Bài viết của các phóng viên báo Minh Huệ tại Úc và New Zealand
[MINH HUỆ 4-10-2018] Triển lãm “Tiêu bản Người” tại Công viên Giải trí Moore Park ở Sydney phải đóng cửa sớm vào ngày 16 tháng 9 năm 2018. Cuộc triển lãm này gây ra sự phản đối kịch liệt trong công chúng trước những quan ngại về đạo đức rằng những thi thể đó có thể là của những công dân Trung Quốc không tự nguyện.
Yêu cầu xét nghiệm DNA
Hôm cuối cùng của triển lãm, hội những người Úc phản đối Triển lãm Thi thể và các nhóm khác đã tổ chức một cuộc họp báo kêu gọi điều tra và yêu cầu tiến hành xét nghiệm DNA trên các tiêu bản người được trưng bày. Tiêu bản hóa là quá trình làm săn chắc cơ thể người rồi tiêm silicon lỏng vào xác thịt để bảo quản nó.
Tiến sỹ Hoàng Vạn Thanh, một người Mỹ gốc Hoa đến từ thành phố New York, đã có mặt tại buổi họp báo để kiến nghị với các nhà chức trách Úc tiến hành điều tra nguồn gốc của các thi thể, vì ông cho rằng một số tiêu bản có thể là từ người anh trai Hoàng Hùng của ông đã mất tích ở Trung Quốc.
Tiến sỹ Hoàng Vạn Thanh giương tấm ảnh của người anh trai đã mất tích
Anh trai của tiến sỹ Hoàng, Hoàng Hùng, đã bị đưa vào trại lao động của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chỉ vì thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, khi ĐCSTQ phát động cuộc bức hại trên cả nước. Lần cuối cùng tiến sỹ Hoàng Vạn Thanh nghe tin về anh trai của mình vào ngày 19 tháng 4 năm 2003, khi đó, người anh bị giam trong trại lao động hoặc đang chạy trốn khỏi cuộc bức hại.
Được khích lệ sau khi đọc câu chuyện của tiến sỹ Hoàng Vạn Thanh, bà Khúc Tiểu Kiệt ở Hoa Kỳ đã lên tiếng kêu gọi tìm kiếm người anh trai mất tích của mình trong triển lãm. Anh trai của bà, ông Khúc Thiện Minh, là học viên Pháp Luân Công và cựu kỹ sư của Học viện Nghiên cứu Kỹ thuật Tên lửa Trung quốc. Ông bị sa thải khỏi chức vụ của mình vào tháng 12 năm 1999 chỉ vì ông tu luyện Pháp Luân Công, và đã mất tích ở Bắc Kinh từ tháng 11 năm 2003. Kể từ đó, vợ và con gái ông đã không thể tìm thấy ông. Mặc dù Tiểu Kiệt và cha mẹ bà đang sống ở Hoa Kỳ, nhưng họ vẫn chưa dám điều tra công khai vì sợ bị ĐCSTQ trả thù.
Luật sư Nhân quyền: Triển lãm Thi thể minh chứng cho nạn buôn bán nội tạng ở Trung Quốc
Ông David Matas, người được đề cử Giải Nobel Hòa bình và luật sư nhân quyền quốc tế, tại cuộc họp báo ở Sydney
Ông David Matas, luật sư nhân quyền nổi tiếng người Canada và đồng sáng lập Liên minh Quốc tế về Chấm dứt Nạn lạm dụng Cấy ghép tạng tại Trung Quốc (ETAC), đã từ Canada đến để phát biểu tại buổi họp báo ở Sydney.
Ông Matas, đồng tác giả cuốn sách Thu hoạch đẫm máu/Sự tàn sát: Bản cập nhật với ông David Kilgour, cựu Quốc vụ khanh Canada phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, và ông Ethan Gutmann, nhà báo điều tra của Mỹ. Báo cáo trên 600 trang này được phát hành vào ngày 22 tháng 6 năm 2016. Ông cho hay có bằng chứng thuyết phục rằng các học viên Pháp Luân Công bị giết để làm tiêu bản và lấy nội tạng, và triển lãm xác chết này là một hình thức minh chứng khác của nạn buôn bán nội tạng.
Ở các thành phố khác, những triển lãm tương tự về tiêu bản người cũng đã bị cấm, ông David Matas phát biểu tại cuộc họp báo. Ông giải thích rằng các triển lãm thi thể có nguồn gốc từ Trung Quốc đã bị cấm bởi pháp chế ở Pháp, Israel, Hawaii và Seattle, Hoa Kỳ. Cộng hòa Séc cũng thông qua đạo luật để đảm bảo rằng các cuộc triển lãm như vậy sẽ không hợp pháp nếu không có sự thông qua của nhà tài trợ.
“Tại Úc, các triển lãm loại này là hợp pháp hoặc phi pháp. Nếu chúng là phi pháp, thì hiển nhiên là pháp luật cần được thi hành. Còn nếu chúng là hợp pháp, thì luật pháp đã có sơ hở”, ông phát biểu tại cuộc họp báo.
Ông Matas nói thêm rằng trong con mắt của pháp luật: “Nó không thực sự xuất hiện trong dân chúng vì sẽ bị cho rằng nguồn cung cấp các thi thể là không phù hợp. Thay vào đó, nó xuất hiện trong triển lãm để chứng tỏ rằng nguồn cung ứng cho các thi thể là có cơ sở. Nhưng họ đã không cho phép, và đó là một vấn đề.” Ông đề cập rằng các tiêu bản người đó thể hiện cho chúng ta thấy ngay sự lạm dụng một cách tùy tiện đối với các nạn nhân.
Truyền thông và mọi giới trong xã hội Úc chú ý tới cuộc bức hại
Ngay sau khi triển lãm này mở cửa, giới truyền thông, các tổ chức và các nhóm nhân quyền đã có phản ứng dữ dội. Mối quan ngại chung của họ là các thi thể không đến từ những người tự nguyện hiến tặng, và có thể là các học viên Pháp Luân Công bị bức hại. Họ kêu gọi chính phủ điều tra và đóng cửa triển lãm này.
Kênh tin tức truyền thông Úc, news.com.au, đưa tin “mối quan ngại sâu sắc về các thi thể không được tự do tự nguyện hiến tặng”, theo lời bà Sophia Bryskine, người phát ngôn của Hiệp hội các Bác sỹ Chống Thu hoạch Nội tạng (DAFOH). “Nguồn gốc của những thi thể này đã được xem xét và được cho là đến từ Trung Quốc – những tử tù, hoặc theo các nhà điều tra độc lập, họ nghi ngờ rằng đó là từ các tù nhân lương tâm bị tra tấn: mà khả năng cao là các học viên Pháp Luân Công.”
Tờ The Sun đã công bố một báo cáo có tiêu đề “Các xác chết được sử dụng trong “Triển lãm Tiêu bản người ” gây sợ hãi được cho là thuộc về các tù nhân chính trị Trung Quốc bị tra tấn và bị giết hại” vào ngày 9 tháng 4.
Ngày 11 tháng 4, tờ Daily Mail đưa tin “Triển lãm bị cáo buộc đã sử dụng xác chết của các tù nhân chính trị Trung Quốc, chết vì bị bức hại, trong trưng bày gây sốc về ‘Tiêu bản người’”.
Ngày 24 tháng 4, nhật báo The Guardian đăng bài “Kêu gọi đóng cửa triển lãm Tiêu bản người vì sợ rằng có sử dụng xác của các tử tù.”
Một bài báo có tiêu đề “Kêu gọi chính phủ ngăn cấm ‘Triển lãm Tiêu bản người’” trên tờ The Sydney Morning Herald đưa tin “12 chuyên gia nhân quyền đã ký một bức thư ngỏ gửi Thủ tướng Malcolm Turnbull và Bộ trưởng Y tế bang New South Wales, Brad Hazzard, để bày tỏ mối quan ngại của họ về nguồn cung cấp của triển lãm. Nhóm các luật sư và các học giả ở Đại học Sydney tuyên bố có bằng chứng cho thấy triển lãm đang sử dụng thi thể của các tù nhân Trung Quốc bị hành quyết, kể cả tù nhân chính trị. ”
Ngày 26 tháng 4, BBC Úc công bố một báo cáo có tiêu đề “’Triển lãm Tiêu bản người’ gây tranh cãi tại Úc”, trong đó giáo sư Maria Fiatarone Singh ở Trường Y khoa của Đại học Sydney, nói với BBC rằng nguồn gốc của các thi thể đến từ thành phố Đại Liên rất đáng quan tâm. Bà mô tả Đại Liên là “tâm chấn” của việc hành quyết các tù nhân liên quan đến Pháp Luân Công – môn tu luyện đang bị đàn áp ở Trung Quốc.
Các Luật sư Nhân quyền Úc (ALHR), Hiệp hội Luật sư New South Wales, cùng với các chuyên gia y tế, học giả và các tổ chức dân sự khác, đã gửi một bức thư ngỏ tới Thủ hiến bang New South Wales, bà Gladys Berejiklian, nhằm kêu gọi điều tra ngay về triển lãm ‘Tiêu bản người’.
Theo các chuyên gia pháp lý và y tế nêu trong bức thư, “… bằng chứng đáng tin cậy cho thấy thi thể và nội tạng tại các cuộc triển lãm có thể là của các tù nhân lương tâm bị hành quyết, bao gồm các học viên Pháp Luân Công và người Ngô Duy Nhĩ, hiện có hơn một triệu người đang bị giam giữ ở Trung Quốc”, trích dẫn từ bản cập nhật của hai cuộc điều tra độc lập chi tiết về các cáo buộc của nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc.
Kháng nghị của cộng đồng
Ông bà Grace (thứ hai và thứ nhất từ trái sang) cầm các bảng kháng nghị phản đối triển lãm ‘Tiêu bản người’
Triển lãm đã được ông bà Grace, những người Úc theo đạo Cơ đốc, quan tâm kháng nghị. Khi họ phát hiện ra triển lãm này trên mạng, họ liền in ngay tờ rơi kêu gọi đóng cửa nó. Hai ông bà từ Adelaide đến Sydney vào ngày triển lãm mở cửa. Ông Grace đã cầm bảng kháng nghị bên ngoài phòng triển lãm vào những ngày ông được nghỉ làm. Hai ông bà còn phân phát tờ rơi ở các khu dân cư gần đó.
Ông Grace cho biết triển lãm xác chết là một sự xúc phạm đối với nhân loại. Ông đã trò chuyện với nhiều người đến thăm triển lãm. Một số người trong số họ không thể cầm được nước mắt khi ra khỏi phòng triển lãm. Họ cho hay họ không biết cuộc triển lãm lại là như vậy.
Ông Grace cho rằng nếu không chấm dứt loại triển lãm này hay không chú ý đến việc giết hại các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc thì nạn giết người còn tiếp tục diễn ra. Ông muốn được thấy triển lãm này đóng cửa và sẽ tiếp tục theo dõi những gì đang xảy ra ở Trung Quốc.
Ông Geoff, học viên Pháp Luân Công, trò chuyện với một người qua đường về cuộc bức hại Pháp Luân Công
Học viên Pháp Luân Công Geoff đã liên tục nói với mọi người về Pháp Luân Công bên ngoài phòng triển lãm. Ông nói: “Chúng tôi nhận được phản hồi đáng khích lệ từ công chúng. Nhiều người đi qua đã tìm hiểu về Pháp Luân Công. Nhiều tài xế bấm còi, một số người còn giơ ngón tay cái lên để thể hiện sự ủng hộ của họ. Một số vẫy tay chào chúng tôi. Có hôm, một chiếc xe buýt dừng lại trước mặt tôi và mở cửa ra dù đó không phải là trạm xe buýt. Tôi nghĩ người lái xe muốn tìm hiểu xem là có chuyện gì, nhưng anh ấy đã cho tôi một thanh sô cô la. Tôi đã cảm ơn anh ấy. Người tài xế nói: ‘Tôi nên cảm ơn anh! Cảm ơn vì anh đã vất vả mỗi ngày!’ Hành khách trên xe buýt mỉm cười với tôi. Nhiều người trong số họ vẫy tay chào chúng tôi khi xe buýt chuyển bánh.”
Bà Josephine Wolansky, nhà ủng hộ nhân quyền, đứng cùng những người kháng nghị triển lãm
Bà Josephine Wolansky, nhà ủng hộ nhân quyền, nói với các học viên Pháp Luân Công rằng bà đã chú ý đến sự việc này. Bà cho rằng cuộc triển lãm thật khủng khiếp và hoàn toàn sai lầm khi trưng bày xác chết. Bà biết chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ các học viên Pháp Luân Công vô tội và đưa họ đi chuyển hóa trong các trại lao động. Bà cho hay cuộc triển lãm cho mọi người biết đến chân tướng về cuộc bức hại nhiều hơn. Bà dự định sẽ lên mạng để ký một bản thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công.
Cô Sapphire Chalmers bị sốc khi biết rằng triển lãm trưng bày các tiêu bản người
Cô Sapphire Chalmers, một y tá địa phương, cho hay cô bị sốc khi biết rằng triển lãm này trưng bày xác chết. Cô hiểu những người đó đã phải chết một cách đau đớn ra sao. Tệ hơn nữa, thi thể của họ còn bị lạm dụng để kiếm lời. Cô cho rằng bất cứ ai tổ chức cuộc triển lãm này cũng chẳng khác gì tội phạm. Cô Chalmers dự định sẽ ký tên vào đơn thỉnh nguyện trên mạng để phản đối cuộc triển lãm này và truyền rộng thông tin cho bạn bè của mình.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/10/4/375342.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/10/24/172980.html
Đăng ngày 01-11-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.