Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 07-04-2020] Theo thông tin trang web Minh Huệ tổng hợp, trong hai tháng 2 và 3 năm 2020, trong thời gian mà phần lớn Trung Quốc bị phong toả và hầu hết các toà án đều đóng cửa trong đại dịch virus corona, đã ghi nhận 33 trường hợp học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin của họ.

38 học viên khác đã bị kết án tù trong tháng 1 năm 2020, dẫn đến tổng số học viên bị kết án trong quý 1 năm 2020 là 71 người (tải danh sách đầy đủ ở đây)

33 học viên mới bị kết án này thuộc 13 tỉnh và khu vực. Hai tỉnh Hà Bắc và Sơn Đông có nhiều học viên bị kết án nhất (mỗi nơi năm trường hợp), tiếp theo là Hà Nam, Cát Lâm và Chiết Giang (mỗi nơi bốn trường hợp). Ở Thiên Tân có ba học viên, ở Bắc Kinh, Thượng Hải, An Huy, Hắc Long Giang, Giang Tô, Liêu Ninh và Sơn Tây mỗi nơi có một học viên bị kết án.

Ba học viên bị kết án quản thúc tại gia và bản án của một học viên 75 tuổi vẫn đang điều tra. 29 học viên còn lại bị kết án từ bảy tháng đến chín năm, trung bình là 2,9 năm. 21 học viên bị kết án đến bốn năm, tám học viên bị kết án nặng từ bảy đến chín năm.

9129cf25c5fca3c9c3eab78bc0570175.jpg

Ông Hoàng Khánh Đăng, 82 tuổi, ở thành phố Nhạc Thanh, tỉnh Chiết Giang, đã bị kết án bảy năm tù vào ngày 12 tháng 3 năm 2020. Một nam học viên khác ở thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông, ông Chu Đồng Quý, đã bị kết án bí mật chín năm tù, sau gần hai năm bị biệt giam.

Sau khi bà Tôn Ngọc Anh, 66 tuổi, ở tỉnh Cát Lâm, bị kết án tù, một thẩm phán đã đe doạ, rằng nếu bà không ký vào những tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công do toà án chuẩn bị sẵn, ông ta sẽ tăng án tù của bà lên năm hoặc bảy năm và phạt tiền 50.000 Nhân dân tệ.

Theo một luật sư Trung Quốc, có nhiều, nếu không nói là tất cả, các viện kiểm sát và toà án vẫn đang đóng cửa trong đại dịch. Nhiều vụ án thông thường vẫn đang trì hoãn, trong khi những người phơi bày thông tin về đại dịch hoặc các học viên Pháp Luân Công và những nhà bất đồng chính kiến khác vẫn bị kết án.

Viện Kiểm sát Quận Hán Dương ở Vũ Hán đã truy tố bà Trâu Song Vũ, 70 tuổi, và bà Ngô Quế Cúc, hơn 50 tuổi và đã chuyển hồ sơ của họ đến Toà án Quận Hán Dương vào tháng 3. Cả hai học viên bị bắt giữ vào năm ngoái và đã bị giam tại Trại tạm giam Số 1 Thành phố Vũ Hán.

Ngoài những bản án và cáo trạng oan sai, các học viên còn bị kéo dài thời hạn giam giữ, bị từ chối bảo lãnh điều trị y tế và không được liên lạc với gia đình.

Các nhà tù ở Vũ Hán từ chối thả các học viên Pháp Luân Công sau khi họ mãn hạn tù

Ở tâm dịch Vũ Hán, chính quyền đã từ chối thả hai học viên Pháp Luân Công sau khi án tù của họ kết thúc.

Theo dự kiến, bà Thái Như Phân (bị kết án ba năm tù) ra tù vào ngày 21 tháng 2, và ông Trình Ấu Kim (bị kết án 4,5 năm tù) ra tù vào ngày 26 tháng 2 năm 2020.

Tuy nhiên, đã hơn một tháng trôi qua, gia đình các học viên này vẫn không biết tung tích của họ.

Theo gia đình bà Thái, viên chức Nhà tù Nữ Vũ Hán đã gọi điện cho họ vào tháng 2 năm 2020 nói rằng bà Thái sẽ được đưa tới Bệnh viện Nhân dân Quận Tân Châu và sau đó đưa đi cách ly ở trong một khách sạn. Kể từ đó gia đình chưa hề nhận được hồi âm từ phía các nhà chức trách và hiện tại không rõ bà Thái đang ở đâu.

Viên chức Nhà tù Phạm Gia Đài đã thông báo với gia đình ông Trình rằng hiện ông đang bị cách ly vì dịch bệnh. Họ không nói ông bị cách ly ở đâu và trong bao lâu.

Trái ngược với bà Thái và ông Trình, một phụ nữ bị cầm tù 10 năm ở Vũ Hán vì nhận hối lộ, đã được thả vào ngày 18 tháng 2 mặc dù có các triệu chứng giống như bệnh cúm. Mặc dù thành phố bị phong tỏa, gia đình cô vẫn được phép đưa cô đến Bắc Kinh. Hai ngày sau khi đến Bắc Kinh, cô được xét nghiệm dương tính với virus corona và đã được chuyển đến một trung tâm cách ly địa phương.

Có thông tin rằng hàng trăm công an ở Nhà tù Nữ Vũ Hán đã bị nhiễm virus corona từ tháng 1. Sau khi điều động công an ở các tỉnh Hồ Nam, Quảng Đông, Quý Châu và Trùng Khánh đến làm việc ở Vũ Hán vào tháng 2, chính quyền Trung Quốc đã huy động thêm công an ở Nhà tù Nữ Tỉnh Quảng Đông và Nhà tù Nũ Tỉnh Phúc Kiến đến hỗ trợ Nhà tù Nữ Vũ Hán vào giữa tháng 3.

Công an làm việc trong nhà tù này đều mặc đồ và đeo kính bảo hộ, và điện thoại di động của họ thì bị tịch thu. Có thể chính quyền đang cố gắng ngăn họ tiết lộ thông tin.

Quyền thăm nom, gọi điện thoại hay bảo lãnh điều trị bị từ chối

Sau khi các nhà tù ở Vũ Hán dừng mọi cuộc thăm nom vào ngày 23 tháng 1, ba ngày sau Cục Quản lý Nhà tù Tỉnh Liêu Ninh cũng ngừng mọi cuộc thăm viếng trong hệ thống nhà tù của họ.

Theo một lính canh tù ở tỉnh Liêu Ninh, họ bắt đầu gặp phải tình trạng bị thiếu thực phẩm và đồ tiếp tế từ ngày 9 tháng 2. Chính quyền không chỉ ngưng mọi cuộc thăm viếng đến nhà tù, mà còn không cho các tù nhân gọi điện thoại hàng tháng cho gia đình của họ. Một người chỉ được gọi điện khi có sự chấp thuận của lãnh đạo nhà tù, nếu không thì không tù nhân nào được liên lạc với bất kỳ ai ở bên ngoài.

Gia đình của bà Lan Lập Hoa, một cư dân 48 tuổi ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã báo cáo với Minh Huệ Net rằng dù bà đang bị ung thư vú giai đoạn cuối đã chuyển sang di căn, nhưng quản lý của Nhà tù Nữ Liêu Ninh vẫn từ chối tạm tha để bà được điều trị y tế chỉ bởi bà không từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Công. Đồng thời, họ cũng không được thăm bà vì dịch virus corona.

Ông Tiếu Hướng Vũ ở thành phố An Quốc, tỉnh Hà Bắc cũng bị trại tạm giam Bảo Định tước quyền thăm viếng của gia đình. Trại thậm chí còn không nhận được quần áo mà gia đình gửi vào cho ông và gia đình bị cấm thuê luật sư cho ông trong trận ôn dịch với cái cớ là họ cũng sẽ không cho luật sư gặp ông.

Chính quyền ở tỉnh Cát Lâm đã bỏ tù ông Từ Cảnh Siêu, 85 tuổi vào giữa tháng 1 năm 2020 sau khi ông bị kết án 2,5 năm cùng ba năm quản chế vào ngày 23 tháng 1 năm 2019. Trong khi bản án của ông Từ không yêu cầu ông phải thụ án trong tù, công an tuyên bố ông đã vi phạm luật quản thúc sau khi lại bị bắt vào ngày 2 tháng 12 năm 2019 vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Chính quyền đã từ chối cho gia đình ông biết nơi ông đang bị giam.

Bị giam trong thời gian dịch bệnh

Bất chấp sự bùng phát bệnh dịch trong các nhà tù và cơ sở giam giữ đông đúc ở Trung Quốc, chính quyền vẫn tiếp tục giam các học viên Pháp Luân Công dù hồ sơ của họ đã bị viện kiểm sát từ chối.

Ở tỉnh Cát Lâm, 15 học viên vẫn đang bị giam ở trại tạm giam Thành phố Tứ Bình từ ngày 15 tháng 8 năm 2019. Dù Viện Kiểm sát Huyện Lê Thụ đã trả hồ sơ của các học viên cho công an nhiều lần, ngày gần nhất là 15 tháng 3 năm 2020, nhưng công an vẫn từ chối thả họ và trại tạm giam cũng ngăn cản luật sư gặp họ.

15 học viên Cát Lâm này đã bị nhắm đến trong một cuộc bắt giữ theo nhóm của 34 cư dân vào ngày 15 tháng 8 năm 2019. Dù sau đó hơn phân nửa số học viên đã được thả, 15 người trong số họ vẫn đang bị giam giữ, trong đó có bảy người của cùng một gia đình.

Bà Nam Điền Cúc ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đã bị bắt vào ngày 11 tháng 8 năm 2019 vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Bà đã bị giam ở trại tạm giam Nhị Chi Câu kể từ đó. Viện Kiểm sát Hãn Châu đã trả hồ sơ của bà lại cho công an vì thiếu bằng chứng vào tháng 12 năm 2019.

Khi gia đình bà đến Đồn Công an Hoành Điếm để hỏi về vụ án của bà, công an đã từ chối tiết lộ thông tin và chối bỏ trách nhiệm.

Một học viên khác ở huyện Vũ Công, tỉnh Thiểm Tây là bà Lưu Tuệ Vinh đã bị tước quyền gia đình thăm viếng từ khi bà bị bắt vào ngày 26 tháng 8 năm 2019. Bà đã bị truy tố vào ngày 20 tháng 1 năm 2020 và bị lên lịch xét xử tại Toà án Khu Tần Đồ vào tháng 2 năm 2020. Nhưng vì dịch bệnh nên thẩm phán đã trì hoãn phiên toà.

Gia đình bà Lưu nói rằng họ đã liên tục yêu cầu được gặp bà vào mỗi bước của quá trình truy tố bà, nhưng lại bị đùn đẩy qua lại giữa công an, trại tạm giam, viện kiểm sát và toà án. Hiện tại, việc phong toả và dịch bệnh đã trở thành cái cớ khác để chính quyền từ chối yêu cầu được gặp bà Lưu của gia đình.

Tóm tắt các trường hợp bị kết án

Sau đây là bản tóm tắt của một số trường hợp bị kết án vào tháng 2 và tháng 3 năm 2020.

Một người đàn ông Sơn Đông bị kết án bí mật vì đức tin của mình

Sau gần hai năm bị biệt giam, ông Chu Đồng Quý, 45 tuổi, đã bị kết án một cách bí mật với bản án lên tới chín năm tù.

Cư dân ở thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông này đã bị bắt giữ cùng với anh trai của mình là ông Chu Đồng Triều vào ngày 23 tháng 5 năm 2018. Người mẹ 90 tuổi của họ đã bị tổn thương nặng nề bởi những lần bắt giữ bạo lực đối với các con trai của bà đến nỗi ngã bệnh sau đó.

Ông Chu và anh trai bị thẩm vấn ở đồn cảnh sát địa phương sau khi bị bắt giữ. Các nhân viên cảnh sát đã dùng vũ lực cưỡng chế lấy mẫu máu và chụp ảnh họ.

Vào ngày 25 tháng 5, họ bị chuyển đến trại tạm giam Thành phố Lâm Nghi. Lính canh ở đây đã đánh đập ông Chu Đồng Quý một cách dã man, rồi còng tay và cùm chân ông trong tư thế khiến ông không thể đứng thẳng được.

Sau đó anh trai của ông được thả, trong khi ông Chu Đồng Quý lại bị chuyển đến một trung tâm tẩy não. Có lần ông không được cho ngủ trong ba ngày.

Ngày 27 tháng 7 năm 2018, khi gia đình ông Chu cùng luật sư đến thăm ông ở trung tâm tẩy não, thì Tô Vĩ, người đứng đầu trung tâm này đã đe dọa và tấn công luật sư.

Trong suốt 21 năm qua, ông Chu Đồng Quý đã bị buộc phải rời xa nhà để tránh bị bức hại. Chính quyền đã giữ chứng minh nhân dân của ông, khiến ông không thể tìm được việc làm. Cảnh sát cũng liên tục sách nhiễu người mẹ già của ông, khiến bà bị tổn thương tinh thần trầm trọng.

Bà lão 76 tuổi bị kết án 2,5 năm tù vì không từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công

Gần đây một giáo viên về hưu 76 tuổi là bà Mã Thục Phân đã bị kết án 2,5 năm tù.

Bà Mã Thục Phân đã bị bắt tại nhà trong một cuộc bắt giữ theo nhóm ở Thiên Tân vào ngày 4 tháng 12 năm 2018. Trước khi bắt giữ bà, người của Đồn Công an Tân Thôn và uỷ ban cư dân địa phương nơi bà sinh sống đã sách nhiễu bà nhiều lần và hỏi bà còn tu luyện Pháp Luân Công hay không.

Bà Mã đã bị truy tố vào tháng 9 năm 2019. Các quan chức toà án nói rằng họ có thể cho bà một bản án khoan hồng vì bà tuổi tác đã cao, nhưng với điều kiện là bà phải từ bỏ đức tin của mình. Nếu bà từ chối, họ doạ sẽ kết án nặng hơn. Bà đã từ chối hợp tác và đã bị cầm tù.

Cát Lâm: Thẩm phán đe doạ tăng án tù của một phụ nữ vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công

Vào cuối tháng 2 năm 2020, thẩm phán Lý Trung Thành đã thông báo với bà Tôn Ngọc Anh rằng bà đã bị kết án ba năm tù vì đức tin vào Pháp Luân Công.

Thẩm phán Lý yêu cầu bà phải đến toà án địa phương để ký vào ba tuyên bố cam kết từ bỏ Pháp Luân Công được soạn sẵn. Ông ta nói qua điện thoại: “Nếu bà ký vào một bản, tôi sẽ giảm án cho bà một năm. Nếu bà ký hai bản, tôi sẽ giảm thêm nữa. Nếu bà ký cả ba bản, bà sẽ được thả. Nhưng nếu bà không ký tờ nào, tôi sẽ tăng án tù lên năm hay bảy năm, và phạt bà 50.000 Nhân dân tệ.”

Thẩm phán Lý cũng huênh hoang rằng ông ta đã kết án em gái bà Tôn, bà Tôn Ảnh Quân, ba năm hai tháng vì đức tin vào Pháp Luân Công. Em gái bà Tôn hiện đang thụ án trong Nhà tù Nữ tỉnh Cát Lâm, đã bị suy yếu sức khoẻ chỉ vài tuần sau khi bị cầm tù vào cuối năm 2019.

Bà Tôn Ngọc Anh, 66 tuổi, ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, đã bị bắt vào ngày 16 tháng 5 năm 2019 vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Một học viên khác là bà Lý Thục Bình, hơn 60 tuổi, cũng bị bắt cùng bà.

Bà Tôn gặp vấn đề về tim vào tháng 7 năm 2019 và được chữa trị trong bệnh viện. Sau đó bà được bảo lãnh điều trị y tế sau khi gia đình nộp 2.000 Nhân dân tệ cho công an. Bà bị yêu cầu phải đến báo cáo cho công an mỗi tuần.

Hiện tại bà Lý vẫn đang bị giam tại trại tạm giam Thành phố Cát Lâm.

Ngày 31 tháng 12 năm 2019, công an đưa bà Tôn đến Toà án Quận Thuyền Doanh. Thẩm phán Lý đã ra lệnh cho bà ký vào ba cam kết từ bỏ Pháp Luân Công. Bà Tôn nói rằng bà không làm gì sai và viết “Pháp Luân Đại Pháp hảo; Pháp Luân Đại Pháp là chính Pháp” thay vì ký vào biên bản. Thẩm phán tức giận và tống tiền gia đình bà 20.000 Nhân dân tệ.

Hai tháng sau, thẩm phán Lý đã kết án bà Tôn ba năm tù mà không tổ chức xét xử. Hiện bà Tôn đang có nguy cơ bị tăng án tù vì từ chối ký vào các tuyên bố.

Vì tu luyện Pháp Luân Công, bà Tôn và em gái đã liên tục bị bắt, bị giam và nhà bị lục soát trong hơn 20 năm qua. Họ và gia đình đã phải chịu áp lực tinh thần to lớn vì cuộc bức hại.

Hai vợ chồng ở Hà Nam bị kết án vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công

Ông Đổng Thiên Phúc, 66 tuổi, và vợ ông là bà Triệu Tùng, 64 tuổi, ở thành phố Vũ Châu, tỉnh Hà Nam, đã bị bắt giữ tại nhà vào ngày 12 tháng 10 năm 2018. Máy tính, máy in cùng các sách Pháp Luân Công của họ bị tịch thu.

Ông Đổng và bà Triệu đều bị giam giữ hình sự sau khi bị bắt. Ông Đổng bị giam ở trong trại tạm giam Thành phố Vũ Châu, còn bà Triệu bị giam trong trại tạm giam Thành phố Hứa Xương.

Ngày 3 tháng 9 năm 2019, Viện Kiểm sát Quận Ngụy Đô đã truy tố họ với cáo buộc “phá hoại việc thực thi pháp luật”, một cái cớ tiêu chuẩn được chính quyền cộng sản Trung Quốc sử dụng để khép tội các học viên Pháp Luân Công.

Vợ chồng ông Đổng đã hai lần bị đưa ra xét xử, lần đầu vào ngày 17 tháng 9, lần hai vào ngày 8 tháng 11 năm 2019.

Gần đây thẩm phán đã tuyên án họ:

Ông Đổng bị kết án 2 năm tù với 2 năm thử thách, và phạt 5.000 Nhân dân tệ.

Bà Triệu bị kết án 1,5 năm tù với 2 năm thử thách, và bị phạt 4.000 Nhân dân tệ.

Bài liên quan:

Cuộc bức hại Pháp Luân Công vẫn tiếp diễn bất chấp đại dịch virus corona

Các toà án của chính quyền cộng sản Trung Quốc kết án 193 học viên Pháp Luân Công khi dịch virus corona mới bùng phát

194 học viên Pháp Luân Công bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ trong tháng 1 năm 2020


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/4/7/1-3月疫情期间70名法轮功学员被冤判-403493.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/4/10/183983.html

Đăng ngày 16-04-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share