Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc
[MINH HUỆ 08-12-2020] Bà Mã Hội Hân, một người dân thành phố An Quốc, tỉnh Hà Bắc bị xuất huyết não khi bị giam giữ vì đức tin của bà đối với Pháp Luân Công. Sau hai tuần ở phòng chăm sóc đặc biệt sau khi phẫu thuật sọ não, bà Mã buộc phải rời khỏi bệnh viện và chuyển đến một trung tâm chăm sóc người cao tuổi mà không được sự đồng ý từ phía gia đình.
Thẩm phán thụ lý vụ việc của bà đã vội vàng kết án bà sáu tháng quản thúc tại gia trước khi bà phẫu thuật. Trại tạm giam thành phố Bảo Định hiện đang phủ nhận mọi trách nhiệm về tình trạng của bà và cũng yêu cầu chồng bà bồi hoàn chi phí y tế.
Bà Mã bị bắt vào ngày 13 tháng 6 năm 2020, vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm cổ xưa đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Bà bị tạm giữ hình sự vào ngày hôm sau và bị đưa đến trại tạm giam thành phố Bảo Định.
Vào ngày 7 tháng 11, hai ngày sau khi Viện Kiểm sát Cao Dương truy tố bà, bà bị đưa đến Bệnh viện số 1 thành phố Bảo Định và được tiến hành hồi sức cấp cứu. Tòa án Cao Dương đã kết án bà sáu tháng quản thúc tại gia vào ngày 8 tháng 11 và yêu cầu gia đình đưa bà về nhà.
Bà Mã đã được phẫu thuật sọ não vào ngày 10 tháng 11 và được chuyển đến khu điều trị thông thường vào ngày 22 tháng 11, sau khi ở trong phòng chăm sóc đặc biệt 15 ngày.
Cũng trong ngày 10 tháng 11, chồng bà, ông Lý Phong, đã đến Tòa án Cao Dương và để lại một lá thư cho thẩm phán Trần Hoành Cường yêu cầu tha bổng cho bà Mã. Ông cũng đã gửi cùng một lá thư cho thẩm phán Trần và công tố viên Vương Đông Phương vài ngày sau đó.
Trước khi ông Lý nhận được phản hồi từ thẩm phán và công tố viên, hàng chục nhân viên từ trại tạm giam thành phố Bảo Định và Phòng An ninh Nội địa đã đến bệnh viện vào ngày 30 tháng 11 để yêu cầu bà Mã xuất viện.
Tình cờ là ông Lý cũng đến thăm bà khi các nhân viên đến. Ông hỏi ai đã cử họ đến đó, nhưng họ đã không trả lời.
Ông Lý hỏi một lính canh của trại tam giam: “Bà ấy vừa trải qua một ca phẫu thuật nghiêm trọng như vậy. Anh có thể chịu trách nhiệm cho bà ấy nếu anh đưa bà ấy đi không?” Lính canh, người từ chối tiết lộ tên của mình, trả lời: “Tôi sẽ không chịu trách nhiệm về việc này, nhưng tôi có thể báo cáo với người quản lý của mình.”
Sau đó, ông Lý nói chuyện với bác sĩ họ Tạ, người đang chăm sóc cho vợ ông. Ông nói rằng ông lo lắng khi thấy vợ ông không thể ngủ ngon và thường xuyên nói mê sảng. Bác sĩ cho biết ca phẫu thuật của bà được thực hiện ở phía trước bên phải của não, nơi liên quan đến bộ nhớ của bà. Bác sĩ đề nghị ông Lý đưa bà đến một trung tâm phục hồi chức năng và thực hiện liệu pháp thở oxy cao áp cho bà. Bác sĩ cũng cho biết đối với những bệnh nhân như bà, họ rất dễ bị não úng thủy (chất lỏng tích tụ trong não) trong tương lai, nhưng hầu hết mọi người sẽ hoàn toàn bình phục trong vòng ba năm.
Ông Lý yêu cầu để bà Mã ở lại bệnh viện thêm vài ngày và ông sẽ đưa bà về nhà sau khi tình trạng của bà ổn định. Bác sĩ chỉ ông sang nhân viên trại tạm giam và nói: “Các ông có thể thảo luận về điều đó với nhau.”
Ngô Suất, một nhân viên thuộc Đội An ninh Nội địa Khu, kéo ông Lý sang một bên và nói với ông: “Ông có thể đưa bà ấy đến Trung tâm Phục hồi An Quốc. Có phải ông đang cố gắng để lấy tiền từ trại tạm giam?”
Ông Lý trả lời rằng ông không quan tâm đến tiền bạc và điều ông quan tâm là mạng sống của vợ mình.
Sau đó, Ngô nói với ông: “Ông có thể gọi điện đến trung tâm phục hồi chức năng ở An Quốc hay Bảo Định. trại tạm giam sẽ đài thọ chi phí. Nhưng điều kiện duy nhất là bà ấy phải xuất viện trong ngày hôm nay”.
Bất kể nhân viên cố gắng thuyết phục ông Lý bằng cách nào, ông vẫn không đồng ý cho bà Mã xuất viện vào ngày hôm đó.
Vào khoảng 12 giờ đêm, Lưu Tường từ trại tạm giam thành phố Bảo Định đến nói chuyện với ông Lý. Ông ta nói rằng chính bệnh viện đã thông báo để họ đưa bà Mã đi. Ông nói rằng kể từ khi bà Mã bị kết án vào ngày 8 tháng 11, họ không còn chịu bất kỳ trách nhiệm nào đối với bà.
“Tôi biết bà ấy bị ốm, và đó là lý do tại sao chúng tôi đưa bà ấy đến bệnh viện để điều trị. Nhưng tôi sẽ yêu cầu ông hoàn trả chi phí y tế mà chúng tôi đã trả cho bà ấy” ông ta nói.
Lưu cũng đề cập đến một bản miễn trừ trách nhiệm mà bà Mã buộc phải ký khi bà ở trong trạng thái tiềm thức. Khi các con của bà đến thăm bà tại bệnh viện vào ngày 8 tháng 11, các lính canh của trại tạm giam đang theo dõi bà ở đó cũng cố gắng buộc họ ký vào bản miễn trừ trách nhiệm. Sau khi họ từ chối ký tên, Lưu đã phàn nàn là họ đã không biết cư xử đúng mực.
Vài giờ sau khi ông Lý trở về nhà, ông nhận được cuộc gọi từ Trần Hưng, đội trưởng Đội An ninh Nội địa Khu An Quốc, người đã cố gắng thuyết phục ông một lần nữa để đưa bà Mã về nhà vào ngày hôm đó. Ông Lý giải thích rằng tình trạng của bà vẫn chưa ổn định và ông phải hỏi ý kiến của bác sĩ.
Khi ông Lý gọi đến bệnh viện nửa giờ sau đó, bác sĩ cho biết bà Mã đã được đưa đi, nhưng không nói rõ ai đã làm điều đó. Gia đình bà đã gọi cho viên chức thị trấn những người đi cùng cảnh sát và lính canh trại tạm giam đến bệnh viện trong ngày, nhưng các viên chức thị trấn phủ nhận họ không biết gì về tình hình của bà.
Sau một đêm mất ngủ, ông Lý đã gọi điện cho cảnh sát vào khoảng 6 giờ sáng và được cung cấp hai số điện thoại. Khi ông gọi, một số không bắt máy và số thứ hai người đã nhận cuộc gọi cho biết họ là Đội An ninh Nội địa Khu Bảo Định và họ không phụ trách vụ việc của bà Mã.
Vô cùng lo lắng cho vợ, ông Lý vội vã đến Đội An ninh Nội địa Khu An Quốc vào khoảng 8 giờ 30 sáng để tìm gặp đội trưởng Trần. Trong khi Trần từ chối gặp ông, một sĩ quan đã nói với ông rằng bà Mã đã bị chuyển đến một trung tâm chăm sóc người cao tuổi ở An Quốc.
Bài liên quan:
Một người phụ nữ Hà Bắc ở trong tình trạng nguy kịch sau cơn đột quỵ trong khi bị giam giữ
Hai cư dân Hà Bắc đã bị giam giữ vài tháng sau khi bị bắt
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/12/8/416159.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/12/23/188953.html
Đăng ngày 06-01-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.