Bài viết của một phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 06-05-2020] Vào tháng 4 năm 2020 có thêm 13 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ, nâng tổng số học viên bị kết án trong năm lên 89 người, bao gồm 41 người vào tháng 1, 18 người vào tháng 2 và 17 người vào tháng 3.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Từ khi chế độ cộng sản Trung Quốc bắt đầu đàn áp pháp môn này từ tháng 7 năm 1999, nhiều học viên đã bị bắt, bỏ tù, tra tấn, lao động cưỡng bức và thậm chí bị mổ cướp nội tạng.

89 học viên bị kết án này thuộc 14 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Tỉnh Liêu Ninh đứng đầu danh sách với nhiều học viên bị kết án nhất (15 người), tiếp theo là Hà Bắc (14 người). Các khu vực khác là từ 1 đến 9 trường hợp. Vì thông tin bị phong toả, đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh virus Trung Cộng, các trường hợp bị kết án thật sự còn cao hơn.

553c612775449d4bb4579f362bb0ffaf.jpg

Từ tháng 1 đến tháng 3, bản án cao nhất trong mỗi tháng là chín năm. Bản án cao nhất trong tháng 4 là bảy năm, một bà lão 73 tuổi phải chịu bản án này. Bản án trung bình cho tất cả 89 học viên là 3,72 năm.

d5c2b6e552bb69b74057b846eefd8730.jpg

Hầu hết các học viên bị kết án trong tháng 4 là nữ và có ba người trên 70 tuổi.

Nhiều toà án đã bí mật kết án vài học viên mà không thông báo cho luật sư của họ. Gia đình của học viên chỉ phát hiện ra bản án của họ khi chuyển quần áo cho họ tại Trại tạm giam và nhận ra rằng họ không còn ở đó.

Bà Tống Hồng Vĩ ở thành phố Tuy Hóa, tỉnh Hắc Long Giang, vẫn bị chính quyền giám sát sau khi được thả vào ngày 9 tháng 4 năm 2020 khi đã mãn hạn 1,5 năm tù. Công an đề nghị bà giao nộp thẻ căn cước và hứa cấp cho bà một chiếc thẻ mới, có thể là để đánh dấu căn cước của bà để giám sát chặt chẽ hơn.

Dưới đây là tóm tắt các bản án vào tháng 4 và một số trường hợp mới vào đầu tháng.

Các bản án vào tháng 4

Cụ bà 73 tuổi bị kết án 7 năm tù vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công

Bà Cao Kim Bình, 73 tuổi, một nhân viên nhà máy dệt đã về hưu ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, gần đây đã bị kết án bảy năm tù vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công.

Khổ nạn của bà Cao bắt đầu từ lần bắt giữ trước đây vào ngày 9 tháng 9 năm 2013. Mặc dù bà đã được bảo lãnh tại ngoại sau khi trại tạm giam Bảo Định từ chối tiếp nhận bà vì sức khỏe yếu, cảnh sát vẫn chuyển hồ sơ của bà tới Viện Kiểm sát Quận Tân Thị. Bà không hề hay biết về sự việc.

Mãi đến tháng 1 năm 2014, khi công tố viên triệu tập, bà mới nhận ra mình đã bị truy tố vì đức tin.

Lo sợ bị kết án, bà Cao quyết định đi trốn.

Đầu năm 2019, Văn phòng An sinh Xã hội Bảo Định đã đình chỉ lương hưu của bà theo yêu cầu từ phía cảnh sát. Cảnh sát cũng triệu tập con gái bà Cao hòng tìm ra nơi ở của mẹ cô.

Sau khi theo dõi gia đình bà trong vài tháng, cuối cùng cảnh sát đã phát hiện ra nơi ở của bà Cao và bắt giữ bà vào ngày 22 tháng 8 năm 2019.

Bà Cao bị đưa ra xét xử tại Tòa án Huyện Cao Dương vào ngày 5 tháng 12 năm 2019. Gần đây, thẩm phán đã thông báo cho luật sư của bà rằng bà đã bị kết án bảy năm tù.

Bà Cao đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Thành phố Bảo Định ngay sau khi nhận phán quyết. Nhưng một người trong cuộc nói với gia đình bà rằng đừng quá hy vọng vào kháng cáo, bởi phán quyết này thực tế là do tòa án trung cấp định đoạt.

Một phụ nữ ở Thiên Tân bị kết án sáu năm tù mà không thông qua xét xử

Cuối tháng 4 năm 2020, khi gia đình của bà Cao Ngọc Minh đến thăm bà tại trại tạm giam Vũ Thanh, họ được thông báo rằng bà đã bị chuyển tới Nhà tù Nữ Thiên Tân để thụ án sáu năm tù vì đức tin vào Pháp Luân Công.

Bà Cao bị kết án không lâu sau khi bị bắt vào ngày 9 tháng 2 năm 2020. Trước lần bắt giữ gần đây nhất, bà Cao đã trở thành mục tiêu trong một cuộc bắt giữ theo nhóm gồm 37 học viên Pháp Luân Công ở Thiên Tân vào ngày 28 tháng 12 năm 2017. Mặc dù đã được bảo lãnh tại ngoại vào ngày 2 tháng 2 năm 2018, song cảnh sát vẫn tiếp tục sách nhiễu và đe dọa kết án tù bà.

Sợ bị bức hại, bà Cao đã đi trốn, nhưng đã bị bắt lại sau một năm.

Tòa án địa phương mở lại vụ án của bà Cao Ngọc Minh và nhanh chóng kết án bà mà không tuân thủ các thủ tục pháp lý và cũng không thông báo cho gia đình bà.

Bà Cao là học viên thứ tám trong số những người bị bắt ở Thiên Tân vào ngày 28 tháng 12 năm 2017 bị kết án. Bản án nặng nhất là 11 năm, kết án ông Lý Vĩnh Tuyền, một bác sỹ nha khoa.

Người phụ nữ Hà Bắc bị xét xử tại nhà và bị kết án bốn năm tù vì đức tin của bà

Ngày 6 tháng 4 năm 2020, công an và người của Toà án Quận Hải Cảng đã xông vào nhà của một cư dân ở thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc. Công an đã khống chế con trai bà Dương Tố Hoa khi thẩm phán tổ chức một phiên toà xét xử bà.

Ngày 13 tháng 4, nhân viên toà án đã quay lại nhà bà Dương để đưa phán quyết. Bà đã bị kết án bốn năm tù và phạt 2.000 nhân dân tệ. Bà có 10 ngày (từ ngày 13 đến 23 tháng 4) để kháng án và dự định bị sẽ bị cầm tù vào ngày 24 tháng 4.

Theo gia đình bà Dương, công an đã sách nhiễu bà trong vài năm qua và chính quyền đã nhanh chóng kết án bà để đóng lại vụ án từ năm 2016.

Ngày 29 tháng 8 năm 2016, bà Dương đã bị bắt sau khi bị tố giác vì nói với mọi người về Pháp Luân Công. Sau khi trại tạm giam Tần Hoàng Đảo từ chối nhận bà do sức khoẻ kém, công an đã thả bà ra và quản thúc bà tại nhà.

Đầu năm 2017, người của Đồn Công an Đỗ Trang đã thường xuyên gọi cho bà và hối thúc bà đến đồn công an để trả lời một số câu hỏi.

Vài tuần sau, khi bà đến đồn công an, họ đã đưa bà đến Viện Kiểm sát Hải Cảng để ký tên vào bản cáo trạng của bà. Chỉ sau đó bà mới nhận ra rằng công an đã giả mạo hồ sơ thẩm vấn chống lại bà và đã gửi hồ sơ vụ án của bà cho Viện Kiểm sát.

Ngày 14 tháng 3 năm 2017, hai công an và hai nhân viên của Viện Kiểm sát đã đến nhà bà Dương và thông báo rằng họ đã chuyển hồ sơ của bà tới toà án.

Sáng ngày 10 tháng 5 năm 2017, công an đã cố đưa bà Dương đến toà án nhưng thất bại vì bà không có ở nhà.

Sức khoẻ của bà Dương bắt đầu xấu đi do bị sách nhiễu và lo sợ bị cầm tù. Bà thường xuyên ở trong trạng thái mê sảng và đi lại khó khăn.

Chính quyền vẫn tiếp tục sách nhiễu bà, và cuối cùng đã quyết định kết án bà vào năm 2020, bất chấp tình trạng sức khoẻ của bà.

Người phụ nữ ngoài 70 tuổi bị kết án bốn năm tù vì kiên định đức tin

Bà Cảnh Văn Cảnh, ngoài 70 tuổi, đã bị bắt giữ vào ngày 29 tháng 8 năm 2019 vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Cảnh sát lục soát nhà bà vài lần và giam bà trong trại tạm giam Thành phố Hành Thủy.

Bà Cảnh ở thành phố Tân Tập, tỉnh Hà Bắc, bị đưa ra xét xử tại Tòa án An Bình vào ngày 17 tháng 1 năm 2020. Các nhà chức trách không thông báo tới gia đình bà về bản cáo trạng và phiên tòa. Người thân của bà chỉ hay tin về phiên tòa khi họ trực tiếp tới tòa án để hỏi về vụ việc của bà.

Ngày 13 tháng 4 năm 2020, gia đình bà Cảnh mới biết bà bị kết án bốn năm tù. Hai ngày sau bà bị chuyển tới Nhà tù Nữ Thạch Gia Trang.

Con gái bị kết án ba năm tù vì kiên định đức tin, cha mẹ già ngoài 80 tuổi bị bỏ lại ở nhà không ai chăm sóc

Gần đây một cư dân thành phố Vu Hồ, tỉnh An Huy đã bị kết án ba năm tù giam trong Nhà tù Nữ tỉnh An Huy vì tu luyện Pháp Luân Công. Cha mẹ bà đã ngoài 80 tuổi vốn cần bà chăm sóc nhưng hiện họ đang phải vật lộn với việc tự lo liệu cho bản thân.

Bà Từ Phượng Liễu, một thầy thuốc Đông y 59 tuổi, đã bị bắt vào ngày 28 tháng 5 năm 2018 vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Bà đã bị đánh đập, bức thực, giám sát 24/24 trong khi ở trong trại tạm giam Thành phố Vu Hồ.

Thông tin chi tiết về thời điểm bà bị kết án và tòa án xét xử bà hiện vẫn đang được điều tra.

Tứ Xuyên: Một giáo viên nghỉ hưu bị kết án bằng chứng cứ giả mạo

Ngày 23 tháng 4 năm 2020, ông Hứa Thế Khai, một giáo viên trung học nghỉ hưu ngoài 60 tuổi, đã bị kết án 16 tháng tù.

Ông Hứa, một cư dân huyện Hội Lý, tỉnh Tứ Xuyên, đã bị bắt vào ngày 23 tháng 4 năm 2019. Ngày hôm sau, công an đã đưa ông đến nhiều nơi khác nhau và chụp hình ông tại mỗi nơi. Sau đó họ cáo buộc ông tội dán các tờ rơi có thông tin về Pháp Luân Công trên khắp thị trấn.

Toà án Huyện Hội Lý đã xét xử ông Hứa vào ngày 23 tháng 10 năm 2019. Luật sư của ông đã biện hộ vô tội cho ông và ông cũng tự bào chữa cho mình.

Tháng 2 năm 2020, khi gia đình ông Hứa liên hệ với Thẩm phán Phó Cảnh để hỏi về vụ án của ông, thẩm phán nói rằng ông ta vừa mới nhận thêm tài liệu từ công tố viên và đang cân nhắc mở một phiên toà khác.

Theo luật sư của ông Hứa, luật hình sự Trung Quốc không cho phép công tố viên cung cấp thêm bằng chứng sau khi phiên toà đã diễn ra. Luật sư đã hối thúc thẩm phán không quan tâm đến bằng chứng như thế và không làm theo chính sách bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ khi đưa ra phán quyết đối với ông Hứa.

Sau đó thẩm phán không liên lạc với luật sư nữa. Ngày 25 tháng 4 năm 2020, khi gia đình đến toà án để hỏi về vụ án của ông, thẩm phán nói rằng ông ta đã kết án ông Hứa vào tuần trước. Ông ta cũng không cung cấp thêm thông tin chi tiết và vội vã rời đi.

Gia đình ông Hứa đã thay mặt ông kháng cáo lên Toà án Trung cấp Lương Sơn Châu.

Một phụ nữ 77 tuổi bị kết án sáu tháng quản thúc tại gia

Bà Thạch Xảo Vân, 77 tuổi, ở huyện Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam, đã bị kết án sáu tháng quản thúc tại gia vì tu luyện Pháp Luân Công.

Theo phán quyết được Tòa án khu Vũ Hồ ban hành vào ngày 21 tháng 4 năm 2020, bà Thạch bị cấm ra khỏi nhà mà không được sự cho phép của cảnh sát, không được liên lạc trực tiếp với người khác hoặc thông qua email. Bà cũng được lệnh phải giao lại thẻ căn cước, hộ chiếu, bằng lái xe và bà phải có mặt tại đồn công an địa phương bất cứ khi nào được triệu tập.

Ngày 22 tháng 5 năm 2019, bà Thạch bị bắt giữ sau khi bị tố cáo vì phân phát tài liệu chân tướng Pháp Luân Công.

Khoảng 11 giờ tối ngày 22 tháng 5, cảnh sát lục soát nhà của bà và nhục mạ bà. Họ tịch thu 3 cuốn sách Pháp Luân Công của bà.

Ngày 24 và 25 tháng 9 năm 2019, cảnh sát sách nhiễu bà Thạch một lần nữa, họ hỏi bà đang làm gì và tìm kiếm xung quanh nơi ở của bà. Ngày 25, họ bắt giữ và lục soát nhà của bà. Họ còng tay bà ra sau lưng và đưa bà tới bệnh viện.

Sau khi họ phát hiện bà Thạch bị huyết áp cao và bệnh tim họ đã trả tự do cho bà và ra lệnh cho bí thư chi bộ thôn giám sát bà.

Ngày 28 tháng 9, cảnh sát quay lại và đưa bà Thạch tới Đồn Công an Hoa Thạch, họ thu thập dấu vân tay và chụp hình bà. Sau đó, bà được trả tự do cùng ngày.

Ngày 24 tháng 12 năm 2019, bà Thạch bị đưa tới Viện kiểm sát và được thông báo rằng bà đã bị truy tố. Tài liệu Pháp Luân Công tịch thu từ nhà của bà được sử dụng làm bằng chứng cho việc truy tố, mỗi một trang tài liệu được tính như một bằng chứng riêng biệt.

Những trường hợp bị kết án vào đầu tháng mới được xác nhận

Hai chị em ở Thiên Tân bị kết án nặng vì kiên định đức tin

Tháng 1 năm 2020, hai chị em ở Thiên Tân đã bị kết án và bị phạt tiền nặng vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công.

Bà Trình Quế Anh và bà Trình Quế Tĩnh bị bắt giữ vào ngày 17 tháng 5 năm 2018, và bị đưa tới trại tạm giam Quận Nam Khai. Các sách Pháp Luân Công và tài liệu liên quan của hai bà bị tịch thu.

Sau khi cảnh sát trình hồ sơ của họ lên Viện Kiểm sát Nam Khai, công tố viên đã hai lần trả lại hồ sơ vì thiếu chứng cứ trước khi truy tố họ và chuyển hồ sơ của họ tới tòa án.

Hai chị em bà Trình đã bị đưa ra xét xử hai lần, lần một vào ngày 13 tháng 2 và lần hai là vào ngày 18 tháng 10 năm 2019. Thẩm phán tuyên án vào ngày 13 tháng 1 năm 2020, trong đó bà Trình Quế Anh bị kết án 8 năm tù và phạt 40.000 nhân dân tệ, còn bà Trình Quế Tĩnh bị kết án 9 năm tù và phạt 50.000 nhân dân tệ.

Hai bản án nặng này được đưa ra dựa trên các cáo buộc rằng hai chị em bà Trình đã thực hiện các cuộc điện thoại cho người dân để truyền rộng thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công, và rằng họ là “những người tái phạm tội” vì trước đó từng bị kết lao động cưỡng bức vì tu luyện Pháp Luân Công.

Việc bà Trình Quế Tĩnh bị bắt giữ đã khiến cha mẹ chồng của bà, đã ngoài 80 tuổi, sống trong đau khổ và sợ hãi. Họ không thể ngủ được và bị huyết áp cao và các vấn đề về tim. Hiện tại sức khỏe của họ đang rất kém và cần phải có người chăm sóc.

Một phụ nữ Sơn Đông bị kết án dựa trên bằng chứng giả

Tháng 3 năm 2020, cô Lưu Hy Phương, một bà mẹ ngoài 30 tuổi đang nuôi con bú, đã bị kết án hai năm ba tháng tù vì đức tin của cô vào Pháp Luân Công. Cô đã kháng cáo.

Ngày 14 tháng 6 năm 2019, cô Lưu ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, đã bị bắt giữ khi đang ở nhà mẹ đẻ ở quận Huệ Dân, cũng ở tỉnh Sơn Đông. Cô bị tố cáo vì phân phát các tài liệu về Pháp Luân Công vào ngày trước đó.

Cô Lưu xuất hiện ở Tòa án Quận Huệ Dân vào giữa tháng 1 năm 2020. Thẩm phán đã không cho phép gia đình cô tham gia phiên xét xử.

Cô Lưu bị buộc tội “sử dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, một cái cớ được chính quyền sử dụng để buộc tội các học viên Pháp Luân Công. Luật sư của cô đã giúp cô biện hộ vô tội và bác bỏ các cáo buộc.

Công tố viên Lý Hải Quân đã liệt kê một số tài liệu về Pháp Luân Công được tìm thấy ở một khu dân cư vào tháng 7 năm 2019 để làm bằng chứng truy tố cô Lưu.

Luật sư đã chất vấn Lý: “Thân chủ của tôi bị bắt giữ và bị đưa đến trại tạm giam Thành phố Tân Châu vào tháng 6. Có phải cảnh sát đã đưa cô ấy đến khu dân cư để phân phát tài liệu vào tháng 7 không?”

Danh sách đầy đủ của 89 học viên bị kết án từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2020 (PDF).

Bài liên quan:

747 học viên Pháp Luân Công bị nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 3 năm 2020

33 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin của họ trong thời gian phong toả vì virus corona ở Trung Quốc

Cuộc bức hại Pháp Luân Công vẫn tiếp diễn bất chấp đại dịch virus corona

194 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 1 năm 2020

Các toà án của chính quyền cộng sản Trung Quốc kết án 193 học viên Pháp Luân Công khi dịch virus corona mới bùng phát


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/5/6/404867.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/5/20/185114.html

Đăng ngày 27-05-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share