Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 29-01-2021] Theo báo cáo trên trang Minh Huệ Net, có ít nhất 21 học viên Pháp Luân Công đã qua đời trong năm 2020 trong khi bị giam giữ vì đức tin của họ. 19 người khác bị bức hại đến mức thập tử nhất sinh, và nhiều người khác vẫn đang bị giam giữ và bị tra tấn.

Vì các nhà chức trách đang sử dụng đại dịch như một cái cớ để từ chối quyền thăm nom của các học viên và che đậy việc họ đang bị tra tấn như thế nào, gia đình các học viên hiện đang rất lo lắng về các thành viên trong gia đình họ bị giam giữ.

Dưới đây là 20 trường hợp thập tử nhất sinh của các học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ vì giữ vững đức tin của họ.

A. Mười một trường hợp thập tử nhất sinh trong nhà tù

Người đàn ông Sơn Đông trong tình trạng nguy kịch do suy tim

Ông Quan Trung Cơ, 65 tuổi, ở thành phố Bình Độ, tỉnh Sơn Đông, đã bị bắt tại nhà riêng của con trai mình ở thành phố Thanh Đảo vào tháng 5 năm 2018 và bị kết án 7 năm tù.

Các nhà chức trách tại Nhà tù Tế Nam đã ngăn không cho gia đình đến thăm ông kể từ tháng 12 năm 2019. Vì bị ngược đãi trong thời gian dài và lao động nặng nhọc, ông Quan đã phải nhập viện vì suy tim vào tháng 10 năm 2020 và đang trong tình trạng nguy kịch.

Mạng sống của người đàn ông Đại Liên bị đe dọa do tra tấn

Ông Tôn Tuấn ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đã bị biệt giam tại Nhà tù Số 1 Thành phố Thẩm Dương trong trận đại dịch năm 2020. Đôi khi bị lính canh còn trùm đầu ông để đánh đập. Gia đình đang rất lo lắng tính mạng của ông đang gặp nguy hiểm.

Ông Tôn và vợ là bà Trương Hà bị bắt vào năm 2016 vì đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), kẻ đã ra lệnh bức hại Pháp Luân Công. Ông Tôn bị kết án bảy năm hai tháng vào tháng 6 năm 2017, trong khi bà Trương bị kết án bảy năm năm tháng. Ông Tôn ban đầu bị giam giữ tại Nhà tù Nam Quan Lĩnh trước khi bị chuyển đến Nhà tù Số 1 Thành phố Thẩm Dương.

Cuối năm 2017, khi lần đầu ông Tôn bị đưa tới Nhà tù Số 1 Thành phố Thẩm Dương, ông bị giam giữ trong khu số 19, một khu quản chế nghiêm ngặt nhất và được biết đến với sự ngược đãi tàn bạo các học viên Pháp Luân Công. Để buộc ông từ bỏ đức tin của mình, một tù nhân tên là Văn Thiết đã hai lần sử dụng túi ni lông để trùm đầu ông khiến ông ngạt thở. Ông suýt chết vì điều đó.

Văn Thiết còn sử dụng giày để tát vào đầu và mặt của ông. Sau khi ông Tôn ngất đi, lính canh đã ấn dấu vân tay của ông lên một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công được họ chuẩn bị từ trước. Khi gia đình ông Tôn yêu cầu nhà tù truy cứu trách nhiệm của Văn, nhà chức trách nhà tù trả lời rằng hệ thống camera giám sát bị hỏng do đó không có bằng chứng cho việc Văn tra tấn ông Tôn.

Luật sư của ông Tôn cũng trình rất nhiều đơn khiếu nại Văn và giám đốc nhà tù, nhưng viện kiểm sát, tòa án và cục quản lý nhà tù đều làm ngơ trước vấn đề đó.

Tháng 3 năm 2018, ông Tôn bị chuyển tới khu số 4. Trưởng khu giam giữ Trương Lâm xịt hơi cay vào mắt của ông. Sau đó, gia đình ông Tôn đã tranh luận với Trương và ông ta đã thừa nhận rằng mình tra tấn ông Tôn. Trương bị cảnh cáo nội bộ.

Người phụ nữ Tứ Xuyên trong tình trạng nguy kịch sau khi bị vỡ hộp sọ

Một phụ nữ 70 tuổi đang thụ án tù vì tu luyện Pháp Luân Công gần đây đã bị xuất huyết nội sọ nặng sau khi bị lính canh đánh đập. Bà Trần Chí Liên đã bị vỡ xương sọ và nhiều lần bị thương ở vùng đầu. Hiện bà đang được cấp cứu hồi sức trong bệnh viện công an. Gia đình bà không được vào thăm bà. Tại thời điểm viết báo cáo này, chi tiết về những ngược đãi bà phải chịu đựng vẫn chưa được làm rõ.

Bà Trần, một cư dân thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, đã bị Tòa án Nga Mi kết án 3,5 năm tù vào năm 2018 vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Bà đã bị chuyển tới Nhà tù Nữ Thành Đô vào đầu năm 2020.

Bà Trần bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1998 khi đang vật lộn với bệnh tật và một cuộc hôn nhân bất hạnh. Bà tin rằng việc tu luyện đã giúp bà nhanh chóng cải thiện sức khỏe và mang đến cho bà niềm hy vọng vào cuộc sống.

Một năm sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại, bà Trần đã đi tới Bắc Kinh để lên tiếng cho Pháp Luân Công, vì vậy bà đã bị bắt vài lần và bị giam giữ. Quan chức chính quyền địa phương đã đánh đập bà và đưa bà đi diễu trên đường phố hòng sỉ nhục bà.

Năm 2003, Tòa án Nhân Thọ đã kết án bà sáu năm tù vì bà nói với mọi người về Pháp Luân Công. Đến năm 2015, bà lại bị bắt vì đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo chính quyền cộng sản Trung Quốc, kẻ đã phát động cuộc bức hại.

Người đàn ông 83 tuổi thụ án bảy năm vì đức tin của mình trong tình trạng nguy kịch

Ông Hoàng Khánh Đăng, 83 tuổi, ở thành phố Lạc Thanh, tỉnh Chiết Giang, bị bắt vào ngày 17 tháng 4 năm 2019. Ông bị kết án bảy năm tù vào tháng 3 năm 2020 và đang thụ án tại Nhà tù Số 2 Hàng Châu. Gia đình ông nhận được cuộc gọi từ nhà tù vào giữa tháng 11 năm 2020 và được thông báo rằng ông đang được đưa đến bệnh viện để cấp cứu.

Bác sỹ nói rằng ông Hoàng mắc sáu căn bệnh và có thể chết bất cứ lúc nào, tuy nhiên họ từ chối cho ông được toại ngoại.

Ông Hoàng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1998. Ông cho biết môn tu luyện này đã giúp cải thiện sức khỏe của mình và giúp ông trở nên tích cực hơn trong cuộc sống.

Vì không chịu từ bỏ đức tin của mình, ông đã bị bắt và sách nhiễu nhiều lần trong 21 năm qua.

Kỹ sư tống giám bị suy đa tạng khi tuyệt thực

Anh Chu Hướng Dương, một cựu kỹ sư của Viện Khảo sát và Thiết kế Đường sắt số 3 Thiên Tân, đã bị kết án bảy năm tù vào tháng 12 năm 2016. Anh đã tuyệt thực trong một thời gian dài ở Nhà tù Thiên Tân Tân Hải (trước đây là Nhà tù Cảng Bắc) để phản đối cuộc bức hại. Anh được đưa đến bệnh viện nhà tù vào tháng 10 năm 2020 do suy đa tạng; anh đã ở bên bờ vực của cái chết.

Anh Chu bị bức thực dã man vào khoảng tháng 2 năm 2019, điều này đã gây ra thương tích nghiêm trọng. Anh cũng bị đau không thể chịu đựng được trong mỗi lần bức thực.

Sự tra tấn lâu dài đã gây ra một số tổn thất khủng khiếp trên cơ thể anh. Anh Chu từng là một người cao to và khỏe mạnh nhưng giờ chỉ còn nặng khoảng 36 kg.

Trước lần bị kết án gần đây nhất, Anh Chu đã bị giam trong các trại lao động cưỡng bức và bị kết án tù nhiều lần. Khi bị giam tại Trại Lao động Cưỡng bức Song Khẩu, anh đã bị sốc điện hơn 20 lần. Một lần, trong khi hai lính canh sốc điện, họ đã hỏi anh: “Pháp Luân Công có tốt không?” Anh ấy trả lời: “Pháp Luân Công là tốt!” Họ tiếp tục sốc điện anh, họ còn sốc điện trên các vị trí cơ thể anh nơi mà da bị hở. Nỗi đau là không thể tả. Vết thương mưng mủ trong sáu tháng, để lại vết sẹo mười năm sau vẫn còn thấy rõ.

2014-6-30-minghui-anitpersecution-yanzhao-07.jpg

Anh Chu Hướng Dương và vợ là Lý San San

Anh Chu và vợ là Lý San San bị bắt vào ngày 2 tháng 3 năm 2015. Anh Chu bị kết án bảy năm tù và chị Lý là sáu năm. Cha của anh là ông Chu Chấn Tài, ngoài 70 tuổi và mẹ của anh là bà Vương Thiệu Bình, mỗi người bị kết án một năm rưỡi tù giam vì đức tin vào Pháp Luân Công và bị tống tiền 5.000 Nhân dân tệ vào ngày 27 tháng 3 năm 2018. Cha anh bị đưa đến Nhà tù Kí Đông và mẹ anh bị đưa đến Nhà tù Nữ Tỉnh Hà Bắc để thụ án.

Người phụ nữ Vân Nam trong tình trạng nguy kịch

Ngày 3 tháng 4 năm 2020, bà Trương Chung Nhất bị kết án một năm bảy tháng tù vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công. Bà bị viêm túi mật nặng và các biến chứng khác ngay sau khi được đưa vào Nhà tù Nữ Số 2 Tỉnh Vân Nam. Chức trách nhà tù đã thông báo tình trạng nguy kịch cho gia đình bà nhưng không cho phép họ đến thăm bà.

Bà Trương, 66 tuổi, ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, bị bắt tại nhà vào ngày 1 tháng 9 năm 2019, và bị đưa đến trại tạm giam Thành phố Côn Minh vào chiều hôm đó.

Ngày 4 tháng 3 năm 2020, Tòa án Quận Tây Sơn đã xét xử bà Trương qua video vào ngày 4 tháng 3 năm 2020. Gia đình bà không được phép tham dự phiên tòa. Ngày 3 tháng 4, bà đã bị kết án một năm bảy tháng tù, và bị phạt 2.000 Nhân dân tệ.

Hiện bà Trương đang được điều trị ở bệnh viện nhà tù. Hiện vẫn chưa có thông tin chi tiết về tình trạng của bà. Theo dự kiến, bà sẽ bị đưa ra xét xử vào ngày 31 tháng 3 năm 2021.

Người đàn ông trong tình trạng nguy kịch bị từ chối điều trị y tế

Ông Lại Chí Cường, một lái xe taxi ngoài 50 tuổi, đến từ thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, đã bị bắt giữ vào ngày 31 tháng 3 năm 2016 trong khi đến thăm một học viên Pháp Luân Công khác. Ông bị kết án 7 năm tù và bị đưa vào Nhà tù Ký Đông vào ngày 17 tháng 10 năm 2016.

Kể từ khi bị đột quỵ vào năm 2019, ông Lại phải nằm liệt giường và hầu như không có phản ứng gì. Tháng 1 năm 2020, vợ ông đến thăm ông và một lính gác đã đưa ông ra. Ông không có bất kỳ biểu cảm gì trên khuôn mặt và ông cũng không nhận ra vợ mình.

Đầu tháng 8 năm 2020, ông Lại Chí Cường được đưa vào bệnh viện sau khi ông trở nên khó thở. Bác sỹ đã thực hiện việc mở khí quản cho ông vì ông bị liệt và cho rằng ông không có nhiều hy vọng hồi phục. Ngay cả khi ông không thể cử động, các cán bộ nhà tù vẫn cùm chân ông trong suốt thời gian ông nằm viện. Ông được cho ăn qua một cái ống. Môi ông trở nên nứt nẻ vì người trông coi ít khi đưa nước cho ông.

Ông Lại, dù trong tình trạng nguy kịch, vẫn bị đưa trở lại nhà tù vào ngày 9 tháng 9 năm 2020, để kết thúc thời gian thụ án.

2012-6-18-cmh-kuxingtu-02.jpg

Minh họa tra tấn: Còng tay và cùm chân

Trong năm vừa qua, gia đình ông Lại đã nhiều lần xin cho ông được tại ngoại để điều trị y tế. Ban quản lý nhà tù nói rằng họ sẵn sàng trả tự do cho ông nhưng quyết định đó đã bị phòng tư pháp địa phương bác bỏ. Khi gia đình ông Lại đi đến phòng tư pháp, họ đã bị chặn ở ngoài cổng ra vào.

Người đàn ông Cát Lâm thụ án 11 năm vì đức tin của mình đang trong tình trạng nguy kịch

12 ngày sau vụ bắt giữ vào tháng 8 năm 2019, ông Lưu Khánh, đến từ thành phố Phù Dư, tỉnh Cát Lâm, đã bị kết án 11 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông đã bị chuyển tới Nhà tù Số 2 Tỉnh Cát Lâm vào ngày 23 tháng 9. Hai tuần sau cán bộ nhà tù đã gọi cho gia đình ông nói rằng ông đang trong tình trạng nguy kịch sau cơn đột quỵ.

Trước khi ông bị đưa tới nhà tù này, các chức trách trong trại tạm giam Phù Dư đã đánh đập ông khiến ông bị thương ở lưng và xương sườn. Ông vô cùng đau đớn và không thể đứng thẳng người. Ông cần người dìu đi và không thể tự chăm sóc bản thân.

Ông Lưu là trụ cột duy nhất trong gia đình. Đứa con út của ông là học sinh năm nhất trung học khi ông bị bắt.

Người đàn ông tuyệt thực trong tù để phản đối sự bức hại, hiện đang trong tình trạng nguy kịch

Ông Trương Tinh, 46 tuổi, đến từ thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, đã bị bắt giữ vào ngày 29 tháng 8 năm 2018, trong khi phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Tòa án Quận Thương Sơn đã kết án ông 5,5 năm tù ở Nhà tù Phúc Thanh vào ngày 13 tháng 12 năm 2018.

Trong tù, ông Trương đã tuyệt thực để phản đối. Khi cha mẹ ông Trương đến thăm ông vào ngày 25 tháng 9 năm 2015, họ biết cân nặng của ông đã giảm từ khoảng 73 kg xuống còn khoảng 45 kg.

Ngày 7 tháng 11 năm 2019, nhân viên nhà tù thông báo với cha mẹ ông Trương rằng ông đã nhập viện. Khi cha mẹ ông gặp ông vào ngày hôm đó, ông chỉ còn da bọc xương và giọng nói rất nhỏ và yếu. Ông Trương tiếp tục tuyệt thực và bị bức thực.

Sau khi bị bức thực trong một năm, gần đây, tình trạng của ông Trương đã trở nên trầm trọng. Tháng 10 năm 2020, nhà tù đã gọi cho mẹ ông và nói ông đang gặp nguy hiểm tính mạng và muốn bà ký giấy miễn trừ trách nhiệm. Khi lính canh không cho phép bà gặp con trai, bà đã từ chối ký biên bản miễn trừ trách nhiệm.

Lính canh ngục lộn ngược và đập đầu người đàn ông xuống sàn để buộc ông phải im lặng

Ông Hoàng Hoa Kiệt, một cựu cán bộ thẩm định đất đai ở huyện Tế Đông, tỉnh Quảng Đông, đã bị bắt vào ngày 11 tháng 3 năm 2016. Ông Hoàng đã bị Tòa án Quận Đông Thành xét xử vào ngày 1 tháng 11 năm 2016 và kết án 5,5 năm tù giam.

Sau khi ông Hoàng bị tiếp nhận vào Nhà tù Tứ Hội, lính canh thường xuyên ra lệnh các phạm nhân mắc trọng tội đánh đập ông, khiến mũi và miệng ông bị chảy máu.

Vì ông Hoàng thường hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo” để phản đối việc đánh đập, các lính canh đã lộn ngược và đập đầu ông xuống sàn nhà để bịt miệng ông. Ông Hoàng bị chấn thương nặng ở đầu và cổ, và phải nhập viện.

Nữ bác sỹ rơi vào trạng thái hôn mê trong thời gian thụ án vì đức tin của mình

Ngày 3 tháng 7 năm 2017, bà Lâm Giới Bình, 62 tuổi, một bác sỹ ở thành phố Yết Dương, tỉnh Quảng Đông đã bị bắt trong khi đang nói với mọi người về Pháp Luân Công. Ngày 1 tháng 3 năm 2018, bà Lý bị đưa ra xét xử và bị kết án 4,5 năm tù vào tháng 5 năm 2018. Bà bị đưa tới Nhà tù Nữ Tỉnh Quảng Đông vào ngày 13 tháng 8 năm 2018.

Khi bà Lâm bị gẫy xương chân, các chức trách nhà tù nói rằng do bà bị ngã.

Tháng 4 năm 2020, nhà tù thông báo với gia đình bà Lâm rằng bà lại bị gãy xương chân và phải phẫu thuật. Trong khi lính canh nói bà gãy chân là do “đi bộ quá mức”, gia đình bà nghi ngờ lý đó khả năng chỉ là cái cớ để che đậy cho việc bà bị tra tấn trong khi bị giam giữ.

Ngày 19 tháng 7 năm 2020, bà Lâm rơi vào trạng thái hôn mê do bị mất cân bằng điện giải nghiêm trọng. Gia đình bà đã yêu cầu bảo lãnh điều trị y tế cho bà và đang đợi quyết định từ phía nhà tù.

B. Bảy trường hợp nguy kịch trong các trại tạm giam

Kỹ sư nghỉ hưu gặp nguy hiểm tính mạng sau một năm bị bắt giữ và bị từ chối được bảo lãnh tại ngoại

Ông Tằng Gia Canh, một kỹ sư đã nghỉ hưu 78 tuổi, ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, hiện đang bị các chứng bệnh huyết áp cao, tim mạch, suy giảm về thị lực và thính giác sau một năm bị giam giữ chỉ vì ông tu luyện Pháp Luân Công.

Bất chấp các vấn đề về sức khỏe của ông, Tòa án Quận Hải Châu vẫn đưa ông ra xét xử và tổ chức hai phiên điều trần trực tuyến vào tháng 8 và một lần nữa vào tháng 9 năm 2020.

2019-7-17-200622-0.jpg

Ông Tằng Gia Canh

Ông Tằng bị bắt giữ vào ngày 10 tháng 7 năm 2019. Ông bắt đầu xuất hiện một số vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe vào tháng 8 năm 2019, trong lúc bị giam tại trại tạm giam Số 1 Thành phố Quảng Châu. Xét nghiệm sức khoẻ vào tháng 9 năm 2019 cho thấy ông bị tăng huyết áp nặng và chứng tim to. Ông gần như mất thị lực và hầu như không còn thính giác, và không thể nói chuyện được với luật sư của mình. Ông thường bị chóng mặt và cơ thể đôi khi bị co giật không kiểm soát.

Sau khi ông bị chuyển tới trại tạm giam Quận Hải Châu vào cuối tháng 2 năm 2020, sức khỏe của ông liên tục suy giảm.

Người phụ nữ bị đột quỵ trong trại giam, buộc phải rời khỏi bệnh viện hai tuần sau khi phẫu thuật sọ não

Bà Mã Hội Hân ở thành phố An Quốc, tỉnh Hà Bắc, bị bắt vào ngày 13 tháng 6 năm 2020. Bà bị xuất huyết não khi bị giam giữ tại trại tạm giam Thành phố Bảo Định và được đưa đến Bệnh viện Số 1 Thành phố Bảo Định để cấp cứu vào ngày 7 tháng 11. Bà bị xuất huyết não vào ngày 10 tháng 11. Tuy nhiên, bà đã được chuyển ra khỏi bệnh viện và đưa đến một trung tâm chăm sóc đặc biệt mà không có sự đồng ý của gia đình vào ngày 30 tháng 11 năm 2020.

Viện Kiểm sát Cao Dương đã truy tố bà Mã vào ngày 5 tháng 11. Sau khi bà được đưa đến bệnh viện vào ngày 7 tháng 11, gia đình đã được thông báo và yêu cầu mang thẻ bảo hiểm y tế của bà đến bệnh viện. Để trốn tránh trách nhiệm về tình trạng của bà, các nhà chức trách trại tạm giam nói với gia đình rằng bà đã tái phát căn bệnh cũ của mình. Con trai bà không đồng ý, cho rằng bà Mã đã rất khỏe mạnh và chưa bao giờ bị bệnh đó, kết quả kiểm tra y tế của bà ngay trước khi bà bị nhận vào trại tạm giam đã chứng minh điều đó.

Tòa án Cao Dương đã ra phán quyết vào ngày hôm sau và kết án bà Mã 6 tháng quản thúc tại gia. Bà được phẫu thuật sọ não vào ngày 10 tháng 11. Cũng trong ngày 10 tháng 11, chồng bà, ông Lý Phong, đã đến Tòa án Cao Dương và để lại một lá thư cho thẩm phán Trần Hoành Cường yêu cầu tha bổng cho bà Mã. Ông cũng đã gửi cùng một lá thư cho thẩm phán Trần và công tố viên Vương Đông Phương vài ngày sau đó.

Bà Mã được chuyển đến khu điều trị thông thường vào ngày 22 tháng 11, sau khi ở trong phòng chăm sóc đặc biệt 15 ngày. Trước khi ông Lý nhận được phản hồi từ thẩm phán và công tố viên, hàng chục nhân viên từ trại tạm giam Thành phố Bảo Định và Phòng An ninh Nội địa đã đến bệnh viện vào ngày 30 tháng 11 để yêu cầu bà Mã xuất viện. Tình cờ là ông Lý cũng đến thăm bà khi các nhân viên đến. Tuy nhiên, họ đã không tìm được tiếng nói chung.

Khi ông Lý gọi đến bệnh viện vài ngày sau đó, ông được thông báo rằng bà Mã đã được xuất viện. Gia đình đã rất lo lắng cho bà nhưng không tìm thấy bà cho đến ngày hôm sau khi họ nghe tin rằng bà Mã đã được đưa đến một trung tâm chăm sóc người cao tuổi ở An Quốc.

Người phụ nữ Quảng Đông bị tra tấn đến mức nguy kịch sau một vụ bắt giữ vì kiên định đức tin

Bà Trương Dục Trân, ở thành phố Châu Hải, tỉnh Quảng Đông, đã bị nằm liệt giường và ở trong tình trạng nguy kịch sau hơn một năm bị giam giữ chỉ vì đức tin của bà.

Bà Trương, 54 tuổi, đã bị cảnh sát bắt giữ trong một vụ bắt giữ 12 học viên vào ngày 12 tháng 7 năm 2019. Ở trong Nhà tù Số 1 Châu Hải, bà đã tuyệt thực vài lần để phản đối cuộc bức hại và bị ngược đãi thể xác.

433aae72564010bb7689b3243545ca50.jpg

Cánh tay của bà Trương bị tàn tật sau màn tra tấn trước đó trong trại lao động cưỡng bức

Người đàn ông bị suy tim và suy thận trong khi bị giam giữ

Ông Nhậm Hải Phi, 45 tuổi, ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đang chống chọi với chứng suy tim và suy thận trong bệnh viện sau ba tháng bị giam giữ trong trại tạm giam Đại Liên.

Công an của Đồn Cảnh sát Cam Tỉnh Tử đã bắt giữ ông Nhậm vào ngày 26 tháng 6 năm 2020, và tống ông vào trại tạm giam. Cảnh sát đã lục soát nhà ông và tịch thu hơn 500.000 Nhân dân tệ tiền mặt. Ông đã tiến hành tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại và sức khỏe của ông bị suy giảm.

Trong khi ông phải đấu tranh để giành sự sống trong bệnh viện, cảnh sát đã chuyển vụ việc của ông tới Viện Kiểm sát Cam Tỉnh Tử vào ngày 18 tháng 9.

Khi gia đình ông gọi tới để hỏi thăm về ông, các chức trách nhà tù đã từ chối cung cấp cho họ bất kỳ thông tin nào và còn chửi rủa họ.

2020-7-15-2007132229349p14.jpg

Ông Nhậm Hải Phi

Sau hơn một năm bị giam giữ, người đàn ông Sơn Đông bị rơi vào trạng thái hôn mê

Ông Diêu Tân Nhân, ở thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, đã bị đột quỵ vào ngày 22 tháng 4 năm 2020, trong trại tạm giam Trương Gia Khẩu. Bác sỹ đã phẫu thuật cắt mở hộp sọ và khí quản của ông.

Tại thời điểm viết bài ông Diêu vẫn ở trong tình trạng hôn mê và hiện đang nằm trong khu chăm sóc tích cực. Bốn công an đã được giao nhiệm vụ giám sát ông cả ngày lẫn đêm.

Ông Diêu bị bắt tại nơi làm việc vào khoảng 8 giờ 30 phút sáng ngày 3 tháng 7 năm 2019. Công an cũng lục soát nơi cư trú của ông.

Người phụ nữ cao tuổi mắc bệnh ung thư trong trại tạm giam

Bà Dư Thọ Vinh, 71 tuổi, ở thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh, bị bắt vào ngày 25 tháng 6 năm 2019. Sau đó bà bị kết án ba năm tù và phạt 10.000 Nhân dân tệ. Bà từng bị giam trong một trại tạm giam do đại dịch nhưng đã được cho tại ngoại để điều trị y tế vào ngày 13 tháng 12 năm 2020.

Bà đến Bệnh viện Ung thư Phủ Thuận hai ngày sau khi được trả tự do và được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Bà đã được phẫu thuật vào ngày 22 tháng 12. Bà rất gầy gò và yếu ớt.

Bà Dư đã bị bắt và giam giữ nhiều lần – hai bản án lao động cưỡng bức 3 năm và 2 bản án tù giam 4 năm và 3 năm. Trước lần bị bắt gần đây nhất, bà mới hết thời hạn tù vào ngày 6 tháng 7 năm 2018, tức là chưa đầy một năm trước.

Bị mất thị lực, người đàn ông cao tuổi trong tù cần gia đình mua insulin cho ông

Ông Chung Quốc Toàn, 71 tuổi, ở thành phố Mật Sơn, tỉnh Hắc Long Giang, đang thụ án tù 3 năm rưỡi tại Nhà tù Thành phố Kê Tây vì đức tin của mình đối với Pháp Luân Công. Ông mắc hơn 20 căn bệnh, bao gồm cả bệnh tiểu đường, do bị tra tấn trong thời gian bị giam giữ. Hiện ông đã bị mất thị lực và cần tiêm insulin. Nhà tù thông báo để gia đình ông mua insulin và giao cho các bác sỹ của nhà tù.

Ông Chung đã bị báo cáo với nhà chức trách vào ngày 4 tháng 3 năm 2020, vì đã phân phát tài liệu sự thật về Pháp Luân Công. Cảnh sát đã chiếu đoạn phim từ bốn camera giám sát của ba cơ sở kinh doanh để truy tìm ông và sau đó bắt giữ ông.

Do bị tra tấn, ông bị ốm nặng và được đưa đến bệnh viện vào ngày 6 tháng 7 năm 2020. Ông được chẩn đoán mắc 20 chứng bệnh, bao gồm cả bệnh tiểu đường và bệnh tim. Tuy nhiên, ông vẫn bị xét xử vào ngày 10 tháng 8 năm 2020 tại Tòa án Mật Sơn và bị kết án ba năm rưỡi một tuần sau đó. Ông bị đưa đến Nhà tù Thành phố Kê Tây vào ngày 17 tháng 11.

C. Một trường hợp thập tử nhất sinh trong trung tâm tẩy não

Người đàn ông bị tra tấn rơi vào tình trạng nguy kịch trong vòng một tuần

Anh Đinh Ngọc Minh ở huyện Hoài Lai, tỉnh Hà Bắc, đang trong tình trạng nguy kịch sau một tuần khi bị giam giữ trong một trung tâm tẩy não.

Anh Đinh bị bắt và đưa đến trung tâm tẩy não vào ngày 14 tháng 7 năm 2020. Nhân viên của trung tâm tẩy não đã khám người anh Đinh, tịch thu 100 Nhân dân tệ tiền mặt, chìa khóa, và điện thoại di động của anh. Họ không cung cấp bộ đồ giường cho anh trong năm ngày, bỏ đói, và cấm anh tắm rửa. Khi anh từ chối xem các video tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công, nhân viên trung tâm tẩy não đã đánh anh và dùng giầy đập vào đầu và người anh.

Anh Đinh bị đưa đi biệt giam vì hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo” khi giám đốc trung tâm tẩy não đến kiểm tra. Nhân viên ở đó dọa sẽ giết anh nếu anh “gây rắc rối cho họ lần nữa”. Con gái anh không được phép vào thăm.

Sau khi liên tục bị ngược đãi, anh Đinh đã đổ bệnh nặng và phải nhập viện vào ngày 22 tháng 7. Không rõ anh đang bị giam ở đâu tại thời điểm viết bài.

Trước lần bắt giữ gần đây nhất, anh Đinh từng bị kết án bảy năm tù vào năm 2003 và được bảo lãnh điều trị y tế vào năm 2008 sau khi anh phát bệnh tim và huyết áp cao. Năm 2017, khi đang làm việc tại Bắc Kinh, anh lại bị bắt và bị kết án bốn năm tù. Chính quyền để anh thụ án ở bên ngoài nhà tù vì lý do sức khỏe.

Bài liên quan:

Các trường hợp học viên Pháp Luân Công thập tử nhất sinh do bị tra tấn liên tục trong khi bị giam giữ

83 học viên Pháp Luân Công qua đời bởi cuộc bức hại trong năm 2020

Sự tàn bạo đối với Pháp Luân Công trong năm 2020 giữa bối cảnh cuộc bức hại của chính quyền cộng sản


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/1/29/2020419132.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/2/16/190957.html

Đăng ngày 05-03-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share