Bài viết của Anh Tử, phóng viên Minh huệ tại Ottawa

[Minh Huệ 14-12-2018]

Để kỷ niệm ngày Nhân quyền Quốc tế lần thứ 70, ngày 12 tháng 12 năm 2018, văn phòng “Nhân quyền, Tự do và Khoan dung” của chính phủ Canada đã tổ chức một diễn đàn do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chrystia Freeland làm chủ tọa.

Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Canada được mời đến diễn đàn. Ông Lý Tấn, chủ tịch hiệp hội, đã đệ trình Bộ Ngoại giao một danh sách 14 quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là thủ phạm chính của những vi phạm nhân quyền. Danh sách này bao gồm những quan chức đương nhiệm cũng như đã bãi nhiệm, trong đó có Giang Trạch Dân, cựu Tổng bí thư ĐCSTQ.

Kèm theo danh sách này là một bức thư kêu gọi chính phủ Canada xử phạt những kẻ vi phạm nhân quyền theo Đạo luật về Nạn nhân của các Quan chức Tham nhũng Nước ngoài, còn được gọi là Đạo luật Magnitksy.

Vi phạm công ước quốc tế

Bức thư đã chỉ ra rằng, danh sách các quan chức là thủ phạm của những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, bao gồm tra tấn và giết người phi pháp, đối với những người muốn tập luyện và bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, ngôn luận, và tư tưởng của họ, theo khoản 4(2) của Đạo luật Magnitksy. Những vi phạm được nêu tập trung vào cuộc bức hại do ĐCSTQ phát động nhắm vào Pháp Luân Công và những người tu luyện pháp môn này. Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện Phật gia cổ truyền của Trung Hoa dựa trên nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.

Cuộc bức hại này vi phạm luật pháp Trung Quốc cũng như Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị mà Trung Quốc đã ký. Những hành động tàn ác được thực hiện bởi một tổ chức ngoài pháp luật của ĐCSTQ, giống như Gestapo, gọi là Phòng 610.

Cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ là tội ác quy mô lớn và đã được chính quyền các nước cũng như các tổ chức phi chính phủ trên toàn cầu ghi nhận. Trong khi rất nhiều quan chức của ĐCSTQ trên toàn Trung Quốc là thủ phạm của chiến dịch này, danh sách đệ trình này chỉ nêu tên một vài thủ phạm.

Các lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc nằm trong danh sách vi phạm nhân quyền

Các quan chức được nêu trong danh sách vì mức độ tham gia và vai trò chỉ huy của họ trong những tội ác nhân quyền tàn bạo này. Những vi phạm này nghiêm trọng và phổ biến đến mức đã trở nên khét tiếng và tượng trưng cho vi phạm nhân quyền. Những người lập danh sách này tin rằng sự trừng phạt đối với những cá nhân này là điều đúng đắn nhất và có hiệu quả nhất trong việc thúc đẩy sự nghiệp vì công bằng và nhân quyền quốc tế.

Phần lớn những người bị nêu trong danh sách này không còn đương chức. Một số trong đó đã từng bị xét xử vì những vi phạm nhân quyền của họ, như Giang Trạch Dân và La Cán đã bị truy tố ở Argentina vì vai trò của họ trong các tội ác nhân quyền đối với các học viên Pháp Luân Công, cũng nằm trong danh sách truy nã của nước này. Hai cựu quan chức này, cùng với Bạc Hy Lai và Ngô Quan Chính cũng bị truy tố ở Tây Ban Nha vì tham gia vào tội ác diệt chủng và tra tấn Pháp Luân Công. Ngoài ra, Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai đều đã bị kết án tù chung thân ở Trung Quốc vì tội tham nhũng. Danh sách này cũng bao gồm những người đã bị đương kim lãnh đạo của Trung Quốc trừng phạt dưới danh nghĩa bề mặt là lý do chính trị.

Phơi bày tội ác và những khuất tất

Bức thư cho biết, bộ tài liệu đi kèm được xây dựng dựa trên cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng, dày công suốt 18 năm nhằm hỗ trợ Bộ Ngoại giao ra quyết định theo Đạo luật Magnitksy. Những tài liệu này trình bày chi tiết về các chứng cứ, bộ máy của cuộc đàn áp, dây chuyền mệnh lệnh, tội ác chống lại nhân loại trong những tình huống cụ thể, và sự tham gia của từng cá nhân. Chúng đại diện cho sự can đảm và nỗ lực kiên định nhằm phơi bày những tội ác bị che giấu ở Trung Quốc và bóc trần mọi mặt của cuộc đàn áp, từ tra tấn và giết hại phi pháp tại các trại tạm giam đến thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở các bệnh viện quân y và bệnh viện dân sự ở Trung Quốc.

Tại buổi họp báo, ông Lý Tấn, chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp, đã trích dẫn một trường hợp công dân Canada, bà Tôn Thiến, bị giam ở Trung Quốc 21 tháng nay chỉ vì bà tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Ông cũng nêu tên của 11 công dân Canada hoặc người nhà của họ bị bắt giữ ở Trung Quốc vì họ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Theo ông Peter Kent, một nghị sỹ quốc hội, cũng là chủ tịch của Hiệp hội những Người bạn của Pháp Luân Công, các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc ngày càng tồi tệ và thế giới cần phải dùng Đạo luật Magnitsky nhiều hơn, vì “Đạo luật này đã chứng tỏ là một công cụ hữu hiệu để trừng phạt những kẻ liên quan đến vi phạm nhân quyền.”

Đạo luật Trừng phạt Magnitsky

Đây không phải là hành động đầu tiên nhắm vào các vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ. Ngày 3 tháng 12, ông Michael Danby, một nghị sỹ của Đảng Lao động Úc, đã trình bày trước Quốc hội về Đạo luật Quốc tế về Nhân quyền và Tham nhũng 2018 (còn gọi là Đạo luật Trừng phạt Magnitsky).

Đạo luật này đưa ra một thông điệp rõ ràng đối với những kẻ vi phạm nhân quyền rằng, những tội ác mà họ gây ra sẽ phải đối mặt với việc điều tra bởi xã hội quốc tế.

Đạo luật Magnitsky đã trở thành luật ở Hoa Kỳ, Canada, và Vương quốc Anh. Nếu Úc thông qua đạo luật này, những người vi phạm nhân quyền sẽ bị cấm nhập cảnh vào Úc, bị đóng băng tài sản, và con của họ sẽ bị cấm học ở các trường đại học và cao đẳng ở Úc.

Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Trách nhiệm Giải trình về Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu vào năm 2016. Tổng thống Trump đã ký một lệnh hành chính để xử phạt 13 quan chức nước ngoài vi phạm nhân quyền và tham nhũng vào ngày 21 tháng 12 năm 2017.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Mnuchin cho biết, Kho bạc Hoa Kỳ sẽ đóng băng tài sản của họ, công khai lên án tội ác họ đã gây ra, và buộc họ phải trả giá đắt cho những sai phạm của họ.

Việc tái xác nhận Đạo luật Magnitsky ở Úc và Canada gần đây chắc chắn khiến những quan chức dính líu tới cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc phải chấn động. Họ sẽ phải chịu trách nhiệm cho những hành động của mình khi vi phạm luật nhân quyền quốc tế.

Những kẻ vi phạm nhân quyền, từ những nhà lập pháp cho đến các cán bộ thực thi mệnh lệnh, cuối cùng sẽ phải đối mặt với việc hầu tòa và bị lên án.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/12/14/78436.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/12/24/173742.html

Đăng ngày 29-12-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share