Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 07-07-2023] Theo thông tin Minghui.org thu thập, tổng cộng có 3.133 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ và sách nhiễu vì kiên định đức tin đã được báo cáo trong nửa đầu năm 2023.

Ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, một phụ nữ 64 tuổi đã chết sau 6 ngày bị bắt giữ. Cảnh sát kiểm duyệt nghiêm ngặt thông tin về cái chết của bà và còn giám sát chặt chẽ việc bà tỉnh lại tại nhà. Vợ của một học viên khác đã nằm liệt giường 6 năm rất kinh hãi khi nhìn thấy cảnh sát lục soát nhà bà đến nỗi bà đã qua đời sau đó 10 ngày.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ năm 1999. Vô số học viên bị sách nhiễu, bắt giữ, kết án hay tra tấn vì kiên định đức tin. Do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt ở Trung Quốc, các vụ bức hại thường không thể luôn luôn được báo cáo kịp thời, cũng như không phải tất cả đều có sẵn thông tin.

Trong 1.752 trường hợp bắt giữ mới được báo cáo, 3 trường hợp xảy ra trong năm 2021, 161 trường hợp trong năm 2022 và 1.588 trường hợp trong năm 2023. Trong 1.381 trường hợp bị sách nhiễu mới được báo cáo, có 133 trường hợp vào năm 2022 và 1.248 trường hợp trong năm 2023. Tất cả có 1.041 học viên bị lục soát nhà. Đặc biệt, 2 học viên đã bị tịch thu 80.000 nhân dân tệ và 100.000 nhân dân tệ tiền mặt trong lúc bị bắt giữ hồi tháng 3 năm 2023.

914a1d21c1a844d6da5e91e4426e181e.jpg

3.133 học viên bị bắt giữ hay sách nhiễu đến từ 28 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Sơn Đông (510), Cát Lâm (484) và Tứ Xuyên (270) được báo cáo là các tỉnh có nhiều vụ bắt giữ và sách nhiễu nhất; Hà Bắc, Hắc Long Giang, Hồ Bắc, Liêu Ninh và Bắc Kinh cũng được báo cáo 3 con số từ 114 tới 269 trường hợp; 16 khu vực khác báo cáo hai con số. Chiết Giang và Hải Nam mỗi tỉnh báo cáo 4 trường hợp bắt giữ, trong khi đó Phúc Kiến và Tân Cương mỗi tỉnh có 1 trường hợp sách nhiễu.

6fa224274cea84a9856d18b69de3cf4e.jpg

Trong tổng số 535 học viên, gồm 331 vụ bắt giữ và 204 vụ sách nhiễu là từ 60 tuổi trở lên với 11 học viên ngoài 90 tuổi.

Biểu đồ sau thể hiện sự phân bố theo tháng của 1.588 trường hợp bắt giữ và 1.248 trường hợp sách nhiễu xảy ra trong nửa đầu năm 2023.

df5c3311298c1f5ff69b4b4349f31488.jpg

Trong tháng 3 và tháng 5 cho thấy sự gia tăng của các vụ bức hại, có thể là do các hội nghị chính trị thường niên diễn ra vào tháng 3 của chính quyền và “Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới” 13 tháng 5 (kỷ niệm ngày Pháp Luân Công được giới thiệu ra công chúng). Trong những “ngày nhạy cảm” giống như hội nghị chính trị hay lễ kỷ niệm liên quan tới Pháp Luân Công, chính quyền thường ra lệnh cho cảnh sát và ủy ban khu phố địa phương tới sách nhiễu các học viên trên quy mô lớn nhằm ngăn họ ra ngoài phơi bày cuộc bức hại với công chúng.

3.133 học viên đến từ mọi tầng lớp trong xã hội, gồm 37 giáo sư đại học và 34 chuyên gia ở những lĩnh vực khác như bác sỹ, thẩm phán, kỹ sư, nhà báo và kế toán viên.

Một vận động viên phá kỷ lục thế giới đã bị bắt vào tháng 5 năm 2023, sau 17 năm chạy trốn cảnh sát. Một cặp vợ chồng ngoài 40 tuổi cùng làm việc trong một nhà máy ô tô đã bị bắt giữ vào tháng 2 năm 2023 sau khi người vợ thụ án 5 năm tù và người chồng thụ án 11 năm tù.

Một cựu kỹ sư vốn có tinh thần khỏe mạnh lại bị đưa tới bệnh viên tâm thần sau khi đồn công an từ chối tiếp nhận bà do huyết áp cao. Gia đình hiện đang rất lo lắng về việc bà bị ép phải sử dụng thuốc tâm thần. Một giáo viên trung học đã bị bắt giữ tại nơi làm việc sau khi hiệu trưởng lừa ông tới văn phòng làm việc của ông ta để nói chuyện.

Cựu kỹ thuật viên bị ngân hàng sa thải vào năm 2000 hiện đang bị ngăn cấm nộp đơn yêu cầu được cấp phúc lợi hưu trí sau khi ông đến tuổi nghỉ hưu.

Sau hầu hết các vụ bắt giữ, cảnh sát còn ép các học viên trải qua đợt kiểm tra sức khỏe đáng ngờ và lấy mẫu máu trái với mong muốn của họ. Trong một số trường hợp, cảnh sát đã thay đổi kết quả khám sức khỏe của học viên hòng tống họ vào các trại tạm giam.

Cảnh sát cũng không tha cho các học viên lớn tuổi. Gia đình của một cụ bà 83 tuổi đang phải ngồi xe lăn cho biết rằng cảnh sát đã cạy của nhà và đưa người thân của họ đi bằng xe cứu thương mà không nói cho gia đình biết họ đã đưa bà đi đâu.

Bắt giữ và sách nhiễu xung quanh những ngày chính trị nhạy cảm

Cơ quan lập pháp Trung Quốc – Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (ĐHĐBTQ), và các cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của nó cùng Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân (HNHTCT), đều tổ chức hội nghị thường niên (còn gọi là “Lưỡng hội”) vào khoảng cùng thời điểm hàng năm (mặc dù là các tổ chức riêng biệt). HNHTCT năm nay bắt đầu từ ngày 4 tháng 3 và hội nghị ĐHĐBTQ bắt đầu vào ngày hôm sau. Học viên Pháp Luân Công trên khắp Trung Quốc thường bị sách nhiễu trước kỳ họp Lưỡng hội.

Ngay trước khi Lưỡng hội bắt đầu, bà Trương Hợp Ngọc (khoảng 70 tuổi) cùng con gái là cô Trần Lập Phương (49 tuổi) cư trú ở quận Triều Dương, Bắc Kinh đã mất tích. Theo thông tin từ hàng xóm, cảnh sát và nhân viên ủy ban khu dân cư địa phương đã bắt đầu sách nhiễu và theo dõi hoạt động hàng ngày của hai học viên này từ năm 2020.

Tại huyện Nông An, thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, cảnh sát địa phương đã sách nhiễu tất cả học viên trong huyện và bắt giữ hơn 10 học viên trong kỳ Lưỡng hội. Khi một học viên đi tới tỉnh Hải Nam (cách hơn đó 1000km) để công tác, ba cảnh sát thậm chí còn bám theo anh tới đó, chụp hình và lấy mẫu nước bọt của anh ấy.

Cảnh sát ở thành phố Thọ Quang, tỉnh Sơn Đông đã sách nhiễu học viên địa phương thông qua gọi điện thoại cho họ, chụp hình họ hay yêu cầu thành viên gia đình họ ngăn cản họ đi ra ngoài.

Theo nguồn tin bên trong, sau khi Lưỡng hội kết thúc vào cuối tháng 3, các nhà chức trách quận Hải Điến, Bắc Kinh đã chuẩn bị một danh sách gồm hơn 100 học viên. Ban đầu, họ bố trí cảnh sát theo dõi cuộc sống hàng ngày của mỗi học viên và gặp mặt họ ít nhất một hoặc hai tuần một lần. Tất cả các cuộc gặp mặt này sẽ được ghi âm lại. Nếu học viên từ chối từ bỏ Pháp Luân Công hay họ có “tiền án” vì bị kết án vì tu luyện Pháp Luân Công trước đó, chính quyền sẽ sử dụng các biện pháp mạnh tay hơn để sách nhiễu họ hay đưa họ tới các phiên tẩy não.

Bước sang tháng 5, cảnh sát ở huyện Quan thành phố Liêu Thành, tỉnh Sơn Đông đã điều động nhiều cảnh sát tới sách nhiễu các học viên địa phương. Hai cảnh sát giữ lấy một học viên ngay khi bà mở cửa và cưỡng chế thu thập mẫu máu của bà. Một học viên khác bị cảnh sát chặn lại trên đường về nhà sau khi đi học Pháp chung cùng với các học viên khác. Cảnh sát giật chìa khoá xe máy của bà và nỗ lực lấy mẫu máu của bà ở trên đường. Bà hét lớn để phản đối và cảnh sát đã không thể làm điều đó. Một vài học viên cũng báo cáo rằng cảnh sát nỗ lực thu thập mẫu máu của họ.

Cũng trong tỉnh Sơn Đông, nhà chức trách ở thành phố Long Khẩu đã điều động hơn 100 cảnh sát tới bắt giữ học viên địa phương vào khoảng 5 giờ sáng ngày 9 tháng 5. Cảnh sát mặc thường phục và lái xe riêng của họ để thực hiện vụ bắt giữ tập thể. Họ lừa các học viên mục tiêu mở cửa bằng cách tự nhận mình là nhân viên ủy ban khu phố hay người hàng xóm tầng dưới có nhà bị dột.

Theo người trong nội bộ, cảnh sát Long Khẩu đã theo dõi học viên ít nhất 6 tháng trước khi tiến hành các vụ bắt giữ. Nhiều cảnh sát tiến hành các vụ bắt giữ là những người trẻ tuổi bị lừa dối bởi tuyên truyền vu khống Pháp Luân Công của ĐCSTQ.

Tất cả học viên đều bị lục soát nhà, cảnh sát lục lọi mọi ngóc ngách, thậm chí cả gầm giường. Một lượng lớn sách Pháp Luân Công, tài liệu phơi bày cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ và các tài sản có giá trị khác bị tịch thu. Học viên báo cáo rằng những viên cảnh sát mặc thường phục này đã thay cảnh phục sau khi đưa họ tới đồn công an.

Có ít nhất 21 học viên Long Khẩu và hai người thân bị bắt giữ gồm bốn cặp vợ chồng, hai con của một cặp vợ chồng, hai anh chị em ruột và chín học viên khác.

Tại thành phố Ứng Thành, tỉnh Hồ Bắc, văn phòng cộng đồng đã trưng bày những áp phích lớn bôi nhọ Pháp Luân Công và Nhà sáng lập pháp môn trên một bảng thông báo “chống tà giáo” ở một vị trí đắc địa nhất trên đường Công Nông. Chai Wenguang, chủ tịch Ủy ban khu phố Công Nông đã đích thân chỉ đạo in những áp phích. Ông ta còn sách nhiễu học viên lớn tuổi (Ms. Liu Jiaoya) và đe dọa bà không được ra ngoài. Khi học viên Li Guifeng tới ủy ban phu phố để cập nhật thông tin hộ khẩu, Chai đã yêu cầu bà viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bởi bà từ chối tuân thủ, Chai đã gọi điện cho cảnh sát bắt giữ bà Lý và giam giữ bà bốn giờ đồng hồ.

Khi Phan Kỷ Cường (51 tuổi), Trưởng Công an thành phố Tam Hà ở tỉnh Hà Bắc tới thăm thị trấn Nhãn Giác ở thành phố Tam Hà vào khoảng ngày 10 tháng 5 năm 2023, ông ta nhìn thấy áp phích có dòng chữ “Chào mừng ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 13 tháng 5.” Ông ta đã ra lệnh truy bắt người treo biểu ngữ và truy tố “tội phạm”. Cảnh sát đã kiểm tra video giám sát và xác định đó là bà Tùy Lệ Tiên, một giáo viên về hưu khoảng 72 tuổi đã treo biểu ngữ trên. Bà Tùy đã bị cảnh sát đưa đi khỏi nhà vào ngày 14 tháng 5 năm 2023. Lệnh bắt giữ của bà được phê chuẩn sau đó 10 ngày và hiện bà đang đối mặt với truy tố.

Sau đây là chi tiết về một số học viên bị bức hại.

Những cái chết bi thảm

Vũ Hán: Một người phụ nữ qua đời chỉ 6 ngày sau khi bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công

Một người phụ nữ 64 tuổi ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đã qua đời sau 6 ngày bị bắt giữ vì từ chối từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.

Ngày 30 tháng 3 năm 2023, bà Hồ Vĩnh Tú bị bắt ở bên ngoài bệnh viện khi đang nói với mọi người về cuộc bức hại Pháp Luân Công của chính quyền cộng sản Trung Quốc. Ngày 5 tháng 4 năm 2023, gia đình bà xác nhận rằng bà qua đời vào ngày hôm đó. Việc bày biện linh đường của bà tại nhà bà cũng bị cảnh sát giám sát chặt chẽ. Do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt nên chưa có thông tin chi tiết về cái chết của bà.

Bà Hồ là học viên Pháp Luân Công thứ hai ở Vũ Hán được biết là đã bị bức hại đến chết trong năm 2023. Học viên còn lại, bà Tông Minh, đã tiều tụy và nói năng khó khăn tại thời điểm được thả vào ngày 26 tháng 12 năm 2022, sau khi bị giam giữ trong một trung tâm tẩy não địa phương suốt 8 tháng. Tóc bà Tông đã ngả bạc. Gia đình đã đưa bà đến bệnh viện vào ngày 1 tháng 1 năm 2023, nhưng bác sỹ từ chối tiếp nhận và bà đã chết ở trong phòng cấp cứu vào ngày hôm đó. Bà hưởng dương 59 tuổi.

Cảnh sát ập vào nhà riêng vì nhắm mục tiêu vào người chồng, người phụ nữ nằm liệt giường quá khiếp sợ và đã qua đời sau 10 ngày

Một người phụ nữ nằm liệt giường ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông đã vô cùng khiếp sợ khi 3 cảnh sát mặc thường phục xông vào nhà bà sau khi bắt giữ chồng bà tại nhà hàng của con trai họ vài giờ trước. Bà ấy qua đời vào 10 ngày sau trong khi chồng bà vẫn đang bị giam giữ.

Sáng ngày 9 tháng 5 năm 2023, ông Khương Thuần Lâm đang phụ giúp tại nhà hàng của con trai mình thì 3 viên cảnh sát từ Đồn Công an Phụ Đông ở quận Lão Sơn xuất hiện. Sau khi một người trong số họ xuất trình thẻ cảnh sát, họ liền bắt ông và tịch thu chiếc iPhone của ông (món quà của con trai tặng ông) trước khi đưa ông về nhà. Sau đó, họ chỉ trả lại thẻ SIM chứ không trả lại điện thoại, rồi tịch thu từ nhà ông 1 máy in, 1 máy tính, một số sách Pháp Luân Công và sổ tay cá nhân của ông với ghi lại những tâm đắc tu luyện (kinh nghiệm và thể ngộ về tu luyện) Pháp Luân Công của ông.

Sau khi bị đột quỵ vào năm 2017, vợ của ông Khương bị tàn tật và không thể nói được. Bà bất lực nằm trên giường nhìn cảnh sát lục soát nhà mình. Con trai bà phải nhắc nhở họ hãy im lặng để không làm bà sợ hãi mà bệnh tình chuyển biến xấu đi.

Cảnh sát nói rằng ông Khương là “mục tiêu trọng điểm” của cảnh sát và họ đã theo dõi ông hơn 6 tháng qua. Họ đã bắt giữ ông chỉ vì một đoạn video giám sát ghi lại cảnh một người đàn ông đeo ba lô có dáng vẻ giống ông Khương ở một khu phố, vì vậy, cảnh sát hiềm nghi ông ấy phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công ở đó.

Đoạn video chỉ quay được phần lưng chứ không quay được khuôn mặt của người đàn ông ấy, nhưng cảnh sát vẫn sử dụng nó làm bằng chứng để tống ông Khương vào trại tạm giam vào ngày hôm sau.

Vợ ông Khương, một người phải dựa hoàn toàn vào sự chăm sóc của chồng, đã qua đời sau 10 ngày ông bị bắt giữ. Bởi con trai ông không được phép vào thăm ông luật sư đại diện của ông mới nói cho ông biết chuyện khi anh ấy đến gặp ông trong trại tạm giam. Cảnh sát đã từ chối yêu cầu của con trai ông về việc cho ông tại ngoại để về tổ chức tang lễ cho vợ ông.

Bức hại học viên cao niên

Cảnh sát cạy cửa nhà một bà cụ 83 tuổi ngồi xe lăn và đưa bà đi bằng xe cứu thương

Ngày 9 tháng 5 năm 2023, cảnh sát đã cạy cửa nhà bà Cao Quỳnh Tiên, một bà cụ 83 tuổi phải ngồi xe lăn ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, và đưa bà đi bằng xe cứu thương. Bà và gia đình không hề gọi điện để yêu cầu bất kỳ sự trợ giúp y tế nào.

Bà Cao từng bị kết án 6 năm tù vào tháng 4 năm 2022. Bà được hoãn thời chấp hành án vì lý do sức khoẻ. Gia đình nghi ngờ cảnh sát nhắm đến bà lần này là vì họ có ý định tống giam bà để bà chấp hành bản án đó. Tại thời điểm này, người thân của bà vẫn chưa được thông báo về nơi giam giữ bà.

Đây không phải là lần đầu tiên bà Cao bị chính quyền nhắm đến vì kiên định đức tin của mình. Bà bị bắt lần đầu vào tháng 7 năm 2004 và bị kết án 3 năm lao động cưỡng bức. Ngay khi được trả tự do vào năm 2007, bà tiếp tục nỗ lực thông tin cho công chúng về cuộc bức hại. Bà lại bị bắt một lần nữa vào năm 2016 và bị kết án 2 năm tù cùng 3 năm quản chế vào ngày 29 tháng 8 năm 2017.

Cụ bà 78 tuổi bị chính quyền sách nhiễu nhiều lần trước khi bị truy tố vì kiên định đức tin

Ngày 16 tháng 6 năm 2023, bà Ngô Ngọc Anh, một cư dân 78 tuổi ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc đã nhận được một cuộc điện thoại của con gái, nói rằng Đồn Công an Lưu Gia Bảo yêu cầu cô đưa mẹ của mình tới đó để báo cáo với họ trong ngày hôm đó, nếu không, cô sẽ không được phép đi làm.

2 giờ chiều hôm đó, bà Ngô đi tới đồn công an. Khi bà hỏi về sự đe dọa đối với con gái bà, những cảnh sát có mặt đều phủ nhận việc họ từng liên lạc với con gái bà. Sau đó bà Ngô toan rời đi thì bị cảnh sát chặn lại.

Bà Ngô đột nhiên cảm thấy chóng mặt và ngất xỉu. Khi bà tỉnh lại, bà muốn ngồi đả tọa luyện bài tĩnh công của Pháp Luân Công, nhưng không thể. Sau đó, bà bị ngất lần hai. Sau khi bà tỉnh lại, cảnh sát nói rằng lần này họ sẽ gọi xe cấp cứu. Bà nói không và trở về nhà sau khi nghỉ ngơi một lát.

Không lâu sau, một nhóm cảnh sát và nhân viên của Viện Kiểm sát quận Thành Quan đã tới nhà bà và đưa “thông báo về kỳ hạn thẩm tra và truy tố”, một tài liệu quy chuẩn do cảnh sát Trung Quốc ban hành sau khi họ chuyển hồ sơ của nghi phạm cho viện kiểm sát. Viện Kiểm sát quận Thành Quan đã truy tố bà trong ngày (ngày 16 tháng 6).

Đây không phải là lần đầu bà Ngô, một nhân viên về hưu của Nhà máy Cơ khí Trường Phong ở thành phố Lan Châu, đã trở thành mục tiêu của chính quyền vì kiên định đức tin trong cuộc bức hại Pháp Luân Công kéo dài 24 năm qua. Phòng bảo vệ nơi bà Ngô công tác thường cử người tới sách nhiễu bà tại nhà riêng. Quản lý nhà máy bắt tay với cảnh sát để bắt giữ bà nhiều lần. Họ còn đình chỉ lương của bà một thời gian và gây áp lực để chồng bà ly hôn bà. Chồng bà đã mắc bệnh nặng và qua đời không lâu sau khi ly hôn.

Tỉnh Quảng Đông: Một cụ bà 85 tuổi bị chính quyền kết án khi đang nằm liệt giường

Một cụ bà 85 tuổi ở thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông bị cảnh sát sách nhiễu nhiều lần trong 2 năm qua vì tu luyện Pháp Luân Công. Thậm chí ngay cả sau khi bà bị nằm liệt giường, nhân viên chính quyền vẫn đến nhà bà để đưa phán quyết kết án bà.

Từ ngày 21 tháng 4 năm 2022 đến ngày 20 tháng 1 năm 2023, bà Liêu bị sách nhiễu 4 lần. Tháng 6 năm 2022, cảnh sát tự ý thay ổ khóa cửa trước nhà bà và giữ lại một chiếc chìa khóa. Để tránh bị bức hại thêm, bà Liệu phải rời nhà sống phiêu bạt, nhưng lại phải trở về sau 1 tháng vì sức khỏe giảm sút và đau nhức toàn thân.

Khi bà đang bị nằm liệt giường thì vào ngày 20 tháng 1 năm 2023, chỉ 2 ngày trước Tết Cổ truyền, cảnh sát lại đến sách nhiễu bà. Họ cố gắng đưa bà đi nhưng sau đó phải nhượng bộ khi thấy bệnh tình nghiêm trọng của bà.

Tháng 3 năm 2023, một số cảnh sát đến yêu cầu bà đến tòa án để ký vào hồ sơ vụ án. Bà không hiểu chuyện gì đang xảy ra và bật khóc. Hàng xóm sang hỏi thăm tình hình vì nghe thấy tiếng khóc của bà. Bởi không muốn hàng xóm của bà biết về cuộc bức hại, cảnh sát vội rời đi.

Hai ngày sau, cảnh sát gọi cho con trai bà Liêu, yêu cầu anh ấy đóng 5.000 nhân dân tệ tiền phạt cho mẹ mình. Anh đã từ chối, thậm chí cả sau khi cảnh sát gọi điện lại nhiều lần.

Ngày 20 tháng 4, cảnh sát lại gõ cửa nhà bà Liêu. Bà từ chối để họ vào nhà. Sáng hôm sau, sau khi bà Liêu ra ngoài, cảnh sát hỏi thăm hàng xóm về tình hình của bà. Cảnh sát nói họ chỉ ghé thăm và mang chuối cho bà. Họ hứa lần này sẽ không bắt giữ bà.

Không lâu sau khi bà Liêu trở về, cảnh sát lại đến yêu cầu bà đến tòa án để ký tên vào hồ sơ vụ án. Bà cương quyết không đi.

Khi căng thẳng gia tăng, bà Liệu bị đau dữ dội ở 2 chân và không thể ra khỏi giường.

Ngày 25 tháng 4, một số viên chức Viện Kiểm sát quận Mậu Danh bắt con trai bà đưa họ đến nhà bà. Họ tuyên bố bà có tội vì sở hữu các sách Pháp Luân Công tại nhà. Ngoài việc bắt con trai thay mặt bà ký vào hồ sơ vụ án, họ còn yêu cầu anh nắm tay bà và điểm chỉ vào hồ sơ. Sau đó công tố viên nói bà được phép thụ án tại nhà. [Ghi chú: thông thường trách nhiệm tuyên án là của tòa án, nhưng có thể trong trường hợp đặc thù này, công tố viên được yêu cầu truyền đạt lại phán quyết.] Chỉ đến lúc đó, bà Liêu đang nằm liệt giường mới vỡ lẽ mình bị kết án. Cả bà và con trai đều không biết chi tiết về bản án của bà.

Tiếp tục bị bắt giữ sau hơn 20 năm bị bức hại

Từng bị cầm tù 11 năm vì chèn sóng truyền hình vạch trần những tuyên truyền dối trá của ĐCSTQ nhắm vào Pháp Luân Công, người đàn ông Cát Lâm lại bị bắt giữ một lần nữa

Vào lúc 7h30 ngày 24 tháng 2 năm 2023, vợ chồng ông Trang Hiển Khôn và bà Hàn Anh Lệ ở ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm bị bắt giữ tại nhà riêng. Ông Trang (khoảng 49 tuổi) và bà Hàn vợ ông (khoảng 48 tuổi) bị đưa tới Trại tạm giam Cửu Đài. Hai vợ chồng họ bị giam ở đó tới ngày 4 tháng 3, sau đó bị chuyển đến trại tạm giam Vi Tử Câu và hiện vẫn đang bị giam ở cơ sở này.

Cả ông Trang và bà Hàn đều từng làm việc cho Nhà máy Ô tô thành phố Trường Xuân. Họ đã nhiều lần bị chính quyền nhắm mục tiêu vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công trong 24 năm qua của cuộc bức hại.

Người vợ bị cầm tù 5 năm

Khoảng tháng 2 năm 2001, bà Hàn đi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và bị bắt giữ. Bà bị giam vài tháng ở trong một trại tạm giam thuộc Công an Bắc Kinh. Một người đàn ông tự xưng thuộc Cục An ninh Quốc gia đã tới nơi làm việc của bà Hàn để điều tra lý lịch của bà. Sau đó, bà bị kết án 5 năm và thụ án trong Nhà tù Nữ tỉnh Cát Lâm. Bà phải gửi lại đứa con thơ mới vài tháng tuổi nhờ em trai mình chăm sóc.

Người chồng bị kết án 11 năm vì tham gia chèn sóng truyền hình cáp

Từ tháng 10 đến 12/1999, ông Trang ở lại Bắc Kinh để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại. Ông bị bắt và giam giữ trong 15 ngày.

Tháng 2/2000, ông bị cảnh sát thuộc Công an Cẩm Trình bắt tại nơi làm việc. Ông bị kết án 1 năm lao động cưỡng bức, nhưng bị kéo dài thêm 7 tháng vì ông không từ bỏ Pháp Luân Công. Ông thụ án ở trong Trại Lao động Triều Dương Câu và Trại Lao động Phấn Tiến. Ông được trả tự do vào tháng 9/2001.

Ngày 5/3/2002, ông Trang tham gia cùng một số học viên chèn sóng truyền hình để phát nội dung giảng chân tướng về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Ông bị bắt và bị kết án 11 năm và thụ án ở trong Nhà tù Thạch Lĩnh.

Bối cảnh của việc chèn sóng truyền hình ở Trường Xuân vào ngày 5 tháng 3 năm 2002

Khoảng 20h ngày 5 tháng 3 năm 2002, 18 học viên Pháp Luân Công đã chèn sóng truyền hình cáp trung ương ở khu vực Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm. Chương trình “Tự thiêu hay trò lừa bịp?” và “Pháp Luân Đại Pháp hồng truyền khắp thế giới” đã được phát sóng đồng thời trên tám kênh truyền hình trong khoảng 45 phút.

Sự việc này đã gây xôn xao thành phố Trường Xuân, và nhiều người đã biết chân tướng Pháp Luân Công. Một số người nghĩ rằng lệnh cấm Pháp Luân Công đã được bãi bỏ.

Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo chính quyền Cộng sản Trung Quốc, đã ra mật lệnh “giết toàn bộ các học viên Pháp Luân Công có liên quan”. Chỉ trong vài ngày, hơn 5.000 học viên Pháp Luân Công ở khu Trường Xuân đã bị bắt, và bảy người bị đánh đập đến chết.

15 học viên bị bắt đã bị kết án nặng vào ngày 18 tháng 9 năm 2002: Bà Chu Nhuận Quân (20 năm), ông Lưu Vỹ Minh (20 năm), ông Lưu Thành Quân (19 năm), ông Lương Chấn Hưng (19 năm), ông Trương Văn (18 năm), ông Lôi Minh (17 năm), ông Tôn Trường Quân (17 năm), ông Lý Đức Hải (17 năm), bà Triệu Kiện (15 năm), ông Vân Khánh Bân (14 năm), ông Lưu Đông (14 năm), ông Ngụy Tu Sơn (12 năm), ông Trang Hiển Khôn (11 năm), bà Trần Diễm Mai (11 năm) và bà Lý Hiểu Kiệt (4 năm).

Hơn nữa, một số học viên như ông Lưu Thành Quân, ông Lôi Minh, ông Lương Chấn Hưng và ông Hầu Minh Khải đã bị bức hại tới chết.

Sau 17 năm lưu lạc, vận động viên phá kỷ lục thế giới lại bị bắt vì tín ngưỡng của mình Ông Trương Khánh Nguyên, một vận động viên phá kỷ lục thế giới, ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đã bị bắt tại vào ngày 29 tháng 3 năm 2023 và đã biệt giam kể từ khi bị bắt. Gia đình ông vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin cập nhật nào về tình hình của ông.

Trước khi ông Trương bị bắt lần gần đây nhất, ông đã từng bị kết án 4 năm tù vào năm 2006 vì tín ngưỡng của mình. Để tránh bị bỏ tù, ông đã sống xa nhà trong 17 năm tiếp theo. Năm 2008, chính quyền đã gây áp lực bắt người sử dụng lao động phải cho ông thôi việc và cũng cắt trợ cấp cho người lao động kiểu mẫu và trợ cấp tàn tật của ông (tổng cộng 10.000 tệ mỗi năm).

Ông Trương, khoảng 55 tuổi, đã phải phẫu thuật cắt bỏ cánh tay trái sau một tai nạn khi ông còn nhỏ. Tình trạng khuyết tật của ông đã không ngăn cản được ông chơi thể thao và ông đã giành được nhiều giải đấu quốc gia.

Năm 1994, ông đã phá kỷ lục thế giới và giành chức vô địch nhảy ba bước trong Đại hội Thể thao cho Người khuyết tật Viễn Đông và Nam Thái Bình Dương lần thứ 4. Năm 1995, ông trở thành thành viên của đội tuyển quốc gia dự kiến ​​tham dự Thế vận hội đặc biệt năm 1996 tại Atlanta, mặc dù cuối cùng ông đã không tham gia chuyến đi vì một số lý do đột xuất.

Sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, ông Trương đã nhiều lần bị bắt vì kiên định với tín ngưỡng của mình.

Sau 13 năm bị cầm tù oan sai, người đàn ông Cát Lâm lại một lần nữa đối mặt với xét xử

Trước vài giờ ông Sử Văn Trác bị bắt giữ vào ngày 16 tháng 3 năm 2023, 6 cảnh sát đã tới phòng quản lý tài sản của khu chung cư nơi ông Sử sinh sống và yêu cầu xem video camera giám sát. Họ quyết định bắt giữ cư dân 59 tuổi ở quận Cửu Đài, thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm sau khi nhìn thấy cảnh ông đi đổ rác ở trong một video.

Sau khi trại tạm giam địa phương từ chối tiếp nhận ông Sử do tình trạng sức khỏe, cảnh sát yêu cầu kiểm tra sức khỏe ông lần nữa và kết quả vẫn cho thấy sức khỏe của ông không đảm bảo. Tiếp đó, cảnh sát đi tới một bệnh viện và một bác sỹ ở đó sửa đổi kết quả khám sức khỏe của ông Sử. Sau đó, trại tạm giam đã đồng ý tiếp nhận ông.

Viện Kiểm sát quận Khoan Thành đã truy tố ông Sử và chuyển hồ sơ vụ án của ông tới Tòa án Quận Khoan Thành.

Ông Sử bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 3 năm 1999 và ông chưa bao giờ dao động đức tin của mình kể từ sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào 4 tháng sau đó. Trước vụ bắt giữ lần này, ông từng bị lĩnh án lao động cưỡng bức (1 năm vào năm 2000) và 2 lần lĩnh án tù (9 năm vào năm 2002 và 4 năm vào năm 2012).

Trong cả hai lần thụ án tù, ông Sử đều bị tra tấn bằng nhiều hình thức khác nhau, gồm đánh đập, sốc điện, dội nước nóng lên người và trói bằng dây thừng.

Tùy tiện giam giữ và biệt giam

Thượng Nghị sỹ Úc bày tỏ quan ngại về việc tùy tiện bắt giữ một kỹ sư vì đức tin vào Pháp Luân Công

Bà Lưu Xuân Hà, cựu kỹ sư ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, bị bắt giữ tại nơi làm việc vào khoảng 5 giờ chiều ngày 6 tháng 5 năm 2023, 13 ngày trước buổi khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á tại Tây An. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Tập Cận Bình đã lên kế hoạch tham dự.

Theo các cảnh sát bắt giữ, chính quyền địa phương triển khai chiến dịch “giăng lưới” trước hội nghị. Thông thường trước các sự kiện lớn hoặc các cuộc họp chính trị như vậy, chính quyền thành phố đăng cai thường tăng cường bắt giữ và sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công để ngăn họ nâng cao nhận thức về cuộc bức hại và “gây rắc rối” cho chính quyền.

Sau khi trại tạm giam địa phương từ chối giữ bà Lưu do huyết áp quá cao, cảnh sát chuyển bà đến Bệnh viện An Khang, nơi các học viên khỏe mạnh về tinh thần phải chịu sự quản lý bằng thuốc thần kinh không tự nguyện.

Sau vụ bắt giữ của bà Lưu, cháu trai của bà hiện đang sinh sống ở Úc đã liên hệ với thượng nghị sỹ của mình để nhờ sự giúp đỡ. Ngày 30 tháng 6 năm 2023, Thượng Nghị sỹ Simon Birmingham của Úc, đồng thời là Bộ trưởng Ngoại giao của đảng đối lập, viết thư cho anh bày tỏ quan ngại đối với sự an toàn và sức khỏe của bà Lưu.

Thượng Nghị sỹ Birmingham viết: “Liên minh vẫn quan ngại sâu sắc về việc các tôn giáo và các nhóm thiểu số khác ở Trung Quốc, trong đó có các học viên Pháp Luân Công, tiếp tục bị nhắm đến vì đức tin của họ. Trong Chính phủ, Liên minh đảm bảo Úc nhiều lần trực tiếp bày tỏ những quan ngại này với Chính phủ Trung Quốc, trong đó lần gần đây nhất là vào đầu năm nay.”

Ông cũng chia sẻ: “Liên minh hối thúc mạnh mẽ Chính phủ Lao động duy trì cách tiếp cận mạnh mẽ và trực tiếp của Úc đối với Chính phủ Trung Quốc liên quan đến những hành xử với các học viên Pháp Luân Công và các nhóm thiểu số khác.”

Ông nói thêm họ cũng khuyến khích Chính phủ đảm bảo các đại diện cấp cao của Bộ Ngoại giao và Thương mại tiếp tục gặp trực tiếp các đại diện của Pháp Luân Công, cũng như thành viên gia đình của các học viên, để đảm bảo họ được trực tiếp nghe các bằng chứng, từ đó nêu ra những vấn đề này với chính quyền Trung Quốc như một phần trong nỗ lực giúp bảo đảm việc trả tự do cho các học viên.“

Ông kết thúc bức thư của mình với cam kết: “Tôi sẽ đảm bảo Liên minh tiếp tục cập nhật thông tin từ Chính phủ về các vấn đề liên quan đến việc Chính phủ Trung Quốc đối xử với các học viên Pháp Luân Công.”

Một giáo viên trung học cơ sở bị bắt tại nơi làm việc, gia đình không được phép vào thăm

Một giáo viên trung học cơ sở đã bị bắt tại nơi làm việc vào ngày 27 tháng 4 năm 2023. Gia đình ông không được phép vào thăm ông kể từ đó.

Ông Trình Phan Phong, ngoài 40 tuổi, làm việc tại Trường Trung học cơ sở Tông Nguyên ở thành phố Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông kể từ khi ông tốt nghiệp đại học năm 2002. Khi ông đang làm việc ở trường vào ngày 27 tháng 4 năm 2023, một người quản lý của trường đã gọi ông đến văn phòng. Ông đi đến đó, và đã bị bắt và bị đưa đến đồn công an địa phương.

Ngay sau khi ông Trình bị bắt, cảnh sát đã đột nhập vào hai nơi ở của ông và tịch thu các quyển sách Pháp Luân Công, thẻ căn cước, iPad, máy tính xách tay và xe hơi riêng của ông. Gia đình ông đã đến đồn công an vào buổi tối nhiều lần để hỏi về trường hợp của ông, nhưng cảnh sát từ chối cung cấp bất kỳ thông tin nào, với cái cớ rằng trường hợp của ông là bí mật. Cảnh sát cũng từ chối yêu cầu được vào thăm hay gọi điện cho ông của gia đình ông.

Sau gần 24 giờ thẩm vấn tại đồn công an, ông Trình đã bị chuyển đến Trại tạm giam thành phố Trung Sơn để tạm giữ hình sự vào tối ngày 28 tháng 4.

Một số cảnh sát mặc thường phục và nhân viên ủy ban khu dân cư đã sách nhiễu gia đình ông Trình tại nhà vào khoảng 6 giờ chiều ngày 2 tháng 5, cảnh báo họ không được tìm kiếm thông tin về trường hợp của ông Trình. Bất chấp yêu cầu mạnh mẽ của gia đình, chỉ có một cảnh sát xuất trình giấy tờ tùy thân của anh ta.

cca35493301b65731841c0eef9263956.jpg

Cổng trước Trường Trung học Cơ sở Tông Nguyên

Cuộc khám sức khỏe đáng ngờ

Trong khi bị tạm giam vì khuyên thị trưởng không bức hại Pháp Luân Công, người phụ nữ bị cưỡng chế kiểm tra y tế một cách đáng ngờ

Một nhân viên đường sắt đã nghỉ hưu bị bắt tại nhà của con gái và bị tạm giam 12 ngày sau khi bị phát hiện gửi một bức thư cho một quan chức chính quyền kêu gọi ông ta không tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Bà Lý Thủ Lan (ngoài 60 tuổi) bị đưa đi khám sức khỏe tổng thể sau khi bị bắt giữ, nhưng không hề được biết kết quả hoặc mục đích của cuộc kiểm tra này. Bà nghi ngờ chính quyền thu thập dữ liệu sinh trắc của mình nhằm kiểm tra xem có phù hợp cho chương trình cưỡng bức mổ cướp nội tạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ các học viên Pháp Luân Công đang diễn ra hay không.

Bị bắt vào tháng 2 năm 2023 và cưỡng chế khám sức khỏe

Bà Lý phân chia thời gian của mình để qua lại giữa nhà của mình tại thành phố Vạn Nguyên, tỉnh Tứ Xuyên và nhà con gái tại quận Hán Tân, thành phố An Khang, tỉnh Thiểm Tây (cách đó khoảng 112 km).

Ngày 22 tháng 2 năm 2023, cảnh sát thuộc Công an Cao Tân, Đồn Công an Giang Bắc và Công an Đường sắt đã đến nơi làm việc của con gái bà Lý tại Phòng Điện Đường sắt An Khang. Họ yêu cầu cô dẫn họ về nhà để bắt mẹ cô. Lãnh đạo đơn vị công tác gây áp lực bằng cách cảnh cáo rằng cô sẽ không được quay lại làm việc nếu không “xử lý” tốt việc này.

Bà Lý bị bắt tại nhà con gái và bị đưa đến trụ sở Công an Cao Tân, nơi có khoảng 8 cảnh sát đang đợi sẵn. Bà yêu cầu họ cung cấp danh tính, số điện thoại và chức vụ của mình. Chỉ có 2 người cung cấp thông tin, nhưng sau đó cảnh sát đã tịch thu các ghi chú của bà.

Trong quá trình thẩm vấn, bà Lý phát hiện tên của một số người khác, trong đó có Phạm Vĩnh Bân (bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố An Khang), La Tuấn Khang và Đường Mai.

Họ cho bà Lý xem một bức thư gửi cho Vương Hạo, thị trưởng của thành phố An Khang. Vương ra lệnh cảnh sát truy tìm người đã gửi bức thư đó. Cảnh sát cũng chiếu một đoạn video ghi cảnh một người nào đó đã bỏ bức thư vào hòm thư, nhưng video bị mờ và không thể nhận diện người đó là ai.

Cảnh sát luân phiên thẩm vấn bà Lý, hỏi bà bức thư mà bà gửi cho chủ tịch Vương được lấy từ đâu. Tiếp đó, họ đưa bà đến Bệnh viện Đường sắt để khám sức khỏe tổng thể, bao gồm xét nghiệm COVID-19, xét nghiệm máu, điện tâm đồ và khám mắt. Sau đó, họ đưa bà trở lại Công an Cao Tân để lấy dấu vân tay, họ lặp lại việc này nhiều lần vì không hài lòng với kết quả.

Sáng hôm sau, bà Lý lại bị thẩm vấn. Hai cảnh sát, trong đó một người họ Từ, khống chế bà không thể nhúc nhích ở trên ghế cọp. Họ liên tục tra hỏi bà lấy bức thư từ đâu, bắt xe buýt ở đâu, đi cùng ai đến chỗ hòm thư và liên lạc với những học viên khác như thế nào.

Bà Lý từ chối trả lời. Một cảnh sát đẩy bà vào một phòng kính và nói: “Ở yên đây! Đừng nghĩ đến việc được dễ chịu trong này!”

Khoảng 2 giờ chiều, cảnh sát mang dụng cụ khám mắt vào. Mặc dù không phải là chuyên gia y tế, nhưng họ vẫn cố kiểm tra mắt bà Lý. Họ bật thiết bị để chiếu ánh sáng vào mắt bà trong khi một người cạy mí mắt trên và mí mắt dưới của bà.

Không biết cách thao tác dụng cụ, họ thay nhau cố tìm cách vận hành. Bà Lý bị đối xử như chuột bạch, các cảnh sát lần lượt chọc vào mắt bà. Sau đó dụng cụ bị hỏng. Cảnh sát gọi một kỹ thuật viên, nhưng anh ta không sửa được nó. Họ báo cáo tình hình lên lãnh đạo: “Chúng tôi đã dành vài giờ để cố làm cho thứ này hoạt động. Và bà ta không chịu hợp tác với chúng tôi. Chúng tôi còn phải cố trong bao lâu nữa?”

Cuối cùng cảnh sát bỏ cuộc khi đến giờ tan sở. Hơn 2 tháng sau, mắt bà Lý vẫn còn bị đau.

Họ giữ bà tại Công an Cao Tân trong 2 ngày trước khi tống giam bà trong Trại tạm giữ quận Hán Tân 10 ngày.

Sau khi chuyển bà đến trại tạm giữ, cảnh sát cũng đột kích vào nhà con gái bà. Họ tịch thu một cuốn sách Chuyển Pháp Luân (các bài giảng chính của Pháp Luân Công) và lừa con gái bà đưa điện thoại của bà cho họ.

Vụ bắt giữ chớp nhoáng vào ngày 27 tháng 3

Ngày 27 tháng 3, con gái của bà Lý vừa về nhà sau ca làm đêm thì nhận được một cuộc gọi từ Công an Cao Tân. Họ yêu cầu bà Lý báo cáo tình hình cho họ ngay lập tức. Con gái bà phớt lờ yêu cầu và cảnh sát từ Đồn Công an Quan Miếu đột kích bắt giữ mẹ con cô.

Cả hai mẹ con đều bị đưa đến Đồn Công an Quan Miếu. Cảnh sát thẩm vấn bà Lý vào chiều hôm đó. Họ cho bà xem lại bức thư và ép bà tiết lộ người viết và người đưa cho bà để gửi cho chủ tịch Vương. Bà nói mình là người viết và gửi bức thư, nhưng việc đó không vi phạm pháp luật. Khi bà yêu cầu cảnh sát đọc nội dung bức thư, họ ngừng thẩm vấn và thả hai mẹ con bà.

Con gái bị đe dọa và người thân bị liên lụy

Kể từ khi bà Lý bị bắt vào tháng 2 năm 2023, con gái bà phải chịu áp lực rất lớn. Công an Cao Tân, Đồn Công an Giang Bắc, Đồn Công an Quan Miếu, Công an Đường sắt, quản lý tại Phòng Điện Đường sắt thành phố An Khang và ủy ban khu phố đều yêu cầu cô trông chừng mẹ mình và không cho bà ra khỏi nhà. Cảnh sát cũng yêu cầu cô chuẩn bị tinh thần, sẵn sàng đi cùng mẹ đến đồn công an để thẩm vấn. Tệ hơn nữa, quản lý của cô còn đe dọa sa thải cô nếu không làm tốt việc giám sát mẹ mình.

Con gái bà Lý phải làm việc toàn thời gian, còn phải đưa đón con hàng ngày. Cảnh sát thậm chí còn quấy rối gia sư của đứa trẻ, yêu cầu ông báo cáo bất kỳ hoạt động đáng ngờ nào của gia đình đứa trẻ mà ông chứng kiến.

Con gái của bà Lý không chịu nổi trước áp lực khủng khiếp khi cảnh sát đến bắt mẹ cô vào ngày 27 tháng 3, do vậy cô đánh mẹ mình khi cảnh sát ập vào. Bà Lý không trách cô, vì bà biết con gái mình phải chịu đựng như thế nào trước cuộc bức hại.

Khi bà Lý bị bắt lần đầu tiên vào ngày 22 tháng 2, cảnh sát cũng lục soát nhà bố mẹ chồng của con gái bà.

Trong suốt 24 năm bức hại vừa qua, nhiều người nhà và bạn bè của bà Lý cũng bị liên lụy. Chồng bà sống trong sợ hãi và qua đời cách đây nhiều năm. Người mẹ già 93 tuổi của bà vẫn run rẩy khi nhìn thấy cảnh sát.

Vắt kiệt tài chính

Cựu nhân viên ngân hàng bị sa thải một cách phi pháp và không được phép làm thủ tục xin hưởng phúc lợi hưu trí Ông Điền Hảo Đào, một cư dân thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang đã bị đơn vị công tác sa thải vào năm 2000 vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Hiện ông đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng lại bị cấm làm thủ tục để xin hưởng phúc lợi hưu trí.

Ông Điền từng là một kỹ thuật viên IT của Ngân hàng Nông nghiệp ở thành phố Phú Cẩm. Ông làm việc rất chăm chỉ và từng được khen thưởng là nhân viên xuất sắc cấp tỉnh và thành phố trong nhiều năm liền. Sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, ngân hàng nơi ông Điền công tác đã cấu kết với Phòng 610 địa phương để bức hại ông. Kể từ năm 2000, ông không được bố trí công tác hay nhận được bất kỳ khoản chi trả nào và ngân hàng cũng không ban hành thông báo sa thải chính thức nào dành cho ông.

Khi ông Điền đến tuổi nghỉ hưu vào tháng 5 năm 2023, ông đã liên hệ với ngân hàng một lần nữa để làm thủ tục hưu trí. Nhưng ngân hàng từ chối tiếp nhận đơn của ông và giám đốc hiện tại của ngân hàng là Trương Thụy Phong nói: “Ông đã bị sa thải vào năm 2000 vì bỏ bê công việc. Ông có thể nộp đơn lên ủy ban kỷ luật để khiếu nại chúng tôi”.

Ông Điền nói ông không nhận được thông báo sa thải vào năm 2000. Khi ông đang thụ án lao động cưỡng bức năm 2001 vì tu luyện Pháp Luân Công, ngân hàng vẫn nộp tiền vào tài khoản hưu trí cho ông. Ông nói với Trương rằng việc chấm dứt hợp đồng lao động bằng lời nói là không có hiệu lực pháp lý. Trương trả lời: “Ông cứ kiện chúng tôi thoải mái”.

Gần đây, ông Điền đã viết một lá thư gửi cho ngân hàng. Ông chỉ ra rằng ngân hàng không thể vì ông có đức tin vào Pháp Luân Công mà tước việc làm của ông. Ông nói rằng bất cứ ai liên quan tới việc đưa ra quyết định này đều là lạm dụng chức quyền và xâm phạm các nhân quyền cơ bản của ông.

Ông Điền đã trích dẫn Điều 44 của Hiến pháp Trung Quốc, trong đó quy định rằng “Nhà nước áp dụng chế độ hưu trí đối với công nhân, viên chức của các doanh nghiệp, tổ chức và đối với các cơ quan chức năng của Nhà nước theo luật định. Sinh kế của người đã nghỉ hưu do Nhà nước và xã hội đảm bảo”.

Ngoài ra, Điều 73 của Luật Lao động cũng quy định rằng “Điều kiện và tiêu chuẩn để người lao động hưởng bảo hiểm xã hội chỉ có thể do pháp luật quy định, các cơ quan chính quyền địa phương không có quyền quyết định điều kiện và tiêu chuẩn của đãi ngộ bảo hiểm xã hội mà người về hưu được hưởng”.

Ngoài bức bại tài chính, ông Điền cũng từng bị bắt giữ nhiều lần và chịu đựng sự tra tấn tàn bạo trong nhà giam trong hơn 24 năm qua.

Bài liên quan:

Báo cáo tháng 3 và tháng 4 năm 2023: 1.320 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ hoặc sách nhiễu vì kiên định đức tin

Báo cáo tháng 1 và tháng 2 năm 2023: 624 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ hoặc sách nhiễu vì kiên định đức tin

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/7/7/462724.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/7/12/210282.html

Đăng ngày 25-08-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share