Bài viết của một phóng viên Minh Huệ ở Bắc Kinh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 24-01-2022] Vào ngày 14 tháng 1 năm 2022, Toà án Quận Đông Thành ở Bắc Kinh đã kết án 11 học viên Pháp Luân Công sau khi họ bị bắt vì gửi những tấm ảnh về thành phố trống không trong đại dịch cho truyền thông hải ngoại. Việc kết án diễn ra vài tuần trước Thế vận hội Mùa Đông 2022 (Bắc Kinh 2022), được tổ chức từ ngày 4 đến 20 tháng 2.
Các học viên bị kết án gồm:
- Bà Hứa Na bị kết án tám năm cùng 20.000 nhân dân tệ tiền phạt.
- Ông Lý Tông Trạch, ông Lý Lập Tân, bà Trịnh Ngọc Khiết và bà Trịnh Diễm Mỹ mỗi người bị kết án năm năm cùng 10.000 nhân dân tệ tiền phạt.
- Bà Đặng Tĩnh Tĩnh, ông Trương Nhậm Phi, ông Lưu Cường và bà Mạnh Khánh Hà mỗi người bị kết án bốn năm cùng 8.000 nhân dân tệ tiền phạt.
- Bà Lý Giai Hiên và bà Tiêu Mạnh Kiều mỗi người bị kết án hai năm cùng 4.000 nhân dân tệ tiền phạt.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Các vụ bắt giữ
Ngày 19 tháng 7 năm 2020, Đội An ninh Nội địa Bắc Kinh và Công an Quận Đông Thành đã điều động hơn 100 cảnh sát vây bắt 11 học viên nói trên. Khoảng 10 cảnh sát được giao nhiệm vụ bắt giữ một học viên. Khi bà Hứa đang vẽ tranh tại nhà thì người của Đội An ninh Nội địa Bắc Kinh, Đội An ninh Nội địa Quận Thuận Nghĩa và Đồn Công an Không Cảng đã xông vào và bắt giữ bà. Ngày hôm sau cảnh sát quay lại và tịch thu máy tính, điện thoại di động và máy quay video của bà.
Người của Bộ An ninh Quốc Gia đã thấy những bức ảnh chụp Bắc Kinh được đăng trên website Đại Kỷ Nguyên vào tháng 6 năm 2020. Thông qua các video của camera giám sát, cảnh sát thấy bà Hứa cùng những học viên khác đi lại qua các khu vực đó nên đã bắt đầu theo dõi họ.
Một tháng sau vụ bắt giữ, vào ngày 28 tháng 8, các nhà chức trách đã phê chuẩn bắt giữ 11 học viên. Cảnh sát không cho gia đình học viên biết về tình trạng của họ và không có thông báo tạm giam chính thức nào được gửi tới các gia đình.
Đầu tháng 11 năm 2020, luật sư của các học viên biết rằng hồ sơ vụ án của thân chủ của họ đã bị gửi đến Viện Kiểm sát Quận Đông Thành. Công tố viên Trương Lỵ đã không cung cấp bản sao hồ sơ của họ như đã hứa và chỉ cho các luật sư chụp hình và chép tay lại các tài liệu tại viện kiểm sát. Mỗi luật sư chỉ có bốn tiếng để xem qua hồ sơ. Hầu hết các bằng chứng truy tố bao gồm các bức ảnh chụp lén đời sống hàng ngày của học viên mà họ không hề hay biết.
Đến cuối tháng 11 năm 2020, công tố viên đã trả lại hồ sơ cho Công an Quận Đông Thành vì thiếu bằng chứng. Khoảng thời gian từ tháng 12 năm 2020 đến tháng 1 năm 2021, cảnh sát lại tái trình các hồ sơ và công tố viên lại trả hồ sơ vào cuối tháng 1 năm 2020, cũng vì thiếu bằng chứng.
Ngày 2 tháng 4 năm 2021, Viện Kiểm sát Quận Đông Thành truy tố 11 học viên và đã chuyển hồ sơ vụ án của họ sang Tòa án Quận Đông Thành. Thẩm phán phụ trách vụ đã ra quyết định rằng chỉ khi tất cả các luật sư đại diện cho 11 học viên đến tòa cùng một lúc, ông ta mới cho phép họ xem xét các tài liệu của các vụ án. Ngoài ra, các luật sư không được phép sao chép hoặc chụp ảnh các tài liệu, cũng như tòa án sẽ không cung cấp bất kỳ bản sao nào dù dưới dạng bản giấy hoặc tệp (file) điện tử.
Một số luật sư đã đệ đơn khiếu nại rằng quy định của thẩm phán đã vi phạm luật pháp Trung Quốc hiện hành, rằng viện kiểm sát và tòa án cần tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư xem xét và sao chép hồ sơ vụ án. Luật pháp cũng cấm viện kiểm sát và tòa án đặt ra giới hạn số lần hay thời gian luật sư được xem xét hồ sơ vụ án. Quy định của thẩm phán hạn chế nghiêm trọng khả năng làm việc của luật sư có thể xem xét hồ sơ vụ án theo cách thuận tiện cho họ, điều đó có thể ảnh hưởng đến khả năng biện hộ tốt nhất của luật sư cho các học viên và ảnh hưởng đến kết quả pháp lý của vụ án.
Luật sư biện hộ
Sau một năm bị tạm giam, các học viên đã bị xét xử bởi Toà án Quận Đông Thành vào ngày 15 tháng 10 năm 2021. Năm luật sư đã lần lượt biện hộ vô tội cho các thân chủ của họ.
Khi đối chứng các bằng chứng vào buổi chiều, các luật sư chỉ ra rằng Đại Kỷ Nguyên, tờ báo mà các học viên gửi những bức ảnh, là một kênh truyền thông hợp pháp được đăng ký ở Hoa Kỳ. Nó tiết lộ những thông tin kiểm duyệt bên trong và ngoài Trung Quốc, bao gồm cả cuộc bức hại Pháp Luân Công cùng những nhóm thiểu số và tôn giáo khác.
Ngoài các bức ảnh, công tố viên còn buộc tội các học viên đã tụ tập bất hợp pháp và phân phát tài liệu Pháp Luân Công dựa trên các tài liệu được tìm thấy tại nhà các học viên. Các luật sư tranh luận rằng sách và tài liệu Pháp Luân Công bị tịch thu là dùng cho mục đích cá nhân, không phải để phân phát.
Các luật sư cho rằng việc các học viên cung cấp tin cho các kênh truyền thông theo quyền tự do biểu đạt và thảo luận kinh nghiệm tu luyện Pháp Luân Công theo quyền “tự do tín ngưỡng” được Hiến pháp bảo hộ. Một số học viên là nghệ sỹ và họ có những cuộc thảo luận làm thế nào để nâng cao tác phẩm nghệ thuật của mình. Không có căn cứ nào chính đáng để cáo buộc chống lại họ.
Công tố viên nói với bà Mạnh rằng: “Trước đây bà đã bị kết án, vậy nên chúng tôi bắt bà khi bà tụ tập với các học viên khác và tham gia vào các hoạt động của họ”.
Thẩm phán chủ toạ Bạch Sùng Vỹ đã liên tục ngắt lời lúc các luật sư đang tranh biện. Khi đến lượt các học viên làm chứng để tự bào chữa, thẩm phán đã yêu cầu chấp hành viên tòa án chuyển micro ra xa.
Bà Trịnh nói rằng bà đã bị biệt giam 28 ngày, thời gian đó các lính canh túm tóc và đánh bà. Trước khi bà kết thúc, chủ tọa Bạch Sùng Vĩ cắt ngang và hỏi: “Bà muốn nói gì? Chỉ cần nói cho tôi biết bà có chịu nhận tội hay không?”
Ông Lý Tông Trạch đã chuẩn bị một bài bào chữa nhưng thẩm phán không để ông đọc nó.
Luật sư đại diện cho bà Tiêu do thẩm phán chỉ định. Anh ta khẳng định bà có tội và đã bôi nhọ Pháp Luân Công trong suốt phiên tòa, do đó bà Tiêu yêu cầu anh ta đừng nói nữa.
Thẩm phán nói rằng hồ sơ thẩm vấn của ông Lưu chỉ ra rằng ông Lưu đã từng nói “Pháp Luân Công là một tà giáo.” Ngay lập tức, ông Lưu lên tiếng và nói rằng ông chưa từng nói thế. Thẩm phán không trả lời.
Các luật sư khác chỉ ra rằng công tố viên đã vi phạm thủ tục pháp lý khi xử lý vụ án, bao gồm tự ý thay đổi cáo buộc chống lại các học viên từ “gây gổ và gây rối“ thành “phá hoại việc thực thi pháp luật” mà không có điều tra hợp pháp của cảnh sát. Khi các luật sư xem xét hồ sơ vụ án của các học viên, công tố viên quả quyết rằng họ không được phép.
Một luật sư khác bổ sung rằng thẩm phán đã không thông báo trước thời gian xét xử cho các học viên theo luật định.
Công tố viên Trương Lỵ đề nghị mức án nặng dành cho các học viên, mặc dù bà ta không thể cho biết các học viên vi phạm luật gì hay họ đã “phá hoại việc thực thi pháp luật“ như thế nào. Khi bà ta tiếp tục phỉ báng Pháp Luân Công, các học viên đã gọi bà ấy ra để nói rõ chân tướng Pháp Luân Công cho bà hiểu, nhưng bà ta đáp lại rằng: “Sao các vị dám quảng bá Pháp Luân Công tại tòa án?”
Ngày 14 tháng 1 năm 2022, khi thẩm phán tuyên án các học viên, ông ta cũng ra lệnh tịch thu mọi vật phẩm mà cảnh sát tịch thu của các học viên, bao gồm các sách Pháp Luân Công, 14 máy tính xách tay, 40 điện thoại di động, 17 ổ cứng, 29 ổ đĩa, camera và các máy ghi âm. Bản án còn cáo buộc Đại Kỷ Nguyên là “truyền thông hải ngoại thù địch”.
Bức hại trong quá khứ đối với bà Hứa Na
Bà Hứa sinh ra trong một gia đình nghệ thuật vào năm 1968. Cha của bà là một nghệ sĩ nổi tiếng và mẹ của bà là một giảng viên đại học dạy mỹ thuật. Bản thân bà Hứa cũng trở thành một nghệ sĩ, chồng bà là ông Vu Trụ, cựu sinh viên của trường Đại học Bắc Kinh danh tiếng, là một nhạc sỹ và thông thạo vài ngoại ngữ khác nhau.
Sau khi chính quyền Cộng sản phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công, bà Hứa đã bị bắt giữ vào tháng 7 năm 2001 vì cung cấp nơi ở cho các học viên ngoại thành tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho đức tin của họ. Tháng 11 năm 2001, bà bị kết án năm năm tù giam và thụ án tại Nhà tù Nữ Bắc Kinh. Ở trong tù, bà bị biệt giam, cấm ngủ, không được phép tắm và tước quyền thăm thân của gia đình.
Ngày 26 tháng 1 năm 2008, bà Hứa và ông Vu bị bắt giữ khi đang trên đường về nhà sau một buổi biểu diễn. Mười một ngày sau, vào ngày 6 tháng 2, ông Vu đã qua đời trong nhà giam ở tuổi 42. Bà Hứa đã bị kết án vào ngày 25 tháng 11 năm 2008.
Thông tin liên lạc của thủ phạm:
Bạch Sùng Vỹ (白崇伟), thẩm phán của Toà án Quận Đông Thành: +86-10-84190716
Vương Hân (王欣), trợ lý thẩm phán: +86-10-84190722
Trương Lỵ (张莉), công tố viên của Viện Kiểm sát Quận Đông Thành: +86-18911018593
Tùng Kiện (刘澜波), giám đốc của Trại tạm giam Quận Đông Thành: +86-10-84081716
Lưu Lan Ba, cảnh sát của Đồn Công an Bắc Tân Kiều: +86-18668756929
(Thông tin liên lạc chi tiết của các thủ phạm bức hại khác có trong bản gốc tiếng Hán.)
Bài liên quan:
11 người dân Bắc Kinh bị xét xử vì đức tin vào Pháp Luân Công
Nghệ sĩ bị cầm tù: Tôi không thể giữ im lặng để bảo vệ lợi ích cá nhân của mình
Hồ sơ vụ việc của 11 cư dân Bắc Kinh bị trả lại cho cảnh sát vì không đủ bằng chứng
12 cư dân Bắc Kinh bị bắt giữ xung quanh ngày đánh dấu 21 năm cuộc bức hại Pháp Luân Công
Một người dân thành phố Bắc Kinh vẫn bị giam giữ bảy tuần sau khi bị bắt vì đức tin của mình
Bắc Kinh: Cư dân 28 tuổi đối mặt với phiên toà vì chụp ảnh Bắc Kinh trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/1/24/437194.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/1/25/198294.html
Đăng ngày 18-02-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.