Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 04-08-2022] Trong tháng 7 năm 2022 đã có 55 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin được xác nhận. Trong đó có 1 trường hợp bị kết án trong năm 2020, 9 trường hợp trong năm 2021 và 45 trường hợp trong năm 2022 (gồm 3 trong tháng 3, 3 trong tháng 4, 2 trong tháng 5, 8 trong tháng 6 và 29 trong tháng 7).
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Kể từ đó, vô số học viên đã bị bắt, giam giữ, kết án và tra tấn vì kiên định đức tin của họ. Bởi sự phong tỏa thông tin nghiêm ngặt tại Trung Quốc, các trường hợp không thể luôn được báo cáo kịp thời hoặc có sẵn thông tin.
Đứng đầu về số vụ bắt giữ là tỉnh Vân Nam (9), tiếp đó là Tứ Xuyên (8), Sơn Đông (7) và Cát Lâm (6). Mười hai khu vực khác có từ 1 đến 4 trường hợp.
Các học viên bị kết án nằm trong độ tuổi từ 42 đến 85. Trong số 4 người ngoài 80 tuổi có 3 người ở tỉnh Tứ Xuyên, và họ đã bị kết án từ 1 đến 6 năm tù.
Án tù của các học viên kéo dài từ 8 tháng đến 11 năm, trong đó 5 học viên bị kết án từ 8 năm trở lên. Ngoài án tù, 25 học viên còn bị toà án phạt tiền tổng cộng 317.000 nhân dân tệ, trung bình 13.208 nhân dân tệ/1 người.
Ông Ngô Thành Thu ở tỉnh Sơn Đông bị kết án nặng nhất (11 năm tù) và lãnh mức tiền phạt cao nhất là 100.000 nhân dân tệ. Hai học viên khác, một người ở Thượng Hải và người còn lại ở Hồ Bắc, đã bị một toà án ở tỉnh Hà Nam kết án lần lượt 9,5 và 9 năm tù vì đăng thông tin về Pháp Luân Công trên mạng xã hội.
Án tù của một học viên còn bị kéo dài một cách tuỳ tiện thêm 1 năm vì bà từ chối từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công khi ở trong tù. Một phụ nữ 83 tuổi bị thư ký toà án lừa đi “kiểm tra sức khoẻ” và đã bị đưa đến Trại tạm giam địa phương, sau đó bị kết án 2 năm tù.
Chồng của một kỹ sư chi phí, vốn không tu luyện Pháp Luân Công, cũng bị kết án và đe doạ không được thuê luật sư để tìm kiếm công lý.
Sau đây là sơ lược về một số trường hợp bị kết án. Danh sách đầy đủ (tiếng Anh và tiếng Trung) các học viên bị kết án có thể được tải ở đây (PDF).
Các bản án nặng
Một người đàn ông ở Sơn Đông bị kết án bí mật 11 năm tù sau một thập niên sống lưu lạc
Không lâu sau khi trở về nhà sau một thập niên sống trôi dạt để tránh bị chính quyền bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công, ông Ngô Thành Thu ở thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông đã bị bắt và kết án bí mật 11 năm tù.
Ông Ngô (57 tuổi) bị bắt tại nơi làm việc vào ngày 20 tháng 4 năm 2021. Cảnh sát đã giật chìa khoá của ông và đột nhập vào nhà ông. Vợ ông là bà Vương Tiên bị còng tay và bị khống chế ở yên một chỗ trong cuộc đổ bộ. Cảnh sát đã ghi hình lại toàn bộ quá trình này, sau đó lấy đi các sách Pháp Luân Công, ảnh của Nhà sáng lập pháp môn, 10.700 nhân dân tệ tiền mặt, một máy tính, một máy cắt giấy (đã bị hỏng) của họ và máy tính cũ của con trai họ. Bà Vương bị thẩm vấn ở tầng hầm của đồn công an và bị tống tiền 11.000 nhân dân tệ trước khi được thả.
Để thu thập thông tin về cặp vợ chồng này, cảnh sát đã buộc con trai họ là anh Ngô Bân Kiệt (không tu luyện Pháp Luân Công) đang làm việc ở Nội Mông Cổ (cách đó khoảng 900 km) phải quay về Duy Phường để thẩm vấn. Ngày 9 tháng 6, khi anh Ngô đến báo cáo với đồn công an, cảnh sát đã cáo buộc anh cũng là một nghi phạm.
Ông Ngô bị tước quyền thăm thân kể từ khi bị bắt. Sau đó một người biết rõ nội tình tiết lộ cho gia đình biết rằng ông đang phải điều trị y tế trong khi bị giam giữ. Lo lắng cho sức khoẻ của ông, gia đình đã thuê một luật sư để vào thăm ông. Ban đầu trại tạm giam chấp thuận cho luật sư vào thăm, nhưng ngay sau đó đã rút lại, với lý do là quá trình truy tố ông đã kết thúc (bởi ông đã bị kết án tù và kháng cáo của ông bị bác bỏ).
Sau đó, một người biết về vụ án xác nhận với gia đình rằng ông Ngô đã bị kết án 11 năm và phạt tiền 100.000 nhân dân tệ.
Sau 8 năm ngồi tù, một cư dân Thượng Hải lại bị tòa án ở tỉnh khác kết án 9,5 năm tù oan sai
Gần đây, một cư dân Thượng Hải đã bị một tòa án của tỉnh Hà Nam (cách Thượng Hải khoảng 965 km) kết án oan sai 9,5 năm và phạt tiền 40.000 nhân dân tệ vì lan truyền thông tin trên mạng xã hội về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Trước đó người phụ nữ này đã từng phải ngồi tù 8 năm, cũng vì tu luyện Pháp Luân Công.
Ngày 12 tháng 4 năm 2021, bảy cảnh sát từ Đồn Công an Cam Tuyền bà bắt giữ Đái Chi Dĩnh (66 tuổi) tại nhà riêng của bà ở Thượng Hải. Sau đó họ tịch thu máy tính xách tay và điện thoại di động của bà dù không có lệnh khám xét. Cảnh sát Thượng Hải đã bàn giao bà cho cảnh sát thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam vào buổi tối. Bà đã bị giam giữ ở Lạc Dương kể từ đó.
Bản án gần đây nhất của bà Đái đã giáng một đòn nặng nề lên người mẹ già 88 tuổi của bà (cũng tu luyện Pháp Luân Công). Người phụ nữ lớn tuổi này hiện phải chật vật để kiếm sống, tự lo cho bản thân.
Ngay sau khi kết án bà Đái, toà án này cũng đã kết án bà Trương Hà ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc 9 năm tù, cũng chỉ vì bà truyền rộng chân tướng Pháp Luân Công trên mạng Internet.
Ngày 28 tháng 2 năm 2021, bà Trương Hà (53 tuổi, một cựu cảnh sát) đã bị các cảnh sát đến từ Lạc Dương (cách Vũ Hán khoảng 563 km) bắt giữ tại nhà riêng. Để khép tội bà Trương, cảnh sát Lạc Dương đã tới Vũ Hán và cố gắng buộc cha mẹ bà Trương ghi hình với nội dung thuyết phục bà Trương nhận tội.
Bà Trương phải hầu tòa tại Tòa án Giản Tây vào ngày 21 tháng 6 năm 2022 và bị kết án 9 năm tù cùng 30.000 nhân dân tệ tiền phạt với tội “sử dụng mạng xã hội để quảng bá tà giáo”.
Kể từ năm 2019, công an Hà Nam đã đi khắp mọi nơi trong cả nước để bắt giữ nhiều học viên vì truyền rộng thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở trên mạng. Một số học viên bị bắt giữ đã bị kết án tù. Ngoài bà Trương và bà Đái, còn có ba học viên khác là bà Phó Ny Quyên ở thành phố Chi Giang tỉnh Hồ Bắc, ông Lý Phúc Xuân ở Bắc Kinh và ông Ngô Giai Kiện ở thành phố Lai Tây, tỉnh Sơn Đông đã bị cảnh sát Lạc Dương bắt giữ vào tháng 10 và tháng 11 năm 2020. Hiện họ đang đợi Tòa án quận Giản Tây xét xử sau khi bị công tố viên Vũ Giang Dương của Viện Kiểm sát quận Giản Tây truy tố vào ngày 25 tháng 4 năm 2021.
Vi phạm trình tự pháp lý
Một người tài xế xe buýt bị gia hạn án tù thêm một năm vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công
Ngay khi bà Hứa Lợi sắp kết thúc án tù 4 năm vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công, các nhà chức trách đã tự ý kéo dài hạn tù của bà thêm 1 năm.
Bà Hứa là một tài xế xe buýt ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Bà đã bị một bí thư thôn báo cảnh sát vào tháng 10 năm 2018 vì đã gỡ một biểu ngữ bôi nhọ Pháp Luân Công. Cảnh sát đã tìm thấy biển số ô tô của bà thông qua camera giám sát và xác định được địa chỉ của bà. Bà bị bắt tại nhà vào tối ngày 28 tháng 10 và bị đưa đến trại tạm giam Diêu Gia. Sau đó Tòa án quận Cao Tân Viên đã kết án bà 4 năm tù vào cuối tháng 6 năm 2019.
Bà Hứa bị đưa đến Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh vào ngày 22 tháng 10 năm 2019. Vì trong khi bị cầm tù bà không từ bỏ Pháp Luân Công, Ủy ban Chính trị và Pháp luật Đại Liên và Phòng 610 (hai cơ quan được giao nhiệm vụ lên kế hoạch và chỉ đạo cuộc bức hại) đã ra lệnh tòa án địa phương thêm bản án một năm vào thời hạn tù của bà. Như vậy theo dự kiến, bà Hứa sẽ được thả vào ngày 27 tháng 10 năm 2023.
Trước đó bà Hứa từng bị bắt vào ngày 22 tháng 7 năm 2013 sau khi bị báo cảnh sát vì phân phát đĩa DVD có thông tin về Pháp Luân Công. Tòa án quận Cam Tỉnh Tử đã kết án bà 4 năm tù vào ngày 28 tháng 12 cùng năm. Trong khi ở trong Nhà tù Nữ Liêu Ninh, bà bị trói, sốc điện bằng dùi cui, bị đánh đập, buộc phải đứng trong thời gian dài và cấm ngủ.
Một ngày trong tháng 11 năm 2014, lính canh đã lột quần áo của bà, trói bà vào ghế và dán miệng bà lại. Trong khi một cảnh sát sốc điện bà ấy bằng dùi cui vào những vùng nhạy cảm, một người khác tát vào mặt bà và một người thứ ba viết những lời lẽ phỉ báng Pháp Luân Công lên trên mặt, cơ thể, tất và giày của bà.
Cụ bà 83 tuổi bị đưa đi kiểm tra sức khoẻ và bị kết án bí mật 2 năm tù
Kể từ tháng 6 năm 2021, nhân viên của Toà án quận Giang Dương ở thành phố Lô Châu, tỉnh Tứ Xuyên đã nhiều lần đến nhà bà Triệu Chiêu Thuyên (83 tuổi, giáo viên tiểu học về hưu) và đưa bà đi kiểm tra sức khoẻ.
Sáng ngày 10 tháng 11, khi họ đưa bà đi kiểm tra lần cuối, họ nói rằng tất cả chỉ số đều ổn, và sau này họ sẽ không đưa bà đi kiểm tra sức khoẻ thêm nữa. Họ cũng mua bữa sáng cho bà vì bà chưa ăn gì trong suốt buổi sáng.
Tuy nhiên, sau khi hai bệnh viện xác nhận rằng sức khoẻ của bà rất tốt, bà không được trở về nhà mà thay vào đó bị đưa đến trại tạm giam địa phương, tại đây bà bị kết án 2 năm tù.
Một người ở bên trong tiết lộ với gia đình rằng bà Triệu đang được chữa trị y tế trong khi bị giam giữ. Tuy nhiên, một người biết rõ vụ án của bà nói rằng bởi bà bị xác định là tù chính trị (chỉ vì có đức tin vào Pháp Luân Công) nên dù có tốn bao nhiêu tiền thì bà vẫn sẽ không được thả. Một viên chức khác còn nói thẳng với gia đình rằng họ chỉ có thể đợi nhận tro cốt của bà.
Những người có chuyên môn nghề nghiệp bị nhắm mục tiêu
Một cựu kế toán viên bị kết án 4 năm tù vì kiên định đức tin
Từng thụ án 1 năm lao động cưỡng bức và 3 năm tù, gần đây một cựu kế toán viên ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông lại bị kết án 4 năm tù và phạt tiền 10.000 nhân dân tệ vì tu luyện Pháp Luân Công.
Bà Trương Xuân Hà
Tháng 10 năm 2020, bà Trương Xuân Hà (63 tuổi) bị bắt tới trung tâm tẩy não trong chiến dịch “Xóa sổ” (một chiến dịch nhằm cưỡng chế tất cả học viên Pháp Luân Công trong danh sách đen của chính phủ từ bỏ đức tin của họ). Hơn 2 tháng sau bà mới được thả.
Bởi kiên định đức tin, bà đã bị cảnh sát bắt giữ vào ngày 10 tháng 4 năm 2021, sau khi lừa bà mở cửa bằng cách dối trá rằng họ tới để xét nghiệm virus corona. Cảnh sát đã niêm phong cửa nhà bà sau khi họ rời đi.
Cảnh sát đã sử dụng sách cùng tài liệu Pháp Luân Công tịch thu từ nhà bà Trương làm bằng chứng truy tố bà và trình hồ sơ vụ án của bà tới Viện Kiểm sát quận Tăng Thành.
Bà Trương đã bị đưa ra xét xử tại Tòa án quận Hải Châu vào ngày 19 tháng 11 năm 2021. Bà khẳng định bản thân không vi phạm pháp luật khi tu luyện Pháp Luân Công, và không có bằng chứng cho thấy bà đã làm hại bất kỳ ai theo như cáo buộc của công tố viên.
Ngày 28 tháng 3 năm 2022, lính canh tại Trại tạm giam quận Tăng Thành đã cố gắng ghi hình bà Trương và thu thập dấu vân tay của bà. Khi bà kháng cự, họ đã lôi bà ra khỏi ghế, còng tay và kéo lê bà vào buồng giam, khiến tay của bà bị thương. Bà đã tuyệt thực để phản đối hành vi bạo lực này.
Ngày 13 tháng 7 năm 2022, thẩm phán đã tuyên bà 4 năm tù giam cùng 10.000 nhân dân tệ tiền phạt trong một phiên tòa kết án trực tuyến.
Một kỹ sư ước tính giá thành và chồng bà bị kết tội vì tín ngưỡng vào Pháp Luân Công
Cả hai vợ chồng ở thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam đã bị kết án vì người vợ có tín ngưỡng vào Pháp Luân Công. Tòa án cấp cao hơn đã bác kháng cáo của họ và đe dọa sẽ rút lại số năm hưởng án treo của người chồng nếu ông thuê luật sư.
Bà Ngô Vĩnh Phong là một kỹ sư ước tính giá thành 42 tuổi, và chồng bà là ông Hà Phi đã bị bắt tại nhà vào lúc 6 giờ sáng ngày 29 tháng 3 năm 2021. Trong khi ông Hà (không tu luyện Pháp Luân Công) đã được bảo lãnh tại ngoại vào tối hôm đó, thì bà Ngô lại bị đưa đến trại tạm giam thành phố Lạc Dương. Hai con gái nhỏ của họ (4 và 13 tuổi) đã bị bỏ ở nhà một mình suốt một ngày.
Được biết cảnh sát đã bắt bà Ngô sau khi một camera giám sát ghi lại hình ảnh bà đi phát những tài liệu thông tin Pháp Luân Công ở một khu dân cư.
Tháng 3 năm 2022, Tòa án quận Lạc Long đã kết án bà Ngô 4 năm tù và phạt 5.000 tệ và ông Hà 2 năm tù với 3 năm thử thách và phạt tiền 3.000 nhân dân tệ. Họ đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp thành phố Lạc Dương, và cơ quan này đã ra phán quyết giữ nguyên bản án ban đầu của họ.
Khi ông Hà cầm bản án lên ở tòa trung cấp, một nhân viên đã đe dọa ông rằng: “Ông không được phép thuê luật sư để kháng cáo, bằng không, chúng tôi sẽ hủy bỏ thời gian thử thách của ông và tống ông vào tù”.
Người già cũng không được tha
Tỉnh Vân Nam: Hai người phụ nữ 82 và 60 tuổi bị cầm tù vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công
Gầy đây, bà Cao Quỳnh Tiên (82 tuổi) và bà Vương Cẩn (60 tuổi) ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam đã bị kết án lần lượt 6 và 3 năm tù.
Hai bà bị bắt giữ vào khoảng ngày 27 tháng 10 năm 2020. Bà Vương vẫn bị giam giữ kể từ đó, còn bà Cao đã được bảo lãnh tại ngoại vì sức khỏe kém sau khi phải nộp khoản tiền 1.000 nhân dân tệ.
Mẹ của bà Vương là cụ bà Tạ Gia Dương (89 tuổi) đã vô cùng khiếp sợ trước việc con gái bà bị bắt giữ. Một buổi tối nọ, bà đã bị đột quỵ và ngã trong nhà vệ sinh. Mặc dù sống sót sau khi được cấp cứu, nhưng sau đó bà đã bị liệt và qua đời vào ngày 5 tháng 4 năm 2021.
Trong cùng tháng đó, bà Vương và bà Cao đã bị Viện Kiểm sát quận Tây Sơn khởi tố. Khi bị đưa ra xét xử tại Tòa án Quận Tây Sơn, cả bà Cao và bà Vương đều tự làm chứng trong phần bào chữa của mình. Họ khẳng định rằng bản thân không làm bất cứ điều gì sai trái hoặc vi phạm pháp luật trong việc tu luyện Pháp Luân Công và sống theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn của pháp môn.
Tháng 8 năm 2021, bà Cao bị ngã tại nhà và bị gãy chân. Ngày 17 tháng 12, thẩm phán đã ra phán quyết đình chỉ vụ án của bà Cao. Nhưng đến ngày 20 tháng 12, công tố viên Trương Lệ đã gia hạn truy tố nhằm tìm cách kết tội bà Cao. Đồng thời cảnh sát và công tố viên đã nhiều lần sách nhiễu bà tại nhà.
Tòa án quận Tây Sơn đã tổ chức xét xử riêng bà Cao và bà Dương vào ngày 19 tháng 4 năm 2022. Thẩm phán vẫn kết án bà Cao 6 năm tù và phạt bà 13.000 nhân dân tệ, bà Vương bị kết án 3 năm tù và phạt 5.000 nhân dân tệ.
Hai vợ chồng ngoài 80 tuổi bị quản chế vì tu luyện Pháp Luân Công
Ông Cung Học Lương (85 tuổi) và vợ là bà Vương Trung Quỳnh (82 tuổi) đã bị đưa ra xét xử tại Tòa án thành phố Thập Phương ở thành phố Thập Phương, tỉnh Tứ Xuyên vào ngày 8 tháng 7 năm 2022. Phiên tòa kéo dài 2 tiếng đồng hồ và luật sư của hai học viên này đã biện hộ vô tội cho họ.
Thẩm phán Lý Khai Tiên đã kết án bà Vương 1,5 năm quản chế và 8.000 nhân dân tệ tiền phạt. Ban đầu thẩm phán kết án ông Cung 1 năm quản chế và 4.000 nhân dân tệ tiền phạt, nhưng sau đó tăng lên 5.000 nhân dân tệ. Cả hai vợ chồng đều đã trở về nhà sau khi nhận phán quyết.
Ông Cung là một nhân viên về hưu của Cục Bảo vệ Môi trường Thành phố Thập Phương, và bà Vương là nhân viên bệnh viện nghỉ hưu. Ông bà đều bị bắt hai lần, một lần vào tháng 10 và một lần vào tháng 11 năm 2021, nhà của họ bị lục soát.
Tháng 12 năm 2021, hai vợ chồng ông Cung bị Viện Kiểm sát thành phố Thập Phương buộc tội “lợi dụng một tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, một cái cớ được chính quyền cộng sản Trung Quốc quy chuẩn để khép tội các học viên Pháp Luân Công. Bằng chứng truy tố chống lại ông bà là một tấm bùa hộ mệnh Pháp Luân Công mà cảnh sát lấy được từ nhà của họ.
Không chỉ cặp vợ chồng cao tuổi này gặp khổ nạn, con gái họ là cô Cung Tinh Xán (một nhà kinh tế học) đã nhiều lần bị bắt và giam giữ, cũng vì tu luyện Pháp Luân Công. Cô đã hai lần bị lãnh án lao động cưỡng bức và từng ba lần bị giam trong trung tâm tẩy não. Hai chân của cô đã bị tàn tật do tra tấn. Cô bị bắt vào tháng 6 năm 2015 và đã trốn thoát trong lúc bị giam giữ. Từ đó đến nay, cô đã luôn phải sống xa nhà để tránh bị bức hại thêm nữa.
Bị kết án vì lên tiếng cho lẽ phải
Một người phụ nữ bị kết án 3,5 năm tù chỉ vì gửi một lá thư khuyến thiện và tìm kiếm công lý
Chỉ hơn một năm sau khi mãn hạn bản án 2,5 năm tù vì treo biểu ngữ về Pháp Luân Công, một cư dân Thiên Tân được lại bị bắt vì viết thư khuyến thiện và hiện đã bị kết án 3,5 năm tù.
Bà Triệu Thụ Hà
Kể từ khi chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công, bà Triệu Thụ Hà (58 tuổi) đã hai lần bị lãnh án lao động cưỡng bức và một lần bị kết án tù vì kiên định đức tin.
Sau khi bà bị bắt giữ vào năm 2016 vì treo biểu ngữ về Pháp Luân Công, sức khỏe của cha bà đã xấu đi do thường xuyên lo lắng cho con gái. Ông cụ bị bệnh tiểu đường nặng, sau đó bị mù và cuối cùng đã qua đời vào ngày 10 tháng 9 năm 2016. Một năm sau, bà Triệu bị kết án 2,5 năm tù.
Sau khi được trả tự do, bà Triệu đã làm thuê làm mướn nhiều việc khác nhau để nuôi sống bản thân và người mẹ già của mình. Sau đó, bà làm giúp việc cho một người phụ nữ lớn tuổi, sau khi quen con gái của bà cụ ở trong tù. Con gái bà cụ đã bị kết án oan sai vì đệ đơn kiện các cán bộ nhà nước đã chiếm đoạt tài sản của cô một cách trái phép.
Sau khi người phụ nữ này được thả, các nhân viên chính quyền đã kéo đến nhà sách nhiễu cô và phát hiện bà Triệu đang làm việc tại đó. Cảnh sát ra lệnh cho cô phải đuổi việc bà Triệu. Bởi không muốn tăng thêm áp lực cho gia đình chủ nhà, bà Triệu đã xin nghỉ việc.
Không lâu sau, bà Triệu hay tin người phụ nữ đó đệ đơn khiếu nại và lại bị bắt giữ. Bà Triệu đã viết thư gửi cho cảnh sát, kêu gọi họ hãy thả người phụ nữ đó, dẫn tới việc bản thân bà Triệu cũng bị bắt giữ vào ngày 3 tháng 2 năm 2021. Sau hai lần bị đưa ra xét xử tại Tòa án quận Nam Khai (lần lượt vào tháng 7 và tháng 9 năm 2021), bà đã bị kết án 3,5 năm tù và bị chuyển tới Nhà tù Nữ Thiên Tân vào giữa tháng 5 năm 2022.
Ngày 11 tháng 8 năm 2020, cục an sinh xã hội địa phương đã thông báo tới bà Hồ Đông Hà, một nhân viên đã nghỉ hưu 73 tuổi của Công ty Cơ điện Quặng Mangan ở thành phố Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam, rằng lương hưu của bà sẽ bị đình chỉ để truy thu lại số tiền mà bà đã lĩnh trong khoảng thời gian bà thụ án tù vì tu luyện Pháp Luân Công, từ 2007 đến năm 2012.
Cục an sinh xã hội địa phương tuyên bố rằng theo quy định của chính sách mới, những người về hưu sẽ không được hưởng bất kỳ khoản phúc lợi nào trong thời gian thụ án, mặc dù trên thực tế luật lao động của Trung Quốc không có quy định nào như vậy.
Ngày 7 tháng 4 năm 2021, hai tháng sau khi bà Hồ đệ đơn khiếu nại cục an sinh xã hội, các nhà chức trách đã bắt giữ bà để trả đũa. Tòa án Quận Vũ Hồ đã kết án bà 3 năm tù vào tháng 5 năm 2022.
Một nữ thẩm phán nghỉ hưu bị kết án 6 năm tù vì nói với cư dân trong cùng khu phố về Pháp Luân Công
Bà Châu Lâm (63 tuổi) là một thẩm phán đã nghỉ hưu của Tòa án huyện Uy Ninh ở tỉnh Quý Châu. Bà đã bị bắt vào ngày 30 tháng 7 năm 2020, sau khi bị nhân viên bảo an của công ty quản lý tài sản trong khu dân cư nơi bà sinh sống báo cảnh sát vì bà đã nói với cư dân ở đó về Pháp Luân Công.
Cảnh sát đã ngăn gia đình gửi quần áo hoặc đồ dùng thiết yếu cho bà. Bà đã bị Tòa án quận Nam Minh kết án 6 năm tù vào cuối năm 2021. Bà đã kháng cáo, nhưng Tòa án Trung cấp thành phố Quý Dương đã giữ nguyên phán quyết ban đầu của bà.
Sau gần 4 năm bà Tiêu Diễm Bình (một người dân ở thành phố Hán Trung, tỉnh Thiểm Tây) bị bắt giữ và biệt giam vì tu luyện Pháp Luân Công, gần đây gia đình bà mới biết rằng bà đã bị kết án bí mật 5 năm tù giam.
Bà Tiêu bị bắt giữ vào ngày 22 tháng 8 năm 2018 vì nói với mọi người về Pháp Luân Công. Bà bị giam giữ tại trại tạm giam Hán Đài, sau đó bà bị kết án bí mật và chuyển tới Nhà tù Nữ tỉnh Tỉnh Thiểm Tây. Lính canh tra tấn bà và cưỡng bức bà lao động không công. Vẫn còn một năm nữa bà mới mãn hạn, con trai bà đang mong ước bà trở về an toàn.
Bà Tiêu từng làm việc tại một nhà máy sản xuất nhạc cụ. Trước khi tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 10 năm 1996, bà đã chật vật với chứng mất ngủ kéo dài, đau đầu và bệnh tim nặng. Sau khi bà bắt đầu luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công, tất cả bệnh của bà đã biến mất.
Kể từ khi cuộc bức hại xảy ra, chỉ bởi kiên định đức tin của mình mà bà Tiêu đã bị cảnh sát bắt giữ 6 lần, kết quả là bà hai lần lãnh án lao động với tổng thời gian 3,5 năm và một lần lãnh án tù với thời hạn 8 năm.
Người phụ nữ bệnh tật bị kết án 3 năm tù vì nói với người dân về Pháp Luân Công
Một cảnh sát đã tới nhà bà Triệu Hồng Diễm (66 tuổi) ở thành phố Giao Hà, tỉnh Cát Lâm vào đầu tháng 7 năm 2022 và thông báo rằng bà đã bị kết án 3 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công.
Người cảnh sát này chỉ cho phép bà Triệu xem lướt qua nhanh bản án và sau đó giật lại. Anh ta nói bà có bảy ngày để kháng cáo. Không rõ có phiên tòa nào được mở trước khi bà Triệu bị kết án hay không.
Ngày 6 tháng 7, tức ngày thứ hai sau khi bà Triệu gửi đơn kháng cáo, cảnh sát đã kéo tới nhà bà với lệnh bắt giữ chính thức và đưa bà đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Nỗ lực bỏ tù bà của cảnh sát đã thất bại khi bác sỹ chẩn đoán bà bị suy tim nặng và huyết áp cao nguy hiểm. Họ phải để bà lại bệnh viện để điều trị.
Khổ nạn này của bà Triệu bắt nguồn từ vụ bắt giữ trước đó của bà xảy ra vào ngày 14 tháng 9 năm 2021 vì nói với mọi người về Pháp Luân Công. Ngày 20 tháng 11, bà Triệu lên cơn đau tim và được đưa đến bệnh viện để hồi sức. Bác sỹ cho biết tim của bà bị tắc nghẽn và huyết áp của bà cũng đang rất cao. trại tạm giam đã thả bà vào ngày hôm sau vì sợ phải chịu trách nhiệm cho tình trạng của bà. Sau đó Toà án Thư Lan đã kết án bà.
Ngoài việc bản thân bà Triệu bị bức hại, con gái bà là cô Khâu Lâm đã bị bắt vào ngày 9 tháng 7 năm 2020 vì nói với một người đã về hưu về Pháp Luân Công. Đến khi luật sư của cô Khâu được phép gặp cô trong trại tạm giam thành phố Cát Lâm vào ngày 9 tháng 1 năm 2021, ông mới biết cô đã bị kết án bí mật ba năm với 2.000 nhân dân tệ tiền phạt. Cô đã kháng cáo bản án, nhưng tòa án cấp cao hơn đã ra phán quyết giữ nguyên bản án ban đầu của cô.
Báo cáo liên quan:
Báo cáo nửa đầu năm 2022: 366 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin
Báo cáo tháng 5 năm 2022: 42 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin
Báo cáo tháng 4 năm 2022: 57 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin
Báo cáo tháng 2 năm 2022: 33 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin
Báo cáo tháng 1 năm 2022: 132 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin
Báo cáo năm 2021: 1187 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/8/4/447172.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/8/9/202708.html
Đăng ngày 23-09-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.