Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc

[MINH HUỆ 03-03-2021] Cô Từ Thiệu Quỳnh là một giáo viên tiểu học trẻ tuổi ở thành phố Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên. Vào ngày 14 tháng 7 năm 2019, cô đến thăm ông Hoàng Bưu đúng vào lúc cảnh sát đang lục soát nơi ở của ông Hoàng, nên cảnh sát đã bắt giữ cả hai người chỉ vì họ có đức tin vào Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Cả cô Từ, ông Hoàng và năm cư dân địa phương khác đều bị Tòa án thành phố Tây Xương kết án từ sáu tháng đến năm năm vào ngày 9 tháng 12 năm 2020. Cô Từ bị kết án 14 tháng tù và phạt 5.000 nhân dân tệ. Ông Hoàng bị kết án 5 năm tù và phạt 20.000 nhân dân tệ.

Vào tháng 2 năm 2021, cô Từ đã đệ đơn kháng cáo lên Tòa án Trung cấp châu Lương Sơn và yêu cầu có một phiên xét xử công khai về vụ việc của cô. Dưới đây là chi tiết về kháng cáo của cô.

Sự vi phạm thủ tục pháp lý của cảnh sát

Trong kháng cáo của mình, cô Từ đã chỉ ra việc cảnh sát vi phạm các thủ tục pháp lý trong quá trình xử lý vụ án của cô.

Trước hết, cảnh sát lục soát nhà của cô và tịch thu tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của cô mà không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào. Khi nhân viên Trần Liên yêu cầu chồng cô ký vào danh sách những đồ vật bị tịch thu, chồng cô đã nhận thấy một số điểm khác biệt giữa những gì trong danh sách và những gì thực sự đã bị cảnh sát lấy đi. Trần từ chối sửa lại những chỗ khác biệt và buộc chồng của cô Từ phải ký tên mà không cung cấp cho anh một bản sao của danh sách. Mặc dù vụ khám xét xảy ra vài ngày sau cuộc đổ bộ của cảnh sát, Trần vẫn lệnh cho chồng cô Từ phải ghi ngày đó vào trong danh sách các đồ vật bị tịch thu.

Theo luật định, chỉ các cơ quan chứng thực bằng chứng pháp y độc lập mới có thẩm quyền đưa ra ý kiến ​​về việc liệu một số bằng chứng có thể được sử dụng làm bằng chứng truy tố đối với bị cáo hay không. Cô Từ chỉ ra rằng trong vụ việc của cô, cảnh sát đã đóng nhiều vai trò, vừa là cơ quan bắt giữ, cơ quan điều tra và cơ quan giám định chứng cứ. Họ đưa ra ý kiến ​​khẳng định rằng các đồ vật liên quan đến Pháp Luân Công bị tịch thu từ nhà cô là “tài liệu tuyên truyền”.

“Cho phép cảnh sát làm điều này thì đồng nghĩa là họ được trao toàn quyền hình sự hóa bất kỳ ai mà họ bắt giữ”, cô viết. Cô yêu cầu thẩm phán của tòa án cấp cao hơn bác bỏ bằng chứng được cảnh sát “xác thực và giám định”.

Sự mâu thuẫn trong lời khai của các nhân chứng

Cô Từ cũng viết rằng cảnh sát buộc tội cô chia sẻ các tài liệu Pháp Luân Công với Hồ Thành Anh. Nhưng theo lời kể của nhân chứng do Vương Đức Luân và Hồ cung cấp, Hồ không biết địa chỉ của cô Từ. Vì vậy, Hồ không thể đến nhà cô hai lần để copy các tài liệu bản mềm từ tệp dữ liệu của cô như cảnh sát đã nêu trong hồ sơ vụ án.

Bản thân Hồ cũng xác nhận rằng anh ta có được tài liệu điện tử từ một người đàn ông khoảng 60 tuổi chứ không phải là cô Từ. Mặt khác, các tài liệu mà Hồ có cũng khác với các tài liệu mà cô Từ lưu trong máy tính của mình.

Cô Từ nói thêm rằng trong khi cô bị cảnh sát thẩm vấn vào ngày 18 tháng 8, cảnh sát đã yêu cầu cô cung cấp lời khai giả chống lại một học viên khác là bà Chu Tiên Dung. Cô đã vô cùng sợ hãi trước sự tra tấn và phải làm theo yêu cầu của cảnh sát. Cô nghi ngờ Hồ cũng bị cảnh sát đe dọa và buộc phải đưa ra lời khai giả để chống lại cô. Cô đã yêu cầu Hồ ra tòa trong phiên xét xử của mình để chấp nhận việc đối chất nhưng đã bị thẩm phán từ chối.

Không có cơ sở pháp lý cho cuộc bức hại

Cô Từ đã bị kết án với tội danh “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật.” Cô bác bỏ các cáo buộc, vì cô chưa bao giờ tham gia vào bất kỳ giáo phái nào hoặc phá hoại việc thực thi pháp luật.

Cô nói trong đơn kháng cáo của mình rằng ngay cả khi cô sở hữu và phân phát các sách Pháp Luân Công và các tài liệu liên quan, cô không vi phạm pháp luật và không thể sử dụng các tài liệu này làm bằng chứng truy tố chống lại cô. Cô đã viện dẫn một thông báo của Tổng Cục Báo chí và Xuất bản Trung Quốc, cơ quan này đã thu hồi lệnh cấm xuất bản sách Pháp Luân Công vào năm 2011.

Cô hỏi thẩm phán phiên tòa làm thế nào mà việc cô sở hữu tài liệu Pháp Luân Công lại có thể phá hoại việc thực thi pháp luật hoặc gây hại cho bất kỳ ai trong xã hội, như cáo buộc của công tố viên.

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, cô chỉ ra rằng không có luật nào hình sự hóa Pháp Luân Công ở Trung Quốc, cũng như Pháp Luân Công không nằm trong danh sách tà giáo do Bộ Công an nhận định.

Cô Từ đã viết trong đơn kháng cáo của mình: “Pháp Luân Công là chính tín dạy các tiêu chuẩn phổ quát ‘Chân, Thiện, Nhẫn.’ Pháp Luân Công không phải là tà giáo. Trên thực tế, không ai trong thế giới ngày nay coi Cơ đốc giáo là tà giáo, nhưng Cơ đốc giáo đã bị bức hại trong 300 năm đầu tiên trong lịch sử của nó, và đây là một bài học giáo huấn cho nhân loại”.

Bài liên quan:

Bảy cư dân ở Tứ Xuyên bị kết án tù, gia đình vô cùng thống khổ

Sáu học viên Pháp Luân Công và người chồng của học viên bị xét xử phi pháp

Bốn cư dân Tứ Xuyên bị truy tố vì kiên định đức tin đã đệ đơn khiếu nại yêu cầu hủy bỏ bản cáo trạng

Sáu học viên Pháp Luân Công và chồng của một học viên đối mặt với phiên tòa

Tỉnh Tứ Xuyên: 64 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ trong hai tuần

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/3/3/被枉判一年多-四川女教师徐绍琼上诉-421579.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/3/26/191577.html

Đăng ngày 25-04-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share