Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 03-05-2022] Trong tháng 4 năm 2022 đã ghi nhận 57 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của mình, trong đó có 1 trường hợp trong năm 2019, 2 trường hợp trong năm 2020, 7 trường hợp trong năm 2021 và 47 trường hợp trong năm 2022 (gồm 4 trường hợp và tháng 1, 11 trường hợp vào tháng 3 và 32 trường hợp vào tháng 4).
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Kể từ đó, vô số học viên đã bị bắt, giam giữ, kết án và tra tấn vì kiên định đức tin của họ. Tuy nhiên, do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt ở Trung Quốc, các trường hợp bức hại vẫn luôn không thể được báo cáo kịp thời hoặc có đầy đủ thông tin.
14 học viên là trên 60 tuổi, gồm 5 người ngoài 60, 8 người ngoài 70 tuổi và 1 người ngoài 80 tuổi. Ngoại trừ 2 học viên chưa rõ giới tính, 34 trong số 55 học viên còn lại là nữ. Tỉnh Sơn Đông có số học viên bị kết án nhiều nhất với 12 trường hợp, tiếp đó là Liêu Ninh có 8 trường hợp, Hắc Long Giang, Hồ Bắc và Vân Nam có 5 trường hợp mỗi tỉnh. 12 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương còn lại có từ 1 đến 4 trường hợp.
Ông Trử Kế Đông (quê gốc ở Thiên Tân và đã chuyển tới tỉnh Ninh Hạ) bị kết án nặng nhất 13 năm tù. Một cư dân Sơn Đông, ông Vu Bách Thanh, bị kết án 8 năm tù cùng 50.000 nhân dân tệ tiền phạt
Một số học viên bị kết án là những chuyên gia, gồm cựu giáo sư tiếng Anh, một giáo viên nhạc, một bác sỹ quân y và một giám sát viên cấp cao.
Dưới đây là thông tin chi tiết hơn về các trường hợp kết án. Danh sách đầy đủ các học viên bị kết án có thể được tải xuống tại đây.
Án tù nặng
Tỉnh Ninh Hạ: Một người đàn ông quê gốc Thiên Tân bị kết án 13 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công
Ông Sở Kế Đông (47 tuổi, quê gốc ở Thiên Tân) sinh sống ở thành phố Ngân Xuyên, tỉnh Ninh Hạ đã bị kết án tù 13 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công.
Được biết ông Sở đã buộc phải xa quê nhà Thiên Tân và chuyển tới sinh sống ở Ngân Xuyên để tránh bị bức hại, nhưng ông đã bị bắt và hiện đang bị giam ở trong trại tạm giam thành phố Ngân Xuyên. Đến nay ông đã tuyệt thực ít nhất là 90 ngày để phản bức hại và đang bị bức thực.
Ông Sở bị bắt lần đầu tiên vào tháng 9 năm 1999 vì thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công ở Bắc Kinh. Đến ngày 14 tháng 9, ông bị lãnh án một năm lao động cưỡng bức và bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Song Khẩu. Ông đã tuyệt thực ba tháng và tính mạng gặp nguy hiểm. Khi thời hạn một năm kết thúc, ông lại bị giam thêm một năm nữa vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công.
Nửa cuối năm 2000, ông Sở bị cưỡng bức lao động không công, bao gồm làm bóng bay và hoa giả. Do điều kiện vệ sinh không tốt nên tay ông bị mưng và chảy mủ. Thay vì đưa ông đi bệnh viện để điều trị, nhà tù lại lệnh cho tù nhân đánh đập và chửi rủa ông.
Trong một cuộc họp của Trại Lao động Cưỡng bức Song Khẩu vào ngày 13 tháng 9 năm 2001, giám đốc Trịnh Kim Đông của trại đã nói với các học viên từ chối từ bỏ Pháp Luân Công rằng: “Tôi nói cho các vị biết, kết thúc một năm gia hạn, thì các vị cũng chưa đi được đâu. Sở Kế Đông chẳng phải là một ví dụ đó sao? Chủ Nhật vừa rồi (ngày 9 tháng 9) chúng tôi đã làm thủ tục để thả ông ta, nhưng ông ta vẫn không thể về nhà được. Chúng tôi đang đưa ông ta đến trung tâm tẩy não. Nếu ông ta không chuyển hóa (từ bỏ Pháp Luân Công), chúng tôi sẽ bắt ông ta một lần nữa và cho ông ta thêm ba năm lao động cải tạo nữa. Sau đó, chúng tôi có thể gia hạn bản án của ông ta thêm một năm nữa”.
Ông Sở đã bị chuyển tới Trại Lao động Cưỡng bức Bản Kiều vào tháng 10 năm 2001 (ngay sau cuộc họp nói trên) và quả thực ông đã bị lãnh án lao động cưỡng bức với thời hạn ba năm nữa.
Người đàn ông Sơn Đông bị kết án 8 năm tù và phạt tiền nặng vì kiên định đức tin
Ông Vu Bách Thanh, một cư dân thành phố Giao Châu, tỉnh Sơn Đông đã bị kết án 8 năm tù và phạt 50.000 nhân dân tệ vào ngày 15 tháng 4 năm 2022 vì tu luyện Pháp Luân Công. Bất chấp thực tế rằng Viện kiểm sát Hoàng Đảo đã trả lại hồ sơ vụ án của ông cho cảnh sát vì thiếu bằng chứng, nhưng cảnh sát đã làm giả bằng chứng chống lại ông và gây sức ép để công tố viên truy tố ông.
Ngày 18 tháng 3, Tòa án Hoàng Đảo đã xét xử ông Vu từ xa qua video. Luật sư của ông đã biện hộ vô tội cho ông, và lập luận rằng không có luật nào từng hình sự hóa Pháp Luân Công ở Trung Quốc và công tố viên đã không chứng minh được việc thực hành Pháp Luân Công của thân chủ ông đã gây ra tổn hại hoặc nguy hiểm cho người khác như thế nào. Vào ngày 15 tháng 5, Thẩm phán đã tuyên mức án nặng đối với ông Vu.
Đây là lần thứ hai ông Vu bị kết án. Trước kia ông từng bị kết án 3 năm tù (2003). Bản án của ông đã giáng một đòn nặng nề lên người con trai vừa đỗ đại học của ông, khiến cậu thanh niên này phát bệnh trầm cảm. Vợ ông cũng phải nghỉ việc do thường xuyên bị sách nhiễu. Trong thời gian ông Vu bị cầm tù, bà đã phải làm thuê làm mướn nhiều công việc vặt để trang trải sinh hoạt cho gia đình.
Chuyên gia cũng bị nhắm đến
Mẹ của một cư dân Canada và là cựu giáo sư Anh ngữ bị kết án tù 3,5 năm tù
Gần đây bà Lưu Diễm, một cựu giảng viên tiếng Anh ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc ) và cũng là mẹ của một cư dân Toronto (Canada) đã bị kết án 3,5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 4 năm 2022.
Bà Lưu Diễm (bên trái) cùng con gái và chồng
Bà Lưu Diễm từng là trưởng khoa và phó giáo sư Khoa Ngoại ngữ của Đại học Khoa học và Nghệ thuật Vân Nam. Vào ngày 29 tháng 9 năm 2021, trong khi bà đang đi taxi, người tài xế họ La đã cố gắng áp sát và còn nói muốn cùng bà có mối quan hệ nam nữ bất chính. Bà Lưu kiên quyết cự tuyệt và bảo với La rằng bà là người tu luyện Pháp Luân Công và sống chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn của pháp môn. La vì không đạt được mục đích mà thẹn quá hóa giận, bèn báo bà Lưu với cảnh sát.
Ngày hôm sau, hơn 10 cảnh sát, trong đó có đội trưởng Đinh Kiến Phong và phó đội trưởng Quách Hoành Vĩ của Đội An ninh Nội địa Quận Ngũ Hoa đã bắt giữ bà Lưu trong khi bà đang làm việc tại bảo tàng nghệ thuật bảo vệ môi trường nơi hai vợ chồng bà điều hành. Bà bị giam trong trại tạm giam Thành phố Côn Minh và luật sư, người nhà bà không được phép vào thăm.
Tòa án Quận Ngũ Hoa đã xét xử bà Lưu vào ngày 25 tháng 2 năm 2022, sau đó kết án bà Lưu 3,5 năm tù và phạt tiền 5.000 nhân dân tệ vào tháng 4. Bà bị buộc tội “lợi dụng một tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật” (một cái cớ quy chuẩn được dùng để hình sự hóa các học viên Pháp Luân Công). Hiện bà đang kháng cáo.
Con gái của bà Lưu, cô Lưu Minh Viên, ngành hoạt hình máy tính tại Đại học Sheridan (ở Toronto), đã tổ chức họp báo từ tháng 10 năm ngoái và viết thư cho các quan chức chính phủ, kêu gọi trả tự do cho mẹ cô ngay lập tức.
Cô Lưu Minh Viên kêu gọi trả tự do cho mẹ cô trong cuộc họp báo trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại Toronto vào ngày 18 tháng 2 năm 2022
Cựu giám sát viên cảnh sát bị kết án 3,5 năm
Khi bà Lương Diệu Mẫn ra hầu tòa lần thứ ba vào ngày 20 tháng 1 năm 2022 vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công, bà và các luật sư của bà đã bác bỏ những bằng chứng do cảnh sát ngụy tạo để chống lại bà. Họ nói rằng không có bằng chứng nào chứng minh bà vi phạm pháp luật khi tu luyện Pháp Luân Công, và yêu cầu được tuyên trắng án. Bất chấp việc thiếu bằng chứng, thẩm phán vẫn kết án ba 3,5 năm tù vào tháng 4 năm 2022.
Ngày 9 tháng 1 năm 2021, bà Lương Diệu Mẫn, 62 tuổi, một cựu giám sát viên cảnh sát ở thành phố Hải Dương, tỉnh Sơn Đông, bị bắt tại cửa hàng quần áo của mình. Bà bị mắc bệnh tim nghiêm trọng và chân run lên mất kiểm soát khi bị giam tại trại tạm giam Thành phố Yên Đài.
Bất chấp tình trạng sức khỏe của bà, cảnh sát đã từ chối cho bà tại ngoại và cố gắng sử dụng việc tại ngoại để làm mồi nhử dụ dỗ bà viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công hoặc nhận rằng tu luyện Pháp Luân Công là có tội. Công tố viên cũng cố gắng lừa bà ký tên vào các văn bản thừa nhận các bằng chứng bịa đặt để đổi lấy việc bà được tại ngoại. Tuy nhiên bà đã từ chối.
Tòa án Thành phố Hải Dương xét xử trực tuyến bà vào các ngày 16 tháng 12 và ngày 30 tháng 12 năm 2021. Trong hai phiên tòa bà đều bị đau ngực dữ dội, nên thẩm phán đã cho hoãn cả hai phiên tòa và dời đến ngày 20 tháng 1 năm 2022.
Bà Lương từng làm kỹ sư kiểm nghiệm vết tích của Đội Hình cảnh thuộc Công an Thành phố Hải Dương, với chức danh giám sát viên cảnh sát cấp ba (hay cảnh đốc cấp 3). Bà là một trong số ít nữ cảnh sát điều tra của tỉnh, và với kỹ năng chuyên môn giỏi bà đã phá được nhiều vụ án lớn và quan trọng.
Do thời gian dài làm việc căng thẳng, thân thể bà Lương đầy rẫy bệnh tật, chẳng hạn bệnh tim, viêm teo dạ dày, phù nề túi mật, viêm tụy, đau thần kinh, viêm khớp và tăng sản đốt sống cổ.
Ngày 20 tháng 1 năm 1996, một người bạn đã giới thiệu Pháp Luân Công với bà sau khi biết đến những lợi ích sức khỏe to lớn của Pháp Luân Công. Chỉ sau hai tuần học các bài giảng và luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công, tình trạng của bà Lương đã được cải thiện. Một tháng sau, sức khỏe của bà hoàn toàn phục hồi.
Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại vào tháng 7 năm 1999, bà Lương đã bị bắt, giam giữ trong lớp tẩy não, bị đưa vào bệnh viện tâm thần và trại lao động cưỡng bức, và bị kết án vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Bà cũng bị đuổi khỏi ngành. Bà đã mở một cửa hàng quần áo để kiếm sống, và rồi lại bị bắt và đối mặt với một án tù khác.
Một bác sỹ quân y về hưu bị kết án ba năm tù
Gần đây, một bác sỹ quân y về hưu bị nhắm mục tiêu trong một cuộc truy quét của cảnh sát ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam đã bị kết án 3 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Lương hưu của bà cũng đã bị đình chỉ.
Bà Chu Thúy Hoa, một cựu bác sỹ của Bệnh viện Quân đoàn Cảnh sát Vũ trang Hồ Nam, đã bị bắt vào ngày 28 tháng 10 năm 2020, và nhà của bà cũng bị lục soát. Bà bị giam giữ trong trại tạm giam Số 4 Thành phố Trường Sa kể từ đó.
Bà Chu là một trong hơn 20 học viên Pháp Luân Công ở Trường Sa bị bắt vào ngày 27 và 28 tháng 10 năm 2020. Cảnh sát đã cố gắng thu thập thông tin về các học viên thông qua gia đình họ trong các cuộc đổ bộ. Mặc dù hầu hết người nhà của các học viên đều nói rằng họ không biết gì, nhưng cảnh sát lại đem những câu trả lời họ viết vào phần “lời chứng” và biến họ trở thành “nhân chứng” chống lại các học viên, sau đó viện lý do này để cấm họ tham dự phiên tòa xét xử các học viên.
Tính đến thời điểm báo cáo này, bảy trong số các học viên bị bắt đã bị kết án. Trong đó:
Bà Trương Linh Cách bị kết án 4 năm tù vào ngày 8 tháng 5 năm 2021. Ông Mạnh Khải bị kết án 3,5 năm tù vào ngày 17 tháng 9 năm 2021. Bà Văn Tĩnh bị kết án 3 năm 3 tháng tù vào ngày 6 tháng 12 năm 2021. Bà Từ Lệ Hoa bị kết án 3,5 năm tù vào ngày 7 tháng 12 năm 2021. Ông Lý Chí Cương bị kết án 3 năm 3 tháng tù vào ngày 21 tháng 12 năm 2021. Ông Tào Chí Phương và bà Dương Phương (vợ ông Tào) mỗi người bị kết án 3 năm 3 tháng tù vào ngày 24 tháng 12 năm 2021.
Một cặp vợ chồng khác là ông Trần Dương và bà Tào Chí Mẫn đã bị đưa ra xét xử vào ngày 21 tháng 12 năm 2021, và hiện vẫn đang chờ phán quyết.
Cựu giáo viên âm nhạc bị kết án vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công
Sau khi một cựu giáo viên âm nhạc 75 tuổi bị bắt vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại Pháp Luân Công, con gái và cháu trai của bà, vốn không tu luyện Pháp Luân Công, cũng bị bắt. Hiện cả ba ngươi đều bị kết án tù.
Ngày 12 tháng 12 năm 2021, bà Hứa Thanh Phương ở thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh đã bị cảnh sát mặc thường phục bắt giữ khi đang phân phát lịch có thông tin về Pháp Luân Công trong một khu chợ nông sản.
Khi hay tin bà bị bắt giữ, con gái bà là cô Mạnh Đào đã vội đến Đồn Công an Đại Tiết để hỏi về tình huống của bà. Cháu trai là anh Hứa Trì cũng đến để hỏi thăm tin tức, nhưng vô ích.
Sau đó anh Hứa Trì đã đến nhà bà Hứa và cố chuyển các vật dụng liên quan đến Pháp Luân Công của bà đi. Nhưng cảnh sát đã theo dõi và bắt giữ cả anh và cô Mạnh với lý do là hai người đang cố gắng “tiêu huỷ bằng chứng”.
Bà Hứa và cô Mạnh bị giam trong trại tạm giam Nữ Thành phố Cẩm Châu, anh Hứa bị giam trong trại tạm giam Thành phố Cẩm Châu.
Vì bị ngược đãi trong lúc bị giam giữ, bà Hứa đã bị gặp vấn đề về sức khỏe và được khiêng đến toà án khi bà, con gái và cháu trai bị Toà án Thành phố Lăng Hải xét xử vào ngày 4 tháng 3 năm 2022. Thẩm phán đã kết án bà Hứa năm năm, cô Mạnh và anh Hứa mỗi người sáu tháng tù giam.
Giáo viên bị kết án lần thứ hai trong chưa đầy ba năm vì kiên định đức tin
Ngày 27 tháng 4, bà Vũ Mỹ Hà (59 tuổi, ở huyện Xương Nhạc, tỉnh Sơn Đông) đã bị kết án 3,5 năm tù sau khi bị bắt giữ vào ngày 4 tháng 2 năm 2022 vì nói với mọi người về Pháp Luân Công.
Vụ bắt giữ lần này của bà Vũ diễn ra chỉ sau một năm bà kết thúc thời gian thụ án tù trước đó vì kiên định đức tin. Trước đây, bà Vũ (cựu giáo viên của Trường Trung học Dạy nghề Số 3 huyện Xương Nhạc) từng bị bắt giữ vào ngày 12 tháng 6 nă 2019 vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công.
Ngày 20 tháng 11 năm 2019, khi Tòa án Thanh Châu đã đưa bà ra xét xử, chủ tọa phiên tòa nói với bà: “Bà nên biết rằng tòa án và nhà tù phục vụ cho giai cấp thống trị.” Thẩm phán kết án bà 15 tháng tù cùng 5.000 nhân dân tệ tiền phạt vào ngày 20 tháng 12 năm 2019. Đơn kháng án của bà đã bị tòa án cấp cao hơn từ chối.
Tại thời điểm được trả tự do vào ngày 11 tháng 9 năm 2020, bà rất đau buồn khi biết rằng lương hưu của mình đã bị Phòng An sinh xã hội đình chỉ.
Một cư dân Bắc Kinh bị kết án 3 năm tù vì gửi đoạn video cho kênh truyền thông ở nước ngoài
Bởi anh Hác Hổ Thành (quê gốc ở thành phố Vũ An, thành phố Hà Bắc) đã gửi một đoạn video cho kênh truyền thông Epoch Times ở nước ngoài thông qua WeChat vào dịp Tết Âm lịch, tháng 2 năm 2021, nên anh Hác (một thợ sửa máy lạnh 36 tuổi ở Bắc Kinh) đã bị kết án 3 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công vào háng 4 năm 2022.
Ngày 17 tháng 2, công an Bắc Kinh đã liên lạc điện thoại với anh Hác. Khi anh đang ở quê nhà ở tỉnh Hà Bắc để đón Tết cùng gia đình, công an Bắc Kinh đã ra lệnh cho công an Hà Bắc giám sát anh. Công an Hà Bắc đã ban hành lệnh tạm giam anh 15 ngày, nhưng sau đó đã không thi hành án.
Tối ngày 22 tháng 4 năm 2021, công an Bắc Kinh đã định vị anh Hác trong khi anh đang lái xe. Họ chặn đường và lục soát xe hơi của anh, tìm thấy 1.000 tờ tiền giấy mệnh giá 5 nhân dân tệ có in thông tin về Pháp Luân Công. Bởi sự kiểm soát thông tin nghiêm ngặt ở Trung Quốc, các học viên Pháp Luân Công sử dụng nhiều cách sáng tạo để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, trong đó có việc in thông điệp chân tướng lên trên tiền giấy.
Ngày 20 tháng 1 năm 2022, Tòa án Quận Xương Bình đã xét xử anh Hác ở trong trại tạm giam. Đến đầu tháng 4 năm 2022, thẩm phán kết án anh Hác 3 năm tù (không rõ mức tiền phạt).
Cụ ông ngoài 80 tuổi bị kết án một năm tù vì nói với người khác về Pháp Luân Công
Ông Liễu Hy Hoa, một cư dân ngoài 80 tuổi ở thành phố Kinh Môn của tỉnh Hồ Bắc, đã bị kết án 1 năm tù và phạt 6.000 nhân dân tệ vào ngày 7 tháng 4 năm 2022 vì nói với mọi người chân tướng Pháp Luân Công.
Ông Liễu từng bị thấp khớp nặng, viêm gan và bị thương ở chân do tai nạn lao động khi còn trẻ. Chỉ sau vài tháng tu luyện Pháp Luân Công, tất cả mọi căn bệnh đeo bám ông nhiều năm đều biến mất. Ông thường nói với mọi người rằng nếu không tu luyện Pháp Luân Công, ông không thể sống đến 80 tuổi. Biết ơn Pháp Luân Công đã ban cho mình một cuộc sống mới, ông cảm thấy cần phải chia sẻ câu chuyện của mình với công chúng và nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp.
Ông Liễu bị báo cáo vì nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công vào đầu năm 2021. Cảnh sát đã xác định được địa chỉ của ông thông qua hệ thống giám sát đường phố khổng lồ và bắt ông đến đồn công an để thẩm vấn. Toàn bộ sách Pháp Luân Công và nhiều đồ vật cá nhân khác của ông đã bị cảnh sát lấy đi.
Sau khi cảnh sát chuyển hồ sơ của ông Liễu sang Viện Kiểm sát Quận Đông Bảo, ông đã bị tổn thương tinh thần nặng nề đến mức bị nằm liệt giường. Tuy nhiên, công tố viên vẫn tiếp tục buộc tội ông.
Bản án đầu tháng 4 vừa qua đã khiến sức khỏe của ông Liễu càng suy giảm hơn. Ông đang phải chống chọi với chứng phù nề toàn thân, huyết áp cao, choáng váng và không thể tự sinh hoạt. Vì vợ của ông là bà Lý Hương Vinh qua đời vào tháng 5 năm 2019 sau khi quá khiếp sợ vì bị cảnh sát liên tục sách nhiễu, nên giờ đây ông Liễu đang phải vật lộn để tự chăm sóc bản thân. Không rõ liệu các nhà chức trách có định đưa ông đến nhà tù để thụ án tù hay không.
Các báo cáo liên quan:
Báo cáo tháng 2 năm 2022: 33 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin
Báo cáo tháng 1 năm 2022: 132 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin
Báo cáo năm 2021: 1187 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2022/5/3/442036.html
Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2022/5/9/200244.html
Đăng ngày 04-06-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.