Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 04-06-2022] Trong tháng 5 năm 2022, 17 học viên Pháp Luân Công được ghi nhận là đã chết, nâng tổng số trường hợp tử vong trong năm nay lên 81. Trong số các trường hợp được báo cáo trong tháng 5, 1 người tử vong trong năm 2018, 1 người trong năm 2020, 4 người trong năm 2021 và 11 người trong năm 2022.

Pháp Luân Công, hay còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện dựa trên tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Từ khi pháp môn này được giới thiệu công chúng vào năm 1992, vô số người đã bị thu hút bởi những Pháp lý thâm sâu và lợi ích sức khoẻ mà môn tu luyện này mang lại. Lo sợ pháp môn tiếp tục phát triển, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã phát động một chiến dịch bức hại trên toàn quốc vào tháng 7 năm 1999, nhằm xóa sổ tận gốc pháp môn này.

Trong 17 học viên qua đời, 8 người là nữ, đến từ 11 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Liêu Ninh là tỉnh nhiều nhất với 6 trường hợp, tiếp đó là Bắc Kinh với 2 trường hợp. Những khu vực còn lại đều là 1 trường hợp, gồm các tỉnh Hắc Long Giang, Hồ Bắc, Hồ Nam, Cát Lâm, Giang Tô, Sơn Đông, Sơn Tây, An Huy và Hà Bắc.

Trong số 14 học viên đã thu thập được thông tin về tuổi tác, 9 người ngoài 50 tuổi, 2 người trên 60 tuổi và 3 người trên 70 tuổi. Người lớn tuổi nhất là bà Thiệu Quốc Anh (77 tuổi) ở tỉnh Hồ Bắc đã qua đời vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, do tình trạng sức khỏe của bà xấu đi vì bị cảnh sát sách nhiễu.

Ba học viên đã qua đời trong khi đang bị giam giữ, gồm một phụ nữ qua đời sau 14 tiếng bị bắt giam, một góa phụ qua đời khi đang thụ án 10 năm, và một người đàn ông (người này vốn ban đầu bị tuyên bố là đã chết trong khi vẫn còn sống, và sau đó đã chết thật sự).

Những học viên khác hầu hết đã qua đời sau khi phải chịu đựng vô vàn thống khổ do bị chính quyền bức hại suốt hai thập kỷ. Đặc biệt, một nam học viên đã qua đời sau 19 năm thụ án tù vì chèn tín hiệu truyền hình để phát sóng những chương trình vạch trần các tuyên truyền thù hận của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhắm vào Pháp Luân Công. Một gia sư toán bị kết án 2 năm tù trong khi vẫn đang hôn mê đã không bao giờ tỉnh dậy và đã qua đời.

Một học viên khác dù đã thoát khỏi một vụ bắt giữ nhưng sau đó bà được phát hiện đã chết tại nhà của một học viên khác, nơi mà bà đã ở nhờ trước khi tử vong. Cảnh sát tuyên bố rằng cái chết của bà là bất thường nhưng họ từ chối cung cấp mọi thông tin chi tiết.

Dưới đây là tóm tắt của một số trường hợp tử vong. Danh sách 81 trường hợp tử vong được báo cáo từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2022 có thể được tải về ở đây (Ghi chú: báo cáo bằng tiếng Anh và tiếng Trung)

Qua đời trong khi bị giam giữ

Sơn Tây: Một phụ nữ qua đời sau 14 tiếng bị bắt giữ vì tu luyện Pháp Luân Công

Tối ngày 28 tháng 3 năm 2022, gia đình của bà Ngưu Lan Vân nhận được thông báo từ phía cảnh sát, rằng người thân của họ vừa bị bắt vào buổi sáng đã qua đời.

Bà Ngưu đã phải sống xa gia đình ở thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây từ đầu năm 2021 để tránh bị bức hại bởi đức tin của mình vào Pháp Luân Công. Một nhân chứng đã thấy bà đã dùng dây thừng để trèo xuống từ tầng ba của một căn hộ trong Khu dân cư Hằng An (trong cùng thành phố) vào khoảng 6 giờ sáng ngày 28 tháng 3. Khi bà đến gần tầng một, cả bà và dây thừng đều rơi xuống. Bà nhanh chóng đứng dậy và đi về phía nhân chứng.

Nhân chứng muốn gọi một xe cứu thương cho bà Ngưu và bà đã lịch sự từ chối. Tuy nhiên nhân chứng vẫn gọi. Trước khi bà kịp rời đi thì xe cứu thương đã đến. Bà đã từ chối vào xe cứu thương và một nhân viên y tế cố kéo bà vào xe. Khi họ đang dùng dằng qua lại thì cảnh sát đến và họ đẩy bà vào xe cảnh sát rồi rời đi.

Không lâu sau đó, cảnh sát đã bắt giữ chủ nhà của bà Ngưu. Theo một người biết rõ sự việc, khi cảnh sát đến ngôi nhà thuê trọ của bà Ngưu thì thấy ở trong bếp có một khối bột tươi, điều này cho thấy rằng khi bà đang chuẩn bị bữa sáng thì phải đột ngột chạy trốn.

Lúc 8 giờ tối, gia đình nhận một cuộc gọi từ cảnh sát và được thông báo về cái chết của bà. Họ cũng được yêu cầu đến Nhà tang lễ Đại Đồng để xác minh và nhận diện bà.

Gia đình vẫn bị sốc bởi cái chết đầy uẩn khúc của bà và họ yêu cầu được biết chuyện gì đã xảy ra khi bà bị cảnh sát giam giữ để khiến bà bị tử vong.

Lần bức hại bà Ngưu gần đây nhất xảy ra vào năm 2020 khi bà và nhiều học viên Pháp Luân Công khác bị cảnh sát theo dõi và bắt giữ. Mặc dù cảnh sát đã thả bà ngay trong ngày nhưng họ doạ sẽ lại đến tìm bà.

Từ ngày 17 tháng 2 năm 2021, cảnh sát bắt đầu sách nhiễu bà Ngưu và gia đình, ám chỉ rằng họ sẽ lại bắt giữ bà. Để tránh bị bức hại thêm nữa, bà Ngưu đã chuyển ra ngoài và thuê một nơi trong quận khác ở cùng thành phố để sống một mình, nhưng cảnh sát đã sớm lần ra bà. Một hôm khi bà về nhà trọ, bà thấy cảnh sát mặc thường phục đang rời đi. Vì họ không nhận ra bà nên lần đó bà đã thoát khỏi vụ bắt giữ.

Hai năm sau khi vợ chết, người đàn ông ở Liêu Ninh qua đời trong khi thụ án tù 10 năm

Đã bị mất cha mẹ và vợ trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, ông Doãn Quốc Chí đã qua đời vào ngày 22 tháng 5 năm 2022 ở tuổi 56 trong khi đang thụ án 10 năm tù vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công.

Sau 10 năm rời nhà sống trôi giạt để tránh bị chính quyền bức hại, ông Doãn bị bắt giữ vào ngày 26 tháng 9 năm 2019 sau khi căn hộ thuê của ông bị bắt lửa và cảnh sát tới để kiểm tra hiện trường vụ cháy. Ông bị giam giữ tại Trại tạm giam Kiến Bình và bị ba người đang bị giam giữ ở đó đánh đập.

Viện Kiểm sát Huyện Kiến Bình và Tòa án Huyện Kiến Bình đã bí mật kết án ông 10 năm tù. Họ không thông báo cho gia đình ông về tình trạng của vụ án cho tới khi ông bị đưa tới Nhà tù Cẩm Châu.

Không lâu sau khi ông Doãn bị kết án, vợ ông là bà Phó Cảnh Hoa (cũng đang sống xa nhà) đã qua đời ngay trong căn hộ thuê trọ của bà vào ngày 31 tháng 12 năm 2019, sau nhiều năm bị bức hại vì đức tin chung của họ vào Pháp Luân Công.

Ngày 8 tháng 3 năm 2022, hai lính canh và một cán bộ thôn đã đến gặp một người thân của ông Doãn. Họ nói ông bị ung thư phổi giai đoạn cuối và đang thở oxy trong bệnh viện. Họ yêu cầu gia đình phải chi trả chi phí y tế cho ông (không rõ là gia đình có hợp tác hay không). Hơn hai tháng sau, ông Doãn đã qua đời vào ngày 22 tháng 5.

Khi gia đình đang trên đường đến nhà tù để nhận thi thể của ông, nhà tù đã gọi cho họ và yêu cầu họ phải cách ly theo quy định trước khi có thể tiếp cận thi thể. Vì không đủ khả năng chi trả chi phí cách ly và thời gian chờ đợi kéo dài, gia đình đã phải từ bỏ việc đưa xác ông về.

Khổ nạn của hai vợ chồng ông Doãn bắt đầu khi một nhóm cảnh sát tới bắt giữ họ vào ngày 28 tháng 7 năm 2009. Trong khi ông Doãn trốn thoát và buộc phải sống xa nhà thì vợ ông, bà Phó Cảnh Hoa bị bắt giữ và bị kết án 7 năm tù. Cha mẹ già của họ bị bỏ lại ở nhà phải vật lộn để chăm sóc cho bản thân và cháu trai của họ.

Cảnh sát liệt ông Doãn vào danh sách truy nã và trao thưởng 50.000 Nhân dân tệ cho ai trình báo nơi ở của ông. Họ còn sách nhiễu nhiều học viên địa phương khác trong nỗ lực tìm kiếm ông Doãn, khiến một vài học viên bị bắt giữ.

Đau khổ về cuộc bức hại của hai vợ chồng ông Doãn và sự sách nhiễu liên tục của cảnh sát, mẹ của bà Phó đã qua đời vào năm 2013. Một năm sau, mẹ ông Doãn cũng qua đời sau khi bị bệnh tim và cao huyết áp.

Khi bà Phó được trả tự do vào năm 2015, bà đã chăm sóc cho cha chồng bị liệt giường ngoài 80 tuổi. Ba năm sau cảnh sát bắt giữ bà một lần nữa vào ngày 13 tháng 12 năm 2018 khiến cha chồng bị sốc nặng. Ông đã qua đời không lâu sau khi bà được trả tự do sau 15 ngày tạm giam.

Cảnh sát tiếp tục sách nhiễu bà và đe dọa sẽ kết án bà 16 năm tù vì kiên định đức tin. Lo sợ bị bức hại thêm nữa, bà Phó buộc phải sống xa nhà. Không lâu sau bà lâm bệnh và qua đời tại căn hộ thuê trọ vào ngày 31 tháng 12 năm 2019 ở tuổi 53.

Người đàn ông 74 tuổi qua đời trong khi bị giam vì tu luyện Pháp Luân Công

Vào lúc 8 giờ 25 phút tối ngày 24 tháng 4 năm 2022, gia đình ông Lưu Thanh Phi (74 tuổi) nhận được cuộc gọi từ trại tạm giam Quận Liêu Trung và được thông báo rằng ông bị đột quỵ và đã qua đời mặc dù đã cố gắng hồi sức cấp cứu cho ông trong bệnh viện.

Khi gia đình vội vã đến bệnh viện, mắt và miệng của ông Lưu đã mở to. Đôi mắt của ông vẫn sáng và không giống như mắt của một người đã chết. Họ chạm vào cơ thể ông và nhận ra rằng cơ thể vẫn còn ấm. Họ hỏi những người lính canh trại tạm giam đứng bên cạnh: “Tại sao bác sỹ lại ngừng cố gắng hồi sức cấp cứu cho ông trong khi ông vẫn còn sống?”

Các lính canh cho rằng ông Lưu rơi vào tình trạng nguy kịch tính lúc 6:39 chiều. Họ gọi điện cho bệnh viện và 20 phút sau xe cấp cứu đến. Ông Lưu được cho là đã qua đời lúc 7 giờ 8 phút tối. Không rõ liệu ông có ở bệnh viện lúc 7 giờ 8 phút tối hay không. Cũng không rõ ai đã tuyên bố ông đã chết và tại sao các lính canh của trại tạm giam lại đợi đến 8 giờ 25 phút tối mới thông báo cho gia đình ông.

Trước yêu cầu mạnh mẽ của phía gia đình, bác sỹ đã cố gắng hồi sức cho ông Lưu một lần nữa, nhưng ông đã qua đời ngay sau đó.

Ngày 28 tháng 8 năm 2021, ông Lưu bị bắt tại nhà. Họ đột nhập vào nhà và tuyên bố rằng họ đến đó để tiêm vắc xin COVID-19 cho ông. Ông bị thẩm vấn trong khi bị giam và bị lên cơn đau tim vào ngày thứ hai sau khi bị bắt. Ông qua đời trong khi đang đợi phiên xử của Toà án Quận Liêu Trung.

Gia đình ông Lưu nghi ngờ có hành vi trả đũa trong cái chết của ông. Họ đang giữ thi thể của ông trong nhà tang lễ và đang cố gắng tìm kiếm công lý cho ông.

Cái chết đáng ngờ

Tháng 4 năm 2021, bà Phùng Yến ở huyện Dĩnh Thượng, thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy đã đến nhà của một học viên ở thành phố Hợp Phì và ở lại đó vài ngày. Cảnh sát đã phá cửa và đổ bộ vào căn hộ của học viên này vào ngày 28 tháng 4. Họ bắt giữ người học viên này và đưa bà tới Trung tâm Tẩy não Lục An. Bà Phùng đã thoát hiện trường và không rõ tung tích.

Hai tuần sau (ngày 13 tháng 5) khi người học viên kia đã được thả, cảnh sát đã lắp một ổ khóa mới trên cửa nhà để thay thế cho cái khóa đã bị họ phá trong cuộc đổ bộ nói trên. Người học viên ngửi thấy mùi hôi thối và đi lên gác xép để xem xét tình hình thì trông thấy thi thể của bà Phùng ở trên sàn nhà, mắt bà lồi ra và thân thể đã phân hủy một phần. Sau khi cảnh sát đến, họ chụp ảnh thi thể và đưa đi hỏa táng.

Ngày hôm sau, cảnh sát gọi điện cho gia đình bà Phùng ở thành phố Phụ Dương và bảo họ đến thành phố Hợp Phì. Gia đình muốn đưa thi thể bà Phùng về Phụ Dương để hỏa táng càng sớm càng tốt, nhưng cảnh sát cho biết việc khám nghiệm tử thi sẽ mất đến ba tháng và điều này phải được thực hiện trước khi họ có thể kết thúc vụ án. Họ cũng cảnh báo gia đình không được đăng bất kỳ thông tin nào liên quan cái chết của bà Phùng lên mạng Internet hoặc gửi bất kỳ khiếu nại nào. Gia đình đồng ý để cảnh sát khám nghiệm tử thi nhưng yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ. Một tuần sau, cảnh sát cấp giấy chứng tử cho bà Phùng, trong đó nói rằng bà tử vong bất thường, nhưng họ không nói rõ nguyên nhân cụ thể là gì.

Từ khi cuộc bức hại bắt đầu, bà Phùng (53 tuổi) đã liên tục bị bắt và sách nhiễu vì kiên định đức tin. Trong khi bà vẫn đang thụ án trong một trại lao động, toà án đã chấp thuận đơn ly dị đơn phương của chồng bà mà không được sự đồng ý của bà

Sau khi bà Phùng được thả khỏi một trung tâm tẩy não vào năm 2021, bà nói với con trai: “Nếu mẹ chết, thì là do họ. Mẹ sẽ không bao giờ tự tử, bởi nó đi ngược lại với đức tin của mẹ.”

Tử vong do bị bức hại trong thời gian dài

Hắc Long Giang: Một người đàn ông qua đời sau khi thụ án 19 năm tù vì lên tiếng cho đức tin của bản thân bị bức hại

Khi ông Trương Diệu Minh ở thành phố Hạc Cương, tỉnh Hắc Long Giang được thả sau khi thụ án 19 năm tù vì chèn tín hiệu truyền hình để phát sóng những chương trình vạch trần tuyên vu khống Pháp Luân Công, ống đã rất yếu và chỉ còn da bọc xương. Một năm sau ông đã qua đời ở tuổi 59. Ông ra đi để lại vợ con của mình.

Khi ĐCSTQ phát động cuộc bức hại tàn khốc Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, tất cả các kênh truyền thông do nhà nước kiểm soát đăng tải phô thiên cái địa những tuyên truyền vu khống và bôi nhọ Pháp Luân Công. Chỉ trong một đêm, 100 triệu học viên của pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân ôn hoà này đã bỗng chốc trở thành kẻ thù hàng đầu của đất nước.

Để giảng chân tướng về Pháp Luân Công, vào ngày 20 tháng 4 năm 2002, ông Trương, ông Vương Thụ Sâm, ông Quách Trung Quyền, ông Quách Hưng Vượng (còn gọi là Quách Hưng Quốc) và ông Dương Vĩnh Anh đã không màng rủi ro sinh mạng của họ để chèn tín hiệu vào sóng truyền hình địa phương để phát một đoạn video với thời lượng 20 phút để lật tẩy vụ tự thiêu giả mạo mà ĐCSTQ dàn dựng nhằm bôi nhọ Pháp Luân Công trên Quảng trường Thiên An Môn. Trương Hưng Phúc, khi đó là bí thư thành ủy Hạc Cương, đã rất tức giận. Ông ta ra lệnh bắt giữ các học viên liên quan, tuyên bố: “Thậm chí có bắt sai 1.000 người cũng không được để sót 1 người có liên can!”

Chỉ trong vài ngày, hơn 500 học viên Pháp Luân Công địa phương ở thành phố Hạc Cương đã bị bắt giữ. Ông Trương và bà Phạm bị bắt vào giữa đêm ngày 24 tháng 4 tại nhà của một người thân. Ông Vương, ông Quách Trung Quyền và ông Quách Hưng Vượng cũng bị bắt không lâu sau đó.

Tòa án Quận Công Nông đã kết án nặng đối với bốn học viên vào tháng 10 năm 2002: Ông Trương 19 năm tù, ông Vương 18 năm tù, ông Quách Hưng Vượng 15 năm tù và ông Quách Trung Quyền 13 năm tù.

Ông Trương ban đầu bị giam trong Nhà tù Số 3 Cáp Nhĩ Tân và sau đó bị chuyển đến Nhà tù Thái Lai vào ngày 30 tháng 6 năm 2014. Quản lý nhà tù hứa thưởng 2.000 Nhân dân tệ cho mỗi trưởng khu giam giữ và 1.000 Nhân dân tệ cho mỗi lính canh nếu bất kỳ đội nào có thể chuyển hoá thành công tất cả các học viên trong đội từ bỏ Pháp Luân Công. Bất kỳ quản giáo hay lính canh nào không đạt được tỉ lệ chuyển hoá 100% sẽ bị giảm lương, cách chức hay thậm chí mất việc. Các lính canh được phép dùng bất kể phương thức tra tấn nào miễn là có thể làm suy sụp ý chí của các học viên. Nếu không đủ dụng cụ tra tấn thì họ có thể tự chế ra.

Các học viên thường xuyên bị treo lên bằng còng tay hoặc bị trói vào các dụng cụ tra tấn kéo căng. Họ không được ngủ vào ban đêm. Khi trời lạnh, lính canh sẽ dội nước lạnh lên người họ. Có lúc họ bị treo dưới nắng nóng (lên tới 40°C). Có lúc họ bị để dưới hố sâu gần 1 mét trong nhiều ngày với chân tay bị trói hướng lên trên. Ngoài ra, lính canh còn tra tấn họ bằng cách đặt hai trái bóng thép dưới mông của một học viên trong bảy ngày. Bên cạnh đó, các học viên cũng bị cưỡng bức phải lao động nặng nhọc không công.

Ông Trương bị thiếu máu trầm trọng, mắc bệnh ngoài da và bệnh trĩ do bị tra tấn. Mặc dù có thời điểm ông được tạm tha để chữa trị y tế nhưng sau đó bị đưa trở lại nhà tù vào ngày 17 tháng 8 năm 2015 để hoàn thành án tù.

Khi ông mãn hạn tù vào ngày 23 tháng 4 năm 2021, thay vì thông báo cho gia đình đến đón thì nhà tù đã giao ông cho nhân viên của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Thành phố Hạc Cương, Phòng 610 và Đồn Công an Hồng Quân. Họ đưa ông đến Đồn Công an Hồng Quân và ép gia đình thay mặt ông viết một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công trước khi để ông về nhà.

Do bị huỷ hoại sức khoẻ nặng nề sau án tù dài hạn và tra tấn không ngừng, ông Trương đã không thể hồi phục và đã qua đời vào đầu tháng 4 năm 2022.

Một gia sư toán bị kết án tù khi vẫn đang hôn mê và đã qua đời sau đó

Ông Đinh Quốc Thần vẫn hôn mê khi bị kết án 2 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Người gia sư Toán ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh đã qua đời vào hai tháng sau đó vào ngày 30 tháng 4 năm 2022 ở tuổi 51.

Ngày 11 tháng 7 năm 2019, ông Đinh và vợ là bà Diêm Thanh Hoa bị bắt giữ trong cuộc truy quét của cảnh sát trên phạm vi toàn tỉnh. Vụ bắt giữ tập thể này diễn ra như một phần trong nỗ lực của chính quyền nhằm “duy trì sự ổn định” trước lễ kỷ niệm 70 năm lên nắm chính quyền ở Trung Quốc.

Bà Diêm được thả sau ngày hôm đó, nhưng ông Đinh đã bị đưa đến trại tạm giam Cẩm Châu vào buổi tối. Ông đã tuyệt thực kéo dài 4 tuần để phản đối việc giam giữ tùy tiện và bị bức thực. Ông bị mất thính giác và bị đột quỵ do bị ngược đãi. Sau đó, ông được cho tại ngoại vào ngày 19 tháng 10 năm 2019.

Ông Đinh tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công khi trở về nhà và đã hồi phục được một số khả năng vận động của mình, nhưng vẫn gặp vấn đề với thính giác.

Trong khi ông Đinh vẫn bị giam giữ, bà Diêm đã đến đồn công an địa phương để yêu cầu trả tự do cho ông. Cảnh sát Lý đã từng túm cổ và đẩy bà vào phòng để thẩm vấn. Khi bà trở lại vào ngày 10 tháng 9 năm 2019, chính anh ta đã túm tóc và xô đẩy bà. Kết quả là phần lớn tóc của bà bị rụng. Cảnh sát cũng đe dọa sẽ bắt hai con của bà khi họ đủ 18 tuổi.

Ngày 27 tháng 1 năm 2021, ông Đinh bị đột quỵ và hôn mê. Ông đã không thể tỉnh lại và ở trong tình trạng thực vật. Tòa án Quận Cẩm Châu đã tuyên án oan sai cho cặp vợ chồng vào ngày 23 tháng 2 bất chấp tình trạng của ông. Ông Đinh bị kết án 2 năm tù và bị phạt 5.000 Nhân dân tệ. Bà Diêm bị kết án 3,5 năm và bị phạt 8.000 Nhân dân tệ.

Tại một thời điểm, ba nhân viên của Tòa án Quận Cẩm Châu đã đến nhà của cặp vợ chồng này để xác minh tình trạng sức khỏe của ông Đinh. Bà Diêm chỉ vào ông trong tình trạng hôn mê và đang thở oxy và nói: “Ông ấy đã trở nên như thế này do cuộc bức hại. Hãy nhìn lại mình. Chúng tôi không đủ khả năng chi trả để ông ấy được điều trị trong bệnh viện và tôi chỉ có thể chăm sóc ông ấy tại nhà”.

Thấy hoàn cảnh khốn khó của gia đình, các nhân viên tòa án nói với bà: “Bà có thể ở nhà chăm sóc ông ấy”.

Bà Diêm đã dành toàn bộ số tiền tiết kiệm của gia đình để chữa bệnh cho ông Đinh và vay mượn thêm từ người thân và bạn bè của họ. Giờ đây, bà đang sống trong một hoàn cảnh túng thiếu, bà cũng phải vật lộn với khoảng trống mênh mông khi ông Đinh qua đời, và chăm sóc cho hai đứa con của họ.

Người đàn ông Liêu Ninh qua đời ở tuổi 52 do bị bức hại vì kiên định đức tin

Trong suốt 23 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại Pháp Luân Công, ông Ngô Đại Hưng ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh đã nhiều lần bị bắt giữ và sách nhiễu.

e3f5b5c2f94002440aa2cb04875ea1b8.jpg

Ông Ngô Đại Hưng

Trong khi thụ án 3 năm (từ 2007 đến năm 2009) ông bị tra tấn vô cùng tàn bạo, bao gồm bị quất bằng thắt lưng da, đấm vào mặt, bị giẫm lên người, bị điện giật trong nhiều giờ và ngồi trên một cái ghế với bề mặt có nhiều rãnh gồ ghề. Bên cạnh việc tra tấn thân thể, ông cũng bị cưỡng bức lao động nặng nhọc không công, bị mắng chửi và bị ép xem các băng hình bôi nhọ Pháp Luân Công.

257eec32d526f126641edbe98a646454.jpg

Tranh vẽ minh họa tra tấn: Ngồi trên ghế đẩu với bề mặt có nhiều rãnh gồ ghề

Sau khi được thả vào ngày 13 tháng 12 năm 2009, ông Ngô phải vật lộn để hồi phục sức khỏe của mình do bị tra tấn. Ông không còn là người đàn ông mạnh mẽ như trước và thường xuyên phải nghỉ ngay cả khi nấu bữa ăn cho gia đình.

Lo sợ bị trở thành mục tiêu bị bức hại lần nữa, ông đã chuyển nhà vào năm 2010, nhưng cảnh sát đã tìm thấy ông ngay sau đó. Một ngày nọ, khi một cảnh sát gõ cửa phòng lúc 7 giờ tối, ông đã nhảy ra khỏi cửa sổ và trốn thoát. Sau đó, cảnh sát đã sách nhiễu con trai ông tại trường học để cố gắng tìm xem ông đang ở đâu. Cậu bé, khi đó đang học tiểu học, phải nghỉ học trong vài tháng. Sự sách nhiễu của cảnh sát tiếp tục diễn ra trong nhiều năm, đặc biệt là khi cha của cậu bị bỏ tù. Các giáo viên của cậu thường bắt nạt cậu, điều này khiến cậu mang vết sẹo tâm lý suốt đời.

Việc ông Ngô bị bắt vào năm 2007 đã khiến mẹ ông buồn bã đến mức bà đột nhiên bị mù. Mặc dù ông đã cố gắng chăm sóc chu đáo cho bà sau khi được trả tự do, sức khỏe của bà tiếp tục suy giảm và bà đã qua đời sau đó. Sự ra đi của bà và sự sách nhiễu của cảnh sát khiến ông Ngô rất đau khổ. Ông quyết định rời nhà một lần nữa vào năm 2019, nhưng cảnh sát vẫn tìm được ông và bắt đầu lại sách nhiễu ông.

Mỗi lần sau khi bị sách nhiễu, ông Ngô luôn ở trong tâm trạng tồi tệ. Sức khỏe của ông ngày càng xấu đi và ông bị bệnh tim nghiêm trọng. Ông qua đời vào ngày 4 tháng 2 năm 2021. Ông mất khi 52 tuổi.

Người phụ nữ Hồ Nam qua đời sau nhiều thập kỷ bị bắt giữ và sách nhiễu vì kiên định đức tin của mình

Ngày 6 tháng 3 năm 2022, bà Khoáng Xương Vân ở thành phố Hành Dương, tỉnh Hồ Nam đã qua đời do cuộc bức lên đức tin của bà–Pháp Luân Công. Bà mất ở tuổi 68.

Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, bà Khoáng đã bị bắt ít nhất 10 lần và bị lục soát nhà 7 lần. Bà đã thụ án một năm trong trại lao động vào năm 2000 và bị kéo dài thêm một năm vì không từ bỏ Pháp Luân Công. Bà bị biệt giam và bị ép ngồi trên một cái ghế đẩu nhỏ. Các lính canh cũng lệnh cho những tù nhân tra tấn bà.

Khi thời hạn tăng thêm của bà Khoáng kết thúc vào năm 2002, các nhà chức trách vẫn từ chối trả tự do cho bà và lại đưa bà đến trại tạm giam Nam Nhạc, và giam giữ bà ở đó thêm 6 tháng. Sau khi được trả tự do, bà đã đến Trường Sa để thăm người chú của mình và ở lại đó 5 ngày. Khi trở về nhà, bà bàng hoàng khi thấy nơi ở của mình bị xáo trộn. Sau đó nhân viên của Phòng 610 đã bắt giữ bà với lý do bà rời khỏi thị trấn mà không có sự cho phép của họ. Bà bị giam giữ tại trại tạm giam Nam Nhạc gần 2 tuần. Bà đã tuyệt thực trong 1 tuần để phản đối việc giam giữ tùy tiện.

Kể từ đó, chính quyền vẫn tiếp tục theo dõi cuộc sống hàng ngày của bà và không cho phép bà ra khỏi thị trấn để tìm việc làm. Để giám sát bà hiệu quả hơn nữa, trưởng Phòng 610 đã sắp xếp cho bà làm công việc dọn vệ sinh công cộng của thành phố. Bà được yêu cầu làm việc hàng ngày mà không có ngày nghỉ nào và chỉ được trả 250 Nhân dân tệ một tháng. Nếu bà nghỉ một ngày, thì lương của bà sẽ bị khấu trừ

Sự bức hại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà Khoáng. Bà qua đời vào ngày 6 tháng 3 năm 2022 ở tuổi 68.

Bắc Kinh: Một người đàn ông đột ngột qua đời khi đang cố gắng giải cứu người vợ bị bắt vì kiên định đức tin

Ngày 25 tháng 4 năm 2022, ông Vương Liên Nghĩa (56 tuổi) đột nhiên chết trước sân nhà. Vì ông không trả lời điện thoại của anh trai trong hai ngày nên anh trai ông đã trèo qua hàng rào vào nhà và phát hiện thi thể của ông Vương.

Một ngày trước khi chết, ông Vương vẫn đang tìm kiếm một luật sư để biện hộ cho vợ là bà Lang Đông Nguyệt, người bị bắt vào ngày 14 tháng 12 năm 2021 vì tu luyện Pháp Luân Công và hiện đang đối mặt với phiên tòa.

Vì bản thân liên tục bị bắt giữ và sách nhiễu, ông Vương rất sợ hãi khi thấy hai xe cảnh sát đậu trước văn phòng luật sư và ông ngã ra đường. Sau khi nghỉ ngơi thời gian dài, ông gắng sức bước vào văn phòng luật sư cùng một người bạn. Ông nói với luật sư rằng mình là nông dân và không có tài chính tốt, nhưng ông sẵn lòng làm mọi thứ có thể để giải cứu vợ mình. Ông đã qua đời vào ngày hôm sau trước khi luật sư liên lạc lại với ông.

Vào những năm đầu của cuộc bức hại, ông Vương đã bị kết án lao động cưỡng bức vào năm 2002. Ông lần lượt bị giam 14, 7, và 15 ngày sau khi bị bắt lần lượt vào các ngày 5 tháng 5 năm 2016, 21 tháng 10 năm 2016 và 19 tháng 5 năm 2017.

Vì đề nghị thả vợ mình mà ông Vương lại bị bắt vào ngày 19 tháng 7 năm 2017 và bị giam trong một trại tạm giam suốt một tháng, sau đó là bị giam 14 ngày tại một trung tâm tẩy não.

Sau đó, cảnh sát tiếp tục sách nhiễu hai vợ chồng ông, trong đó có vụ bắt giữ ông ngay tại đám cưới của con gái ông vào ngày 22 tháng 3 năm 2018.

Người phụ nữ trung niên qua đời trong khi sống xa nhà

Bà Trương Tinh Ba ở thành phố Diên Cát, tỉnh Cát Lâm đã buộc phải rời khỏi nhà từ năm 2008 để tránh bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công. Sợ hãi và áp lực tinh thần đã ảnh hưởng đến sức khoẻ của bà. Bà đã qua đời trong một căn nhà thuê vào ngày 8 tháng 5 năm 2022 ở tuổi 52.

Sau khi bị bắt giữ vào ngày 14 tháng 4 năm 2008, cảnh sát trói bà trong tư thế gây đau đớn suốt gần 6 tiếng đồng hồ. Bà bị thở khó và suýt tử vong. Sau đó, bà đã tuyệt thực để phản bức hại. Cảnh sát cố gắng bức thực bà nhưng đã bỏ cuộc vì bà bị huyết áp cao do bị tra tấn. Sau đó, cảnh sát tiêm cho bà một mũi khiến tim bà đập nhanh và tê liệt toàn thân.

Bà rất yếu và rơi vào tình trạng nguy hiểm do bị tra tấn và tuyệt thực bảy ngày sau khi bị bắt giữ. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn cố tống bà vào trại lao động cưỡng bức. Chỉ sau khi lính canh trại từ chối nhận bà thì cảnh sát mới thả bà.

Sau khi ở nhà vài ngày để hồi phục, bà đã phải rời xa nhà để tránh bị bắt giữ một lần nữa. Bà bị đưa vào danh sách truy nã của cảnh sát và điện thoại của người thân cũng bị cảnh sát nghe lén.

Trước lần bắt giữ này, bà đã bị kết án 3 năm trong Trại Cưỡng bức Lao động Hắc Chuỷ Tử vào ngày 29 tháng 11 năm 2000. Bà bị ép phải làm việc không công 18 giờ mỗi ngày. Các lính canh đánh đập và lăng mạ bà khi bà không thể hoàn thành công việc đúng hạn.

Bênh cạnh việc cưỡng bức lao động, bà cũng bị sốc điện bằng dùi cui điện, bị biệt giam và cấm ngủ. Cơ thể bà chi chít những vết bầm tím mà phải mất nhiều tháng mới hồi phục.

Liêu Ninh: Một phụ nữ qua đời do sức khoẻ kém vì bị tra tấn và dùng thuốc không rõ nguồn gốc trong khi bị giam

Bà Vương Triêu Huy ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh đã qua đời vào ngày 29 tháng 12 năm 2021 do chịu đựng áp lực tinh thần và thể chất kéo dài trong cuộc bức hại. Bà hưởng dương 53 tuổi.

1954a86a6e9bcf86a4b3776fe4dcce50.jpg

Bà Vương Triêu Huy

Bà Vương bị bắt lần đầu vào tháng 7 năm 1999 khi bế theo con trai 13 tháng tuổi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Bà đã bị giam hai tuần và bị sốc bằng dùi cui điện. Bà lại bị bắt vào năm 2000 vì sao chép các bài viết từ trang Minghui.org và bị giam 15 ngày. Để tránh cảnh sát, bà đã cùng con trai sống trôi giạt vào cuối năm 2000.

Bà bị đưa vào danh sách đen của cảnh sát vào tháng 8 năm 2008 vì treo một băng rôn có thông tin về Pháp Luân Công. Khi bà bị bắt vào ngày 9 tháng 9 năm 2009, con trai 11 tuổi của bà đã chứng kiến toàn bộ quá trình, bao gồm cảnh sát đã chụp một cái mũ đen lên đầu bà và đánh đập bà. Cậu con trai cũng bị đưa đến đồn công an và bị giam thời gian ngắn.

Sau đó bà Vương bị kết án 4 năm tù ở Nhà tù Nữ Tỉnh Liêu Ninh. Sau khi bà bị viêm màng phổi, bác sỹ đã cho bà dùng những loại thuốc không rõ nguồn gốc gây ra bệnh gan nghiêm trọng. Bà suýt chết và được thả vào tháng 10 năm 2010. Trong những năm qua, bà đã vật lộn với bệnh xơ gan cổ trướng, suy tim và thận, cuối cùng đã cướp đi mạng sống của bà.

Không chỉ bản thân bà phải chịu nhiều thống khổ vì cuộc bức hại, gia đình bà cũng chịu nhiều áp lực to lớn. Cả bà và chồng đều mất việc; cha mẹ bà lần lượt qua đời vào năm 2003 và 2004; con trai bà cũng bị tổn thương tinh thần sau khi chứng kiến cuộc bức hại mà gia đình phải chịu đựng trong những năm qua.

Bài liên quan:

Ghi nhận trong tháng 4 năm 2022: 19 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết

Ghi nhận từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2022: 44 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết

Báo cáo tháng 1 năm 2022: 20 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết

Báo cáo năm 2021: 132 học viên Pháp Luân Công qua đời trong cuộc bức hại đức tin của họ

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/6/4/444469.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/6/10/201751.html

Đăng ngày 06-07-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

 

Share