Bài của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc
[MINH HUỆ 10-08-2021] Từng là một tên cướp có tiền án, ông Lý Quảng Thanh, 66 tuổi, tin rằng Pháp Luân Công đã thay đổi cuộc đời của ông. Tuy nhiên, ông đã bị bỏ tù 19 năm sau khi bị bắt vào tháng 10 năm 2000 vì thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công của mình. Ông bị bắt một lần nữa vào ngày 5 tháng 8 năm 2021 và đang đối mặt với truy tố vì đức tin của mình.
Ông Lý sống ở thành phố Ứng Thành, tỉnh Hồ Bắc. Năm 24 tuổi, ông bị kết án 18 năm vì tội cướp tài sản. Ông đã ba lần vượt ngục và bị kéo dài thời hạn thêm 11 năm. Năm 1989, ông vượt ngục lần thứ tư và thành công. Tuy nhiên, hàng ngày ông sống trong lo sợ và không thể về nhà đoàn tụ với gia đình. Mặc dù đã xoay sở để bắt đầu kinh doanh và đang làm ăn khá tốt, nhưng ông vẫn cảm thấy tương lai thật mịt mờ và không biết mục đích sống của mình là gì.
Bảy năm sau, vào ngày 15 tháng 6 năm 1996, ông Lý tình cờ gặp một nhóm người đang tập Pháp Luân Công tại Công viên Hồng Sơn ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Bị lôi cuốn bởi âm nhạc mỹ diệu và an hoà, các bài tập nhẹ nhàng chậm rãi, ông bắt đầu quan tâm đến Pháp Luân Công, một môn tu luyện tâm linh và thiền định cổ xưa với các tiêu chuẩn cốt lõi là Chân -Thiện – Nhẫn.
Ông đã mượn một cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Công, và đọc xong cuốn sách vào đêm hôm đó. Bị thúc đẩy bởi lời dạy sâu sắc và được truyền cảm hứng bởi ý tưởng quay trở lại chân ngã chân chính của một người thông qua nâng cao tinh thần, ông quyết định bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công và sống theo Chân – Thiện – Nhẫn để trở thành một người tốt.
Kể từ đó, ông thay đổi thành một con người khác và bắt đầu lại cuộc sống mới.
Tuy nhiên, cuộc sống yên bình của ông lại tan vỡ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bất ngờ ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999 do sự phổ biến và phục hưng các giá trị truyền thống của môn tu luyện này.
Bất chấp nguy cơ bị bắt và bị đưa trở lại nhà tù một lần nữa, ông Lý vẫn quyết định đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công.
Tại Bắc Kinh, ông bị bắt và bị đưa trở lại nhà tù ở khu tự trị Tân Cương, nơi ông đã bị tù vì tội cướp tài sản. Nhiều tháng sau, thẩm phán tuyên bố mức án 19 năm tù vì tội vượt ngục trước đó và vì tu luyện Pháp Luân Công.
Sau khi mãn hạn tù vào tháng 1 năm 2019, ông Lý trở về quê nhà ở thành phố Ứng Thành, tỉnh Hồ Bắc. Ông lại bị bắt vào ngày 5 tháng 8 năm 2021 khi đang giúp người dân nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Vài ngày trước lần bắt giữ gần đây nhất, ông Lý đã bị tạm giam một thời gian ngắn. Vào khoảng 9 giờ tối ngày 30 tháng 7 năm 2021, ông bị ba công an chặn lại trên đường khi ông đang đi về nhà sau khi phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Công an đã giật túi xách của ông và đưa ông đến đồn công an Thủy Lục.
Công an đã tìm thấy hơn 30 bản sao tài liệu Pháp Luân Công trong túi của ông và chụp ảnh các tài liệu đó. Khi họ hỏi ông lấy tài liệu ở đâu, ông đã từ chối trả lời.
Vào lúc 10 giờ tối, công an đã lục soát nhà ông Lý và tịch thu các sách, tài liệu về Pháp Luân Công, ảnh của người sáng lập Pháp Luân Công, một đầu đĩa DVD và một máy photocopy.
Ông đã được thả ra tối hôm đó nhưng lại bị bắt lại vài ngày sau. Ông Lý hiện bị giam giữ tại trại giam thành phố Hiếu Cảm và có thể bị truy tố một lần nữa.
Dưới đây là câu chuyện thuật lại của ông Lý Quảng Thanh
Tìm lại hy vọng sau khi lạc lối
Tôi sinh năm 1955 tại thành phố Ưng Thành, tỉnh Hồ Bắc. Tháng 9 năm 1979, tôi bị kết án 18 năm tù vì tội cướp giật khi mới 24 tuổi. Tôi thụ án tại nhà máy thủy tinh Đại Quân Sơn, quận Hán Dương và sau đó chuyển đến nhà giam Thị Huỳnh Câu, thành phố Khuê Đồn, khu tự trị Tân Cương.
Vì không chịu mức án tù lâu như vậy, tôi tìm cách vượt ngục 3 lần nhưng không thành và bị xử kéo dài thời hạn tù thêm 11 năm nữa.
Một ngày tháng 9 năm 1989, tôi vượt ngục lần thứ 4 và tẩu thoát. Sau khi ra khỏi tù, tôi lẩn trốn và không thể về nhà. Mỗi ngày tôi đều sống trong sợ hãi. Tôi bắt đầu kinh doanh ở tỉnh Hồ Bắc và công việc tiến triển rất tốt nhưng tôi vẫn cảm thấy bế tắc, không biết mục đích sống của mình là gì.
Vào tháng 6 năm 1996, tôi tình cờ gặp những học viên Pháp Luân Công ở công viên Hồng Sơn tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, ngay lập tức bị cuốn hút vào các động tác chuyển động uyển chuyển chậm rãi và các nguyên lý phổ quát là Chân -Thiện – Nhẫn. Tôi mượn được quyển sách Chuyển Pháp Luân của một vị học viên và đọc xong quyển sách ngay trong đêm đó.
Tôi xúc động trước lời dạy vô cùng cao thâm của Pháp Luân Công và chỉ ước rằng mình biết đến Nó sớm hơn. Kể từ đó, tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công và sống theo tiêu chuẩn Chân -Thiện – Nhẫn. Tôi cảm thấy như mình đã trút bỏ một gánh nặng trên vai và được năng lượng mạnh mẽ tràn vào thân thể. Cuộc sống của tôi đã hoàn toàn thay đổi.
Bị đưa trở lại nhà tù vì lên tiếng cho Pháp Luân Công
Sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, nhiều học viên đã bị bắt. Nhà của họ bị lục soát và sách Pháp Luân Công bị đốt.
Vẫn mang hy vọng vào chính phủ, nhiều học viên đã đến Bắc Kinh để lên tiếng cho Pháp Luân Công và thỉnh nguyện cho quyền được thực hành đức tin của họ.
Tôi đang đối mặt với lựa chọn sinh tử: Tôi sợ bị đưa trở lại nhà tù ở Tân Cương nếu tôi đến Bắc Kinh và bị bắt. Nhưng nếu tôi không bước ra, tôi sẽ không thể đối mặt với lương tâm của chính mình. Sau một đêm mất ngủ, tôi quyết định rằng mình phải đến Bắc Kinh. Tôi không thể bị kìm hãm bởi nỗi sợ hãi của mình.
Gác lại việc kinh doanh, tôi đến Bắc Kinh vào tháng 10 năm 2000. Không khí ở đó rất căng thẳng và công an đi tuần tra ở khắp nơi.
Tôi đã đặt phòng tại một khách sạn. Tôi thoáng biết rằng hơn 100 học viên cũng đang ở đó, hầu hết trong số họ đến từ Trùng Khánh. Khoảng nửa đêm, công an bao vây khách sạn và bắt tất cả các học viên, trong đó có tôi.
Công an đưa tôi đến trại tạm giam. Tôi bị khám xét cơ thể. 650 nhân dân tệ trong túi, giày da, thắt lưng và đồng hồ của tôi đều bị lấy mất. Khi tôi yêu cầu lập biên bản những món đồ bị tịch thu, họ lại lấy thắt lưng da của tôi đánh vào lưng tôi.
Một tuần sau, tôi bị hai sĩ quan công an tỉnh Hồ Bắc đưa đến ga tàu Bắc Kinh. Có mười học viên khác từ Hồ Bắc cũng ở đó. Công an ra lệnh cho chúng tôi tự mua vé tàu. Nghe tôi nói đã bị công an tịch thu hết tiền mặt, một học viên từ Vũ Hán đã chi hơn 200 nhân dân tệ và mua vé cho tôi.
Ngay khi tôi xuống tàu ở Vũ Hán, công an từ Sở công an thành phố Ứng Thành đã còng tay tôi và đưa tôi về quê nhà ở Ứng Thành.
Tôi thú nhận với công an rằng trước đây tôi đã vượt ngục. Một tuần sau, hai cai ngục từ Tân Cương đến và đưa tôi trở lại nhà tù Hoàng Khẩu.
Tiếp tục thời hạn 19 năm tù
Khi tôi được đưa trở lại Tân Cương vào tháng 11 năm 2000, nhiệt độ bên ngoài là -20 độ C Tôị bị trói và giam trong phòng biệt giam. Tôi ngủ trên một tấm ván gỗ và chỉ được phát một chiếc chăn mỏng. Ban đêm tôi lạnh run. Toàn thân thâm đen và ngứa ngáy. Nhưng cho dù tôi cảm thấy tồi tệ thế nào, miễn là tôi bắt đầu luyện bài tĩnh công của Pháp Luân Công, tôi có thể bình tĩnh trở lại và cảm giác đau đớn biến mất. Khác với lần trước khi tôi bị cầm tù và luôn cảm thấy bất an, tôi cảm thấy bình tĩnh và bình an trong tâm khi tôi bị đưa trở lại đây lần này.
Vài ngày sau, vài người từ Tòa án thành phố Khuê Đồn đến thẩm vấn tôi. Họ hỏi tại sao tôi lại tu luyện Pháp Luân Công. Tôi nói, “Pháp Luân Công dạy con người tu luyện Chân – Thiện – Nhẫn. Nó giúp nâng cao tâm tính con người và dạy chúng ta trở thành người tốt. Trước đây tôi đã đi đường vòng trong cuộc sống và không thể tự giải thoát cho mình, nhưng Sư phụ Lý [Nhà sáng lập Pháp Luân Công] đã chỉ ra cho tôi một con đường tươi sáng.”
Một người trong số họ nói, “Pháp Luân Công đã bị đặt ngoài vòng pháp luật. Anh sẽ bị truy tố nếu cứ tiếp tục tu luyện.”
Tôi trả lời: “Tôi không làm gì sai khi tu luyện Pháp Luân Công và làm một người tốt; tại sao anh lại bức hại người tốt?”
Thấy không thể thuyết phục được tôi, họ bỏ đi.
Vào tháng 4 năm 2001, bốn người đến nhà tù và đưa tôi đi xét xử. Họ buộc tội tôi tu luyện Pháp Luân Công bất hợp pháp và kết án tôi 19 năm.
Bị tra tấn trong tù
Nhà tù này có bốn liên đội và mỗi liên đội có mười đội. Tôi được chỉ định vào Đội số 2 trong Liên đội 1. Khi tôi đến cơ sở này, mọi người đều biết rằng tôi đã vượt ngục bốn lần và bị bắt vì thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công ở Bắc Kinh.
Để buộc tôi từ bỏ Pháp Luân Công, các lính canh đã huy động tất cả mọi người trong toàn liên đội tra tấn tôi.
Mỗi ngày từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối, các tù nhân, theo nhóm hai người, cứ hai giờ một lần thay phiên nhau theo dõi và tra tấn tôi.
Họ bắt tôi chạy, ngồi xổm, đứng kiểu quân đội, hít đất, và chống đầu vào tường với hai chân cách xa tường. Họ đánh tôi và đuổi theo tôi bằng chổi nếu tôi không hoàn toàn tuân theo mệnh lệnh của họ. Một lần, khi tôi chạy chậm một chút, một tù nhân đã mạnh tay tát vào mặt tôi khiến một chiếc răng rơi ra. Anh ta đe dọa tôi, “Nếu mày không nghe lời bọn tao, tao sẽ nhổ hết răng của mày!”
Đôi khi tôi bị buộc phải đứng dưới cái nắng như thiêu như đốt. Vào ban đêm, tôi bị các tù nhân chửi mắng và tát vào mặt.
Ngoài việc tra tấn thể xác, các lính canh còn bắt tất cả các học viên Pháp Luân Công phải sống trong điều kiện rất tồi tệ. Hàng ngày, mỗi bữa ăn tôi chỉ được cho ăn một cái bánh hấp và một bát canh rau. Chẳng mấy chốc, tôi gầy rộc đi.
Một tháng sau, lính canh Lý Cường nói rằng họ sẽ ngừng tra tấn tôi nếu tôi đồng ý ký vào bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Tôi từ chối và sự bức hại vẫn tiếp tục.
Một năm sau, thẩm phán từ Tòa án thành phố Khuê Đồn đề nghị rằng nếu tôi hứa ngừng tu luyện Pháp Luân Công, họ sẽ giảm hạn tù cho tôi. Tôi đã từ chối làm theo.
Bắt đầu từ tháng 4 năm 2007, họ tăng cường bức hại Pháp Luân Công ở Tân Cương. Tôi đột ngột bị chuyển đến nhà tù Bắc Dã ở thành phố Thạch Hà Tử cùng tỉnh. Nhà tù này là một trại tập trung với sự tra tấn các học viên nghiêm trọng nhất. Hầu hết các học viên đều phải đối mặt với những cú đánh, đá và bị điện giật không ngừng.
Có hai tòa nhà trong nhà tù này được chỉ định để giam giữ các học viên Pháp Luân Công. Bên trong các tòa nhà là những chiếc lồng được làm bằng các thanh kim loại hàn. Các học viên bị nhốt trong lồng với cả hai tay bị còng và hai chân bị cùm. Những chiếc lồng nhỏ đến mức người ta thậm chí không thể ngẩng đầu lên được. Họ được cho ăn hai bữa một ngày, với một nửa chiếc bánh mì hấp và một cốc nước nhỏ cho mỗi bữa ăn.
Vào cuối tháng 6 năm 2008, các cai ngục đã tiến hành một cuộc khám xét toàn nhà tù. Họ giật lấy những bài giảng Pháp Luân Công chép tay của tôi. Người trưởng cai ngục hỏi tôi đã chép các bài thơ từ đâu. Tôi nói rằng tôi đã viết ra trong trí nhớ.
Người trưởng cai ngục nói, “Anh là một tù nhân. Anh phải tuân thủ luật pháp và nội quy nhà tù. Pháp luật không cho phép tu luyện Pháp Luân Công. Anh không nên viết những bài thơ đó trong nhà tù.” Tôi phủ nhận và nói rằng tôi không làm bất cứ điều gì sai trái khi tu luyện Pháp Luân Công.
Người trưởng cai ngục khăng khăng buộc tôi phải thừa nhận sai lầm với tất cả mọi người trong đội vào buổi tối hôm đó. Sau khi tôi từ chối, hai tù nhân đến lôi tôi về Đội số 1. Tôi hô lên “Pháp Luân Đại Pháp hảo” để phản đối. Một tù nhân khiến tôi bị nghẹt thở và tôi không thể lên tiếng. Sau đó các tù nhân khác vây quanh và thay nhau đánh đập tôi.
Tôi đã bị các tù nhân từ mười đội đánh khiến đầu chảy đầy máu và sưng tấy. Tôi cũng bị mất hai chiếc răng.
Đêm đó, tôi bị cùm, bị còng tay và bị nhốt trong một khu cách ly. Hai tù nhân được chỉ định theo dõi tôi. Họ không cho tôi ngồi hoặc ngủ. Bất chấp nhiệt độ xuống thấp, họ dội một xô nước lạnh vào khu cách ly mỗi ngày. Họ phát loa âm thanh the thé trước cửa để hành hạ tôi. Tôi chóng mặt và tai ù đi. Họ lại yêu cầu tôi ký vào “tam thư”, nhưng tôi đã từ chối. Sau 15 ngày bị giam giữ ở đó, tôi đã được thả ra.
Sau gần hai thập kỷ bị giam cầm và tra tấn, tôi đã được trả tự do vào ngày 4 tháng 1 năm 2019.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/10/429404.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/8/28/194825.html
Đăng ngày 21-09-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.