Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc

[MINH HUỆ 18-08-2023]

Họ tên: Hồ Hỏa Muội (胡火妹)
Giới tính:Nữ
Tuổi:50
Thành phố:Nam Xương
Tỉnh: Giang Tây
Nghề nghiệp: Nhân viên vệ sinh
Ngày mất: Ngày 3 tháng 8 năm 2023
Ngày xảy ra vụ bắt giữ cuối cùng: Ngày 10 tháng 4 năm 2018
Nơi giam cuối cùng:Trại tạm giam Số 1 thành phố Nam Xương

2023-8-17-mh-huhuomei.jpg

Bà Hồ Hỏa Muội

Bà Hồ Hỏa Muội (50 tuổi) ở thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây đã qua đời vào ngày 3 tháng 8 năm 2023, sau nhiều năm bị bức hại vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại kể từ tháng 7 năm 1999.

Bà Hồ Hỏa Muội theo học Pháp Luân Công vào tháng 2 năm 1999 và nhanh chóng khỏi bệnh cao huyết áp di truyền. Ngoài ra, mối quan hệ của bà với chồng đã được cải thiện và điều này giúp cứu vãn một gia đình từng suýt tan vỡ trở nên hòa thuận.

Sau khi cuộc bức hại xảy ra vài tháng sau đó, bà Hồ vẫn kiên định đức tin của mình và liên tục bị chính quyền nhắm mục tiêu trong hơn 2 thập kỷ tiếp theo. Bà từng 2 lần bị phạt lao động cưỡng bức và 2 lần bị kết án tù, tổng cộng 7,5 năm bị giam giữ. Cái chết của bà Hồ xảy ra sau chưa đầy 4 năm kể từ khi bà mãn hạn án tù thứ 2 vào tháng 10 năm 2019. Cảnh sát và viên chức ở ủy ban khu phố liên tục sách nhiễu bà tại nhà trong những năm cuối đời, đặc biệt là vào những ngày nhạy cảm như các cuộc họp chính trị quan trọng và những ngày sự kiện liên quan đến Pháp Luân Công. Họ cũng nhiều lần cưỡng chế chụp ảnh bà tại nhà để làm bằng chứng đảm bảo bà đang ở nhà chứ không đi ra ngoài để nói với công chúng chân tướng cuộc bức hại.

Sau nhiều năm bị bức hại đã khiến gia đình bà lâm vào cảnh nghèo khó. Chứng kiến những vụ bắt giữ và bức hại của mẹ mình trong nhiều năm, người con trai ngoài 20 tuổi của bà đã bị trầm cảm và không thể làm việc bình thường. Con gái của bà hiện đang học đại học, cũng phải vật lộn để trang trải học phí.

Áp lực từ phía chính quyền và cuộc sống khó khăn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà Hồ mà vốn đã suy giảm kể từ khi cuộc đàn áp bắt đầu. Mắt của bà dần dần mờ đi và người bà gầy hốc hác. Lúc nào bà cũng cảm thấy mệt mỏi. Bà không thể bước đi được vững và thường xuyên bị ngã. Ngoài ra, bà còn hoàn toàn phải nằm liệt giường trong những tháng cuối đời.

Bà Hồ rơi vào tình trạng nguy kịch vào ngày 21 tháng 7 năm 2023 và được đưa vào bệnh viện. Tình trạng của bà được cải thiện phần nào sau vài ngày ở phòng chăm sóc tích cực (ICU), nhưng gia đình phải cho bà xuất viện vào ngày 3 tháng 8, khi họ không còn tiền để trang trải chi phí y tế cho bà (ở Trung Quốc, bệnh nhân thường phải thanh toán trước các khoản chi phí y tế của họ). Bà đã qua đời 5 phút sau khi về nhà. Lúc đó bà chỉ nặng hơn 40 kg một chút. Gia đình đã cố gắng vuốt mắt bà nhưng không được. Đối với những người thân yêu của bà, đôi mắt đó như đang lặng lẽ kể lại câu chuyện bị bức hại vì kiên định đức tin của bà.

15 ngày bị giam cầm sau khi vụ bắt giữ năm 2000

Tháng 9 năm 2000, bà Hồ đi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Bà bị bắt ngay khi vừa đến Văn phòng Kháng cáo của Quốc vụ viện. Cảnh sát đã đưa bà đến một phân cục công an ở Bắc Kinh và tìm ra danh tính của bà. Sau đó họ đưa bà đến Văn phòng liên lạc của chính quyền tỉnh Giang Tây đặt ở Bắc Kinh. Nhân viên ở đó yêu cầu bà tự bắt tàu về nhà.

Một ngày sau khi bà về nhà, công an của Đồn Công an Triều Dương địa phương đã bắt giam bà 15 ngày vì “gây rối trật tự xã hội”. Sau khi bà được thả khỏi Trại tạm giam Số 2 thành phố Nam Xương, cảnh sát thường xuyên kéo đến sách nhiễu bà tại nhà và đe dọa gia đình phải để mắt đến bà, không được để bà tiếp tục đi tới Bắc Kinh.

3 năm lao động cưỡng bức sau khi bị bắt vào năm 2001

Tháng 1 năm 2001, bà Hồ lại đi tới Bắc Kinh và bị bắt tại Quảng trường Thiên An Môn. Họ đưa bà tới một đồn công an ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc lân cận. Vì bà từ chối tiết lộ danh tính nên cảnh sát đã tát vào mặt và sốc điện vào tay bà bằng dùi cui điện. Thời tiết lúc đó đang dưới 0 độ C, nhưng cảnh sát đã lột sạch cả quần áo lót của bà và treo bà bằng một sợ dây chất liệu vải kim loại ở ngoài trời trong hơn 3 tiếng đồng hồ. Sau đó họ thả bà xuống và còng tay bà vào cây cột ở trong bãi đậu xe ngoài trời cho đến bình minh.

Cảnh sát đưa bà đến nhà ga xe lửa vào sáng hôm sau và đưa bà lên chuyến tàu đi từ Bắc Kinh tới Nam Xương. Bà xuống xe ở trạm dừng đầu tiên và quay trở lại Quảng trường Thiên An Môn. Bà lại bị bắt và đưa đến Trại tạm giam quận Triều Dương ở Bắc Kinh, nơi bà bị thẩm vấn hàng ngày. Lính canh cũng thường xuyên dội nước đá lạnh vào quần áo của bà. Nước đóng băng và kết thành mảng dính bám vào áo khoác của bà.

Một tháng sau, cảnh sát Nam Xương đến Bắc Kinh hộ tống bà về. Bà bị đưa thẳng đến Trại tạm giam Số 2 thành phố Nam Xương. Không lâu sau đó, họ chuyển bà đến Trại Lao động thành phố Nam Xương để thụ án 3 năm.

Bà Hồ bị nhốt một mình trong phòng và bị những người nghiện ma túy theo dõi 24/24. Họ cưỡng chế bà xem các video phỉ báng Pháp Luân Công liên tục. Ba tháng sau, bà đã không thể gắng gượng trước áp lực và đã viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công trái với ý muốn của mình. Sau đó bà đã được tự do.

Sau khi bà được thả ra khỏi trại lao động trước thời hạn, kể từ năm 2001 đến 2004, Đồn Công an Triều Dương đã hai lần đột kích vào nhà và ra lệnh cho bà phải báo cáo với họ hàng tháng. Trong 3 năm đó, cảnh sát cũng có lần đưa bà đến một phiên tẩy não và nhốt bà ở đó hơn 10 ngày.

1 năm lao động cưỡng bức sau vụ bắt giữ năm 2008

Bà Hồ đã nhận được một công việc dọn dẹp tại bệnh viện công an địa phương vào tháng 5 năm 2008. Bà đã nói chuyện với một bệnh nhân về Pháp Luân Công nhưng bị báo cáo. Cảnh sát ở Đồn Công an Đại Sơn đã nhanh chóng đến bắt bà. Bà Hồ đã trốn thoát khỏi đồn công an nhưng bị bắt trở lại. Công an đã đánh vào đầu bà khiến bà bị nội thương nặng và bị choáng váng. Sau đó, bệnh cao huyết áp di truyền của bà tái phát, căn bệnh này của bà trước đó vốn đã khỏi nhờ tu luyện Pháp Luân Công.

Trong lúc bà bị giam giữ, cảnh sát đã đột kích vào nhà và tịch thu các sách Pháp Luân Công của bà. Sau đó, họ đưa bà đến Trại tạm giam Số 1 thành phố Nam Xương. Một tháng sau, bà Hồ bị chuyển đến Trại Lao động Nữ tỉnh Giang Tây để thụ án 1 năm. Bà bị cưỡng chế đọc và xem các tài liệu phỉ báng Pháp Luân Công, bị biệt giam và bị cưỡng bức lao động khổ sai không công trong thời gian dài.

Bản án 4,5 năm tù sau vụ bắt giữ năm 2011

Bà Hồ bị bắt vào tháng 9 năm 2011 khi đang phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công ở huyện Nam Xương. Cảnh sát đã đưa bà đến Trại tạm giam huyện Nam Xương. Ở đó họ còng tay và chân của bà lại với nhau trong 24 tiếng. Bà đã tuyệt thực để phản kháng và lính canh đã tháo cùm cho bà. Vài ngày sau, cảnh sát đột kích vào nhà và tịch thu máy tính, máy in, ổ ghi đĩa CD và các sách Pháp Luân Công của bà.

Quyết định bắt giữ chính thức bà Hồ được ban hành vào ngày 24 tháng 10 năm 2011 và bà bị đưa ra xét xử tại Tòa án huyện Nam Xương vào ngày 23 tháng 4 năm 2012. Sau đó họ kết án bà 4,5 năm tù.

Ngay khi đưa bà vào Nhà tù Nữ tỉnh Giang Tây, họ cưỡng chế bà phải đọc và xem các tài liệu phỉ báng Pháp Luân Công. Lính canh cũng ép bà đọc các bài viết của nhiều tôn giáo khác nhằm khiến bà từ bỏ Pháp Luân Công.

Trong thời gian bị cầm tù, bà Hồ cũng bị cưỡng chế lao động khổ sai không công hơn tiếng mỗi ngày. Sức khỏe của bà Hồ suy giảm đáng kể sau vài năm bị giam cầm. Thị lực của bà suy giảm, huyết áp cao, thiếu máu trầm trọng, chảy máu âm đạo không ngừng và các bệnh phụ khoa khác. Sau khi được thả, bà biết tin con trai đã trở nên trầm lặng ít nói và con gái bà đã than khóc trong suốt thời gian bà không ở bên hai con.

Bản án 1,5 năm tù sau vụ bắt giữ năm 2018

Bà Hồ bị bắt vào ngày 10 tháng 4 năm 2018 trong khi đang đọc các bài giảng của Pháp Luân Công tại nhà một học viên khác. Trong số các cảnh sát tham gia bắt giữ bà có đội trưởng Triệu Sơ Kim của Đội An ninh Nội địa quận Thanh Sơn Hồ. Họ thẩm vấn và sau đó chuyển hồ sơ vụ án của bà tới Viện Kiểm sát quận Tây Hồ.

Tòa án quận Tây Hồ đã kết án bà Hồ 1,5 năm tù và phạt tiền 5.000 nhân dân tệ mà không tổ chức xét xử hay thông báo cho gia đình bà.

Bà Hồ thụ án ở trong trại tạm giam Số 1 thành phố Nam Xương. Bà thường xuyên phải ngủ trên sàn bê tông và không được cung cấp đủ thức ăn. Bà đã được thả vào tháng 10 năm 2019.

Bài liên quan:

Thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây: 14 học viên bị kết án tù vào cuối năm 2019 vì đức tin vào Pháp Luân Công

Tỉnh Giang Tây: Năm cư dân bị giam giữ quá thời hạn luật định vì đức tin của họ

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/8/18/464326.html

Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2023/8/19/210885.html

Đăng ngày 22-09-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share