Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 31-03-2021] Ngày 27 tháng 10 năm 2020, 15 người dân ở Trường Sa, tỉnh Hồ Nam đã bị bắt và đang đối diện với xét xử vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công. Học viên thứ 16, bị bắt vào ngày 28 tháng 10, đã bị kết án bí mật và bị chuyển đến một nhà tù địa phương.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

21 người bị bắt trong một ngày, 15 người đối diện với xét xử

15 học viên đang đối mặt với xét xử là thuộc một nhóm 21 học viên địa phương bị bắt vào ngày 27 tháng 10.

Bà Từ Lệ Hoa, một cựu công an, là người đầu tiên bị bắt vào ngày 27 tháng 10, vào khoảng 6 giờ chiều. Cảnh sát đã xông vào nhà bà sau khi cậy khoá nhà.

Khi con gái bà Từ tìm cách giải thoát bà và hối thúc cảnh sát không bức hại mẹ mình thì chính cô cũng bị bắt và nhà bị lục soát. Bốn cảnh sát đã đưa cô xuống đất từ tầng sáu, lấy mẫu máu mà không được sự đồng ý của cô và giam cô bảy ngày.

Gần đây khi gia đình bà Từ đi tra hỏi về vụ án của bà thì một công an nói rằng bà sẽ bị kết án vào tháng 5.

Lúc 10 giờ 30 tối, bảy học viên đã bị bắt khi cùng nhau học các bài giảng Pháp Luân Công tại nhà của ông Lý Chí Cương. Họ là ông Trần Dương, bà Tào Chí Mẫn, ông Tào Chí Phương, bà Dương Phương, bà Long Lang Quỳnh, bà Dụ Huy, và bà Văn Tĩnh. Tất cả đều bị còng tay và nhà bị lục soát.

Lúc lục soát nhà ông Lý, khi cảnh sát đang lấy đi đồ vật trong nhà, thì mẹ ông, gần 80 tuổi, đã cố giữ chặt chúng để cảnh sát không đưa đi được.

Mẹ ông Lý không được cho biết tung tích của ông và cập nhật về vụ án sau khi ông bị bắt. Mãi đến ngày 5 tháng 2 năm 2021, bà nhận được giấy thông báo bắt giữ ông bởi Sở Công an Thành phố Lưu Dương. Trong thông báo này, ngoại trừ một số điện thoại 10 số ra, không có thông tin nào khác, thậm chí là tên của các viên chức xử lý vụ án này.

Gia đình ông Lý đã thuê một luật sư cho ông, nhưng luật sư chưa được phép vào thăm ông.

Các học viên khác bị bắt trong ngày 27 tháng 10 bao gồm: bà Trương Linh Cách, bà Chương Phù Dung, bà Lý Đông Huy, bà Lưu Diễm Bình, bà Chu Thúy Hoa, bà Cung Tường Huy và bà Viên Tĩnh.

Bà Hạ Kính Trạch, 74 tuổi; một học viên lớn tuổi họ Lý (không có quan hệ với bà Lý Đông Huy); hai con gái của bà Lý là cô Mạc Cập và Mạc Phương bị bắt cùng ngày nhưng được thả vào tối hôm đó.

Chi tiết về các học viên vẫn đang bị giam và đối mặt với xét xử tại thời điểm này vẫn chưa rõ. Chỉ biết rằng đối với 15 học viên thì nam bị giam ở trại tạm giam Số 2 Thành phố Trường Sa và nữ bị giam ở trại tạm giam Số 4 Thành phố Trường Sa. Chính quyền cấm gia đình và luật sư vào thăm họ. Các luật sư đã đến nhiều ban ngành phụ trách vụ án để tìm kiếm công lý nhưng đều bị cản trở.

Ông Mạnh Khải bị cầm tù

Khoảng 5 giờ sáng ngày 28 tháng 10, ông Mạnh Khải, một luật sư, đã bị bắt khi ông đang ra khỏi thị trấn để tham gia một vụ xét xử. Cảnh sát đã đưa ông về nhà khoảng 4 giờ chiều và lục soát nhà.

Ngay khi nghe tin ông bị bắt, gia đình ông đến đồn công an và một cảnh sát nói: “Chỉ với thái độ của ông ấy [không nhận tội], chúng tôi sẽ kết án 10 năm.”

Ngày hôm sau cảnh sát đã ra lệnh bắt giữ ông Mạnh và đưa ông đến Trạm tạm giam Số 1 Thành phố Trường Sa. Năm tháng tiếp theo, gia đình đã thuê hai luật sư đến thăm ông nhưng họ đều không gặp được ông trong trại tạm giam.

Gần đây khi gia đình đến trại tạm giam để gửi tiền cho ông thì họ cho biết ông không còn ở đó nữa.

Gia đình đã đến đồn công an để hỏi tung tích của ông nhưng họ đều nói không biết gì về ông. Nghi ngờ rằng ông có thể đã bị kết án, gia đình đã đến Nhà tù Trường Sa. Một lính canh nói: “Chúng tôi không thể nói bất kỳ điều gì nếu không được phép từ cấp trên.”

Sau đó, gia đình hỏi liệu có thể gửi tiền và ít quần áo cho ông không. Lính canh trả lời: “Các vị không cần gửi gì cả. Chúng tôi có mọi thứ ở đây. Sau khi học tập [bị tẩy não] ở đây 1,5 tháng, các vị sẽ được thông báo ông ấy bị đưa đến nhà tù nào. Hãy về nhà và chờ thông báo.”

Trước án tù gần đây nhất, ông Mạnh đã từng bị kết án bảy năm tù vào năm 2001 sau khi bị tố giác chuyển 2.000 tờ rơi Pháp Luân Công từ Trường Sa đến thành phố Nhạc Dương, nơi ông đang sống.

Sau khi được thả, ông Mạnh đã chuyển đến Trường Sa để tìm việc nhưng cảnh sát tiếp tục sách nhiễu ông và gia đình.

Bài liên quan:

Cựu nghiên cứu sinh Đại học Công nghệ Quốc phòng bị bắt lần thứ 5 vì kiên định đức tin

Hồ Nam: Cảnh sát từ chối gặp luật sư của các học viên Pháp Luân Công

Thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam: 17 học viên Pháp Luân Công và một người nhà bị bắt, hai người bị sách nhiễu vì kiên định đức tin

Cập nhật về các học viên bị bắt giữ theo nhóm ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam

13 cư dân Hồ Nam bị biệt giam trong hai tháng và bị buộc tội

Thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam: 15 người bị bắt giữ và một người bị sách nhiễu vì đức tin của họ

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/3/31/422772.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/4/22/191980.html

Đăng ngày 23-05-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share