Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 13-09-2022] Trong tháng 7 và tháng 8 năm 2022 đã xác nhận có thêm 1.850 học viên Pháp Luân Công bị bắt hoặc bị sách nhiễu vì kiên định đức tin của họ.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Kể từ đó, vô số học viên đã bị bắt, giam giữ, kết án và tra tấn vì kiên định đức tin của họ. Bởi sự phong tỏa thông tin nghiêm ngặt tại Trung Quốc, các trường hợp không thể luôn được báo cáo kịp thời hoặc mọi thông tin không thể luôn có sẵn.
Trong số 1.850 trường hợp mới được báo cáo, có 1.043 người bắt giữ: 41 vụ xảy ra trong năm 2021, 197 vụ trong nửa đầu năm 2022 và 805 vụ trong tháng 7 và tháng 8 năm 2022; 807 vụ sách nhiễu: 29 vụ trong năm 2021, 133 vụ trong nửa đầu năm 2022 và 645 vụ trong tháng 7 và tháng 8 năm 2022.
Các vụ bắt giữ và sách nhiễu thực tế xảy ra trong tháng 7 và tháng 8 năm 2022 chắc chắn còn cao hơn con số được báo cáo ở thời điểm hiện tại (805 và 645). Thậm chí chỉ tính riêng con số hiện tại, số vụ trung bình của tháng 7 và tháng 8 (khoảng 402 vụ bắt giữ và 323 vụ sách nhiễu) đã cao hơn so với con số trung bình của 6 tháng đầu năm (ghi nhận trung bình 173 vụ bắt giữ và 143 vụ sách nhiễu mỗi tháng, theo thông tin thu thập đến ngày 31 tháng 8 năm 2022). Sự gia tăng này là do chính quyền tăng cường bắt giữ các học viên nhằm ngăn họ lên tiếng về cuộc bức hại trước khi Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ diễn ra vào giữa tháng 10 năm nay.
Các vụ bức hại mới được báo cáo phân bố rải rác trên khắp 29 tỉnh và thành phố thuộc trung ương. Hắc Long Giang (394), Sơn Đông (230) và Cát Lâm (227) có số vụ bắt giữ và sách nhiễu cao nhất. Hà Bắc, Tứ Xuyên, Liêu Ninh và Bắc Kinh cũng báo cáo với 3 con số; 17 khu vực khác có 2 con số và 4 khu vực có 1 con số.
Tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Uỷ ban Chính trị và Pháp luật đã sách nhiễu nhiều học viên trong tháng 8 năm 2022, ra lệnh cho họ ký vào các tuyên bố, cam kết “1) không phản Đảng, không phản xã hội chủ nghĩa; 2) không tín Pháp Luân Công; 3) không tuyên truyền Pháp Luân Công”. Chính quyền cố gắng hoàn thành công việc tất cả học viên trong danh sách đen của họ trước Đại hội Đảng.
Ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, một học viên đã bị giam giữ 38 ngày sau khi bị bắt tại nơi làm việc vào ngày 11 tháng 7. Bà thường xuyên bị thẩm vấn và bị giam giữ ở nhiều trung tâm cách ly, gồm một nhà tù cũ của Đức vẫn còn mở cửa cho du khách đến xem. Khi du khách hỏi về những người bị giam ở đó, lính canh trả lời rằng họ là những diễn viên đang tái hiện.
Một học viên khác ở tỉnh Sơn Đông bị cảnh sát mạng bắt giữ tại thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam (cách khoảng 800 km) vào ngày 14 tháng 7 vì gửi thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công trên WeChat (một nền tảng mạng xã hội chủ yếu tại Trung Quốc).
Từ năm 2019, cảnh sát ở tỉnh Hà Nam đã đi khắp đất nước và bắt giữ các học viên truyền rộng thông tin trực tuyến về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Cùng thời điểm ông Lý Sỹ Hải bị bắt, hai người phụ nữ (một ở Thượng Hải và một người khác ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc) đã lần lượt bị một toà án ở Lạc Dương kết án 9,5 năm và 9 năm bởi các hoạt động của họ trên mạng Internet.
Ba học viên khác ở Hồ Bắc, Bắc Kinh và Sơn Đông hiện đang đợi xét xử.
Các học viên bị chính quyền nhắm mục tiêu thuộc mọi thành phần xã hội, gồm các cựu nhân viên chính quyền, giáo sư, quản lý công ty, giáo viên, bác sỹ, kỹ sư và kế toán. Trong đó 138 người (13,1%) bị bắt có độ tuổi từ 60 trở lên: 59 người ngoài 60 tuổi, 59 người ngoài 70 tuổi, 19 người ngoài 80 tuổi và một phụ nữ 98 tuổi; 60 người (7.4%) bị sách nhiễu hơn 60 tuổi, gồm 10 người ngoài 60 tuổi, 21 người ngoài 70 tuổi và 29 người ngoài 80 tuổi.
Tổng cộng 614 học viên bị lục soát nhà, 48 học viên bị tịch thu tổng cộng 611.727 nhân dân tệ tiền mặt, gồm 373.000 nhân dân tệ từ một học viên và 102.970 nhân dân tệ và 2.811 USD từ một học viên khác, 14 học viên lớn tuổi cũng bị treo lương hưu.
Sự bạo lực của cảnh sát thậm chí còn gia tăng trong 2 tháng qua. Một giám đốc nhân sự 70 tuổi về hưu cuả Công ty Điện lực thành phố Chu Khẩu thuộc tỉnh Hà Nam đã qua đời sau 1 ngày bị bắt vào ngày 18 tháng 7, nghi ngờ là bị tra tấn trong lúc ở trong tay canh sát. Một chủ tiệm chụp hình bị trói vào ghế sắt và bị tra tấn 3 ngày. Một cựu giảng viên đại học bị lạm dụng tình dục bởi một chuyên gia tra tấn bằng một “hộp dụng cụ”.
Trẻ em cũng không thoát khỏi cuộc bức hại. Một bé trai 2 tuổi bị thẩm vấn và một bé gái 9 tuổi đã chứng kiến cảnh sát xông vào nhà mình và cũng bị thẩm vấn sau khi bà của bé bị bắt.
Dưới đây là sơ lược về một số hình thức bức hại được báo cáo trong tháng 7 và tháng 8 năm 2022:
Trường hợp tử vong
Một người đàn ông ở tỉnh Hà nam đã bị chết sau một ngày bị bắt vì tu luyện Pháp Luân CôngÔng Lý Quốc Huân là giám đốc nhân sự của Công ty Điện lực thành phố Chu Khẩu ở tỉnh Hà Nam. Ông và vợ là bà Vu Tú Anh bị bắt tại nhà vào ngày 18 tháng 7 năm 2022. Cảnh sát cáo buộc họ phát các tư liệu về Pháp Luân Công và đưa họ đến đồn công an nhằm ngăn họ “gây rối trật tự công cộng” trước Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 vào ngày 18 tháng 10.
Tối hôm sau, cảnh sát nói với bà Vu rằng ông Lý đang ốm nặng (thực tế là ông đã chết). Họ thả bà và ra lệnh cho bà ở yên trong nhà và trả lại chiếc xe máy điện và điện thoại di dộng của hai vợ chồng.
Bà Vu đã rất đau buồn khi biết tin ông Lý đã chết khi con trai bà nói rằng cảnh sát đã gọi điện thông báo rằng bố anh đã chết vì bị đột quỵ. Họ nói đã đưa ông đến nhà tang lễ địa phương. Cảnh sát đã cho hỏa thiêu ông Lý mà không để bà Vu và con trai bà được nhìn ông Lý lần cuối.
Các vụ bắt giữ và sách nhiễu nhóm trước Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20
Từ tháng 7 năm 2022, nhiều vụ bắt giữ theo nhóm đã xảy ra ở Bắc Kinh, Hắc Long Giang, Liêu Ninh, Hà Bắc và Tứ Xuyên. Nhiều cảnh sát tiết lộ rằng đó là lệnh từ cấp trên và mục tiêu là để “duy trì ổn định xã hội” trước Đại hội.
Ở Bắc Kinh, một phụ nữ ngoài 70 tuổi đã bị bắt vào ngày 5 tháng 7 sau khi bị trình báo vì nói với mọi người về Pháp Luân Công. Một cảnh sát Phòng 610 đã giật chìa khoá của bà Trương Tú Phân và xông vào nhà bà. Bà bị gãy xương sống ngực và xương sườn, cũng như gãy xương nén đốt sống thắt lưng sau khi bị cảnh sát đánh đập.
Mười bốn cư dân ở thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang (gồm một cụ bà họ Lý 98 tuổi) đã bị bắt vào ngày 12 tháng 7 năm 2022. Trong hai ngày 11 và 12 tháng 7, 20 học viên khác ở 4 thành phố của tỉnh Hắc Long Giang cũng bị bắt theo lệnh của Phòng 610 Hắc Long Giang.
Theo lời của các cảnh sát tham gia vào các vụ bắt giữ, họ đã nhận một danh sách các học viên từ quan chức cấp tỉnh. Chính quyền đã giám sát và ghi hình các học viên trong 9 tháng. Họ tăng cường giám sát các hoạt động hàng ngày của học viên 1 tuần trước khi tiến hành bắt giữ.
Ngày 13 và 18 tháng 7, thêm hai vụ bắt giữ theo nhóm với số lượng 10 và 9 học viên đã lần lượt xảy ra ở thành phố Bản Khê, tỉnh Liêu Ninh và thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc.
Ở thành phố Vạn Nguyên, tỉnh Tứ Xuyên, Uỷ ban Chính trị và Pháp luật (UBCTPL) đã thi hành một đợt tẩy não mới nhắm vào các học viên Pháp Luân Công địa phương. Trong chiến dịch này, hai nhân viên huộc các cấp khác nhau của UBCTPL đã cùng nhau làm việc với từng học viên. Ủy ban khu phố địa phương và một số người thân của học viên cũng bị lệnh có mặt để hỗ trợ việc tẩy não.
Ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Phòng 610 và UBCTPL đã điều động cả cảnh sát và nhân viên khu dân cư sách nhiễu các học viên.
Họ thường đi theo nhóm 10 người và ra lệnh cho các học viên ký vào các tuyên bố, cam kết “1) không phản Đảng, không phản xã hội chủ nghĩa; 2) không tín Pháp Luân Công; 3) không tuyên truyền Pháp Luân Công”.
Nếu các học viên từ chối hợp tác, cảnh sát sẽ giữ tay họ để điểm chỉ vào các giấy tờ đó. Nhiều học viên cho biết bàn tay và cánh tay của họ bị bầm tím sau khi bị cảnh sát dùng bạo lực. Cảnh sát đe doạ sẽ trả đũa nếu học viên phản ánh hoạt động sách nhiễu lên Minghui.org. Người thân của học viên cũng bị ép phải phối hợp với cảnh sát để thuyết phục họ ký tên.
Trong một số trường hợp, cảnh sát đã lừa các học viên viết những điều tốt về Pháp Luân Công. Sau đó họ chụp ảnh tài liệu đó rồi chỉnh sửa và đưa chữ ký của học viên vào một tuyên bố từ bỏ tu luyện. Đôi khi, họ cho các học viên xem những tuyên bố giả đó nhằm lay chuyển ý chí của họ, nói rằng: “Người này người kia đã ký, tại sao các vị lại không ký?”
Khi một viên chức nhiễu bà Trần Khải Hoa, một nông dân ở Thành Đô vào ngày 2 tháng 8, cô ta nói: “Nếu bà tu luyện Pháp Luân Công, bà là kẻ thù của tôi và tôi sẽ thay mặt chính quyền sử dụng những biện pháp cưỡng chế đối với bà”.
Cô ta mang theo những tài liệu chuẩn bị sẵn và ra lệnh cho cấp dưới thọc vào nách của bà Trần. Khi bà vùng vẫy, họ vấy mực đỏ lên nắm tay của bà và ấn vào tờ giấy. Sau đó một cảnh sát đọc nội dung của tài liệu và viên chức kia tuyên bố rằng cô ta đã hoàn thành nhiệm vụ.
Các vụ sách nhiễu
Cảnh sát lục soát nhà và lắp đặt ba chiếc camera để theo dõi một cụ bà 81 tuổi
Lúc 7 giờ sáng ngày 26 tháng 7 năm 2022, cảnh sát ở thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm đã ập vào nhà bà Trần Vân Phương. Khi cảnh sát bắt đầu lục soát nhà, bà cụ 81 tuổi này đã ngay lập tức đứng dậy và ôm chặt lấy ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công để ngăn cảnh sát lấy đi.
Cảnh sát tra hỏi bà đã lấy sách và tài liệu Pháp Luân Công ở đâu. Bà đã từ chối trả lời và từ chối ký vào biên bản thẩm vấn. Bà yêu cầu được biết danh tính của các cảnh sát, nhưng họ không trả lời.
Trước khi rời đi, cảnh sát đã lắp đặt 3 chiếc camera ở trong nhà bà. Con gái bà hoảng sợ và buộc phải ký vào đơn xin bảo lãnh bà.
Người đàn ông Tứ Xuyên bị cưỡng chế điểm chỉ vào giấy tờ sau khi bị bắt vì tu luyện Pháp Luân CôngÔng Triệu Quốc Hữu ở thành phố Bành Châu, tỉnh Tứ Xuyên đã bị nhiều cảnh sát bắt giữ tại nhà vào ngày 25 tháng 8 năm 2022. Họ lục soát nhà ông sau khi giơ ra một lệnh lục soát không có chữ ký.
Ông Triệu bị nhốt trong một căn phòng nhỏ sau khi bị đưa đến đồn công an. Một nhóm người ghi hình ông, yêu cầu ông ký tên vào tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Ông Triệu hỏi họ là ai, nhưng họ một mực giữ im lặng.
Sau đó một cảnh sát họ Lý đi đến và yêu cầu ông Triệu ký tên vào biên bản thẩm vấn. Anh ta nói rằng nhóm cảnh sát này là người của “Trung tâm Quan ái thành phố Thành Đô”. Thực chất đây chính là một trung tâm tẩy não ngụy trang thuộc sự quản lý của Ủy ban Chính trị và Pháp luật (một cơ quan ngoài vòng pháp luật có nhiệm vụ giám sát toàn bộ cuộc bức hại Pháp Luân Công). Ông Triệu từ chối ký tên.
Sau 4 tiếng bế tắc, cảnh sát đã bóp cổ ông Triệu, cưỡng chế cạy nắm tay của ông và ấn dấu vân tay của ông vào giấy tờ rồi rời đi. Sau đó cảnh sát đưa ông về nhà.
Bà Giản Dĩ Tòng, một cư dân thành phố Đức Dương, tỉnh Tứ Xuyên, đã bị bắt tại nhà vào ngày 19 tháng 7 năm 2022. Cảnh sát tuyên bố rằng bà đã bị trình báo vì nói chuyện và tặng một học sinh ổ đĩa flash có thông tin về Pháp Luân Công, bất chấp việc bà Giản khẳng định rằng bà không hề làm vậy. Họ kéo bà ra sân trước và đưa cho bà xem một lệnh khám xét. Bà hỏi tại sao lệnh này lại không có chữ ký của cảnh sát trưởng, nhưng viên cảnh sát đã phớt lờ bà. Họ quay video toàn bộ căn nhà của bà và lục lọi xung quanh. Khi hàng xóm của bà nghe thấy tiếng động và chạy sang để xem đang chuyện gì đang xảy ra, cảnh sát đã đuổi họ đi.
Lúc bà Giản bị đưa đến Đồn Công an Lư Sơn thì đã là buổi trưa. Một cảnh sát đã cười nhạo bà, mỉa mai rằng: “Số bà thật khổ. Bà vừa kết thúc một án tù, và bây giờ lại chuẩn bị đối mặt với một án tù khác“.
Bà Giản từ chối trả lời mọi câu hỏi của cảnh sát. Một cảnh sát đã ngụy tạo biên bản thẩm vấn, trong đó nói rằng bà đã in hơn 100 tờ tài liệu Pháp Luân Công tại nhà. Khoảng nửa đêm, cảnh sát đưa bà Giản về nhà sau khi bác sỹ xem phim chụp X-quang phát hiện phổi của bà có bóng mờ và nghi ngờ bà mắc bệnh lao.
Ngày hôm sau cảnh sát quay trở lại để đưa bà Giản đến bệnh viện để làm một cuộc kiểm tra khác. Khi bà từ chối cung cấp mẫu nước bọt theo yêu cầu, cảnh sát đã tức giận và dọa sẽ tịch thu chiếc xe ba bánh điện của bà, phá dỡ nhà của bà, đồng thời bắt giữ con gái và chồng của bà.
Vài ngày sau, chiếc xe ba bánh điện của bà Giản đột nhiên ngừng sạc điện. Khi bà gửi nó đi sửa, nhân viên kỹ thuật tìm thấy một chiếc camera hỗ trợ GPS nằm ở gần cục pin. Lúc này bà nhớ ra rằng cách đây không lâu bà có chở một số học viên, sau đó vài người trong số họ đã bị bắt.
Con trai bị bắt vì bảo vệ người cha bệnh tật
Khi ông Mã Bình, 60 tuổi, ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, đang hồi phục sức khoẻ sau khi bị bệnh tại nhà vào ngày 12 tháng 7, thì bốn cảnh sát đã nhảy vào nhà ông thông qua một cửa sổ, tuyến bố rằng để xét nghiệm COVID-19 cho ông. Các sách Pháp Luân Công và máy tính của ông đã bị cảnh sát tịch thu.
Cảnh sát cố bắt giữ ông Mã nhưng bị con trai ông ngăn lại. Thấy ông Mã rất ốm yếu, họ đã bắt con trai ông và thẩm vấn anh tại đồn công an. Anh từ chối trả lời các câu hỏi và bị giam ở đồn công an đến ngày hôm sau. Trong thời gian này, vợ ông Mã cũng bị triệu tập đến đồn công an để trả lời một số câu hỏi.
Trẻ nhỏ bị thẩm vấn
Cảnh sát thẩm vấn một cậu bé hai tuổi vì bà cậu tu luyện Pháp Luân Công
Trong vài năm gần đây, bà Vương Diễm Hoa 55 tuổi (quê gốc ở thành phố Hô Luân Bối Nhĩ, Nội Mông Cổ) đang sinh sống cùng con gái ở thành phố Tam Hà, tỉnh Hà Bắc. Bởi giấy tờ tùy thân của bà bị cảnh sát đánh dấu vì tu luyện Pháp Luân Công, bà liên tục bị sách nhiễu mỗi khi di chuyển. Không chỉ vậy, cảnh sát ở Hô Luân Bối Nhĩ thậm chí còn đề nghị những người đồng nghiệp của họ ở Tam Hà tới nhà con gái bà Vương để sách nhiễu bà. Trong cuộc sách nhiễu, cảnh sát thậm chí còn không buông tha cho hai đứa cháu nhỏ mới chỉ 2 và 3 tuổi của bà.
Tối ngày 30 tháng 9 năm 2021, hai vợ chồng bà Vương đã bắt tàu hỏa trở về Hô Luân Bối Nhĩ từ Tam Hà cùng với cháu trai 2 tuổi của họ. Khi bà quét giấy tờ tùy thân để ra khỏi ga xe lửa vào sáng hôm sau, bốn nhân viên an ninh đã chặn bà và đưa bà đến một căn phòng để khám xét.
Khi bà Vương từ chối trả lời câu hỏi của họ về việc bà có còn tu luyện Pháp Luân Công không, một nhân viên đã kéo cháu trai 2 tuổi của bà sang một bên và hỏi cháu: “Bà cháu còn tu luyện Pháp Luân Công không? Bà ấy tu luyện ở đâu? Bà cất những thứ liên quan đến Pháp Luân Công ở đâu?”
Cậu bé sững người vì sợ hãi và không thốt nên lời, khuôn mặt tái mét. Chỉ khi bà Vương nói sẽ đâm đơn kiện cảnh sát thì họ mới thôi làm cậu bé khiếp sợ.
Gần 1 năm sau, vào lúc 8 giờ tối ngày 4 tháng 7 năm 2022, hai cảnh sát đeo khẩu trang đã xông vào nhà của con gái bà Vương ở Tam Hà.
Trong khi chụp ảnh bà Vương, một cảnh sát cũng chĩa máy ảnh về phía cháu gái 3 tuổi của bà. Cháu bé run lẩy bẩy vì sợ hãi và hỏi: “Họ có phải là cảnh sát tốt không bà? Bà chẳng phải đã nói với chúng cháu rằng cảnh sát là người bảo vệ chúng ta sao?”
Bà Vương cố gắng trấn an cháu gái: “Họ rất đáng thương cháu ạ. Họ đang tuân theo những mệnh lệnh sai trái”.
Sau vụ việc này cháu gái bà đã bị tổn thương tâm lý. Cháu khóc và trông thấy ai là liền nói: “Cảnh sát đã đến nhà của cháu, bây giờ cháu không dám về nhà đâu”.
Một bé gái 9 tuổi chứng kiến cảnh sát ập vào và hỏi cung sau khi bà của bé bị bắt
Đứa cháu gái 9 tuổi của bà Phạm Cẩm Thanh đang ở nhà một mình thì một nhóm cảnh sát mở cửa bằng chìa khóa lúc 9 giờ tối ngày 26 tháng 7 năm 2022.
Vài giờ trước đó, bà Phạm, một cư dân ngoài 70 tuổi ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị bắt tại một trạm xe buýt vì nói chuyện với một người về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, mà không biết rằng anh ta là một cảnh sát mặc thường phục.
Sau khi bà Phạm bị đưa đến đồn cảnh sát, cảnh sát đã tìm thấy địa chỉ của bà qua vé xe buýt. Họ giật chìa khóa của bà và ập vào nhà trước mặt đứa cháu gái bà.
Cảnh sát quay trở lại lúc 11 giờ đêm. Họ đánh thức bé gái vốn đã đi ngủ và nói rằng họ sẽ đưa bé đến đồn cảnh sát để gặp bà của bé. Bé gái đi với họ. Nhưng thay vì cho bé gặp bà Phạm, cảnh sát đã chụp ảnh và ghi hình bé. Họ tra hỏi bé, hỏi là bé có tập Pháp Luân Công không và đe dọa đuổi học bé nếu bé cũng là một học viên. Cảnh sát tra hỏi bé đến tận 12 giờ đêm và sau đó bảo chị của bé đưa bé về nhà.
Bà Phạm bị giữ ở đồn cảnh sát cho đến 8 giờ tối ngày 28 tháng 7. Trong 2 ngày đó, cảnh sát chỉ cho bà một chút thức ăn và còng tay bà ra sau lưng.
Bạo lực của cảnh sát
Một cựu giảng viên đại học bị một chuyên gia tra tấn tấn công tình dục
Bà Khương Vĩnh Cần, 53 tuổi, ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, là một cựu giảng viên Đại học đã bị bắt tại nhà ngày 12 tháng 6. Sau một tháng bị giam, bà bị đưa đến một cơ sở bí mật với đầu bị trùm và bị bịt tai.
Bà Khương Vĩnh Cần
Bốn người đàn ông đã còng tay bà Khương và đòi được biết mật khẩu ổ đĩa cứng của bà. Bà từ chối trả lời. Cảnh sát sau đó đã bức thực bà bằng nước mù-tạt qua mũi bà và nhét điếu thuốc lá đang cháy vào mũi bà. Khi họ đang nhét điếu thuốc thì điếu thuốc bị gãy. Cảnh sát đã để một nửa điếu thuốc ở trong lỗ mũi bà, và cuối cùng bà đã xì ra.
Sau vòng tra tấn đầu tiên, cảnh sát bắt đầu tấn công tình dục đối với bà. Họ kéo áo bà lên. Sau đó chuyên gia tra tấn ra lệnh cho cảnh sát sờ ngực bà.
Sau khi cảnh sát làm việc đó, chuyên gia này sử dụng một chiếc máy mát-xa đặc biệt để kích thích ngực bà. Sau đó, chuyên gia này bắt bà Khương cởi quần ra. Khi quần bà bị kéo xuống một nửa, cảnh sát phát hiện ra rằng bà đang có kinh. Chuyên gia này nói rằng việc tra tấn có hiệu ứng tốt nhất trong khi có kinh và ra lệnh cho cảnh sát tiếp tục. Bà Khương gần như gục xuống và tuyệt vọng sâu sắc. Bà đã nhượng bộ và buộc phải hợp tác với cảnh sát trong cuộc hỏi cung.
Trước khi chuyên gia tra tấn rời đi, ông ta đã đe dọa rằng nếu bà Khương không hợp tác với họ thì ông ta sẽ sử dụng các thứ trong “hộp dụng cụ tra tấn” của ông ta mỗi ngày, bao gồm có tăm, các công cụ kỳ quái, các lọ thuốc, và dây điện. Ông ta nói thêm rằng ông ta thường dè dặt trong việc tra tấn các nghi phạm bình thường với “hộp dụng cụ” đó nhưng đối với các học viên Pháp Luân Công thì ông ta được tự do hành động.
Chủ tiệm ảnh bị bắt vì kiên định đức tin, bị trói vào ghế sắt và thẩm vấn suốt 3 ngàyÔng Nghê Giới Minh, chủ một tiệm ảnh ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, đã bị bắt vào ngày 1 tháng 6 năm 2022 sau khi bị tố cáo vì tặng vài cuốn tạp chí có thông tin về Pháp Luân Công cho khách hàng của mình. Cảnh sát đã lục soát nhà và tiệm của ông. Các sách Pháp Luân Công, các máy tính sử dụng cá nhân và làm việc, cũng như những tài sản cá nhân khác đã bị tịch thu.
Ông Nghê bị đưa đến Đồn Công an thị trấn Hoàng Đại để thẩm vấn vào khoảng 11 giờ đêm. Trong ba ngày tiếp theo, ông Nghê bị trói vào một chiếc ghế sắt và chỉ được cởi trói khi ông cần sử dụng nhà vệ sinh. Cảnh sát luân phiên thẩm vấn ông và không cho ông ngủ dù chỉ một phút.
Người đàn ông ngoài 70 tuổi bị bắt đến trung tâm tẩy não
Kể từ đầu tháng 6 năm 2022, các nhân viên chính quyền đã liên tục sách nhiễu ông Trình Tưởng Cẩu, ngoài 70 tuổi, ở thành phố Ứng Thành, tỉnh Hồ Bắc. Ngày 30 tháng 6 họ đã đột nhập vào nhà của ông và ép ông phải rời khỏi tòa chung cư. Không xuất trình giấy tờ tùy thân hoặc lệnh bắt giữ, một người họ Triệu đã dùng cánh tay kẹp cổ ông Trình từ phía sau để ngăn ông hô hoán. Những người khác cũng làm theo và đánh ông Trình.
Ông Trình cố hết sức để pháng kháng, nhưng vẫn bị bắt ít phút sau đó và bị khiêng lên xe cảnh sát. Cổ và nhiều nơi trên cơ thể ông sưng tấy và bầm tím, một số chỗ khác bị chảy máu. Sau đó cảnh sát đưa ông Trình đến Trung tâm tẩy não Thiên Nga, khiến người vợ tàn tật của ông bị bỏ lại ở nhà một mình. Ông Trình đã tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại và được thả vào ngày hôm sau.
Bài liên quan:
Báo cáo nửa đầu năm 2022: 2.707 học viên Pháp Luân Công bị bắt hoặc bị sách nhiễu vì đức tin của họ
Báo cáo tháng 3 và 4 năm 2022: 767 học viên Pháp Luân Công bị bắt và sách nhiễu vì đức tin của họ
Báo cáo năm 2021: 16.413 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ và sách nhiễu vì đức tin của họ
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/9/13/448954.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/9/21/203959.html
Đăng ngày 03-11-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.