Bài viết của Thạch Minh

[MINH HUỆ 25-01-2022] Lại một mùa Tết Âm lịch, khoảng thời gian để các thành viên trong gia đình đoàn viên và chung vui, đang đến gần. Thế nhưng vào khoảng thời gian hạnh phúc nhất năm trong này, hàng ngàn gia đình ở Trung Quốc đang lâm vào tình cảnh sinh ly tử biệt và sống trong cảnh khốn cùng vì cuộc bức hại Pháp Luân Công do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động vẫn đang tiếp diễn.

Bức hại trên diện rộng

Từ khi ĐCSTQ bắt đầu bức hại Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân vào tháng 7 năm 1999, nhiều học viên đã bị bắt, nhốt trong các trại cưỡng bức lao động, bị giam giữ và cầm tù. Tính đến ngày 25 tháng 1 năm 2022, Minh Huệ Net đã thống kê được tổng cộng 4.730 trường hợp tử vong. Bởi sự kiểm duyệt thông tin gắt gao ở Trung Quốc, con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều.

Theo thông tin từ Minh Huệ Net, chỉ riêng trong năm 2021 đã có 131 học viên Pháp Luân Công qua đời vì bức hại đã được báo cáo và xác nhận, 1.184 người được xác nhận là bị kết án tù. (Lưu ý rằng một số trường hợp được báo cáo và xác nhận trong năm 2021 nhưng có thể sự việc đã xảy ra trước đó). Trong số họ, 44 người bị kết án ít nhất chín năm và 227 người trên 65 tuổi với người tuổi cao nhất là 88. Ngoài ra, 5.886 người đã bị bắt giữ phi pháp, 10.527 người bị sách nhiễu, 608 người bị đưa đến các trung tâm tẩy não và 1.751 người bị lục soát nhà cửa.

Cũng trong năm 2021, các học viên đã bị cảnh sát hoặc tòa án phạt hoặc tống tiền 7.594.244 Nhân dân tệ (1.200.000 đô la Mỹ), trong đó số tiền do tòa án tuyên phạt chiếm 79% (5.997.800 Nhân dân tệ), cảnh sát tống tiền chiếm 21% (1.569.444 Nhân dân tệ)

Trong hơn ba năm qua, 2.727 học viên đã bị kết án vì kiên định đức tin của họ: 43% (1184) năm 2021, 23% (622) năm 2020 và 34% (921) năm 2019.

Một số trường hợp bức hại xảy ra trong năm 2021

Đằng sau mỗi con số này là một câu chuyện bi thương. Ông Tôn Phi Tiến ở huyện Mông Âm thuộc tỉnh Sơn Đông đã bị bắt trong khi làm ruộng cùng gia đình vào ngày 17 tháng 6 năm 2021. Ông đã qua đời vào ngày hôm sau vì bị tra tấn. Chính quyền đã cưỡng chế gia đình phải hoả thiêu thi thể ông vào ngày 26 tháng 6, khiến nguyên nhân thật sự đằng sau cái chết của ông vĩnh viễn trở thành một bí mật. Vợ ông, bà Vu Tại Hoa, cũng là một học viên Pháp Luân Công, đã qua đời vào năm 2015 ở tuổi 47 do bị bức hại. Con gái họ là cô Tôn Ngọc Kiều hiện vẫn đang bị giam trong Trại tạm giam Lâm Nghi.

Ông Quách Chấn Phương ở Nội Mông Cổ đã qua đời chỉ một ngày sau khi khi ông và vợ bị xét xử vì kiên định đức tin của họ vào tháng 6 năm 2021. Khi gia đình ông vội vã đến bệnh viện, họ thấy hàng chục cảnh sát mặc thường phục đang canh giữ thi thể. Họ thấy phần lưng phía dưới của ông bị bầm tím, phía trong khớp gối của một bên chân và mũi của ông chảy máu. Cảnh sát ngăn cản gia đình đến gần thi thể và sau đó đưa thi thể ông đến Nhà Tang lễ quận Tùng Sơn để hoả táng dù không được sự đồng ý từ phía gia đình.

Ông Lưu Hy Vĩnh, 80 tuổi, ở thành phố Đại Liên tỉnh Liêu Ninh, bị giam trong Nhà tù Đông Lĩnh vì tu luyện Pháp Luân Công. Dù án tù của ông kết thúc vào ngày 9 tháng 4 năm 2021, nhưng cảnh sát lại đưa ông đến một trại tạm giam và sau đó ông lại bị kết án thêm bốn năm tù. Sau khi bị đưa vào Nhà tù Số 3 Đại Liên, tình trạng sức khoẻ của ông xấu đi và ông đã qua đời vào ngày 29 tháng 12 năm 2021.

Ông Triệu Bồi Nguyên là một giáo viên tiểu học ngoài 40 tuổi. Ông bị sa thải và bị kết án sáu năm tù vì kiên định đức tin của mình. Sau khi lại bị bắt vào ngày 30 tháng 10 năm 2019, ông Triệu đã bị kết án 13 năm tù và bị phạt 50.000 Nhân dân tệ.

Một gia đình ba người ở Thiên Tân đã bị kết án vì đức tin vào Pháp Luân Công vào năm 2019. Ông Lý Quốc Khánh bị kết án 12 năm tù, vợ ông là bà Vu Ba, 10 năm và con gái họ là cô Lý Lôi, 7 năm.

Ông Lý Đăng Thần, một giáo viên về hưu 82 tuổi ở thành phố Thâm Châu, tỉnh Hà Bắc, đã bị kết án 10 năm tù vào tháng 1 năm 2021 vì kiên định đức tin của mình.

Bà Đường Trúc Nhân, ngoài 70 tuổi, là nhân viên hưu trí của Nhà máy Vật liệu Bạch kim Wolfram Cáp Nhĩ Tân. Bà bị bắt và bị giam bảy lần trong hơn 20 năm qua vì tu luyện Pháp Luân Công. Lần bắt giữ gần đây nhất của bà xảy ra vào ngày 8 tháng 4 năm 2020, sau khi bà gọi điện thoại cho người dân nói về việc chính quyền cộng sản che đậy dịch bệnh virus corona như thế nào. Bà Đường đã bị kết án 9 năm 4 tháng tù cùng 50.000 Nhân dân tệ tiền phạt.

Hai cư dân ở Liêu Ninh là ông Nhậm Hải Phi và bà Tôn Trung Lệ đã bị bắt vào ngày 26 tháng 6 năm 2020. Ngày 14 tháng 10 năm 2021, ông Nhậm bị kết án 10 năm tù và phạt 100.000 Nhân dân tệ, bà Tôn bị kết án 7 năm tù và phạt 70.000 Nhân dân tệ.

Sau khi cựu lãnh đạo ĐCSTQ là Giang Trạch Dân bắt đầu cuộc bức hại vào tháng 7 năm 1999, ông ta đã ra lệnh “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và huỷ hoại thân thể của các học viên Pháp Luân Công”. Việc này đã dẫn đến muôn vàn người dân trên khắp Trung Quốc lâm vào tình cảnh bi thảm. Vô số gia đình bị bức hại đến vợ chồng ly tán, tan cửa nát nhà.

Chúng tôi hy vọng nhiều người hơn nữa sẽ giúp kết thúc cuộc bức hại này để các học viên Pháp Luân Công được tự do sống theo Chân-Thiện-Nhẫn.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/1/25/437238.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/1/29/198334.html

Đăng ngày 08-03-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share