học viên Pháp Luân Công được xác nhận đã bị thiệt mạng do hậu quả trực tiếp của cuộc bức hại của chính quyền cộng sản Trung Quốc nhắm vào đức tin của họ. Do rất khó để lấy thông tin từ Trung Quốc nên con số thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều.

Những học viên qua đời trong khi bị giam giữ

Hiệu trưởng đã nghỉ hưu của một trường tiểu học bị bức hại đến chết trong tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Bà Lý Quế Vinh, hiệu trưởng đã nghỉ hưu của một trường tiểu học ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã qua đời tại Nhà tù Nữ Tỉnh Liêu Ninh vào giữa tháng 1 năm 2020, chỉ một vài tuần trước khi bà mãn hạn năm năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Khi đó bà 78 tuổi.

Bà Lý bị bắt giữ vào ngày 7 tháng 2 năm 2015 sau khi bị tố cáo đã phát tặng các tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Ngày 24 tháng 6 năm 2015, Tòa án Quận Hỗn Nam đã kết án bà Lý năm năm tù.

Lần gần nhất bà Lý bị bắt giữ xảy ra chỉ 15 tháng sau khi bà mãn hạn bảy năm tù cũng vì đức tin của mình.

Một người phụ nữ ở tỉnh Cát Lâm bị cầm tù đã chết đột ngột, gia đình nghi bị ngược đãi

Ngày 31 tháng 1 năm 2020, bà Tiếu Vĩnh Phân đột ngột qua đời ở tuổi 64 trong khi đang thụ án bảy năm tù tại Nhà tù Nữ Tỉnh Cát Lâm vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công.

5262c91125e8158cba099cbb8b3457dc.jpg

Bà Tiếu Vĩnh Phân

Khoảng 4 giờ chiều ngày 31 tháng 1 năm 2020, gia đình bà Tiếu Vĩnh Phân nhận được một cuộc điện thoại từ Nhà tù Nữ Tỉnh Liêu Ninh thông báo rằng bà Tiếu bị ngã trong khi tắm. Người gọi điện thoại cho biết bà đang được điều trị cấp cứu tại nhà tù trong khi chờ xe cấp cứu tới.

Sau đó 10 phút, nhà tù gọi điện lại cho gia đình bà Tiếu và nói rằng bà đã qua đời trên đường tới bệnh viện. Thi thể của bà đã bị hỏa thiêu vào ngày 1 tháng 2.

Gia đình bà Tiếu nghi ngờ rằng bà đã bị ngược đãi trong tù, nơi mà nhiều học viên Pháp Luân Công đã trở thành tàn phế hoặc bị thiệt mạng sau khi phải chịu nhiều hình thức ngược đãi khác nhau như đánh đập, cấm ngủ và sốc điện.

Ông Trương Chấn Tài được báo cáo đã chết trong tù vì ung thư

Ông Trương Chấn Tài ở huyện Hắc Sơn, tỉnh Liêu Ninh, đã qua đời vào ngày 7 tháng 2 khi đang trong thời gian thụ án 23 tháng tù giam.

Ông Trương cùng vợ là bà Trương Liên Vinh, bị bắt vào ngày 14 tháng 7 năm 2019 vì phát tặng các tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Tòa án Huyện Hắc Sơn đã kết án ông bà Trương mỗi người lần lượt là 23 và 26 tháng tù giam.

Ông Trương bị đưa tới một nhà tù ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Ngày 23 tháng 1 năm 2020, một lính canh của nhà tù đã gọi điện cho gia đình ông nói rằng ông được chẩn đoán bị ung thư tuyến tụy. Hai tuần sau đó, nhà tù thông báo cho gia đình ông Trương rằng ông đã qua đời. Tên của nhà tù và thông tin chi tiết về cái chết của ông hiện vẫn đang được điều tra.

Vợ ông vẫn đang bị giam giữ tại Khu Mã Tam Gia của Nhà tù Nữ Liêu Ninh.

Kỹ sư máy bay ở trong tình trạng nguy kịch bị từ chối điều trị y tế, qua đời ở trong tù

Ông Hồ Lâm, một cư dân ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, qua đời vào ngày 16 tháng 2 năm 2020, trong khi đang thụ án hai năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công.

eb2946cc8cd52ea3a63fcdd14b4cdeb6.jpg

Ông Hồ Lâm

Ông Hồ bị bắt vào ngày 23 tháng 5 năm 2019 vì phát tặng các tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Sau khi bị đưa tới Trại giam Pháp Khố, ông đã tuyệt thực để phản đối bức hại. Ông Hồ bị trói vào giường ở tư thế đại bàng sải cánh và bị bức thực. Lính canh đã để lại ống dẫn thực trong dạ dày ông để gia tăng đau đớn mà ông phải chịu đựng.

Ngày 20 tháng 6 năm 2019, Tòa án Huyện Pháp Khố đã kết án ông Hồ hai năm tù giam. Ngày 30 tháng 10 năm 2019, ông bị đưa tới Nhà tù Khang Gia Sơn.

Mặc dù gầy yếu, hai chân mất cảm giác và đang bị suy tạng nhưng nhà tù vẫn từ chối cho ông được tại ngoại để điều trị y tế vì ông đã hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo” sau khi bị đưa tới Nhà tù Khang Gia Sơn. Lính canh nói rằng “ngay cả khi ông chết” thì họ cũng sẽ không thả ông.

Tối ngày 14 tháng 2 năm 2020, nhà tù gọi điện cho anh trai ông Hồ là ông Hồ Sảng, thông báo rằng ông Hồ đã được đưa tới bệnh viện cấp cứu. Ông Hồ qua đời sau đó hai ngày.

Ông Vu Vĩnh Mãn qua đời sau ba tháng bị giam giữ

Ngày 23 tháng 2 năm 2020, ông Vu Vĩnh Mãn, một cư dân 65 tuổi ở thành phố Liêu Dương, tỉnh Liêu Ninh đã qua đời tại Trại tạm giam Liêu Dương. Chính quyền công bố nguyên nhân của cái chết là “đột tử”, nhưng kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy một xương sườn của ông bị gãy và có nhiều vết rách ở phổi.

Ông Vu là nhân viên của Công ty Hóa dầu Liêu Dương, bị bắt vào ngày 15 tháng 11 năm 2020 khi đang đọc các kinh sách Pháp Luân Công cùng với một số cư dân địa phương khác. Chính quyền đã buộc tội ông đã lắp đặt các chảo vệ tinh để nhận tín hiệu từ Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTD), một kênh truyền hình ở hải ngoại chuyên đăng tải thông tin không bị kiểm duyệt về Trung Quốc.

d7854bd72c81da7748d66d85d37aac52.jpg

Ông Vu Vĩnh Mãn

Ông Trâu Lập Minh qua đời sau sáu tháng bị cầm tù

Ông Trâu Lập Minh, một cư dân ở thành phố Bàn Cẩm, tỉnh Liêu Ninh, đã qua đời vào ngày 8 tháng 3, sáu tháng sau khi bị cầm tù vì tu luyện Pháp Luân Công.

Ông Trâu bị kết án 2,5 năm tù giam vào năm 2015 vì giảng chân tướng cho người dân về đức tin của mình. Ông được tại ngoại do tình trạng sức khỏe.

Tháng 9 năm 2019, chính quyền đã đưa ông Trâu quay lại giam giữ tại Nhà tù Nam Sơn ở thành phố Cẩm Châu, sau đó chuyển ông tới Nhà tù Đại Liên vào tháng 11. Gia đình không được phép vào thăm ông.

Vào ngày 7 tháng 2 năm 2020, gia đình ông nhận được một cuộc điện thoại từ Nhà tù Đại Liên thông báo rằng ông Trâu đã rơi vào tình trạng hôn mê và đã được đưa tới bệnh viện. Nhà tù không cung cấp thông tin cụ thể nào về nguyên nhân khiến ông bị hôn mê.

Ông Trâu qua đời sau đó một tháng, ở tuổi 66.

Những học viên qua đời do bị tra tấn trong tù hoặc bị sách nhiễu

Một phụ nữ ở tỉnh Hồ Nam trong lúc bị cầm tù chỉ vì tín ngưỡng của mình đã tái phát bệnh ung thư và qua đời

Bà Phạm Văn Tú đã qua đời vì ung thư vào ngày 21 tháng 2 năm 2020, sau hai năm được tại thả tại ngoại để điều trị y tế. Khi đó bà 53 tuổi.

dbc3794828cc4c69290d7a8581391b87.jpg

Bà Phạm Văn Tú tại bệnh viện

Bà Phạm, một cư dân ở thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam, bị bắt vào ngày 1 tháng 9 năm 2017 vì phát tặng các tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Sau đó, bà bị kết án 3,5 năm tù giam và bị phạt 5.000 Nhân dân tệ.

Bà bị tẩy não tăng cường tại Nhà tù Nữ Trường Sa nhằm cưỡng ép bà phải từ bỏ đức tin của mình. Căn bệnh ung thư của bà vốn đã sớm được chữa khỏi nhờ tu luyện Pháp Luân Công nay lại tái phát do áp lực tinh thần. Bà còn bị thủng đại tràng.

Ngày 27 tháng 7 năm 2018, bà Phạm được phẫu thuật điều trị ung thư buồng trứng. Chỉ khi đó nhà tù mới chấp thuận cho bà được tại ngoại để điều trị y tế.

Cảnh sát vẫn liên tục sách nhiễu bà Phạm tại nhà riêng của bà. Sức khỏe của bà không ngừng xấu đi và bà đã qua đời tại một bệnh viện địa phương vào ngày 21 tháng 1 năm 2020.

Một cư dân Hắc Long Giang qua đời sau 12 năm bị cầm tù và sách nhiễu sau đó

Ông Lý Huệ Phong qua đời vào ngày 28 tháng 1 năm 2020, tám ngày sau khi ông bị đột quỵ do áp lực tinh thần từ cuộc bức hại Pháp Luân Công. Khi đó ông 48 tuổi.

Ông Lý, một cư dân của thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ, tỉnh Hắc Long Giang, đã thụ án 12 năm tù giam vì không từ bỏ đức tinh của mình. Trong tù, ông đã phải chịu đựng nhiều hình thức tra tấn khác nhau như kéo căng cực độ, sốc điện, và đánh đập tàn nhẫn.

Cảnh sát liên tục sách nhiễu ông Lý sau khi ông được thả vào tháng 1 năm 2013. Ngay cả sau khi ông đã chuyển tới các thành phố khác để tránh bức hại, cảnh sát vẫn luôn nỗ lực truy tìm ông và đôi khi còn sách nhiễu cả gia đình ông.

Cảnh sát đã sách nhiễu ông Lý tại nơi ông làm việc trước dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập của chính quyền cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 năm 2019, khiến ông rơi vào tình trạng lo lắng cùng cực. Ông bị đột quỵ vào ngày 20 tháng 1 năm 2020 và qua đời sau đó tám ngày.

Một phụ nữ được trả tự do trong tình trạng sống thực vật và đã qua đời sau đó một năm rưỡi

Bà Ngô Tú Phương ở thành phố Phụ Tân, tỉnh Liêu Ninh, đã qua đời vào ngày 8 tháng 2 năm 2020, trong vòng hai năm sau khi bà được thả trong tình trạng sống thực vật. Khi đó bà 64 tuổi.

Bà Ngô bị bắt vào ngày 18 tháng 8 năm 2015 trong khi dán những tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Bà bị kết án ba năm tù giam và bị đưa tới Nhà tù Nữ Liêu Ninh vào tháng 6 năm 2016.

Bà Ngô bị đột quỵ xuất huyết do bị lính canh nhà tù ngược đãi. Bà mất hoàn toàn khả năng vận động và phải truyền thức ăn để duy trì sự sống.

Mặc cho tình trạng sức khỏe của bà, nhà tù vẫn ép bà Ngô phải kết thúc toàn bộ thời hạn ba năm tù giam. Vào thời điểm bà được thả vào ngày 19 tháng 8 năm 2018, bà đã rơi vào tình trạng sống thực vật.

Con gái bà đã đưa bà tới một bệnh viện, nhưng chỉ được thông báo rằng họ không thể giúp gì nhiều cho bà.

Bởi vì lương hưu của bà Ngô bị ngừng cấp do cuộc bức hại nên vợ chồng con gái bà đã phải chật vật để trang trải chi phí y tế và chăm sóc cho bà trong khi cả vợ chồng họ vẫn đang làm việc toàn thời gian.

Giáo viên âm nhạc là người thứ ba trong gia đình qua đời vì cuộc bức hại Pháp Luân Công

Bị mất cả chồng và mẹ vì cuộc bức hại Pháp Luân Công, bà Trần Gia Trụ ở thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên, lại bị giáng một cú sốc nữa khi con gái của bà qua đời vào ngày 11 tháng 2 năm 2020, cũng vì cuộc bức hại này.

Con gái của bà Trần, cô Trương Yến, một giáo viên âm nhạc, đã liên tục bị bắt giữ vì đức tin của mình trong suốt hai thập kỷ qua. Cô Trương đã thụ án một năm lao động cưỡng bức và năm năm tù giam.

Lính canh đã từng nhốt cô Trương vào một buồng giam và bắt cô đứng chống tay cao lên tường trong 12 giờ đồng một mỗi ngày. Các ngón tay của cô trở nên biến dạng do bị kéo căng quá mức. Ngay cả như vậy, cô vẫn bị bắt phải lao động nặng nhọc, trong đó có lựa chọn lông heo để làm bàn chải và đóng gói thuốc.

Nếu trong ngày cô Trương không hoàn thành công việc tại nhà máy, cô sẽ phải đứng yên tới tận 1 giờ sáng hôm sau. Cô cũng phải chép lại nội quy của nhà tù mỗi tối và chỉ được ngủ từ hai tới bốn giờ mỗi tối. Cô sẽ hoàn toàn không được ngủ nếu từ chối làm những việc đó. Bởi vì không được nghỉ ngơi hợp lý, cô Trương đã bị chóng mặt mãn tính, đau ngực, sưng, tê bại, suy giảm thị lực và tăng huyết áp.

Khi cô Trương được trả tự do vào tháng 12 năm 2012, sau năm năm bị tra tấn, các ngón tay của cô đã bị thương tật và biến dạng đến nỗi cô không thể chơi piano hay dạy nhạc được nữa. Các đặc vụ của Phòng 610 Miên Dương tiếp tục sách nhiễu cô. Cô đã phải sống xa nhà để tránh tiếp tục bị bức hại.

Nhiều năm bị bức hại và giam cầm, cùng với nỗi sợ bị bắt giữ lần nữa đã gây tổn hại tới cả thể chất lẫn tinh thần của cô Trương. Cô qua đời vào ngày 11 tháng 2 năm 2020 khi 46 tuổi.

Cựu bác sỹ quân y qua đời sau 14 năm bị cầm tù vì kiên định với đức tin của mình

Ông Triệu Thành Lâm, một bác sỹ quân đội đã nghỉ hưu ở thành phố Bản Khê, tỉnh Liêu Ninh, qua đời vào ngày 15 tháng 2 năm 2020, sau hai năm vật lộn với tình trạng sức khỏe yếu do 14 năm bị cầm tù và tra tấn. Khi đó ông 58 tuổi.

Vì không từ bỏ đức tin của mình mà ông Triệu đã buộc phải rời khỏi vị trí của mình trong quân đội, liên tục bị bắt giữ và giam cầm suốt hai thập kỷ qua. Ông đã thụ án một năm lao động cưỡng bức và hai án tù, một lần chín năm và một lần bốn năm.

Lính canh tại trại lao động và nhà tù đã đánh đập ông Triệu một cách tàn nhẫn, gây nên những tổn thương ở đầu và nội tạng. Ông đã mất một vài chiếc răng trong quá trình bị bức thực. Phần đầu của ông Triệu bị biến dạng, phần mông xuất hiện những vết thương bị nhiễm trùng do bị ngược đãi.

Một lần, lính canh đã treo hai cổ tay của ông Triệu lên trong một phòng tối trong nhiều ngày, hai chân bị kéo rộng sang hai bên và bị xích lại. Ông đã nhiều lần ngất đi vì đau đớn.

Sau hơn một tháng bị bức hại, ông Triệu có những vết thương bị nhiễm trùng ở chân và chịu nhiều tổn thương bên trong. Lính canh đã từ chối để ông được điều trị y tế và tiếp tục biệt giam ông.

Trong một lần tra tấn khác, lính canh đã trói chặt chân tay ông và treo lơ lửng cơ thể ông trên không, gây tổn thương nghiêm trọng đối với cổ tay và mắt cá chân của ông.

a28c49cab2c3fd67eeaf1c48298e2df8.jpg

Tái hiện tra tấn: phương thức tra tấn kiểu giá đỡ

Bà Lâm Quế Chi qua đời sau khi bị mất năng lực chăm sóc bản thân do bị tra tấn trong tù

Bà Lâm Quế Chi, một cư dân ở thành phố Triều Dương, qua đời vào ngày 20 tháng 2 năm 2020, sau nhiều năm bị bức hại vì đức tin của mình vào Pháp Luân Công.

Bà Lâm Quế Chi

Vì kiên định đức tin của mình mà bà Lâm đã bị kết án bảy năm tù giam tại Nhà tù Nữ Liêu Ninh vào tháng 1 năm 2004. Lính canh đã đánh vỡ mắt cá chân của bà Lâm sau khi họ thấy bà luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công. Thậm chí ngay cả sau khi bà đã rơi vào tình trạng nguy kịch do liên tục bị ngược đãi, nhà tù vẫn từ chối thả bà.

Chức trách nhà tù đã bỏ thuốc độc vào thức ăn của bà Lâm, khiến bà thường xuyên rơi vào tình trạng mê sảng. Vào ngày 9 tháng 9 năm 2009, khi chồng bà vào thăm thì bà đột nhiên bị mất ý thức trong năm phút. Một lính canh nói với ông rằng thỉnh thoảng bà bị mất ý thức trong nửa giờ hoặc ngất đi khoảng sáu tới bảy lần một ngày.

Bà Lâm đã thụ án toàn bộ thời hạn tù nhưng bà chưa bao giờ được điều trị y tế. Tình trạng của bà không được cải thiện, bà bị rối loạn tâm thần và không thể tự chăm sóc bản thân sau khi được thả. Bà đã qua đời ở 58 tuổi.

Người đàn ông Hắc Long Giang thụ án oan sai 11 năm, đã qua đời sau 7 năm ra tù​

Ông Thương Quý Dân, một cư dân ở thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ, tỉnh Hắc Long Giang, qua đời vào ngày 29 tháng 2 năm 2020, bảy năm sau khi ông thụ án hơn 11 năm tù vì đức tin của mình.

Ông Thương bị bắt giữ vào ngày 26 tháng 4 năm 2002. Ông bị kết án bí mật 14 năm tại Nhà tù Giai Mộc Tư vào cuối năm 2002. Ông thường xuyên bị đánh đập và biệt giam vì không từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công. Thỉnh thoảng, lính canh lại lột hết quần áo của ông và bắt ông phải ngủ trên nền bê tông khi nhiệt độ ngoài trời là gần -29°C.

Sau khi được thả trước thời hạn vào tháng 10 năm 2013, sức khỏe của ông Thương rất yếu. Ông đã không thể hoàn toàn bình phục và đã qua đời vào ngày 29 tháng 2 năm 2020, ở tuổi 55.

Bị tàn tật sau 10 năm cầm tù, người phụ nữ Hồ Nam đã qua đời sau hai năm được trả tự do

Bà Tiếu Mỹ Quân, một cư dân ở thành phố Hành Dương, tỉnh Hồ Nam, qua đời vào ngày 2 tháng 3 năm 2020, sau khi nhiều năm bị bức hại, kể cả bị giam giữ vì đức tin của mình vào Pháp Luân Công. Khi đó bà 72 tuổi.

Bà Tiếu, một công nhân vận chuyển thực phẩm đã nghỉ hưu, đã hai lần thụ án tù với thời gian tổng cộng 10 năm. Tại Nhà tù Nữ Tỉnh Hồ Nam, lính canh đã xúi giục nhiều tù nhân đánh đập và lăng mạ bà. Họ không cho bà nói chuyện với người khác và thường xuyên bắt bà phải đứng hoặc ngồi yên tại chỗ liên tục trong thời gian dài. Thỉnh thoảng, bà còn không được sử dụng nhà vệ sinh và đã đành phải đi vệ sinh ra quần.

Sau đó, lính canh đã lệnh cho các tù nhân tiêm cho bà Tiếu những loại thuốc không rõ nguồn gốc. Bà rơi vào hôn mê và đã được cấp cứu tại bệnh viện.

Sau nhiều năm bị bức hại, bà Tiếu mất khả năng chăm sóc bản thân và không thể tự đi lại. Tay bà run rẩy không kiểm soát và hầu hết răng của bà đã bị gãy trong quá trình bị bức thực.

Bà Tiếu không thể bình phục sau khi được thả vào ngày 18 tháng 5 năm 2018. Bà qua đời vào ngày 2 tháng 3 năm 2020.

Người cha và ba con trai qua đời trong cuộc bức hại Pháp Luân Công

Một người mẹ ở thành phố Tam Môn Hiệp, tỉnh Hà Nam, đã bị giáng một cú sốc lớn khi con trai út của bà, ông Trần Hiếu Dân qua đời vào ngày 10 tháng 3 năm 2020, chưa đầy hai tháng sau khi ông được trả tự do vì tu luyện Pháp Luân Công.

Sau khi chính cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công, chỉ vì kiên định đức tin của mình mà ông Trần Hiếu Dân và hai trong số ba anh em trai của ông đã liên tục bị bắt giữ, cầm tù và tra tấn.

Cha của họ đã qua đời vào năm 2001 sau khi ông phải chịu áp lực cùng cực trong quá trình tìm kiếm tự do cho những người con trai của mình, họ đã bị bắt giữ ở Bắc Kinh vì kháng cáo cho quyền tu luyện Pháp Luân Công.

Anh trai cả của ông Trần, ông Trần Dược Dân, qua đời vào ngày 26 tháng 4 năm 2011. Ông bị tra tấn và bị tiêm những loại thuốc không rõ nguồn gốc trong khi thụ án năm năm tại Nhà tù Tân Mật vì đức tin của ông. Ông bị liệt và thường xuyên bị đau lưng dữ dội sau khi được thả, thế nhưng cảnh sát vẫn tiếp tục sách nhiễu ông cho tới tận những ngày cuối đời của ông. Ông qua đời ở tuổi 48.

Ông Trần Hiếu Dân và người anh thứ hai, ông Trần Thiểu Dân, lần lượt bị bắt vào các ngày 6 và 7 tháng 6 năm 2016 tại nơi làm việc. Họ bị giam giữ riêng trong hơn một năm tại trại tạm giam Tam Môn Hiệp.

Chính quyền đã bí mật kết án tù hai anh em họ vào tháng 7 năm 2017, tuy nhiên, thời hạn tù vẫn đang được điều tra. Họ bị đưa tới Nhà tù Tân Mật. Theo thông tin từ một học viên Pháp Luân Công cũng thụ án tại nhà tù này, hai anh em ông Trần đã bị tra tấn tàn bạo vì không từ bỏ đức tin của mình.

Ông Trần Thiểu Dân được tại ngoại để điều trị y tế vào năm 2018. Ông đã gặp nhiều vấn đề về sức khỏe và hoàn toàn mất khả năng tự chăm sóc bản thân. Ông qua đời vào ngày 14 tháng 5 năm 2019. Thời điểm ông qua đời, phổi của ông đã bị hỏng hoàn toàn.

Ông Trần Hiếu Dân được thả vào ngày 18 tháng 1 năm 2020. Ông đã ở trong tình trạng nguy kịch, chỉ còn da bọc xương và không thể ăn uống được. Ông qua đời vào ngày 10 tháng 3 năm 2020, ở tuổi 51.

Một cụ bà 80 tuổi qua đời vì bị cảnh sát sách nhiễu

Cụ bà Mã Thục Phân ở thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, bị bắt giữ vào ngày 13 tháng 12 năm 2019. Cảnh sát đã lục soát nhà cụ và tịch thu các kinh sách Pháp Luân Công, máy in và máy vi tính. Mặc dù cụ được trả tự do không lâu sau đó những cảnh sát đã đe dọa sẽ bỏ tù cụ nếu cụ không từ bỏ Pháp Luân Công.

Vào ngày 27 tháng 2 năm 2020, một toán cảnh sát mặc thường phục đã quay lại nhà của cụ Mã, quay phim và lục soát nhà cụ lần nữa.

Vào tháng 3, chủ tịch ủy ban cư dân địa phương đã lấy đại dịch [virus corona Vũ Hán] làm cớ để ngăn cản cụ Mã rời khỏi nhà. Cụ phải trình báo với họ bất cứ khi nào cụ ra ngoài mua hàng tạp hóa và phải quay về trong một khoảng thời gian nhất định. Cảnh sát cũng kiểm tra những thứ cụ đã mua rồi mới để cụ về nhà.

Việc bị lục soát nhà và không ngừng bị sách nhiễu đã khiến cụ Mã tổn thương sâu sắc. Cụ bị đau tim vào giữa tháng 3 và qua đời vào ngày 25 tháng 3 năm 2020, ở tuổi 80.

Một phụ nữ tái phát bệnh lao trong khi bị giam giữ và đã qua đời sau khi tòa án đe dọa tịch thu nhà của bà

Bà Ngô Bội Văn đã khỏi bệnh lao nhờ tu luyện Pháp Luân Công, nhưng rồi căn bệnh này lại tái phát sau khi bà bị bắt giữ vì không từ bỏ đức tin của mình. Tình trạng sức khỏe của bà ngày càng xấu đi trong thời gian bị giam giữ. Chính quyền tiếp tục sách nhiễu và thậm chí còn đe dọa sẽ tịch thu nhà sau khi bà được thả. Bà Ngô qua đời vào ngày 4 tháng 4 năm 2020, ở tuổi 55.

Bà Ngô, một cư dân ở thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, bị bắt vào ngày 28 tháng 11 năm 2018 khi bà đang học các bài giảng của Pháp Luân Công tại nhà.

Lính canh của trại giam hàng ngày đã bắt bà Ngô phải lao động nặng nhọc và không ngừng gia tăng khối lượng công việc của bà. Khi bà không thể hoàn thành công việc, họ đã trừng phạt bà bằng cách ép bà phải dọn nhà vệ sinh. Sức khỏe của bà giảm sút do suy kiệt thân thể và căng thẳng tinh thần.

Khi bà Ngô ra tòa tại Tòa án Quận Kim Bình vào ngày 22 tháng 5 năm 2019, bà không ngừng ho và đã ho ra máu. Thẩm phán phiên tòa liên tục ngắt lời luật sư biện hộ của bà khi ông đang cố gắng bào chữa vô tội cho bà. Cuối cùng thẩm phán đã kết án bà Ngô một năm tù giam.

Sau khi bà Ngô trở về nhà vào ngày 27 tháng 10 năm 2019, cảnh sát đã lắp đặt các camera giám sát tại nhà riêng của bà để giám sát bà. Các nhân viên của ủy ban cư dân địa phương cũng liên tục sách nhiễu bà Ngô.

Vào ngày 25 tháng 3 năm 2020, một nhân viên của Tòa trung cấp Thành phố Sán Đầu đã gọi điện cho chồng bà và yêu cầu ông nộp 2.000 Nhân dân tệ tiền phạt. Khi ông từ chối tuân thủ thì nhân viên này đã đe dọa tịch thu nhà họ và đem đi đấu giá.

Sự việc này đã gây áp lực tinh thần to lớn đối với bà Ngô. Tình trạng sức khỏe của bà xấu đi nhanh chóng. Bà qua đời vào ngày 4 tháng 4, mười ngày sau khi tòa án hăm dọa.

Các báo cáo liên quan:

747 học viên Pháp Luân Công bị nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 3 năm 2020

33 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin của họ trong thời gian phong toả vì virus corona ở Trung Quốc


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/4/17/403955.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/4/20/184117.html

Đăng ngày 16-05-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share