Bài viết của Đường Ân

[MINH HUỆ 18-11-2018] Ông Đổng Gia Hồng, chủ tịch điều hành Bệnh viện Thanh Hoa, Trường Canh của Bắc Kinh, cũng là cựu giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đã bị từ chối tham gia Hội nghị Thượng đỉnh và Đầu tư Đổi mới Trung Quốc – Israel vì bị tình nghi đã tham gia cưỡng bức thu hoạch nội tạng của các tù nhân lương tâm Trung Quốc.

Hội nghị cấp cao này do chính phủ Trung Quốc và Israel tổ chức tại Haifa, thành phố lớn thứ ba của Israel, từ ngày 18 đến 20 tháng 11 năm 2018. Cũng như sáu hội nghị trước đó, thành phần tham gia hội nghị này gồm có nhân viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Israel và các quan chức từ chính quyền địa phương Haifa và chính phủ Israel, cũng như các chuyên gia và doanh nhân trong các lĩnh vực khoa học đời sống, an ninh mạng và trí tuệ nhân tạo.

Ông Đồng dự định tham dự hội nghị với tư cách chuyên gia y tế, song tổ chức Hợp tác Kinh tế Haifa (HEC) đã rút lời mời ông này dưới áp lực của Liên minh Quốc tế về Chấm dứt nạn Lạm dụng Cấy ghép ở Trung Quốc (ICETAC) và các nhóm khác. ICETAC là một liên minh toàn thế giới gồm các luật sư, học giả, nhà đạo đức, chuyên gia y tế, các nhà nghiên cứu và những người ủng hộ nhân quyền chuyên hoạt động nhằm chấm dứt nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc.

Mối quan hệ giữa ông Đồng và Bệnh viện Quân y Trung Quốc

Chuyên môn của ông Đổng Gia Hồng là phẫu thuật gan và ghép gan. Ông ta là ủy viên của Hiệp hội Cấy ghép Trung Quốc. Cùng với cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Hoàng Khiết Phu, Đồng là bác sỹ phẫu thuật hàng đầu trong lĩnh vực cấy ghép.

Ông Đồng bị Tổ chức Thế giới Điều tra cuộc Bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG) đưa vào danh sách bị tình nghi tham gia cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Một báo cáo nghiên cứu của WOIPFG cho thấy Đồng là bác sỹ phẫu thuật chính cho hơn 700 ca ghép gan. Từ tháng 2 năm 1999 đến tháng 2 năm 2007, ông này đã tham gia vào 407 vụ thu hoạch gan từ “người hiến tạng” tại Bệnh viện Tây Nam, bệnh viện đầu tiên liên kết với Đại học Y khoa Quân đội, trước đây được gọi là Đại học Quân y III.

Bệnh viện Đa khoa Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, còn được gọi là Bệnh viện 301 mà Đồng từng là viện trưởng, đã tham gia sâu vào việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng các tù nhân lương tâm, chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công. Từ năm 1977 đến tháng 8 năm 2009, bệnh viện này đã thực hiện hơn 2.159 ca cấy ghép. Ngày 23 tháng 5 năm 2007, Bộ Y tế Trung Quốc đã nâng cấp bệnh viện này thành bệnh viện chuyên ghép gan và thận.

Cuộc đàn áp Pháp Luân Công và cưỡng bức thu hoạch nội tạng

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999. Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo chính quyền cộng sản, đã ra lệnh “hủy hoại thân thể, bôi nhọ thanh danh, và vắt kiệt tài chính của các học viên Pháp Luân Công.”

Khi nhu cầu cấy ghép tạng gia tăng, cảnh sát vũ trang, quân đội và bệnh viện ở Trung Quốc đã tìm ra cách mới để kiếm tiền, đó là giết các tù nhân lương tâm để lấy nội tạng. Vì chính sách tiêu diệt Pháp Luân Công được triển khai trên toàn quốc nên những kẻ tham gia vào tội ác thu hoạch tạng không phải chịu hậu quả gì. Đến năm 2006, tin tức về cưỡng bức thu hoạch nội tạng mới được đưa ra.

Theo báo cáo Thu hoạch đẫm máu: Thu hoạch nội tạng của các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc (Báo cáo sửa đổi) của ông David Kilgour và David Matas, giá nội tạng cho người nước ngoài dao động từ 30.000 USD cho giác mạc đến 180.000 USD cho một ca ghép gan / thận.

Các học viên Pháp Luân Công chiếm đa số nạn nhân bị thu hoạch nội tạng, vì họ là nhóm tù nhân lương tâm lớn nhất, hơn nữa còn có sức khỏe rất tốt nhờ lối sống lành mạnh khi tu luyện Pháp Luân Công.

Hàng ngàn cuộc gọi điện thoại điều tra do WOIPFG thực hiện cho thấy nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng bắt nguồn từ mệnh lệnh trực tiếp của Giang Trạch Dân. Giang chính là kẻ chỉ thị việc “quân sự hóa và thương mại hóa” việc giết hại các học viên Pháp Luân Công để lấy nội tạng.

Cục Hậu cần Quân đội Giải phóng Nhân dân là tổ chức hạt nhân của hoạt động thu hoạch nội tạng, phụ trách việc quản lý và phân bổ “người hiến tạng” – chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ – làm mục tiêu cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Quân đội của ĐCSTQ và các bệnh viện cảnh sát vũ trang đã trở thành các bệnh viện chính thực hiện cấy ghép nội tạng.

Phản ứng của cộng đồng quốc tế

Kể từ khi tin tức về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng bị tung ra vào năm 2006, các tổ chức phi chính phủ, các chính phủ, các công ty dược phẩm và cộng đồng y tế quốc tế đã chú ý và có hành động để giải quyết vấn đề này.

Báo cáo thường niên năm 2018 của Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc (CECC) đã bày tỏ quan ngại về hiện tượng “nhiều ca cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc sử dụng nội tạng của các tù nhân bị giam giữ, trong đó có các học viên Pháp Luân Công.”

Tháng 6 năm 2016, Hạ viện Mỹ đã nhất trí thông qua Nghị quyết 343 (H. Res.343). Nghị quyết bày tỏ lo ngại về việc mua bán nội tạng của tù nhân lương tâm không tự nguyện ở Trung Quốc, gồm cả “số lượng lớn các học viên Pháp Luân Công và tín đồ của các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số khác.”

Hạ viện Hoa Kỳ ghi nhận rằng chính phủ Trung Quốc tiếp tục “phủ nhận các báo cáo cho thấy nhiều nội tạng bị thu hoạch mà không có sự đồng thuận của các tù nhân, đồng thời còn cản trở việc xác minh độc lập hệ thống cấy ghép của nước này”, đồng thời phủ nhận việc “hệ thống cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc không không tuân thủ yêu cầu minh bạch và truy xuất nguồn gốc của Tổ chức Y tế Thế giới trong lộ trình mua bán nội tạng.” Trong các khuyến nghị của nghị quyết H.Res.343, có yêu cầu Hạ viện khuyến khích cộng đồng y khoa Hoa Kỳ giúp nâng cao nhận thức về nạn cấy ghép tạng phi đạo đức ở Trung Quốc.

Tháng 12 năm 2013, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết nhằm lên án và kêu gọi chấm dứt nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc, chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công.

Tại Đại hội Quốc tế thứ 23 của Hội cấy ghép ở Vancouver, Canada, người tham dự bày tỏ quan ngại sâu sắc về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công. Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi các công ty dược phẩm ngừng thí nghiệm lâm sàng các loại thuốc chống đào thải nội tạng ở Trung Quốc. Theo một báo cáo ra ngày 15 tháng 8 năm 2010, công ty dược phẩm toàn cầu Novartis đã công bố rằng họ đang đình chỉ hoạt động này và sẽ thống nhất tất cả các công ty dược về vấn đề này.

Tháng 9 năm 2010, tại Hội nghị Hiến Tạng châu Âu ở Cardiff, xứ Wales, vấn đề giết hại các học viên Pháp Luân Công theo yêu cầu để lấy nội tạng cũng thu hút sự chú ý. Kể từ đó, hội nghị này không còn mời các bác sỹ phẫu thuật Trung Quốc tham dự nữa.

Cô Ann, một người Trung Quốc nhập cư ở bang Pennsylvania, đã vấp phải những câu hỏi mới được đưa vào cuộc phỏng vấn xin Thẻ Xanh như: “Bạn đã gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa? Bạn đã tham gia bức hại các học viên Pháp Luân Công chưa? ”Đây là trường hợp đầu tiên được báo cáo là các cán bộ di trú Mỹ hỏi trực tiếp về những vấn đề cụ thể của một người nhập cư Trung Quốc.

Tháng 6 năm 2011, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cập nhật mẫu đơn xin thị thực không di dân. Sáu câu hỏi mới đã được thêm vào mục An ninh và Thông tin Cơ bản của Mẫu đơn DS-160. Một trong sáu câu hỏi đó là: “Bạn đã bao giờ trực tiếp tham gia cấy ghép nội tạng hay mô người chưa?”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/11/18/377311.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/11/20/173325.html

Đăng ngày 24-11-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share