Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 04-06-2022]

Tên: Khương Đức Vinh (姜德荣)
Giới tính: Nam
Tuổi:51
Thành phố: Đại Khánh
Tỉnh:Hắc Long Giang
Nghề nghiệp:Thợ điện
Ngày mất:Giữa tháng 3 năm 2022
Ngày xảy ra vụ bắt giữ cuối cùng:7 tháng 8 năm 2012
Nơi giam giữ cuối cùng:Trại tạm giam quận Nhượng Hồ Lộ

Sau 7 năm thụ án tù, tống tiền và sách nhiễu liên tục vì tu luyện Pháp Luân Công, ông Khương Đức Vinh một cư dân ở thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang đã qua đời vào giữa tháng 3 năm 2022 ở tuổi 51.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ ngày 20 tháng 7 năm 1999.

Bị bắt vì thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công

Ông Khương Đức Vinh từng làm thợ điện cho một công ty giữ nhiệt trược thuộc Mỏ dầu Đại Khánh. Ông tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996, khi 25 tuổi.

Ngày 19 tháng 6 năm 2000 (1 tháng trước khi tròn một năm xảy ra cuộc bức hại), ông đã đến Cáp Nhĩ Tân (thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang) để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Ông đã bị bắt và đưa về Đại Khánh. Đơn vị công tác đã bắt ông phải nộp 3.000 nhân dân tệ và trừ vào lương của ông.

Tháng 11 năm 2000, ông Khương đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và lại bị bắt và đưa về Đại Khánh. Sau khi bị giam 15 ngày, ông bị chuyển đến một trung tâm tẩy não và bị giam ở đó một tuần. Ông đã tuyệt thực để phản đối bức hại và sau đó được thả. Nơi làm việc lại tống tiền ông 2.500 nhân dân tệ để chi trả chi phí đến Bắc Kinh đón ông về và 1.000 nhân dân tệ mà cơ quan quản lý xăng dầu phạt công ty.

Viện cớ rằng ông từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, nơi làm việc đã khấu trừ 400 nhân dân tệ mỗi tháng từ tiền lương của ông trong vòng bảy tháng, trước khi ép ông phải nhận một khoản “mua lại lao động” (là khoản tiền mà công ty trả cho người lao động khi cho họ thôi việc, thường do công ty và người lao động thỏa thuận). Để ngăn ông tiếp tục đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công, công ty đã khấu trừ 5.000 nhân dân tệ từ gói tiền trợ cấp thôi việc của ông.

Tiếp tục bị bắt và kết án 7 năm tù

Nghi ngờ ông Khương có liên can tới vụ chèn tín hiệu truyền hình để phát sóng chân tướng Pháp Luân Công, cảnh sát đã đến nhà để bắt giữ ông vào ngày 20 tháng 4 năm 2002. Vì ông từ chối mở cửa, cảnh sát đã phá cửa an ninh nhà ông, nhưng họ vẫn không vào được trong nhà. Cảnh sát nói dối hàng xóm của ông Khương rằng ông muốn giết cha mẹ và điều một chiếc xe cứu hoả có thang dài để lên được tầng ba của nhà ông Khương. Sau đó họ đập cửa sổ trên tầng ba để vào nhà ông lục soát.

Cảnh sát đã xích ông Khương vào một cái ghế sắt trong sáu ngày và sau đó đưa ông đến trại tạm giam thành phố Đại Khánh. Mẹ ông bị tống tiền 1.000 nhân dân tệ khi bà liên hệ với nhân viên bảo vệ Chu Tuân Nhân của công ty ông Khương để hỏi tung tích của ông vào đầu tháng 5 năm 2002.

Sau đó Toà án quận Hồng Cương đã kết án ông Khương 7 năm tù và thụ án trong Nhà tù Đại Khánh.

Bị tra tấn ở trong tù

Vì ông Khương từ chối từ bỏ Pháp Luân Công hay mặc đồng phục tù nhân, ông đã liên tục bị lính canh đánh đập và biệt giam. Ông đã tuyệt thực để phản bức hại.

Để đạt chỉ tiêu chuyển hoá, Nhà tù Đại Khánh đã đưa tên ông Khương vào danh sách các học viên từ bỏ Pháp Luân Công trong năm 2005. Ông nói rằng ông bị sốc khi biết điều này và cảm thấy rất tức giận.

Ngày 26 tháng 1 năm 2006, ông bị giám đốc nhà tù là Vương Vĩnh Tường đánh đập và đưa đến một xà lim biệt giam. Ông bắt đầu tuyệt thực trong một tháng vào ngày hôm sau và bị bức thực bằng thức ăn trộn với nước muối.

2012-6-18-cmh-kuxingtu-04--ss.jpg

Tranh minh hoạ tra tấn: Bức thực

Cuối tháng 9 năm 2006, ông Khương lại tuyệt thực để phản đối bức hại. Giám đốc nhà tù đã tước quyền thăm thân của ông, biệt giam và đánh đập ông.

Ngày 7 tháng 9 năm 2007, vì ông từ chối mặc quần áo tù nhân và điểm danh vào nên lính canh ra lệnh cho tù nhân đánh ông bằng dùi cui cảnh sát trong nửa tiếng đồng hồ. Ông đã hô “Pháp Luân Đại Pháp hảo” để phản đối và lại bị biệt giam.

Sự tấn kéo dài đã khiến ông bị bệnh lao, ho, khó thở và tràn dịch màng phổi. Ông được đưa đến bệnh viện nhiều lần để hút chất lỏng ra ngoài. Ông gầy hốc hác, đồng thời gặp khó khăn khi nói và đi lại. Ông thường khó thở khi nằm ngửa, có lúc ông phải ngồi cong lưng để ngủ với tư thế cúi đầu để mặt hướng xuống.

Bất chấp tình trạng của ông, nhà tù vẫn từ chối thả ông cho đến khi ông mãn hạn tù vào năm 2009.

Sách nhiễu không ngừng

Sau khi trở về nhà ông Khương đã khôi phục học Pháp, luyện các bài công pháp Pháp Luân Công và sức khoẻ đã sớm hồi phục.

Ngày 7 tháng 8 năm 2012, ông Khương bị bắt trong lúc đang cài đặt chảo vệ tinh để thu những chương trình không bị [chính quyền Trung Quốc] kiểm duyệt cho một học viên khác là ông Trương Tăng Hải (người sau đó đã qua đời vì bị bức hại). Cảnh sát đưa ông tới trại tạm giam quận Nhượng Hồ Lộ. Gia đình ông bị tống tiền 10.000 nhân dân tệ trước khi ông được trả tự do.

Đơn vị công tác đã treo khoản trợ cấp 1.200 nhân dân tệ hàng tháng của ông từ tháng 9 năm 2012, và đóng tài khoản ngân hàng mà ông dùng để nhận lương.

Sự sách nhiễu triền miên của cảnh sát khiến ông Khương bị áp lực tinh thần to lớn và bệnh phổi mà ông mắc khi ở trong tù lại tái phát. Ông bị áp xe phổi, thường xuyên ho và nôn mửa, người ông tiều tụy và khó thở. Cuối cùng, ông đã không thể hồi phục và qua đời vào giữa tháng 3 năm 2022.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/6/9/444683.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/6/12/201786.html

Đăng ngày 07-07-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share